Thuế và làm thêm

Thu nhập miễn thuế

Kể từ năm 2013, sinh viên đi làm với mức lương tối đa 450 Euro/tháng được coi là làm thêm (Minijobber), được miễn thuế thu nhập, miễn đóng bảo hiểm xã hội, ngoại trừ bảo hiểm hưu trí. Tuy nhiên, tương tự như đối với bất kỳ lao động làm thêm nào, sinh viên có thể đặt đơn xin miễn bảo hiểm hưu trí, bằng cách thông báo cho chủ lao động. Nếu không, mức lương làm thêm sẽ tự động bị khấu trừ bảo hiểm hưu trí, tối thiểu ở mức tương đương với thu nhập 175 Euro/tháng, (tức với thu nhập 10 Euro/tháng chẳng hạn cũng phải đóng bảo hiểm ngang với thu nhập 175 Euro/tháng).

Đối với những công việc ngắn hạn (trong vòng 2 tháng hoặc 50 ngày làm việc). Không phải đóng bảo hiểm xã hội, kể cả bảo hiểm hưu trí trong đó.

Quy định đối với những sinh viên không thuộc diện làm thêm dưới 450 Euro/tháng:

Sinh viên trong thời gian đi học làm thêm kiếm tiền nhưng vẫn đảm bảo học tập sẽ không phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc và bảo hiểm thất nghiệp, ngoại trừ bảo hiểm hưu trí. Những công việc làm thêm đó không được vượt quá 20 giờ mỗi tuần hoặc công việc không quá 2 tháng hoặc công việc phần lớn trong dịp nghỉ. Mức lương không đóng vai trò quyết định. Những công việc làm trong kì học cũng được miễn bảo hiểm y tế, và bảo hiểm thất nghiệp, nếu thời gian làm việc hàng tuần không vượt quá 20 tiếng. Chỉ được vượt quá 20 tiếng một tuần nếu thời gian làm việc chủ yếu vào cuối tuần hoặc thời gian tối hoặc đêm.

Nếu một công việc với thời gian làm việc không quá 20 tiếng và nhiều hơn 20 tiếng chỉ trong kì nghỉ, vẫn không phải đóng bảo hiểm.

Sinh viên có thể làm nhiều hơn 20 tiếng một tuần nếu họ chỉ có một hợp đồng làm việc giới hạn trong vòng 2 tháng, cũng có thể nhiều lần như thế kế tiếp nhau. Đối với công việc trong kì nghỉ có thể làm lâu hơn 2 tháng. Tuy nhiên, đối với tất cả các công việc làm có thời hạn, phải chú ý đến "quy định 26 tuần" (182 ngày): Nếu trong một năm, tính ngược từ thời điểm dự tính kết thúc công việc, đã có nhiều công việc với thời gian làm việc nhiều hơn 20 tiếng, kéo dài hơn 26 tuần (182 ngày), thì phải đóng bảo hiểm xã hội.

Minijob: Đây là công việc thu nhập thấp, không phải dành riêng cho giới sinh viên mà áp dụng cho mọi đối tượng. Theo quy định, hàng tháng không được quá 450 Euro, thời gian tối đa 2 tháng hay 50 ngày làm việc trong năm. Thu nhập này được miễn thuế và trích nộp bảo hiểm xã hội. Ngược lại, chủ lao động phải đóng đổ đồng 30% lương, trong đó 15% dành cho bảo hiểm hưu trí, 13% cho bảo hiểm y tế và 2% còn lại cho thuế. Khi thu nhập từ 450,01 Euro đến 850 Euro, sẽ thuộc công việc thu nhập thấp Niedriglohnjob và áp dụng các quy định riêng về trích nộp bảo hiểm xã hội. Theo đó, mặc dù chủ lao động đóng đổ đồng bảo hiểm y tế và hưu trí, nhưng sinh viên không được hưởng bảo hiểm y tế từ công việc này. Sinh viên phải tự lo lấy bảo hiểm y tế, hoặc đóng phí tự nguyện hoặc ăn theo gia đình đang được hưởng bảo hiểm y tế nhà nước. Riêng phí bảo hiểm hưu trí do chủ lao động đóng sẽ được tính vào qũy hưu trí cho người lao động.

Werkstudent: Định nghĩa này dành cho sinh viên làm thêm tối đa 20 tiếng một tuần trong thời gian học và hưởng thu nhập từ công việc này. Khác với công việc làm thêm bình thường, Werkstudent gần chuyên môn với ngành học. Kiến thức lý thuyết mà sinh viên tích lũy trong quá trình học có thể ứng dụng trong việc làm thêm, phổ biến nhất ở lĩnh vực kĩ thuật hay khoa học tự nhiên. Cả những sinh viên ngành luật, khoa học truyền thông hay Marketing cũng có thể nhận được hợp đồng Werkvertrag thích hợp. Lợi thế của công việc này là thường được chủ lao động hỗ trợ cho các công trình chuyên môn. Ngoài ra, chủ lao động có thể qua đó tìm kiếm nguồn nhân sự trẻ cho tương lai. Mức lương trả theo quy định trong hợp đồng tập thể của doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát, hơn 2/3 sinh viên làm thêm, nhưng đa số làm việc không liên quan đến ngành học.

Studentische Hilfskraft: Một khả năng kiếm tiền khác dành cho sinh viên là làm thêm trong trường đại học, hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu. Studentische Hilfskraft chủ yếu gồm những công việc như phô tô, tìm sách trong thư viện, dạy thêm cho sinh viên, hỗ trợ và cộng tác trong các dự án nghiên cứu. Thông tin về công việc này thường được giáo sư cung cấp trong buổi học. Nhưng đa số giảng viên thích tìm những người nổi bật trong giờ. Thời gian làm việc tối đa 80 tiếng một tháng, ngang với công việc của Werkstudent. Mức lương thường do tiểu bang, một phần do trường đại học ấn định.

Để nhận được công việc này, phải học ít nhất 2 kì ở trường. Nhiều giảng viên yêu cầu sinh viên phải có vốn kiến thức nhất định. Tuy nhiên, khái niệm studentische Hilfskraft không chỉ dành cho công việc liên quan đến trường đại học. Nhiều chủ lao động tìm lao động bán thời gian cũng sử dụng khái niệm này. Thông thường, họ tìm người dạy kèm, làm trong lĩnh vực ăn uống, tiếp thị thông qua Studentenwerk của trường đại học. Những thông tin tuyển dụng được dán nhiều nơi trong trường. Theo luật xã hội, công việc này mang tính bán thời gian (làm thêm) và không phải trích nộp phí bảo hiểm xã hội. Qua đó, chủ lao động tiết kiệm được nhiều chi phí nên rất thích tuyển dụng sinh viên. Tuy nhiên cần lưu ý, thu nhập không được vượt quá khoản miễn thuế hàng năm 8.820 Euro (năm 2018). Nếu không sẽ phải đóng thuế thu nhập.

(Đọc thêm Ấn phẩm Sổ tay học sinh sinh viên - Chính sách thu nhập, học bổng)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang