Thú chơi đốt tiền tỷ ngày Tết; Hiếm xe công nghệ dịp Tết; Chợ 4.0 lan tỏa vùng quê; Môi giới BĐS chật vật đòi tiền hoa hồng

NHỮNG THÚ CHƠI ĐỐT TIỀN TỶ NGÀY TẾT CỦA NHÀ GIÀU VIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Giới nhà giàu Việt sẵn sàng chi hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để mua quà biếu hoặc là những món đồ chơi xa xỉ dịp Tết.

Cứ đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết Nguyên đán, không ít đại gia Việt gây sửng sốt bởi cách chi tiền mạnh tay để mua những món đồ siêu đắt đỏ.

Mua quà Tết tiền tỷ

Những sản phẩm siêu sang như đông trùng hạ thảo Tây Tạng nguyên con 100% tự nhiên với giá hàng chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng chính là quà Tết được nhiều đại gia săn lùng.

Tại một cửa hàng chuyên bán thực phẩm cao cấp ở Hà Nội, một hộp đông trùng hạ thảo Tây Tạng thiên nhiên nguyên con có giá 85 triệu đồng/hộp 50g. Với giá này, mỗi kg đông trùng hạ thảo loại này có giá khoảng 1,7 tỷ đồng.

Những hộp nhỏ trọng lượng 5g giá 8,5 triệu đồng/hộp, hộp 10g có giá 17 triệu đồng/hộp...

Theo người bán, đây là loại đông trùng hạ thảo nguyên con 100% tự nhiên có nguồn gốc từ Tây Tạng - Trung Quốc. Đông trùng hạ thảo Tây Tạng thường được giới đại gia "săn" về để làm quà tặng cho người thân và đối tác trong dịp Tết năm nay.

Chọn cây cảnh siêu đắt

Cây cảnh là một trong những thú chơi không thể thiếu của đại gia trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, những gốc đào cổ thụ nhiều dáng, nhiều thế có tuổi đời lên đến cả trăm năm được giới nhà giàu đặc biệt ưa chuộng. Những cây đào loại này có giá lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi cây.

Ngoài ra, còn vô số những cây cảnh đắt đỏ khác tề tựu về Hà Nội dịp Tết Nguyên đán. Một trong những cây cảnh đắt nhất dịp Tết Quý Mão 2023 này là cây sanh cổ của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường (Hải Dương).

Ngay trước Tết Nguyên đán, ông đã mang 3 cây sanh cổ gồm: “Thần Kim Quy", “Trường Sơn” và “Ngũ Thường" đến Hà Nội để giới thiệu tại một triển lãm, sẵn sàng chào mời khách mua.

Nói về giá trị của những cây cảnh trên, ông Cường cho biết, đắt nhất là “Thần Kim Quy", có giá khoảng 10 tỷ đồng. Hai tác phẩm còn lại gồm “Trường Sơn" và “Ngũ Thường", mỗi cây có giá khoảng 5 tỷ đồng.

Một nghệ nhân khác, ông Trương Ngọc Xuân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chuyên tạo ra quất cần thăng thì cho biết: "Kinh tế hậu COVID-19 dường như chỉ khó khăn ở tần lớp bình dân, chứ người có tiền người ta vẫn mạnh tay chi tiền lắm. Những cây quất giá vài trăm triệu của tôi đã bán hết từ rất sớm, trước Tết cả vài tháng".

Ăn sơn hào hải vị "cưỡi máy bay" về nước

Bên cạnh món ăn truyền thống, giới nhà giàu Việt còn tìm mua các món sơn hào hải vị đắt đỏ bậc nhất thế giới để làm phong phú thêm bàn tiệc của gia đình.

Đứng đầu trong danh sách những món ăn được giới nhà giàu ưa chuộng trong năm nay chính là các loại cua biển. Với cua Tasmania Úc, đại gia phải bỏ ra từ 3-4 triệu đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 7,5 triệu đồng/kg. Tính ra, mỗi con cua Tasmania Úc có giá dao động từ hơn 10-60 triệu đồng.

Tương tự, cua hoàng đế Alaska với giá 2 triệu đồng cũng được nhiều khách đặt với khối lượng 2-3 con/lần về làm tiệc.

Chi chục nghìn USD đi du lịch trời Tây

Không ít gia đình chọn đi du lịch ở các nước phương Tây trong dịp Tết Nguyên đán để tận hưởng kỳ nghỉ hiếm hoi mà cả gia đình đều xa rơi công việc. Ở thời điểm hiện tại, giá tour du lịch đi Mỹ trong 10 ngày rơi vào khoảng 80 - 100 triệu đồng mỗi người. Như vậy, dù chỉ hai vợ chồng trẻ đi Mỹ, tiêu pha tiết kiệm cũng tốn khoảng 200 triệu đồng, tương đương cả chục nghìn USD.

Ngoài ra, nếu muốn đến các nước phương tây khác như Đức, Pháp, Luxembourg…mỗi khách hàng tại Việt Nam cũng phải bỏ ra khoảng 50 - 60 triệu đồng cho mỗi người lớn.

(Nguồn: Soha)

KHAN HIẾM XE CÔNG NGHỆ DỊP TẾT

Dù được các hãng đưa ra chính sách thưởng, một lượng tài xế công nghệ vẫn nghỉ chạy dịp Tết khiến giá cước tăng cao và thời gian khách tìm xe lâu hơn.

Bắt xe công nghệ hai bánh từ phố Vĩnh Phúc (Ba Đình) tới Đào Duy Anh (Đống Đa) ngày cuối năm, Gia Huy cho biết đã dùng tất cả ứng dụng gọi xe nhưng mất hơn bình thường 10-15 phút mới có tài xế nhận cuốc. Quãng đường khoảng 7 km được ứng dụng báo giá gần 80.000 đồng (thông thường chỉ tốn khoảng 30.000 - 40.000 đồng).

Tương tự, chiều tối qua, anh Hoàng Phong không thể bắt taxi công nghệ để đưa bố mẹ ra ga Hà Nội để về Hải Phòng. "Tôi chờ mãi không bắt được chiếc nào nên phải lấy xe nhà chở mọi người ra ga cho kịp giờ", anh Phong cho hay.

Anh Huy Hoàng (quân 4, TP HCM) cũng cho hay những ngày gần đây thường đặt giao hàng ở văn phòng tại quận 1. "Kinh nghiệm của tôi là những ngày này, khi ở khu vực trung tâm mới nên gọi xe, còn ra xa thì chờ rất lâu", anh Hoàng nói.

Dự kiến được tình hình khan hiếm tài xế cao điểm Tết, hàng loạt ứng dụng gọi xe trước đó đã thông báo chương trình thưởng trong mùa cao điểm để giữ chân họ hoạt động. Áp dụng từ mùng 1 đến mùng 5 Tết (tức 22/1 đến 26/1), Grab cho hay sẽ thưởng đối tác tài xế 4 bánh 5% và đối tác tài xế 2 bánh đến 8% tổng doanh thu các chuyến xe và đơn hàng hoàn thành.

Ngoài ra, cứ "nổ cuốc" giá cước tối thiểu cho chuyến 2 bánh là 17.000 đồng và 4 bánh là 35.000 đồng, bất kể khách đi quãng đường ngắn hơn. Phần chi phí chênh lệch sẽ do nền tảng bù để đảm bảo thu nhập tối thiểu.

Với Gojek, tài xế 4 bánh có thể nhận thưởng một triệu đồng nếu có 20 chuyến xe vào 30 và mùng 1 Tết. Mùng 2 đến mùng 6, nếu có tổng cộng 40 chuyến thì nhận thêm 1,5 triệu đồng. Song song đó là các chương trình thưởng hiệu suất với mức thưởng cao nhất theo ngày là 700.000 đồng và theo tháng là 4 triệu đồng. Tài xế 2 bánh có thể nhận cao nhất 1,1 triệu đồng tại TP HCM và 1,12 triệu đồng tại Hà Nội mỗi ngày nếu đủ yêu cầu.

Trong khi đó, Be cho hay giai đoạn Tết (21-26/1), các tài xế 4 bánh có thể nhận thưởng 5% cước phí chuyến đi. Và giai đoạn 27/1-5/2, tài xế xe 4 bánh và 2 bánh đạt đủ số chuyến yêu cầu sẽ được thưởng lần lượt đến 1,5 triệu và 500.000 đồng.

Beamin thì cho hay shipper giao hàng từ 29 đến mùng 5 Tết sẽ được thưởng theo mốc số đơn giao thành công, thấp nhất là 30 đơn nhận 140.000 đồng và cao nhất là 960.000 đồng cho tài xế giao được từ 160 đơn.

Dẫu vậy, số lượng tài xế công nghệ nghỉ chạy Tết vẫn không nhỏ khiến giá cước và thời gian chờ đợi của hành khách càng gần giao thừa càng lớn hơn. Anh Nam Bình làm ở một công ty bao bì tại TP HCM cho biết nhận thưởng Tết được 500.000 đồng và phải nghỉ sớm từ đầu tháng 1 nên chạy Grab kiếm thêm thu nhập trước khi về quê. "Tôi không định chạy Tết nên không để ý đến thưởng", anh nói.

Một số tài xế Grab khác cho rằng thưởng Tết năm nay không hấp dẫn so với trước. Năm 2022, tài xế đủ cuốc yêu cầu có thể được hưởng thêm đến 16% tổng giá trị các cuốc đó trong giai đoạn Tết, như với giao đồ ăn hay đi chợ. Trong khi chở người hay giao hàng cũng được 8%.

Ngay cả một vài tài xế quyết định chạy xuyên Tết cũng cho rằng mức thưởng hiện không phải động lực chính. Anh Hùng Minh, tài xế be 2 bánh có nhà tại TP HCM nói mức thưởng tính ra không bao nhiêu nhưng mùa này khách đi hay chê đắt.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam năm nay đạt 3 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái. Thị trường này có thể tăng trưởng 21% mỗi năm và đạt quy mô 5 tỷ USD vào 2025.

Cũng theo khảo sát, những người tiêu dùng kỹ thuật số của báo cáo, có 23% và 22% cho biết sẽ tăng cường dùng các dịch vụ gọi xe và đồ ăn trực tuyến trong 12 tháng tới. Trong khi đó, tỷ lệ cho rằng sẽ duy trì tần suất sử dụng đã có của cả hai nhóm dịch vụ này đều trên 50%.

(Nguồn: Vnexpress)

CHỢ 4.0 LAN TOẢ MỌI VÙNG QUÊ

(Ảnh minh hoạ).

Đi chợ thời công nghệ số, mua hàng không cần tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ từ thành phố tới các vùng nông thôn.

Chợ không tiền mặt

Trước đây, mỗi lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Hường (Cần Thơ) phải mang theo một lượng tiền mặt nhất định. Từ khi làm quen với phương thức thanh toán số, chị Hường chỉ cần cầm theo điện thoại thông minh, quét mã và thanh toán. Từ hàng rau tới quầy bán thịt đều có dán mã QR để cho người mua tiện thanh toán. “Đi chợ không tiền mặt vừa nhanh mà không phải lo làm rơi tiền hay bị móc ví”, chị Hường nói.

Bà Trang, tiểu thương bán trái cây cho hay, người bán không còn phải lo tiền lẻ để trả lại cho khách. Qua điện thoại thông minh quét mã QR, số tiền cần thanh toán hiển thị chính xác từng con số. Tiểu thương không lo nhận phải tiền giả hay mất cắp khi mang nhiều tiền mặt bên người.

“Cuối ngày, tôi nắm bắt được ngay các khoản thu chi trong ngày, không phải tính toán thủ công như trước. Sử dụng rất tiện và đơn giản”, bà Trang nói.

Tháng 9/2022, Sở Công Thương Cần Thơ và VNPT Cần Thơ phối hợp ra mắt mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ An Thới, quận Bình Thủy. Ðây là mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên tại Cần Thơ.

Với chiếc điện thoại trên tay, thậm chí chưa cần đến smartphone hay kết nối Internet, tiểu thương và người dân có thể thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại.

Việc thực hiện mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” được tiểu thương và người dân hưởng ứng vì mang lại những lợi ích rất thiết thực. Nhờ vào hạ tầng viễn thông mạnh, phủ sóng toàn quốc, lần đầu tiên, chỉ bằng số điện thoại, người dân ở bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm giao thương không tiền mặt, với đa dạng nguồn tiền, sử dụng mọi nơi, mọi lúc.

Tới nay, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng mô hình chợ 4.0, đi chợ không dùng tiền mặt. Chẳng hạn, tại huyện Càng Long (Trà Vinh), Viettel Trà Vinh triển khai mô hình chợ công nghệ mới tại chợ Nhị Long. Cà Mau đồng loạt triển khai 10 điểm “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt”. Tiền Giang ra mắt mô hình chợ 4.0 đầu tiên tại chợ Vĩnh Bình.

Ở khu vực phía Bắc, Thái Nguyên đặt mục tiêu triển khai tại 100% chợ, phấn đấu đến hết năm 2022, 100% tiểu thương, hộ kinh doanh cố định trang bị và sử dụng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt. Bắc Ninh thử nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống từ tháng 12/2022, và năm 2023 sẽ triển khai đồng loạt tại các chợ còn lại trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến trong tương lai không xa, “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” sẽ phủ sóng tới tận vùng núi, nông thôn ở khắp 63 tỉnh, thành.

Hướng tới xã hội không dùng tiền mặt

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho hay, với mô hình chợ không tiền mặt và dịch vụ Mobile Money, VNPT mong muốn được chung tay triển khai chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt quốc gia, giúp mỗi người, mỗi nhà tiếp cận những dịch vụ tài chính số với nhiều lợi ích thật sự thiết thực.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính, Việt Nam đang tiến gần hơn đến một nền tài chính toàn diện và dần trở thành một xã hội không dùng tiền mặt. Nghiên cứu của Google cho thấy, đại dịch đã thay đổi cách người dùng kết nối nguồn tiền và cách họ tương tác với các ngân hàng. Thói quen thanh toán bằng tiền mặt đã thay đổi hoàn toàn ngay cả khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng. Ngày càng có nhiều người Việt sử dụng các công nghệ thanh toán mới.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam - Lào cho biết, Việt Nam có tỷ lệ tiếp cận Internet, sử dụng điện thoại thông minh lớn, đây là một lợi thế, tác động vào hành vi người tiêu dùng, chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức không dùng tiền mặt. Số lượng người tiêu dùng không dùng tiền mặt ở Việt Nam ngày càng tăng. Ước tính cứ 3 người thì 2 người đã từng sử dụng phương thức thanh toán không cần dùng tiền mặt.

Mô hình chợ 4.0 là một trong những mục tiêu xây dựng kinh tế số. Người dân là chủ thể xây dựng công dân số. Từ thành thị đến nông thôn, người dân đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại, tiếp cận các dịch vụ tài chính số.

Số hóa đã len lỏi vào ngóc ngách cuộc sống của người dân một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả nhất. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, việc mở ra những cơ hội giao thương trên nền tảng số cho người dân được coi là nhiệm vụ quan trọng.

(Nguồn: Vietnamnet)

MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN CHẬT VẬT ĐI ĐÒI TIỀN “HOA HỒNG”

Thị trường bất động sản năm qua không mấy thuận lợi khiến nhiều sàn môi giới cũng gặp khó khăn. Thậm chí, có môi giới ngày cận Tết vẫn chật vật đi đòi tiền “hoa hồng”.

Doanh nghiệp môi giới bán tài sản để thanh toán lương, thưởng

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản không có tiền, việc trả lương thưởng ngày Tết là điều rất khó.

Anh N.T, chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời điểm thị trường bất động sản diễn biến sôi động đã xuống tiền mua 10 mảnh đất tại vùng ven chờ bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, thị trường đột ngột phanh gấp khiến anh cũng rơi vào thế khó.

“Không chỉ nhà đầu tư khó bán được đất, mà ngay cả những người làm lâu năm trong lĩnh vực bất động sản như tôi cũng vậy. Trong 8 năm làm nghề môi giới, tôi chưa từng thấy thị trường khó khăn như vậy. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải cắt giảm lượng lớn nhân sự vào dịp cuối năm vừa qua. Ở văn phòng tôi thì không cắt giảm nhưng một số người vì không có giao dịch cũng đã chủ động chuyển sang những công việc khác kiếm sống”, anh T nói.

Càng về cuối năm âm lịch, thị trường bất động sản càng ảm đạm. Cố gắng để lo Tết Nguyên đán chu toàn cho nhân viên, anh T đã chấp nhận giảm giá sâu một mảnh đất để bán lấy tiền trả lương, thưởng và tất toán một số khoản nợ trước đó.

“Đến ngày 26 tháng Chạp vừa qua tôi mới hoàn tất giao dịch lô đất này với giá 2 tỷ đồng. Sau đó 2 ngày tôi đã chuyển khoản đủ lương thưởng cho anh em trong văn phòng. Chính xác là không bán được hàng sẽ không có lương thưởng, nhưng nghĩa lại, mọi người theo tôi đã lâu nên vẫn cố gắng lo trả trước Tết để mọi người yên tâm về quê. Tôi cũng đã chia sẻ rõ với mọi người những khó khăn của thị trường và công ty đang gặp phải, để xong kỳ nghỉ Tết tất cả sẽ xác định hướng đi mới. Tết xong, dựa vào số lượng môi giới vẫn muốn tiếp tục làm việc, chính sách của công ty cũng sẽ có sự thay đổi”, anh T nói.

Môi giới bất động sản chật vật đòi tiền ngày cận Tết

Bên cạnh đó, một số môi giới khác dù thị trường đã kém thanh khoản nhưng khi có giao dịch thành công lại bị nợ lại, không chịu thanh toán. Đơn cử, trường hợp của anh Nguyễn Mạnh, môi giới bất động sản tại Bắc Giang cho biết, tính cả năm 2022, chỉ có duy nhất 3 giao dịch thành công.

“Mặc dù thị trường rất hiếm giao dịch thành công, nhưng tôi vẫn cố gắng tìm mọi cách để bán hàng như chạy quảng cáo, liên hệ khách hàng cũ, nhờ người quen giới thiệu,... Cả năm trời đi làm được 3 giao dịch nhưng lại bị nợ lại. Chủ sàn môi giới hứa cuối năm sẽ thanh toán hết tiền hoa hồng cho tôi. Tuy nhiên, đến ngày 28 tháng Chạp vẫn chưa nhận được nên tôi đã phải tới tận nhà của chủ để trao đổi. Cuối cùng tôi mới chỉ nhận được 50 triệu đồng, tương đương 50% số tiền hoa hồng. Số còn lại, chủ hứa sẽ trả sau khi Tết xong”, anh Mạnh nói.

May mắn hơn anh Mạnh, anh Nghĩa, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, đến ngày 29 tháng Chạp đã đòi được hết số tiền hoa hồng 70 triệu đồng từ 2 giao dịch thành công trong năm qua.

“Tôi cũng chỉ yêu cầu chủ trả đủ số tiền hoa hồng, không mong có thưởng Tết. Bởi thị trường đang rất khó khăn, nhiều sàn môi giới bất động thậm chí phải giải thể. Cũng may là sau nhiều lần đòi tôi cũng đã nhận đủ số tiền”, anh Nghĩa vui mừng nói.

Nói về tương lai của nghề môi giới bất động sản trong năm 2023, anh Nghĩa cho rằng, sẽ còn rất nhiều khó khăn. Bởi đến nay thị trường vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Cùng đó, tâm lý nhà đầu tư đang có sự e dè, thậm chí là sợ.

“Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu xuống tiền lúc này, sợ rằng những ngày tiếp theo giá có thể còn rẻ hơn. Do vậy, những người có sẵn tiền mặt vẫn đang đứng ngoài quan sát thị trường. Tôi hy vọng, những quyết liệt tháo gỡ của Chính phủ trong thời gian qua sẽ sớm có hiệu quả. Có vậy, môi giới như chúng tôi mới bám trụ được với nghề”, anh Nghĩa nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản nửa đầu năm 2023 sẽ không có gì thay đổi, tuy nhiên, bước sang nửa cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc để phục hồi. Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo, phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực sẽ là điểm sáng của thị trường, còn các sản phẩm có tính đầu cơ cao như đất nền sẽ tiếp tục trầm lắng, kém thanh khoản.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Kinh doanh 'thú chơi' chốt 30 Tết; Cuộc đua ngân hàng số; Đất nông thôn 'xì hơi'; Tồn kho nhà liền thổ giá triệu USD ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang