Thị trường iPhone xách tay gặp khó; 'Hạt ngọc' ôm về 4 tỷ USD; 73.000 khách vay ngân hàng lao đao vì bão; Tin xấu với mặt bằng bán lẻ

THỊ TRƯỜNG IPHONE XÁCH TAY DẦN ĐI ĐẾN HỒI KẾT

Việc Việt Nam được bán iPhone chỉ sau thị trường lớn trên thế giới 1 tuần là nguyên nhân chính khiến thị trường xách tay trở nên đầy rủi ro đối với dân buôn.

iPhone 16 đã ra mắt và những người yêu thích hãng điện thoại Apple luôn chờ từng ngày để được ngắm nhìn và sở hữu sản phẩm trên tay. Đặc biệt trong năm nay, bộ bốn iPhone 16 bắt đầu được giao hàng tại các thị trường như Mỹ, Australia, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản từ ngày 20/9 và chỉ sau 1 tuần, thị trường Việt Nam cũng bắt đầu mở bán.

Cũng chính vì sự chênh lệch ngày mở bán chỉ vỏn vẹn 1 tuần giữa thị trường quốc tế và Việt Nam, nên những người buôn iPhone xách tay cũng "đứng ngồi không yên".

Anh Nguyễn Bồ Phúc (chủ một cửa hàng điện thoại chuyên iPhone xách tay tại Hà Nội) cho biết, thị trường iPhone xách tay như một cánh cửa đang khép dần đối với những người kinh doanh lâu năm. " Chúng tôi còn dần chuyển sang bán iPhone chính hãng, bởi việc người dùng có thể mua iPhone chính hãng sớm hơn những năm trước, khiến mức giá hàng xách tay gặp nhiều bất lợi, trong khi đó để có thể mua máy sớm cần rất nhiều những chi phí như vé máy bay, ăn ở, đi lại..." , anh Phúc chia sẻ.

Trước ngày ra mắt, anh Phúc cho biết vẫn sẽ xếp hàng để mua iPhone 16, tuy nhiên chủ yếu phục vụ đam mê sở hữu những thiết bị của Apple một cách sớm nhất.

iPhone năm nay không có quá nhiều những điểm cải tiến so với thế hệ trước đó. Tuy nhiên sự trở lại của màu vàng sa mạc (Desert titanium), theo đại diện cửa hàng bán iPhone xách tay đánh giá, sẽ là niềm hy vọng bởi nhiều người chịu chi tiền nhiều hơn để sở hữu sớm. Theo quan niệm của người châu Á, màu vàng theo phong thủy tượng trưng cho sự giàu sang.

Bật mí về giá của những chiếc iPhone 16 Pro Max xách tay khi về Việt Nam, anh Phúc chia sẻ: "Giá chỉ từ 48-50 triệu đồng vào những ngày đầu tiên. Đến ngày iPhone chính thức ra mắt tại Việt Nam, còn tùy vào mức độ khan hiếm, hàng mà giá iPhone xách tay cũng chỉ chênh lệch khoảng 1-2 triệu đồng".

Đánh giá về tệp khách hàng của những chiếc iPhone xách tay, ông Nguyễn Lạc Huy - Đại diện truyền thông của CellphoneS cho rằng, một số khách hàng vẫn mua iPhone xách tay, sẵn sàng trả phí cao hơn để sở hữu sản phẩm sớm hơn vài ngày do tâm lý muốn sở hữu sớm nhất, sở hữu đầu tiên.

Tuy vậy, đây chỉ là số ít, giờ đây với lợi thế về thời gian ra mắt trước ở thị trường quốc tế dần bị xóa mờ, việc giữ mức giá cao sẽ khó khăn hơn nhiều trong năm nay vì khoảng cách thời gian giữa việc bán iPhone trên toàn cầu và tại thị trường Việt Nam đang thu hẹp lại, chỉ còn khoảng 1 tuần. Thông thường, iPhone xách tay có sức hút nhờ vào việc có sớm trước khi hàng chính hãng được bán ra, nhưng với thời gian rút ngắn như vậy, lợi thế này gần như biến mất.

Đại diện của CellphoneS cũng khẳng định, việc lựa chọn mua hàng chính hãng cũng mang lại rất nhiều ưu đãi, chính sách hỗ trợ từ các đơn vị bán lẻ. Đặc biệt là tại Việt Nam, giá iPhone chính hãng hiện nay không còn quá chênh lệch so với quốc tế. Sản phẩm chính hãng được bảo hành tại các trung tâm ủy quyền của Apple, mang lại sự yên tâm cho khách hàng. Cũng với đó là những chương trình khuyến mãi sẽ được công bố từ 20/9.

Theo ông Nguyễn Minh Khuê - Đại diện hệ thống Viettel Store cũng đưa ra nhận định, với những nâng cấp vượt trội dành cho cả 4 phiên bản iPhone 16 cho thấy người dùng năm nay sẽ có các lựa chọn dàn trải hơn thay vì thường tập trung vào phiên bản Pro/ Pro Max như mọi năm: "Để dự đoán một sản phẩm sẽ là xu hướng năm nay, tôi cho rằng đó là iPhone 16 Pro Max Titan Sa mạc ".

Ngoài ra với việc vẫn được mở đặt trước và trả hàng sớm tại Việt Nam, Viettel Store tin rằng sức mua sẽ tăng cao bởi khách hàng sẽ ưu tiên chọn hàng chính hãng để đảm bảo quyền lợi sau bán hàng thay vì xếp hàng mua iPhone ở các nước lân cận hay lựa chọn hàng xách tay.

Nhận định về thị trường iPhone 16 năm nay, CellphoneS cũng đưa ra công bố về mức độ quan tâm của khách hàng đối với dòng iPhone mới, theo đó Base/Plus: Dung lượng 128GB vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất ở phân khúc này, cho thấy khách hàng phổ thông ưu tiên mức giá thấp hơn khi mua. Tuy nhiên, sự quan tâm đến phiên bản 256GB đã tăng đáng kể (20%)

Dòng iPhone 16 Pro/Pro Max: Phần lớn khách hàng chọn 256GB (76.77%) trên các phiên bản cao cấp, cho thấy nhóm khách hàng này có xu hướng lựa chọn cấu hình mạnh để phục vụ cho các nhu cầu công việc và giải trí cao cấp.

Bản 1TB chỉ chiếm 4% có thể phản ánh mức giá cao với của phần lớn người tiêu dùng, hoặc nhu cầu lưu trữ của đa số khách hàng vẫn được đáp ứng tốt ở mức 256GB và 512GB.

Về màu sắc: đối với dòng base/plus màu xanh lưu ly nhận được đông đảo sự yêu thích của khách hàng khi chiếm 4-50% số lượng khách hàng quan tâm đối với pro/prm, không ngạc nhiên khi năm nay màu titan sa mạc lại được yêu thích, chiếm hơn 70% lượng khách hàng quan tâm.

'HẠT NGỌC' VIỆT 'ÔM' VỀ 4 TỶ USD, NHIỀU ĐƠN HÀNG CỰC LỚN

‘Hạt ngọc’ của Việt Nam đang rất đắt khách ở các quốc gia Đông Nam Á, doanh nghiệp ký được những đơn hàng xuất khẩu rất lớn. Nhờ đó, nước ta đã thu về hơn 4 tỷ USD.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 9 năm nay, nước ta xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, gạo xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 6,2% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21,2% (tương đương tăng 710 triệu USD).

Về thị trường xuất khẩu, mặt hàng được ví như “hạt ngọc” Việt Nam rất đắt khách ở Đông Nam Á, với 3 khách hàng lớn nhất là Philippines, Indonesia và Malaysia tính đến hết tháng 8.

Cụ thể, khách hàng lớn nhất là Philippines đã chi ra gần 1,72 tỷ USD để mua 2,81 triệu tấn gạo của Việt Nam trong 8 tháng qua. So với cùng kỳ năm trước, gạo xuất khẩu của nước ta sang thị trường này tăng 19,6% về lượng và 39,8% về giá trị.

Indonesia tiếp tục đẩy mạnh thu mua gạo Việt Nam từ năm ngoái đến nay. Chỉ trong 8 tháng năm 2024, quốc gia Đông Nam Á này đã mua gần 913.900 tấn gạo, tương đương 557,8 triệu USD. Xuất khẩu gạo Việt sang Indonesia tăng 27,3% về lượng, tăng 54,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, nước ta xuất khẩu gần 582.900 tấn gạo sang Malaysia, thu về 345,9 triệu USD. Gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng vọt 112% về lượng và tăng 152,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc tăng mua lượng lớn gạo đưa Malaysia trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, vượt Trung Quốc.

Giá gạo xuất khẩu trung bình của nước ta trong 8 tháng năm nay đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 17/9, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của nước ta đạt 565 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 535 USD/tấn, gạo 100% tấm giá 455 USD/tấn.

Các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, rất khó để dự báo giá gạo trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, giá sẽ khó giảm bởi nguồn cung dành cho xuất khẩu không còn nhiều.

Theo thống kê, nếu xuất khẩu lượng gạo tương đương năm 2023, tức trong 3,5 tháng còn lại của năm 2024 nước ta còn khoảng 1,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Chưa kể, miền Bắc vừa qua có hơn 200.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại do bão lũ cũng ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng này.

Trong khi đó, một số quốc gia ở Đông Nam Á vẫn có nhu cầu mua lượng gạo lớn, nguồn hàng được nhắm đến là từ Việt Nam.

Đơn cử, Philippines dự kiến nhập thêm khoảng 1 triệu tấn gạo Việt.

Mới đây, Indonesia - khách hàng lớn thứ hai của gạo Việt Nam, cũng vừa công bố mời thầu gần nửa triệu tấn gạo vào tháng 9, yêu cầu nhận hàng trong tháng 10 và 11 năm nay.

Thị trường này có nhu cầu mua gạo trắng 5% tấm sản xuất trong niên vụ 2023-2024 (đã xay xát không quá 6 tháng). Gạo phải có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - cho biết, giá lúa gạo trong nước tuần qua tăng liên tục. Ngoài ảnh hưởng của mưa bão tác động đến nguồn cung, các doanh nghiệp cũng ký được những đơn hàng xuất khẩu rất lớn và đang phải mua gạo để trả cho đối tác trong những tháng cuối năm.

73.000 KHÁCH VAY NGÂN HÀNG LAO ĐAO VÌ BÃO

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, tính đến ngày 17.9, khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỉ đồng.

Ước tính dư nợ khoảng 94.000 tỉ đồng

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 17.9, khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 với dư nợ ước khoảng 94.000 tỉ đồng.

Theo thống kê sơ bộ của 4 ngân hàng thương mại (BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank), có khoảng 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng với số dư nợ ước tính 191.457 tỉ đồng. Dự kiến, số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đang tiếp tục thống kê, cập nhật.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Ngọc Đoàn (trú khu Bãi Già, xã Tàm Xá, H.Đông Anh, Hà Nội), chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô 80.000 con gà đẻ trứng trên diện tích 2,6 ha cho biết, bão số 3 đã khiến gia đình ông thiệt hại khoảng 14 - 15 tỉ đồng. Trong đó, tiền gà khoảng 11 - 12 tỉ đồng; còn lại là các thiết bị đi theo, thức ăn và trứng còn tồn trong chuồng.

Nhấn mạnh gia đình hiện tại không còn gì, phải làm lại từ đầu, ông Đoàn bộc bạch: "Gia đình tôi đang nợ BIDV và Agribank tổng cộng 20 tỉ đồng, mỗi tháng trả lãi 200 triệu đồng. Tôi đang đề nghị ngân hàng đánh giá tình hình hiện trạng để xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình được hoãn, giãn nợ, nếu được vay thêm vốn với lãi suất ưu đãi thì quá tốt".

Khó khăn chồng chất, ông Đoàn chỉ mong muốn nhanh chóng dọn dẹp chuồng trại, có vốn để tái đàn. Nếu vay được đủ tiền, dự định của ông Đoàn là ngay lập tức tái đàn trở lại với số lượng 80.000 con gà, tương ứng số vốn cần khoảng 11 - 12 tỉ đồng. Nếu nguồn vốn khó khăn, ông tính vay mượn để tái đàn ở mức khoảng 10.000 - 20.000 con.

"Không quay lưng với khách hàng trong thời điểm khó khăn"

Tại buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức chức tín dụng để trao đổi, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 gây ra diễn ra ngày 18.9, tại Hà Nội, đại điện Agribank cho biết, qua thống kê sơ bộ đến ngày 16.9, Agribank có trên 12.600 khách hàng vay bị thiệt hại do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng gần 25.000 tỉ đồng.

Để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3, Agribank đã rà soát, thống kê và liên hệ với khách hàng nhằm nắm bắt các khoản cấp tín dụng đến hạn nhưng khách hàng không có điều kiện trả nợ do thiên tai; kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6.9 đến hết ngày 31.12…

Đại diện Vietcombank cho biết, từ ngày 9.9, nhà băng này đã cho thống kê thiệt hại, đồng thời đề xuất các bộ phận chức năng xây dựng các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Sau khi rà soát, Vietcombank đã tiến hành hỗ trợ giảm 0,5% mức lãi suất vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão. Dự đoán, Vietcombank sẽ tiến hành giảm lãi suất với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỉ đồng.

Đại diện BIDV thông tin, ngay sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã rà soát, đánh giá tình hình trong toàn hệ thống, chủ động thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi cho khách hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng có kế hoạch giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6.9. Mức hỗ trợ lãi suất cho vay mới dự kiến khoảng 1%.

Đối với khoản vay hiện hữu, ngân hàng xem xét giảm lãi suất ở mức 0,5%. Cạnh đó, BIDV ban hành gói tín dụng 200.000 tỉ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường.

Tương tự các ngân hàng thương mại khác, theo đại diện Vietinbank, ngân hàng này cũng tiến hành các chương trình ưu đãi lãi suất, hỗ trợ tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cũ và hỗ trợ lãi suất vay đối với khách hàng mới theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ khách hàng khắc phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng trên nhiều mặt, không chỉ bằng nguồn lực tài chính, nguồn vốn mà cần hỗ trợ tư vấn, động viên, không quay lưng với khách hàng trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Ông Tú cũng đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát khách quan, minh bạch theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp với năng lực của mỗi tổ chức tín dụng trên tinh thần tích cực, tập trung vào chính sách giãn, hoãn thời hạn trả nợ, chính sách giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ do ảnh hưởng của bão lũ và cả các khoản vay mới…

TIN XẤU VỚI MẶT BẰNG BÁN LẺ ĐẮC ĐỊA BẬC NHẤT TP.HCM, CHU KỲ 10 NĂM ĐANG QUAY TRỞ LẠI

Liên tục gần đây, các mặt bằng đắc địa bậc nhất trung tâm Tp.HCM, nơi toạ lạc của các thương hiệu trả mặt bằng hoặc rộ tin trả mặt bằng đang gây chú ý.

Ngày 26/8, Starbucks Reserve tại số 11-13 Hàn Thuyên, P.Bến Nghé, quận 1 chính thức đóng cửa sau 7 năm hoạt động. Ngay khi có thông tin trả mặt bằng, chủ nhà rao thuê với mức tăng 50 triệu đồng so với giá cũ, từ 700 triệu đồng/tháng lên 750 triệu đồng/tháng, tương đương 9 tỉ đồng/năm.

Ngày 16/9, trên mạng xã hội xôn xao thông tin doanh nghiệp của ông Quách Thái Công trả lại mặt bằng ở 66-68 Hai Bà Trưng (quận 1, Tp.HCM). Tuy nhiên sau đó, ông Thái Công khẳng định không hề có dự định trả mặt bằng như tin đồn. Mặt bằng này tọa lạc ở vị trí đắc địa ngay ngã tư Hai Bà Trưng giao với Nguyễn Siêu, nhìn ra Công Trường Lam Sơn cùng tòa nhà Park Hyatt Saigon.

Theo thông tin đăng thuê từ một số môi, giá cho thuê mặt bằng tòa nhà Thái Công là 45.000 USD/tháng, tương đương hơn 1,1 tỷ đồng/tháng. Mặt bằng có diện tích cho thuê 1.517m2, diện tích sử dụng 1.400m2, kết cấu một tầng trệt và 7 tầng lầu. Thời hạn cho thuê 5-10 năm, người thuê phải đặt cọc 3 tháng và thanh toán 3 tháng/lần.

Hay, mới đây, trên fanpage chính thức của McDonald's đã thông báo đóng cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam sau 10 năm hoạt động - McDonald's Bến Thành (Quận 1, Tp.HCM) vào 2h sáng ngày 19/9/2024.

Mặc dù McDonald's Bến Thành không công bố nguyên nhân đóng cửa nhưng nhiều người cho rằng, nhiều khả năng là do không gánh nổi giá thuê mặt bằng. Bởi lẽ, McDonald's Bến Thành tọa lạc ở vị trí gần chợ Bến Thành, phố Tây Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ… dễ dàng di chuyển, và đây cũng là những vị trí vàng có giá thuê đắt đỏ tại khu trung tâm Tp.HCM.

Khảo sát gần đây cho thấy, dù tỉ lệ mặt bằng trống tại các tuyến đường trung tâm Tp.HCM như Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, ... đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều mặt bằng ở vị trí đắc địa vẫn để trống khá nhiều. Trong đó, có một số mặt bằng góc hai mặt tiền "phơi nắng" thời gian dài.

Thời gian qua, việc mặt bằng ở vị trí đắc địa có giá thuê hàng trăm đến hàng tỉ đồng/tháng trả ra không còn là chuyện hiếm gặp. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá thuê cao, trong khi kinh doanh gặp khó khăn nên các thương hiệu rời đi. Có nhiều thương hiệu gắn bó hàng chục năm tại tuyến đường nhưng vì không thỏa thuận được việc gia hạn hợp đồng nên thông báo đóng cửa.

Có thể thấy những biến động kinh tế và xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã phần nào ảnh hưởng đến các quyết định của khách thuê. Theo những người trong cuộc, các nhãn hàng  có thương hiệu đang thận trọng hơn trong việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh. Thay vì mở rộng ồ ạt, các thương hiệu sẽ chọn lọc địa điểm kỹ càng, tinh gọn hệ thống cửa hàng, bộ máy quản lý để tập trung nâng cao chất lượng và trải nghiệm dịch vụ.

Trong đó, các thương hiệu quốc tế mới sẽ ưu tiên chọn mặt bằng bán lẻ trong TTTM hơn là thuê nhà phố vì nhiều lợi thế như lưu lượng khách hàng tốt và có sẵn, không gian tích hợp mua sắm giải trí, giá thuê, vận hành chuyên nghiệp, chi phí đầu tư cho cửa hàng thấp, đa dạng diện tích...

Trước động thái các brand lần lượt trả mặt bằng trung tâm cũng đặt ra câu hỏi: Có hay không xuất hiện chu kì 10 năm của thị trường bất động sản cho thuê. Trong chu kì đó, sự thay đổi mô hình kinh doanh thể hiện rõ nét. Thay vì chọn vị trí đắc địa, họ sẽ có xu hướng thuê mặt bằng nhỏ hơn nhưng có thể mở được nhiều chuỗi hơn, cùng chi phí.

Khi bên cho thuê không muốn giảm giá thì bên đi thuê cũng cân nhắc rất kỹ bài toán về chi phí, doanh thu, lợi nhuận. Cuộc chơi  thay đổi có thể chưa tạo ra sự hạ nhiệt về giá cho thuê nhà phố trung tâm nhưng ít ra có thể khiến bên sở hữu tài sản thuê cân nhắc lại các chi phí. Dẫu theo những người trong cuộc điều này rất khó diễn ra nhưng những áp lực cạnh tranh cùng việc mặt bằng bỏ trống nhiều có thể khiến các bên tính toán lại trong thời gian tới.

Nguồn: Soha; Vietnamnet; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang