Thế giới sống dựa mì ăn liền; Sóng nhiệt đốt châu Á; Vé máy bay toàn cầu vẫn đắt; Ukraine nổ lớn; Thường đỉnh TQ-Trung Á

Khi cả thế giới sống dựa vào mì ăn liền qua đại dịch và lạm phát

(Ảnh minh họa).

Thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền quốc tế (WINA) cho thấy Việt Nam, Hàn Quốc và Nepal là top 3 thị trường tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Theo Yahoo Finance, cả thế giới đang sống dựa vào mì ăn liền qua đại dịch và lạm phát khi doanh số của nhiều hãng trong ngành tăng trưởng mạnh. Mì gói là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng khi bị cách ly tại nhà ở nhiều nước và món ăn này cũng được tích trữ nhiều nhất trong thời kỳ lạm phát nhờ giá rẻ và có thể sử dụng tiện lợi mọi lúc, mọi nơi.

Ví dụ điển hình là hãng Nissin, chủ thương hiệu Cup Noodle tại Nhật Bản đã có tăng trưởng 9% doanh thu trong năm 2022, đạt mức 1,59 tỷ USD trên toàn cầu. Doanh số bán hàng trong quý IV/2022 của hãng cao hơn 41% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Nissin dự báo doanh thu quý III/2023 của tập đoàn sẽ cao hơn 5,57% so với cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí tại những thị trường như Mỹ, Nissin nhận định tốc độ tăng trưởng 32% mỗi năm khi người tiêu dùng nơi đây lựa chọn các sản phẩm có giá phù hợp trong thời buổi lạm phát. Hiện tập đoàn đã mở rộng thêm 15% kênh phân phối của hãng tại Mỹ.

Trong khi đó, báo cáo "Instant Noodles: Global Strategic Business Report" của Research and Markets cho thấy tổng giá trị thị trường mì ăn liền toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD năm 2022 và sẽ đạt 33 tỷ USD năm 2030 với mức tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 3,9%.

Đặc biệt, thị trường mì ăn liền Mỹ đã đạt 1 tỷ USD trong năm 2022, cho thấy người Mỹ ngày càng sống dựa vào mì ăn liền nhiều hơn trong thời buổi lạm phát.

Với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, báo cáo ước tính tổng giá trị thị trường mì ăn liền tại đây sẽ đạt 12,1 tỷ USD vào năm 2030 với CAGR 3,3% mỗi năm.

Tại các thị trường như Nhật Bản và Canada, tỷ lệ này tương ứng là 3,1% và 3,6%. Ở Châu Âu, tỷ lệ CAGR thị trường mỳ ăn liền tại Đức là 3,9%.

Theo Yahoo Finance, việc chính phủ các nước nâng lãi suất chống lạm phát đã ảnh hưởng đến thị trường việc làm và xói mòn sức tiêu dùng.

Chính điều này đã khiến mì ăn liền, vốn là loại thực phẩm được tiêu thụ ổn định thứ 2 trong các sản phẩm trên thế giới, ngày càng trở nên quan trọng.

Bên cạnh đó, đà đô thị hóa nhanh cùng áp lực công việc thời lạm phát khiến các đồ ăn nhanh, mì ăn liền trở thành lựa chọn hàng đầu cho giới lao động.

Ở một khía cạnh khác, thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền quốc tế (WINA) cho thấy Việt Nam, Hàn Quốc và Nepal là top 3 thị trường tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Nguồn: CafeBiz)

Sóng nhiệt 'thiêu đốt' châu Á: El Nino có khả năng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn

Châu Á được cảnh báo phải chuẩn bị tinh thần cho những ngày thậm chí còn nóng hơn ở phía trước.

Theo tờ The Straits Times (Singapore), các nhà khí tượng học mới đây đã ghi nhận mức nhiệt độ lên tới 45 độ C ở Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar; 42-43 độ C ở Bangladesh, Lào, Nepal và Trung Quốc. Đây là mức nhiệt mà hầu hết các quốc gia này chưa từng trải qua trong nhiều thập kỷ.

Nhà khí hậu học kiêm nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera cho biết, lục địa này đang trải qua "đợt nắng nóng tháng 4 tồi tệ nhất" trong lịch sử.

"Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn", ông cảnh báo.

Các nhà khí hậu học cho biết, đây mới chỉ là khởi đầu của một đợt khô hạn kéo dài có thể trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino được dự báo sẽ xuất hiện vào cuối năm 2023.

Cuộc sống bị đảo lộn

Ít nhất 13 người tử vong vì say nắng ở bang Maharashtra, phía tây Ấn Độ, gần đây. Ở Ahmedabad, thành phố đông dân nhất bang Gujarat, không khí nóng đến mức nhựa đường mới trải chưa kịp khô đã tan chảy.

Ít nhất 2 bang khác ở Ấn Độ - Tripura ở phía đông bắc và Tây Bengal ở phía đông - đã yêu cầu đóng cửa các trường học trong bối cảnh nhiệt độ tăng trên 40 độ C.

Tình hình nắng nóng cũng khiến Bangkok (Thái Lan) cảnh báo người dân hạn chế ra ngoài. Tại quận Bagna, nhiệt độ lên tới 42 độ C, trong khi chỉ số nhiệt, bao gồm độ ẩm và các chỉ số đo lường cảm giác về nhiệt độ - đạt mức kỷ lục 54 độ C, đài ABC News dẫn thông tin từ Cục Khí tượng Thái Lan.

Ông Mon Lauron, một nhà tư vấn kinh doanh ở Manila, cho biết ông đến trung tâm thương mại thường xuyên hơn để tránh nắng nóng gay gắt.

Tại Yangon, Myanmar, tài xế taxi Ko Thet Aung, tiết lộ, anh phải dừng lái xe vào thời điểm nóng nhất trong ngày.

"Tôi không thể lái xe nếu nhiệt độ quá nóng vào ban ngày", anh nói.

Nhu cầu điện tăng cao khiến lưới điện ở các quốc gia thu nhập thấp như Bangladesh quá tải. Quốc gia này buộc phải cắt điện của hàng triệu người tiêu dùng.

"Thật khó để chúng tôi ngủ vào ban đêm khi không có điện, điều đó còn khổ sở hơn việc nhịn ăn cả ngày", ông Munna Khan, một cư dân ở thị trấn Ashulia, ngoại ô thủ đô Dhaka, nói.

Các nhà khoa học nói rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến thời tiết ngày càng ấm lên.

Tuy nhiên, theo nhà khí tượng học Jason Nicholls, chính các hoạt động do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn và ở cường độ cao hơn.

Tiến sĩ Fahad Saeed, chuyên gia về chính sách khí hậu tại tổ chức Phân tích Khí hậu (Đức), cho biết: "Nắng nóng kỷ lục năm nay ở Thái Lan, Trung Quốc và Nam Á là một xu hướng khí hậu rõ ràng và sẽ gây ra những thách thức về sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm tới".

"Nắng nóng khắc nghiệt mà chúng ta chứng kiến trong vài ngày qua sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo. Nó thậm chí có thể đe dọa tính mạng đối với những người không được tiếp cận với hệ thống làm mát hoặc nơi trú ẩn thích hợp", ông nói.

El Nino có khả năng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn

Ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu, nói với Reuters: "El Nino thường liên quan đến nhiệt độ tăng cao kỷ lục ở cấp độ toàn cầu. Vẫn chưa biết liệu điều này có xảy ra vào năm 2023 hay 2024 hay không nhưng theo tôi, khả năng xảy ra là có".

Năm trái đất nóng kỷ lục từng được ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với hiện tượng El Nino mạnh.

Giáo sư Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016, khi trái đất tiếp tục ấm lên do con người tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Nguồn: Soha)

Vì sao vé máy bay toàn cầu vẫn đắt đỏ

(Ảnh minh họa).

Giá vé máy bay trên toàn cầu vẫn cao do nhiều yếu tố, từ tình trạng thiếu máy bay, thiếu nhân lực, cho đến nhiên liệu đắt đỏ do ảnh hưởng của tình hình thế giới.

Khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, các hãng hàng không mong đợi sẽ kiếm được khoản lợi nhuận kha khá giữa lúc hoạt động kinh doanh và du lịch giải trí quay trở lại. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi tại sao giá vé vẫn còn cao như vậy?

Theo Michael O'Leary - Giám đốc điều hành Ryanair Holdings Plc, hãng hàng không châu Âu có lượng hành khách cao nhất - tin xấu cho người tiêu dùng là giá vé có thể sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới.

Nhu cầu đi lại

Nhân tố đầu tiên khiến giá cao là người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua vé sau khi không có cơ hội đi du lịch trong thời gian dài. Một số trường hợp đã phải đợi đến 3 năm.

Một cuộc khảo sát của trang Booking.com với hơn 25.000 người trưởng thành dự định đi du lịch trong vòng 12-24 tháng tới cho thấy nhiều người muốn “nuông chiều bản thân hơn” trong việc di chuyển để bù đắp cho những cơ hội đã bỏ lỡ.

“Kể cả khi một số chuyến đi có thể đắt đỏ hơn so với trước đây một chút, nhiều người vẫn thấy bỏ tiền ra cho việc đi lại là xứng đáng", Marcos Guerrero, giám đốc cấp cao phụ trách các chuyến bay tại công ty lữ hành trực tuyến Booking.com, cho biết.

Thiếu nhân viên

Các hãng hàng không đã chịu thiệt hại gần 200 tỷ USD, trong khi hàng chục triệu việc làm trong ngành này đã bị cắt giảm vì Covid-19.

Với sự phục hồi của du lịch, ngành hàng không đang phải vật lộn với bài toán làm sao để thu hút nhân viên quay lại. Nhiều nhân viên cũ, được đào tạo bài bản đã quyết định chuyển nghề sang những công việc ổn định hơn.

Thiếu hụt nhân viên khiến tình trạng chậm trễ tại các quầy làm thủ tục ở sân bay, quầy nhập cảnh và băng chuyền hành lý trở nên trầm trọng hơn.

Nó cũng buộc các hãng hàng không phải cố gắng hơn để thu hút và giữ chân nhân viên, đồng nghĩa với việc đưa ra mức lương tốt hơn. Điều đó dẫn đến giá vé máy bay cao hơn khi các hãng cố gắng thu lại chi phí tăng thêm.

Giá dầu cao

Giá nhiên liệu đã hạ nhiệt trong năm qua, nhưng dầu thô vẫn đắt hơn 50% so với tháng 1/2019, tạo ra vấn đề cho các hãng hàng không vì nhiên liệu là chi phí lớn nhất của họ.

Nhiều hãng, đặc biệt là những hãng giá rẻ, không phòng ngừa rủi ro nhiên liệu, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện như xung đột Ukraine.

Các hãng hàng không đóng góp hơn 2% lượng khí thải carbon của thế giới, nhưng lại tụt hậu so với hầu hết doanh nghiệp khác trong cam kết vì một tương lai sạch hơn.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, ngành này sẽ phải trả 2.000 tỷ USD để đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050. Các hãng hàng không sẽ phải tăng giá vé để đối phó, khiến việc đi máy bay càng trở nên tốn kém hơn.

Thiếu máy bay

Có tới 16.000 máy bay - chiếm khoảng 2/3 số máy bay thương mại thế giới - phải nằm “đắp chiếu" trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch. Làm sao để số máy bay này có thể cất cánh trở lại là nhiệm vụ lớn, liên quan đến việc xem xét kỹ lưỡng mọi bộ phận để đảm bảo an toàn.

Nhiều máy bay được lưu giữ tại các sa mạc ở MỹAustralia nên ít bị hao mòn hơn, nhưng vẫn có thể gặp phải các vấn đề như hư hỏng nội thất và động cơ.

Trên hết, các hãng sản xuất tàu bay cũng đang chậm tiến độ bàn giao do nhiều nhà thầu phụ thiếu lao động, khiến sản xuất bị đình trệ.

Lệnh cấm vận liên quan đến Nga cũng khiến Airbus, Boeing cùng các nhà cung cấp của họ gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguyên liệu thô như titan, đẩy giá một số bộ phận lên cao.

“Năng lực vận hành là thách thức,” ông O'Leary cho biết. “Trong trung hạn, việc Airbus và Boeing không thể gia tăng đáng kể sản lượng đồng nghĩa với việc năng lực (vận tải) sẽ tiếp tục là thách thức trong 2, 3 và 5 năm tới”.

Sự trở lại chậm chạp của Trung Quốc

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là nơi người dân chi gần 280 tỷ USD hàng năm cho du lịch trước đại dịch, vẫn đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Một cuộc khảo sát được công bố hôm 26/4 cho thấy hơn 30% du khách Trung Quốc không định đi du lịch nước ngoài vào năm 2023.

Hiệp hội các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương cho hay sẽ mất ít nhất một năm để Trung Quốc quay trở lại mức du lịch hàng không quốc tế như trước đại dịch.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại chậm chạp khiến các hãng hàng không ngần ngại khi xem xét đưa tất cả đội bay trở lại, dẫn tới ít ghế hơn trong tuyến bay quốc tế, siết chặt nhu cầu và đẩy giá vé lên cao.

Nguồn: Zing News)

Nổ lớn ở hàng loạt thành phố Ukraine

Ukraine kích hoạt báo động phòng không khi hàng loạt vụ nổ được ghi nhận tại Kiev, cũng như miền trung và nam đất nước.

Hãng tin Interfax Ukraine cho biết nhiều vụ nổ được ghi nhận tại tỉnh miền trung Dnipro, Kremenchuk và Poltava, cùng tỉnh miền nam Mykolaiv rạng sáng nay. Các tài khoản mạng xã hội cũng thông báo những vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Kiev, trong khi nhiều vật thể bay đang hướng tới miền tây đất nước.

Báo động phòng không đã kích hoạt trên toàn lãnh thổ Ukraine trong thời gian này. Ban chỉ huy quân sự thủ đô Kiev nói rằng các đơn vị phòng không đang tham chiến. Chưa rõ mục tiêu bị tập kích ở các thành phố, cũng như mức độ thương vong và thiệt hại cơ sở hạ tầng.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.

Không quân Ukraine tuần trước nói rằng 12 máy bay không người lái (UAV) tự sát của Nga xuất phát từ tỉnh Bryansk đã nhằm vào Kiev, trong đó 8 chiếc bị đánh chặn, đánh dấu cuộc tập kích đầu tiên nhằm vào thủ đô trong hơn ba tuần. Tỉnh Vinnytsia và Poltava ở miền trung Ukraine cũng ghi nhận đòn tập kích bằng UAV tự sát nhằm vào một số hạ tầng quan trọng.

Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleschuk hôm 21/4 đăng ảnh thị sát một bệ phóng tên lửa phòng không tầm xa Patriot, cho biết hệ thống này "đã bắt đầu làm nhiệm vụ chiến đấu trong mạng lưới phòng thủ của Ukraine". Ông Oleschuk cũng nhấn mạnh quân đội Ukraine đang biên chế nhiều tổ hợp phòng không phương Tây như NASAMS, IRIS-T, Crotale và Gepard.

Nga từ tháng 10/2022 bắt đầu tập kích hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine, với mục tiêu làm suy yếu sức chiến đấu và buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán.

Ukraine nói các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng là "tội ác chiến tranh", cáo buộc Nga cố ý làm hại dân thường và bẻ gãy ý chí của nước này. Trong khi đó, Moskva giải thích rằng họ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng Ukraine để làm gián đoạn dòng vũ khí Mỹ và đồng minh chuyển đến Kiev.

Nguồn: Vnexpress)

Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần thứ nhất mở ra chương mới trong quan hệ hai bên

(Ảnh minh họa).

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương hôm qua (27/4) tuyên bố, Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần thứ nhất sẽ được tổ chức vào tháng 5 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền Trung nước này.

Tuyên bố tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần thứ nhất vào tháng 5 được ông Tần Cương đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc - Trung Á (C+C5) lần thứ tư tổ chức tại Tây An ngày 27/4, với sự tham dự của các quan chức ngoại giao hàng đầu 5 nước Trung Á, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan.

Đây sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước Trung Á sau khi các bên nhất trí thiết lập cơ chế gặp gỡ nguyên thủ quốc gia với việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh 2 năm/lần tại hội nghị lần thứ ba hồi tháng 6/2022. Đây là cũng là một trong hai sự kiện ngoại giao lớn nhất được tổ chức tại Trung Quốc, bên cạnh Diễn đàn cao cấp hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba.

Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc - Trung Á lần này được tổ chức nhằm chuẩn bị về mặt chính trị cho Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á, khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên này “sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ Trung Á - Trung Quốc”.

Thông cáo báo chí đưa ra sau hội nghị cho biết, các bên tái khẳng định kiên quyết ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau như chủ quyền, độc lập, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của 6 nước.

Các bên cũng ủng hộ hoàn thiện hơn nữa việc xây dựng cơ chế Trung Quốc - Trung Á, khẳng định những thành tựu hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung Á trong việc xây dựng “Vành đai và Con đường” 10 năm qua, đồng thời quyết định tiếp tục thúc đẩy việc hợp tác xây dựng BRI, nỗ lực đạt nhiều kết quả thực chất hơn. Các bên cũng quyết định tiếp tục hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan, cũng như buôn bán ma túy trái phép, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tội phạm mạng.

Được biết, Trung Á là nơi Bắc Kinh khởi xướng sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” (BRI), trong khi năm nay kỷ niệm 10 năm sáng kiến này. Đến nay, Trung Quốc đã ký các văn kiện hợp tác liên quan đến BRI với tất cả các nước Trung Á. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á đạt 70,2 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ và tăng gấp khoảng 100 lần so với thời điểm các bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của 5 nước Trung Á.

Giới phân tích Bắc Kinh cho rằng, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, nhu cầu và không gian hợp tác giữa các nước Trung Á với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Cuộc họp giữa các Ngoại trưởng và Hội nghị Thượng đỉnh giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á sắp diễn ra, nhấn mạnh một thực tế rằng Trung Quốc và các nước Trung Á chia sẻ những lợi ích chung to lớn về an ninh và thịnh vượng trong bối cảnh bất ổn khu vực và toàn cầu, cũng như hợp tác khu vực ngày càng trở nên sâu sắc và toàn diện

Nguồn: VOV)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang