- Thời sự
- Thế giới
Công ty Sany Renewable Energy của Trung Quốc mới đây đã cho ra mắt một thiết bị đặt biệt nhằm thử nghiệm khả năng hoạt động của tuabin gió 35 MW.
Công ty sản xuất thiết bị nặng đa quốc gia của Trung Quốc đã công bố một thiết bị có khả năng thử nghiệm tuabin gió. Được công bố bởi trung tâm thử nghiệp năng lượng gió hiện đại của Sany Renewable Energy, thiết bị này được cho là có thể thử nghiệm các thành phần và hệ thống chính của tuabin gió 35 MW.
Công ty cho biết đây là Băng thử nghiệm liên tục 6 bậc tự do và hệ thống truyền động 35 MW đầu tiên và lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Thiết bị này đã chính thức được đưa vào vận hành tại Trung tâm thử nghiệm năng lượng gió của Sany.
Thiết bị thử nghiệm, được phát triển và thiết kế độc lập bởi Sany Renewable Energy, sử dụng 100% chuỗi cung ứng trong nước và có khả năng mô phỏng toàn bộ vòng đời của tuabin gió với công suất lên đến 35 MW.
Công ty cung cấp thông tin chi tiết cho biết thiết bị bao gồm 6 xi lanh thuỷ lực 100 tấn và sử dụng tải trợ đa hướng, phối hợp trên 6 bậc tự do. Yếu tố này cho phép thiết bị thử nghiệm đa trục và ứng suất cực đại.
Công ty cũng cho biết thiết bị thử nghiệm cũng có thể mô phỏng chính xác các điều kiện thời tiết phức tạp, môi trường khắc nghiệp và chịu được gió cấp bão. Ngoài ra, thiết bị này có thể mô phỏng hoạt động trong 20 năm của trang trại điện gió chỉ trong vòng 1 năm, bằng cách sử dụng các thử nghiệm kiểm tra độ bền mỏi cường độ cao.
Sany cho biết, họ đang thực hiện các thử nghiệm chức năng, xác định giới hạn của độ bền và mô hình thiết kế đối với toàn bộ tuabin và các thành phần chính như máy phát điện, hộp số và trục chính.
Philip Totaro, CEO của công ty phân tích năng lượng tái tạo IntelStor, cho biết công ty của ông dự đoán rằng các công ty Trung Quốc với khả năng tài chính mạnh sẽ chi nhiều hơn so với các đối thủ châu Âu trong hoạt động R&D cũng như sản xuất linh kiện tuabin gió, với nỗ lực dẫn đầu công nghệ toàn cầu, theo Recharge News đưa tin.
Totaro nhận định: “Đây là một bước tiến mới của một OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) năng lượng gió Trung Quốc, nhằm chứng minh rằng họ cũng có khả năng không hề kém cạnh các OEM đến từ phương Tây.”
Sany gần đây cũng đã lắp đặt một tuabin gió trên bờ với công suất 15 MW. Tuabin này được lắp đặt ở huyện Thông Du, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Dự án mang tính đột phá này đã lập 2 kỷ lục thế giới, đó là tuabin gió trên bờ có công suất lớn nhất và sở hữu đường kính rotor lớn nhất trong số các tuabin gió trên bờ từng được lắp đặt.
Việc lắp đặt thành công tua-bin gió trên bờ công suất 15 MW đánh dấu một cột mốc của Sany trong việc đạt mục tiêu công suất megawatt và tuabin gió quy mô lớn của Trung Quốc.
Công ty cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đổi mới công nghệ bằng lực lượng sản xuất mới, tạo ra các tuabin thông minh có độ tin cậy cao, khả năng thích ứng cao để hỗ trợ phát triển nguồn tài nguyên gió toàn cầu chất lượng cao.
Các nhà lãnh đạo BRICS sắp tề tựu tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 của khối, dự kiến được tổ chức vào ngày 22-24/10 tại thành phố Kazan của Nga, với trọng tâm chương trình nghị sự chắc chắn bao gồm mở rộng khối để kết nạp các thành viên mới.
Được tổ chức tại thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay dự kiến sẽ thu hút đại diện từ 32 quốc gia, bao gồm 24 lãnh đạo nhà nước, theo Điện Kremlin.
BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gần đây đã mở rộng để bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tính đến năm 2023, khối này chiếm 27% GDP thế giới và 45% dân số. Cùng nhau, họ tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 1/4 thương mại thế giới.
Với sự tham gia của Ả Rập Xê-út, UAE và Iran, BRICS bao gồm 3 trong số những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và chiếm 42% nguồn cung dầu toàn cầu, theo ngân hàng đầu tư ING có trụ sở tại Hà Lan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tiết lộ rằng 34 quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
Với việc nhiều quốc gia, từ Cuba và Syria đến Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, tầm quan trọng của nhóm này sẽ tăng lên trong những năm tới. Câu hỏi đặt ra là tại sao tư cách thành viên BRICS lại hấp dẫn nhiều quốc gia?
Sức hấp dẫn của BRICS
Ông Vương Hữu Minh (Wang Youming), Giám đốc Cơ quan nghiên cứu các quốc gia đang phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS), cho biết quy mô và sức hấp dẫn của BRICS thực sự nâng cao ảnh hưởng quốc tế của khối, biến BRICS thành một lực lượng quan trọng để thay đổi sâu sắc cấu trúc quyền lực quốc tế.
Lưu ý rằng việc thành lập và mở rộng BRICS cho thấy các nước đang phát triển không muốn tiếp tục bị gạt ra ngoài lề trong các vấn đề quốc tế, ông Vương cho biết với nhiều quốc gia nộp đơn xin gia nhập khối, họ sẽ cùng nhau nỗ lực tìm kiếm một trật tự quốc tế đa cực hơn.
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng khuôn khổ hợp tác mới đại diện cho thế mạnh và lợi ích của các nước thị trường mới nổi, BRICS đã phát triển một số cơ chế trong suốt 18 năm qua kể từ khi thành lập.
Từ các Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo và các cuộc họp cấp Bộ trưởng đến hợp tác trong hàng chục lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, thương mại và công nghệ, BRICS được coi rộng rãi là một lực lượng xây dựng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, cải thiện quản trị toàn cầu và thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế.
Dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), hay còn gọi là Ngân hàng BRICS – được thành lập vào năm 2015, cho thấy tính đến tháng 7 năm ngoái, khối này đã phê duyệt ít nhất 98 dự án tại các nước thành viên BRICS, với tổng vốn đầu tư khoảng 33,2 tỷ USD. Các dự án đó bao gồm các lĩnh vực như năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Ông Vương cũng lưu ý rằng trong vài năm qua, các nước BRICS đã đấu tranh cho vị trí xứng đáng của các nước đang phát triển trong các lĩnh vực như các vấn đề điểm nóng địa chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh và cải cách hạn ngạch của IMF.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng chính những nỗ lực đó đã giúp xua tan mối nghi ngờ của các nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước ở Nam Bán cầu, rằng các cường quốc mới nổi sẽ chỉ tìm kiếm lợi ích riêng của họ trong cuộc cạnh tranh với khối phương Tây và lợi ích của các nước nhỏ hơn sẽ bị bỏ qua. Ông cũng nói thêm rằng những nỗ lực đó đã thu hút nhiều nước đang phát triển hơn vào BRICS.
Chương trình nghị sự "phi USD hóa"
Bên cạnh vấn đề mở rộng khối, "phi USD hóa" (de-dollarization ) trong thương mại và các hệ thống thanh toán thay thế sẽ trở lại đậm đặc trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 ở Kazan, Nga.
Với việc Nga phải đối mặt với vô số các lệnh trừng phạt từ phương Tây, các quốc gia BRICS đang thúc đẩy việc giảm sự phụ thuộc vào USD trong thương mại. Tổng thống Putin lưu ý rằng, đến năm 2023, việc sử dụng USD và Euro trong xuất khẩu của Nga đã giảm một nửa, trong khi tỉ trọng đồng Rúp Nga trong xuất khẩu và nhập khẩu tăng vọt lên 40%.
Hiện nay, Nga đang tiến hành giao dịch với Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á và châu Phi bằng các loại tiền tệ địa phương. Dự án BRICS Bridge, hiện đang được phát triển, nhằm mục đích thiết lập một nền tảng thanh toán kỹ thuật số đa phương để giảm thêm sự phụ thuộc vào USD. Hệ thống này dự kiến sẽ kết hợp công nghệ blockchain và phù hợp với các loại tiền kỹ thuật số của các Ngân hàng Trung ương.
Ngoài ra, hệ thống thanh toán mới BRICS Pay đã thu hút sự chú ý, nhấn mạnh đến việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa các nước BRICS.
BRICS Pay – đã được phát triển trong vài năm qua, bắt đầu từ năm 2019 – là hệ thống nhắn tin thanh toán phi tập trung, độc lập đang được các quốc gia thành viên BRICS phát triển, tương đương với SWIFT của Mỹ và châu Âu.
Theo trang web chính thức của BRICS Pay, hệ thống này được mô tả là "nền tảng tiềm năng cho các khoản thanh toán dành cho các quốc gia có chủ quyền và thịnh vượng", giúp giảm sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD, thúc đẩy đa dạng hóa tài chính và tăng cường quyền tự chủ kinh tế giữa các thành viên BRICS và hơn thế nữa.
Israel hôm 17/10 xác nhận đã tiêu diệt thủ lĩnh Hamas, Yahya Sinwar, trong một cuộc tấn công tại Dải Gaza, nơi họ đã nhắm mục tiêu ba chiến binh. Israel cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy những con tin bị Hamas cầm giữ có mặt trong tòa nhà nơi ba chiến binh vừa kể bị hạ sát.
Sinwar là kiến trúc sư chính của cuộc đột kích đẫm máu vào miền nam Israel hôm 7 tháng 10 năm 2023, vốn khơi mào cuộc chiến tại Gaza. Ông này được bổ nhiệm làm lãnh đạo của Hamas sau vụ ám sát thủ lĩnh Ismail Haniyeh hồi tháng 8 tại Tehran. Iran đổ lỗi cho Israel về cái chết của Haniyeh. Mỹ chỉ định Hamas là một nhóm khủng bố.
Tiền bạc, giấy tờ tùy thân và thiết bị chiến đấu đã được tìm thấy trên thi thể của 3 chiến binh vừa kể.
Sinwar, 61 tuổi, sinh ra trong một trại tị nạn ở thị trấn Khan Younis của Gaza. Ông là một thành viên sớm của Hamas, được thành lập vào năm 1987, và cuối cùng đã lãnh đạo cánh an ninh của nhóm Hamas vốn chuyên săn lùng các gián điệp Israel.
Israel đã bắt giữ ông này vào cuối những năm 1980. Ông từng thừa nhận đã giết 12 người tình nghi là cộng tác viên, một vai trò khiến ông có biệt danh “Tên đồ tể của vùng Khan Younis”. Israel đã kết án ông bốn án tù chung thân vì một loạt các tội danh, bao gồm cả tội giết hai binh sĩ Israel.
Ông Sinwar đã sống sót sau căn bệnh ung thư não vào năm 2008 sau khi được các bác sĩ Israel điều trị và được Thủ tướng Benjamin Netanyahu thả khỏi nhà tù vào năm 2011. Ông Sinwar là một phần của cuộc trao đổi tù nhân để lấy Gilad Shalit, một người lính Israel bị Hamas bắt giữ trong một cuộc đột kích xuyên biên giới.
Khi trở về Gaza, ông Sinwar nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ lãnh đạo của Hamas với danh tiếng là tàn nhẫn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định ông là “kẻ khủng bố toàn cầu” vào năm 2015. Ông được cho là có liên quan đến vụ ám sát một chỉ huy cấp cao khác của Hamas, Mahmoud Ishtewi, vào năm 2016 trong một cuộc đấu tranh giành quyền lực nội bộ.
Ông Sinwar chỉ huy các hoạt động của Hamas ở Gaza, làm việc với Haniyeh để liên kết tổ chức này với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Trung Đông, đồng thời xây dựng năng lực quân sự của tổ chức.
Trên mặt trận, các quan chức y tế ở phía bắc Gaza ngày 17/10 cho biết một cuộc không kích của Israel vào một trường học vốn đã trở thành nơi trú ẩn cho những người Palestine di tản đã giết chết ít nhất 14 người, trong đó có năm trẻ em.
Quân đội Israel cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào hàng chục phần tử hiếu chiến Hamas và Jihad Hồi giáo tập trung tại trường học ở Jabaliya, nơi các lực lượng Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên không và trên bộ lớn trong hơn một tuần.
Quân đội Israel đã cung cấp danh sách khoảng một chục người mà họ xác định là phần tử hiếu chiến tại địa điểm này.
Ông Fares Abu Hamza, người đứng đầu đơn vị cấp cứu của bộ y tế ở phía bắc Gaza, đã xác nhận số người chết và cho biết hàng chục người bị thương. Ông nói Bệnh viện Kamal Adwan gần đó đang phải vật lộn để điều trị cho những người bị thương. “Nhiều phụ nữ và trẻ em đang trong tình trạng nguy kịch”, ông nói.
Israel đã nhiều lần tấn công các lều trại và trường học nơi trú ẩn của những người di tản ở Gaza. Quân đội Israel cho biết họ thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các phần tử hiếu chiến và cố gắng tránh gây hại cho dân thường, nhưng các cuộc tấn công của họ thường giết chết phụ nữ và trẻ em.
Các phần tử hiếu chiến do Hamas cầm đầu đã gây khơi mào cuộc chiến tại Gaza khi họ tấn công vào miền nam Israel vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái, giết chết khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, và bắt giữ khoảng 250 con tin.
Theo Bộ Y tế Gaza, cuộc tấn công trả đũa của Israel đã giết chết hơn 42.000 người Palestine. Quân đội Israel cho biết số người chết bao gồm hàng nghìn phần tử hiếu chiến.
Ở nơi khác, quân đội Israel ngày 17/10 nói rằng họ đã giết chết một chỉ huy Hezbollah ở miền nam Li Băng, đồng thời cũng tuyên bố một vòng sơ tán mới ở Thung lũng Bekaa.
Lực lượng Phòng vệ Israel xác định chỉ huy bị giết là Hussein Awada và cho biết ông ta chịu trách nhiệm bắn đạn pháo qua biên giới vào Israel.
Israel đã ban hành nhiều đợt lệnh di tản cho một số khu vực của Li Băng, nói rằng người dân cần phải rời khỏi những khu vực đó do gần các địa điểm của các phần tử hiếu chiến Hezbollah. Các lệnh này thường được ban hành trước các cuộc không kích của Israel.
Các lệnh mới nhất vào ngày 17/10 bao gồm các khu vực Saraaine, Tamnine và Safri.
Bộ y tế Li Băng cho biết các cuộc không kích của Israel hôm 16/10 đã giết chết 16 người ở thị trấn Nabatieh phía nam, bao gồm cả thị trưởng, và làm bị thương hơn 50 người.
Các quan chức Li Băng lên án cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh, cho rằng đây là bằng chứng cho thấy chiến dịch của Israel chống lại nhóm vũ trang Hezbollah hiện đang chuyển sang nhắm vào nhà nước Li Băng.
Thủ tướng lâm thời Najib Mikati nói Israel “cố tình nhắm vào một cuộc họp của hội đồng thành phố”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, trong chuyến thăm miền bắc Israel gần biên giới với Li Băng, nói Israel sẽ không dừng cuộc tấn công vào Hezbollah để đàm phán.
Quân đội Israel cho biết họ đã tấn công hàng chục mục tiêu của Hezbollah ở khu vực Nabatieh.
Nhà lãnh đạo Ukraine lần đầu tiên đề cập rằng, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev có thể bắt đầu ngay cả khi Ukraine không quay trở lại đường biên giới năm 1991.
Cuộc chiến Nga - Ukraine đang bước sang năm thứ ba, Kiev không đạt được các mục tiêu của mình. Trên chiến truòng, quân đội Ukraine đang mất dần vị thế trước áp lực của Lực lượng vũ trang Nga. Đất nước bị tàn phá nặng nề. Tình hình trên chiến trường cũng như trên giới cho thấy cuộc xung đột không thể giải quyết được bằng quân sự.
Mỹ, các nước châu Âu và cả Ukraine đang thay đổi quan điểm từ mục tiêu giành chiến thắng và giải phóng lãnh thổ sang chấp nhận việc giải quyết xung đột thông qua đàm phán hoà bình.
Tổng thống Zelensky đề nghị đàm phán với Nga
Ngày 20/9/2024, trong một cuộc họp báo tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố:
“Chúng tôi sẵn sàng gặp Nga tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, bởi vì tất cả các đồng minh của chúng tôi, kể cả những người thân cận nhất, luôn luôn đứng về phía chúng tôi trong cuộc chiến với Nga đều nói rằng Nga nên có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai.
Nga là một bên đang chiến đấu chống lại Ukraine, do đó, không thể kết thúc chiến tranh nếu Nga không tham gia”.
Đồng thời, gần đây, ông Zelensky đã nói về sự cần thiết phải tổ chức một hội nghị hòa bình khác với sự tham gia của Nga sau hộ nghị Bürgenstock. Đây là sự thay đổi trong cách tiếp cận của Ukraine sau khi Kiev loại trừ Moscow khỏi hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.
Ông nói: “Phần lớn thế giới hôm nay cho rằng Nga phải có đại diện tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, nếu không sẽ không đạt được kết quả có ý nghĩa. Cả thế giới muốn Nga có mặt tại bàn đàm phán, chúng tôi không thể chống lại điều đó".
Nhà lãnh đạo Ukraine lần đầu tiên đề cập rằng, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev có thể bắt đầu ngay cả khi Ukraine không quay trở lại đường biên giới năm 1991.
Điều này có nghĩa là Ukraine có thể đàm phán với Nga về biên giới vào năm 2022. Trước đây, Kiev tuyên bố, việc bắt đầu đàm phán hòa bình là "không thể" cho đến khi lực lượng Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới năm 1991.
Đây là sự thay đổi quan trọng trong lập trưởng của Tổng thống Zelensky nhằm chấm dứt cuộc chiến với Nga.
Ở một diễn biến khác, ngày 16/10/2024, phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Ông Sholz đã đưa ra tuyên bố này trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) được triệu tập ngày 17/10. Đầu tháng 10 vừa qua, Sholz cũng cho biết ông muốn gọi điện để nói chuyện với ông Putin.
Đáng lưu ý, Đức là thành viên NATO ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống Nga.
Nguyên nhân thúc đẩy Kiev chấp nhận đàm phán với Moscow
Thứ nhất, về quân sự, kể từ khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine ngày 24/2/2022 đến nay, đặc biệt trong những tháng gần đây, Nga đã giành được các bước tiến lớn quan trọng tại mặt trận phía Đông và đang mở rộng tấn công trên các mặt trận khác.
Các lực lượng vũ trang Nga đang làm chủ trên chiến trường và giành được quyền kiểm soát đối với nhiều vùng lãnh thổ gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Nhân cơ hội Mỹ hiện đang bận tâm với bầu cử Tổng thống và cuộc chiến leo thang ở Trung Đông, Nga đang tăng cường tấn công và giành được nhiều thắng lợi ở mặt trận Donbass.
Trong khi đó, quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn trên chiến trường do thiếu vũ khí đạn dược, thậm chí cả quân số, nhiều tuyến phòng thủ bị phá vỡ, quân Ukraine phải rút lui khỏi nhiều chiến tuyến.
Ngày 14/7/2024, đại biểu Quốc hội (Verkhovna Rada) của Ukraine, Maryana Bezuglaya cho biết, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi và nhóm của ông có ý ngừng bắn với Nga, họ “không tin vào khả năng giành được chiến thắng trong cuộc chiến với Nga”. Có thể nói, tình hình chiến trường ở Ukraine là không thể đảo ngược.
Báo The New York Times viết: “Chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine đang nằm trong tay Nga, nó hoàn toàn có thể đạt được bất kể năm tới ai sẽ vào Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.”
Thứ hai, sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine ngày càng giảm sút. Nước Pháp đang bị phân tâm bởi khủng hoảng chính trị và tài chính, quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron trong nước và ảnh hưởng của ông ở châu Âu đang suy giảm. Nội bộ Đức cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi những bất đồng trong liên minh ba bên đang suy yếu và có thể kéo dài đến cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025.
Vương quốc Anh đang phải vật lộn với những khó khăn về ngân sách khi chính phủ mới của Đảng Lao động tập trung vào cải cách các dịch vụ y tế và công cộng. Trong khi đó, các đảng thân Nga đang giành được thắng lợi trong một số cuộc bầu cử ở châu Âu, gần đây nhất là ở Áo. Đức và Anh nói rằng họ đã cạn kiệt vũ khí và không thể cung cấp thêm tiền cho Ukraine nữa.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden, đang tìm cách tránh bất kỳ động thái chính sách nào có thể gây nguy hiểm cho cơ hội thắng cử của ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris. Điều này không chỉ hạn chế khả năng kiềm chế Israel trong cuộc chiến với Hamas, Hezbollah và Iran mà còn hạn chế việc ông sẵn sàng cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa do Mỹ cung cấp hoặc vũ khí châu Âu có sử dụng các linh kiện của Mỹ.
Anh và Pháp là hai nước cung cấp cho Ukraine tên lửa không đối đất Storm Shadow và Skull nhưng không cho phép sử dụng các loại vũ khí này tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Đức là một trong những nước viện trợ lớn nhât cho Ukraine nhưng cũng có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Kiev vào năm tới và đang do dự về việc cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa Taurus, hệ thống mà Kiev từ lâu đã yêu cầu để đánh vào các đường tiếp tế và bệ phóng tên lửa của Nga.
Thủ tướng Scholz lo ngại AfD và Sahra Wagenknecht là hai đảng phản chiến liên minh với nhau sẽ giành thắng lợi trong bầu cử sắp tới và lo sợ Đức sẽ bị Nga trả đũa.
Thứ ba, phần lớn các thành viên NATO đều phản đối việc Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này do họ không muốn tham gia trực tiếp vào một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga theo Điều 5 của Hiến chương NATO.
Có thể nói, cơ hội Ukraine gia nhập NATO hiện nay gần như bằng 0. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 75 được tổ chức tại Washington từ ngày 9-11/7 năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, điều quan trọng cơ bản là ngăn chặn liên minh bị lôi kéo vào cuộc xung đột hiện tại giữa Ukraine với Nga.
Thứ tư, cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ gây ra nhiều “rủi ro” cho Ukraine, nước đang trông cậy rất nhiều vào sự hỗ trợ quân sự liên tục của Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố sẽ "chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ" nếu ông đắc cử, và nêu rõ Washington không nên gửi viện trợ tới Ukraine nữa.
Bên cạnh đó, ông Trump đã chọn thượng nghị sĩ J.D. Vance liên danh tranh cử. Ông Vance là người đề nghị Ukraine nên đàm phán với Nga và phản đối mạnh mẽ việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nhận định, sự thay đổi quan điểm của ông Zelensky là một phản ứng hợp lý đối với các sự kiện đang diễn ra ở Mỹ, nơi các ứng viên Cộng hòa Trump và Vance chỉ trích mạnh mẽ việc gửi thêm viện trợ cho Kiev.
Giáo sư Jeffrey Sachs của Đại học Columbia nói rằng, cách duy nhất để cứu Ukraine là thông qua quá trình đàm phán.
Thứ năm, vào tháng 9/2024, Tổng thống Zelensky đã thăm Mỹ để trình bày “kế hoạch chiến thắng” của mình nhằm thuyết phục Mỹ các đồng minh ủng hộ cả về mặt quân sự và ngoại giao, nhưng đã được đón nhận một cách lạnh nhạt tại Mỹ.
Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh Ramstein để nghe ông Zelensky trình bày về kế hoạch này dự kiến tổ chức vào ngày 12/10 đã bị hoãn vô thời hạn do Tổng thống Mỹ Joe Biden không thể tham dự vì phải chỉ đạo ứng phó siêu bão Milton.
Thứ sáu, quan điểm của công chúng ở nhiều nước phương Tây đã bắt đầu thay đổi. Theo khảo sát của Eurobarometer, ở Bulgaria, Hy Lạp, Áo và Síp, người dân có xu hướng cho rằng cần phải chuyển sang đàm phán. Các nhà lãnh đạo Hungary và Slovakia cũng ủng hộ các sáng kiến hòa bình.
Gần đây nhất, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến thăm Nga, Ukraine, Trung Quốc và Mỹ để đưa ra các đề xuất hòa bình, được Thủ tướng Slovakia Robert Fico ủng hộ. Ông Orban đã phản đối khoản tiền 50 tỷ USD mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước G-7 đề nghị cho Ukraine vay để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Nga.
Khoản vay sẽ được hoàn trả toàn bộ bằng lợi nhuận từ hơn 250 tỷ USD tài sản của Nga bị phương Tây phong tỏa. Ông Orban cũng không đồng ý tăng thời gian gia hạn lệnh trừng phạt Nga lên 36 tháng.
Phản ứng của Nga
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov đã nhiều lần tuyên bố, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, ngay cả khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại nhiệm, bất chấp việc Moscow công khai đặt câu hỏi về tính hợp pháp cầm quyền của ông do nhiệm kỳ Tổng thống của ông đã kết thúc ngày 20/5/2024, nhưng không tổ chức bầu cử.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng nếu Ukraine thực sự quyết tâm đàm phán thì phải hủy sắc lệnh cấm đối thoại với Putin do Tổng thống Zlensky ban hành ngày 4/10/2022 và bất cứ cuộc đàm phán nào cũng phải dựa trên tình hình thực tế mới hiện nay của cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Putin đã đưa ra các điều kiện để bước vào đàm phán với Ukraine là Kiev phải rút quân khỏi các khu vực Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR và LPR), Kherson và Zaporozhye, từ bỏ ý định gia nhập NATO, duy trì quy chế trung lập, không liên kết, phi hạt nhân hoá và phi quân sự hoá, thừa nhận Crimea, Sevastopol và các khu vực mới khác là của Nga trong các điều ước quốc tế, đồng thời dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga.
Các phương tiện truyền thông cho biết, Ukraine đang xem xét khả năng “đổi đất lấy hòa bình”, giao lại các vùng lãnh thổ đã mất cho Nga để chấm dứt chiến sự việc gia nhập NATO và các đảm bảo an ninh khác.
Tờ Financial Time của Anh viết: “Đằng sau những cánh cửa đóng kín, đang có cuộc thảo luận về một thỏa thuận, theo đó Moscow sẽ duy trì quyền kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine để đổi lấy việc Ukraine được gia nhập NATO hoặc được đảm bảo về an ninh”.
Tờ báo viết tiếp, "trong bối cảnh thành công của Lực lượng vũ trang Nga, ngày càng nhiều người Ukraine ủng hộ ý tưởng chấm dứt xung đột với Nga thông qua đàm phán hòa bình".
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 1/10 đã bác bỏ thông tin các quan chức ngoại giao Ukraine đã thảo luận với phương Tây về ý tưởng "đổi đất".
Cuộc xung đột Ukraine đã bước sang năm thứ ba chứng tỏ không thể giải quyết được bằng quân sự. Đàm phán là biện pháp duy nhất có thể chấm dứt đổ máu, đem lại hoà bình cho Ukraine và Nga.
Lẽ ra cuộc xung đột đã được giải quyết chỉ sau 1 tháng bùng nổ nếu không có sự can thiệp của Mỹ và phương Tây nhằm xóa bỏ các thoả thuận đạt được tại Istanbul ngày 29/3/2022. Theo thỏa thuận này, Nga và Ukraine đã nhất trí về các vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa hai nước.
Ngày 6/4/2022, dưới sức ép của Mỹ và phương Tây, đoàn Ukraine đã trao cho phía Nga một dự thảo thỏa thuận mới, hoàn toàn khác với thoả thuận đã được hai bên ký tắt và công bố ngày 29/3/2022.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, mặc dù Tổng thống Zelensky kiên quyết yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn và yêu cầu Ukraine được gia nhập NATO, đồng thời bác bỏ bất kỳ cuộc mặc cả nào về chủ quyền hoặc lãnh thổ, nhưng mùa Đông đang đến gần và sự hỗ trợ của phương Tây giảm sút, Kiev đang thay đổi để đạt được hoà bình.
Hiến pháp của Triều Tiên hiện đã định nghĩa Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”, truyền thông nhà nước đưa tin khi lần đầu tiên đề cập tới những sửa đổi trong hiến pháp mới đây.
Tờ báo nhà nước Rodong Sinmun đưa tin rằng thay đổi này là “biện pháp tất yếu và hợp pháp”, trong bối cảnh căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc dâng lên mức cao nhất sau nhiều năm.
Hôm 15/10, Triều Tiên đã cho nổ những tuyến đường bộ và đường sắt có kết nối với Hàn Quốc – một động thái mà truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả là “một phần của việc triển khai từng bước để tách biệt hoàn toàn [hai miền bán đảo Triều Tiên].”
Một số nhà quan sát coi việc sửa đổi hiến pháp này chỉ là một bước đi mang tính biểu tượng, vì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từ bỏ mục tiêu thống nhất từ tháng 12/2023.
Lúc bấy giờ, truyền thông nhà nước đưa tin ông Kim nói rằng mối quan hệ liên Triều đã trở thành "mối quan hệ giữa hai quốc gia thù địch và giữa hai phe trong chiến tranh".
Sau đó, vào tháng 1/2024, ông Kim tuyên bố việc thống nhất với Hàn Quốc là không thể xảy ra, đồng thời gợi ý việc thay đổi hiến pháp trong đó nêu rõ Hàn Quốc là “kẻ thù chính”.
Kể từ đó, các màn trao đổi qua lại đã trở nên ngày càng căng thẳng, đặc biệt trong những tháng gần đây.
Thuật ngữ “quốc gia thù địch” định hình cách Bình Nhưỡng giao thiệp với Seoul trong gần một năm qua, ông Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation (Mỹ), nói.
“Khi được công bố vào cuối năm 2023, đó là một diễn biến chấn động bởi nó làm gia tăng nguy cơ đối đầu và khả năng bùng phát một vòng xoáy leo thang,” ông Bennett nói với BBC.
“Kể từ đó, ông Kim và em gái đã đưa ra hàng loạt lời đe dọa vũ khí hạt nhân nhằm vào [Hàn Quốc] và Mỹ, đồng thời làm leo thang căng thẳng bằng nhiều hành động khác. Do đó, rủi ro đã gia tăng.”
Nhiều người cho rằng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện các sửa đổi hiến pháp về việc thống nhất với Hàn Quốc và về những chính sách biên giới trong cuộc họp của Đại hội Nhân dân Tối cao (SPA) tuần trước - nhưng tới nay vẫn chưa có thông tin là có những thay đổi này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh toàn diện là không cao.
"Tôi không cho rằng tình hình sẽ leo thang đến mức xảy ra chiến tranh," Giáo sư Kang Dong-wan dạy khoa học chính trị và ngoại giao tại Đại học Dong-a ở Busan đánh giá.
"Triều Tiên đang lợi dụng việc quân đội hai nước đối đầu để gia tăng đoàn kết nội bộ.”
Giáo sư Kim Dong-yup từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul đặt nghi vấn về khả năng Bình Nhưỡng phát động chiến tranh toàn diện.
"Chính quyền Triều Tiên ý thức rất rõ những hậu quả nghiêm trọng của một cuộc xung đột như vậy," ông nói.
Nguồn: Soha; Người Đưa Tin; VOA; CafeF; BBC
Mỹ: Biểu tình lan rộng; Cú sốc thuế quan; ‘Giấc mơ’ tiết kiệm 2.000 tỷ đô; Thế giới chấn động vì câu nói của Trump; Những cáo buộc gian lận
‘Phòng điều chế’ ma túy; Thêm liên minh mới nổi; Indonesia cấm điện thoại Google; Tự lực vũ khí, Ukraine chật vật; Israel sẵn sàng, Iran gặp khó
Mỹ: Bầu cử & giá vàng; So sánh chính sách Trump-Harris; Cuộc đua đốt tiền; 3 kịch bản bầu cử; Điều máy bay hạt nhân tới Trung Đông
Mỹ: Nhiệm kỳ thứ 2 của Trump; J.D.Vance chiến thắng; ‘Ván cược’ của Elon Musk; Bất mãn di sản của Biden; Trật tự thế giới thay đổi?
Mỹ: Rừng ma lan rộng; Giải mã lợi thế cạnh tranh; Tương lai không người nhập cư; Chọn nhất siêu hay đa cường; Cạn tên lửa đánh chặn
Mỹ trừng phạt ‘không lại’ với TQ; Dân Bắc Gaza bị bao vây; Tân thủ lĩnh Hezbollah; Vai trò Trung-Nga ở Trung Đông; Liên minh Nga-Triều
‘Bóng ma’ giảm phát ở TQ; Nga vững vàng trước lệnh trừng phạt; Nội các Nhật từ chức; Dưới bóng nước Nga; Ukraine tấn công Moscow
Ẩm thực Nhật vươn tầm; TQ siết thuế nhà giàu; Kêu gọi Triều Tiên rút quân khỏi Kiev; Israel ‘siết gọng kìm’; Cứu trợ ở Gaza gặp khó
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá