Thảm họa hàng không ở HQ; TQ giận dữ & bất mãn, ‘Cuộc chiến’ giám giá xe điện, Ra đòn phủ đầu Mỹ; Baltic cầu cứu, NATO vào cuộc

THẢM HỌA HÀNG KHÔNG HÀN QUỐC, 179 NGƯỜI TỬ NẠN

Lực lượng cứu hỏa Hàn Quốc cho biết, 179 người đã thiệt mạng và chỉ 2 nạn nhân sống sót khi máy bay chở 181 người của hãng Jeju Air trượt khỏi đường băng, đâm vào hàng rào và bốc cháy ở sân bay quốc tế Muan.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, chiếc Boeing 737-800 mang số hiệu 7C 2216 của Jeju Air, chở theo 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn khởi hành từ Bangkok, Thái Lan gặp nạn khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp bằng bụng xuống sân bay quốc tế Muan ở quận Muan, cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 288km về phía tây nam lúc khoảng 9h07 sáng nay (29/12). Tai nạn xảy ra sau nỗ lực hạ cánh đầu tiên thất bại vì bánh đáp của máy bay không bung ra, có thể do va phải chim trong lúc máy bay đang hạ độ cao.

Lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm tại hiện trường tai nạn. 2 nạn nhân duy nhất sống sót, đều là nữ, gồm một hành khách và một thành viên phi hành đoàn, đã được kéo ra khỏi phần đuôi của máy bay và đang được điều trị tại một bệnh viện ở Mokpo gần đó.

Các nhân chứng kể đã nghe thấy tiếng nổ lớn trước khi máy bay đâm vào tường rào bao quanh sân bay, vỡ đôi và bốc cháy. Máy bay gần như đã bị lửa phá hủy hoàn toàn.

Theo báo JoongAng Ilbo, với 179 nạn nhân đã thiệt mạng, đây là thảm họa hàng không dân dụng trong nước tồi tệ nhất ở Hàn Quốc. Tai nạn cũng đánh dấu sự cố thương vong lớn đầu tiên liên quan đến một hãng hàng không giá rẻ trong lịch sử nước này.

Các vụ tai nạn lớn trước đây ở xứ sở kim chi bao gồm sự cố với máy bay chở khách của hãng hàng không Asiana Airlines tại Mokpo năm 1993, cướp đi sinh mạng của 68 người và vụ tai nạn của máy bay Air China gần sân bay Gimhae năm 2002, khiến 129 người trong tổng số 166 hành khách tử vong.

 

 

SỰ GIẬN DỮ & BẤT MÃN TẠI TRUNG QUỐC TĂNG CAO

"Người dân Trung Quốc quá khổ sở," một bài viết đăng trên mạng xã hội sau một vụ giết người hàng loạt khác xảy ra trong nước vào đầu năm nay. Tài khoản này cũng cảnh báo: "Sẽ ngày càng có nhiều vụ tấn công bắt chước các vụ này."

"Thảm kịch này phản ánh một sự đen tối trong xã hội," một người khác viết.

Sau một loạt các vụ án mạng ở Trung Quốc trong năm 2024, những lời bình luận ảm đạm như thế này đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh điều gì đang thúc đẩy hành vi giết người hàng loạt để "trả thù xã hội".

Các cuộc tấn công như thế này vẫn còn hiếm so với dân số khổng lồ của Trung Quốc và không phải là mới, theo David Schak, Phó giáo sư tại Đại học Griffith ở Úc. Nhưng chúng dường như xuất hiện theo đợt dưới hình thức bắt chước để thu hút sự chú ý.

Tình hình năm nay đặc biệt đáng lo ngại.

Từ năm 2019 đến 2023, cảnh sát ghi nhận ba đến năm vụ tấn công người đi bộ hay người lạ mỗi năm.

Năm 2024, con số đó đã tăng lên 19.

Năm 2019, ba người bị giết và 28 người bị thương trong các vụ việc như vậy. Năm 2023, 16 người chết và 40 người bị thương và năm 2024, 63 người bị giết và 166 người bị thương. Tháng 11 đặc biệt tang thương.

Vào ngày 11/11, một người đàn ông 62 tuổi đã lái xe lao vào đoàn người đang tập thể dục cạnh một sân vận động ở Thành phố Châu Hải, khiến ít nhất 35 người chết. Cảnh sát cho biết tài xế bất mãn với việc giải quyết vụ ly hôn của mình. Ông đã bị kết án tử hình tuần này.

Vài ngày sau, tại Thành phố Thường Đức, một người đàn ông đã lái xe lao vào một nhóm trẻ em và phụ huynh gần một trường tiểu học, làm 30 người bị thương. Chính quyền cho biết ông ta phẫn nộ vì làm ăn thua lỗ và trục trặc gia đình.

Cũng trong tuần đó, một thanh niên 21 tuổi sau khi trượt kỳ thi tốt nghiệp, đã tấn công đám đông bằng dao trong khuôn viên trường mình ở Thành phố Vô Tích, làm tám người chết và 17 người bị thương.

Vào tháng Chín, một người đàn ông 37 tuổi vừa chạy vừa đâm người qua lại ở một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải. Vào tháng Sáu, bốn giảng viên người Mỹ đã bị một người đàn ông 55 tuổi cầm dao tấn công tại một công viên. Và có hai vụ tấn công công dân Nhật Bản, trong đó một bé trai 10 tuổi bị đâm chết bên ngoài trường học của mình.

Những kẻ phạm tội chủ yếu nhắm vào "những người ngẫu nhiên" để thể hiện "sự bất mãn với xã hội," theo lời Giáo sư Schak.

Ở một đất nước với hệ thống giám sát đồ sộ, nơi mà phụ nữ hiếm khi ngại đi bộ một mình vào ban đêm, có thể hiểu vì sao những vụ giết người như vậy gây ra sự bất an.

Vậy điều gì đã dẫn đến nhiều vụ tấn công hàng loạt như vậy ở Trung Quốc năm nay?

Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc

Một áp lực lớn ở Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế trì trệ. Đất nước này đang phải vật lộn với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, nợ nần chồng chất và cuộc khủng hoảng bất động sản đã tiêu tốn tiền tiết kiệm của nhiều gia đình, đôi khi có người còn mất trắng.

Ở ngoại ô của hầu hết các thành phố lớn, các công trình xây dựng nhà ở đã bị ngưng lại vì các nhà phát triển bất động sản mắc nợ và không thể hoàn thành dự án.

Năm 2022, BBC đã phỏng vấn những người đang dựng lều tạm trong những căn hộ bê tông còn dang dở của chính họ, không có nước, điện và cửa sổ vì họ không còn nơi nào để ở.

"Sự lạc quan chắc hẳn đang dần mất đi," George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, cho biết. "Hãy sử dụng từ 'mắc kẹt' cho thời điểm hiện nay. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự kìm hãm. Kìm hãm xã hội và kìm hãm kinh tế là một mặt, và mặt khác là một mô hình phát triển kinh tế đang suy yếu."

Các nghiên cứu dường như chỉ ra một sự thay đổi đáng kể trong thái độ của người dân Trung Quốc, với mức độ bi quan gia tăng rõ rệt về tương lai của họ.

Một phân tích chung quan trọng của Hoa Kỳ-Trung Quốc cho thấy người dân Trung Quốc, trong một thời gian dài, đã cho rằng bất bình đẳng trong xã hội thường là do thiếu nỗ lực hoặc khả năng, nhưng trong khảo sát mới đây thì lại cho thấy họ đang đổ lỗi cho một "hệ thống kinh tế bất công".

"Câu hỏi đặt ra là ai thực sự chịu trách nhiệm?" ông Magnus nói. "Và bước tiếp theo là hệ thống này không công bằng với tôi, và tôi không thể vượt qua nó. Tôi không thể thay đổi hoàn cảnh của mình."

Thiếu sự lựa chọn

Ở các quốc gia có truyền thông lành mạnh, nếu bạn cảm thấy mình bị sa thải một cách bất công hoặc nhà của bạn bị đánh sập bởi các nhà thầu tham nhũng được các quan chức địa phương hậu thuẫn, bạn có thể tìm đến các nhà báo để chia sẻ câu chuyện của bạn.

Nhưng điều đó hiếm khi làm được ở Trung Quốc, nơi báo chí bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản và không có khả năng đăng tải những câu chuyện phản ánh tiêu cực về bất kỳ cấp độ nào của chính phủ.

Còn các tòa án – cũng là cơ quan do đảng điều hành và phục vụ cho đảng - vốn chậm chạp và kém hiệu quả.

Trên mạng xã hội, nhiều người đã bàn tán về động cơ của kẻ tấn công ở Thành phố Châu Hải: rằng ông ta không đạt được thỏa thuận ly hôn công bằng tại tòa án.

Các chuyên gia cho biết những không gian bày tỏ bức xúc khác cũng đã bị thu hẹp hoặc biến mất hoàn toàn.

Người dân Trung Quốc thường bày tỏ sự bất mãn của họ trên mạng, theo Lynette Ong, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về cách nhà nước Trung Quốc phản ứng với sự phản kháng của người dân.

"[Họ] sẽ lên mạng và mắng chính phủ... chỉ để xả giận. Hoặc họ có thể tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ mà cảnh sát thường cho phép nếu quy mô nhỏ," bà giải thích. "Nhưng cách phản kháng nhỏ này đã bị cấm cửa trong vài năm qua."

Có rất nhiều ví dụ: Tăng cường kiểm duyệt trên mạng, chặn các từ hoặc các diễn đạt được cho là gây tranh cãi hoặc mang tính chỉ trích; cấm cửa các trang phục Halloween táo bạo chế giễu chính quyền; hoặc khi những người đàn ông mặc thường phục, dường như được huy động bởi các quan chức địa phương, đánh đập những người biểu tình bên ngoài các ngân hàng đã đóng băng tài khoản của họ ở tỉnh Hà Nam.

Việc hỗ trợ tâm lý và cảm xúc của người dân để đương đầu với những căng thẳng này cũng còn thiếu sót. Các chuyên gia cho biết dịch vụ tư vấn tâm lý của Trung Quốc là vô cùng thiếu thốn, không tạo điều kiện cho những người cảm thấy bị cô lập, cô đơn và trầm cảm trong xã hội Trung Quốc hiện đại được giải tỏa.

"Tư vấn có thể giúp xây dựng khả năng phục hồi cảm xúc," Giáo sư Silvia Kwok từ Đại học Thành phố Hong Kong cho biết, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc cần tăng cường dịch vụ sức khỏe tâm thần, đặc biệt là cho các nhóm có nguy cơ cao đã trải qua chấn thương hoặc những người mắc bệnh tâm thần.

"Mỗi người cần có các chiến lược khác nhau hoặc biết dung hòa cảm xúc của họ một cách xây dựng... giúp họ ít có khả năng phản ứng bạo lực trong những lúc căng thẳng tột độ."

Nhìn chung, những yếu tố này cho thấy áp lực đang ngày gia tăng trong sự bí bách của xã hội Trung Quốc, tạo ra một hoàn cảnh giống như nồi áp suất.

"Không có nhiều người đi ra ngoài đường và giết người hàng loạt. Nhưng căng thẳng dường như vẫn đang tăng cao, và không có vẻ như nó sẽ giảm bớt trong tương lai gần," ông Magnus nói.

Điều mà Đảng Cộng sản nên lo lắng là những bình luận từ công chúng đổ lỗi cho chính quyền trong việc này.

Nhận xét sau là một ví dụ: "Nếu chính phủ thực sự hành động công bằng, sẽ không có nhiều sự tức giận và bất mãn trong xã hội Trung Quốc... những nỗ lực của chính phủ đã tập trung vào việc tạo ra một vỏ bọc của một sự hòa hợp. Mặc dù có vẻ như họ quan tâm đến những người yếu thế, nhưng hành động của họ lại gây ra những bất công sâu sắc."

Mặc dù các cuộc tấn công bạo lực đang gia tăng ở nhiều quốc gia, theo Giáo sư Ong, sự khác biệt ở Trung Quốc là các quan chức ít có kinh nghiệm đối phó với chúng.

"Tôi nghĩ rằng các nhà chức trách rất lo lắng vì họ chưa từng thấy điều này trước đây, và phản xạ của họ là ra tay đàn áp."

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về vụ tấn công ở Châu Hải, ông dường như thừa nhận áp lực đang gia tăng trong xã hội. Ông kêu gọi các quan chức cả nước "tiếp thu những bài học khó khăn từ vụ việc, giải quyết các rủi ro từ gốc rễ, giải quyết xung đột và tranh chấp sớm và chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn tội phạm cực đoan."

Tuy nhiên, cho đến nay, những bài học rút ra dường như đã dẫn đến một nỗ lực tăng cường năng lực phản ứng nhanh của cảnh sát thông qua tăng cường giám sát, thay vì tính đến việc thay đổi cách thức điều hành đất nước.

"Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới, một giai đoạn mới mà chúng ta chưa từng thấy kể từ cuối những năm 70," Giáo sư Ong nhắc đến thời điểm quốc gia này bắt đầu mở cửa trở lại với thế giới, mang lại sự thay đổi to lớn.

"Chúng ta cần chuẩn bị cho những sự kiện không ngờ tới, chẳng hạn như nhiều cuộc tấn công ngẫu nhiên và các làn sóng biểu tình và bất ổn xã hội nổi lên."

 

 

“CUỘC CHIẾN” GIẢM GIÁ CỦA XE ĐIỆN TRUNG QUỐC

Không còn được Nhà nước trợ cấp, các hãng xe điện Trung Quốc đua nhau giảm giá để duy trì doanh số. Cuộc đua này sẽ đi về đâu?

Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ rút lại hàng loạt chính sách hỗ trợ đối với ngành công nghiệp năng lượng xanh, trong đó có xe điện - trong chiến dịch rộng lớn nhằm giải quyết tình trạng dư thừa công suất.

Các nhà phân tích cho biết doanh số bán xe điện Trung Quốc dự kiến sẽ giảm sau khi trợ cấp của chính phủ hết hạn vào cuối năm nay. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn về tài chính đang kìm hãm các nhà sản xuất nhỏ hơn.

Trước thời khắc sống còn này, nhiều hãng xe vội vã giảm giá hy vọng giữ lại thị phần cho năm tới. Hiện tại không còn phương án nào khả dĩ hơn, hầu hết các công ty sẽ phải giảm giá để tồn tại trong cuộc chiến giảm giá xe điện.

Chẳng hạn như BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, sẽ giảm giá 11,5% cho mẫu xe thể thao đa dụng hybrid Sealion 05 xuống còn 99.800 nhân dân tệ, tương đương 13.673 đô la Mỹ, trong nỗ lực gia tăng doanh số trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Khoản trợ cấp 20.000 nhân dân tệ hiện tại mà Bắc Kinh dành cho người mua xe điện sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024. Paul Gong, nhà phân tích của UBS, cho rằng “cuộc chiến giảm giá xe điện sắp xảy ra”.

Dữ liệu của CPCA cho thấy tổng cộng 195 mẫu xe, bao gồm xe chạy bằng xăng, xe điện hoàn toàn và xe hybrid đã giảm giá từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, nhiều hơn 150 xe được giảm giá vào năm 2023. Trung bình mỗi chiếc xe điện giảm 10%, xe hybrid giảm 4,3%.

Một báo cáo mới đây tiết lộ, trong số 50 hãng xe điện lớn của Trung Quốc đại lục, chỉ có BYD, Li Auto và nhà sản xuất Aito do Huawei Technologies hậu thuẫn - đang làm ăn có lãi.

Đã xuất hiện những quan điểm chỉ trích làn sóng giảm giá sản phẩm trong ngành công nghiệp năng lượng xanh của Trung Quốc: lãnh đạo cấp cao của nhà sản xuất pin Jinko Solar cho rằng chiến lược giảm giá là “ngây thơ”.

William Li, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hãng xe điện Nio nói: “các nhà sản xuất ô tô nên bảo vệ biên lợi nhuận của mình và không lao vào cuộc chiến giá cả một cách mù quáng”.

Nio phải cắn răng chịu lỗ mà không giảm giá xe. Nhà sản xuất ô tô này đã công bố khoản lỗ ròng 5,1 tỷ nhân dân tệ trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Hãng này đặt mục tiêu hòa vốn vào năm 2026.

Một số doanh nghiệp quy mô trung bình đề xuất, các nhà sản xuất ô tô nên hợp tác với nhau để tránh giảm giá, điều này sẽ gây bất lợi cho ngành vì giá thấp hơn sẽ dẫn đến thua lỗ nặng nề.

Năng lực sản xuất xe điện của Trung Quốc khoảng 20,2 triệu chiếc mỗi năm, sản lượng tiêu thụ trong nước vượt quá 11 triệu xe, còn lại dùng cho xuất khẩu. Số liệu này gần như không thay đổi trong vòng 2 năm qua. Điều này cho thấy thị trường đã bão hòa.

Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang đứng trước lựa chọn mang tính sống còn, không loại trừ xảy ra kịch bản phá sản hàng loạt, và chuyển sản xuất ra bên ngoài.

 

 

TRUNG QUỐC TUNG ĐÒN PHỦ ĐẦU TRƯỚC MỸ

Trung Quốc gần đây gia tăng các lệnh trừng phạt hàng hoá Mỹ bằng cách kéo dài thời gian áp thuế đối với một loại dung môi hóa học quan trọng, trừng phạt 7 công ty Mỹ vì lý do an ninh và đe dọa ngừng mua chất bán dẫn của Mỹ.

Ngày 26/12, Bộ Thương mại Trung Quốc (MoC) tuyên bố sẽ tiếp tục áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với chất n-butanol nhập khẩu từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia trong 5 năm nữa.

MoC cho biết nếu xóa bỏ thuế chống bán phá giá có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc nối lại hành vi bán phá giá và gây hại cho ngành công nghiệp n-butanol nội địa của Trung Quốc.

N-butanol là một loại hóa chất hữu cơ quan trọng, được sử dụng để sản xuất sơn, chất kết dính, chất hóa dẻo và một số sản phẩm khác.

Tháng 12/2018, Trung Quốc áp dụng mức thuế 52,2-139,3% đối với n-butanol nhập khẩu từ Mỹ và mức thuế 12,7-26,7% đối với mặt hàng này nhập khẩu từ Malaysia. Mức thuế 56,1% được áp dụng cho tất cả công ty Đài Loan (Trung Quốc), ngoại trừ Formosa Plastics.

Theo báo cáo được Viện nghiên cứu công nghiệp Huajing tại Bắc Kinh công bố, năm 2022, Trung Quốc đại lục nhập khẩu 105.400 tấn (chiếm 66% tổng số) n-butanol từ Đài Loan và 37.300 tấn (chiếm 23,4%) từ Ả-rập Xê-út. Phần còn lại đến từ Nga, Nam Phi và Malaysia.

Báo cáo cho biết các nhà cung cấp n-butanol của Trung Quốc đang thua đối thủ nước ngoài về chất lượng sản phẩm.

Vấn đề Đài Loan

Ngày 26/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trừng phạt 7 công ty Mỹ và các giám đốc điều hành cấp cao liên quan để trả đũa việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc.

Bắc Kinh nói rằng các lệnh trừng phạt của họ cũng nhằm phản ứng Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia của Mỹ cho năm tài chính 2025, bao gồm nhiều mục bất lợi với Trung Quốc.

Họ cho biết các công ty bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản tại Trung Quốc và bị cấm kinh doanh với các công ty và cá nhân Trung Quốc.

Bảy công ty bị trừng phạt gồm: Insitu Inc, Hudson Technologies, Saronic Technologies, Raytheon Canada, Raytheon Australia, Aerkomm Inc và Oceaneering International Inc.

Các công ty này hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Insitu sản xuất máy bay không người lái và là công ty con của Boeing. Aerkomm là công ty công nghệ truyền thông vệ tinh. Oceaneering cung cấp các sản phẩm và giải pháp robot cho ngành năng lượng, quốc phòng, hàng không vũ trụ và sản xuất ngoài khơi.

Vòng trừng phạt mới nhất được Trung Quốc đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép bán lô vũ khí thứ 19 cho Đài Bắc vào ngày 20/12. Thỏa thuận trị giá 295 triệu USD bao gồm các hệ thống liên kết dữ liệu chiến thuật nâng cấp và giá đỡ súng cho tàu của Đài Loan (Trung Quốc).

Ngày 29/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp thuận bán lô vũ khí trị giá 385 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống radar sẽ được giao vào năm 2025.

Ngày 5/12, Trung Quốc tuyên bố trừng phạt 13 công ty Mỹ trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và truyền thông quân sự, cùng với 6 giám đốc điều hành cấp cao của các công ty.

"Một loạt hành động cho thấy Mỹ vẫn chưa ngừng cố kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc thông qua vấn đề Đài Loan. Lời hứa của các chính trị gia Mỹ không còn giá trị gì với chúng tôi nữa", chuyên gia quân sự tại Sơn Tây sử dụng bút danh "Dianwutang" viết trong một bài báo.

“Trung Quốc ngày càng trưởng thành hơn trong việc xử lý xung đột với Mỹ. Nếu Mỹ không hành động, Trung Quốc sẽ không hành động, và nếu Mỹ hành động, Trung Quốc sẽ tấn công chính xác”, Dianwutang viết.

Bài báo nói rằng các công ty Mỹ bị trừng phạt đang trong tình trạng bấp bênh vì không thể mua các nguyên liệu chất lượng cao như gali, germani và antimon từ Trung Quốc. Bài báo cũng nói rằng dù có thể mua những nguyên liệu này thông qua các nước thứ 3, họ sẽ phải trả giá cực kỳ cao.

Stephen Tan, giám đốc điều hành của Nhóm tư vấn chính sách quốc tế, phát biểu trong một cuộc thảo luận trực tuyến ngày 19/12 rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc ép Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng ông sẽ không dễ dàng thỏa hiệp vì ông Trump ủng hộ chính sách “tự trả phí để được bảo vệ”. Quan điểm này có thể dẫn đến việc gia tăng doanh số bán vũ khí Mỹ cho Đài Loan.

Cạnh tranh công bằng?

Ngày 23/12, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẽ mở cuộc điều tra theo Mục 301 về việc Trung Quốc trừng phạt các chất bán dẫn cơ bản hoặc chip cũ để giành quyền thống trị và tác động đến nền kinh tế Mỹ. Ngày 26/12, Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng cuộc điều tra.

Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) thuộc Bộ Thương mại cho biết trong một cuộc họp báo ngày 27/12, rằng cuộc điều tra của Mỹ là một ví dụ rõ ràng về chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Sun Xiao, người phát ngôn của CCPIT, kêu gọi Mỹ tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ngay lập tức dừng hạn chế đơn phương, đồng thời thúc đẩy hợp tác công nghiệp với Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn.

Ông chỉ trích Mỹ gây suy yếu các nguyên tắc cạnh tranh công bằng thông qua biện pháp hỗ trợ ngành bán dẫn của chính mình.

CCPIT không nêu chi tiết về các hành động mà họ sẽ thực hiện nhưng rõ ràng đang cảnh báo Mỹ rằng Trung Quốc có thể ngừng mua chip của Mỹ nếu cần.

Đầu tháng này, một số nhóm ngành công nghiệp Trung Quốc kêu gọi các thành viên của họ không mua các chất bán dẫn cũ do Mỹ sản xuất do lo ngại về "an toàn", sau khi Washington công bố các biện pháp mới để kiểm soát xuất khẩu chip của Trung Quốc.

 

 

BALTIC CẦU CỨU, NATO VÀO CUỘC: TÀU NG BỊ BẮT, GIÁNG ĐÒN VÀO "HẠM ĐỘI BÓNG TỐI"

Vào Giáng sinh, tuyến cáp ngầm truyền điện từ Phần Lan đến Estonia đã bị ngắt khỏi lưới điện, chỉ hơn 1 tháng sau khi 2 tuyến cáp viễn thông khác bị đứt ở vùng biển Baltic.

Baltic "cầu cứu", NATO vào cuộc

NATO hôm 27/12 cho biết, khối sẽ tăng cường sự hiện diện của mình tại vùng Biển Baltic sau khi tuyến cáp điện ngầm giữa Phần Lan và Estonia bị đứt.

Cáp ngầm Estlink 2 đã bị ngắt khỏi lưới điện vào đúng Giáng sinh, chỉ hơn một tháng sau khi hai tuyến cáp viễn thông khác bị đứt ở vùng biển lãnh thổ Thụy Điển tại Biển Baltic.

Trước đó một ngày, 26/12, Phần Lan đã bắt giữ một con tàu với lý do nghi ngờ rằng con tàu đã tham gia vào "hoạt động phá hoại" gây ra sự cố mất điện Estlink 2. Tàu Eagle S, treo cờ Quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương, đang trên đường đến Port Said ở Ai Cập.

"Chúng tôi đã nhất trí với Estonia và cũng đã trao đổi với Tổng thư ký NATO Mark Rutte rằng chúng tôi mong muốn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn của NATO", Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 26/12.

Trong khi đó, ông Rutte đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng "NATO sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Baltic".

Cùng lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Kęstutis Budrys cho biết các vụ việc tương tự có số lượng ngày càng tăng nên đây là lời cảnh báo cho NATO và Liên minh châu Âu.

“Tất cả các cơ chế trong NATO, khuôn khổ an ninh quốc tế và khu vực phải được kích hoạt. Việc nâng cấp các quy tắc hàng hải ở vùng biển nông cũng phải được đưa ra thảo luận”, Đài truyền hình Lrt (Litva) dẫn lời ông Budrys.

Đài truyền hình nhà nước Yle của Phần Lan thì cho hay, Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã được hỏi về vụ việc nhưng từ chối bình luận.

Nghi ngờ liên quan đến "Hạm đội bóng tối" của Nga

Sami Rakshit, người đứng đầu cơ quan hải quan Phần Lan, nhận định rằng Eagle S có thể là một phần của "hạm đội bóng tối" của Nga - những con tàu treo cờ nước thứ ba được sử dụng để vận chuyển dầu thô của Nga và các sản phẩm dầu khác đang bị cấm vận.

Cảnh sát Phần Lan cho biết họ đang điều tra tàu Eagle S vì nghi ngờ "phá hoại hình sự nghiêm trọng" và các thủy thủ đã bị thẩm vấn.

Caravella LLC FZ có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, là công ty sở hữu Eagle S, đã không đưa ra bình luận khi được hỏi về vụ việc, theo MarineTraffic.

Cũng theo MarineTraffic, công ty Peninsular Maritime của Ấn Độ, đơn vị đóng vai trò quản lý kỹ thuật cho con tàu, hiện vẫn chưa đưa ra bình luận nào.

Nhà điều hành lưới điện Elering của Estonia khẳng định, sự cố mất cáp điện sẽ không ngăn cản kế hoạch tách Estonia, Latvia và Litva khỏi lưới điện thời Liên Xô được chia sẻ với Nga và Belarus.

Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường điện của LSEG Ole Tom Djupskaas cho biết, sự cố này có thể khiến giá điện ở các nước vùng Baltic có khả năng cao hơn dự kiến vào năm 2025.

Thêm lệnh trừng phạt của EU

Theo AFP ngày 27/12, Liên minh châu Âu cũng đe dọa sẽ áp dụng thêm lệnh trừng phạt đối với "hạm đội bóng tối" của Nga sau sự cố xảy ra trong tuần này.

Đầu tháng này, 27 quốc gia thành viên của khối đã nhất trí đưa khoảng 50 tàu thuộc hạm đội này vào danh sách đen, nâng tổng số tàu bị trừng phạt lên khoảng 80.

 

Nguồn: Vietnamnet; BBC; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; CafeF; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang