Thách thức với COP29; Tông xe ‘trả thù đời’ ở TQ; Thổ Nhĩ Kỳ đoạn tuyệt với Israel; Ukraine loay hoay tìm vị thế; Kursk giao tranh dữ dội

THÁCH THỨC ĐÀM PHÁN KHÍ HẬU TẠI COP29

Tổng thống Azerbaijan, nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay (COP29), đã chỉ trích việc phương Tây nhắm vào ngành dầu khí của nước này.

Trong bài phát biểu quan trọng vào ngày 12/11 tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29), nơi gần 200 quốc gia đang đàm phán về hành động toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã mô tả đất nước ông là nạn nhân của "một chiến dịch vu khống và tống tiền được dàn dựng khéo léo".

Gần như liền ngay sau đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên sân khấu và nói rằng nỗ lực gấp đôi trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một chiến lược vô lý.

Những quan điểm đối lập đã nhấn mạnh thách thức "cốt lõi" của các cuộc đàm phán về khí hậu: Trong khi các quốc gia được kêu gọi chuyển sang các nguồn năng lượng xanh, nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia phương Tây giàu có, vẫn tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch.

Bộ Tài chính Azerbaijan cho biết, tỉ trọng dầu khí trong nền kinh tế của quốc gia vùng Kavkaz đang giảm khi đất nước đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của mình.

"Với tư cách là Chủ tịch COP29, tất nhiên chúng tôi sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi xanh và chúng tôi đang thực hiện điều đó. Nhưng đồng thời, chúng tôi phải thực tế", Tổng thống Aliyev nói. Ông Aliyev đã gọi các nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước mình là "món quà của Chúa".

"Các quốc gia không nên bị đổ lỗi vì có chúng (tài nguyên dầu khí) và không nên bị đổ lỗi vì đã đưa những nguồn tài nguyên này ra thị trường, vì thị trường cần chúng. Người dân cần chúng", nhà lãnh đạo Azerbaijan lập luận.

Ông chỉ trích Mỹ – quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới trong lịch sử, và Liên minh châu Âu (EU), cáo buộc họ áp dụng tiêu chuẩn kép. Mỹ là quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới.

Trong khi các quốc gia châu Âu có một số mục tiêu nghiêm ngặt nhất thế giới là cắt giảm khí thải vào năm 2030, nhưng đồng thời cũng vẫn tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới ngoài Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022.

Cố vấn khí hậu quốc gia Mỹ Ali Zaidi đã bác bỏ phát biểu của ông Aliyev, nói rằng nếu mọi quốc gia đều giảm phát thải carbon theo tốc độ của Mỹ, thế giới sẽ đạt được mục tiêu về khí hậu.

Nhằm mục đích cắt giảm lượng phát thải mê-tan từ Mỹ, chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden hôm 12/11 đã hoàn thiện khung thu phí phát thải mê-tan áp dụng cho các nhà sản xuất dầu khí lớn. Nhưng biện pháp này có khả năng sẽ bị Tổng thống đắc cử Donald Trump hủy bỏ.

EU từ chối bình luận về bài phát biểu của Tổng thống Azerbaijan Aliyev. Trong một diễn biến khác, một tòa phúc thẩm Hà Lan hôm 12/11 đã ban hành phán quyết mang tính bước ngoặt về khí hậu có lợi cho Shell và bác bỏ lệnh trước đó yêu cầu công ty dầu khí này phải giảm mạnh lượng khí thải.

Bên cạnh vấn đề phát thải, COP29 năm nay có mục đích tập trung vào việc huy động hàng trăm tỷ USD tài chính khí hậu để giúp tài trợ cho việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng với một thế giới ấm hơn.

"Thế giới phải trả giá, nếu không nhân loại sẽ phải trả giá", ông Guterres phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh. "Chúng ta đang trong giai đoạn đếm ngược cuối cùng để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, và thời gian không đứng về phía chúng ta".

Các tổ chức cho vay phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB), vốn là một trong những nguồn tài chính khí hậu lớn nhất cho các quốc gia nghèo hơn, đang chịu áp lực phải cung cấp thêm tiền.

Hôm 12/11, một nhóm gồm 10 quốc gia lớn nhất đã công bố mục tiêu chung là tăng khoản tài trợ khí hậu cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lên 120 tỷ USD vào năm 2030, tăng khoảng 60% so với số tiền được cung cấp vào năm 2023.

Nguồn tài trợ đó cũng nhằm mục đích thu hút thêm nguồn tài chính tư nhân, bằng cách giảm rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu.

Trong suốt thời gian còn lại của Hội nghị Thượng đỉnh COP29 kéo dài 2 tuần (từ 11-22/11), các chính phủ sẽ thảo luận về những gì họ có thể bổ sung vào mục tiêu tài trợ hàng năm đó.

 

 

TÔNG XE 'TRẢ THÙ ĐỜI' KHIẾN 35 NGƯỜI CHẾT: XÃ HỘI TRUNG QUỐC DẤY LÊN NHIỀU VẤN ĐỀ

Một vụ tấn công bằng xe hơi khiến 35 người thiệt mạng ở Trung Quốc đã dấy lên những câu hỏi về một loạt các vụ bạo lực công cộng gần đây, trong khi các quan chức thì tiếp tục kiểm duyệt nội dung thảo luận về sự việc này.

Trên mạng xã hội, nhiều người đang thảo luận về hiện tượng "trả thù đời", khi những cá nhân vì các mối thâm thù riêng lại chọn cách tấn công người lạ.

Cảnh sát cho biết tài xế đã lao vào đám đông tại một sân vận động ở thành phố Châu Hải, miền nam Trung Quốc vào tối 11/11, và nói rằng hành động trên xuất phát từ việc người này bất mãn với kết quả giải quyết ly hôn.

Mặc dù được cho là hành động bạo lực gây chết người nhất trong nhiều thập kỷ, đây cũng là vụ tấn công mới nhất trong một loạt các vụ tấn công trong những tháng gần đây tại Trung Quốc.

Đáp lại làn sóng phản ứng trên toàn quốc về vụ việc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố "trừng phạt nghiêm khắc" đối với thủ phạm. Cảnh sát cho hay tài xế, 62 tuổi, đã bị bắt giữ và đang trong tình trạng hôn mê do chấn thương tự gây ra.

Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người bày tỏ sự kinh hoàng trước hành động của ông ta và đặt câu hỏi liệu đó có phải là triệu chứng của những vấn đề xã hội sâu xa hơn hay không.

Một bình luận được lan truyền nhanh chóng trên Weibo:

"Làm sao ông ta có thể trả thù đời chỉ vì cuộc sống gia đình của ông ta không ổn? Ông ta đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người vô tội, liệu ông ta có bao giờ cảm thấy bình yên không?"

“Nếu không đảm bảo được việc làm và áp lực cuộc sống lớn… thì xã hội chắc chắn sẽ đầy rẫy vấn đề, thù địch và khủng bố,” một người dùng chia sẻ trên WeChat.

Một người khác viết trong một bài đăng được chia sẻ rộng rãi:

"Chúng ta nên xem xét các [yếu tố] xã hội sâu xa đã kích động cho nhiều [cuộc tấn công] bừa bãi vào những người yếu thế."

Một số vụ tấn công bạo lực ở Trung Quốc đã được ghi nhận trong năm nay, bao gồm một vụ đâm chém hàng loạt và tấn công bằng súng đạn ở Sơn Đông vào tháng Hai khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.

Vào tháng Mười, một vụ tấn công bằng dao tại một trường học hàng đầu ở Bắc Kinh đã làm năm người bị thương. Vào tháng Chín, một người đàn ông đã đâm dao điên cuồng tại một siêu thị ở Thượng Hải, giết chết ba người và làm bị thương nhiều người khác.

Nhiều bài đăng, bình luận và bài báo về vụ việc ở Châu Hải đã bị kiểm duyệt trong những ngày gần đây, khi chính quyền hạn chế thảo luận về những gì được xem như chủ đề nhạy cảm về chính trị.

Ở Trung Quốc, nhà kiểm duyệt thường nhanh chóng gỡ bỏ các bài đăng trên mạng xã hội liên quan đến các vụ án nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, một số câu chuyện gây xúc động, đặt lên những câu hỏi về vụ việc vẫn tiếp tục lan truyền rộng rãi trên mạng. BBC không thể xác minh độc lập những câu chuyện này.

Một người kể rằng một người bạn của gia đình đã thiệt mạng trong vụ tấn công khi bà ấy đang tập thể dục buổi tối với một nhóm người đi bộ.

"Mẹ tôi thấy khó chấp nhận việc mất đi một người bạn thân thiết như vậy. Càng chứng kiến nỗi đau của bà, tôi càng căm ghét kẻ giết người máu lạnh," người đó viết.

Người đó cáo buộc truyền thông Trung Quốc "hầu như không đưa tin" về vụ việc trong khi dành nhiều sự chú ý hơn cho một triển lãm hàng không quân sự nổi tiếng diễn ra ở Châu Hải cùng thời điểm.

"Trong mắt giới cầm quyền, máy bay quan trọng hơn sinh mạng con người."

Một số hãng truyền thông Trung Quốc đã nói với BBC News Tiếng Trung rằng trong những giờ đầu tiên sau vụ tông xe, họ đã nhận được chỉ thị rõ ràng là không đưa tin về vụ việc này. Các cơ quan truyền thông sau đó đã đưa tin về vụ tấn công, chủ yếu tập trung vào các thông báo từ cảnh sát và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Một bài đăng được lan truyền rộng rãi khác là của một người cho biết mẹ mình bị thương nặng trong vụ tấn công và hiện đang được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện.

Người này chia sẻ không rõ mẹ mình có qua khỏi hay không và cha mình, người chứng kiến vụ tấn công, đã rất đau khổ.

"Ông rất đau lòng, nhưng ông vẫn cố gắng hết sức để bình tĩnh trả lời điện thoại và trả lời tất cả những người quan tâm đến mẹ tôi."

Người dân cũng chỉ trích việc thiếu thông tin trong những giờ sau vụ tấn công.

"Mười giờ sau khi vụ việc xảy ra, vẫn không có thống kê về thương vong, cũng không có thông báo nào từ phía cảnh sát," một trong số họ nói.

 

 

THỔ NHĨ KỲ ĐOẠN TUYỆT QUAN HỆ VỚI ISRAEL

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, quan hệ giữa nước này với Israel đã chấm dứt.

“Chúng tôi, với tư cách là nhà nước và chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đã cắt đứt quan hệ với Israel. Hiện tại, chúng tôi không có bất kỳ mối quan hệ nào với Israel”, ông Erdogan phát biểu trước các phóng viên hôm 13/11, sau chuyến thăm Ả Rập Saudi và Azerbaijan.

Ông Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia thành viên NATO) sẽ không thực hiện thêm bất kỳ bước nào để phát triển quan hệ hợp tác trong tương lai với Israel – đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

“Chúng tôi sẽ duy trì quyết tâm này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phát triển bất kỳ mối quan hệ nào với Israel, chừng nào tôi – Tayyip Erdogan – còn lãnh đạo”, ông Erdogan nhấn mạnh

Bình luận về tình hình xung đột ở Trung Đông, ông Erdogan lên án hành động quân sự của Israel ở Dải Gaza và ở Lebanon. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi quốc tế trừng phạt và cấm vận vũ khí đối với Israel.

“Israel sẽ ngày càng hung hăng hơn nếu tiếp tục được cung cấp vũ khí và đạn dược”, ông Erdogan nói.

“Tình hình nhân đạo ở Palestine và Lebanon tiếp tục xấu đi nếu Israel không bị ngăn cản. Chừng nào viện trợ nhân đạo còn chưa được cung cấp đầy đủ, người dân ở đó (Palestine và Lebanon) sẽ chết dần chết mòn do thiếu thuốc men, đói khát và do các cuộc tấn công tàn nhẫn”, ông Erdogan nói.

Trong bài phát biểu, ông Erdogan cũng cam kết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ người dân Palestine “trên con đường chính nghĩa cho đến cuối cùng”.

Theo RIA Novosti, kể từ khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) mở chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza (tháng 10/2023), Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án Israel và cáo buộc quân đội nước này khiến nhiều dân thường Palestine thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên tục kêu gọi Israel ngừng bắn và rút quân khỏi Dải Gaza.

Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ngừng hoàn toàn hoạt động thương mại với Israel. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra lệnh hạn chế xuất khẩu 54 nhóm hàng hóa tới Israel.

Theo Cơ quan Y tế ở Dải Gaza, kể từ tháng 10/2023, xung đột Israel – Hamas khiến ít nhất 43.500 người Palestine thiệt mạng và hơn 100.000 người bị thương.

Giới chức Israel chưa bình luận về tuyên bố cắt đứt quan hệ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

 

 

UKRAINE LOAY HOAY TÌM KIẾM VỊ THẾ CÓ LỢI TRƯỚC SỰ TRỞ LẠI CỦA ÔNG TRUMP

Khi chiến thắng của ông Donald Trump mang triển vọng đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine đến gần hơn, Kiev đang cố gắng để đặt mình vào vị thế mạnh nhất có thể cho bất kỳ cuộc đàm phán nào bằng việc đảm bảo có thêm vũ khí và khả năng cầm cự trên chiến trường.

Ukraine loay hoay xác lập vị thế đàm phán

Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết 4 - 5 tháng tới sẽ là thời điểm then chốt, báo hiệu việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ tập trung vào Kiev như thế nào trong ván cờ chấm dứt xung đột. Ông Trump, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1, đã tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột nhưng không nói rõ bằng cách nào.

"Mùa đông năm nay là thời điểm quan trọng... Tôi hy vọng cuộc xung đột sẽ đi đến hồi kết. Ngay bây giờ, chúng tôi sẽ xác định lập trường của cả hai bên trong các cuộc đàm phán cũng như vị thế khi bắt đầu", quan chức giấu tên trên nói với Reuters.

Các quan chức đang chờ xem ông Trump sẽ chọn ai cho các vị trí an ninh và quốc phòng hàng đầu để có căn cứ dự đoán ông sẽ định hình chính sách với Ukraine như thế nào. Ông Trump đã loại trừ khả năng lựa chọn cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người được coi là thân Ukraine.

Nga đang tiến công với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022 bất chấp những tổn thất nhất định, vài tuần trước khi Ukraine nói rằng họ đã đụng độ với khoảng 11.000 quân Triều Tiên được triển khai tới khu vực Kursk của Nga. Do thiếu hụt nhân lực, các lực lượng của Ukraine đã mất đi một số vùng lãnh thổ mà họ chiếm được trong cuộc tấn công vào Kursk hồi tháng 9 mà Tổng thống Volodymyr Zelensky dự định dùng làm quân bài mặc cả. Hệ thống năng lượng của Ukraine vẫn duy trì hoạt động khi mùa đông đang đến nhưng mối đe dọa về các cuộc tấn công lớn khác của Nga vẫn hiện hữu.

Sau khi có cuộc điện đàm mà ông Zelensky cho là "tuyệt vời" với ông Trump vào cuối ngày 6/11, Tổng thống Ukraine cho biết ngày hôm sau rằng ông tin việc nhanh chóng kết thúc xung đột nghĩa là Kiev chấp nhận những nhượng bộ lớn.

"Nếu chỉ nhanh thì có nghĩa là Ukraine sẽ chịu tổn thất. Tôi vẫn chưa hiểu điều này có thể diễn ra như thế nào. Có lẽ chúng ta không biết hoặc không thấy điều gì đó", ông Zelensky nhận định. Ông cũng chỉ trích việc nói về lệnh ngừng bắn mà không có sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ trước tiên cho Ukraine, điều sẽ ngăn Nga tiến hành một cuộc tấn công lớn hơn sau này.

Triển vọng u ám của Ukraine

Quan chức giấu tên Ukraine cho biết, sau chiến thắng của ông Trump, họ cảm thấy "ít có khả năng" sẽ có lời mời của NATO dành cho Ukraine và thừa nhận, có nguy cơ ông Trump sẽ cắt giảm viện trợ.

"Tôi hy vọng chính quyền Tổng thống Biden sẽ cố gắng tránh rủi ro này bằng cách đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ", quan chức trên cho hay.

Điện Kremlin hôm 8/11 cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng thảo luận về Ukraine với ông Trump nhưng điều này không có nghĩa là các yêu cầu của Moscow đã thay đổi.

Tổng thống Putin hồi tháng 6 đã đưa ra các điều khoản để chấm dứt xung đột bao gồm: Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi toàn bộ 4 khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập, điều mà Kiev coi giống như đầu hàng.

Công chúng Ukraine hoài nghi về việc Nga quan tâm đến các cuộc đàm phán nhưng yêu cầu cốt lõi của họ là nếu các cuộc đàm phán diễn ra thì Ukraine phải nhận được các đảm bảo an ninh phù hợp, Anton Grushetskyi, Giám đốc điều hành của công ty thăm dò ý kiến KIIS cho biết.

Ông cho rằng, người dân Ukraine có xu hướng muốn ứng viên đảng Dân chủ - Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng sự thất vọng trước thái độ miễn cưỡng của chính quyền Tổng thống Biden trong việc tăng cường sự ủng hộ đã khiến họ ngày càng cởi mở với việc đánh cược vào ông Trump.

"Mọi người rất thất vọng vì đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Biden, các bước đi thực sự lại yếu hơn nhiều, đặc biệt là trong năm qua", chuyên gia này nhận định. Để củng cố vị thế của mình vào tháng 9, ông Zelensky đã vạch ra một "kế hoạch chiến thắng" trình lên Tổng thống Biden, nhắc lại yêu cầu của ông về việc cho phép tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nhận được lời mời gia nhập NATO và có vũ khí mạnh hơn.

Ông Anton Grushetskyi cho biết, kế hoạch này là cần thiết để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán một cách thiện chí nhưng có rất ít dấu hiệu đột phá về bất kỳ điểm nào trong 5 điểm của kế hoạch.

"Tâm trạng ở Ukraine khá ảm đạm. Bạn có thể thấy sự thất vọng ngày càng gia tăng trong những phát biểu gần đây của ông Zelensky", một nguồn tin ngoại giao cấp cao tại Kiev cho biết.

Quan chức này bày tỏ sự hoài nghi rằng Tổng thống Biden sẽ cung cấp điều gì đó quan trọng cho Ukraine, chẳng hạn như dỡ bỏ lệnh hạn chế các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga.

 

 

KURSK GIAO TRANH DỮ DỘI, UKRAINE PHẢN CÔNG NHIỀU KHU VỰC

Tình hình tại Kursk vẫn chưa hạ nhiệt, Bộ Quốc phòng Nga thông tin lực lượng Ukraine đã thực hiện 6 nỗ lực phản công ở các khu vực.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo vào ngày 13 tháng 11 rằng Nhóm lực lượng Sever của quân đội Nga đã gây ra tổn thất nặng nề cho một số đội hình của lực lượng Kiev và đẩy lùi nhiều cuộc phản công của Ukraine theo hướng Kursk.

Trong bản tóm tắt hàng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lữ đoàn cơ giới số 21, 22, 41, 47, 61, 115; Lữ đoàn xe tăng số 17; Lữ đoàn tấn công đường không số 80, 82, 95; Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36; Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 103, 112 và 129 của Ukraine đã chịu tổn thất gần các khu định cư Daryino, Leonidovo, Malaya Loknya, Nikolayevo-Daryino, Novoivanovka.

Báo cáo cho biết thêm rằng sáu cuộc phản công của lực lượng Ukraine cũng đã bị đẩy lùi gần các khu định cư Aleksandria, Nizhniy Klin, Novaya Sorochina và Novoivanovka.

"Lực lượng Vũ trang Ukraine mất một xe tăng, hai xe chiến đấu bộ binh Bradley, hai xe bọc thép chở quân M113, ba xe chiến đấu bọc thép Humvee và một xe cơ giới", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Ngoài ra, Bộ này còn thông báo rằng các cuộc không kích và pháo binh của Nga đã tấn công vào những vị trí tập trung quân của các Lữ đoàn cơ giới số 21, 22, 47 và 61; Lữ đoàn xe tăng số 17; Lữ đoàn tấn công đường không số 80, 82 và 95; Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 36 cũng như các Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 103, 112, 118, 129 và Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 17.

Các cuộc tập hợp quân bị nhắm mục tiêu ở gần các khu định cư Aleksandria, Bogdanovka, Viktorovka, Guyevo, Daryino, Zamostye, Zeleny Shlyakh, Kruglenkoye, Lebedevka, Leonidovo, Loknya, Malaya Loknya, Martrynovka, Makhnovka, Mirny, Nizhni Klin, Nikolayevo-Daryino, Nikolskiy, Novaya Sorochina, Novoivanovka, Plyokhovo, Sverdlikovo, Staraya Sorochina, Sudzha và Cherkasskoye Porechnoye.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc không kích khác cũng nhắm vào vùng Sumy của Ukraine, trong đó lực lượng dự bị của Lữ đoàn cơ giới số 41 và 115, Lữ đoàn xe tăng số 17, Lữ đoàn tấn công đường không số 95 cũng như Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 103, Lữ đoàn Vệ binh quốc gia số 1 đã bị tấn công gần các khu định cư Basovka, Belovody, Zhuravka, Ivolzhanskoye, Pisevka, Khoten, Yunakovka và Yablovka.

"Trong ngày, Lực lượng Vũ trang Ukraine mất hai xe tăng; ba xe chiến đấu bộ binh, bao gồm hai xe chiến đấu bộ binh Bradley, hai xe bọc thép chở quân M113 do Mỹ sản xuất; 33 xe chiến đấu bọc thép; năm khẩu pháo, bao gồm một hệ thống pháo tự hành Krab do Ba Lan sản xuất, bốn khẩu cối; một hệ thống tên lửa phòng không Crotale do Pháp sản xuất và 49 xe cơ giới", Bộ Quốc phòng Nga nêu chi tiết trong bản tóm tắt.

Các video đăng lên mạng xã hội cho thấy một số cuộc không kích của Nga nhằm vào lực lượng Kiev ở cả Kursk và Sumy trong những ngày gần đây.

Lực lượng Kiev đã tấn công Kursk của Nga từ Sumy của Ukraine vào tháng 8. Quân đội Nga hiện đang tiến hành phản công để giải phóng khu vực này.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu trận chiến ở Kursk, lực lượng Kiev đã mất 202 xe tăng; 134 xe chiến đấu bộ binh; 112 xe bọc thép chở quân; 1.146 xe chiến đấu bọc thép; 907 xe cơ giới; 274 khẩu pháo; 40 bệ phóng, trong đó có 11 hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất và sáu hệ thống MLRS; 12 hệ thống phòng không; bảy xe vận tải-nạp đạn; 62 trạm tác chiến điện tử; 13 radar phản pháo; bốn radar trên không; 27 xe công binh, bao gồm 13 xe vượt chướng ngại vật, một xe rà phá bom mìn UR-77, năm xe cứu hộ bọc thép và một xe chỉ huy.

 

Nguồn: Báo Mới; BBC; 24h; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang