Tập hợp các quy định pháp lý kết hôn và ly dị ở Đức (phần IV)

Dr. Nguyễn Sỹ Phương

PHẦN IV HỢP ĐỒNG HÔN NHÂN

Michael Klein, một luật sư dân sự Đức nổi tiếng đã từng tóm tắt vấn đề này như sau: “Hợp đồng hôn nhân được ký kết trong những giây phút của tình yêu và sự tin cậy lẫn nhau nhưng lại được sử dụng cho thời điểm chia tay cay đắng“. Cũng chính vì lẽ này mà các vụ ly hôn có kèm hợp đồng hôn nhân không hề đơn giản cho tòa án, luật sư và các bên tham gia khác. Khi đăng ký kết hôn, thường là trước mặt đông đủ họ hàng, cô dâu chú rể hay nói những lời kiểu như: „yêu thương nhau đến chết, tôn trọng nhau trong mọi hoàn cảnh hay, sống với nhau đến đầu bạc răng long“. Tuy nhiên thực tế lại khác hẳn, ở Đức tỷ lệ ly dị ngày càng cao thậm chi có năm xấp xỉ nhau. Chính vì thực tế đó, mà nhiều vị hôn phu, đặc biệt là những người đã từng ly hôn hay các vị giàu có, trước ngày cưới đã chuẩn bị sẵn cho ngày chia tay với một bản hợp đồng hôn nhân (Ehevertrag).

Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ khi „lên xe hoa“ lấy chồng ít nghĩ đến lúc chia tay hơn nam giới. Mặc dù vậy họ cũng sẵn lòng hạ bút ký vào bản hợp đồng vị hôn phu đã chuẩn bị. Và chỉ đến khi thủ tục ly hôn được tiến hành, vị hôn thê từng hạnh phúc mới hiểu chính xác nội dung văn bản mình đã ký. Việc phụ nữ tuy không hiểu nhưng vẫn ký hợp đồng hôn nhân, dẫn đến bị thiệt thòi khi ly hôn, đã trở thành một hiện tượng xã hội Đức. Tòa án các cấp thường xuyên phải xử các vụ án hôn nhân mà trong đó, thường là người vợ cho rằng hợp đồng hôn nhân không có giá trị hoặc không được tiến hành hợp pháp.

Những hợp đồng hôn nhân bị coi không giá trị

Theo luật pháp quy định, người vợ và người chồng có thể thảo hợp đồng tự do theo ý của mình. Mặc dù vậy tòa án tối cao liên bang (BGH) ở Karlsruhe năm 2004 đã có quyết định, lúc nào thì một bản hợp đồng hôn nhân bị coi là không có giá trị (án quyết số Az.:XII ZR 265/02). Bản hợp đồng đó khi đưa ra xét xử sẽ được toà án kiểm tra trong hai bước:

1. Kiểm tra giá trị pháp lý: tòa án sẽ xem xét thời điểm ký hợp đồng, kiểm tra nội dung hợp đồng về các tiêu chí sau: A: Liệu hợp đồng có hoàn toàn đứng về một phía và người kia có quá nhiều bất lợi khi chia tay. B: Liệu bản hợp đồng này có vi phạm phong tục tập quán (các vấn đề chắc chắn phải được đem ra giải quyết khi hôn nhân), nếu như nó xác định trước một bên sẽ không chấp thuận các yêu cầu của bên kia như: Trả tiền nuôi con, tiền cân đối hưu trí, tiền nuôi dưỡng trong trường hợp người kia ốm đau. Kết quả kiểm tra này hòan toàn thuộc về phạm vi quyết định của tòa án. Ví dụ như điều khoản không trả tiền nuôi con được coi là hợp pháp nếu như đôi vợ chồng này không có kế hoạch sinh con.

2. Trong bước hai, tòa án sẽ kiểm tra việc thi hành trên thực tế có đúng với bản hợp đồng hay không. Thi hành sai cùng nghĩa với việc hợp đồng mất giá trị. Ví dụ: Hợp đồng quy định chồng không trả tiền chăm sóc con cho vợ vì họ không có ý định có con. Tuy nhiên, nếu người vợ có mang thai ngoài ý muốn và sinh con (sai hợp đồng), tòa có thể sẽ quyết định người chồng phải trả tiền chăm sóc con cho vợ, mặc dù điều này hợp đồng đã loại bỏ.

Những thoả thuận cần thiết trong hợp đồng hôn nhân

Hợp đồng hôn nhân là một biện pháp hợp pháp để hai vợ chồng sắp cưới thỏa thuận ngoài tòa án về các vấn đề tài sản nếu như hôn nhân đổ vỡ sau này.

- Đa số các hợp đồng hôn nhân quy định cách chia tài sản theo phương pháp Gütertrennung, nghĩa là trong thời gian chung sống hôn nhân, tài sản của ai làm ra sẽ của người đó nếu ly hôn. Không có điều khoản này, tài sản sẽ bị chia theo phương thức cân đối công bằng do luật pháp quy định.

- Vấn đề đóng góp nuôi vợ (thường người vợ thu nhập thấp hơn hoặc không có do ở nhà lo nội trợ) cũng có thể được thỏa thuận tại hợp đồng hôn nhân, ví dụ cho một khoảng thời gian nhất định, hoặc thay vì hàng tháng nhận tiền, người có quyền yêu cầu (vợ) nhận một khoản “bồi thường“ lớn.

- Các hợp đồng hôn nhân có thể bị tòa án đánh giá không có hiệu lực, nếu như có nội dung vi phạm phong tục tập quán (sittenwidrig). Ở đây các tòa dân sự xử ly hôn sẽ kiểm tra tính hiệu lực của hợp đồng hôn nhân.

- Hợp đồng hôn nhân có hiệu lực vô thời hạn, tuy nhiên các bên tham gia cần cho kiểm tra lại sau một thời gian, để phù hợp với tình hình cá nhân, cần thiết có thể thay đổi.

- Hợp đồng hôn nhân thường do các luật sư dân sự thảo cho thân chủ, được ký kết tại công chứng. Phí hợp đồng phụ thuộc vào tài sản và thu nhập các bên đương sự.

Để hợp đồng hôn nhân hữu ích

Những cặp vợ chồng kết hôn trước 2008 có thể thỏa thuận miệng hoặc dưới dạng văn bản về vấn đề chi phí Unterhalt cho vợ (hay chồng) khi ly dị và các thỏa thuận đó có giá trị trước pháp lý.

Theo luật mới hiệu lực từ 01.01.2008, các thỏa thuận kiểu như trên cần phải được công chứng nhà nước, mới có hiệu lực pháp lý. Các đòi hỏi của người vợ đối với người chồng đưa ra trước khi ly hôn, sẽ không tự động có hiệu lực sau khi ly hôn nếu điều đó không được công chứng. Chính vì lẽ này mà các công chứng viên khuyên thân chủ nên có hợp đồng hôn nhân (Ehevertrag): Trong hợp đồng được công chứng này, người vợ và người chồng có thể thỏa thuận trước các điều khoản về vấn đề đóng góp tài chính khi ly hôn, các thoả thuận đó không nhất thiết phải theo luật định chung. Một ví dụ đơn giản nhất là người sẽ nuôi con (thường là mẹ) có thể sẽ thỏa thuận được các khỏan hợp lý và có lợi hơn cho mình, nếu so sánh với các quy định chung của nhà nước.

(Còn tiếp)

(Tuyển tập được đăng đầy đủ tại chuyên mục Ấn phẩm chuyên đề)

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang