Tăng nguồn cung thực phẩm cho miền Bắc; 'Méo mặt' vì bồi thường do bão; VN là 'đất vàng' cho mì ăn liền; Đất nền phía Nam 'bất động'

TĂNG TỐC CUNG CẤP THỰC PHẨM VÀ BÌNH ỔN GIÁ CHO MIỀN BẮC

Do ảnh hưởng bão lũ khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm ở các tỉnh phía bắc tăng cục bộ ở một số nơi. Các nhà cung cấp đang tích cực tăng cường đưa hàng từ miền Nam ra phía bắc để đảm bảo tốt nhất phục vụ nhu cầu thị trường.

Miền Bắc khan hiếm cục bộ, Nam bộ nguồn cung dồi dào

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại TP.Hà Nội và một số tỉnh phía bắc xảy ra tình trạng giá thực phẩm tăng mạnh cục bộ ở một số địa phương. Tại một số chợ dân sinh, giá rau muống 22.000 đồng/mớ, mồng tơi 17.000 đồng/mớ, rau ngót 15.000 đồng/mớ; cải ngọt và cải chíp giá 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg… Bên cạnh đó, các mặt hàng thịt heo, bò, gà tươi sống cũng rất đắt hàng. Tuy nhiên, dù giá tăng nhưng nguồn cung vẫn dồi dào.

Còn ở TP.HCM, tại một số chợ truyền thống như Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Nguyễn Tri Phương (Q.10), Hòa Bình (Q.5) thị trường vẫn ổn định cả về lượng và giá. Trưa 11.9, tại các chợ truyền thống, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Chủ một sạp rau xanh ở khu chợ Trần Chánh Chiếu (Q.5) chỉ tay vào hàng hóa bày trên sạp nói: Giờ đang là giữa trưa mà như anh thấy sạp của tôi và mấy người lân cận đây ai cũng còn đầy là đủ biết thị trường vẫn ổn định. TP.HCM gần các nguồn cung cấp lớn từ miền Tây và Lâm Đồng, lại không bị ảnh hưởng bão lũ nhiều nên không lo thiếu nguồn cung. Những ngày qua, các đầu mối cung cấp hàng vẫn tốt, giá ổn định ví dụ như rau muống, mồng tơi, rau dền từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; cà chua, dưa leo, hành ngò cũng ổn định từ 30.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại.

Trong khi đó, một số vựa gạo ở khu vực này cho biết giá gạo có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu từ các tỉnh phía bắc tăng. Ông Lộc, đại diện một vựa gạo, thông tin một vài khách quen hỏi mua số lượng lớn gạo thông dụng để đi làm từ thiện ở miền Bắc. Mặt hàng này chỗ ông Lộc không có nhiều, các thương lái báo giá tăng nhẹ khoảng 200 - 300 đồng/kg, còn gạo ngon giá cũng tăng bình quân 100 - 200 đồng/kg so với tuần trước.

"Từ đầu năm tới nay giá có lúc tăng, lúc giảm vài trăm đồng mỗi ký. Hiện mức tăng này là bình thường chứ không có dấu hiệu tát nước theo mưa. Giá gạo thông dụng bán lẻ như IR50404, gạo sơ ri tại các vựa giá phổ biến từ 18.000 - 18.500 đồng/kg; gạo Đài thơm 24.000 - 25.000 đồng/kg, ST25 từ 28.000 - 32.000 đồng/kg...", ông Lộc cho biết.

Theo ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc kinh doanh, Công ty CP quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, các nguồn cung rau củ lớn như Lâm Đồng và một số nơi có thể đang bổ sung cho sự thiếu hụt cục bộ ở các tỉnh phía bắc do bão lũ. Lượng hàng này có thể đi trực tiếp từ vùng nguyên liệu. Dù vậy, nguồn cung hàng qua chợ vẫn ổn định cả về lượng và giá.

Tại HTX Phước An (H.Bình Chánh), một trong những vùng trồng rau lớn của TP.HCM, ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX, cho biết: Địa phương không bị ảnh hưởng mưa bão nên năng suất và sản lượng vẫn ổn định. Mỗi ngày chúng tôi vẫn đều đặn cung cấp ra thị trường từ 500 - 700 tấn rau xanh các loại. Đầu ra của chúng tôi là các siêu thị, cửa hàng và bếp ăn tập thể. Rau ăn lá các loại có giá phổ biến từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc ở P.Long Trường (TP.Thủ Đức), cho biết: HTX sản xuất theo phương pháp thủy canh trong nhà kính nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết. Gần đây nhu cầu người tiêu dùng đang tăng dần giúp HTX tăng sản lượng lên khoảng 600 kg/ngày. Có thời lượng tiêu thụ đỉnh điểm 1.000 kg/ngày nhưng cũng mới đạt 60% công suất của HTX.

Tăng cường hàng hóa cho miền Bắc

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nói: Trước khi bão Yagi đổ bộ, các siêu thị Co.op Mart ở phía bắc đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường, tập trung vào các loại rau củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt… Tuy nhiên, siêu bão kéo theo hàng loạt vấn đề thiên tai đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở một số tỉnh thành. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Saigon Co.op tập trung nguồn lực tiếp ứng cho hệ thống phân phối và kho vận miền Bắc với mục tiêu đảm bảo nguồn hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả không biến động. Bên cạnh đó, đơn vị cũng làm việc với các đối tác kinh doanh để khuyến mãi đậm dành riêng cho thị trường miền Bắc, góp phần bình ổn thị trường, ổn định tâm lý người dân. Ở khu vực này Saigon Co.op có 11 siêu thị Co.op Mart và 28 cửa hàng Co.op Food.

Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên được chia ca kíp, tăng ca làm việc để trung tâm hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Các sản phẩm rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo tình hình thời tiết, nên Saigon Co.op đã tăng cường mặt hàng này từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.

"Chúng tôi đã đặt hơn 200 tấn bao gồm rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, xà lách, ớt chuông, bầu, bí, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, dưa lưới, cam… từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh… và sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc. Bên cạnh đó hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của 2 bên. Tại từng điểm bán, chúng tôi đã tăng giờ phục vụ. Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng, an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn, chúng tôi tiếp tục thực hiện khuyến mãi để đưa các mặt hàng thiết yếu được giảm giá sâu hơn nữa", ông Thắng nói.

DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM MÉO MẶT VÌ TIỀN BỒI THƯỜNG DO BÃO LŨ

Chỉ riêng Bảo hiểm PVI mới tính sơ bộ cũng đã có số tiền bồi thường cho khách hàng bị ảnh hưởng bão Yagi hơn 2.000 tỉ đồng.

Bảo hiểm PVI vừa có báo cáo sơ bộ thiệt hại từ khách hàng với hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản (tính đến chiều ngày 11-9), ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỉ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).

Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nhưng doanh nghiệp này tự tin với tiềm lực tài chính vững vàng, dự phòng bồi thường đầy đủ sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.

Còn Bảo Hiểm Bảo Việt cũng đã ghi nhận 437 vụ yêu cầu bồi thường liên quan đến cơn bão số 3, chủ yếu liên quan đến các loại hình tổn thất về bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa.

Đối với các trường hợp khẩn cấp, Bảo Hiểm Bảo Việt đã phối hợp triển khai các nghiệp vụ giám định, đánh giá và đưa ra các phương án tạm ứng bồi thường phù hợp và nhanh chóng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Bảo hiểm PJICO đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan tới các nghiệp vụ xe cơ giới, tài sản, hàng hải… Ước tính thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Tương tự, Bảo hiểm VNI cũng đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 200 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng hóa, tàu thuyền chưa bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người.

Bảo hiểm VietinBank cũng đã ghi nhận trên 400 vụ tổn thất trên các nghiệp vụ tài sản, hàng hải và xe cơ giới (chưa bao gồm tổn thất về con người), số tiền bồi thường ước tính hàng trăm tỉ đồng.

Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng đã chủ động liên hệ với khách hàng và đến trực tiếp hiện trường tại những khu vực xảy ra thiệt hại để xác minh tình hình tổn thất và giám định, xử lý bồi thường.

VIỆT NAM LÀ “MIỀN ĐẤT HỨA” CHO MÌ ĂN LIỀN: SẮP TIÊU THỤ 10 TỶ GÓI/NĂM

Mức tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam được dự báo sẽ vượt 10 tỷ gói/năm vào năm 2030.

'Ông lớn' Nhật Bản chiếm 40% thị trường mì ăn liền Việt Nam

Theo Nikkei, kể từ sau đại dịch COVID-19, người Việt Nam ngày càng ưa chuộng mì ăn liền. Trong đó, Acecook, nhà sản xuất mì Nhật Bản, đang dẫn đầu thị trường nhờ vào bề dày hoạt động và danh mục sản phẩm đa dạng.

Năm 2023, Acecook bán được khoảng 3,3 tỷ gói mì tại Việt Nam, chiếm khoảng 40% thị phần. Con số này tương đương gần 60% lượng mì ăn liền tiêu thụ hàng năm tại Nhật Bản.

"Do lạm phát, mì ăn liền trở thành một lựa chọn vừa túi tiền mà vẫn đảm bảo bữa ăn ngon miệng" , ông Hiroki Kaneda, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho biết.

Hảo Hảo là thương hiệu nổi tiếng của Acecook, trong đó, các gói mì giá khoảng 4.500 đồng là sản phẩm bán chạy nhất. Gần đây, các sản phẩm cao cấp hơn, có giá từ 5 - 15 nghìn đồng với nhiều "topping" (nguyên liệu) hơn, cũng đang có sức tiêu thụ tốt.

Theo Acecook, năm nay, doanh số bán hàng của các sản phẩm cao cấp đã tăng từ 30-50% so với năm trước. Với giá một bát phở tại một cửa hàng ở thành phố lên tới 40 - 60 nghìn đồng/bát thì ngay cả mì ăn liền cao cấp cũng được coi là một lựa chọn tiết kiệm.

Acecook gia nhập thị trường Việt Nam khoảng 3 thập kỷ trước, nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Công ty hiện có 13 nhà máy trong nước, bao gồm cả các cơ sở đối tác. Acecook dự kiến sẽ đưa thêm hai nhà máy vào hoạt động trước năm 2027.

Sự cạnh tranh giữa nhiều nhà sản xuất cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ. Masan Consumer, đối thủ cạnh tranh của Acecook tại Việt Nam, đang tập trung vào chiến lược phát triển các sản phẩm cao cấp.

Masan đã ra mắt các sản phẩm lẩu mang thương hiệu Omachi với giá hơn 100.000 đồng/hộp. Điểm đặc biệt của các sản phẩm lẩu này là chúng được đựng trong bao bì tự đun sôi, không cần nguồn nhiệt bên ngoài.

Bà Nguyễn Trương Kim Phượng, Giám đốc Marketing tại Masan Consumer, chia sẻ tại một cuộc họp cổ đông rằng lẩu Omachi đã nâng tầm trải nghiệm mì ăn liền, mang đến một bữa ăn "vừa ngon vừa thú vị".

Dù mì ăn liền vẫn còn mang tiếng là không tốt cho sức khỏe ở Việt Nam nhưng Masan đang nỗ lực thay đổi định kiến này, đặc biệt khai thác nhu cầu của những người tiêu dùng có thói quen ăn ở ngoài. Với 13 nhà máy sản xuất thực phẩm bao gồm cả mì ăn liền trên toàn quốc, công ty dự kiến sẽ mở thêm 4 nhà máy nữa trong tương lai gần.

Mức tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam sẽ vượt 10 tỷ gói/năm vào năm 2030

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, tổng tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu đạt 120,2 tỷ gói vào năm 2023, tăng 13% so với năm 2019. Việc phong tỏa cách ly trong đại dịch đã khiến nhu cầu sử dụng mì ăn liền tại nhà tăng cao hơn.

Ngay cả khi các hạn chế của đại dịch đã được nới lỏng, tiêu thụ mì ăn liền vẫn tiếp tục tăng mạnh khi mọi người đã quen với một món ăn vừa tiện lợi, vừa dễ dàng chế biến và giá cả hợp lý.

Tại Đông Nam Á, lượng tiêu thụ mì ăn liền đạt 34 tỷ gói vào năm ngoái, tăng 22% so với năm 2019 và chiếm khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, đã có tới 8,1 tỷ gói mì được tiêu thụ trong năm ngoái, tăng 49% so với năm 2019.

Tính bình quân đầu người, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền với 83 gói/người/năm, tăng từ mức 57 gói/người/năm vào hồi 2019.

Ông Hiroki Kaneda nhận định: "Mức tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam sẽ vượt 10 tỷ gói mỗi năm vào năm 2030."

Đông Nam Á đang là động lực chính thúc đẩy thị trường mì ăn liền toàn cầu. Trong số 10 quốc gia tiêu thụ hàng đầu vào năm 2023, có tới 4 quốc gia thuộc khu vực này.

Tại Đông Nam Á, các gói mì thường nặng khoảng 60 gram, ít hơn 30-40% so với ở Nhật Bản. Do mọi người thường ăn hai gói cùng lúc hoặc ăn nhẹ giữa các bữa ăn, số lượng gói mì tiêu thụ được dự báo có khả năng tăng thêm.

Đáng chú ý, các thương hiệu địa phương đang chiếm ưu thế tại mỗi thị trường nội địa. Điển hình như Mama ở Thái Lan và Lucky Me ở Philippines. Indonesia là thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á, với lượng tiêu thụ mì ăn liền hàng năm đạt 14,5 tỷ gói.

Ông Mark Wakeford, người đứng đầu bộ phận quan hệ nhà đầu tư tại Indofood, công ty mì ăn liền lớn nhất Indonesia, cho biết thị trường nông thôn của nước này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng. Ngày càng có nhiều người dân ở các làng quê chuyển sang ăn mì ăn liền vì đây là một bữa ăn vừa rẻ vừa tiện lợi, đặc biệt là trong giờ nghỉ giải lao khi làm việc đồng áng.

Để đáp ứng nhu cầu mì ăn liền ngày càng tăng trên toàn thế giới, các công ty đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng ra nước ngoài. Acecook hiện xuất khẩu mì ăn liền Hảo Hảo và phở sang khoảng 40 quốc gia.

Tổng giám đốc Acecook Việt Nam khẳng định: "Việt Nam sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu của tập đoàn.”

ĐẤT NỀN PHÍA NAM “BẤT ĐỘNG” CHỜ HỒ SƠ THUẾ

Các hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng đất đai từ 1/8/2024 đến nay tại Tp.HCM vẫn đang bị “treo” để chờ Thông tư, hướng dẫn bảng giá đất mới, chưa thể giải quyết ở khâu tính thuế.

Theo chia sẻ của các môi giới đất nền, hiện giao dịch “khựng lại” do các hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng, sang nhượng, cấp chứng nhận đất của người dân vẫn tắc ở khâu tính thuế. Một số khách hàng muốn “chốt” giao dịch nhưng lại “ngại” chờ đợi.

Cùng với đó, nhiều người mua bán nhà đất tại Tp.HCM đang phải đối mặt với tình trạng chậm trễ trong việc đóng thuế thu nhập cá nhân để hoàn tất thủ tục sang tên, đổi chủ.

Cục Thuế Tp.HCM cho biết, từ ngày 1/8 đến 27/8 nơi này đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ. Trong đó có 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…).

Theo đó, đối với các hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản, mà các bên chuyển nhượng ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng bằng hoặc cao hơn giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì cơ quan thuế tiếp tục giải quyết tính thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản.

Còn trường hợp cơ quan thuế phát hiện dấu hiệu kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì cơ quan thuế yêu cầu các bên kê khai lại giá chuyển nhượng và xem xét giải quyết tính thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản như đã thực hiện trong các năm qua.

Mới đây, các ban ngành Tp.HCM cũng kiến nghị  Tp.HCM phải nỗ lực sớm ban hành “bảng giá đất điều chỉnh” trong 1 hoặc 2 tuần tới để vừa giải quyết 8.808 hồ sơ tồn đọng tại cơ quan thuế, vừa để áp dụng bảng giá đất điều chỉnh cho 11 trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024.

Trước đó, Cục Thuế Tp.HCM đã nhiều lần kiến nghị UBND Tp.HCM sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế thực hiện. Tuy nhiên, mọi việc dường như vẫn chưa có lối ra.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng để giải tỏa ách tắc liên quan chính sách thuế chuyển nhượng, thuế chuyển mục đích sử dụng… bất động sản, cơ quan thuế áp dụng bảng giá cũ đến ngày 31/12/2024 để xử lý rốt ráo hồ sơ cho người dân. Sau đó, khi Tp.HCM có bảng giá đất mới sẽ áp dụng theo bảng giá mới. Như vậy, sẽ không sai và không ảnh hưởng đến quyền lợi của dân.

Ngày 10/9, tại cuộc họp gỡ vướng cho Tp.HCM liên quan đến áp dụng bảng giá đất mới, Bộ TN-MT nhất trí phải điều chỉnh bảng giá đất của Tp.HCM.

Hiện nay, dự thảo điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn đang được UBND TP phối hợp với HĐND TP tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của các đại biểu HĐND TP; đối thoại, lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng đất. Hội nghị phản biện xã hội do Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng được tổ chức theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh bảng giá đất của Tp.HCM; cho rằng Luật Đất đai 2024 đã quy định rất rõ thẩm quyền điều chỉnh là của UBND TP. Các ý kiến cũng nêu cụ thể các kiến nghị nhằm giải quyết thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8/2024.

Theo Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Ngọc Hải, thành phố đánh giá việc điều chỉnh bảng giá đất là vấn đề lớn, quan trọng; phạm vi đối tượng chịu tác động lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình thực hiện, Tp.HCM rất thận trọng, đánh giá rất kỹ tác động, thực hiện đầy đủ trình tự quy định, đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã có kết luận, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan.

Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Tp.HCM và đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết, sẽ chỉ đạo Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất tổng hợp tiếp thu, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề nghị UBND Tp.HCM bám sát kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM, đồng thời tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024 của Chính phủ về giá đất, căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương, đảm bảo hài hòa lợi ích, không làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.

Nguồn: Thanh Niên; Kenh14; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang