Tâm điểm ở Davos; 'Chiến địa' ngành ôtô; Nghịch lý ở Iran; 'Vũ khí' tối thượng của Nga; Kiev thừa nhận mất Soledar

HÌNH ẢNH Ở DAVOS KHIẾN CẢ THẾ GIỚI CHÚ Ý

(Ảnh minh hoạ).

Hình ảnh Davos cằn cỗi với những thảm cỏ nâu, trái ngược với thảm tuyết trắng thường thấy vào mùa đông, đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về biến đổi khí hậu.

Ngày 16/1, thị trấn Davos của Thụy Sĩ sẽ chủ trì hội nghị thường niên năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Nhưng câu hỏi lớn nhất hiện tại không phải là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia sẽ thảo luận về vấn đề gì.

Nhiều người thắc mắc liệu Davos mùa đông năm nay có đủ tuyết để trượt tuyết hay không.

Nằm ở độ cao 1.560 m, Davos nổi tiếng với những đợt tuyết rơi dày đặc vào mùa đông. Tuy nhiên, đợt nắng nóng giữa mùa đông diễn ra vào đầu tháng 1 năm nay đang khiến thị trấn Thụy Sĩ mất đi đặc trưng vốn có, theo Bloomberg.

Sườn núi được che phủ bởi những thảm cỏ nâu, trong khi những người đi bộ dắt chó dạo quanh thị trấn. May mắn thay, tuyết được dự báo sẽ rơi đúng những ngày hội nghị WEF được tổ chức.

Dù vậy, hình ảnh hiện tại là dấu hiệu của những điều không lành sắp xảy ra ở khu vực Davos, nơi bầu khí quyển đang nóng lên nhanh hơn phần còn lại của Trái Đất.

Hồi chuông cảnh báo cho thế giới

Thị trấn Davos không chỉ là nơi tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao về những vấn đề thế giới. Nó còn là nơi đặt trạm quan trắc thời tiết lưu giữ chuỗi số liệu dài ngày nhất về độ dày của lớp tuyết. Các nhà khoa học phát hiện rằng thời tiết tại Davos sẽ đại diện cho toàn bộ dãy Alps.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy lớp tuyết phủ vào mùa hè đã giảm 10% độ dày trong 40 năm qua. Nhưng con số này không lớn nếu so sánh với số liệu về độ dày lớp tuyết vào mùa đông.

So với thời điểm cuộc họp thường niên đầu tiên của WEF khai mạc vào năm 1971, lớp tuyết đã mỏng hơn 40%.

Cây cối sẽ bao phủ mặt đất nếu tuyết biến mất. Những tán lá sẫm màu sẽ hấp thụ nhiệt từ Mặt Trời vốn được phản chiếu bởi tuyết trắng. Điều đó khiến tình trạng nóng lên trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Sabine Rumpf, giáo sư tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ, cho biết tình trạng này sẽ tạo nên một vòng lặp tiêu cực và khiến tốc độ biến đổi khí hậu tăng lên.

“Tôi hy vọng đó sẽ là hồi chuông cảnh báo đối với những nhà hoạch định chính sách”, Gail Whiteman, giáo sư về tính bền vững tại Đại học Dexter ở Anh, cho biết.

“Thụy Sĩ vào mùa đông nên có tuyết. Điều đó không chỉ liên quan đến việc trượt tuyết. Toàn bộ chuỗi đa dạng sinh học sẽ thay đổi. Cây cối tưởng rằng mùa xuân đã bắt đầu”, bà nói thêm.

Phớt lờ khí hậu

Những rủi ro do tình trạng nóng lên toàn cầu không phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế giới cho đến những năm gần đây, bất chấp việc chúng đã xuất hiện hàng thập kỷ.

WEF là diễn đàn thường niên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nguyên thủ quốc gia kể từ năm 1971. Năm nay, hơn 30% chương trình nghị sự của hội nghị có liên quan đến biến đổi khí hậu. Như mọi khi, “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu và cạnh tranh giữa các quốc gia vẫn được quan tâm hơn hết.

Khi quan sát các bản tuyên bố hội nghị những năm 2010, lần đầu tiên WEF đề cập đến từ “khí hậu” là vào năm 2014.

Trong bài phỏng vấn với Bloomberg Green, giáo sư Whiteman cho biết sự thay đổi đó đòi hỏi nhiều năm nỗ lực phía sau sân khấu nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo rằng họ đang đánh giá thấp rủi ro của biến đổi khí hậu.

Bà đã cống hiến sự nghiệp của mình để đưa khoa học tự nhiên lên bàn họp. Sau nhiều năm dành thời gian ở Bắc Cực thuộc Canada, bà đã chứng kiến tình trạng nóng lên nhanh chóng của khu vực này so nơi khác trên thế giới.

Bà quyết tâm mang thông điệp cấp bách tới Davos. Phương châm của bà là “những gì xảy ra ở Bắc Cực sẽ không chỉ ở lại Bắc Cực”.

Đối với giáo sư Whiteman, thúc đẩy vấn đề khí hậu tại Davos không phải điều dễ dàng. Bà không có “tấm vé kỳ diệu” để vượt qua các nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Hội nghị Davos. Bà cũng ngã ngửa trước chi phí thuê một địa điểm bất kỳ trong thị trấn.

Không nản lòng, bà nảy ra ý tưởng xây dựng “trại căn cứ”, giống như những người leo núi thực hiện để leo lên đỉnh Everest. Tương tự Davos, dãy núi Himalaya đang trải qua tình trạng tan băng chưa từng có.

Năm 2017, bà đã dựng loại lều được các nhà thám hiểm vùng cực sử dụng, cách địa điểm tổ chức hội nghị WEF không xa. Nó có hai nhiệm vụ, bao gồm không gian trưng bày vào ban ngày và phòng ngủ vào ban đêm.

“Chúng tôi rất biết ơn với bất kỳ bữa tối nào được gửi tặng trong những ngày hội nghị tại Davos”, bà nói.

Sáng kiến đi vào hoạt động với hơn 100 người tham dự trong năm đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Arctic Basecamp. Khi hội nghị diễn ra tại Davos những năm kế tiếp, chiếc lều trở thành ngôi nhà của các nhà khoa học và nhà hoạt động khí hậu.

Dự án muốn khẳng định rằng điều xảy ra tại những vùng đất băng giá của Trái Đất có tác động trên toàn thế giới, từ nước biển dâng cao đến sự bất thường của những cơn bão.

Đợt lạnh ở Bắc Mỹ đẩy nhiệt độ ở Texas, Mỹ xuống mức âm vào tháng 12/2022 và đêm giao thừa ấm áp bất thường tại Trung, Tây Âu đều liên quan đến sự bất thường của lốc xoáy vùng cực, gây ra bởi biến đổi khí hậu.

Thuyết phục thế giới thay đổi

Giáo sư Whiteman cho biết năng suất của tất cả vựa lúa mì trên thế giới có liên quan trực tiếp đến nhiệt độ các cực. Bà nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là một ví dụ về mối liên kết giữa khí hậu và con người trên khắp hành tinh.

Tại trại căn cứ Arctic Basecamp, các nhà khoa học tóm tắt cho nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp về rủi ro khí hậu ảnh hưởng thế nào đối với lợi nhuận. Họ cũng lý giải tại sao việc giúp thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu lại quan trọng đối với lợi ích tài chính của doanh nghiệp.

“Khi chạm tới nhân tính và kết hợp với lợi ích cá nhân, chúng ta có thể tạo ra những cơ hội. Tôi đã thấy nó xảy ra nhiều lần”, bà nói.

Nhưng bà cũng là người đầu tiên thừa nhận rằng tiến bộ về nhận thức sẽ vô ích nếu mức độ phát thải không giảm. Năm 2022, thế giới ghi nhận mức phát thải cao kỷ lục, gây ra bởi cuộc khủng hoảng năng lượng khiến một số quốc gia quay trở lại với than đá.

Dù vậy, mỗi cuộc gặp gỡ với những người quyền lực tại Davos đều mang lại cho bà Whiteman một lý do để lạc quan.

“Bà đang làm gì ở đây với chiếc lều Bắc Cực này vậy? Bà ngủ ở đây à?”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đi ngang qua và hỏi bà Whiteman vào năm 2018.

Bà đã dẫn ông Netanyahu tới chiếc lều và nói chuyện về biến đổi khí hậu ở Bắc Cực. Vị thủ tướng được quan sát những lõi băng, bằng chứng cho thấy tình trạng nóng lên ngày nay là chưa từng có trong hơn 800.000 năm.

“Davos mang đến cho bạn những khoảnh khắc hiếm có như thế. Vậy nên hãy để khoa học trò chuyện với quyền lực”, bà Whiteman nói.

(Nguồn: Zing News)

QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á NÀY TRỞ THÀNH "CHIẾN ĐỊA" NGÀNH Ô TÔ CHÂU Á, NƠI NHỮNG TAY CHƠI MỚI TỪ TRUNG QUỐC "NHĂM NHE" SOÁN NGÔI CÁC TƯỢNG ĐÀI NHẬT BẢN

Quốc gia Đông Nam Á tự nhận mình là Detroit (bang ở Mỹ, nổi tiếng nhờ ngành công nghiệp xe hơi), đang trở trành chiến địa của các doanh nghiệp ô tô non trẻ Trung Quốc với những gã khổng lồ của ngành tới từ Nhật Bản.

Thái Lan - "thủ phủ" công nghiệp xe hơi của Đông Nam Á

Toyota Motor đã kỷ niệm 60 năm hoạt động tại Thái Lan vào tháng trước với một buổi lễ quy lớn được tổ chức tại một trung tâm hội nghị quốc gia. Buổi lễ có sự xuất hiện của chiếc xe bán tải chạy điện Hilux đầu tiên, một chiếc Corolla 1970 và các mẫu xe khác mà Toyota đã sản xuất tại Thái Lan trước 1.500 quan khách.

Chủ tịch công ty Akio Toyoda tuyên bố trên sân khấu khi giới thiệu chiếc xe bán tải chạy điện đầu tiên của Toyota dành cho các thị trường mới nổi được sản xuất tại Thái Lan: “Tương lai của Toyota và Thái Lan rất tươi sáng và triển vọng này sẽ còn tiếp tục phát triển. Cá nhân tôi luôn coi Thái Lan là như ngôi nhà thứ hai của mình. Nếu tôi không phải sống ở Nhật Bản vì công việc của mình, thì tôi sẽ sống ở đây!"

Bài phát biểu của Toyoda nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa công ty và Thái Lan. Không có quốc gia nào khác đã đầu tư nhiều như vậy ở Thái Lan. Trên thực tế, các công ty Nhật Bản đã đổ rất nhiều tiền vào đất nước này đến mức họ đã tạo ra một trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu khu vực.

Toyota và các công ty thuộc tập đoàn sử dụng 275.000 lao động ở Thái Lan. Theo một số ước tính, hoạt động này chiếm tới 4% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia Đông Nam Á. Tính đến tháng 3/2022, Nhật Bản chiếm đến 32% nguồn vốn FDI đổ vào Thái Lan và là nhà đầu tư lớn nhất, theo dữ liệu từ JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản).

Trung Quốc xuất hiện

Nhưng những thay đổi về cấu trúc trong ngành công nghiệp xe hơi - và trong nền kinh tế toàn cầu nói chung - đang đặt ra những câu hỏi hóc búa về mối quan hệ giữa Nhật Bản với Thái Lan.

Đặc biệt, sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nhà sản xuất xe điện ngày càng tham vọng của họ đã mang đến cho Nhật Bản đối thủ nặng ký đầu tiên tại một quốc gia tự gọi mình là Detroit (kinh đô một thời của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ) của Đông Nam Á.

Vài tháng trước chuyến thăm của Toyoda đến Thái Lan, nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua gần khu đất với diện tích gần 1km2 ở Rayong, trên bờ biển phía đông của Vịnh Thái Lan.

Công ty dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất xe điện ở đây vào năm 2024. Nhà phát triển bất động sản công nghiệp Thái Lan WHA, cho biết đây là giao dịch lớn nhất của công ty trong 25 năm qua.

Giao dịch này cũng có khả năng đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Thái Lan vào năm 2022, lần đầu tiên soán ngôi Nhật Bản kể từ năm 1994, theo dữ liệu của JETRO.

David Nardone, Giám đốc điều hành bộ phận phát triển công nghiệp của WHA cho biết: “Điều đó cho thấy tham vọng của họ. Người Trung Quốc là nhà đầu tư năng nổ nhất, và họ đến từ một thị trường nơi có thị phần xe điện lớn nhất thế giới".

Xe điện hiện chiếm chưa đến 1% doanh số bán xe mới của Thái Lan, nhưng trong phân khúc nhỏ đó, các thương hiệu đến từ Trung Quốc đang chiếm ưu thế.

Great Wall Motor, công ty đã mua lại một nhà máy GM ở Rayong vào năm 2020, đã chiếm được 45% thị phần trong 9 tháng đầu năm 2022 với mẫu xe điện nhỏ gọn và giá cả phải chăng Good Cat. SAIC Motor của Trung Quốc.

Dự kiến sự cạnh tranh sẽ còn trở nên khốc liệt hơn trong thời gian tới. Tháng 9/2022, Foxconn của Đài Loan đã công bố kế hoạch sản xuất xe điện ở Thái Lan vào năm 2024.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu phải vượt qua các hạn chế thương mại do Mỹ áp đặt, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

"Các công ty Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm cơ hội ở mọi thị trường tiềm năng," Nardone giải thích.

Ông cho biết có tới 40% khách hàng của WHA trong 3 năm qua đến từ Trung Quốc và Đài Loan.

Thái Lan cũng cung cấp một chuỗi cung ứng phát triển tốt mà những nhà đầu tư mớ có thể dễ dàng tận dụng. "Tất cả đến đây đều muốn sử dụng các nhà cung cấp Thái Lan cho các bộ phận kim loại, ghế ngồi, hệ thống nội thất, nhựa," Nardone nói.

Thái Lan chắc chắn đang trải thảm chào đón nhà đầu tư Trung Quốc. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha rất muốn chứng tỏ rằng nền kinh tế Thái Lan đang hiện đại hóa trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 5 tới.

"Chiến địa" nơi 2 nền kinh tế hàng đầu châu Á cạnh tranh

Thái Lan cũng nhận thức được sự cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực. Nước này có lượng vốn FDI cam kết lớn hơn Indonesia hay Việt Nam, nhưng xét về khoản đầu tư mới, Thái Lan đã bị các nước láng giềng vượt xa kể từ năm 2014.

Ngoài ra, Thái Lan phải đối mặt với bất lợi về nhân khẩu học. Quốc gia này có 71 triệu dân so với 97 triệu của Việt Nam và 273 triệu của Indonesia.

Thái Lan cũng là quốc gia có dân số già nhất ở Đông Nam Á, sau Singapore, và xu hướng này dự báo sẽ còn kéo dài. Một số chuyên gia cảnh báo nếu không có nguồn cung lao động mới và quy mô thị trường lớn hơn, vị thế của Thái Lan trong khu vực có thể gặp nguy hiểm.

Nhưng điều đó dường như không ngăn cản hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đổ tiền vào nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô.

"Sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chuyển sản xuất sang Thái Lan để hạn chế tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung," Hajime Yamamoto, nhà phân tích ô tô tại Viện nghiên cứu Nomura có trụ sở tại Bangkok, dự đoán.

Đối với các công ty là một phần của chuỗi cung ứng ô tô Nhật Bản, tình hình trên mang lại rủi ro nhưng cũng là cơ hội đối với họ.

Tại nhà sản xuất phụ tùng ô tô Denso, Naoto Inuzuka - Giám đốc điều hành - đang theo dõi sát sao bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi nhanh chóng.

Nhưng ông cũng nhìn thấy một cơ hội đầy tiềm năng. “Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô mới gia nhập thị trường,” ông nói thêm, đề cập đến các nhà đầu tư mới như BYD, Great Wall, SAIC và Foxconn.

Inuzuka nói rằng Denso đang chuẩn bị để có thể đáp ứng nhu cầu từ các nhà sản xuất xe điện ở Thái Lan, theo đó ông dự kiến họ sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024 - 2025, dù ban đầu ở quy mô nhỏ.

Các nhà đầu tư Nhật Bản khác vẫn đang đặt cược lớn vào Thái Lan.

Vào tháng 11, Sony đã tiết lộ kế hoạch mở rộng sản xuất tại một nhà máy chip ở phía bắc Bangkok với nguồn vốn đầu tư tăng 70% và mở rộng số lượng nhân viên từ 1.000 lên 3.000 vào năm 2024. Nhà máy này sản xuất các cảm biến hình ảnh được sử dụng trong các hệ thống lái xe tự động.

Trong khi đó, Honda Motor đã công bố vào tháng 11 rằng họ có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt xe SUV chạy hoàn toàn bằng điện ở Thái Lan vào năm 2023. Hãng sản xuất ô tô và xe máy ở Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ, nhưng chỉ có các cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Thái Lan.

Yamamoto, chuyên gia về xe ô tô, cho biết các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản không muốn đi quá nhanh. Ông nói: “Thời đại của xe điện sẽ đến. Hy vọng của họ là sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp đủ dài để có thể tích lũy đủ vốn cho các khoản đầu tư mới."

Nhưng những người khác cho rằng thời gian không chờ đợi ai.

Stanley Kang, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Nước ngoài ở Thái Lan, người điều hành một doanh nghiệp sạc pin cho xe điện, cho biết: “Điều quan trọng là phải thực hiện bước đi đầu tiên”.

Ông đề cập đến công nghiệp điện thoại thông minh là một ví dụ. “Ngày nay, chỉ có Apple, Huawei và Samsung - không thương hiệu nào khác có thể hấp dẫn được khách hàng. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng bất cứ ai tham gia thị trường sớm hơn có thể nắm bắt được thị phần và củng cố hình ảnh thương hiệu của họ".

(Nguồn: CafeF)

NGHỊCH LÝ Ở IRAN: KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG DÙ TRỮ LƯỢNG KHÍ ĐỐT DỒI DÀO

(Ảnh minh hoạ).

Kịch bản quen thuộc tái hiện ở Iran mỗi khi có đợt lạnh, và mỗi trận tuyết rơi đều có thể làm tê liệt quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ.

Việc nguồn cung khí đốt ở Iran thấp đã buộc các trường học và văn phòng của các cơ quan chính phủ phải đóng cửa vào mùa đông này. Tuy nhiên, nghịch lý là quốc gia Trung Đông này có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và có nguyện vọng xuất khẩu sang châu Âu.

Đầu tháng 9/2022, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji đã cảnh báo về một mùa đông lạnh giá và khả năng thiếu khí đốt. Nhưng lời cảnh báo trên của ông là dành cho người châu Âu chứ không phải người Iran ở đất nước mình.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, vị Bộ trưởng nói rằng do sự quản lý yếu kém, châu Âu phải đối mặt với mối lo rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc nguồn cung khí đốt từ Nga giảm do các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Vào thời điểm đó, Iran tự cho mình là một nhà cung cấp thay thế cho châu Âu về khí đốt, và thấy vị thế của mình được củng cố trong các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân (JCPOA).

“Chúng tôi có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và có thể cung cấp cho châu Âu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết vào đầu tháng 9/2022. Nhưng điều kiện để Iran cung cấp khí đốt là các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Tehran sẽ phải được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, tờ báo Shargh tương đối độc lập ở Tehran đã đăng một báo cáo dựa trên số liệu thống kê chính thức cho biết rằng tình trạng thiếu khí đốt và điện khiến các doanh nghiệp Iran thiệt hại hàng tỷ USD trong năm 2021-2022. Khoản lỗ tương đương với 10% xuất khẩu dầu mỏ và phi dầu mỏ của Iran để tạo ra nguồn ngoại tệ thiết yếu.

Ngoài ra, Iran đã không đáp ứng yêu cầu của các nhà đàm phán về hợp tác chặt chẽ hơn với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và kế hoạch trở thành nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu của Tehran đã thất bại.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở “lục địa già” đã lắng dịu. Các nhà chức trách cho biết rằng nguồn cung hiện ổn định ở Đức, quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt Nga trước khi xung đột vũ trang ở Ukraine bắt đầu.

Ngoài ra, khoảng 3 tháng sau, một vấn đề quen thuộc đã quay trở lại ở Iran: Tình trạng thiếu khí đốt do cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Không thể tùy ý sử dụng

Bộ Dầu mỏ Iran đã xác nhận rằng quốc gia Trung Đông đang gặp sự cố kỹ thuật với việc sản xuất khí đốt. Đầu tháng này, Bộ trưởng Dầu mỏ đã cảnh báo mọi người tiết kiệm nguồn cung.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn chính thức Shana, chuyên đưa tin về ngành, ông Owji khuyên người dân nên “mặc ấm hơn ở nhà và giảm tiêu thụ năng lượng: Những người sử dụng quá nhiều khí đốt có thể bị cắt nguồn cung”.

Điều đó, theo ông Owji, nghĩa là không ai có thể dùng khí đốt bao nhiêu tùy thích.

Từ hôm 12/1, chính quyền ở một tỉnh phía Đông Bắc Iran đã đóng cửa tất cả các văn phòng cho đến ngày 15/1 để tiết kiệm điện và khí đốt.

“Thật quá đáng!” một bà mẹ trẻ từ Tehran nói với DW để đáp lại thông báo. “Trong 3-4 năm qua, chúng tôi chứng kiến cùng một kịch bản mỗi khi có đợt lạnh. Mỗi trận tuyết rơi đều làm tê liệt đất nước, khi các cơ quan nhà nước và trường học đóng cửa để tiết kiệm năng lượng”.

Mùa đông năm nay cũng không ngoại lệ: Kể từ giữa tháng 12/2022, các văn phòng chính phủ và trường học ở nhiều tỉnh trên khắp đất nước 84 triệu dân đã phải đóng cửa hàng tuần liền để tiết kiệm khí đốt.

Tuy nhiên, mặc quần áo ấm hơn ở nhà là điều không bình thường đối với bà mẹ 37 tuổi này, cũng như đối với nhiều người Iran khác, những người đã quen với việc sưởi ấm ngôi nhà của mình bằng nguồn khí đốt rẻ tiền.

Iran có thể có trữ lượng năng lượng khổng lồ, nhưng nước này có xu hướng sử dụng chúng không hiệu quả.

“Iran đang phải chịu tình trạng tiêu thụ quá mức khí đốt tự nhiên và các nguồn năng lượng khác do hiệu quả sử dụng năng lượng cực kỳ kém”, ông David Jalilvand, người đứng đầu công ty tư vấn chính sách Orient Matters có trụ sở tại Berlin, cho biết.

“Các khoản trợ cấp nhằm giảm bớt khó khăn kinh tế của người dân và kích thích nền kinh tế, là một yếu tố quan trọng ở đây”, ông Jalilvand nói với DW. “Một số nỗ lực cắt giảm trợ cấp đã thất bại vì tình hình bấp bênh của nhiều hộ gia đình Iran”.

Vật lộn với các lệnh trừng phạt

Iran cũng phải vật lộn với mức tiêu thụ năng lượng cao trong hầu hết các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sắt, thép và xi măng. Theo Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức, Iran đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia tiêu thụ khí đốt cao nhất thế giới năm 2020, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

“Trong 2 thập kỷ qua, Iran đã có thể mở rộng đáng kể sản lượng khí đốt tự nhiên của mình”, ông Jalilvand cho biết. “Nhưng sản xuất vẫn kém phát triển so với quy mô trữ lượng của Iran. Thiếu khả năng tiếp cận các công nghệ then chốt do các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng đóng một vai trò nào đó. Trong tương lai gần, Iran sẽ không có khả năng đáng kể để tăng xuất khẩu khí đốt”.

Cùng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Iran và Nga có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn để đáp trả.

Tehran và Moscow có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ mà cả hai nước phải đối mặt. Hồi tháng 7/2022, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá 40 tỷ USD với công ty dầu mỏ NIOC của Iran để giúp công ty này phát triển 2 mỏ khí đốt và 6 mỏ dầu.

Ông Jalilvand bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận này: “Suy cho cùng, Moscow không được lợi lộc gì khi xây dựng một đối thủ hùng mạnh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là khi thị trường bán hàng của Nga đã trở nên nhỏ hơn đáng kể do các lệnh trừng phạt”.

Nga đã cung cấp dầu và khí đốt với mức chiết khấu đáng kể cho các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - tất cả các khách hàng truyền thống của Iran. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã nhập khẩu khí đốt từ Iran, nhưng hiện đang đàm phán giảm giá 25% đối với khí đốt từ Nga. Hãng tin Bloomberg hồi tháng 12/2022 cũng đưa tin rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn trích chiết khấu hồi tố đối với khí đốt nhập khẩu đã thanh toán cho mùa thu này

(Nguồn: Người Đưa Tin)

CÓ MỘT NGÀNH HÀNG ĐANG TRỞ THÀNH 'VŨ KHÍ' TỐI THƯỢNG CỦA NGA: EU PHẢI MIỄN TRỪNG PHẠT VÌ QUÁ PHỤ THUỘC, CUNG CẤP CHO NHIỀU QUỐC GIA CHÂU Á BAO GỒM CẢ VIỆT NAM

Dù gặp nhiều bão tố trên thị trường năng lượng trong năm qua nhưng ngành hàng này đang mang lại nhiều tin vui cho Nga với khoản lợi nhuận khổng lồ.

Doanh thu của Nga từ xuất khẩu phân bón đã tăng vọt trong năm vừa qua mặc dù doanh số bán hàng có giảm nhẹ, tuy nhiên giá phân bón tăng vọt do khan hiếm đã mang đến cho Nga khoản lợi nhuận khổng lồ - ngành hàng hiếm hoi giúp Moscow có thể yên tâm phần nào sau 1 năm "bão tố" trên thị trường năng lượng.

Mặt hàng của năm

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón của Nga đã tăng 70% lên 16,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Moscow cho thấy, về mặt khối lượng, doanh số bán hàng ở nước ngoài của nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã đi ngược với dự đoán của giới phân tích rằng các chuyến hàng sẽ sụp đổ sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra.

Thực phẩm và phân bón xuất khẩu từ Nga đã được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây để hỗ trợ an ninh lương thực, đặc biệt là cho các nước nghèo. Moscow đã và đang tăng cường xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Josef Schmidhuber của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc - FAO cho biết: “Các quốc gia như Ấn Độ là những nước được hưởng lợi nhiều nhất trong nhập khẩu phân bón."

Các quan chức Nga và EU đã lo ngại rằng một số người mua, ngân hàng và công ty bảo hiểm của họ đã tự trừng phạt và tránh mua sản phẩm từ Nga và có nguy cơ dẫn đến thiếu hụt trong ngành này.

Tháng trước, EU đã làm rõ việc miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu nông nghiệp và phân bón của Nga sau khi các quốc gia thành viên EU nói rằng họ lo ngại các lô hàng có khả năng bị đình trệ. Bởi vậy EU đã đưa ra các miễn trừ mới cho phép các quốc gia thành viên EU mở phong tỏa tài sản của các cá nhân bị trừng phạt có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phân bón của Nga.

Giá phân bón bắt đầu tăng ngay cả trước khi xảy ra xung đột và Nga giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên - yếu tố quan trọng để sản xuất phân đạm. Giá phân kali - một loại phân bón quan trọng khác tăng vọt sau khi các chính phủ phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, một trong những nhà sản xuất chất dinh dưỡng cây trồng hàng đầu.

Sau đó, giá khí đốt tăng mạnh sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy ở châu Âu, làm tăng giá phân bón nitơ, vốn rất quan trọng đối với sản lượng và chất lượng sản xuất lương thực.

Năm khởi sắc khó kéo dài

Tuy nhiên, khó có thể nói chắc chắn rằng Nga có tiếp tục được hưởng lợi từ giá cao hơn trong năm nay hay không. Giá khí đốt giảm gần đây tại châu Âu do thời tiết ấm hơn bình thường đã dẫn đến giá phân bón thấp hơn, với việc các nhà sản xuất trong khu vực đang tăng cường sản xuất.

Schmidhuber cho biết: “Điều này có nghĩa là nhập khẩu của các nước EU sẽ giảm đáng kể và là tin tốt cho nông dân trên toàn thế giới."

Chris Lawson, người đứng đầu bộ phận phân bón tại công ty tư vấn CRU cho biết: “Sản xuất ở châu Âu đang có lãi và các nhà sản xuất đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất phân bón. Nguồn cung cấp nitơ toàn cầu rất dồi dào và chúng tôi cho rằng giá phốt phát và kali sẽ tiếp tục giảm."

Theo dữ liệu từ công ty theo dõi tàu biển Sea, các lô hàng ngũ cốc cũng đã trở lại mức trước khi xảy ra xung đột. Khối lượng ngũ cốc bao gồm lúa mì và ngô, được vận chuyển trong 3 tháng qua của năm 2022 đã tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Một mặt hàng chưa có sự phục hồi trong xuất khẩu là amoniac, nguyên liệu cho phân bón nitơ do đóng cửa một đường ống dẫn qua Ukraine. Nga chiếm khoảng 12% thị trường xuất khẩu amoniac toàn cầu và dữ liệu của FAO cho thấy xuất khẩu hóa chất này của Nga, cũng được sử dụng trong các ngành công nghiệp như nhựa và dệt may, đã giảm 76% về khối lượng trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen giữa Moscow và Kyiv do Liên Hợp Quốc làm trung gian và được gia hạn vào tháng 11 bao gồm cam kết khởi động lại hoạt động xuất khẩu amoniac của Nga bằng cách mở lại đường ống. Các nhà phân tích và công ty phân bón Nga, bao gồm cả tỷ phú phân bón Nga Dmitry Mazepin - người đang bị trừng phạt đã kêu gọi nối lại các chuyến hàng mặc dù giá phân bón nitơ quốc tế đã giảm trong thời gian gần đây.

(Nguồn: Soha)

KIEV THỪA NHẬN MẤT SOLEDAR, UKRAINE TRỞ THÀNH 'PHÒNG THÍ NGHIỆM' VŨ KHÍ CỦA MỸ

(Ảnh minh hoạ).

Quân đội Ukraine thừa nhận đã rời thị trấn Soledar ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.

Ấn phẩm trực tuyến Strana.ua hôm 15/1 đưa tin: “Chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine nói rằng Nga đã chiếm khu công nghiệp gần mỏ số 7 ở Soledar, nơi trước đây do Lực lượng Vũ trang nước này nắm giữ”.

Ngoài ra, quân đội Ukraine tiết lộ hiện tại mặt trận đã ở bên ngoài Soledar. “Chỉ huy Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố rút quân Ukraine khỏi Soledar”, thông báo cho hay.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục phủ nhận các báo cáo Soledar đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga, ông nói rằng cuộc giao tranh được cho là “vẫn đang tiếp diễn”.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, việc giải phóng Soledar sẽ cắt đứt đường tiếp tế của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở Artemovsk, và dồn quân đội Ukraine vào thế khó.

Ukraine trở thành phòng thí nghiệm thử nghiệm vũ khí của Mỹ

CNN đưa tin, Ukraine đã trở thành phòng thí nghiệm để thử nghiệm vũ khí của phương Tây, vốn không phải lúc nào cũng đáp ứng được kỳ vọng và sau những bài học về cuộc xung đột, nó có thể trở thành dĩ vãng.

“Đây là những cuộc thử nghiệm chiến đấu trong thế giới thực”, CNN dẫn một nguồn tin tình báo phương Tây cho biết.

Theo nguồn tin này, không có loại vũ khí nào của phương Tây trước đây được sử dụng trong các cuộc xung đột giữa hai nước, vì vậy Ukraine đã trở thành “một phòng thí nghiệm vũ khí theo mọi nghĩa”.

CNN dẫn lời của một sĩ quan Mỹ am hiểu tình hình trên chiến trường và nghiên cứu một nhóm chuyên gia cố vấn của Anh cho hay, đối với Lầu Năm Góc, cuộc xung đột Ukraine đã trở thành nguồn cung cấp một lượng thông tin khổng lồ về các hệ thống của Mỹ.

“Một số trong số chúng kém hiệu quả hơn mong đợi, chẳng hạn như máy bay không người lái Switchblade 300 và tên lửa chống radar”, báo cáo cho hay.

Hạ nghị sĩ Jim Himes, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện cho biết, có thể viết cả một cuốn sách về những bài học kinh nghiệm ở Ukraine.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Rơi máy bay chở người; Cuộc sống của giới siêu giàu; Trả tiền để dân rời Tokyo; Soledar giao tranh khốc liệt; Nga mở đợt tấn công mới ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang