Tai nạn thảm khốc ở Ấn; Sóng nhiệt ở TQ; Đối thoại Shangri-La 2023; TQ thâu tóm thị trường vũ khí; Wagner-Chechnya lục đục

Tai nạn tàu hỏa thảm khốc tại Ấn Độ, hơn 1.000 người thương vong

Có hàng chục nghìn vụ tai nạn đường sắt xảy ra mỗi năm tại Ấn Độ, phần lớn là do cơ sở hạ tầng cũ kỹ và thiết bị báo hiệu lỗi thời.

Hơn 200 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong một vụ tai nạn thảm khốc do 3 đoàn tàu đâm vào nhau ở Ấn Độ vào tối 2/6, một quan chức địa phương cho biết.

Theo Tổng thư ký bang Odisha Pradeep Jena, 2 đoàn tàu chở khách và một đoàn tàu chở hàng đã va chạm tại thành phố Balasore, bang Odisha của nước này.

Vụ va chạm khiến ít nhất 207 người thiệt mạng và 900 người bị thương. Số nạn nhân tử vong dự kiến sẽ tăng lên, Tổng thư ký bang Odisha Pradeep Jena.

Play Video

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy lực lượng cứu hộ đang cố gắng tìm kiếm những người sống sót trong một toa tàu bị hư hỏng, những người sống sót đang cố thoát ra ngoài, và những toa tàu bị lật nằm rải rác trên các đường ray.

Các nhà chức trách cho biết, hơn 115 xe cứu thương và một số đơn vị cứu hỏa đã được huy động đến nơi xảy ra tai nạn. 3 đội ứng phó thảm họa quốc gia cũng đã có mặt tại hiện trường, và 6 đội nữa đang được huy động thêm, Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ cho biết.

Các hoạt động cứu hộ đang được tiến hành và “mọi sự hỗ trợ có thể” đã được đưa ra cho những người bị ảnh hưởng, Thủ tướng Narendra Modi viết trên Twitter.

Vụ va chạm xảy ra vào khoảng 7h20 tối tại Ấn Độ (khoảng 13h50 tại Việt Nam) khi tàu Howrah Superfast Express, chạy từ Bangalore đến Howrah, Tây Bengal, trật bánh và đâm vào tàu Coromandel Express, chạy từ Kolkata đến Chennai, các quan chức đường sắt cho biết.

Coromandel Express sau đó lại đâm vào một đoàn tàu chở hàng. Theo trang Hindustan Times, khoảng 600 đến 700 người khác vẫn đang bị mắc kẹt trong các toa tàu.

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện an toàn đường sắt, các vụ tai nạn vẫn xảy ra hàng năm trên đường sắt Ấn Độ, mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới. Ấn Độ có hơn 14.000 chuyến tàu trên khắp các bang với hơn 12 triệu hành khách mỗi ngày.

Số người thiệt mạng trong vụ tai nạn hôm 2/6 đã vượt qua vụ tai nạn thảm khốc vào năm 2016, khi hơn 140 người thiệt mạng trong một vụ trật đường ray ở phía Bắc bang Uttar Pradesh.

Năm 2017, hơn 40 người thiệt mạng sau khi một số toa của một đoàn tàu chở khách trật khỏi đường ray ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này.

Năm 2018, một đoàn tàu lao qua đám đông đang tụ tập trên đường ray để dự lễ hội ở thành phố Amritsar, miền bắc Ấn Độ, khiến ít nhất 59 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Năm 2021, có khoảng 16.431 người thiệt mạng trong gần 18.000 vụ tai nạn đường sắt trên khắp Ấn Độ. Phần lớn (67,7%) các vụ tai nạn đường sắt được báo cáo là “Ngã từ tàu hỏa/va chạm với người trên đường ray”, theo một báo cáo năm 2021 của Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ.

Bộ trưởng Bộ Đường sắt, Truyền thông, Điện tử và Công nghệ Thông tin của Ấn Độ cho biết, gia đình của những người thiệt mạng trong vụ tai nạn sẽ được hỗ trợ 12.136 USD (gần 285 triệu đồng), và những người bị thương sẽ được hỗ trợ ít hơn số tiền đó

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Trung Quốc: Sóng nhiệt gây áp lực lên mạng lưới điện

Nhiệt độ ở nhiều khu vực của Trung Quốc liên tục tăng cao kỷ lục gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với hệ thống lưới điện của nước này.

Thiếu điện trên diện rộng

Từ trước tháng 6, Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiệt độ nóng bức ngột ngạt ở Thượng Hải và nhu cầu điện tăng cao từ Quảng Đông đến Hải Nam.

Tính đến 31/5, 578 trạm quan trắc khí tượng cấp quốc gia ở khu vực miền Nam Trung Quốc đã vượt mức cao nhất trong lịch sử tại cùng thời điểm, 25 trạm lập kỷ lục từ trước tới nay.

Thời tiết khắc nghiệt đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống điện của Trung Quốc, khi các đợt nắng nóng và hạn hán khiến nhiều hồ chứa thủy điện cạn khô. Các đợt nắng nóng và hạn hán trong thời gian qua đã làm giảm năng suất thủy điện và gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng. Điều này đẩy chính phủ Trung Quốc vào tình trạng cấp bách khi phải đảm bảo sản xuất đủ điện để đáp ứng mức tiêu thụ ngày càng tăng.

Tập đoàn tư vấn kinh tế và năng lượng Lantau Group đánh giá Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn nhiều quốc gia khác, nhưng lại gây ra vấn đề về sử dụng năng lượng hóa thạch.

Nhu cầu sử dụng điện ở các trung tâm sản xuất phía Nam đã tăng lên trong những ngày gần đây. China Southern Power Grid - một trong hai nhà điều hành lưới điện của Trung Quốc - chứng kiến mức tải điện cao nhất vượt 200 triệu kilowatt - sớm hơn nhiều tuần so với thông thường và gần đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Trong những ngày gần đây, lần đầu tiên phụ tải điện ở Hải Nam đã tăng trên 7 triệu kW và cũng đạt mức cao kỷ lục ở Quảng Tây. Con số này dự kiến tăng gấp đôi, và sẽ tiếp tục tăng ở các tỉnh phía Nam khác.

Mùa hè năm 2022, nhiệt độ kỷ lục ở Trung Quốc đã buộc các nhà chức trách phải kêu gọi người dân hạn chế sử dụng điện. Sản lượng thủy điện cũng bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài.

Thích nghi với biến đổi khí hậu

Lantau Group cho rằng các nhà khai thác điện trên toàn thế giới cần học hỏi bài học từ Trung Quốc. Điều này là rất quan trọng khi trái đất đang nóng lên khiến các sự kiện khí hậu hiếm gặp sẽ trở nên phổ biến hơn và con người cần phải lên kế hoạch ứng phó kịp thời.

Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Những dự án lớn như đập Tam Hiệp và hàng trăm nhà máy phát điện nhỏ hơn được xây dựng trên khắp các con sông của Trung Quốc. Điều này có nghĩa các vùng tây nam Trung Quốc phụ thuộc tới 80% điện năng vào thủy điện.

Vào mùa hè năm ngoái, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã làm khô cạn nhiều nhánh của sông Trường Giang, con sông dài nhất ở Trung Quốc, làm giảm lượng điện từ những con đập khổng lồ của Trung Quốc. Đồng thời, nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng máy lạnh tăng vọt.

Những yếu tố này buộc các quan chức phải đóng cửa các nhà máy sản xuất ở Tứ Xuyên trong nhiều tuần. Hoạt động công nghiệp tại Vân Nam cũng bị hạn chế trong nhiều tháng. Hệ thống vận chuyển đường thủy thậm chí phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài.

Cuối năm 2022, Tứ Xuyên tuyên bố sẽ xây dựng loạt nhà máy điện chạy bằng khí đốt và thiết lập nhiều đường dây truyền tải điện kết nối với lưới điện các tỉnh lân cận. Tại Quảng Đông, nơi phụ thuộc vào thủy điện Vân Nam, các quan chức bất ngờ phê duyệt những dự án nhà máy nhiệt điện than mới với tổng công suất 17 GW. Đây là một phần của kế hoạch xây dựng quy mô lớn trên toàn quốc.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Đối thoại Shangri-La 2023: Hiệp ước Quốc phòng Đông Nam Á giúp cân bằng khu vực

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand ngày 3/6 cho biết, Thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA), gồm Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand và Anh đã tồn tại 52 năm qua giúp cân bằng, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng khu vực.

Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little nhấn mạnh, Thỏa thuận Phòng thủ Năm quốc gia được hình thành từ lâu, luôn là một phần quan trọng trong việc đảm bảo phòng thủ tập thể hiệu quả đối với khu vực.

Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, mối quan hệ lâu dài giữa các quốc gia nhỏ hơn là "điều giúp mọi thứ cân bằng".

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng 5 nước đã thảo luận về tầm quan trọng của FPDA như một thỏa thuận mang tính xây dựng và hòa bình. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đề nghị 5 quốc gia cam kết sâu sắc với một trật tự dựa trên luật lệ và thúc đẩy hòa bình trong khu vực, đồng thời giữ cân bằng trước các bước đi chiến lược của các cường quốc.

Sự can dự ngày càng nhiều vào khu vực của các quốc gia trong và ngoài châu Á là chủ đề được nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á Shangri-La lần này, trong đó có bài phát biểu của Thủ tướng Australia và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

(Nguồn: VOV)

Trung Quốc đang thâu tóm thị trường vũ khí của Mỹ ở Trung Đông?

Trung Quốc được cho là đang sử dụng việc bán vũ khí để tạo mối liên kết, phát triển mạng lưới và củng cố các lợi ích chiến lược rộng lớn hơn trong khu vực

Trung Quốc đã sẵn sàng thâm nhập thị trường vũ khí Trung Đông thông qua các thỏa thuận lớn với Saudi Arabia và Ai Cập, cả hai nước đều là khách hàng truyền thống của Mỹ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin trong tháng 5 rằng Công ty Quân sự Saudi Arabia (SAMI) đang đàm phán với Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco) về việc mua máy bay không người lái Sky Saker FX80 và CR500 do Trung Quốc sản xuất, đạn tuần kích Cruise Dragon 5 và 10, và hệ thống phòng không tầm ngắn HQ-17AE (SHORAD).

Lực lượng Không quân Ai Cập cũng được cho là đã sẵn sàng mua máy bay chiến đấu đa năng J-10C của Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (CAIG) của Trung Quốc. Hai bên sẽ gặp nhau trong Triển lãm Hàng không và Hàng hải Quốc tế Langkawi năm nay tại Malaysia.

SCMP cho biết Ai Cập có kế hoạch mua 12 chiếc J-10C, trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).

Báo cáo về xu hướng chuyển giao vũ khí quốc tế của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2022 lưu ý rằng, từ năm 2018-2022, Saudi Arabia là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chiếm 9,8% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn đó, và Mỹ là nhà cung cấp 78% lượng mua của Saudi Arabia.

Báo cáo lưu ý rằng Ai Cập là khách mua vũ khí lớn thứ sáu thế giới trong giai đoạn này, chiếm 4,5% lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, với 34% lượng nhập khẩu của họ đến từ Nga.

Một báo cáo của SIPRI năm 2018 từng lưu ý rằng Saudi Arabia đặt mục tiêu đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí của mình để mở rộng và tăng cường mạng lưới chính trị quốc tế nhằm giảm thiểu tác động từ các hạn chế bán vũ khí của phương Tây.

Những hạn chế như vậy xuất phát từ sự can thiệp quân sự gây tranh cãi của Saudi Arabia ở Yemen, vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi năm 2018, và tranh chấp giá dầu của OPEC+ với Mỹ vào năm ngoái.

Sau đó, tờ Asia Times đã lưu ý vào tháng 2/2022 rằng nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp vũ khí ngoài Mỹ của Saudi Arabia có thể được thúc đẩy bởi việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, những sai lầm trong chính sách đối ngoại của nước này ở Iraq và Syria, cách tiếp cận hay thay đổi đối với Iraq và sự thay đổi mối quan tâm chiến lược từ Trung Đông đến Thái Bình Dương. Việc Saudi Arabia mua vũ khí từ Mỹ cũng bị chỉ trích là có động cơ chính trị, định giá quá cao và không phù hợp với nhu cầu chiến lược cơ bản của vương quốc.

Theo báo cáo SIPRI năm 2022, Ai Cập là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ sáu thế giới, chiếm 4,5% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu từ năm 2018-2022, trong đó Nga cung cấp 34% lượng mua.

Nhưng Nga không phải lúc nào cũng là nhà cung cấp vũ khí ưa thích của Ai Cập. Trang Defense News lưu ý vào tháng 5/2021 rằng trước cuộc đảo chính ở Ai Cập năm 2013, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là Abdel-Fattah el-Sissi phế truất Tổng thống Mohammed Morsi, Mỹ chiếm 47% lượng vũ khí nhập khẩu của Ai Cập .

Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính năm 2013, chính quyền Tổng thống Obama đã đóng băng việc bán máy bay, xe tăng và tên lửa cho Cairo trong 2 năm cho đến khi quan hệ được cải thiện.

Do tình trạng đóng băng đó, Ai Cập đã cố gắng đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí nhập khẩu của mình bằng cách mua số lượng lớn vũ khí từ Nga và Pháp.

Tuy nhiên, mối đe dọa trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga liên quan đến xung đột Ukraine đã buộc Ai Cập phải hủy bỏ kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu Su-35. Cairo phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế từ Trung Quốc.

Trên tờ Forbes, chuyên gia Sebastien Robin đánh giá rằng các máy bay phản lực hàng đầu của Trung Quốc, như J-10C, có thể đã vượt qua những gì tốt nhất mà Nga có thể cung cấp. Ông Robin cho biết Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng vị trí dẫn đầu về mặt kỹ thuật so với Nga trong việc phát triển máy bay chiến đấu, trong khi lĩnh vực hàng không vũ trụ của Nga gặp bất lợi do những hạn chế về cơ cấu và ngân sách.

Ông Robin lưu ý rằng Su-35 của Nga có radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA), kém hơn so với radar AESA trên J-10C và các máy bay chiến đấu hiện đại khác của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng Trung Quốc đã cải thiện công nghệ động cơ phản lực nội địa và có tên lửa vượt trội, công nghệ tàng hình hoàn thiện hơn và tích hợp vũ khí dẫn đường chính xác tốt hơn so với Nga.

Chuyên gia Mihir Kaulgud thì lưu ý trong một bài báo đăng tháng 5/2022 cho Quỹ Usanas Foundation rằng Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc ở Trung Đông.

Ông Kaulgud nói rằng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Trung Đông cho thấy nỗ lực thiết lập “sự hiện diện mềm” trong khu vực, thể hiện qua việc nước này sẵn sàng bán vũ khí tiên tiến với giá cả phải chăng cho các nước thân thiện mà không có ràng buộc chính trị.

Việc bán vũ khí rõ ràng liên quan đến các quyết định ở cấp cao nhất của chính phủ và do đó thiết lập các mối liên kết chuyên nghiệp thông qua đào tạo và huấn luyện với quốc gia bán vũ khí, khiến họ trở thành tâm điểm hợp tác chiến lược lý tưởng cho Trung Quốc.

Chuyên gia Kaulgud cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đang mở rộng các mối quan hệ và mạng lưới trong khu vực nhưng không khiêu khích Mỹ. Những thương vụ đó có thể khiến các quốc gia Arab trước đây liên kết với Mỹ giờ đây coi Trung Quốc như một đối tác an ninh thay thế, với việc Bắc Kinh có khả năng tạo ra các thỏa thuận an ninh khu vực mới và thậm chí đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong chính trị nội bộ Trung Đông.

Ông nói rằng mặc dù xuất khẩu vũ khí đang là cơ sở cho cam kết an ninh của Trung Quốc ở Trung Đông, nhưng chúng cũng có thể đóng vai trò là bàn đạp cho sự hiện diện quân sự và an ninh rộng lớn hơn của nước này ở khu vực.

(Nguồn: Soha)

Lục đục giữa Wagner và lực lượng Chechnya

Những căng thẳng mới giữa Wagner và lực lượng Chechnya đã phơi bày rạn nứt trong nội bộ quân Nga trước cuộc phản công của Ukraine.

Đầu tuần này, lực lượng của tập đoàn an ninh tư nhân Nga Wagner bắt đầu rút quân khỏi thành phố Bakhmut thuộc vùng Donetsk để nhường chỗ cho lực lượng Chechnya của tướng Ramzan Kadyrov.

Trong một tuyên bố trên kênh Telegram, lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin "dội gáo nước lạnh" vào lực lượng Chechnya khi cho rằng họ khó có thể kiểm soát toàn tỉnh Donetsk. Moskva tuyên bố sáp nhập tỉnh mà họ gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) vào Nga, song chưa kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.

"Tôi nghĩ họ có đủ lực lượng để giải phóng nhiều thị trấn và làng mạc ở DPR, nhưng khó giải phóng toàn bộ. Họ sẽ chỉ kiểm soát được một số khu vực nhất định", ông Prigozhin nói về lực lượng Chechnya.

Bình luận của lãnh đạo Wagner lập tức gây ra làn sóng phẫn nộ trong những người trung thành với lãnh đạo Chechnya, trong đó có đồng minh lâu năm Adam Delimkhanov.

"Ông không hiểu và không cần phải hiểu, Yevgeny ạ. Ông có thể liên lạc bất kỳ lúc nào và cho biết địa điểm mà chúng ta có thể gặp nhau, để tôi giải thích bất kỳ điều gì mà ông không biết", Delimkhanov nói trong video đăng trên Telegram.

Magomed Daudov, một người trung thành khác với Kadyrov, chỉ trích gay gắt Prigozhin. "Ông không cần biết chi tiết về nhiệm vụ của chúng tôi. Chỉ huy của chúng tôi biết là đủ", ông nói.

Daudov cũng lên án những lời phàn nàn của Prigozhin với Bộ Quốc phòng Nga. "Lính của chúng tôi cũng gặp vấn đề, nhưng không có nghĩa họ phải hét lên về điều đó. Ông luôn ám chỉ trong các tuyên bố rằng ai đó cần bị bắn. Đôi khi tôi không hiểu ông muốn đạt được điều gì với những bình luận hàng ngày đó", ông nói, cáo buộc Prigozhin gieo rắc "tâm trạng hoang mang trong dân chúng".

"Đừng quên nhờ ai mà ông có công ty quân sự riêng, máy bay, trực thăng và nhiều thứ khác", Daudov nói. "Hãy gửi cho tôi vị trí của ông. Bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu, chúng ta sẽ gặp nhau và nói chuyện thẳng thắn như những người đàn ông".

Kadyrov trở thành lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga vào năm 2007. Giống như Prigozhin, ông thường mô tả bản thân là người hết mực trung thành với ông Putin.

Ngay trong những tháng đầu Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine, Kadyrov đã nỗ lực quảng bá quân Chechnya như lực lượng nòng cốt của Nga. Hai ngày sau khi chiến dịch bắt đầu, ông thông báo lực lượng của ông đã ra tiền tuyến.

Kể từ đó, Kadyrov liên tục đăng trên mạng xã hội thông tin cập nhật và video về các binh sĩ Chechnya tham gia vào một số hoạt động tác chiến và cứu trợ nhân đạo ở Ukraine, cũng như các thành quả chiến đấu của lực lượng Nga.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng Chechnya được triển khai tới các cuộc xung đột mà quân đội Nga tham gia. Họ từng góp mặt trong cuộc xung đột năm 2008 ở Gruzia và cuộc chiến ở Syria. Giới quan sát cho rằng việc triển khai các tay súng Chechnya đến Ukraine là hành động thể hiện lòng trung thành của Kadyrov đối với Điện Kremlin.

Tuy nhiên, hình ảnh của lực lượng Chechnya trở nên mờ nhạt hơn khi vai trò của Wagner được chú ý nhiều hơn từ tháng 9 năm ngoái, thời điểm các đơn vị quân đội Nga phải rút lui trước đà phản công của Ukraine. Wagner đã giành được một số bước tiến được ca ngợi rộng rãi, khiến lực lượng này trở thành tâm điểm chú ý trên truyền hình Nga. Điều đó cũng giúp Prigozhin tăng cường ảnh hưởng trong giới chính trị đất nước.

Wagner sau đó càng thể hiện vai trò rõ ràng trong chiến dịch tấn công Bakhmut. Tuy nhiên, những lời chỉ trích của ông đối với giới lãnh đạo quân đội Nga khiến mối quan hệ hai bên trở nên căng thẳng.

Ông Prigozhin chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga đã "đánh cắp chiến thắng của Wagner", nói các sĩ quan chỉ huy Nga là "bất tài" và chỉ trích họ không cung cấp đạn dược cho lực lượng của ông. Trước những lời công kích ngày càng tăng từ Prigozhin, quân đội Nga dường như muốn giảm ảnh hưởng của lãnh đạo Wagner.

Triển khai quân Chechnya, vốn là một phần lực lượng vệ binh quốc gia nhưng nhận chỉ đạo trực tiếp của Kadyrov, có thể làm suy yếu vị thế của Prigozhin cả trên chiến trường và trong xã hội Nga, theo giới quan sát.

Việc sử dụng lực lượng của Kadyrov để thế chỗ cho quân Wagner có thể làm leo thang cạnh tranh giữa hai trùm quân sự, những người vào năm ngoái đã hợp lực chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga khi lực lượng chính quy liên tục thất bại trong nỗ lực củng cố tiền tuyến và để quân Ukraine giành lợi thế đáng kể.

"Điện Kremlin có thể đang cố cắt đứt mối quan hệ giữa Kadyrov và Prigozhin, cũng như tái khẳng định quyền lực của chính quyền Nga thông qua lực lượng Chechnya", một bài viết của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đầu tuần này có đoạn.

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov hồi tháng 2 cho biết ông muốn "cạnh tranh" với người sáng lập Wagner và thành lập công ty an ninh tư nhân riêng. "Khi nghĩa vụ của tôi với đất nước hoàn thành, tôi nghiêm túc lên kế hoạch cạnh tranh với người anh em Yevgeny Prigozhin và thành lập công ty an ninh tư nhân. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ suôn sẻ", ông nói.

Trong căng thẳng mới nổ ra, một thành viên cấp cao của Wagner còn nhắc lại lịch sử để cảnh báo lực lượng Chechnya. Sau khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất đã diễn ra giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Chechnya năm 1994 - 1996, khi chính phủ tự trị ở Chechnya tuyên bố độc lập, ly khai vùng này khỏi nước Nga.

Akhmad Kadyrov, bố của ông Ramzan, đã chiến đấu chống Moskva trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai năm 2000 - 2009, Akhmad đổi phe, đứng về phía Liên bang Nga và dẫn đến việc thành lập chính quyền thân Moskva ở Chechnya.

Dmitry Utkin, chỉ huy Wagner từng chiến đấu chống lực lượng Chechnya trong Chiến tranh Chechnya đầu tiên, đã đề cập tới cuộc xung đột trong lời đáp trả bình luận của những người ủng hộ Kadyrov.

"Chúng tôi luôn sẵn sàng gặp trực tiếp vì chúng ta đã quen biết nhau từ cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất và thứ hai", ông viết trên Telegram.

Rạn nứt trong nội bộ quân Nga xảy ra khi Ukraine dự kiến phát động cuộc phản công lớn nhằm giành lại những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền đông và nam đất nước. Việc triển khai lực lượng Chechnya sẽ đánh dấu lần đầu tiên sau gần một năm họ trở lại tiền tuyến.

Theo tướng Kadyrov, truyền thông phương Tây và Ukraine "trong vài tháng qua cố gắng hăm dọa bằng cách nhắc đến một cuộc phản công đáng sợ". "Tôi muốn thông báo với các vị rằng chúng tôi sẽ không đợi cuộc phản công của NATO và Ukraine, thay vào đó đợt tiến công của các đơn vị Akhmat sẽ bắt đầu. Chúng tôi phát mệt vì chờ đợi", tướng Kadyrov tuyên bố.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang