Tắc giải ngân gói 120.000 tỷ; Vì sao thiếu điện; Hướng đi nào cho NƠXH; TP.HCM sẵn sàng đón nghị quyết mới

Tắc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng báo cáo gì với Thủ tướng?

(Ảnh minh họa).

Bộ Xây dựng cho biết, có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép đầu tư xây dựng, nhưng các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án nên các ngân hàng chưa thể cho vay vốn.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng loạt kiến nghị liên quan đến triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo, Bộ Xây dựng đã giao một số địa phương giao sở xây dựng rà soát hồ sơ, lập danh mục dự án để trình UBND tỉnh, thành phố công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương.

Theo đó, Bình Định có 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.344,9 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn khoảng 1.832 tỷ đồng.

Phú Thọ có 3 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 818 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 441 tỷ đồng. Đà Nẵng có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 2.046 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 545,6 tỷ đồng. Trà Vinh 2 dự án với tổng vốn đầu tư 1.492 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 420 tỷ đồng. Bắc Giang 2 dự án với tổng vốn đầu tư 6.164 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 4.527,6 tỷ đồng.

Về lý do chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho rằng, do các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được cấp phép đầu tư xây dựng, nhưng các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án nên các ngân hàng chưa thể cho vay vốn.

Về phát triển nhà ở xã hội trên cả nước, theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị với quy mô xây dựng 19.516 căn nhà.

Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn nhà.

Các dự án tập trung vào hai chương trình lớn là phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, và phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu đô thị.

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn, Bộ Xây dựng cho hay, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các dự án cải tạo chung cư cũ.

(Nguồn: CafeF)

Vì sao thiếu điện?

Đi làm gần mười năm, lần đầu anh Lê Đình Hùng, nhân viên một công ty sản xuất linh kiện điện thoại ở Bắc Ninh, được nghỉ vì công ty mất điện nguyên ngày.

Hơn 20h tối 4/6, anh Hùng nhận tin nhắn từ quản lý báo nghỉ làm vì bị cắt điện từ 5h đến 17h ngày 5/6. Anh kể nhiều đồng nghiệp bên Khu công nghiệp Yên Phong, Quế Võ (Bắc Ninh), Thăng Long (Hà Nội) cũng được nghỉ, đi làm luân phiên với lý do tương tự.

Nhiều nơi tại miền Bắc, các doanh nghiệp phải dừng sản xuất vì bị cắt điện. Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) tại Gia Lâm, Hà Nội cũng buộc phải cho lao động nghỉ việc một buổi chiều sau khi nhận thông báo cắt điện từ 11h đến 16h30. "Được thông báo trước nhưng điện bị cắt hơn 6h ảnh hưởng tới sản xuất, lịch giao hàng cho đối tác", ông nói.

Tại Hồ Gươm - trung tâm của thủ đô, các tối gần đây được người dân ví như đang trong những ngày thực hiện "Giờ Trái đất". Mới 19-20h, hệ thống chiếu sáng vườn hoa, vỉa hè và quanh hồ đã tắt gần hết.

Việc tắt đèn để tiết kiệm điện được Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đồng loạt thực hiện, theo vận động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đèn chiếu sáng ngoài đường được tiết giảm trong khi ở nhiều khu dân cư, điện sinh hoạt bị cắt hoàn toàn. Ngành điện cuối tuần trước đã buộc phải cắt điện khẩn cấp một số nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống.

Trong bối cảnh thiếu điện, từ hôm nay, Bắc Giang sẽ cắt điện sinh hoạt, dân sinh vào ban ngày, để ưu tiên cấp điện cho sản xuất, theo chia sẻ của ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc làm việc với doanh nghiệp hôm 5/6.

"Cắt điện không phải chỉ luân phiên 1-2 giờ mà cả ngày lẫn đêm nên ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân, kinh tế xã hội. Việc thiếu điện như vậy rất đáng lo", bà Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nói bên hành lang Quốc hội chiều 5/6. Theo bà, mới bắt đầu vào mùa nóng, kinh tế phục hồi nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiếu đơn hàng, một số lĩnh vực còn khó khăn.

Cuối tháng 4, EVN dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW trong mùa khô. Hơn một tháng sau, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/6, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận điều này "không còn là nguy cơ" khi một số nơi đã thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Vì sao miền Bắc thiếu điện?

Tiêu thụ điện tăng vọt vì nắng nóng là lý do đầu tiên được lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như EVN giải thích cho tình trạng phải cắt điện hiện nay.

Lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng ngày 19/5, lượng tiêu thụ gần 924 triệu kWh, mức cao nhất từ đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất tiêu thụ cực đại cũng đạt đỉnh ở 44.600 MW và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội, nơi những ngày qua liên tục xảy ra mất điện ở nhiều khu vực, lượng tiêu thụ tăng vọt trong tháng 5 và đầu tháng 6. Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 4/6, mức tiêu thụ bình quân đạt đỉnh gần 88,5 triệu kWh.

Dù vậy, nguồn điện cung ứng lại không theo kịp. Nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện. Nhưng điểm khác biệt năm nay là thủy điện - chiếm khoảng 43% cung ứng điện tại miền Bắc (tính đến tháng 5) - giảm huy động do thời tiết cực đoan, các hồ thủy điện lớn cạn nước. Sản lượng điện huy động bình quân giảm một nửa so với năm ngoái, khoảng 12-15% công suất phát.

Cuối tháng 5, điện quy đổi từ lượng nước còn lại trong hồ thủy điện ở miền Bắc chưa đến 1,23 tỷ kWh, tức chỉ đủ nhu cầu của miền Bắc trong 4 ngày, nếu tính theo mức tiêu thụ "đỉnh" lập ngày 22/5 là 313,6 triệu kWh.

Đến 3/6, miền Bắc huy động hụt khoảng 5.000 MW lượng thuỷ điện do hầu hết hồ lớn của vùng đã về gần mực nước chết (dưới mức nước này không thể phát điện). Các hồ như Lai Châu và Hủa Na, Thác Bà, Sơn La, Tuyên Quang chỉ còn đủ để khai thác trong 0,4-0,9 ngày. Riêng thủy điện Lai Châu và Sơn La hiện phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết, tiềm ẩn nhiều rủi ro vận hành.

Lý do khác là một số tổ máy nhiệt điện than - chiếm 48% cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc - bị giảm công suất hoặc gặp sự cố.

Đến 1/6, 9 tổ máy tại nhà máy nhiệt điện phía Bắc gặp sự cố vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài, gồm Phả Lại 1, tổ máy 6 Phả Lại 2, tổ máy 2 Cẩm Phả, tổ máy 1 Vũng Áng 1, BOT Nghi Sơn 2, tổ máy 2 Mạo Khê, Quảng Ninh, Thăng Long, Sơn Động. Trong đó, tổ máy số 1 tại dự án BOT Nghi Sơn 2 dự kiến tới giữa tháng 7 mới có thể khắc phục xong sự cố, theo Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An. Đến 5/6, tổng công suất các tổ máy bị suy giảm hoặc ảnh hưởng khoảng 4.200 MW.

Không chỉ vì nắng nóng

Suốt nhiều năm qua, miền Bắc không có thêm các nguồn điện mới dù thiếu điện đã được dự báo, nên theo chuyên gia, "thủ phạm" không thể chỉ là thời tiết, sự cố.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình bình luận, việc 5-6 năm hệ thống, đặc biệt là miền Bắc, không có thêm các nguồn điện lớn có tính ổn định, chạy nền khiến tình trạng cấp điện ngày càng theo kiểu "ăn đong".

Miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải (mức tiêu thụ điện năng) cao nhất cả nước, bình quân tăng 9,3% một năm trong 2016-2020, tương ứng gần 6.000 MW. Trong khi đó, tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm.

Tại miền Trung và miền Nam, tốc độ tăng trưởng của nguồn cao hơn nhiều lần nhu cầu tiêu thụ điện.

Việc phát triển các nguồn điện mới cho phía Bắc chậm hơn nhu cầu tiêu thụ điện năng tại khu vực này. Kết quả là khả năng tự cân đối cung - cầu của hệ thống điện miền Bắc giảm dần.

Hầu hết dự án nguồn điện lớn chậm triển khai, vận hành (Na Dương I, Hải Phòng III, Cẩm Phả III...) do gặp khó khăn trong thủ tục lập dự án, chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn hay giải phóng mặt bằng, gây thiếu nguồn chạy nền cho hệ thống và nguy cơ thiếu điện đến 2025. Điều này cũng được Bộ Công Thương thừa nhận trong báo cáo gửi Chính phủ về quy hoạch điện VIII.

Cơ quan này cho hay, phát triển nguồn điện chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực sẵn có, chưa phù hợp với phân bổ, phát triển phụ tải, gây mất cân bằng cung - cầu điện trong từng miền. Việc này tạo sức ép lớn lên lưới truyền tải liên miền, làm tăng tổn thất, rủi ro cho vận hành.

Hiện EVN chiếm hơn 38% sản lượng điện cung ứng cho toàn hệ thống, phần còn lại đến từ các nhà máy của PVN, TKV và một số nhà máy BOT, nguồn điện tái tạo tư nhân.

Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, quy hoạch điện VII đã không được tuân thủ nghiêm túc khi nhiều dự án nguồn và lưới điện ngoài EVN, như của PVN, TKV đã không được thực hiện bởi nhiều lý do, dẫn tới nguy cơ thiếu điện. Chẳng hạn, một số dự án như Na Dương II, Cẩm Phả III, Hải Phòng III, chuỗi dự án khí - điện Lô B Ô Môn, Cá Voi Xanh, khí điện LNG Sơn Mỹ... chậm tiến độ.

Đầu năm nay, dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình II vận hành thương mại sau hơn chục năm chậm tiến độ vì nhiều vướng mắc, và trong giai đoạn đầu vận hành, nhà máy này hiện chạy được khoảng 75% công suất do vẫn cần căn chỉnh kỹ thuật.

Năng lực của hệ thống truyền tải cũng là một vấn đề, gây sức ép hơn tới cung ứng điện tại miền Bắc. Đánh giá tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương thừa nhận lưới điện vận hành còn nhiều khó khăn. Một số khu vực lưới điện 220 kV và 110 kV vẫn xuất hiện tình trạng đầy, quá tải, tiềm ẩn rủi ro trong vận hành.

Phần lớn các dự án truyền tải chậm tiến độ 1-2 năm do vướng mắc chủ yếu do đền bù, giải phóng mặt bằng từ phía địa phương. Tuy nhiên, thời gian đầu tư xây dựng lưới truyền tải mất vài năm, trong khi dự án điện tái tạo chỉ 3-6 tháng nên tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn so với tốc độ phát triển nguồn điện tái tạo.

Bên cạnh đó, sự phân bổ không đều nguồn điện, khi tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực miền Trung - nơi có nhu cầu dùng điện thấp, và miền Nam cũng gây mất cân bằng cung - cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải liên miền từ miền Trung, miền Nam ra Bắc.

Theo Bộ Công Thương, tại các hồ sơ bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo, phần lớn nhà đầu tư, địa phương chỉ quan tâm tới lưới điện cục bộ của dự án mà thiếu cái nhìn tổng thể về bức tranh chung hệ thống điện miền, khu vực. Hệ quả là xảy ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện tái tạo ở một số thời điểm.

Đây cũng là lý do nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng điện tại miền Bắc vẫn thiếu.

Tuy vậy, với tình hình cấp bách cung ứng điện cho miền Bắc hiện nay, năng lực truyền tải trên đường dây 500 kV Bắc - Nam đã vận hành ở mức cao nhất, tối đa 2.500 MW và nhiều thời điểm đã truyền tải vượt ngưỡng này để có thêm điện cho miền Bắc.

Để đủ điện...

Trong giai đoạn này, ngoài huy động tối đa các nguồn trong nước, đẩy nhanh đưa các dự án điện tái tạo chuyển tiếp vận hành, Việt Nam sẽ có thêm 10-12 triệu kWh mỗi ngày từ Trung Quốc và Lào. Theo Bộ Công Thương, so với sản lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc 445-450 triệu kWh một ngày, tỷ trọng điện nhập khẩu này "rất thấp", khoảng gần 2,7%, nhưng cũng phần nào giúp "cơn khát" điện phía Bắc được giải tỏa.

Lo thiếu điện, Bộ Công Thương, EVN kêu gọi người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện tối đa trong mùa nắng nóng năm nay. Nhưng đây không phải biện pháp ổn định về lâu dài.

Do đó, việc đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện, theo các chuyên gia, là cần kíp. Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng phê duyệt sau gần 4 năm xây dựng và gần hai năm trình, sửa nhiều lần của Bộ Công Thương. Đây là cơ sở để các dự án nguồn, lưới điện triển khai. Thông thường quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án mất vài năm, vì thế chuyên gia Nhật Đình cho rằng, nhà chức trách cần đẩy nhanh các dự án nguồn điện và lưới để tránh nguy cơ "cứ tới mùa khô hệ thống điện lại rơi vào cảnh ăn đong phụ thuộc thời tiết như hiện nay".

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhưng kế hoạch hành động vẫn đang xây dựng. Bộ Công Thương - cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch này, cần chủ động đẩy nhanh ban hành.

"Tôi đề nghị Chính phủ có đánh giá lại toàn diện về thực hiện kế hoạch chiến lược cung cầu điện cho sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu điện. Kể cả biến đổi khí hậu hay tình thế bất thường, cực đoan khác, cũng phải có giải pháp ứng phó", bà nói.

Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới đạt 2.600 MW đến 2030. Loại nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

EVN trong các kiến nghị gần đây gửi Bộ Công Thương đều kiến nghị cơ quan này sớm đưa ra cơ chế, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới, tức tự dùng cho nhu cầu dùng điện tại chỗ của hộ gia đình. Đây cũng là một trong số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện 2023 và các năm tiếp theo.

Đặc tính điện mặt trời chỉ huy động tối đa công suất khi có bức xạ đủ lớn, nên tại miền Bắc lượng điện huy động từ nguồn này nhiều nhất khoảng 1.000 giờ một năm và chỉ khả dụng cao vào mùa nắng. "Cơ chế cho loại hình này cần rõ ràng tránh phát triển ồ ạt và đảm bảo khuyến khích các hộ dùng điện đầu tư", ông Nhật Đình lưu ý.

Trong lúc chờ giải pháp căn cơ hơn, nhiều doanh nghiệp buộc điều chỉnh lại kế hoạch, chuyển sản xuất vào giờ cao điểm sang thấp điểm, thậm chí ban đêm. Nhưng cách này, theo ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (APP), cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi sẽ khiến doanh nghiệp thêm nhiều gánh nặng chi phí trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay.

"Chúng tôi chia sẻ tinh thần chung cần tiết kiệm trong lúc thiếu điện, nhưng cắt điện của khối sản xuất là chưa hợp lý", ông nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Hướng đi nào cho nhà ở xã hội?

(Ảnh minh họa).

Trong kế hoạch thanh tra ở một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), Thanh tra Bộ Xây đựng đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của địa phương.

Từ đó có thể thấy, công tác phát triển NƠXH vẫn là bài toán nan giải và cần sự tiếp cận, hướng đi mới.

Nhiều sai phạm

Thực hiện kế hoạch thanh tra về việc chấp hành quy định kinh doanh bất động sản năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý hoạt động xây dựng, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Trong đó thanh tra các nội dung như quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị... tập trung vào nhóm nội dung phát triển nhà ở xã hội.

Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, qua công tác thanh – kiểm tra đã phát hiện rất nhiều sai phạm liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển NƠXH ở các địa phương.

Cụ thể, tại TP Hải Phòng không bố trí quỹ đất dành cho phát triển NƠXH trong 7 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng để làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết ở 7 quận: Đồ Sơn, Lê Chân, Ngô Quyền, Dương Kinh, Hồng Bàng, Kiến An và Hải An. UBND TP Hải Phòng chậm xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2021 (đến năm 2019 mới ban hành) là thực hiện chưa kịp thời Chỉ thị số 03//2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về tổ chức thực hiện phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân.

Tương tự, UBND tỉnh Bình Dương bố trí thiếu 28,45ha quỹ đất dự kiến dành để phát triển NƠXH trong kế hoạch phát triển nhà được phê duyệt đoạn năm 2016 – 2021; không tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014; giai đoạn 2016 – 2021, không thực hiện trách nhiệm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất dành để phát triển NƠXH trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 100/2015/NĐ-CP...

“Trách nhiệm thuộc UBND TP Hải Phòng, tỉnh Bình Dương và cơ quan tham mưu liên quan. Kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị này” – văn bản kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ.

NƠXH đang là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và đông đảo quần chúng Nhân dân. Thống kê báo cáo từ các địa phương của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2010 – 2021 cả nước xây dựng được 301 dự án NƠXH, cung cấp xấp xỉ 7,8 triệu mét vuông sàn nhà ở phục vụ nhu cầu của nhóm người thu nhập thấp.

Hiện nay đang triển khai 400 dự án, tổng diện tích 22,7 triệu mét vuông sàn (tương đương 454.360 căn hộ). Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 – 2030, cả nước sẽ hoàn thành thêm ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thực tế công tác phát triển NƠXH suốt thời gian qua mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của nhóm người thu nhập thấp. Những bất cập về thủ tục hành chính (chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy định về quỹ đất cho NƠXH...); sự gò bó về cơ chế chính sách (giới hạn lợi nhuận kinh doanh NƠXH không quá 10%) hay cả việc xin – cho (cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ NƠXH sang nhà ở thương mại, nhà tái định cư)... đã tạo ra rào cản lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển NƠXH, dẫn đến tình trạng kham hiếm trầm trọng nguồn cung.

Vốn dĩ là sản phẩm nhà ở được sự hỗ trợ của Nhà nước, nay trở thành món hàng để người dân giành giật nhau. Còn nhớ sự việc mở bán dự án NƠXH Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cuối tháng 5 vừa qua, với chưa đầy 150 căn hộ nhưng có tới trên 1.400 hồ sơ đăng ký mua, dẫn đến việc người dân phải xếp hàng dài thâu đêm suốt sáng, giữa cái nắng 40 độ C để chờ đợi đến lượt bốc thăm mua nhà nên đã không tránh được cảnh chen lấn và cả xô xát xảy ra... Tất cả vấn đề trên đã bộc lỗ rõ những bất cập của công tác phát triển NƠXH thời gian qua.

Trách nhiệm người đứng đầu

Thời gian qua, công tác quy hoạch liên quan đến phát triển NƠXH đã nảy sinh nhiều bất cập, tiêu cực. Hầu hết các địa phương đều bố trí những khu đất có vị trí đẹp, gần trung tâm dành cho dự án nhà ở thương mại, hạng sang, siêu sang, đẩy dự án NƠXH ra xa trung tâm.

Đây là điều trái ngược hoàn toàn so với các nước phát triển (nơi các dự án dành cho người giàu phải ra ngoài khu vực trung tâm), dẫn đến việc nhiều dự án NƠXH xây dựng lên nhưng không bán được hàng do thiếu hạ tầng tiện ích, kéo theo tình trạng thiếu nguồn cung.

Bên cạnh đó, những dự án NƠXH được bố trí gần với trung tâm lại có quy mô nhỏ lẻ nên xảy ra việc giành giật mua nhà. Không ít dự án mặc dù quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư là NƠXH nhưng sau đó chủ đầu tư lại tìm cách chuyển đổi thành nhà ở thương mại nhằm mục đích nâng cao lợi nhuận.

Ngoài ra, câu chuyện về quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại dành cho NƠXH cũng không được thực hiện nghiêm túc, bởi cơ chế cho phép nộp tiền mặt để chuyển đổi... Vấn đề này được lý giải rằng không thể để người nghèo sống cùng với người giàu vì không đủ tiềm lực tài chính chi trả dịch vụ.

“Tôi cho rằng cần phải xây dựng mô hình mang tính hiệu quả hơn, nếu cứ quan điểm như thế sẽ thành phân biệt giai cấp. Ví dụ ở Thụy Điển, họ lấy mục tiêu để người nghèo ở với người giàu, để người nghèo có mục tiêu phấn đấu vươn lên và chính người nghèo cung cấp nguồn lực cho người giàu nên đã bố trí số lượng căn hộ tiêu chuẩn, đan xen vào trong từng tầng của dự án nhà ở thương mại dành cho người thu nhập thấp với các ưu đãi, hỗ trợ riêng của Nhà nước sẽ giúp giảm dần khoảng cách và để người nghèo có động lực vươn lên” - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.

Còn theo chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Trần Tuấn Anh, chính sách phát triển NƠXH đã được Nhà nước ban hành đầy đủ nhưng từ những sai phạm qua công tác thanh tra đối với các địa phương liên quan đến công tác phát triển NƠXH có thể thấy rằng vấn đề đang nằm ở khâu thực thi.

“Vì vậy, người đứng đầu mỗi địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của cá nhân mình trong công tác chỉ đạo lập, bổ sung, chỉnh sửa, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể đối với từng dự án NƠXH phục vụ theo nhu cầu của địa phương, từ đó sẽ dần khắc phục được những bất cập liên quan đến công tác quy hoạch phát triển NƠXH.

Còn những vấn đề về cơ chế ưu đãi, bố trí nguồn vốn... là trách nhiệm của bộ, ngành liên quan, các bên thống nhất được phương thức thực hiện sẽ tháo gỡ triệt để những khó khăn hiện nay” – KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

TP HCM sẵn sàng đón nghị quyết mới (*): Hoàn thiện giao thông, xây nhanh nhà ở

Tối ưu hóa liên kết vùng, mở ra bức tranh tươi sáng về nhà ở xã hội là 2 trong nhiều kỳ vọng TP HCM đặt ra và lập tức triển khai ngay khi nghị quyết mới ra đời

Chia sẻ việc chuẩn bị khi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 được Quốc hội (QH) thông qua, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết UBND TP HCM chỉ đạo rất cụ thể, giao từng đầu việc cho các sở, ngành, quận, huyện.

Ưu tiên dự án cấp bách, liên kết vùng

Trong đó Sở GTVT sẽ chủ trì rà soát, đề xuất tiêu chí, danh mục các dự án thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để trình HĐND TP HCM thông qua khi có nghị quyết mới.

Sở GTVT đang soạn thảo danh mục dự án. Do thời gian áp dụng nghị quyết mới là 5 năm nên sẽ ưu tiên những trục chính, tuyến đường cửa ngõ, tuyến kết nối như tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM nhấn mạnh tính cấp bách của những dự án nằm trong nhóm liên kết vùng. Trong đó, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 sẽ tạo không gian phát triển đô thị cũng như xung lực mới cho TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Riêng nhóm cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên... khi xây dựng sẽ mở ra không gian phát triển đô thị mới, kết nối ngoại thành và nội thành. Trong tương lai những trục đường này sẽ nối kết với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 4 không chỉ tăng năng lực giao thông từ Đông sang Tây mà còn thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển, logistics cho thành phố.

Nói về kỳ vọng với nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho rằng hiện nay bất cập lớn nhất trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại TP HCM là thiếu vốn. Các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, địa phương, các khoản vay ODA tối đa chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, 50% còn lại phải trông chờ vào các nguồn lực xã hội.

Theo ông Lương Minh Phúc, nhiều dự án tại TP HCM thực hiện rất tốt nhờ huy động các nguồn lực xã hội như xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1), cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Mỹ... Vì vậy, khi có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với những cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông thông qua các phương thức như BT (trả chậm), BOT và mô hình TOD.

"Nhiều năm rồi TP HCM chưa có dự án PPP nào mới, với phương thức BT và BOT, kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa mới cho TP HCM, qua đó khơi thông các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện khai thác quỹ đất hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" - ông Phúc nói.

Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM thông tin thêm khi QH thông qua nghị quyết mới, trong tháng 6 này, thành phố sẽ trình HĐND TP HCM thông qua danh mục các dự án để triển khai ngay. Khoảng 20 dự án được ưu tiên triển khai trong giai đoạn thực hiện nghị quyết mới nhằm xóa tình trạng ùn ứ, bức bí về giao thông.

Bức tranh sáng về 93.000 căn nhà ở xã hội

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho hay chương trình phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phát triển hơn 6,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (NƠXH), tương ứng khoảng 93.000 căn nhà, trong đó phát triển 35.000 căn giai đoạn 2021-2025.

"Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 có 4 chính sách về NƠXH đề nghị QH xem xét, ban hành. Đây là một trong những nội dung thúc đẩy phát triển NƠXH thời gian tới" - ông Quân nói.

Đầu tiên, theo giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết được thực hiện cùng một thời điểm. Đây là việc then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục dự án NƠXH.

Thứ hai, liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án NƠXH với các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc được pháp luật về NƠXH cho phép.

Tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa phù hợp quy hoạch chung thì cho phép thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung và chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định. "Đây cũng là điểm nếu được tháo gỡ trong thời gian tới sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án" - giám đốc Sở Xây dựng nói.

Thứ ba, UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất NƠXH trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất NƠXH ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại. Từ đó, đáp ứng nhu cầu NƠXH trên địa bàn theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Giám đốc Sở Xây dựng giải thích trong dự án thương mại thì nhà đầu tư có thể đề xuất thành phố bố trí quỹ đất ở chỗ khác theo quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt để xây dựng NƠXH. Việc này giúp gỡ được vướng mắc thời gian qua vì thành phố đang có 33 dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ dành 20% diện tích đất trong dự án để xây dựng NƠXH.

Cuối cùng, liên quan đất để phát triển NƠXH. Theo đó, đất phát triển NƠXH gồm các trường hợp theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành hoặc đất có quyền sử dụng hợp pháp, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị... Theo ông Trần Hoàng Quân, điều này có nghĩa là cho phép các dự án có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp được tiến hành thủ tục để xây dựng NƠXH

(Nguồn: Người Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang