Tắc đường ở Đông Nam Á; Cuộc chiến giới; Nga cấm Obama nhập cảnh; Kiev bị không kích; Cái bắt tay thay đổi Trung Đông

Đông Nam Á bất lực trước nạn tắc đường?

Kẹt xe là căn bệnh trầm kha của Đông Nam Á. Thói quen sở hữu xe cá nhân, ý thức tuân thủ luật cùng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng thiếu thốn là nguyên nhân.

Mỗi ngày sau giờ làm, Ekaristi Lydia đều tìm mọi cách trì hoãn việc phải lên đường trở về nhà ở khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Jakarta, Indonesia, tất cả nhằm tránh cảnh tắc đường.

Dù vậy, ngay cả khi giờ kẹt xe cao điểm nhất đã qua, Lydia vẫn phải mất tới 90 phút để "bò" trên quãng đường dài 30 km, vừa bấm còi inh ỏi vừa len lỏi qua những điểm đen ùn tắc, mới có thể về đến nhà, theo Channel News Asia.

Quá nhiều xe cá nhân

Với du khách nước ngoài, nạn tắc đường ở Jakarta, cũng như nhiều thành phố khác ở Đông Nam Á như Manila, Bangkok hay Kuala Lumpur, là điều rất kỳ lạ. Với người dân bản địa, tắc đường là điều khổ sở họ phải chung sống mỗi ngày, bởi đơn giản là không có lựa chọn khác.

Lydia, cư dân ở Jakarta, cho hay cô cũng muốn dùng phương tiện công cộng để đi làm. Nhưng để đến bến tàu gần nhà nhất, cô mất 30 phút đi taxi. Và sau khi đi tàu đến bến gần văn phòng nhất, cô mất thêm 45 phút để đi bus tới nơi làm việc. Tổng thời gian di chuyển bằng cách này nhiều hơn lái xe khoảng một giờ, trong khi chi phí tương đương.

"Khi dùng phương tiện công cộng, người ta không kiệt quệ về tinh thần nhưng sẽ kiệt sức vì phải đi bộ nhiều hơn, liên tục chuyển phương tiện và phải tranh giành chỗ ngồi", Lydia nói.

Có nhiều nguyên nhân khiến các thành phố ở khu vực Đông Nam Á đối mặt nạn tắc đường kinh niên.

Tại nhiều nước Đông Nam Á, sở thích của người dân là sở hữu phương tiện cá nhân. Số xe cá nhân thậm chí nhiều hơn cả số cư dân.

Toàn bộ Bangkok và khu vực ngoại ô có khoảng 11 triệu dân, nhưng có tới 11,7 triệu phương tiện cơ giới. Tương tự, 9 triệu dân ở Kuala Lumpur và các khu lân cận sở hữu gần 10 triệu phương tiện. Jakarta và khu vực đại đô thị bao quanh có 20,7 triệu phương tiện trong khi dân số chỉ là 13,5 triệu.

"Ngay cả những người không sở hữu nhà vẫn có ôtô hoặc xe máy", Djoko Setijowarno, chuyên gia mạng lưới Hiệp hội Vận tải Indonesia, nói.

Giá xe hơi ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia nhìn chung rất rẻ, đồng thời không có hạn chế trong sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân. Diện tích đỗ xe giá rẻ quá nhiều cũng khuyến khích người dân lái xe, khiến tắc đường càng thêm trầm trọng.

Ở Bangkok, việc đỗ xe được đánh giá là dễ dàng và "không được kiểm soát". Tiến sĩ Sumet Ongkittikul thuộc Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan nhận định 80-90% vụ tắc đường ở Bangkok là do đỗ xe.

Hàng loạt vấn đề

Theo các chuyên gia, kỷ luật giao thông là một nguyên nhân khác của nạn tắc đường. Tại nhiều thành phố, người tham gia giao thông có thể thản nhiên dừng và đỗ xe ở những nơi họ không được phép. Xe taxi thường xuyên đậu ở làn bên trái để chờ khách. Trong khi đó, không có chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe các hành vi vi phạm luật giao thông.

Năng lực đường bộ cũng là một nguyên nhân. Tại các thành phố lớn, tồn tại tình trạng những con đường rộng 6 làn xe tồn tại song hành với những đường ngõ ngách chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua.

"Nhà chức trách không thể tái xây dựng mạng lưới giao thông để đáp ứng lưu lượng di chuyển ngày một cao hơn", giáo sư Walter Theseira, chuyên gia kinh tế khu vực, nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng xây dựng thêm đường và cao tốc một mình chúng không phải là câu trả lời, thậm chí nó còn tạo ra vấn đề. Nhiều cao tốc từng là giải pháp tháo gỡ của 10 năm trước, giờ bản thân chúng thường xuyên tắc cứng.

Nguyên nhân gốc rễ của kẹt xe là quy hoạch đô thị ở các thành phố không thể theo kịp tốc độ bùng nổ dân số và đô thị hóa.

Ví dụ ở Jakarta, phần lớn người dân chuộng những ngôi nhà mặt đất, vì thế đất ở khan hiếm, người dân phải dạt ra sống ở ngoại ô. Nhưng, phần lớn khu văn phòng và trung tâm hành chính của chính phủ tập trung ở nội đô, khu vực rộng 20 km2 được biết tới với tên gọi Tam giác Vàng.

Quản lý hiệu quả những thành phố có mức độ di chuyển dày đặc như thế đồng nghĩa giảm ưu tiên xây dựng đường, thay vào đó là phát triển các lựa chọn di chuyển.

"Danh mục ưu tiên là các hình thức giao thông có thể vận chuyển lượng lớn người dân, ví dụ hệ thống tàu điện và xe bus", tiến sĩ Sumet nói.

Không có giải pháp toàn diện

Tăng cường hệ thống giao thông công cộng có thể giải quyết nạn tắc đường, nghe thì có vẻ đơn giản. Các thành phố ở Đông Nam Á từ lâu đã đầu tư mạnh theo cách này, xây dựng thêm những mạng lưới tàu điện và xe bus trị giá hàng tỷ USD, mở rộng lối đi bộ, tạo điều kiện cho người dùng xe đạp.

"Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để người dân chuyển sang giao thông công cộng", Giám đốc Sở Giao thông Jakarta Agung Rahardjo nói.

Đầu tháng 5, Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi chủ trì cuộc họp một ủy ban của chính phủ nhằm tìm cách tháo gỡ tình trạng tắc đường ở thủ đô. Một trong các ưu tiên là tăng cường sự tiện lợi và an toàn của giao thông công cộng, kết nối mạng lưới cơ sở hạ tầng xe bus và tàu điện.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc tập trung các nguồn lực cho giao thông cộng cộng có thể phải trả giá đắt, làm thay đổi giá trị đất đai, tạo ra "những động lực làm biến dạng quy hoạch và liên kết đô thị".

Theo tiến sĩ Sumet, các thành phố giờ cần làm tăng chi phí của người sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân.

"Tăng chi phí dành cho phương tiện cá nhân và dùng chúng để hỗ trợ giao thông công cộng. Người dân cần phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn dùng xe cá nhân, bất kể là thông qua thuế nhiên liệu, phí tắc đường hay chi phí đậu xe", ông Sumet nói.

Thu phí tắc đường là giải pháp mới nhất được nhắc tới, dù đây không phải lần đầu tiên chúng được xem xét.

Jakarta đang xem xét lắp đặt hệ thống thu phí với các phương tiện đi vào những con đường chính từ 0,34-1,29 USD/lượt, trong thời gian từ 5h-22h. Mục tiêu là đưa hệ thống vào sử dụng từ 2024, giảm 30% phương tiện cá nhân. Bangkok cũng đang xem xét khả năng thu phí đường bộ trong khoảng 1,46-3,5 USD/lượt ở nội đô.

Singapore là nước đầu tiên trên thế giới đưa vào hệ thống thu phí tắc đường, bên cạnh hàng loạt biện pháp khác nhằm hạn chế xe cá nhân. Quốc gia nhỏ bé này đã thành công trong việc hạn chế người dân sở hữu xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Nhưng các láng giềng khác ở Đông Nam Á sẽ khó học theo Singapore, ít nhất là lúc này, bởi thiếu đi một mạng lưới giao thông công cộng phù hợp và toàn diện.

"Không có giải pháp nào là toàn diện bởi giao thông biến đổi qua từng năm. Vấn đề sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều bởi nhà chức trách đơn giản là không có khả năng thuyết phục người dân từ bỏ phương tiện cá nhân", giáo sư Theseira nói.

(Nguồn: Zing News)

Cuộc chiến giới

Hàn Quốc đang chứng kiến 'cuộc chiến giới tính' tồi tệ hơn bao giờ hết.

Sự căng thẳng giữa hai giới tại quốc gia này ngày càng nghiêm trọng, khi không ít phụ nữ thẳng thừng từ chối hẹn hò, kết hôn và sinh con. Hiện tượng này được gọi là phong trào 4B.

Theo các chuyên gia, trong vài thập kỷ qua, đã có sự bùng nổ trong cuộc chiến giới tính. Vào năm 2010, trang web Ilbe đã thu hút người dùng bằng việc đăng tải các bài viết thô tục về phụ nữ. Sau đó, năm 2015, một nhóm ủng hộ nữ quyền trực tuyến tên là Megalia xuất hiện, nhằm chống lại bằng cách hạ thấp phẩm giá của đàn ông Hàn Quốc.

Tuy nhiên, không có sự kiện nào gây ra nhiều tranh cãi trong công chúng như tình trạng gia tăng mạnh mẽ của tội phạm “tình dục kỹ thuật số”. Đây là những hình thức bạo lực tình dục mới, được hỗ trợ bởi công nghệ: Chụp và quay lén phụ nữ nơi công cộng; Sử dụng camera ẩn để quay cảnh phụ nữ quan hệ tình dục hoặc cởi quần áo.

Năm 2018, có 2.289 trường hợp tội phạm tình dục kỹ thuật số được báo cáo. Vào năm 2021, con số này tăng vọt lên 10.353. Năm 2019, Hàn Quốc cũng ghi nhận hai sự kiện chấn động liên quan đến tội phạm tình dục kỹ thuật số.

Cuộc khảo sát năm 2019 do chính phủ nước này thực hiện cho thấy, một bộ phận lớn dân số đổ lỗi cho phụ nữ về tội phạm tình dục. Cụ thể, 52% tin rằng, bạo lực tình dục xảy ra do phụ nữ mặc quần áo hở hang.

Trong khi đó, 37% đặt câu hỏi rằng, liệu phụ nữ có bị tấn công tình dục hay không trong khi say rượu? Những người này đồng thời nhận định, phụ nữ phải chịu một phần trách nhiệm khi trở thành nạn nhân.

Ngày nay, tình trạng cạnh tranh giữa nam và nữ thanh niên trở nên trầm trọng hơn, do chi phí sinh hoạt tăng cao và tình trạng thất nghiệp tràn lan. Được gọi là Thế hệ N-Po, tạm dịch là “thế hệ từ bỏ”, nhiều thanh niên Hàn Quốc không nghĩ rằng, họ có thể đạt được những cột mốc nhất định mà các thế hệ trước coi là hiển nhiên: Kết hôn, sinh con, tìm việc làm, sở hữu một ngôi nhà và thậm chí cả tình bạn.

Song, thực tế, hành động “bỏ cuộc” này được cho là gây ra nhiều vấn đề hơn đối với phụ nữ. Đàn ông cho rằng, việc phụ nữ từ bỏ hôn nhân và sinh con là ích kỷ. Trong khi đó, việc nữ giới cạnh tranh việc làm với nam giới đã khiến một số đàn ông trở nên phẫn nộ.

Phong trào 4B - nơi phụ nữ Hàn Quốc từ bỏ việc hẹn hò, kết hôn và sinh con với người khác giới, đã thể hiện sự leo thang của cuộc chiến giới bằng cách tạo ra một thế giới trực tuyến và ngoại tuyến không có đàn ông. Thay vì tham gia vào các cuộc cãi vã, những người phụ nữ này từ chối tương tác với đàn ông.

Trước bối cảnh này, nhà hoạt động Summer Cha của Project ReSET - một nhóm Hàn Quốc theo dõi và báo cáo lạm dụng tình dục trực tuyến, cho biết luật pháp và hệ thống cần nhận định rõ ràng, cụ thể hơn về tội phạm tình dục kỹ thuật số.

Ví dụ, việc phân phối hình ảnh, video bóc lột tình dục nhưng không tiết lộ danh tính và nơi ở của nạn nhân hiện chỉ bị coi là nội dung khiêu dâm đơn thuần, không phải là tội phạm tình dục. Không có luật nào trừng phạt hành vi lạm dụng tình dục bằng lời nói và lan truyền thông tin cá nhân sai lệch về nạn nhân.

Bà Lee Min Joo - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu về Chủng tộc và Sắc tộc trong Xã hội, Giáo sư Trợ lý thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Giới tính, Trường Đại học Indiana (Mỹ) chia sẻ, mỗi quốc gia có bối cảnh văn hóa riêng, dẫn đến sự gia tăng tội phạm tình dục kỹ thuật số.

Do đó, không có một giải pháp duy nhất nào để giải quyết vấn đề. Song, ở Hàn Quốc, việc tiếp tục làm sáng tỏ hệ thống công dân theo giới tính có thể là một phần của giải pháp.

(Nguồn: Soha)

Nga cấm cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama nhập cảnh

Cựu Tổng thống Barrack Obama nằm trong số 500 người Mỹ bị xếp vào "danh sách đen" mới nhất của Nga.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 19/5 đã công bố danh sách 500 công dân Mỹ - trong đó có cả cựu Tổng thống Barack Obama - bị cấm nhập cảnh vào nước này với hiệu lực ngay lập tức. Lệnh cấm trên là một biện pháp đáp trả đối với các trừng phạt đang diễn ra của Mỹ nhằm vào Nga.

“Đã đến lúc Washington phải biết rằng không một cuộc tấn công nào chống lại Nga sẽ diễn ra mà không có phản ứng mạnh mẽ”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Để trả đũa việc Đại sứ quán Mỹ tại Nga rút lại thị thực của các nhà báo Nga - khiến họ không thể tháp tùng Ngoại trưởng Sergey Lavrov tới dự họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng trước - chính phủ Nga đã từ chối cấp phép cho Đại sứ quán Mỹ thăm ông Evan Gershkovich - phóng viên tờ Wall Street Journal bị buộc tội gián điệp.

Ngoài ông Obama, "danh sách đen" của Nga còn liệt kê nhiều thành viên Quốc hội Mỹ, thống đốc và tổng chưởng lý của một số bang tại Mỹ, cũng như là các cựu quan chức hiện làm việc tại những tổ chức cố vấn nổi tiếng, các nhà thầu quân sự cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trong số các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden lọt vào danh sách đen có Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Tài nguyên Năng lượng Geoffrey Pyatt (trước đây là đại sứ Mỹ tại Ukraine năm 2014); James Rubin, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và hiện là người đứng đầu Trung tâm Tham gia Toàn cầu; cố vấn Bộ Ngoại giao Derek Chollet; và cố vấn cấp cao của Tổng thống Joe Biden Anita Dunn.

Một số người dẫn chương trình truyền hình như Jimmy Kimmel, Stephen Colbert, Seth Meyers, Rachel Maddow và Joe Scarborough cũng nằm trong danh sách cấm.

Các tổ chức cố vấn và tổ hợp công nghiệp-quân sự chiếm phần lớn danh sách 500 công dân Mỹ bị cấm nhập cảnh Nga. Cựu Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã bị trừng phạt vì có mặt trong hội đồng quản trị của General Dynamics. Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft đã bị xử phạt với tư cách là thành viên cấp cao tại RAND Corporation.

(Nguồn: CafeF)

Kiev bị không kích

Kiev hứng chịu đợt không kích mới bằng UAV tự sát của Nga, sau nhiều ngày liên tiếp đối phó đòn tập kích nhắm vào các tổ hợp phòng không.

Quân đội Ukraine rạng sáng 20/5 thông báo nhiều máy bay không người lái (UAV) của Nga đang hướng về Kiev. Các vụ nổ sau đó được ghi nhận ở thủ đô và thành phố Chernihiv, đông bắc Kiev, khi lưới phòng không nước này khai hỏa đánh chặn.

"Tất cả mục tiêu được phát hiện trên không đã bị lực lượng phòng không của chúng tôi tiêu diệt", Serhiy Popko, người đứng đầu cơ quan quân sự Kiev, cho hay, thêm rằng đây là cuộc không kích thứ 11 vào Kiev kể từ đầu tháng 5.

Popko nói rằng mảnh vỡ UAV xuống đường phố các quận Darnytskyi, Solomyanskyi và gây ra đám cháy trên nóc tòa nhà chung cư 9 tầng tại quận Dniprovskyi.

"Mọi người hãy ở yên trong hầm trú ẩn cho đến khi không còn mối nguy hiểm", ông Popko đề nghị. Hiện chưa xác định được thông tin về thiệt hại và thương vong trong vụ tập kích.

Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV tự sát gần như hàng ngày vào Ukraine những ngày gần đây. Đêm 18 rạng sáng 19/5, Nga phóng 6 tên lửa hành trình và 22 UAV vào các thành phố trên khắp Ukraine.

Natalia Humeniuk, người phát ngôn Bộ tư lệnh Tác chiến miền Nam thuộc quân đội Ukraine, cho rằng Moskva đang tăng cường độ không kích nhằm đánh giá, xác định vị trí các tổ hợp phòng không Ukraine và tìm cách bào mòn lưới phòng thủ đối phương.

Giới chức Ukraine ngày 16/5 thông báo Nga tiến hành đợt không kích "dữ dội bất thường" nhắm vào Kiev, với số tên lửa nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Nga tuyên bố đã phá hủy một tổ hợp phòng không Patriot trong đợt tập kích này, nhưng Ukraine bác bỏ, cho hay hệ thống này chỉ bị hư hại nhẹ.

Một ngày sau đó, quân đội Ukraine tiếp tục cho biết Kiev hứng chịu "loạt cuộc không kích chưa từng có về sức mạnh, cường độ và hình thức". Quân đội Anh cuối tháng trước nhận định Nga đang tìm cách hủy diệt các đơn vị dự bị và loạt khí tài phương Tây vừa được viện trợ cho Ukraine, trong đó có tên lửa phòng không Patriot.

(Nguồn: Vnexpress)

Cái bắt tay lịch sử đánh dấu sự thay đổi lớn ở Trung Đông

Cái bắt tay lịch sử giữa Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salma và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong bức tranh chính trị tại Trung Đông.

12 năm sau khi Syria bị đình chỉ tư cách thành viên, Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 19/5 hôm qua đã có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab, bày tỏ hi vọng sự trở lại của nước này sẽ mở ra một giai đoạn mới của hoà bình và thịnh vượng trong khu vực.

Sự trở lại của chính quyền Tổng thống Assad trong Liên đoàn Arab mà không có điều kiện tiên quyết nào là một bước ngoặt lớn ở Trung Đông.

Theo Tổng thống Assad, một kỷ nguyên hợp tác mới đang mở ra: “Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab là một cơ hội lịch sử để giải quyết các vấn đề khu vực mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Điều này đòi hỏi chúng ta phải định vị lại chính mình trong thế giới đang hình thành ngày nay để có thể đóng một vai trò tích cực trong đó. Chúng ta phải tận dụng bầu không khí tích cực có được nhờ các nỗ lực hoà giải cho tới nay”.

Là một cường quốc dầu mỏ trên thế giới, Saudi Arabia đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao trong khu vực khi thiết lập lại quan hệ với Iran và hiện nay là đưa Syria trở lại Liên đoàn Arab. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salma hi vọng sự trở lại của Syria trong Liên đoàn Arab sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ và khiến hơn 350 nghìn người thiệt mạng. Theo Thái tử Mohammed bin Salma, lịch sử đã sang trang và Saudi Arabia sẽ không cho phép khu vực bị biến thành một chiến trường xung đột.

Mỹ đã phản đối bất kỳ bước đi nào hướng tới bình thường hoá quan hệ với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, yêu cầu trước tiên phải có tiến triển hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Theo Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud, việc giải quyết những thách thức đang diễn ra đòi hỏi một cách tiếp cận mới và điều đó sẽ không xảy ra nếu không có đối thoại.

Thoả thuận hoà giải giữa Saudi Arabia và Iran do Trung Quốc làm trung gian đã làm tăng hi vọng giải quyết thách thức khu vực từ nội chiến tại Yemen tới các cuộc giao tranh ác liệt khiến hơn 1 nửa trong tổng số 46 triệu dân tại Sudan phải di dời.

Cùng với sự trở lại của Syria, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab cũng chứng kiến sự có mặt lần đầu tiên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salma đã khẳng định sự sẵn sàng của nước này trong vai trò trung gian hoà giải giữa Nga và Ukraine: “Nhân sự có mặt của Tổng thống Ukraine Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab này, chúng tôi xin xác nhận sự hỗ trợ của Saudi Arabia đối với các nỗ lựcn hằm giảm mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ngăn chặn tình hình nhân đạo xấu đi và sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa các bên. Điều này sẽ bổ sung vào những nỗ lực quốc tế hiện nay nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng về mặt chính trị, hướng tới an ninh và hòa bình”,

Trong bức thư gửi tới Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga rất coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác mang tính xây dựng với các quốc gia trong khu vực. Kể từ khi xung đột tại Ucraina nổ ra hồi tháng 2/2022, các quốc gia vùng Vịnh đã cố gắng giữ thái độ trung lập bất chấp áp lực của phương Tây./.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Nửa số hồ trên thế giới khô cạn; Giấc mơ của nước Nhật; Thượng đỉnh G7; NATO hành động không ngờ với Nga; Bầu cử Thái Lan ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang