Sự thật cherry siêu rẻ; Nghịch lý giá trứng gà; 'Phù phép' ô tô cũ thành xe mới; Chuyện lạ đất nền phía Nam

Sự thật về cherry siêu rẻ 'bao ngon', dâu tây Trung Quốc thành hàng Đà Lạt

(Ảnh minh họa).

Là loại trái cây nhập khẩu đắt đỏ nhưng cherry đang được một số đầu mối rao bán với giá siêu rẻ, 'bao ngon' khiến nhiều người nghi ngại. Còn dâu tây Trung Quốc thì được tiểu thương thi nhau "phù phép" thành hàng Đà Lạt.

Sự thật về cherry siêu rẻ 'bao ngon' ở TP.HCM

Cherry (anh đào) vốn là loại trái cây nhập khẩu đắt đỏ. Nhưng tại Việt Nam, nhiều lúc, cherry được chào giá rẻ không ngờ.

Ghi nhận của PV. Người Lao Động tại TP.HCM, trong khi phần lớn các cửa hàng trái cây nhập khẩu đã không còn cherry để bán thì một số đầu mối bên ngoài lại rao bán cherry 'bao ngon' với giá siêu rẻ, chỉ 750.000 đồng/thùng 5kg. Trong khi giá bán lẻ hàng loại ngon vẫn từ 300.000-350.000 đồng/kg.

Theo quan sát trên bao bì, đây là cherry nhập khẩu từ Chile. Nhưng cherry là mặt hàng yêu cầu về điều kiện bảo quản khắt khe trong khi cherry giá rẻ lại đang bán dưới nhiệt độ thường khiến nhiều người nghi ngại. Đáng chú ý, quá trình tuyển chọn để có cherry giá rẻ "bao ngon" theo cách hết sức thủ công và mất vệ sinh tại nơi khuất tầm mắt người đi chợ.

Đua nhau phù phép dâu tây

Dù là hàng nhập khẩu chính ngạch nhưng dâu tây Trung Quốc khi bán lẻ lại bị tiểu thương đổi xuất xứ thành hàng Đà Lạt (Lâm Đồng). Báo Người Lao Động cho hay, chưa bao giờ tại TP.HCM dâu tây lại nhiều và rẻ như hiện nay. Chỉ cần 20.000-30.000 đồng là người tiêu dùng có thể sở hữu 1 hộp (500g), phần lớn người bán đều nói dâu tây từ Đà Lạt .

Tại chợ đầu mối Thủ Đức, nơi cung cấp sỉ trái cây chính cho các tiểu thương bán lẻ tại TP.HCM, dâu tây Trung Quốc về chợ rất nhiều. Giá bán dâu tây theo rổ/thùng (7-8 kg) từ 450.000-600.000 đồng, nếu mua số lượng nhiều giá sẽ thấp hơn.

Một số tiểu thương sau khi mua sỉ dâu tây Trung Quốc đã đóng hộp lại sau đó công khai đề bảng hoặc phát loa "dâu tây Đà Lạt" để bán cho người tiêu dùng. Tại đây, giá bán lẻ cao nhất ở mức 90.000 đồng/kg, còn lại phổ biến ở mức 40.000-60.000 đồng/kg.

Nhót đầu mùa giá tới 100.000 đồng/kg vẫn cháy hàng

Quả nhót vào mùa chính là đầu tháng 4. Tuy nhiên thời điểm này, những quả nhót đầu mùa lại được nhiều người săn lùng vì thích. Giá nhót đầu mùa tới 100.000 đồng/kg vẫn cháy hàng.

Nhót xanh được mọi người mua hay dùng để ăn kèm với bắp cải, lá tỏi, rau thơm cùng với nước chấm chẳm chéo.

Nghịch lý giá lợn hơi giảm mạnh, thịt lợn ở chợ vẫn cao

Giá lợn hơi trên cả nước vẫn giảm từng ngày nhưng giá thịt lợn tại siêu thị, chợ dân sinh vẫn ở mức cao, điểm cuối cùng thua thiệt vẫn là người chăn nuôi và người tiêu dùng. Theo VOV, giá thành chăn nuôi lợn mô hình hộ gia đình đang ở mức từ 54.000-56.000 đồng/kg nhưng giá lợn hơi chỉ từ 48.000-50.000 đồng/kg sẽ không thể tránh khỏi thua lỗ.

Với giá lợn hơi thấp như hiện nay ai cũng nghĩ giá thịt bán tại các chợ, siêu thị sẽ giảm sâu. Nhưng khảo sát tại các siêu thị và chợ truyền thống tại Hà Nội ngày 22/3 cho thấy, giá thịt các loại dù có giảm so với dịp Tết Nguyên đán vừa qua, song mức giảm không đáng kể và vẫn duy trì ở mức quá cao so với giá lợn hơi.

Giá vé bay dịp lễ 30/4 tăng nóng, có chặng hơn 13 triệu đồng

Nhu cầu đi chơi dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới tăng cao khiến giá vé máy bay cũng tăng nóng từng ngày, tăng tới vài triệu đồng so với ngày thường. Có chặng giá cao chót vót lên tới hơn 13,2 triệu đồng/vé.

Vì giá vé quá đắt, cộng với tâm lý ngại đi du lịch đông đúc nên tuy 30/4-1/5 là kỳ nghỉ khá dài, nhiều du khách lại có sự lựa chọn khác. Thay vì đi chơi đúng dịp lễ, nhiều người lại chọn đi trước, hoặc sau dịp này. Hoặc khách chọn đi du lịch nước ngoài, khi giá tour hợp lý và đang là xu hướng ‘hot’.

Giá thép xây dựng tiếp tục tăng

Ngày 21/3, một số doanh nghiệp thép xây dựng thông báo tăng giá đối với sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300 và thép cuộn CB240.

Thép thanh vằn D10 CB300 được điều chỉnh với mức tăng phổ biến từ 150.000-160.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT), tăng lên mức giá 15,73-16,21 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 cũng tăng từ 100.000-150.000 đồng/tấn.

Giá dứa tăng mạnh, nông dân lãi lớn

Tại Tiền Giang, hiện giá dứa thương phẩm đang tăng mạnh. Thương lái thu mua tại ruộng giá bình quân 7.500 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với tháng trước.

Thời điểm này, người dân thu hoạch đạt giá trị khoảng 150 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng/ha.

Giá cá tra tăng cao

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng Tháp hiện dao động từ 30.000-31.000 đồng/kg trong khi chi phí trung bình để sản xuất 1 kg cá nguyên liệu khoảng 26.990 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lãi từ 3.000-4.000 đồng/kg.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có 22 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, tổng công suất thiết kế hơn 467 tấn thành phẩm/năm. Hiện sản phẩm cá tra được xuất khẩu sang 134 quốc gia.

Giá cua biển Cà Mau liên tục tăng mạnh

Trong khi một số địa phương đang "giải cứu" nông sản do người dân đổ xô trồng cây ăn trái tự phát, không theo quy hoạch thì giá cua biển Cà Mau lại tăng cao ngất ngưởng. Theo báo NLĐ, giá cua biển ngon nhất miền Tây tại Cà Mau luôn được thương lái đến tận vuông thu mua với giá rất cao.

Cụ thể, cua gạch được thu mua với giá 850.000 đồng/kg; cua y nhất (loại hơn 300 gram/con) 430.000 đồng/kg; cua y tứ (dưới 300 gram/con) giá 290.000 đồng/kg. Theo lý giải của nhiều thương lái, giá cua biển Cà Mau tăng là do gần đến dịp thanh minh nên nhu cầu mặt hàng này tăng mạnh.

(Nguồn: Vietnamnet)

Chuyện lạ: Trứng gà ta rẻ hơn trứng gà công nghiệp

Chưa bao giờ trứng gà ta lại có giá rẻ hơn trứng gà công nghiệp vì một lý do bất ngờ

Những ngày gần đây, ghi nhận tại các điểm kinh doanh trứng gà tại TP HCM cho thấy giá trứng gà công nghiệp (vỏ nâu) đã nhích lên, không còn cảnh bán rong 20.000 đồng/chục như cách đây 1 tháng.

Giá trứng gà công nghiệp đóng hộp đang phổ biến ở mức từ 27.000 – 35.000 đồng/chục (tùy kích cỡ), một số nơi chạy chương trình giảm giá 1.000 – 2.000 đồng/chục.

Thế nhưng, giá trứng gà ta - loại trứng có kích cỡ nhỏ (bằng 1 nửa trứng gà công nghiệp), vỏ trắng hoặc trắng hồng - tiếp tục giảm sâu, chỉ bằng khoảng một nửa so với lúc bình thường.

Tại một sạp trứng gia cầm bên trong chợ Tân Định (quận 1, TP HCM), trong khi trứng gà công nghiệp có giá 33.000 đồng/chục thì trứng gà ta chỉ 30.000 đồng/chục. Người bán cho biết chưa từng có hiện tượng này vì trước giờ, giá trứng gà ta thường cao hơn trứng gà công nghiệp 3.000-4.000 đồng/chục vì hàng bị dội.

Tại một sạp trứng trên đường Mã Lộ, quận 1, trứng gà ta cỡ nhỏ hơn giá 25.000 đồng/chục trong khi trứng gà công nghiệp có 2 loại 29.000 đồng/chục và 33.000 đồng/chục.

Ở một điểm bán khác gần chợ Vạn Kiếp (đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh), trứng gà ta giá chỉ 20.000 đồng/chục nên thu hút rất đông người ghé mua. Sạp hàng này đã bán trứng gà ta khoảng 1 tháng nay, mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm quả. Người bán cho biết lý do trứng gà ta rẻ là vì "vào mùa gà đẻ"!

Chúng tôi đã thử mua trứng ở một vài điểm bán trứng gà ta giá rẻ thì nhận thấy hầu hết trứng đều mới. Một số trứng còn dính chất bẩn đặc trưng của trại gà, chứng tỏ chưa qua xử lý tại nhà máy.

Trong khi đó, theo khảo sát tại kênh phân phối hiện đại, giá trứng gà ta vẫn giữ nguyên như niêm yết trước đó, ở mức 40.000 – 46.000 đồng/chục.

Theo chủ một doanh nghiệp cung cấp trứng gà ta vào siêu thị, gà ta tức gà bản địa, được nuôi tập trung và sử dụng thức ăn theo công thức riêng do nhà máy cung cấp. Do giống gà ta, số lượng trứng gà đẻ/năm thấp hơn nhiều so với gà công nghiệp (giống nhập khẩu) nên giá thành cao hơn trứng gà công nghiệp.

Với nguồn trứng gà ta đang dội chợ hiện nay, một chuyên gia về gia cầm cho hay xuất phát từ những trại gà ta nuôi lấy thịt phục vụ mùa Tết bị tồn đẻ trứng bất đắc dĩ.

"Gà ta nuôi kiểu này 3-3,5 tháng sẽ xuất chuồng nhưng bị ế. Nuôi sau 4 tháng, gà mái bắt đầu đẻ và đến giờ thì đồng loạt đẻ. Thường các trại bán gà thịt kèm theo lượng trứng gà phát sinh." – chuyên gia này giải thích.

Theo TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chưa bao giờ ngành chăn nuôi khó khăn như hiện nay khi tất cả mặt hàng bán ra (heo, bò, gà) đều dưới giá thành. Khối doanh nghiệp FDI cũng "ngấm đòn" thua lỗ. Nông dân chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều nhất vì giá thành sản xuất cao. Do đó, chỉ sau 2 năm, số hộ chăn nuôi từ 4 triệu đã xuống còn 2 triệu.

(Nguồn: Soha)

"Phù phép" ôtô cũ nát thành xe mới

(Ảnh minh họa).

Một số garage ôtô gom xe cũ, xe hư hỏng để tân trang rồi bán lại cho những khách hàng ham rẻ hoặc không có điều kiện tài chính dư dả

Nhiều chiếc ôtô cũ được làm mới rồi bán qua tay từ người này đến người khác với giá chỉ vài chục triệu đồng. Người mua sau khi phát hiện xe đã quá cũ thường tìm cách đẩy đi tiếp để tránh rước họa.

Nhập nhèm chất lượng

Một garage ôtô ở xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, TP HCM tuy diện tích không lớn nhưng có gần chục chiếc ôtô cũ đang chờ sửa chữa. Trong vai chủ xe cũ cần làm lại xe cho đẹp để dễ bán, chúng tôi được ông Thành, quản lý garaga, tư vấn khá chi tiết về các mức độ "làm đẹp" và giá cả tương ứng.

"Toàn bộ ôtô cũ ở đây đều là của lái buôn đặt hàng làm lại trước khi bán cho khách mới. Chủ xe muốn bán xe với giá nào thì garaga sẽ tân trang phù hợp với mức giá đó. Muốn xe đẹp cỡ nào, từ tân trang "áo" xe đến toàn bộ dàn máy, nội thất..., chúng tôi đều làm được" - ông Thành giới thiệu.

Khi chúng tôi cho biết đang kẹt tiền, chỉ muốn "làm đẹp" xe với chi phí rẻ nhất có thể, ông Thành cho hay garage có thể làm lại xe chỉ với chi phí vài triệu đồng.

Ông Lê Hoàng Nam - chủ đại lý ôtô cũ ở quận Tân Bình, TP HCM - thừa nhận thị trường xe cũ rất phức tạp, chất lượng mù mờ, chỉ người trong ngành mới đủ am hiểu để thẩm định chất lượng xe. Thậm chí, ngay cả dân trong nghề cũng có khi bị khách hàng lừa nếu không kiểm tra kỹ. "Giới buôn xe và cò biết rất rõ tình trạng xe nhưng thường quảng cáo xe dù cũ song ít chạy, máy còn "ngon".

Chưa kể, có trường hợp xe bị tai nạn nhưng được "mông má" kỹ cũng có thể qua mắt được đại lý và khách hàng. Ngoài ra, cũng có những đại lý biết rõ xe có chất lượng thấp, chỉ được làm mới bề ngoài nhưng vẫn nhập về rồi rao bán trên mạng với giá hấp dẫn để câu khách" - ông Nam tiết lộ.

Ông T. - phụ trách kinh doanh đại lý ôtô ở huyện Bình Chánh, TP HCM - kể có khách hàng lỡ mua xe cũ, chỉ sau vài ba tuần đã không hoạt động được, phải mang ra cửa hàng bán lại. Chiếc xe được đưa đến cửa hàng với tình trạng đã chạy 15 năm nhưng số km đã chạy lại ít.

Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện chiếc xe có dấu hiệu bị tua lại đồng hồ để qua mắt người mua. "Nhìn vào đồng hồ, khách dễ nhầm chiếc xe tuy cũ nhưng ít chạy nên máy móc chưa hư hao nhiều" - ông Nam nói.

Nguy hiểm

Ông Tạ Công Tiên, chủ Chợ Xe kiểu Mỹ (TP HCM), cho biết thị trường hiện có rất nhiều xe cũ được tân trang, xe "độ", xe "chế" với đủ cấp độ. Đáng chú ý, nhiều người trong nghề cũng từng dính "bùa phép" nên ôm nhầm lô xe cũ nát và phải tiếp tục đẩy xe đi. Do đó, khách mua hàng bình thường dù có kiểm tra kỹ lưỡng cũng rất khó phát hiện lỗi.

"Có những xe đã quá cũ, máy móc bị mục, nứt. Nếu thay máy mới thì chi phí lên tới cả chục ngàn USD nên chủ xe chọn giải pháp tân trang với giá rẻ. Cách thức cụ thể là đắp hàn chỗ nứt, đục lại số máy cho khớp với giấy tờ xe. Nếu vết nứt không lớn thì có thể dùng keo làm liền" - ông Tiên cho hay.

Một bộ phận quan trọng khác thường bị hư hỏng mà không có phụ tùng sửa chữa là hộp số. Chi phí thay mới hộp số cũng rất cao nên chủ xe cũ không thay mới mà yêu cầu garage hàn lại các chi tiết hư hỏng, bị nứt. Do đó, hộp số dễ bị hư hỏng trở lại sau thời gian ngắn.

"Bên cạnh đó, ôtô cũ còn được "phù phép" lại dàn gầm, dàn lạnh, hệ thống bơm nhiên liệu... và hầu như không để lại dấu vết. Khách hàng mua phải những chiếc xe này coi như ôm cục nợ bởi nếu hàn không đúng kỹ thuật thì khớp nối lỏng lẻo, không chắc chắn" - ông Tiên nói.

Chủ một garage ôtô cũ ở quận Bình Thạnh, TP HCM cảnh báo với xe cũ bị hư hệ thống điện, nếu kỹ thuật sửa chữa không chuẩn sẽ rất nguy hiểm. Ông Đinh Tiến Dũng, phụ trách kỹ thuật garage ôtô Sài Gòn (TP HCM), cho hay chi phí trang bị hệ thống điện mới rất cao, khiến xe cũ đội lên nhiều; còn nếu chọn giải pháp "độ", "chế" lại thì chỉ sử dụng được tạm thời, nguy cơ gây cháy nổ khá cao.

Nên có "bãi rác" ôtô

Theo ông Tạ Công Tiên, Việt Nam nên hình thành "bãi rác" dành cho ôtô, xe máy, đồng thời có quy định không cho xe cũ nát, xe quá hạn được lưu hành, giao dịch trên thị trường. "Nên thay đổi tư duy ngay từ những người buôn bán xe.

Đừng thấy xe rẻ mua về rồi "phù phép" để bán lại cho người khác. Người mua nhầm xe dỏm lại tìm cách bán tiếp nếu không muốn thường xuyên phải sửa chữa tốn kém. Người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng, đừng mua khi không hiểu biết về xe" - ông Tiên khuyến cáo.

(Nguồn: Người Lao Động)

Chuyện “lạ” đang xảy ra với đất nền phía Nam

Nếu mức giảm từ 900 triệu đến 1 tỉ đồng thì đất nền khu vực phía Nam đã về giá của năm 2019.

Dù không phải trường hợp phổ biến trên thị trường đất nền nhưng mới đây, một chủ đất tại Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đã giảm nền đất từ 3.6 tỉ đồng xuống còn 2.6 tỉ đồng cho nền đất hơn 50m2 gây chú ý. Được biết, nền đất này đã rao bán giảm 600 triệu đồng thời điểm cuối năm 2022 nhưng chưa bán được. Theo đó, hiện chủ đất quyết định giảm “mạnh tay” 1 tỉ đồng để ra được hàng nhanh.

Gửi một số môi giới bán lại với giá giảm sốc, chủ mảnh đất hi vọng sẽ có khách chốt trong thời gian ngắn, do bản thân cần tiền gấp giải quyết công việc.

Cách đó không lâu, một mảnh đất tại P.Long Phước, Q.9 cũng giảm 500 triệu đồng để ra hàng trong 1 tuần. Mức giảm này tương đương với giá thị trường giai đoạn 2018-2019. Trường hợp các nhà đầu tư ngộp tài chính cần bán tài sản với giá giảm sâu có dấu hiệu tăng mạnh sau thời điểm Tết nguyên đán.

Nền đất 52m2 tại P.Long Trường, Q.9 hiện đang chào giá bán 2.4 tỉ đồng. Giá này đã giảm 450 triệu đồng so với giá các nền đất bên cạnh, cùng khu vực. Do cần tiền nên chủ đất giảm mạnh với hi vọng ra được hàng sớm.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại khu vực Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi của Tp.HCM. Đất nền các khu vực này đã có dấu hiệu hạ giá từ 10-15%. Cá biệt có một số mảnh đất giảm sâu trên 30% so với thời điểm đầu năm 2022. Dù không phổ biến nhưng các mảnh đất hạ giá đã có dấu hiệu tăng lên so với thời điểm trước Tết nguyên đán. Theo một số môi giới bất động sản, nguồn hàng ngộp nhận được từ nhà đầu tư tăng lên khoảng 20-30% so với tháng 12/2022.

Nhìn vào bức tranh đất nền khu vực phía Nam cho thấy, hiện nay thị trường diễn ra theo chiều hướng: người bán nhiều hơn người mua. Sản phẩm giảm giá sâu nhưng giao dịch vẫn khá ít. Nhiều người nhìn thấy cơ hội nhưng không đủ tài chính xuống tiền với đất nền (việc tiếp cận vay ngân hàng không dễ). Người có tài chính thì lựa chọn kỹ, và thận trọng.

Đã từng vào thị trường đất nền với mục đích lướt sóng, mua nhanh bán nhanh hưởng chênh, hiện khá nhiều nhà đầu tư chôn vốn, gồng lãi vay ngân hàng. Những tác động từ chính sách tín dụng, lãi suất tăng cao khiến nhà đầu tư đất nền áp lực tài chính. Nhiều người hiểu rằng, việc ra hàng trong thời điểm này không hề dễ. Theo đó, tình trạng nhà đầu tư chấp nhận bán ngang vốn, thậm chí chịu lỗ là điều dễ hiểu.

Theo ghi nhận, phần lớn các sản phẩm đất nền cần sang nhượng trong thời điểm này đến từ thị trường thứ cấp, là các dự án đã và đang trong quá trình triển khai được nhà đầu tư mua đi bán lại dưới sức ép về tài chính.

Có thực tế là sau khi hết thời gian ân hạn, nhiều nhà đầu tư đang phải trả lãi suất vay ngân hàng lên tới 12 - 15%/năm, gây nên những áp lực rất lớn. Kông ít trường hợp phải đi vay ngoài để trả lãi. Để thoát được hàng, không còn cách nào khác là phải giảm giá.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, giá bất động sản , đặc biệt là phân khúc đất nền đang được điều chỉnh giảm mạnh, gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra “sốt đất”. Việc “cắt lỗ” thời gian vừa qua chỉ xảy ra với các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đối với các sản phẩm đầu tư, không phục vụ nhu cầu ở thực.

Dự báo làn sóng rao bán đất nền lan rộng ở các tỉnh phía Nam và có thể còn tăng trong những tháng tới. Thị trường được dự đoán sẽ cần ít nhất 1 - 2 năm để tái cấu trúc và phục hồi. Thị trường thứ cấp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp cần rao bán, sang nhượng tài sản. Đa số người bán lúc này đều giảm giá.

Theo các chuyên gia, những khó khăn của thị trường bất động sản chắc chắn không thể giải quyết trong ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ việc tiếp tục rót tiền vào sản phẩm nào, thậm chí nhà đầu tư không nên cố gồng giữ tài sản chờ lên giá. Nếu quá nhiều rủi ro, lời khuyên là nhà đầu tư nên mạnh dạn “cắt lỗ”.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang