Sự độc hại của khán giả Việt; Dàn Vlogger đời đầu đã 'lụi tàn' thế nào; Cá chết nổi kín mặt kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Sự độc hại của khán giả Việt

(Ảnh minh họa).

Tố đạo nhạc vô căn cứ, định kiến những nghệ sĩ đi sau và áp đặt tiêu chuẩn âm nhạc quốc tế, đó là sự độc hại của một bộ phận khán giả Việt đang trực tiếp tạo sức ép đến giới ca sĩ.

Making My Way của Sơn Tùng vừa bị Đen Vâu vượt mặt trên danh sách thịnh hành của YouTube. Vậy là sau gần 2 tuần, ca khúc mới của giọng ca người Thái Bình chính thức bị xô đổ, tương ứng việc sức hút của Making My Way đã suy giảm. Hai tuần qua, một loạt câu chuyện xảy ra liên quan đến Sơn Tùng và một trong số đó là đề tài quen thuộc, “đạo nhạc”.

Sơn Tùng lại bị tố đạo nhạc

"Đạo nhạc" là từ khóa hot nhất trong giai đoạn Making My Way gây sốt trên thị trường. Ngay sau khi ca khúc phát hành, nhiều khán giả tố Sơn Tùng đạo nhạc bản hit tỷ view Unforgettable của French Montana và Swae Lee. Với Sơn Tùng, chuyện này chẳng có gì lạ, vì mỗi lần nam ca sĩ tung ca khúc đều vướng nghi vấn đạo nhạc.

Các khán giả chỉ ra Making My Way có dòng nhạc tương tự Unforgettable và nhạc cụ tương đồng. Đúng là 2 ca khúc có sự tương đồng ở những yếu tố trên. Thế nhưng, trong âm nhạc, dòng nhạc, nhạc cụ cơ bản để tạo nên đặc trưng của dòng nhạc đó (nhịp trống) là những thứ mặc định phải có. Tất cả nghệ sĩ trên thế giới đều tuân theo khuôn khổ chung khi chọn dòng nhạc cho ca khúc, nên không thể gọi là đạo nhạc.

Making My Way của Sơn Tùng có những chi tiết riêng biệt, nằm trong sự sáng tạo của người phối khí và viết giai điệu. Tiếng synth của Making My Way khác Unforgettable . Đoạn phát triển cuối bài của Making My Way cũng tạo nên chất riêng của ca khúc.

Thành công của Unforgettable , Despacito hay chính Hãy trao cho anh có thể là cảm hứng để Sơn Tùng sản xuất thêm một ca khúc màu Reggaeton. Nhưng một số khán giả tố Sơn Tùng đạo nhạc trong Making My Way khi bằng chứng chưa rõ ràng là sự độc hại cần loại bỏ.

Câu chuyện đạo nhạc trên thị trường Việt Nam không chỉ gắn với Sơn Tùng. Rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ vướng vào nghi vấn của khán giả. Có ca khúc bị tố vì tương đồng dòng nhạc giống Making My Way - Thức Giấc của Da LAB - hay ca khúc vô tình trùng vài nốt nhạc là Một ngàn nỗi đau của Văn Mai Hương và Hứa Kim Tuyền.

Ngay cả những thị trường lớn như Âu - Mỹ và Kpop, ca khúc rơi vào diện nghi vấn đạo nhạc nhiều không đếm xuể. Hiện không có tiêu chí cụ thể để xác định chính xác việc đạo nhạc của các ca khúc.

"Đi sau là bắt chước"

Gần đây, một bộ phận khán giả tố nhiều nghệ sĩ “ăn theo” thành công của Hoàng Thùy Linh, là Hòa Minzy, Dương Hoàng Yến và Phương Mỹ Chi. Lý do bởi Hòa Minzy, Hoàng Yến và Mỹ Chi ra mắt những ca khúc pha giữa âm nhạc dân gian và hiện đại, đều thành công. Một số khán giả cho rằng Linh là người tiên phong trong việc nâng tầm thể loại nhạc này, nên mặc định ai đi sau đều bắt chước.

Đây không phải là ý kiến đơn lẻ, mà là cả một làn sóng trên mạng xã hội. Tất nhiên, Hoàng Thùy Linh không liên quan đến cuộc so sánh này, mà nó đến từ một bộ phận fan cuồng giọng ca See tình . Đúng là Hoàng Thùy Linh tiên phong trong việc đưa âm nhạc dân gian, pha trộn nhiều yếu tố hiện đại phủ sóng thị trường Việt. Song, nữ ca sĩ không độc tôn ở thể loại đó.

Từ cảm hứng âm nhạc dân gian, mỗi nghệ sĩ có cách khai thác khác nhau. Hòa Minzy dùng âm hưởng chèo, kết hợp trên bản phối điện tử. Ca khúc của Phương Mỹ Chi là sự pha trộn phức tạp của Disco, ngũ cung và ca trù. Cân cả thế giới của Dương Hoàng Yến dùng chất liệu gần tương tự Hoàng Thùy Linh, song vẫn có chất riêng như verse rap.

Âm nhạc là dòng chảy xuyên suốt. Chuyện người đi sau, lấy cảm hứng từ người đi trước là bình thường.

Thị trường nhạc Việt từng có làn sóng định kiến các ca khúc màu nhạc retro, đậm tiếng synth là bắt chước The Weeknd. Nó xảy ra ở Don’t Break My Heart (Binz), Ngôi sao cô đơn (Jack), Cơn đau (Wren Evans), Beautiful Monster (SOOBIN).

Thế nhưng, chính The Weeknd cũng từng chia sẻ, anh được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ các ca khúc Synth-wave, Synth-pop từng gây sốt toàn cầu ở thập niên 80, 90. The Weeknd cũng sáng tác từ cảm hứng cũ, kết hợp cùng những thứ mới để cho ra sản phẩm mang dấu ấn cá nhân.

Chuyện “đi sau là bắt chước” chỉ xảy ra với một ca khúc sao chép toàn bộ ý tưởng về giai điệu, phối khí, thậm chí là ca từ. Trường hợp này không xảy ra với nhóm ca sĩ Việt bị tố bắt chước Hoàng Thùy Linh hay The Weeknd.

Những đòi hỏi thái quá

Hai năm qua, sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok giúp nhiều bản nhạc Việt lan tỏa tới khán giả quốc tế. Đầu tiên là Ngẫu hứng của Hoaprox - một bản nhạc chưa hoàn chỉnh, dài hơn nửa phút, hút tỷ lượt nghe trên nền tảng Douyin của Trung Quốc. Sau đó, bản remix Hai phút hơn của Pháo và KAIZ thành cơn sốt trong giới nghe nhạc EDM toàn cầu.

Gần nhất, See tình của Hoàng Thùy Linh gây bão TikTok, được nhiều tên tuổi lớn của nhiều lĩnh vực cover điệu nhảy. Thế rồi, nữ ca sĩ được tung hô như một niềm tự hào của nhạc Việt. Và trong niềm hân hoan ấy, một bộ phận khán giả, truyền thông đặt câu hỏi: “Tại sao See tình chỉ hot trên TikTok, thay vì gây sốt một cách hiên ngang trên các bảng xếp hạng âm nhạc thế giới.

Making My Way của Sơn Tùng cũng bị đặt vào câu chuyện vĩ mô, là: “Có đủ vươn ra thế giới để sánh ngang các ngôi sao quốc tế không?”.

Một ca sĩ, ca khúc Việt tỏa sáng trên thị trường quốc tế là điều những người làm nhạc và yêu nhạc mong mỏi. Thế nhưng, ngay lúc này, còn quá sớm để mơ kịch bản đó vì thị trường nhạc Việt còn quá non trẻ. Chúng ta vẫn cách những thị trường hàng đầu một khoảng rất xa. Nội lực về tài năng, cá tính của nghệ sĩ chỉ là một phần nhỏ. Điều đó đến từ yếu tố tài chính đang tác động rất mạnh đến các khâu đằng sau ánh đèn sân khấu.

Thành công của 2 nhóm nhạc BTS và BlackPink là cảm hứng để các nghệ sĩ Việt tìm đường len lỏi đến Âu - Mỹ. Song, thực tế giữa 2 thị trường Kpop và Vpop khác xa. Bản chất của Kpop là thị trường âm nhạc lớn, tên tuổi đã ít nhiều vang danh đến Mỹ trước khi BTS nổi lên. Những sản phẩm của BTS, BlackPink khi hoạt động tại Hàn Quốc đã hút vài trăm triệu views trên YouTube. Sau lưng họ là những công ty được định giá tỷ USD.

Trong khi đó, thị trường nhạc Việt còn non trẻ. Hoàng Thùy Linh và Sơn Tùng cũng chỉ nắm trong tay ê-kíp có thực lực vừa phải. Với họ, việc phải làm là duy trì vị thế với khán giả Việt, đồng thời chọn một số nước đi phù hợp để góp phần đưa nhạc Việt ra thế giới, như Sơn Tùng kết hợp với Snoop Dogg để “bám sóng” ra quốc tế.

So sánh ca sĩ Việt trên tiêu chuẩn quốc tế cũng tương tự việc đặt phim của Trấn Thành lên bàn cân Hollywood, hay so sánh một trận bóng đá ở V.League với Premier League của Anh. Bản chất vẫn nằm ở mặt bằng thị trường còn non trẻ và chịu sự ảnh hưởng rất lớn của yếu tố kinh tế, sự đầu tư để sản xuất ra thành phẩm ở tiêu chuẩn hàng đầu.

Vậy thị trường nhạc Việt đang đứng ở đâu?

Chúng ta vẫn phát triển từng ngày. Nhạc Việt giờ không còn là thời của những ca khúc nhạc Hoa lời Việt, hay dùng beat có sẵn trên mạng. Các ê-kíp sản xuất âm nhạc đã hình thành, với số lượng đông để từng bước nâng cao chất lượng dây chuyền sản xuất, đặc biệt ở khâu mixing và mastering. Giờ đây, cũng không còn đất sống cho những ca khúc sao chép hoàn toàn ý tưởng quốc tế. Mà các ê-kíp phải sáng tạo, lao động nghiêm túc để tránh rơi vào điều tệ hại là đạo nhạc.

Không những thế, nhiều producer Việt sáng tạo, pha trộn giữa xu hướng âm nhạc quốc tế và những nét truyền thống nhạc Việt để cho ra màu sắc độc đáo. Loạt hit của Hoàng Thùy Linh là minh chứng. Hay, cách Sơn Tùng dũng cảm hát tiếng Anh trọn vẹn ca khúc cũng là điểm sáng cần khích lệ, dù rằng còn đó nhiều vết gợn.

Giai điệu của See tình, Ngẫu hứng, Ngây thơ được khán giả quốc tế đón nhận là sự khởi sắc của nhạc Việt. Sự nổi tiếng chỉ xảy ra ở một đoạn nhạc, cũng phản ánh rõ chúng ta đang ở đâu. Nhạc Việt còn cần thêm rất nhiều thời gian để một ca sĩ thật sự vươn ra biển lớn.

(Nguồn: Soha)

Dàn Vlogger Việt đời đầu đã "lụi tàn" như thế nào?

(Ảnh minh họa).

Thời hoàng kim, những Vlogger như JVevermind, An Nguy, Phở Đặc Biệt... tạo ra trào lưu làm nội dung số trên mạng xã hội YouTube. Qua vài năm, trào lưu này cũng trở nên nhạt, dần thoái trào, dàn Vlogger ngày ấy thử lấn sân sang showbiz nhưng chẳng mấy ai thành công.

JVevermind (Trần Đức Việt) - Vlogger từng nổi đình nổi đám trên YouTube Việt Nam quay trở lại mạng xã hội với phong cách hài hước, châm biếm quen thuộc hôm 15/5. Sau nhiều năm ngừng sản xuất nội dung mới, từ bỏ mảng vlog, JV vẫn đạt được hiệu ứng nhất định lần trở lại, nhiều khán giả nhắc đến anh, khẳng định sự "chất" của vlogger đời đầu là như thế nào.

Cách đây 10 năm, JVevermind cùng nhiều cái tên như Toàn Shinoda, Lâm Việt Anh, An Nguy, Huyme, He Always Smile… nở rộ trào lưu vlog tại Việt Nam, các kênh YouTube ra đời. Đa phần vlogger nổi tiếng này đều là du học sinh, có lối suy nghĩ hiện đại, táo bạo.

Thời hoàng kim của Vlogger Việt

Người nổ phát súng đầu tiên cho phong trào này là vlogger Nguyễn Lê Hưng cùng kênh YouTube Duhocsinhmy với vlog "Bạn nghĩ bạn giỏi tiếng Anh?". Trong vlog, Duhocsinhmy đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó có đoạn khẳng định "tất cả người học Amsterdam thì cho rằng mình giỏi tiếng Anh".

Không vừa lòng với quan điểm trên, JVevermind tung video đáp trả, "bẻ" lại lập luận của anh chàng cùng học THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khi đặt tiêu đề "Re: Duhocsinhmy - Tán gái + xin tiền = giỏi tiếng Anh". Hai bên có những cuộc chiến "không khoan nhượng", fan hai vlogger cũng không ngừng đả kích, châm chọc nhau suốt hai năm trời. Từ đây, trào lưu vlog mở cửa, chào đón nhiều cái tên thú vị.

Giai đoạn từ 2012 - 2013 có lẽ là thời điểm thị trường vlog sôi động, náo nhiệt nhất, thời điểm những JVevermind, An Nguy, Huyme, Toàn Shinoda… chiếm lĩnh sự quan tâm của giới trẻ bằng những vlog với góc quay trực diện, đem những câu chuyện về đời sống, vấn đề xã hội… thảo luận, chia sẻ qua lăng kính cá nhân.

JVevermind có cách thể hiện nội dung thân thiện với lứa tuổi học sinh, gợi mở những vấn đề muôn thuở nhưng vẫn vướng mắc tồn đọng như bạo lực học đường, kiểm tra miệng, fan cuồng Kpop. Nam vlogger tạo màu sắc cho video của mình bằng cách nhập vai nhiều nhân vật để minh họa cho các tình huống. Cách nói hài hước, duyên dáng là điểm cộng lớn của anh, thi thoảng chêm ngang câu chửi thề bỗ bã nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Đây cũng là công thức mà Huyme, An Nguy… hướng đến.

Công thức của các nhà sáng tạo nội dung này ảnh hưởng một phần từ những vlogger nước ngoài tiếng tăm, điển hình là Ryan Higa kênh nigahiga, HolaSoyGerman, Jenna Marbles…

Khác với JV, Toàn Shinoda là người chịu thay đổi hình thức thể hiện qua vlog với nhiều nội dung đa dạng, đề cập đến vấn đề xã hội cho tới lối sống của giới trẻ. Sê-ri bản tin dí dỏm của cựu vlogger cũng được đón nhận nhiệt tình. Cái hay của anh là biến những vấn đề tưởng như nghiêm túc thành phút giây thư giãn, đáng suy ngẫm. Đáng tiếc, Toàn Shinoda qua đời năm 2014 do suy hô hấp mãn tính.

Thoái trào - Vì đâu nên nỗi?

Sự ra đi của Toàn Shinoda kéo theo nốt trầm cho vlogger Việt Nam thời điểm đó. Một lý do lớn khác là khi ý tưởng dần cạn kiệt, không ai có hướng đi mới khiến các đề tài luẩn quẩn, nhạt dần trong "khẩu vị" của khán giả.

Hai tháng, năm tháng rồi một năm, những cột mốc thời gian cư dân mạng "soi" vì mãi không thấy video nào mới từ kênh YouTube của Huyme, JV hay An Nguy… Việc năng nổ hoạt động, ra video với tần suất dày đặc trong thời kỳ hưng thịnh cũng là phần nào khiến người sáng tạo nội dung nản chí bởi khó khăn trong cách tìm phương thức níu kéo tệp khán giả.

Một số khác chú trọng số lượng hơn chất lượng mà bỏ quên nội dung. Sự thiếu trau chuốt, không còn mang ý nghĩa truyền tải thông điệp, thậm chí sao chép lẫn nhau làm người xem chẳng còn mặn mà theo dõi.

Có được định danh nhất định, dàn vlogger đời đầu trưởng thành hơn, có định hướng riêng phát triển bản thân. Việc sản xuất vlog thưa dần và chìm vào quên lãng, bước vào giai đoạn thoái trào. Là người trong cuộc, Huyme thừa nhận việc vlog trở nên nhạt và thoái trào cũng là điều bình thường. Trào lưu nào cũng gặp phải tình trạng này.

Để kênh YouTube trống trải suốt thời gian dài, cư dân mạng không còn nhắc nhiều đến những vlog của JV, An Nguy, thay vào đó họ cuốn theo trào lưu mới như cover ca khúc hot, vịt hóa thiên nga, video ngắn… luân phiên chiếm lĩnh hạng nhất trên mạng xã hội của giới trẻ Việt.

Luẩn quẩn khi định vị bản thân

Thử sức trong vai trò mới, các cựu vlogger khiến nhiều người tò mò về năng lực. JV tiến đến việc sản xuất phim ngắn điện ảnh, diễn xuất, quản lý công ty truyền thông. Năm 2015, Huyme quyết định Nam tiến, lấn sân sang điện ảnh. Một số bộ phim 9X góp mặt như Siêu Trộm, Sút, Bạn Gái Tôi Là Sếp, Anh Thầy Ngôi Sao song không tạo dấu ấn đậm nét nào.

Cùng hướng đi, An Nguy có vai diễn màn ảnh rộng trong Chờ Em Đến Ngày Mai, Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con, bên cạnh đó cô còn tham gia show truyền hình thực tế. Tuy nhiên, con đường showbiz của An Nguy dính tới thị phi khi cô thông báo "phim giả tình thật" với bạn diễn Kiều Minh Tuấn, công chúng cho đây là chiêu trò PR "bẩn", đòi tẩy chay. Nữ vlogger sau đó phải lên tiếng xin lỗi.

Ngã rẽ điện ảnh không thực sự thành công khiến họ rơi vào trạng thái lấp lửng, không rõ ràng. Huyme nói anh quyết định theo đuổi và dành thời gian cho điện ảnh hơi nóng vội vì muốn mọi người công nhận mình là diễn viên hơn là Vlogger đi đóng phim. Anh chọn dừng làm YouTube, chỉ tập trung cho việc diễn xuất.

Sau vài năm giữ suy nghĩ đó, anh bối rối, thấy bản thân chững lại và không còn tham gia bất kỳ dự án phim nào. "Ở vị trí diễn viên tôi chưa có được những thành công như mong muốn. Với YouTuber, tôi đã là quá khứ" - anh chia sẻ.

Đến thời điểm này, JV kín tiếng trong đời tư, anh đang dần từng bước trở lại mạng xã hội, định vị lại tên tuổi qua những vlog. Dàn vlogger đời đầu mỗi người đều đang có một hướng đi riêng.

Họ vẫn chia sẻ cuộc sống cá nhân qua những video, mạng xã hội nhưng không giữ "nhiệt" như xưa bởi trước mắt họ đã có thế hệ Vlogger F2 bài bản, chuyên nghiệp hơn hay xu thế video ngắn lên ngôi, chiếm ưu thế nhanh chóng trên toàn thế giới.

(Nguồn: Kenh14)

Cá chết lẫn trong rác thải nổi kín mặt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

(Ảnh minh họa).

Dọc kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè phía thượng nguồn xuất hiện tình trạng cá chết lẫn trong rác, nổi lềnh bềnh trên mặt nước đen ngòm.

Ghi nhận trưa 22/5, đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ khu vực cầu số 6 về phía cống xả nằm trên đường Út Tịch (qua địa bàn quận Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3) xảy ra tình trạng cá chết rải rác.

Quan sát, xác cá lẫn trong rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước đen ngòm. Trong đó, cá chết có cả những loại sống ở tầng mặt nước (cá rô, cá chép, diêu hồng..) và cá sống tầng đáy kênh (cá trê, cá lóc…).

Người dân cho biết, tình trạng cá chết diễn ra từ sau trận mưa lớn chiều thứ 7 (20/5). Từ hôm qua đến sáng nay, nhân viên vệ sinh môi trường liên tục thu gom rác lẫn xác cá đi tiêu hủy.

“Hễ sau một đợt nắng nóng kéo dài và có mưa lớn, cá trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè lại chết, nổi đầy mặt nước, xen lẫn với rác, nước đen ngòm”, anh Nguyễn Văn Bình (nhà bên đường Hoàng Sa, quận Tân Bình) cho hay.

Hầu như năm nào kênh cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt vào đầu mùa mưa. Nghiêm trọng nhất là vào năm 2016, công nhân môi trường đã vớt 70 tấn cá chết. Ngành chức năng TP.HCM phải rải hàng chục tấn hóa chất để xử lý môi trường, khuyến cáo người dân không nên sử dụng cá cho người và gia súc, hạn chế phóng sinh cá.

Những năm sau đó, UBND TP cũng tốn nhiều chi phí để tái tạo nguồn cá, rải hóa chất nhằm thanh lọc nước ở những khu vực ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuy nhiên sau cơn mưa đầu mùa, tình trạng cá chết lại xuất hiện.

Lần gần nhất, hồi giữa tháng 4/2023, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn hạ nguồn từ cầu Thị Nghè (quận 1) kéo dài đến cầu Công Lý (quận 3) cũng xảy ra tình trạng cá chết sau trận mưa đầu mùa.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang