Sốc giá nho sữa 'quý tộc'; Thở phào với tỉ giá; XK hết lo đơn hàng lại lo đơn giá; Cuộc đua 'đốt tiền' vào mặt bằng trung tâm TP.HCM

SỐC: NHO SỮA “QUÝ TỘC” TỪ ĐẮT ĐỎ THÀNH LOẠI QUẢ RẺ NHẤT CHỢ

Những chùm nho sữa 'quý tộc' màu xanh căng bóng đang được bày bán la liệt trên sạp hàng rong, phủ sóng chợ online. Một số đầu mối còn rao bán giá sốc, chỉ 25.000-30.000 đồng/kg.

Nho sữa đổ bộ thị trường Việt Nam vài năm nay nhưng vẫn chưa hết “hot”. Thời điểm này, loại nho sữa “quý tộc” xuất xứ Trung Quốc tiếp tục phủ sóng các chợ online, tràn ra vỉa hè, bày bán la liệt trên các sạp hàng rong.

Đáng chú ý, những chùm nho sữa khủng, quả màu xanh căng bóng bẩy từng chỉ phục vụ giới nhà giàu nay trở thành hàng bình dân giá rẻ bèo.

Hồi giữa tháng 6, chị Đàm Thị Minh ở Kim Giang (Thanh Xuân) còn mua nho sữa Trung Quốc với giá 150.000 đồng/kg. So với các loại nho Trung Quốc bán tại chợ khi đó, nho sữa có mức giá đắt đỏ nhất, nhưng vẫn khá rẻ so với hàng cùng loại của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sang tháng 8, nho sữa trở thành loại trái cây thường xuyên được chị mua về tích trữ trong tủ lạnh. Bởi, chúng chỉ có giá vài chục nghìn đồng 1kg, hàng Vip giá cũng chưa đến 100.000 đồng/kg.

“Hôm qua, tôi khá sốc khi thấy trên chợ online có người rao bán nho sữa giá chỉ 25.000 đồng/kg. Một thùng 10kg nên tôi rủ vài chị em khác mua chung”, chị Minh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Như - đầu mối bán trái cây tại Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết, chỉ riêng nho Trung Quốc đã có gần chục loại được bày bán tại chợ, gồm: nho Ruby, nho kẹo, nho ngón tay, nho xanh, nho đỏ, nho sữa... Nếu so giá nho Trung Quốc với nhau ở thời điểm hiện tại, chị thừa nhận nho sữa từ mức đắt đỏ nhất đã thành hàng giá rẻ nhất chợ.

Chị Như dẫn chứng, các loại nho Trung Quốc thường có giá rất rẻ. Theo đó, nho kẹo, nho ngón tay hay nho Ruby chị đang bán với giá từ 40.000-70.000 đồng/kg, còn nho sữa cũng chỉ 300.000 đồng/rành 10kg (30.000 đồng/kg).

Trung tuần tháng 8, chị cũng bán nho sữa với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây là hàng chùm nhỏ, đã bị cắt tỉa những quả thối hỏng, tức hàng loại.

Còn nay loại nho sữa 30.000 đồng/kg là hàng Vip. Trọng lượng mỗi chùm đều từ 1-1,5kg, quả to, căng bóng và ngọt thơm. Song, loại nho sữa này chị không bán tách lẻ theo cân mà bán nguyên rành 10kg.

“Bình thường khi mua nho, khách phần lớn chỉ đặt mua 1-2kg mỗi đơn. Nhưng vì nho sữa đang có giá quá rẻ nên lượng khách đặt mua theo rành rất nhiều”, chị nói. Hôm qua, chị Như bán hết gần 300 thùng cho cả khách sỉ lẫn khách lẻ. Riêng khách sỉ, tuỳ vào số lượng rành đặt mua mà có giá khác nhau.

Trên chợ online, các đầu mối đang ồ ạt rao bán nho sữa với số lượng lớn. Giá của loại nho “quý tộc” này cũng hạ nhiệt theo ngày.

Trong đó, các loại nho đóng theo rành, theo thùng có giá phổ biến ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán chỉ 25.000 đồng/kg.

Chị Bùi Thị Quỳnh, đầu mối bỏ sỉ nho sữa tại một chợ online có gần 400.000 thành viên tham gia mua bán, cho hay, đầu tháng 7, chị bán sỉ nho sữa hàng 3-4 chùm/rành trọng lượng 5kg với giá 220.000 đồng. Song, gần một tuần trở lại đây, vẫn loại nho này, giá giảm chỉ còn 160.000 đồng/rành. Dòng nho sữa Doremon Vip cũng chỉ 140.000 đồng/thùng trọng lượng 2,5kg ruột.

Theo chị, đang vào chính vụ thu hoạch nho sữa nên hàng nhiều, giá rẻ. Đây cũng là mức giá rẻ nhất kể từ khi nho sữa Trung Quốc xuất hiện tại chợ Việt.

Hiện, mỗi ngày chị về một xe nho sữa khoảng 3,5 tấn để trả đơn sỉ cho khách, trong đó chủ yếu là khách ở Hà Nội, chị Quỳnh chia sẻ.

THỞ PHÀO VỚI TỈ GIÁ

Tỉ giá hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ, giảm bớt áp lực lạm phát…

Cuối ngày 28-8, giá USD tại nhiều ngân hàng (NH) thương mại chốt ở mức mức 24.680 đồng/USD mua vào, 25.020 đồng/USD bán ra. Trong ngày, có thời điểm giá USD rớt khỏi mốc 25.000 đồng, xuống chỉ còn 24.990 đồng/USD. Nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, giá USD trong NH đã giảm khoảng 400 đồng (1,6%).

Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phân tích nguyên nhân chính của sự suy yếu đồng USD trên thị trường tiền tệ toàn cầu được cho là kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất trong tháng 9. Lãi suất thấp làm giảm sức hấp dẫn của USD với các nhà đầu tư, khiến đồng tiền này mất giá so với các đồng tiền khác.

Ở thị trường trong nước, NH Nhà nước (NHNN) đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm ổn định tỉ giá, bao gồm tăng cường thanh khoản VNĐ thông qua điều tiết thị trường liên NH và bán USD ra thị trường. Việc bơm tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) với lãi suất giảm dần từ 4,5% xuống 4,25% đã giúp hạ nhiệt đáng kể tỉ giá USD/VNĐ.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank, cũng cho rằng FED gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, giúp giảm chênh lệch lãi suất USD-VNĐ - một trong những nguyên nhân chính khiến VNĐ mất giá so với đồng USD. "Khi lý do gốc rễ nêu trên được giải quyết, VNĐ cũng tăng giá trở lại so với USD. Với nền kinh tế nói chung, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ hạ nhiệt, giảm bớt áp lực lạm phát. Áp lực tỉ giá giảm cũng giúp NHNN có nhiều không gian điều hành chính sách tiền tệ hơn" - ông Lâm nói.

Về nhóm ngành liên quan khi tỉ giá hạ nhiệt, theo chuyên gia của Maybank, các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu, đồ uống hay các nhóm có tỉ lệ vay nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ô tô… cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

Chuyên gia của chứng khoán Rồng Việt nhận định tỉ giá hạ nhiệt mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo Như, khi USD giảm, những ngành phụ thuộc lớn vào nguyên liệu, máy móc, và hàng hóa nhập khẩu như công nghiệp chế biến, sản xuất công nghệ và tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc chi phí nhập khẩu giảm.

Ngành bán lẻ cũng được hưởng lợi từ chi phí nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu giảm, tạo điều kiện tăng sức cạnh tranh và cải thiện biên lợi nhuận, đặc biệt là đối với các sản phẩm công nghệ, điện tử, và hàng tiêu dùng cao cấp.

"Các doanh nghiệp (DN) trong ngành xây dựng và bất động sản hưởng lợi gián tiếp từ chi phí nhập khẩu vật liệu xây dựng giảm, giúp triển khai các dự án với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, tỉ giá giảm lại đặt ra thách thức cho các DN xuất khẩu như dệt may, thủy sản và vận tải… ảnh hưởng đến sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế" - bà Thảo Như phân tích.

DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU CHƯA HẾT LO ĐƠN HÀNG ĐÃ LO ĐƠN GIÁ

Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm nay, thậm chí quý I/2025, nhưng phải đối mặt với mối lo đơn giá giảm trong bối cảnh chi phí tăng.

Ngành gỗ là một trong những ngành ghi nhận tín hiệu phục hồi xuất khẩu tích cực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,36 tỉ USD, bằng 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn hàng nhỏ, lợi nhuận thấp

Ông Phạm Ánh Dương, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất MDF Hải Dương, thông tin tính đến thời điểm này, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. DN cũng đã nhận đơn hàng đến hết quý I/2025. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, do nhu cầu của thế giới vẫn thấp, người mua e ngại tồn kho nên đơn hàng của các DN trong toàn ngành bị chia nhỏ, thời gian giao gấp và đặc biệt là giá giảm.

Với ngành dệt may, đơn hàng bắt đầu phục hồi từ tháng 4-2024. Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã có đơn tới hết năm, tăng 20% -30% so với năm ngoái. Theo Chủ tịch HĐQT công ty, ông Phạm Văn Việt, căng thẳng chính trị thế giới khiến nhà mua hàng đổ về Việt Nam nhiều hơn song đơn hàng số lượng lớn lại giảm mạnh. "Trước đây, DN nhận đơn hàng lên tới 50.000 sản phẩm/mã, giờ chỉ còn 3.000 - 5.000 sản phẩm/mã. Đơn hàng nhỏ, chi phí tăng trong khi giá không đổi khiến lợi nhuận giảm" - ông Việt phản ánh.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may trong nước có lợi thế nhất định khi Bangladesh gặp khó khăn. Để biến cơ hội thành lợi thế, các DN dệt may cần chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực gắn với kiểm soát rủi ro, chuyển đổi xanh...

Ở góc nhìn khác, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - cho rằng bất ổn chính trị tại Bangladesh có tác động nhất định đến ngành dệt may Việt Nam nhưng không nhiều. Bởi vì, dệt may Bangladesh tập trung ở phân khúc trung bình và thấp với giá rẻ trong khi Việt Nam đang ở phân khúc cao hơn. "Mặc dù đơn hàng tăng nhưng ngành dệt may chưa hết khó khăn khi khách hàng đưa ra đơn giá rất thấp, một số DN lại đang thiếu lao động" - ông Hồng nêu thực tế.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự báo từ nay tới cuối năm, nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện. Chưa kể, kế hoạch cắt giảm lãi suất của các thị trường nhập khẩu lớn hiện chưa rõ ràng, còn quốc gia xuất khẩu cạnh tranh thì dự kiến phá giá đồng tiền khoảng 15%-20% để giành lại thị phần, khiến Việt Nam gặp áp lực về đơn giá trong bối cảnh giá xuất khẩu 2 năm qua vốn đã thấp. Bên cạnh đó còn hàng loạt áp lực khác tiếp tục gia tăng như cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng... Trước tình hình này, các DN nên tập trung sản xuất mặt hàng kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, thay vì tập trung vào mặt hàng phổ thông giá rẻ.

Tăng cường hỗ trợ tín dụng

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, cho rằng giải pháp hiện nay cho DN là tiếp cận đơn hàng "vừa miếng".

Hiện nay, có nhiều đơn hàng không yêu cầu cao về mặt công nghệ, chẳng hạn đơn hàng số lượng lớn tủ lạnh nhỏ đưa vào khách sạn ở Thụy Điển, Na Uy. "Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của DN để nhận những đơn hàng này là rất thấp. Dường như DN vẫn "mơ" những đơn hàng "xa quá", "cao quá" rồi bỏ lỡ cơ hội cận kề" - bà Hương nói.

Bà Hương cũng chỉ ra thực tế nhiều DN lựa chọn việc gia công cho thương hiệu lớn, chưa tự chủ trong chuỗi cung ứng và khâu thiết kế. "Chỉ khi DN tự thiết kế, làm chủ công nghệ, phát triển nhiều sản phẩm mang thương hiệu thì mới thu về lợi nhuận cao" - bà Hương lưu ý.

Ông Nguyễn Liêm nhận định thị trường quyết định sự tồn tại của nhà máy; sản phẩm quyết định năng suất, giá trị của DN. Vì vậy, DN cần đẩy mạnh phát triển thị trường và nâng cao năng lực quản trị, từ đó phát huy hết công suất, tiềm năng của nhà máy.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VitaJean Phạm Văn Việt kiến nghị nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị. "Công nghệ chỉ cần tụt hậu 2 năm là không thể theo kịp thế giới. Nếu biết ứng dụng công nghệ, ngồi ở Việt Nam có thể bán hàng online sang châu Âu" - ông Việt chia sẻ.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho rằng cần chính sách điều hành tỉ giá và lãi suất linh hoạt, hiệu quả. Cụ thể, việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp trong bối cảnh lãi suất thấp ở châu Âu và Nhật Bản cùng với việc theo sát động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là rất cần thiết để bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước tình hình đơn hàng tăng, xuất khẩu có tín hiệu phục hồi, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tài chính, ưu đãi tín dụng cho các DN, qua đó giúp DN hoàn thành các hợp đồng đã ký kết, mở rộng xuất khẩu, nhất là với các ngành dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản...

CUỘC ĐUA ĐỐT TIỀN VÀO MẶT BẰNG TRUNG TÂM TP.HCM

Chi phí mặt bằng ăn mòn lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ nhưng các thương hiệu vẫn không chùn bước, mạnh tay chi tiền để chen vào các tuyến đường trung tâm TP.HCM.

Câu chuyện Starbucks Reserve Hàn Thuyên đóng cửa ngày 26/8 vì không thỏa thuận được giá mặt bằng, từ mức thuê ban đầu 21.000 USD/tháng (hơn 520 triệu đồng/tháng) sau 7 năm lên 30.000 USD/tháng (khoảng 757 triệu đồng), vẫn đang nhận nhiều sự quan tâm.

Giới am hiểu thị trường nhìn nhận giá mặt bằng Hàn Thuyên với tổng diện tích diện tích 212,5m2 mà chủ mới đưa ra cũng không phải đắt, vì đây là những sản phẩm giới hạn, luôn có khách riêng muốn thuê, muốn mua.

Thà bỏ trống chứ không giảm giá

Từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, có khá nhiều mặt bằng vị trí “vàng” khu trung tâm TP.HCM ở các đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Ngô Đức Kế... rơi vào tình trạng bỏ trống kéo dài vì khó kiếm khách. Không chỉ vì mức giá chát, lên tới vài trăm triệu đồng/tháng, mà mặt bằng khu vực này là kiểu “sản phẩm đặc thù”, chỉ phù hợp với số ít thương hiệu rất lớn, đủ tiềm lực và không phải sản phẩm nào cũng kinh doanh được ở đây.

Đáng chú ý, theo thông tin rao trên các hội nhóm bất động sản, giá cho thuê mặt bằng khu vực các tuyến đường trung tâm Quận 1 lại tăng thêm khoảng 19-20%, dù có bỏ trống, rao cho thuê suốt thời gian dài. Như khu vực đường Nguyễn Du với nhiều mặt bằng siêu VIP đang rao cho thuê từ vài chục triệu đến khoảng 450 triệu đồng/tháng tùy diện tích, vị trí, và mức này tăng khoảng 19% trong vòng 1 năm qua.

Các mặt bằng khu vực trung tâm Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, công viên 30/4... cũng có giá thuê từ 550 triệu đến cả tỷ đồng, với mức tăng khoảng 19%.

Một trong những vị trí đắc địa ở Quận 1 bỏ trống từ năm 2021 đến nay là mặt bằng 75 Nguyễn Du, góc giao với Pasteur. Đây là căn nhà 1 trệt có diện tích 25x28m, giá đang chào thuê là 300 triệu đồng/tháng.

Trước 2021, đây là địa chỉ luôn đông khách của cà phê Highlands. Nhưng ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thương hiệu cà phê này đã rời đi, với nhiều thông tin đưa ra là không thỏa thuận được giá thuê mới. Và đây cũng là một trong những mặt bằng hiếm hoi trên đất vàng bỏ trống suốt thời gian dài.

Lý giải nguyên nhân nhiều mặt bằng thà bỏ trống nhưng chủ vẫn không giảm giá, giới am hiểu thị trường cho rằng bất động sản ở khu vực này không chỉ là tài sản thông thường mà là “tích sản”, giao dịch mua bán không nhiều.

Những người sở hữu các bất động sản này có dòng tiền tốt, số tiền thuê hàng tháng vài trăm triệu đồng không phải là khoản lớn. Họ có thể chấp nhận mất khoản tiền này trong nhiều tháng mặt bằng bỏ trống, với mục tiêu giữ và nâng cao giá trị của bất động sản sở hữu, chứ không giảm giá, cho thuê giá rẻ.

Theo chuyên gia Đinh Minh Tuấn, việc định giá các bất động sản này thường dựa trên giá trị cho thuê. Nếu giá thuê thấp, giá trị của căn nhà sẽ bị giảm, ngược lại, giá thuê cao thì định giá bán cũng tăng lên. Đó cũng là lý do mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên không chấp nhận mức giá thương lượng của Starbucks sau khi ký lại hợp đồng thuê mới. Chủ căn nhà này được cho là đưa ra giá thuê mới 30.000 USD/tháng còn giá bán được định là 600 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, một số chủ nhà vẫn chấp nhận mức giá thấp hơn mong muốn, nhưng không phải để "thoát ế" mà cho thuê với thương hiệu uy tín.

Môi giới một công ty bất động sản ở Quận 1 cho biết đã thành công khi thương lượng giá căn nhà ngay ngã tư Trần Quang Khải - Nguyễn Hữu Cầu thấp hơn gần 15% giá thị trường trong 2 năm cho thương hiệu cà phê mới nổi thuê. Lý do thuyết phục chủ nhà là thương hiệu hot, cộng với thiết kế điểm bán đặc biệt làm giá trị ngôi nhà tăng lên.

Dữ liệu của một trang chuyên về bất động sản cho thấy giá thuê mặt bằng nhà phố ở TP.HCM đầu năm 2024 vẫn có xu hướng tăng cao rải đều tại nhiều quận và cả TP Thủ Đức, với mức tăng cao nhất đến 40%, dù tình hình kinh doanh vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Việc các chuỗi F&B lớn như Highlands, Katinat, Trung Nguyên Legend, Starbucks…liên tục mở các điểm bán mới ở các vị trí đắc địa khiến cho cuộc cạnh tranh, rượt đuổi nhau trên đất vàng luôn khốc liệt.

Thuê mặt bằng giá đắt đỏ làm gì?

Chia sẻ mới đây tại diễn đàn F&B do iPos.vn tổ chức, ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB Director, cho biết mặt bằng luôn là cản trở lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực.

Ông nói thị trường có rất nhiều mặt bằng bỏ trống, nhưng không phải mặt bằng nào cũng phù hợp kinh doanh. Nơi phù hợp giá thì không thuận tiện vị trí, nơi vị trí tốt thì giá quá cao. Chính vì vậy mà thương hiệu vẫn luôn đi tìm mặt bằng, và nghịch lý là thị trường vẫn có rất nhiều mặt bằng bỏ trống chờ khách.

Tuy nhiên, chi phí mặt bằng cao nhất chỉ nên chiếm 30% trong tổng chi phí kinh doanh thì mới đảm bảo khả năng hoạt động, sinh lời.

Thực tế thống kê cho thấy giá thuê mặt bằng ở các đường trung tâm Quận 1, Quận 3, như Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Alexander De Rhodes, xung quanh hồ Con Rùa, Ngã 6 Phù Đổng… luôn cao hơn hiệu quả kinh doanh của điểm bán mang lại từ 3 - 4 lần. Nhiều chuỗi phải bù lỗ bởi chi phí mặt bằng ăn mòn lợi nhuận nhưng không ngại chi tiền chen vào khu vực này, vì giá trị quảng bá hình ảnh và marketing.

Điển hình là tòa nhà 325 Lý Tự Trọng ngày Ngã 6 Phù Đổng, nơi có giá thuê khoảng 700 triệu đồng/tháng, nhưng luôn là địa chỉ các thương hiệu tranh nhau. Mới đây, một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là DannyGreen đã giành được quyền thuê căn nhà này.

Trước đó, thương hiệu bán vali, túi xách MIA đóng đô tại đây khoảng 1 năm, với giá thuê 26.000 USD/tháng. MIA rời đi từ tháng 3/2024 và giữa tháng 7/2024, cửa hàng bán nông sản đã tưng bừng khai trương.

Mặt bằng 3 mặt tiền này từng là nơi hiện diện của chuỗi cà phê PhinDeli, mức giá theo tiết lộ khoảng 25.000 USD/tháng. Mặt bằng này chỉ bỏ trống dài nhất khoảng 6 tháng, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát năm 2021 và giá thuê sau luôn cao hơn trước.

Ông Lâm Bội Minh, nhà sáng lập trà, cà phê Phúc Long, chia sẻ năm 2014, khi chuỗi Phúc Long mới phát triển, ông quyết định đặt cửa hàng thứ 10 tại Ngã 6 Phù Đổng. Thời điểm đó, với một Phúc Long non trẻ, việc thuê vị trí này rất cân nhắc, vì chi phí thuê khoảng 14.000 USD dù không có chỗ để xe.

Tuy nhiên, đây là thời điểm Phúc Long cần làm thương hiệu, và quyết định của ông đã đúng. Cửa hàng Phúc Long tại đây luôn trong tình trạng hết bàn từ sáng đến tối. Phúc Long từ đây trở thành ngôi sao sáng trong làng F&B.

Sau 5 năm đặt cửa hàng “đinh” tại vị trí này, Phúc Long rời đi khi mặt bằng được đẩy giá lên 25.000 USD/tháng. Với mức giá này, một thương hiệu sữa đậu nành lập tức thế chân Phúc Long.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ nếu tính toán chi phí thuê bảng quảng cáo ở trung tâm thì không lệch quá nhiều, mà được một nơi gọi là flagship store để cho người tiêu dùng trải nghiệm. Với những flagship, hiệu quả kinh doanh tính bằng thứ khác chứ không chỉ có con số.

Còn phía DannyGreen cho rằng quyết định mở cửa hàng tại Ngã 6 Phù Đổng là nhấn mạnh cam kết của doanh nghiệp trong việc làm cho sản phẩm chất lượng cao dễ tiếp cận hơn với phân khúc lớn hơn của người tiêu dùng Việt Nam. Vị trí đắc địa này không chỉ đảm bảo lượng khách hàng lớn, mà còn phù hợp với tầm nhìn của công ty trong việc thúc đẩy lối sống lành mạnh và tiêu dùng hữu cơ tại khu vực đô thị.

Trả lời Báo điện tử VTC News, ông Phan Minh Thông , nhà sáng lập Tập đoàn Phúc Sinh, cho rằng cửa hàng càng ở vị trí vàng thì chi phí càng cao. Tuy nhiên, với mục đích làm thương hiệu, các chuỗi sẽ chấp nhận. Như K Coffee của Phúc Sinh đã mở 10 năm với nhiều cửa hàng, nhưng khi cửa hàng ở đường Hai Bà Trưng (Quận 1) xuất hiện thì thương hiệu quán K Coffee mới được biết đến rộng rãi, nhờ vị trí đắc địa khiến tên thương hiệu nổi bật.

“ Do vậy, dù chưa có lãi nhưng hiệu quả kinh doanh rất tốt vì đây là cửa hàng giúp chúng tôi xây thương hiệu. Có những cửa hàng phải mở đúng chỗ, đúng thời điểm, sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá được hình ảnh, xây được thương hiệu ”, ông Thông nói.

Nguồn: Vietnamnet; Người Lao Động; CafeF; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang