Số tiền khủng vụ Vạn Thịnh Phát; Xử đại án đăng kiểm; Băn khoăn mua điện mặt trời tự sản, tự tiêu; Đất chưa GPMB đã bán xong

TIẾT LỘ SỐ TIỀN “KHỦNG” BỊ PHONG TỎA TRONG VỤ VẠN THỊNH PHÁT

Quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngoài kê biên hàng nghìn tỷ đồng của các bị can bị truy tố, cơ quan điều tra còn phong tỏa hàng trăm tài sản là nhà đất, tiền, vàng, USD, của 7 người đã chết hoặc bỏ trốn.

Kê biên hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt, cổ phần doanh nghiệp

Trong cáo trạng vừa ban hành, Viện KSND Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm về 3 nhóm tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Viện kiểm sát đã làm rõ hành vi phạm tội của từng bị can, trong đó, Trương Mỹ Lan là người giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt.

Ngoài tội danh truy tố, Viện kiểm sát kê biên, phong tỏa nhiều tài sản của bị can, đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả.

Cụ thể, bên truy tố thu giữ hơn 408 tỷ đồng tiền mặt; phong tỏa 79 tài khoản của các bị can với tổng số tiền 92 tỷ đồng; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền hơn 824 tỷ đồng, 261.914 USD.

Kê biên phần vốn góp của nhóm Trương Mỹ Lan tại 9 công ty, gồm: 100% cổ phần tại CTCP Twin Peaks; 18% phần vốn góp tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành; 73,04% cổ phần tại CTCP Đầu tư Hợp Thành 1; 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam; 77,89% cổ phần CTCP dược phẩm Đông Dược 5; 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần tại CTCP Đầu tư Sao Thủy; 100% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát; hơn 1,4 triệu cổ phần Công ty Chứng khoán TVSI.

Đối với bất động sản, cơ quan điều tra đã kê biên nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất của bị can Trương Mỹ Lan , gồm: Thửa đất địa chỉ tại 268 Võ Văn Kiệt, Quận 1, TPHCM; 2 thửa đất tại Khu công nghiệp Nội Bài, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội; 76 quyền sử dụng đất tại xã Phú Hữu, Nhơn Trạch, Đồng Nai; 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, Nhà Bè, TPHCM.

Với nhóm bị can khác và người liên quan, cơ quan điều tra kê biên 4 nhà đất và tài sản gắn liền với đất của bị can Tô Thị Anh Đào; 3 nhà và tài sản khác gắn liền với đất của bị can Bùi Đức Khoa.

Người chết , bỏ trốn đều bị phong tỏa nhà đất, tiền, vàng

Riêng 3 bị can Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành và Nguyễn Ngọc Dương (dù đã chết), cơ quan điều tra vẫn kê biên 2,5 triệu cổ phần tại Công ty Chứng khoán TVSI của Hồng; thu giữ bản chính Giấy chứng nhận QSDĐ với thửa đất ở số 9 Nguyễn Khoái, phường 1, Quận 4, TPHCM...

Ngăn chặn giao dịch 8,7 triệu cổ phần Công ty Chứng khoán TVSI; chặn giao dịch tổng số dư 386 triệu đồng trong 2 tài khoản đứng tên Nguyễn Tiến Thành tại Ngân hàng SCB.

Bị can Nguyễn Ngọc Dương bị chặn giao dịch số tiền 9,1 tỷ đồng trong 3 tài khoản tại Ngân hàng SCB; chặn giao dịch tổng số dư hơn 50 tỷ đồng trong các tài khoản của Nguyễn Phúc Anh (con trai Dương) tại SCB và Vietcombank; thu giữ 216 lượng vàng SJC, 6 sổ tiết kiệm giá trị 132 tỷ đồng đứng tên bị can tại Vietcombank, cùng giấy tờ liên quan đến 3 nhà đất tại TPHCM, Long An…

Tương tự, với 5 bị can đang bị truy nã, gồm: Đinh Văn Thành; Nguyễn Thị Thu Sương; Chiêm Minh Dũng; Trầm Thích Tồn; Nguyễn Lâm Anh Vũ, cơ quan điều tra cũng chặn giao dịch tổng số dư tài khoản hơn 100 triệu đồng và 31 bất động sản.

NGÀY MAI XÉT XỬ ĐẠI ÁN ĐĂNG KIỂM, HÀNG TRĂM CHỖ NGỒI ĐƯỢC CHUẨN BỊ

Do số lượng bị cáo và người tham gia phiên tòa đông, TAND thành phố Hồ Chí Minh bố trí 2 địa điểm xét xử, gồm: trụ sở TAND TP.HCM và hội trường Trại tạm giam T30 Củ Chi.

2 cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và 252 bị cáo liên quan hầu tòa

Ngày 18/7 tới đây, TAND thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử đối với 254 bị can liên quan các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Vụ án có 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và 252 bị cáo liên quan, bị xét xử về các tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.

Trong đó, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 - 7/2021) bị xét xử về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị xét xử về tội Nhận hối lộ.

Theo truy tố, các bị cáo là cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, buông lỏng quản lý, đưa ra nhiều chủ trương trái quy định để nhận hối lộ, chia tiền hối lộ từ các đơn vị trực thuộc cục, các chi cục, trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn cả nước với số tiền lớn trong quá trình duyệt, cấp mã số thành lập các trung tâm đăng kiểm tư nhân; thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện xe cơ giới; đăng kiểm định kỳ phương tiện cơ giới đường bộ và thủy nội địa…

Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.

Trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, VAR có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.

Các đăng kiểm viên phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.

Từ tháng 3/2019, bị cáo Trần Anh Quân, cựu Quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới được các đăng kiểm viên báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Lợi dụng điều này, Quân thống nhất với các đăng kiểm viên việc sẽ chia cho Quân 700.000 đồng/hồ sơ. Quân sẽ dùng một phần chia lại cho bị cáo Trần Kỳ Hình. Các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ.

Đến tháng 8/2021, ông Trần Kỳ Hình nghỉ hưu. Ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong cuộc họp với lãnh đạo phòng VAR, bị cáo Hà yêu cầu phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.

Sau khi thống nhất, lãnh đạo phòng VAR và các đăng kiểm viên đưa cho bị cáo Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ. Đến tháng 10/2022, khi cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm nên các bị cáo không nhận tiền hối lộ trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế nữa.

Quá trình cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, bị cáo Đặng Việt Hà sợ liên lụy nên trả lại 5 tỷ đồng đã nhận trước đó cho Trần Anh Quân. Sau đó, Hà lấy lại số tiền này đưa cho Lại Thái Phong (nguyên Phó Chánh văn phòng Cục đăng kiểm Việt Nam) và Nguyễn Văn Chung để "nghe ngóng thông tin từ cơ quan điều tra" và bị lừa đảo.

Theo các cơ quan tố tụng, bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng; trong đó có 31 tỷ đồng nhận của phòng kiểm định xe cơ giới và hơn 9 tỷ đồng từ các trung tâm đăng kiểm và các giám đốc trung tâm đăng kiểm khác.

Bị cáo Trần Kỳ Hình ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền đã nhận từ phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm, còn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD là tiền nhận hối lộ từ 63 cơ sở đóng tàu để bỏ qua các sai phạm trong quá trình kiểm định, duyệt cấp đủ năng lực hoạt động.

TAND thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho phiên xử

Theo thông tin từ TAND thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này đã nhận 65 thùng hồ sơ liên quan đến vụ án. Do số lượng bị cáo đông nên phiên tòa sẽ được xét xử tại 2 địa điểm, gồm: trụ sở TAND thành phố Hồ Chí Minh và hội trường Trại tạm giam T30 Củ Chi. Trong số 254 bị cáo liên quan, có 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; có 1 bị cáo bị truy tố nhưng hiện đang bỏ trốn và sẽ bị xét xử vắng mặt.

Do tính chất, đặc điểm của vụ án nên HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi. Khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì sẽ được trích xuất, dẫn giải đến toà để thẩm vấn trực tiếp; các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua màn hình tại hội trường Trại tạm giam T30 Củ Chi.

Đối với luật sư bào chữa cho các bị cáo, tòa đã có thông báo, các luật sư có thể tham dự phiên tòa tại 2 nơi, là ở trụ sở TAND hoặc Trại tạm giam T30. Tuy nhiên, đến nay tòa chưa nhận được văn bản của luật sư nào yêu cầu tham gia tại Trại tạm giam T30.

Theo quan sát của PV, tính đến chiều 16/7, công tác chuẩn bị cho phiên xét xử "đại án đăng kiểm" diễn ra tại trụ sở TAND thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất. Khu vực sảnh chính được bố trí một màn hình lớn để người tham gia phiên tòa theo dõi; khu vực hành lang thông hai phòng xử án lớn cũng được bố trí ghế ngồi và màn hình, kèm nhiều quạt hơi nước công suất lớn được đặt ở nhiều ví trí trong khu vực xét xử.

Đối với báo chí, người phát ngôn của tòa lưu ý các cơ quan báo chí, nhà báo tham gia tác nghiệp tại phiên toà phải đăng ký trước để cấp thẻ tác nghiệp. Chỉ những phóng viên, nhà báo được cấp thẻ mới được tham gia tác nghiệp tại phiên xử này, nhưng sẽ được bố trí khu vực tác nghiệp riêng và theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi.

Phiên tòa xét xử 254 bị cáo trong "đại án đăng kiểm" do Thẩm phán Huỳnh Văn Trực làm chủ tọa; HĐXX còn có thẩm phán Trần Minh Châu cùng 3 hội thẩm nhân dân.

Đại diện Viện KSND tham gia phiên tòa là các kiểm sát viên Trần Thị Liên, Nguyễn Vũ Mai Diễm, Lê Trương Hà Linh, Phạm Văn Hiền.

Bên cạnh đó, có hơn 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 tháng, tính từ ngày 18/7.

TRANH CÃI XOAY QUANH GIÁ, TỶ LỆ MUA ĐIỆN MẶT TRỜI TỰ SẢN, TỰ TIÊU

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự kiến điện mặt trời mái nhà còn dư của hệ thống tự sản, tự tiêu có thể được EVN mua với giá 671 đồng/kWh và sản lượng điện được bán không quá 10% tổng sản lượng lắp đặt.

Mức giá khó cho nhà đầu tư?

Theo Bộ Công thương, đây là mức giá đã được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tính toán theo chi phí tránh được bình quân năm 2023. Giá không cố định mà sẽ được điều chỉnh hằng năm sau khi có đề xuất của EVN. Giá mua điện dư phát lên lưới sẽ nằm trong khoảng 600 - 700 đồng/kWh, đảm bảo khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) nhưng phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, nhận xét: "Bản chất của chính sách ngay từ tên gọi là "tự sản, tự tiêu", nên việc chỉ cho bán lên lưới không quá 10% công suất lắp đặt là đúng. Tôi ủng hộ quan điểm này, bởi trong thực tế, ĐMT lắp dùng cho nhà máy, cơ quan, hộ gia đình, nếu có dư thường rơi vào buổi trưa, khi nhu cầu dùng giảm nhưng sản lượng điện huy động lại tăng. Việc phát lên lưới một ít trong khung giờ này và có trả tiền bù cho nhà đầu tư (NĐT) khi dùng điện ban đêm, không còn ánh sáng mặt trời là rất hợp lý".

Tuy vậy, về mức giá mua lượng ĐMT dư phát lên lưới được Bộ Công thương đề xuất từ 600 - 700 đồng/kWh; năm 2024 dự tính nếu cơ chế được thông qua, EVN sẽ mua với giá 671 đồng/kWh, ông Việt cho rằng mức này quá thấp so với kỳ vọng của những nhà lắp đặt ĐMT để dùng. "Cho dù chi phí đầu tư ĐMT áp mái lúc này thấp hơn nhiều so với thời kỳ nguồn điện này được hưởng giá FIT (9,35 cent/kWh và sau là 8,38 cent/kWh); tuy nhiên giá mua lại nguồn điện dư thừa của các nhà làm ĐMT để sử dụng nên thấp nhất từ 5 - 6 cent (khoảng 1.200 - 1.300 đồng/kWh). Mức giá này cũng phù hợp với khung giá phát điện nhà máy ĐMT, điện gió chuyển tiếp được Bộ Công thương quy định tại Quyết định 21/2023 với ĐMT mặt đất có khung giá trần là 1.185 đồng/kg", ông Việt đề xuất.

Chuyên gia Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN) lại cho rằng không cần giới hạn việc chỉ mua lại dưới 10% tổng sản lượng, bởi trong thực tế ĐMT mái nhà trong dân và các công sở là điện "tươi", sản xuất ra là dùng ngay trên khu vực đó mà không phải truyền tải đi xa. Sản xuất đến đâu tiêu thụ ngay tại đó để cân bằng cung - cầu, chống lại việc thiếu hụt điện năng mà các nơi xa truyền tải đến không đủ, không kịp tới mức phải cắt điện luân phiên. Theo đó, ĐMT mái nhà trong dân và công sở, xí nghiệp đáp ứng 30 - 60% nhu cầu điện tại chỗ để giảm tải cho lưới điện phải chuyển từ xa đến, chứ không phải phát lên truyền đi xa rồi nghẽn này nọ để phải giới hạn...

Ở góc độ NĐT, bà Nguyễn Thái Vân (Q.8, TP.HCM), chủ một cơ sở sản xuất may mặc, cho rằng: "Việc mua lại nguồn ĐMT thừa với giá đề xuất 600 - 700 đồng/kWh là rất khó cho NĐT. Hiện nhiều hộ gia đình đầu tư ĐMT để dùng, khi thiếu phải mua điện từ EVN vào giờ cao điểm buổi tối từ 3.000 - 5.000 đồng/kWh đối với điện sản xuất kinh doanh; với hộ gia đình ở bậc thấp nhất cũng gần 2.000 đồng/kWh, bậc cao trên 3.000 đồng/kWh. Trong khi đó, nguồn điện thừa bán lại chỉ được tính 600 - 700 đồng/kWh, chỉ bằng 1/3 - 1/5 giá điện người dân phải mua để dùng", và bà đặt câu hỏi: "Tại sao không cho ghi nhận trừ lùi, hoặc nếu không, mua lại với mức giá tương đương giá mua ĐMT chuyển tiếp?".

Cân nhắc áp dụng chính sách trừ lùi...

Các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng có thể mức giá nói trên khó khuyến khích NĐT làm ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu trong thời gian tới. TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đề xuất sản lượng ĐMT dư thừa có thể đưa lên lưới không quá 10% và được khấu trừ vào sản lượng tiêu thụ hằng tháng tại kỳ thanh toán hóa đơn tiền điện của người dân, công sở, doanh nghiệp…; những cá nhân, tổ chức lắp ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tối đa việc cho bán điện trực tiếp với nhà hàng xóm, không phát lên lưới để NĐT tận dụng tối đa hiệu quả công suất nguồn ĐMT.

"Thiếu điện cục bộ vẫn xảy ra đâu đó, đặc biệt khu vực miền Bắc. Tận dụng nguồn ĐMT lắp trong cùng tòa nhà, bán cho tòa nhà bên cạnh, hoặc bán trong khu phố, khu dân cư… là cần thiết. Chính phủ đang khuyến khích ĐMT tự sản, tự tiêu với mục đích tự dùng, nhằm giảm gánh nặng chi phí đầu tư thêm nguồn, giải quyết thiếu điện, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo…, chứ không phải để kinh doanh, nên đòi hỏi chính sách ưu đãi với mô hình này thì không đúng. Tuy nhiên, chính sách cần cân nhắc việc trừ lùi sản lượng cho NĐT hay mua rẻ với giá chỉ bằng 1/3 giá NĐT phải đi mua để dùng thì nên cân nhắc, xem xét lại", TS Việt chia sẻ.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), đánh giá việc chấp nhận cho mua lại nguồn dư thừa, phát lên lưới và có thanh toán tiền… là bước tiến đáng ghi nhận của các nhà làm chính sách. Hồi tháng 6, Bộ Công thương vẫn còn bảo lưu quan điểm loại hình này chỉ được sản xuất tiêu thụ tại chỗ, không bán cho tổ chức, cá nhân khác hay lên lưới điện quốc gia. "Cả 2 yếu tố cho phát lên lưới không quá 10% trên tổng sản lượng lắp đặt và mua với giá 600 - 700 đồng/kWh đều phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bởi trong quá trình góp ý chính sách, rất nhiều NĐT cũng đề cập nên tính bằng mức giá tối thiểu nào đó để bù lại chi phí vận hành, chứ không nên mua với giá 0 đồng. Nay giá mua gần 700 đồng/kWh ĐMT mái nhà trong thực tế không khiến NĐT lỗ, chỉ là có thể không có lãi và không đúng với kỳ vọng của NĐT mà thôi", ông Lâm nhận xét.

LÀM RÕ VỤ BÁN ĐẤU GIÁ ĐẤT DÙ CHƯA GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Mặc dù đấu giá trúng lô đất 2,1 tỷ đồng hơn 9 tháng qua, đã nộp tiền vào ngân sách nhưng ông Nguyễn Đình Thái không thể làm sổ đỏ vì miếng đất đấu giá chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Đất trúng đấu giá vẫn 'cửa đóng then cài'

Ông Nguyễn Đình Thái (SN 1979), trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vừa có đơn phản ánh, ông mua đất đấu giá đã hơn 9 tháng nhưng đến nay vẫn chưa thể làm sổ đỏ. Lý do là diện tích đất đưa ra đấu giá chưa được UBND xã Nghi Phong và huyện Nghi Lộc giải phóng mặt bằng.

Trước đó, ngày 7/10/2023, tại trụ sở UBND xã Nghi Phong, Công ty Đấu giá hợp danh An Lộc Phát đã tổ chức đấu giá 4 lô đất tại xóm 1 và xóm 2 xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc). Rất đông người tham gia phiên đấu.

Kết quả, 4 lô đất được đấu giá lên đến gần 9 tỷ đồng (cao hơn giá khởi điểm trên 2,4 tỷ đồng). Trong đó, ông Nguyễn Đình Thái đấu trúng lô đất 299,7m2 tại xóm 2, xã Nghi Phong với giá 2,1 tỷ đồng.

Đến ngày 7/12/2023, UBND huyện Nghi Lộc ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên.

Tới ngày 22/1/2024, ông Thái đã nộp tổng cộng hơn 2,1 tỷ đồng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ vào ngân sách địa phương.

Từ đó đến nay, dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính song ông Thái vẫn chưa được UBND xã Nghi Phong bàn giao lô đất kể trên vì chưa giải phóng mặt bằng.

“Mảnh đất này tôi cùng 4 anh em khác chung tiền để tham gia đấu giá. Không chỉ số tiền 2,1 tỷ đồng bị giam ở đó mà chúng tôi còn lỡ nhiều việc khác” - ông Thái nói.

Liên quan đến trường hợp này, ông Nguyễn Công Ánh - Chủ tịch UBND xã Nghi Phong, cho biết, bản thân ông mới về địa phương nhận nhiệm vụ, vụ việc đã diễn ra trước đó. Người tiền nhiệm đã có đơn xin nghỉ việc, cán bộ địa chính cũng đã chuyển công tác sang địa bàn khác.

“Lô đất mà ông Nguyễn Đình Thái trúng đấu giá chưa thể bàn giao vì chưa giải phóng mặt bằng. Lô đất đưa ra đấu giá là đất nông nghiệp của hộ ông Đặng Thái Thông, sau đó ông Thông ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Thu Hà toàn quyền sử dụng” - ông Ánh thông tin.

Trước đó, ông Thông đã kê khai đất đai, tài sản trên thửa đất bị thu hồi. Tuy nhiên, khi huyện tổ chức bán đấu giá xong thì bà Hà không chịu nhận tiền bồi thường, không nộp sổ đỏ để làm thủ tục bàn giao mặt bằng cho người trúng đấu giá.

“Chúng tôi đã tổ chức hoà giải nhưng các bên không đi đến thống nhất” - ông Ánh cho hay.

Cũng theo ông Ánh, UBND huyện Nghi Lộc đã lập đoàn thanh tra, xác minh sự việc. Đoàn thanh tra yêu cầu làm rõ vai trò, trách nhiệm những người tham mưu từ cấp xã đến huyện. “UBND xã sẽ tổ chức kiểm điểm và xin ý kiến huyện về hình thức xử lý” - ông Ánh nói.

Huyện trả lại tiền, dân không chịu

Ngày 12/7, ông Lê Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc - đã ký văn bản kết luận về việc kiểm tra, rà soát đối với việc tổ chức đấu giá đất tại xã Nghi Phong. Văn bản nêu rõ: “Việc UBND xã trình UBND huyện phê duyệt phương án đấu giá đất khi chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng là chưa bảo đảm quy định”.

Để xảy ra sai sót trên, trách nhiệm thuộc về UBND xã Nghi Phong và cơ quan chuyên môn của UBND huyện không thẩm định, kiểm tra mặt bằng trước khi tham mưu huyện phê duyệt phương án đấu giá.

Thực hiện kiểm tra hiện trạng thửa đất đấu giá, UBND huyện Nghi Lộc nhận thấy, thửa đất thu hồi là đất lúa nhưng thực tế đã trồng cây lâu năm, dựng tường thép khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc này do UBND xã Nghi Phong đã thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, không phát hiện và xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm của hộ gia đình.

UBND huyện Nghi Lộc giao UBND xã Nghi Phong kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với hộ ông Đặng Thái Thông, với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, tiếp tục vận động để gia đình nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, lãnh đạo huyện yêu cầu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan trong công tác tham mưu, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và trong công tác thực hiện quản lý đất đai.

Đối với Phòng TN&MT, UBND huyện cũng giao tham mưu văn bản để ban hành quyết định hủy quyết định trúng đấu giá tại lô đất số B1, lô đất số B2, tại vị trí 2, xóm 2, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc.

Đồng thời, các cá nhân có liên quan tại Phòng TN&MT cũng bị đề nghị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đình Thái cho biết, cán bộ Phòng TN&MT đã mời ông lên làm việc, muốn trả lại tiền gốc 2,1 tỷ đồng và tiền theo lãi suất theo ngân hàng là 115 triệu đồng hoặc thu hồi đất. Tuy nhiên, ông muốn lấy đất chứ không lấy tiền.

Nguồn: Kenh14; Người Đưa Tin; Thanh Niên; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang