Sở hữu chung cư có thời hạn; Lo phá sản vì không bán được điện; Mương thoát nước 3.600 tỷ hư hỏng; Kêu cứu vì bị thu hồi đất

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn: Giới chuyên gia nói gì?

(Ảnh minh họa).

Đề xuất quy định về sở hữu chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang nhận được các ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia.

Thuận lợi cho việc cải tạo chung cư cũ

Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc cần có quy định về sở hữu chung cư có thời hạn, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội - cho rằng, quá trình giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu diện tích chung của nhà chung cư giữa chủ đầu tư với cư dân sinh sống trong tòa nhà xảy ra ở một số khu nhà chung cư tại Hà Nội và TPHCM cũng như ở các thành phố khác của cơ quan Nhà nước còn không ít lúng túng.

Nguyên nhân chính là sự thiếu chi tiết, không đầy đủ hoặc không phù hợp, bất cập của Luật Nhà ở hiện hành. Cụ thể đó là quy định về xác định diện tích sở hữu chung; diện tích sở hữu riêng của nhà chung cư; sự không rõ ràng trong quy định về cải tạo nhà chung cư đặc biệt là vấn đề bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu nhà chung cư cũ nát, xuống cấp khi cải tạo, xây dựng mới… Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những quy định rõ ràng về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng cần phải quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nhằm cải tạo dễ dàng hơn các chung cư cũ, chung cư hết giá trị sử dụng. Đồng thời, quy định này khi được thông qua sẽ góp phần làm giảm giá nhà chung cư.

Cũng theo ông Đính, quy định sở hữu chung cư có thời hạn sẽ ít ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Bởi bản chất chung cư đã và đang là một sản phẩm thiết yếu đối với người dân, phù hợp với nhiều đối tượng vừa phù hợp với túi tiền, khả năng thanh toán và cuộc sống đô thị và trở thành thói quen, cho nên vẫn là một sản phẩm người ta lựa chọn.

Về việc đảm bảo quyền lợi đối với những người dân đã mua và sở hữu nhà chung cư lâu dài, chuyên gia này cho rằng, khi quy định này được thông qua, những chung cư người dân đã mua trước đây thì vẫn được giữ nguyên. Đến khi tuổi thọ của chung cư không còn nữa thì áp dụng Luật mới và phải tìm nơi ở mới để người ta được mua. Như vậy, người ta sẽ chuyển đổi từ nơi ở cũ sang nơi ở mới theo luật mới, khi đó, chính sách mới của mình cần có hỗ trợ cho đối tượng cũ vì họ mua nhà chung cư với giá sở hữu lâu dài.

"Chung cư có thời hạn cần xác định làm thế nào để có giá trị thấp hơn giá trị chung cư sở hữu lâu dài, để cho quyền lợi, lợi ích của người dân không bị ảnh hưởng do điều chỉnh. Khi điều chỉnh giảm giá trị tiền sử dụng đất, chi phí đất đai ít đi, giá bán sẽ thấp hơn", ông Đính nhấn mạnh.

Không đảm bảo quyền sở hữu tài sản

Lý giải việc không đồng tình với đề xuất áp dụng thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở, một số chuyên gia cho rằng, điều này không đảm bảo quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu, không đảm bảo sự ổn định trên thị trường bất động sản cũng như chính sách khuyến khích phát triển nhà chung cư - mô hình hiện đại vừa giúp giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân vừa tiết kiệm được quỹ đất.

Theo TS Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, một trong những mục tiêu của quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là tạo thuận lợi cho việc sửa chữa, cải tạo nhà chung cư cũ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi chung cư hết thời hạn sở hữu, quyền của chủ sở hữu căn hộ không còn nữa, việc thực hiện sửa chữa, xây dựng lại hoặc di dời sẽ dễ dàng hơn.

Việc đặt ra mục tiêu đảm bảo an toàn cho người sử dụng là cần thiết. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, ngay cả khi không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư thì Nhà nước cũng có thể quy định về thời hạn sử dụng của chung cư, yêu cầu thực hiện phá dỡ, cải tạo chung cư cũ khi công trình xây dựng hết thời hạn sử dụng, xuống cấp, đe dọa tính mạng của người sử dụng. Vì đây là hoạt động đảm bảo lợi ích công cộng và Nhà nước có quyền hạn để thực hiện nó. Vấn đề là cần phải thiết kế có hiệu quả hơn các quy định liên quan đến cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Ông Tuấn cũng cho rằng, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản. Vì vậy, cần phải được đánh giá tác động một cách thận trọng và kỹ càng, lựa chọn phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ không phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai.

Đồng thời, quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng cũng không phù hợp, vì không thể đồng nhất "thời hạn sử dụng nhà chung cư", tức tuổi thọ nhà chung cư với "quyền sở hữu nhà chung cư". Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Còn nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho rằng, chúng ta cần phải có lộ trình, không phải sửa riêng Luật Nhà ở, mà Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ khác để trình Chính phủ xây dựng một lộ trình sửa đổi pháp luật, bao gồm cả pháp luật dân sự và pháp luật về đất đai.

Thứ hai là phải xây dựng lộ trình cho người dân. Tức là những người chịu ảnh hưởng thì họ sẽ được gì và mất gì. Nếu anh mua nhà sở hữu 50 năm thì sẽ được mua với giá chỉ bằng một nửa so với những người đi trước, đã mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, theo vị luật sư này, Bộ Xây dựng cũng cần giải quyết quyền lợi cho những đơn vị chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư có thời hạn. Bởi nếu chi phí để xây nhà có thời hạn không giảm hơn nhiều so với chung cư không thời hạn thì chủ đầu tư người ta sẽ không làm và không làm thì nguồn cung sẽ không có.

Ở góc độ thị trường bất động sản - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam Phạm Đức Toản lo ngại, quy định sở hữu chung cư có thời hạn có thể tác động tiêu cực tới giá đất nền và giá nhà chung cư trong tương lai.

Theo ông, khách hàng quan tâm đến chung cư chắc chắn sẽ sụt giảm vì người ta sẽ đánh đổi bằng cách mua những bất động sản có giá trị hơn như đất nền. Bởi, trong trường hợp mua nhà mà có thời hạn thì không khác gì đi thuê. Tài sản đó thay vì gia tăng hoặc giữ được giá trị thì lại mất đi theo thời gian. Nghĩa là càng về cuối, giá trị của căn nhà càng mất đi, do đó tác động rất lớn đến tâm lý người mua.

Chính phủ đề xuất quy định "sở hữu chung cư có thời hạn"

Trong dự thảo mới nhất Luật Nhà ở sửa đổi, Chính phủ chỉ đưa ra phương án duy nhất về sở hữu chung cư có thời hạn. Theo lý giải của Chính phủ, Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng nhà chung cư mà không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM vẫn còn rất chậm, còn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư là do pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn. Do đó các chủ sở hữu không thực hiện việc di dời, phá dỡ nhà chung cư, ngay cả khi nhà chung cư không còn đủ điều kiện cho an toàn sử dụng.

Vì vậy, Chính phủ cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho người sử dụng và quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.

(Nguồn: Dân Trí)

Đầu tư 85 nghìn tỷ làm điện sạch, lo phá sản vì không bán được điện cho EVN

36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Các nhà đầu tư này cho biết sau khi Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho điện gió, điện mặt trời chấm dứt, nhiều dự án phải nằm chờ cơ chế.

Vì nhiều lý do, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất là 4.676,62 MW (trong đó gồm có 4.184,8 MW điện gió và 491,82MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch.

Đặc biệt là nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MWac) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động (theo thông tin cập nhật đến tháng 3/2023).

"Các nhà đầu tư cũng đã phải chờ đợi trong thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)", đơn kiến nghị nêu.

Các chính sách áp dụng cho các dự án chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2022 /TT-BCT ngày 3/10/2022 quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (“Thông Tư 15”); Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 (của Bộ Công Thương) ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (“Quyết Định 21”) và Thông tư số 01/2023/TT-BCT ngày 19/1/2023 về bãi bỏ một số quy định tại các Thông tư 02 và Thông tư 18 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió, điện mặt trời và hợp đồng mua bán điện mẫu (“Thông Tư 01”).

Tuy nhiên, các nhà đầu tư này cho rằng: Trái ngược với mong chờ, các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01 khiến họ vô cùng lo lắng và quan ngại sâu sắc do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, làm cho các doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.

Đặc biệt hơn, các nhà đầu tư này quan ngại rằng những văn bản trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra. Cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính sách phát triển năng lượng sạch cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính ngân hàng.

"Nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85 ngàn tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58 ngàn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn", đơn kiến nghị tập thể nêu rõ.

Do mức khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp tại Quyết định 21 được ban hành chưa phù hợp với Thông tư 15 và các văn bản có liên quan, các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và ban hành mức khung giá phát điện mới.

Các nhà đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành các thông tư mới về các hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện gió chuyển tiếp và các dự án điện mặt trời chuyển tiếp.

Theo đó, các hợp đồng mẫu này cần giữ lại các chính sách khuyến khích cho năng lượng tái tạo, cụ thể: Thời hạn áp dụng giá mua điện cho dự án chuyển tiếp là 20 năm.

(Nguồn: Vietnamnet)

Vụ mương thoát nước dự án hơn 3.600 tỷ đồng bị hư hỏng: Trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu

(Ảnh minh họa).

Sau bài viết “Gia Lai: Mương thoát nước dự án sửa đường hơn 3.600 tỷ đồng mới làm xong đã bị hư hỏng, xuống cấp” mà Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh, mới đây Ban Quản lý dự án 2 – Bộ GTVT đã có phản hồi.

Trước đó, từ phản ánh của người dân, PV đã ghi nhận tình trạng một số đoạn mương thoát nước của Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19) qua địa bàn các huyện Đak Đoa, Mang Yang dù mới làm xong đã bị vỡ nát, hư hỏng.

Mới đây, Ban Quản lý dự án 2 - Bộ GTVT có văn bản phản hồi số 314/BQLDA2-PID4, ngày 27/02/2023 “V/v: Trả lời nội dung tác nghiệp báo chí Báo Môi trường và Đô thị Việt Nam liên quan đến Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên”.

Theo đó, “Hiện nay công trình đang trong quá trình thi công, chưa hoàn thiện bàn giao cho đơn vị quản lý bảo trì do đó một số vị trí Nhà thầu thi công dang dở chưa hoàn thiện, cốt thép được dựng để chờ thi công tiếp các đoạn tiếp theo; một số vị trí xe cơ giới thi công của nhà thầu (xe lu, máy xúc,...) trong quá trình thi công gần đó do bất cẩn và vô tình va chạm vào làm nứt vỡ thành rãnh; một số vị trí được thiết kế là rãnh không chịu lực nhưng vẫn có hiện tượng xe tải trọng lớn qua lại; bên cạnh đó một số đoạn Nhà thầu thi công chưa đảm bảo về tính thẩm mỹ, Ban QLDA2 và đơn vị TVGS yêu cầu Nhà thầu sửa lại, nhưng nhà thầu chưa tiến hành hoàn thiện lại theo yêu cầu.

Do một số bất cập như trên dẫn tới một số vị trí rãnh thoát nước bị vỡ tấm đan hoặc hỏng thành rãnh làm người dân phản ánh, nghi ngờ về chất lượng công trình. Ban QLDA2 đã yêu cầu Nhà thầu thi công thay thế các tấm đan bị vỡ hỏng, sửa chữa thành rãnh hoàn thành trước ngày 15/3/2023.

Theo ý kiến tác nghiệp của Báo Môi trường và Đô thị Việt Nam, Ban QLDA2 đã yêu cầu các đơn vị khắc phục như sau: Tư vấn giám sát và Nhà thầu, sẽ rà soát thống kê và đánh dấu các vị trí hư hỏng và Tư vấn giám sát chỉ dẫn để nhà thầu thay thế tấm đan và hoàn thiện theo đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng; Đơn vị thi công phối hợp chính quyền địa phương nơi trên địa bàn tuyên truyền cho người dân, tránh để xe quá tải, xe chở hàng nông sản của người dân đi lên các đoạn rãnh được thiết kế rãnh thường. Yêu cầu Nhà thầu thi công hoàn thành sửa chữa những vị trí nêu trên trước ngày 15/3/2023.

Công trình đang trong giai đoạn thi công, chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý bảo trì do đó Nhà thầu có trách nhiệm sửa chữa lại các hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực thi công. Cho đến khi công trình được hoàn thiện theo yêu cầu của dự án đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và an toàn mới được dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Gói thầu bắt đầu triển khai từ tháng 6/2021 đến nay đã hết 21/24 tháng, tuy nhiên trong quá trình triển khai Dự án đã gặp nhiều khó khăn như ảnh hưởng của Dịch Covid-19, Chính sách đóng cửa phòng dịch của Việt Nam và các quy định di chuyển giữa các khu vực địa phương nơi triển khai Dự án; Thời tiết khu vực Tây Nguyên khu vực dự án triển khai mưa nhiều và kéo dài bất thường so với mọi năm. Đến nay sản lượng thực hiện đạt khoảng gần 40% đang chậm so với kế hoạch.

Mặc dù Ban QLDA2 đã có nhiều văn bản, thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo, đôn đốc Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên thực tế cho thấy nhà thầu chưa huy động thiết bị, tăng cường thi công đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay gói thầu XL-04A là gói thầu có nguy cơ không hoàn thành tiến độ nếu nhà thầu không nỗ lực huy động thêm thiết bị, tài chính để tăng cường thi công trong 03 tháng tiếp theo. Trường hợp nhà thầu không hoàn thành được dự án theo kế hoạch Ban QLDA2 sẽ kiên quyết xử phạt theo Hợp đồng.”

Vấn đề được đặt ra, hiện nay dự án đã thi công được khoảng 21 tháng, nhưng khối lượng công việc chỉ đạt khoảng 40%, liệu đến thời điểm hoàn thành dự án (tháng 6/2023) có kịp tiến độ? Ngoài ra, việc mương thoát nước và các tấm đan bê tông dù mới làm xong đã bị hư hỏng, xuống cấp khiến dư luận hoài nghi về chất lượng công trình?

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Dân tiếp tục kêu cứu vì bị cưỡng chế, thu hồi đất làm dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây

Nhận thấy tính pháp lý và vị trí khu đất mà UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi của người dân để làm dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây chưa rõ ràng và có sự chồng chéo, gần 20 hộ dân sinh sống tại Tổ dân phố Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tiếp tục gửi đơn kêu cứu và kiến nghị UBND quận Bắc Từ Liêm dừng ngay việc cưỡng chế để giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân.

Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng tiếp tục nhận được đơn kêu cứu của gia đình ông Hoàng Văn Khổn, bà Phạm Thị Thạo và gần 20 hộ dân tại địa chỉ Tổ dân phố Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về việc UBND quận Bắc Từ Liêm ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị nhưng thực chất dùng 1 phần đất (hơn 3.000m2) để làm dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây.

Theo nội dung đơn kêu cứu, các hộ dân cho biết, họ đang sinh sống ổn định suốt mấy chục năm thì gần đây họ đã bị tống đạt, mời làm việc để phải tiếp nhận, yêu cầu buộc thực hiện một số quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, thu hồi đất làm dự án với mục đích là cưỡng chế phá dỡ nhà ở, thu hồi đất ở, đất sản xuất nông nghiệp hợp pháp của người dân.

Các hộ dân nhận thấy có sự không rõ ràng, mập mờ về tính pháp lý của các dự án, cụ thể: Ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Quyết định này không phê duyệt dự án Công viên Hữu Nghị). UBND Thành phố Hà Nội sau đó đã căn cứ vào duy nhất Quyết định này của Thủ tướng để ban hành Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 về việc thu hồi đất để chuẩn bị thực hiện dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị (trong khi Dự án Công viên Hữu Nghị chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt). Như vậy, việc thu hồi để thực hiện Dự án công viên Hữu Nghị là trái quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.

Cũng theo các hộ dân, các quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất do UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành đều ghi “để thực hiện dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị”. Tuy nhiên, thực tế là để thực hiện dự án “Xây dựng trạm biến áp 110 KV Tây Hồ Tây”. Vậy thực chất mục đích của việc thu hồi đất là để làm gì? Và căn cứ pháp lý nào để Ban QLDA Phát triển điện lực Hà Nội thực hiện việc Xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây tại khu đất người dân đang sinh sống? Trong khi, theo Bản vẽ Chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập ngày 07/5/2007 cho dự án “Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia” được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chấp thuận ngày 18/5/2007 thì vị trí khu đất UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi để xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây hoàn toàn không nằm trong chỉ giới dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Thạo, người dân sinh sống tại Tổ dân phố Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1 cho biết: Tại Văn bản số 3957 ngày 10/12/2021 của UBND quận Bắc Từ Liêm trả lời đơn kiến nghị của gia đình tôi khẳng định vị trí đất của ông Khổn, bà Thạo nằm trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án thuộc vị trí khu đất Công viên Hữu Nghị, nay được UBND Thành phố chấp thuận bố trí địa điểm để xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ tại Văn bản số 2384/UBND-CT ngày 9/4/2010. Văn bản này chấp thuận địa điểm xây dựng trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây tại huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm có nói rất rõ khu đất này hiện tại là đất trồng hoa màu, phía Tây, phía Nam giáp mương thoát nước và khu dân cư hiện có khá thuận tiện về giao thông. Như vậy dự án hoàn toàn không nằm vào vị trí của gia đình tôi và các hộ dân lân cận vì gia đình tôi và các hộ dân đã sinh sống xây nhà cao tầng từ năm 2002 đã được chính quyền sở tại xác nhận. Thế nhưng, tại văn bản UBND quận Bắc Từ Liêm trả lời Báo điện tử Xây dựng về địa điểm xây Trạm Biến áp 110KV Tây Hồ Tây được căn cứ theo Văn bản số 4847/UBND-CT ngày 05/07/2013.

Liên quan đến sự việc nêu trên, ngày 10/03/2023, UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Văn bản số 617/UBND-TNMT phúc đáp phản ánh của Báo điện tử Xây dựng. Nội dung văn bản phúc đáp như sau: Ngày 29/11/2022, Báo điện tử Xây dựng đăng tải bài viết “Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Cần giải quyết mâu thuẫn trong việc thu hồi đất làm dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây?”. Sau khi nghiên cứu bài viết nêu trên và quy định pháp luật, UBND quận Bắc Từ Liêm có ý kiến như sau:

Về hồ sơ pháp lý dự án Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu nghị, ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Theo đó, quy mô nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sử dụng đất khoảng 10ha trong khuôn viên 28ha của Công viên Hữu Nghị. Ngày 22/10/2007, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4198/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng khu đất xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu nghị thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây. Ngày 11/01/2008, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 146/QĐ-UBND về việc thu hồi 286.114m2 đất tại xã Cổ Nhuế và xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 1 và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố để giải phóng mặt bằng chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị.

Ngày 8/11/2016, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6180/QĐ-UBND về việc chuyển UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ, chủ đầu tư 81 dự án do Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi Trường Hà Nội đang thực hiện (trong đó có dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia và Công viên Hữu Nghị). Ngày 21/12/2017, UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Quyết định số 10155/QĐ-UBND về việc giao Trung tâm phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm là đơn vị quản lý, thực hiện đối với các dự án trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (trong đó có dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị). Đến ngày 02/6/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 1706/UBND-KH&ĐT về gia hạn thời gian thực hiện, hoàn thành công tác GPMB khu đất xây dựng dự án Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị. Theo đó, UBND thành phố gia hạn thời gian thực hiện công tác GPMB đến hết năm 2023.

Về vị trí Xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ, ngày 05/7/2013, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 4847/UBND-CT về địa điểm xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây, huyện Từ Liêm. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận phương án đề xuất về địa điểm xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây tại khu đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối (ký hiệu 07-KT1) thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây tỷ lệ 1/2000 như đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc tại Văn bản số 1859/QHKT-P7.

Công tác thu hồi đất và GPMB, dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị có tổng diện tích thu hồi là 286.114m2 đất thuộc xã Cổ Nhuế và xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 1 và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) theo hồ sơ mốc giới do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lập ngày 22/01/2008. Trong tổng diện tích 286.114m2 đất thu hồi tại dự án có 3.405,3m2 đất theo hồ sơ mốc giới do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lập ngày 29/8/2019 tại ô đất có ký hiệu 07-KT1 thuộc quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây tỷ lệ 1/2000 là khu vực xây dựng Trạm biến áp 100KV để phục vụ cấp điện cho Khu đô thị Tây Hồ Tây. Như vậy, vị trí xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây nằm trong chỉ giới thu hồi đất để thực hiện dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia và Công viên Hữu Nghị.

Dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia và Công viên Hữu Nghị thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, công tác thu hồi đất và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được UBND quận thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Công tác GPMB để thực hiện dự án đã được UBND huyện Từ Liêm trước đây và UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện từ năm 2008. Đến nay, 26,81ha đất đã hoàn thành công tác GPMB và 1,8ha đất thuộc phường Cổ Nhuế 1 đang được UBND quận tiếp thực hiện theo quy định pháp luật. Đến nay, UBND quận không nhận được bất kỳ văn bản nào của cấp có thẩm quyền về việc dừng thực hiện dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu nghị trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Như vậy, việc UBND quận Bắc Từ Liêm tiếp tục thực hiện công tác thu hồi đất và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần diện tích đất do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nằm trong chỉ giới thu hồi đất để thực hiện dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu nghị là đúng với chỉ đạo của Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội tại các văn bản nêu trên và quy định pháp luật.

Trao đổi với phóng viên về việc UBND quận Bắc Từ Liêm vừa có thông báo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân vào ngày 15/3/2023, gần 20 hộ dân sinh sống tại Tổ dân phố Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kính mong cơ quan chức năng xem xét, xác minh và xử lý nghiêm minh theo pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Trong khi chờ đợi sự vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc, các hộ dân kiến nghị dừng việc thu hồi và cưỡng chế.

(Nguồn: Báo Xây Dựng)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang