Siêu giàu xin bị đánh thuế; 'Đại xuân vận' ở TQ; Dân số TQ giảm; Kinh tế TQ gặp khó; Putin hủy 21 thỏa thuận với EU

GIỚI SIÊU GIÀU KÊU GỌI 'ĐÁNH THUẾ CHÚNG TÔI'

(Ảnh minh hoạ).

Hơn 200 thành viên giới siêu giàu kêu gọi chính phủ các nước “đánh thuế chúng tôi ngay lập tức” để giúp hàng tỷ người đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nhóm 205 triệu phú và tỷ phú hôm 18/1 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng giám đốc doanh nghiệp đang họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ khẩn trương đưa ra phương án đánh thuế tài sản để giúp giải quyết “bất bình đẳng cực độ”, Guardian đưa tin.

Trong nhóm trên bao gồm người thừa kế tập đoàn Disney, Abigail Disney, và diễn viên đóng vai Hulk Mark Ruffalo.

“Tình trạng thiếu hành động hiện nay đáng lo ngại nghiêm trọng. Một cuộc họp của 'giới tinh hoa toàn cầu' ở Davos nhằm thảo luận về 'sự hợp tác trong một thế giới phân cực ' là vô nghĩa nếu không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của sự chia rẽ”, theo thư ngỏ của nhóm siêu giàu đăng ngày 18/1.

“Bảo vệ nền dân chủ và xây dựng sự hợp tác đòi hỏi phải hành động để xây dựng nền kinh tế công bằng hơn ngay bây giờ. Đó không phải là vấn đề có thể để lại cho con cháu chúng ta giải quyết”, bức thư viết. “Bây giờ là lúc để giải quyết vấn đề siêu giàu. Bây giờ là lúc để đánh thuế những người siêu giàu”.

Trong bức thư có tựa đề “Cái giá phải trả của sự giàu có tột độ”, các triệu phú đến từ 13 quốc gia cho biết “lịch sử của 5 thập kỷ qua là câu chuyện cho thấy sự giàu có không lan tỏa đến nơi nào khác mà chỉ tiếp tục chảy vào túi của những người thừa kế. Trong vài năm gần đây, xu hướng này đã tăng tốc đáng kể… Giải pháp rất rõ ràng. Các ngài, những người đại diện toàn cầu, phải đánh thuế chúng tôi, những người cực kỳ giàu có, và phải làm ngay bây giờ”.

Nhóm siêu giàu, tự nhận là “triệu phú yêu nước”, cảnh báo rằng việc không hành động có thể dẫn đến thảm họa. “Có quá nhiều căng thẳng mà xã hội đang phải chịu đựng. Có quá nhiều ông bố, bà mẹ chỉ có thể chứng kiến con mình đói khát, trong khi giới siêu giàu chiêm ngưỡng khối tài sản của mình ngày càng tăng”.

Tuyên bố được đưa ra khi nghiên cứu mới cho thấy gần 2/3 số tài sản tích lũy được trong thời gian xảy ra đại dịch thuộc về 1% người giàu nhất thế giới.

Tổ chức từ thiện Oxfam phát hiện ra những người khá giả nhất đã bỏ túi 26 nghìn tỷ USD tài sản mới cho đến cuối năm 2021. Con số này chiếm 63% tổng số tài sản mới được tạo ra, phần còn lại thuộc về 99% dân số Trái Đất.

Báo cáo của Oxfam cũng cho thấy 1% số người giàu nhất Australia đã tích lũy tài sản gấp 10 lần so với 50% người nghèo nhất trong thập kỷ qua, theo Indaily.

Tổ chức này cho biết nếu đánh thuế 5% với các tỷ phú và triệu phú trên thế giới, số tiền thu về là 1,7 nghìn tỷ USD/năm, đủ để giúp hai tỷ người thoát khỏi nghèo đói và viện trợ cho quỹ toàn cầu chấm dứt nạn nói.

(Nguồn: Zing News)

'ĐẠI XUÂN VẬN' Ở TRUNG QUỐC ĐANG DIỄN RA: NGƯỜI NGƯỜI NÔ NỨC VỀ QUÊ ĂN TẾT SAU THỜI GIAN 'BỊ CẤM CỬA Ở YÊN TẠI CHỖ'

Trong ngày xuân vận đầu tiên, sảnh chờ của các nhà ga trên khắp nước Trung Quốc nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Ngày 7/1, xuân vận - hành trình di chuyển về nhà lớn nhất trong năm chính thức bắt đầu ở đất nước tỷ dân. Không còn kiểm dịch khi hạ cánh máy bay, không còn cách ly, không kiểm tra mã sức khỏe... Là mùa xuân vận đầu tiên sau thời gian Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid.

Về nhà ăn Tết là tập tục gắn kết tình thân của Trung Quốc nói riêng và nhiều đất nước châu Á nói chung. Về thăm nhà trong năm mới cũng là sự kỳ vọng quan trọng nhất của nhiều gia đình trong năm.

Trong 3 năm qua, với sự vận động "ăn Tết tại chỗ" ở Trung Quốc bởi nạn dịch hoành hành, nhiều người không thể đoàn tụ với gia đình trong lễ hội mùa xuân. Hiện tại, các quy định chống dịch đã được nới lỏng, dòng người lũ lượt mua vé xe, vé tàu, vé máy bay để về nhà sau một thời gian xa cách hoặc lên đường đi du lịch.

Xuân vận - cuộc di cư hàng năm lớn nhất của con người trên thế giới

Xuân vận Trung Quốc

Xuân vận, còn được gọi là mùa du lịch năm mới ở Trung Quốc với lưu lượng giao thông cực kỳ cao. Xuân vận thường bắt đầu 15 ngày trước Tết Nguyên đán và kéo dài trong khoảng 40 ngày. Hành trình này được gọi là cuộc di cư hàng năm lớn nhất của con người trên thế giới. Vận tải đường sắt Trung Quốc phải “gồng gánh” thử thách lớn nhất trong giai đoạn này, cùng với đó vô số vấn đề xã hội xuất hiện.

Ba yếu tố khiến xuân vận Trung Quốc trở thành cuộc di cư hàng năm lớn nhất:

1. Một trong những truyền thống lâu đời của hầu hết người dân Trung Quốc là đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết. Mọi người đi làm hoặc đi học có xu hướng về với gia đình trước đêm giao thừa để ăn bữa cơm đoàn viên.

Kể từ cải cách kinh tế của Trung Quốc vào cuối những năm 1970, các cơ hội kinh tế mới đã xuất hiện. Những nơi như Khu kinh tế đặc biệt và khu vực ven biển giàu có tạo ra vô số cơ hội việc làm.

Do đó, Trung Quốc đã có một cuộc di cư lớn từ nông thôn đến thành thị trong suốt vài thập kỷ qua. Số lượng lao động nhập cư này được ước tính là 50 triệu vào năm 1990 và ước tính không chính thức là 150 triệu đến 200 triệu vào năm 2000. Trong mùa Xuân vận, nhiều người trong số những người lao động này trở về quê nhà.

2. Cải cách giáo dục Trung Quốc đã làm tăng số lượng sinh viên đại học học xa nhà. Kỳ nghỉ năm mới là thời gian sinh viên lũ lượt về nhà ăn Tết.

3. Dịp lễ năm mới là một trong những kỳ nghỉ kéo dài hàng tuần ở Trung Quốc, nhiều người chọn đi du lịch trong thời gian này, càng làm tăng thêm áp lực cho hệ thống giao thông.

Những yếu tố này làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại với các hệ thống giao thông liên thành phố hiện tại của Trung Quốc. Mạng lưới đường sắt không đủ để xử lý số lượng hành khách, và không đến đủ địa điểm. Các địa điểm không được phục vụ bằng đường sắt phải dựa vào xe buýt để vận chuyển, phải đối mặt với các vấn đề như thiết bị không đủ và mạng lưới đường bộ.

Xuân vận trở lại sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch

Từ ngày 8/1/2023, các quy định mới của Trung Quốc đã hủy bỏ việc kiểm tra và cách ly tập trung toàn bộ hành khách sau khi nhập cảnh, loại bỏ kiểm soát số lượng chuyến bay chở khách quốc tế và một loạt các biện pháp để tối ưu hóa việc quản lý giao thông.

Sau khi điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh, lưu lượng hành khách xuân vận đã phục hồi đáng kể.

"Phân tích sơ bộ cho thấy, tổng lượng hành khách trong dịp Tết ước đạt 2.095 triệu lượt, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 70,3% so với cùng kỳ năm 2019". Từ Thành Quang, phó bộ trưởng giao thông vận tải Trung Quốc, chỉ ra rằng ước tính số lượng người di chuyển về thăm gia đình chiếm khoảng 55% trong tổng hành khách xuân vận, người đi công tác chiếm khoảng 24%, du lịch thương mại chiếm khoảng 10%, nhiều trường cao đẳng và đại học đã được nghỉ trước khi bắt đầu xuân vận.

Để đảm bảo nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, ngành giao thông vận tải và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch liên quan đã tăng cường hết công suất. "Ngày cao điểm trước Tết Nguyên đán có thể chạy tối đa 6.077 chuyến, ngày cao điểm sau Tết có thể chạy tối đa 6.107 chuyến", người đứng đầu Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho biết.

Vạn Hướng Đông, phi công của tổng cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc, cho biết trong thời gian xuân vận 2023, toàn bộ hàng không dân dụng đã bố trí trung bình 11.000 chuyến bay chở khách mỗi ngày, phục hồi khoảng 73% của xuân vận 2019.

Ông Quách Lạc Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu dữ liệu Trung Quốc cho biết: “Đặc điểm chính của xuân vận năm nay là người tiêu dùng mua vé trước khi khởi hành, hiện chưa có giai đoạn cao điểm đi lại rõ ràng. Tổng lưu lượng hàng không dân dụng dự kiến sẽ đạt 70% trước khi bùng dịch, ngày 20/1 hoặc sẽ đạt đỉnh xuân vận năm nay”.

Dòng người nô nức ngược xuôi, xuân vận năm nay được tiếp thêm hơi ấm

Trong ngày xuân vận đầu tiên, sảnh chờ của nhà ga phía Đông Trịnh Châu vô cùng nhộn nhịp.

Bà Lưu, 57 tuổi, một tay xách theo bó khoai mì, một tay xách mấy túi táo tàu, ánh mắt luôn chú ý đến bảng thông tin trên màn hình tại sảnh chờ, sợ nhỡ chuyến tàu.

"Năm nay tôi đến nhà con gái ở Bắc Kinh ăn Tết, công việc của nó tương đối bận rộn, lại thêm dịch bệnh nên đã 2 năm không trở về. Lần này tôi mang cho con bé ít đặc sản quê hương! Năm ngoái tuyến tàu cao tốc được cải thiện, từ Trịnh Châu đến Bắc Kinh chỉ mất 2 giờ 11 phút, đi lại cũng thuận tiện hơn, sau này tôi có thể thường xuyên đi thăm con gái!”, lời nói của bà Lưu tràn đầy hưng phấn không che giấu.

Trong lúc đó, ở phía Bắc Trung Quốc, chuyến tàu du lịch Y687 đang khởi hành từ ga Cáp Nhĩ Tân. Được biết, đây là tour du lịch vòng quanh “thế giới băng tuyết” đầu tiên trong mùa xuân vận năm nay, một số lượng lớn khách du lịch từ Đông và Nam Trung Quốc hứng khởi tận hưởng du lịch sau một thời gian cấm cửa ở nhà.

"Tôi đã muốn đến Đông Bắc ngắm tuyết thật sự trông như thế nào. Nhưng những năm qua vì dịch bệnh nên không thể đi xa. Năm nay chính sách được điều chỉnh, trường học cũng cho nghỉ sớm, tôi sẽ cùng cha mẹ đón năm mới ở đây". Vương Bác Văn, chàng trai 21 tuổi ở Quảng Châu, bị thu hút bởi cảnh tuyết bên ngoài cửa sổ đoàn tàu khởi hành đến Cáp Nhĩ Tân.

"Tôi mua vé xe lúc 2 giờ chiều, nhưng đã đến nhà ga sớm vào buổi sáng, tôi không thể chờ đợi thêm được nữa". Ngày 7/1, tại ga Đông Quảng Châu, anh Lý Kiến Hưng, người sống ở Đại Đồng (Sơn Tây, Trung Quốc) hào hứng nói với phóng viên rằng mặc dù xa nhà không quá lâu nhưng anh nhớ nhà đến da diết.

Số liệu công bố của Ban công tác xuân vận cho thấy, trong ngày 7/1, cả nước Trung Quốc đã vận chuyển 34,736 triệu lượt hành khách, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 48,6% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Lý Kiến Hưng là một hình ảnh thu nhỏ của hàng chục triệu công nhân rời quê lên tỉnh làm việc. “Môi trường làm việc ở Quảng Châu rất tốt, một tháng có thể nhận được hơn 10.000 NDT (gần 35 triệu đồng), tôi cảm thấy rất hài lòng. Hai đứa con của tôi đều tốt nghiệp đại học và có công việc, giúp chúng chia sẻ áp lực khi sức khỏe của mình vẫn ổn”, Lý Kiến Hưng vui vẻ nói.

“Xa nhà đã một năm rưỡi, có thể đoàn tụ với gia đình thật sự vui đến mức nói không nên lời. Sau khi nghe tin tức mở cửa trở lại, tôi lập tức gọi xe về nhà. Lần này trở về, tôi mang theo cà phê Singapore, thịt lợn thơm ngon, chật cứng cả chiếc vali”, Vương Tông Phi, 55 tuổi, một kỹ sư công trình đã không trở về nhà trong một năm rưỡi vì dịch bệnh.

"Mấy năm nay đi máy bay cũng không có thuận tiện như vậy, hiện tại quả thực là 'đi trơn tru, không trở ngại!". Ngày 8/1, tại nhà ga của sân bay Đại Hưng ở Bắc Kinh, Nhiễm Vũ lên đường cho chuyến công tác cuối cùng trước Tết Nguyên đán.

Theo Nhiễm Vũ, đi công tác là một phần rất quan trọng trong công việc của anh. Trong 2 năm qua, mỗi lần đi máy bay, anh phải đến sân bay trước 3 tiếng để quét mã, đo nhiệt độ, báo cáo và tiếp nhận các biện pháp phòng chống dịch khác, do đó mất rất nhiều thời gian. "Bây giờ lại khôi phục lại chuyến bay không giấy tờ trước đây, đối với hành khách mà nói thật sự thuận tiện hơn nhiều".

Đảm bảo dịch vụ tốt có thể mang lại nhiều hạnh phúc hơn cho hành khách trong mùa xuân vận, trải nghiệm dịch vụ thuận tiện và nhanh chóng không chỉ có thể nâng cao hiệu quả đi lại, mà còn cho phép hành khách tận hưởng tâm trạng vui vẻ trên đường về nhà.

"Mấy năm nay, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng đến việc đi lại của rất nhiều hành khách, nhưng với tư cách là người thường xuyên đi công tác, tôi có thể cảm nhận được từng bước cải thiện trải nghiệm du lịch", Nhiễm Vũ cho biết, hiện nay điều kiện đi lại ngày càng tốt hơn, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, hành khách trong mùa xuân vận cảm thấy vui vẻ hơn.

Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, ngành đường sắt đã tăng số lượng nhà ga thuận tiện trên toàn quốc từ 80 lên 100 ga, đồng thời thực hiện điện tử hóa toàn diện các khâu kinh doanh bổ sung vé tàu, hành khách không bị thu phí khi làm thủ tục bổ sung vé, thay đổi vé. Ngành hàng không dân dụng cũng tiếp tục tối ưu hóa việc sắp xếp kế hoạch chuyến bay để giảm sự bất tiện cho hành khách đi lại do hủy và trì hoãn chuyến bay.

Mùa xuân vận mỗi năm là một thách thức lớn cho ngành giao thông vận tải Trung Quốc. Từ Thành Quang nói: "Chúng tôi cố gắng hết sức để làm tốt công tác xuân vận năm nay với dịch vụ tốt nhất, và phấn đấu tạo ra một xuân vận an toàn, lành mạnh, thuận tiện và thoải mái".

(Nguồn: CafeF)

TRUNG QUỐC ĐỐI MẶT HẬU QUẢ TỪ SUY GIẢM DÂN SỐ

(Ảnh minh hoạ).

Trung Quốc lần đầu ghi nhận dân số suy giảm trong hơn 60 năm, xu hướng có thể kéo dài, gây khủng hoảng nhân khẩu học và nhiều hệ lụy xã hội.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 17/1 công bố thống kê cho thấy dân số nước này lần đầu tiên suy giảm kể từ năm 1961. Dân số Trung Quốc cuối năm 2022 là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021.

Theo giới quan sát, dân số Trung Quốc đang giảm sớm hơn dự kiến và là một bước ngoặt về tâm lý, bởi quốc gia này đã duy trì vị thế đông dân nhất thế giới trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá bất ngờ.

"Thực sự không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc chuyển sang thời kỳ suy giảm dân số bởi họ đã có mức sinh thấp trong một thời gian dài như vậy", tiến sĩ Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nói.

"Chính phủ Trung Quốc dường như cũng đã dự liệu trước điều này. Chỉ có điều nó xảy ra sớm hơn một chút so với dự kiến vì Covid-19, khi ở nhiều nơi trên thế giới, dịch bệnh đã đẩy tỷ lệ sinh xuống mức rất thấp do bất ổn kinh tế và các vấn đề về việc làm", tiến sĩ Gietel-Basten cho biết thêm.

He Yafu, chuyên gia phân tích nhân khẩu học độc lập ở Trung Quốc, cho rằng sau cột mốc suy giảm này, Trung Quốc "sẽ không thể chứng kiến bước gia tăng dân số nào nữa kể từ bây giờ, vì một giai đoạn suy giảm dân số bất tận đã bắt đầu vào năm 2022".

Liệu xu hướng giảm dân số này có trở thành một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hay không còn phụ thuộc vào cách chính phủ phản ứng, ông lưu ý thêm. "Vấn đề lớn hơn nằm ở cách chính phủ Trung Quốc ứng xử với mô hình nhân khẩu học mới này như thế nào".

Theo tiến sĩ Gietel-Basten, để đối phó với xu hướng giảm dân số, Trung Quốc sẽ phải xem xét hàng loạt yếu tố như năng suất lao động và số lượng người già so với những người trẻ tuổi đang đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế.

Về mặt lý thuyết, nếu số người trong độ tuổi lao động giảm dẫn đến số người thực sự làm việc ít đi, chi phí lao động ở Trung Quốc sẽ leo thang, làm tăng giá hàng hóa sản xuất.

Khi ngày càng ít người lập gia đình, nhu cầu về nhà ở trong dài hạn cũng giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu với các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép.

Chính phủ cũng có thể gặp khó khăn trong việc chi trả cho hệ thống lương hưu quốc gia khi có quá nhiều người cao tuổi. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn đối với nền kinh tế, nếu các chính sách khuyến sinh của chính phủ không phát huy hiệu quả.

Hiệu ứng từ xu hướng giảm dân số ở Trung Quốc còn có thể lan tỏa ra bên ngoài đất nước. Việc các gia đình sinh ít con hơn có thể làm giảm số lượng sinh viên Trung Quốc du học Mỹ, Australia hay những nơi khác.

Chuyên gia dự đoán dân số Trung Quốc có thể giảm 109 triệu người vào năm 2050, song lưu ý chính sách một con nghiêm ngặt mà nước này áp dụng từ năm 1980 đến 2015 dường như không phải nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên.

Tiến sĩ John Donaldson, phó giáo sư khoa học chính trị tại Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Quản lý Singapore, cho biết chính sách một con đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc giảm tốc độ tăng dân số, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nhưng từ năm 2016, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách, cho phép một cặp vợ chồng sinh hai con. Gần đây hơn, từ năm 2021, các vợ chồng Trung Quốc thậm chí được phép sinh ba con.

"Nhưng điều buồn cười là ngay cả sau khi chính sách được nới lỏng, hầu hết người dân thành thị đều không muốn sinh thêm con vì các vấn đề như nhà ở hay chi phí giáo dục. Chi phí nuôi dạy trẻ em ở các thành phố rất tốn kém", tiến sĩ Donaldson nói. "Vì vậy, vấn đề không còn nằm ở chính sách một con. Chính sách đó đã được nới lỏng, nhưng người dân vẫn không muốn sinh thêm con".

Ông lưu ý rằng tình trạng ở các vùng nông thôn Trung Quốc lại rất khác so với thành thị. Đó là nơi mà chính sách một con không được thực thi mạnh mẽ và phần lớn trẻ em không được hưởng chế độ chăm sóc, giáo dục như ở thành phố.

"Đa số trẻ em Trung Quốc sống tại vùng nông thôn, nơi không điều kiện đủ tiêu chuẩn như ở thành phố. Điều này tạo ra vấn đề nhân khẩu học dài hạn, gây đau đầu cho Trung Quốc khi nước này cố gắng cải thiện nền kinh tế", Donaldson nhận xét.

"Trung Quốc sẽ không lo thiếu người. Họ vẫn có dân số khổng lồ", ông nói thêm. "Điều đáng lo ngại là nước này đã điều chỉnh quá mức cơ cấu dân số, khiến họ có quá nhiều người già, quá ít người trẻ, điều sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và tương lai đất nước".

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm ngoái là 6,77 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với mức 7,52 năm 2021, và đây cũng là tỷ lệ sinh thấp nhất từng được ghi nhận.

Tỷ lệ tử vong năm 2021 là 7,18 trên 1.000 người, gần bằng mức cao nhất kể từ năm 1974 là 7,37 trên 1.000 người.

Tiến sĩ Gietel-Basten chỉ ra rằng các quốc gia có dân số già sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề căng thẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Chính phủ cần giữ cho dân số già khỏe mạnh và năng động nhất có thể và đây chắc chắn không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Để làm được điều đó, chính phủ cũng phải đảm bảo rằng lực lượng lao động đã bị thu nhỏ của họ phải làm việc hiệu quả hơn và phát huy hết tiềm năng.

"Trung Quốc phải làm được nhiều hơn với lớp dân số trẻ của mình, tìm cách để họ phát huy hết tiềm năng trong nỗ lực cân bằng hệ thống nhân khẩu học mới này", ông lưu ý.

Theo chuyên gia phân tích nhân khẩu học He Yafu, một trong những động thái cấp thiết nhất để khuyến khích sinh đẻ là loại bỏ hoàn toàn chính sách kế hoạch hóa gia đình và bỏ mọi giới hạn về số con.

"Mặc dù hiệu quả thực tế còn hạn chế vì chỉ một số ít cặp vợ chồng muốn có nhiều hơn ba con, việc thay thế chính sách ba con bằng khuyến khích sinh không giới hạn sẽ có ý nghĩa tạo đà, cho thấy chính phủ sẵn sàng thay đổi hoàn toàn trong chính sách sinh đẻ", ông nói. Thêm vào đó, chính phủ Trung Quốc cũng cần tăng trợ cấp cho các cặp vợ chồng sinh con, đồng thời cung cấp dịch vụ mẫu giáo tốt hơn.

Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Kang Yi cho biết số phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là độ tuổi sinh sản, đã giảm gần 4 triệu vào năm ngoái. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng giảm sinh và kết hôn ở Trung Quốc.

Yuan Xin, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân, cho rằng Trung Quốc đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình giảm dân số, đặc trưng bởi xu hướng dân số giảm liên tục nhưng ở mức nhẹ và chậm, đồng thời sẽ duy trì mức dân số ít nhất 1,25 tỷ người cho đến năm 2050.

"Ít nhất trong 30 năm tới, chúng ta vẫn có cơ hội tận dụng lợi thế dân số và tối đa hóa chúng bằng các chính sách kinh tế xã hội đúng đắn", ông nói. "Chúng ta vẫn có một thị trường tiêu dùng tiềm năng rộng lớn. Chúng ta phải tiếp tục phát triển nền kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân để hiện thực hóa tiềm năng đó".

(Nguồn: Vnexpress)

THÁCH THỨC VỚI ĐÀ PHỤC HỒI KINH TẾ TRUNG QUỐC

Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 17/1 cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 3,0% trong năm 2022.

Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong gần 50 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như các tác động từ khủng hoảng thị trường bất động sản.

Trong quý IV/2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có vào cuối năm 2022, với xuất khẩu giảm trong tháng 12, do nhu cầu toàn cầu giảm và những hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19 đã gây trở ngại cho hoạt động kinh tế.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 12/2022 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ giảm 1,8%.

Sau khi mở cửa vào cuối năm ngoái, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng, gây quá tải cho các bệnh viện và gây áp lực lên nhân viên y tế. Trong khi đó, các vấn đề của lĩnh vực bất động sản vẫn là trở ngại cho tăng trưởng kinh tế nước này.

Ông Kang Yi - Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho rằng: "Môi trường quốc tế hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới đang chậm lại, tình hình thương mại toàn cầu không khả quan, kinh tế thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng 'lạm phát đình trệ'. Nền tảng để kinh tế Trung Quốc phục hồi chưa đủ vững chắc, còn khá nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Năng lực đổi mới công nghệ chưa đủ mạnh, người dân còn khó khăn về việc làm. Điều này đòi hỏi những nỗ lực lớn để cải thiện tổng thể nền kinh tế".

Quyết tâm vượt qua thách thức

Trung Quốc đặt mục tiêu đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường ngay năm 2023. Gần đây, nhiều biện pháp quản lý được nới lỏng với các Tập đoàn công nghệ Alibaba, Tencent, Gã khổng lồ gọi xe Didi Chuxing. Có những dấu hiệu nới lỏng cho doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bất động sản cùng các chính sách để kích thích thị trường.

Năm 2023, Trung Quốc sẽ tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa kích cầu tiêu dùng. Chuyên gia nhận định cho rằng chính phủ cần nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, ưu tiên hỗ trợ hộ gia đình và kích cầu tiêu dùng.

Morgan Stanley gần đây đã nâng dự báo GDP Trung Quốc năm nay từ 5,4% lên 5,7%. Sự lạc quan đến từ chính sách mở cửa cũng như kỳ vọng chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các tỉnh thành Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm nay trung bình 6%, riêng các trung tâm kinh tế lớn từ 5-5,5%.

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của các địa phương Trung Quốc đặt ra trong năm nay cho thấy động lực phát triển của các địa phương tại nước này. Theo các chuyên gia, với sự hỗ trợ của một loạt chính sách, nền kinh tế Trung Quốc sẽ được thúc đẩy nhiều hơn bởi nhu cầu trong nước, thúc đẩy tiêu dùng và ổn định đầu tư sẽ trở thành động lực chủ yếu.

(Nguồn: Soha)

ÔNG PUTIN ĐỀ NGHỊ HỦY 21 THỎA THUẬN VỚI CHÂU ÂU

(Ảnh minh hoạ).

Tổng thống Vladimir Putin đề nghị quốc hội Nga thông qua dự luật chấm dứt 21 hiệp ước với Hội đồng châu Âu trong bối cảnh quan hệ hai bên leo thang căng thẳng do vấn đề Ukraine.

RT ngày 17/1 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức trình dự luật chấm dứt các hiệp ước với châu Âu lên Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin.

Theo dự luật, các thỏa thuận quốc tế giữa Nga và Hội đồng châu Âu sẽ bị coi là không còn hiệu lực từ ngày 16/3. Các thỏa thuận này gồm Công ước về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Công ước châu Âu về chống khủng bố...

Hồi tháng 3 năm ngoái, Nga tuyên bố rời Hội đồng châu Âu trước khi cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu của châu Âu công bố lệnh trục xuất Nga theo dự kiến.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và châu Âu leo thang căng thẳng do cuộc xung đột ở Ukraine. Để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua 9 gói trừng phạt nhằm vào Moscow. Ngoài ra, cùng với Mỹ, các nước này cũng liên tục viện trợ quân sự cho Kiev. Lãnh đạo Mỹ và EU cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể để giúp nước này có vị thế tốt hơn trên chiến trường và trên bàn đàm phán với Nga.

Moscow cho rằng, chiến sự ở Ukraine thực tế là cuộc đối đầu giữa Nga và NATO, đồng thời cảnh báo việc phương Tây liên tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> 'XH siêu già' HQ; Tỷ phú TQ chưa hết lo; Vụ Nga bắn tên lửa Dnipro; Lối ra cho khủng hoảng Ukraine; Kịch bản cho nước Nga ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang