Siêu giàu thâu tóm tài sản; Bí mật phụ nữ Afghanistan; Nga thắng ở Soledar; Trận đấu tăng ở Ukraine; Cuộc đua ở Phi

GIỚI SIÊU GIÀU THÂU TÓM MỘT NỬA SỐ TÀI SẢN MỚI

(Ảnh minh hoạ).

Theo báo cáo của tổ chức Oxfam, giới siêu giàu đang nắm giữ gần 2/3 số tài sản tăng thêm của nhân loại, tương đương 42.000 tỉ USD, gần gấp đôi số tài sản của 99% nhóm dân số nghèo nhất thế giới.

Ngày 16-1, nhân dịp khai mạc Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Oxfam công bố báo cáo chỉ ra nghịch lý về khoảng cách tài sản giữa các nhóm người trên thế giới.

Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại trên 90 quốc gia. Cơ quan này là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.

Những con số biết nói về giới siêu giàu

Theo số liệu của Oxfam, kể từ năm 2020 tới nay, nhóm 1% người giàu nhất đã thâu tóm khoảng một nửa tổng số tài sản mới được tạo ra của nhân loại.

"Trong lúc người dân thường đang phải chật vật cắt giảm chi tiêu ngay cả cho những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhóm siêu giàu đã vượt qua cả những ước mơ điên rồ nhất của những người đó.

Chỉ sau hai năm, các tỉ phú đã bước vào thập kỷ vàng của họ; chúng ta có thể gọi những năm 2020 là kỷ nguyên bùng nổ của nhóm siêu giàu", bà Gabriela Bucher, giám đốc điều hành của Oxfam Quốc tế, cho biết.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt từ năm 2020, nhóm 1% những người giàu nhất nắm giữ 26.000 tỉ USD (chiếm 63%) trong tổng số tài sản tăng thêm trên toàn cầu. Trong khi đó, chỉ có 16.000 tỉ USD (37%) được phân bổ cho nhóm còn lại của thế giới.

Trong khi đó, ít nhất 1,7 tỉ người lao động đang sống ở các quốc gia có tốc độ lạm phát nhanh hơn tăng lương và hơn 820 triệu người phải nhịn đói đi ngủ.

Phụ nữ và trẻ em gái - những người được ăn ít nhất và phải ăn sau những người khác - chiếm gần 60% số người nghèo đói trên thế giới.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo chúng ta sẽ phải chứng kiến bất bình đẳng và nghèo đói tăng mạnh nhất trên toàn cầu kể từ sau Thế chiến II.

Hàng loạt nước đang đối mặt với tình trạng phá sản, trong đó những nước nghèo nhất đang chi gấp bốn lần để trả nợ cho các bên cho vay giàu có, hơn là đầu tư cho y tế.

Đánh thuế giới siêu giàu

Oxfam kêu gọi tăng thuế một cách có hệ thống và trên diện rộng đối với nhóm siêu giàu để thu lại những khoản lợi nhuận trong đại dịch.

Nhiều thập kỷ cắt giảm thuế cho nhóm người giàu nhất và các tập đoàn đã làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.

Theo phân tích mới của Liên minh Chống bất bình đẳng, Viện Nghiên cứu chính sách, Oxfam và tổ chức Triệu phú yêu nước (nhóm gồm hơn 100 người siêu giàu), chỉ cần thu 5% thuế tài sản với các triệu phú và tỉ phú trên thế giới đã có thể mang lại 1.700 tỉ USD mỗi năm.

Số tiền này đủ để giúp 2 tỉ người thoát đói nghèo, tài trợ cho những khoản thiếu hụt trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, triển khai kế hoạch 10 năm để chấm dứt nạn đói; hỗ trợ các nước nghèo hơn đang bị tàn phá bởi các tác động của biến đổi khí hậu; cung cấp dịch vụ y tế và an sinh xã hội phổ quát cho tất cả người dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình - thấp.

(Nguồn: Soha)

BÍ MẬT CỦA PHỤ NỮ AFGHANISTAN

Khi tiếng nói không còn được lắng nghe, phụ nữ Afghanistan chọn viết “về những điều mà họ không được phép nghĩ hay những giấc mơ mà họ không được phép mơ".

Đôi khi, tiếng nói của phụ nữ Afghanistan vang lên trên đường phố Kabul hay nhiều thành phố khác, trong các cuộc biểu tình hay bài phát biểu của những người đang đấu tranh từ xa, bên ngoài Afghanistan.

Nhưng phần lớn, suy nghĩ của họ chỉ được thể hiện một cách thầm lặng. Họ nung nấu ý chí khi cố gắng dung hòa cuộc sống với những luật lệ ngày càng hà khắc của chính quyền Taliban.

Trong khoảng thời gian trước khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, 18 nữ nhà văn Afghanistan đã viết những câu chuyện rút ra từ đời thực, xuất bản trong cuốn sách “Cây bút của tôi là cánh chim” vào đầu năm nay.

Nhiều phụ nữ Afghanistan cảm thấy thất vọng khi bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi. Song với cây bút và chiếc điện thoại, họ đang an ủi lẫn nhau và suy ngẫm về những vấn đề mà hàng triệu phụ nữ, trẻ em gái phải đối mặt.

Hai nhà văn ở Kabul, với bút danh Paranda và Sadaf, đã bí mật chia sẻ suy nghĩ của họ với BBC.

Khăn màu hồng

"Hôm nay, tôi thức dậy với quyết tâm đội khăn trùm đầu màu hồng, thay vì chiếc khăn màu đen mà tôi phải đội hàng ngày. Một chiếc khăn màu hồng có phải là tội?", Paranda viết.

Paranda thích mặc đồ màu hồng. Nhưng ở Afghanistan, việc phụ nữ mặc gì hiện là một cuộc đấu tranh. Các sắc lệnh nghiêm ngặt của Taliban về sự khiêm tốn đã được thi hành, thường là bằng vũ lực.

Vào tháng 5/2022, lực lượng Taliban ở Kabul không cho phép một số nữ sinh đại học vào lớp, vì khăn trùm đầu của họ được cho là quá sặc sỡ. Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy thành viên Taliban chặn một nhóm phụ nữ ở lối vào Đại học Bách khoa Kabul và yêu cầu họ về nhà vì khăn trùm đầu của họ không phải màu đen, theo CBS.

Trong xã hội truyền thống này, phụ nữ Afghanistan không hoàn toàn phản đối việc trùm đầu, nhưng họ muốn có quyền lựa chọn. Một chiếc khăn màu hồng hay trang trí lấp lánh giống như chút ánh sáng trong bóng tối.

Một lần khác, Paranda viết: ''Lính gác Taliban yêu cầu chúng tôi dừng xe. (Họ) chỉ vào tôi, tim tôi đập nhanh hơn, người tôi run lên. Khi chiếc xe đi xa, nỗi sợ hãi của tôi biến thành tức giận".

Sự khó đoán của Taliban khiến những người phụ nữ như Paranda thấp thỏm. Hành trình của một phụ nữ thật căng thẳng, với quãng đường dài trên 72 km, họ buộc phải có mahram - một nam giới đi cùng. Nhưng một số lực lượng Taliban tùy ý áp dụng quy tắc, yêu cầu họ về nhà theo ý thích.

"Con gái của chủ nhà tắm công cộng đã đính hôn. Thật đáng ngạc nhiên. Cô bé mới 13 tuổi. Mẹ cô bé nói rằng lực lượng Taliban sẽ không bao giờ mở cửa trường học, nên hãy để cô bé tìm đến ngôi nhà may mắn của mình”, Paranda kể.

“Dường như cô bé đó chính là tôi. Khi chính quyền Taliban nắm quyền lần đầu tiên, tôi cũng chấp nhận một cuộc hôn nhân ép buộc. Vết thương vẫn chưa lành, nhưng tôi đã đứng dậy từ đống tro tàn", cô nhớ lại.

Đó là sự đàn áp lặp đi lặp lại. Phụ nữ Afghanistan đau đớn nhớ lại chế độ cai trị của Taliban những năm 1990 cũng từng tước đoạt cơ hội học hành của họ.

Khi lực lượng này bị lật đổ vào năm 2001, giống như nhiều người khác, Paranda đã nắm lấy cơ hội, ly hôn và tiếp tục đi học. Một thế hệ nữ sinh mới trưởng thành với những ước mơ lớn hơn. Nhưng giờ đây, nỗi đau của họ càng khắc sâu khi chứng kiến trường học đóng cửa một lần nữa.

Viết để chữa lành

"Tôi từng sử dụng mạng xã hội, nhưng giờ đã 'khóa chặt môi'. Tôi bất mãn với những lời lẽ trần trụi mà đàn ông dùng với phụ nữ. Gốc rễ các vấn đề của phụ nữ Afghanistan không phải do sự thay đổi quy tắc mới, mà là những suy nghĩ tiêu cực của nam giới với phụ nữ", Paranda viết.

Phụ nữ Afghanistan lâu nay vẫn sống với những giới hạn do đàn ông đặt ra. Những tiến bộ trong vài năm gần đây hiện cũng bị đảo ngược. Điều đó có tác động dây chuyền - củng cố các chuẩn mực bảo thủ trong gia đình vốn giới hạn sự tự do của phụ nữ và trẻ em gái.

Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 7/2022 cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bị bắt và giam giữ vì các "vi phạm" nhỏ, theo South China Morning Post.

Song Paranda cũng chia sẻ: "Tôi phải viết về những gì đang xảy ra. Có quá ít phương tiện truyền thông hiện nay. Tôi tin rằng một ngày nào đó, Afghanistan sẽ là một đất nước tốt cho phụ nữ và trẻ em gái. Sẽ mất thời gian. Nhưng điều đó sẽ xảy ra".

Bút danh của Paranda có nghĩa là cánh chim. Những phụ nữ như Paranda, đặc biệt là những người có học thức ở thành phố, không chịu bị giam giữ trong những chiếc lồng với luật lệ hà khắc. Nhiều người đã bỏ trốn, nhiều người vẫn nuôi hy vọng, số khác dũng cảm phản đối.

"Hãy viết! Tại sao phải sợ hãi? Có thể bài viết của bạn sẽ chữa lành tâm hồn ai đó", Sadaf viết.

Cuộc sống của một nhà văn ở bất cứ đâu cũng có thể đầy nghi ngờ và sợ hãi. Đối với phụ nữ Afghanistan, điều đặc biệt là tìm được những góc yên tĩnh, an toàn để viết, rèn giũa ý thức về bản thân.

Tuy nhiên, với hiện thực khắc nghiệt, nhiều phụ nữ Afghanistan đã lựa chọn từ bỏ mạng sống. Song Sadaf tỏ ra kiên cường hơn.

"Tôi nói: 'Không! Tôi không thể tự tử'. Tôi tự an ủi rằng có thể tôi không muốn sống, nhưng quyết định tự tử sẽ ảnh hưởng đến nhiều cuộc đời khác. Chuyện này rồi cũng sẽ qua", Sadaf viết.

Đó là lời thì thầm len lỏi khắp nơi ở Afghanistan. Số phụ nữ trẻ tự tử được cho là ngày càng gia tăng, nhưng thật khó để xác nhận.

"Làm sao chúng tôi có thể bình thường và không trở nên điên loạn? Chúng tôi có thể chịu đựng bao nhiêu đau đớn? Cuối cùng, trái tim tôi chấp nhận rằng vùng đất này đã phải đối mặt với sự vô nhân đạo và tàn ác. Nhưng khi nào điều này sẽ kết thúc?", Sadaf viết.

"Có một ngọn lửa trong tôi, một linh hồn nhắc tôi phải chiến đấu. Tôi phải hy vọng quy luật tự nhiên rồi sẽ biến những ngày đen tối này thành ánh sáng", cô chia sẻ.

(Nguồn: Zing News)

NGA THẮNG LỢI Ở SOLEDAR, NHƯNG UKRAINE 'VẪN QUYẾT TÂM'

(Ảnh minh hoạ).

Ukraine đã thừa nhận phải "lùi bước" khỏi thị trấn Soledar đang tranh chấp gay gắt ở Donbas.

Thị trấn đã bị lực lượng Nga chiếm giữ vào tuần trước trong chiến thắng quan trọng đầu tiên của Moscow sau nhiều tháng khó khăn.

Nhưng các binh sĩ Ukraine vẫn nói với BBC rằng họ đã rút lui trong một động thái chiến thuật và có kiểm soát.

Phóng viên Andrew Harding của chúng tôi đã đến thăm một vị trí tiền tuyến giữa Soledar và thị trấn lân cận Bakhmut.

Một sĩ quan báo chí Ukraine người đi cùng chúng tôi trong chuyến thăm khu vực này, cho biết tiền tuyến liên tục thay đổi, không thể đoán trước.

"Chúng ta gặp một tình huống khó khăn ở đây," Andriy thừa nhận.

Nhóm của anh vừa nhận được thông tin chi tiết về một xe bọc thép chở quân của Nga, bị một máy bay không người lái của Ukraine phát hiện.

Một lúc sau, có ba tiếng nổ lớn phát ra từ một khẩu pháo hạng nhẹ do Anh cung cấp gần đó, được lực lượng Ukraine nhắm vào chiếc xe.

"Mỗi ngày chúng tôi tiêu diệt 50 hoặc 100 kẻ thù," Andriy tuyên bố.

Cuộc giao tranh trong và xung quanh Soledar là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất.

Các lực lượng Nga - dẫn đầu là lính đánh thuê và tù nhân thuộc nhóm Wagner của Điện Kremlin - được cho là chịu tổn thất nặng nề nhưng cuối cùng đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát thị trấn nhỏ.

Một số binh sĩ Ukraine đã đổ lỗi cho sự phối hợp kém giữa các đơn vị khác nhau dẫn đến việc mất Soledar và thừa nhận rằng Nga giờ đây có thể được bố trí tốt hơn để bao vây thị trấn lân cận Bakhmut.

Bakhmut lớn hơn và quan trọng hơn về mặt chiến lược ở phía nam.

Trong nhiều tháng qua, Nga đã phải đối mặt khó khăn khi tấn công Bakhmut.

Nhưng sau khi Nga chiếm được Soledar, Nga sẽ có thể tiếp cận thành phố từ một tuyến đường khác.

Tại cuộc họp báo thường niên hôm 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Ukraine, giống như bất kỳ lãnh thổ nào khác giáp với Nga, tất nhiên không nên đặt cơ sở hạ tầng quân sự gây ra mối đe dọa trực tiếp cho đất nước của chúng tôi."

Hôm 15/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố "mọi thứ đang tiến triển trong khuôn khổ kế hoạch của Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm, yêu cầu Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/1 thông báo cung cấp 125 triệu USD cho Ukraine để hỗ trợ mạng lưới điện và năng lượng bị tổn hại vì Nga đánh phá.

(Nguồn: BBC)

TRẬN ĐẤU TĂNG LỚN NHẤT SẮP XẢY RA TẠI UKRAINE?

Những diễn biến gần đây trong cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể sớm dẫn đến trận đánh lớn bằng xe tăng và xe bọc thép ở miền Đông Ukraine.

Trong một nỗ lực nhằm tăng cường đáng kể sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, Anh đã cam kết cung cấp 14 xe tăng Challenger 2 và 30 khẩu pháo tự hành AS90 155 mm cho Ukraine.

Theo BBC, gói viện trợ quân sự mới nhất này cho thấy tham vọng của Anh nhằm giúp Kiev giành được lợi thế trước Nga. Nếu kế hoạch được thực hiện, Anh sẽ là quốc gia phương Tây đầu tiên chuyển giao xe tăng cho Ukraine và điều này có thể khuyến khích các thành viên khác của NATO như Đức thực hiện bước đi tương tự.

Tuy vậy Euronews đưa tin, Đức chỉ có thể cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, sớm nhất vào năm 2023. Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức tuyên bố rằng, họ cần có đơn đặt hàng để bắt đầu sửa chữa một số trong số 350 chiếc Leopard 2 trong kho dự trữ dành cho Ukraine.

Trong bối cảnh phương Tây đang xem xét cung cấp một loạt xe tăng hiện đại cho Ukraine, Nga cũng thực hiện nhiều bước đi mới để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc xung đột kéo dài gần 11 tháng qua. Tuần trước, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov làm chỉ huy mới của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine thay cho Tổng tư lệnh Lực lượng hàng không vũ trụ, Tướng Sergey Surovikin. Ông Surovikin hiện trở thành cấp phó của ông Gerasimov. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, sự thay đổi này nhằm giúp quân đội Nga thực hiện các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn và đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhánh quân sự khác nhau.

Hãng thông tấn TASS tháng 12/2022 đưa tin, Nga đã điều những chiếc xe tăng T-90M Proryv-3 mới nhất đến Ukraine để tham chiến. Xe tăng này là biến thể tiên tiến nhất của T-90, được nâng cấp từ dòng tăng T-72 có từ thời Liên Xô. TASS cho biết, khi đến địa điểm triển khai, các đội xe tăng sẽ làm quen với địa hình, diễn tập khai hỏa và kiểm soát phương tiện, sau đó mới tham gia chiến đấu.

Giới phân tích cho rằng, những động thái mới nhất này cho thấy Nga đang chuẩn bị tiến hành hoạt động tấn công bằng thiết giáo quy mô lớn tại Dnipropetrovsk sau khi giành quyền kiểm soát các khu vực Soledar và Bakhmut ở Donbass sau những trận đánh dữ dội kéo dài.

Nhà phân tích Jean-Philippe Lefief của Le Monde co rằng, việc giành quyền kiểm soát Soledar sẽ giúp Nga cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Ukraine đến Bakhmut. Chưa kể, Moskva có thể theo đuổi các chiến dịch tấn công để chiếm thành phố Sloviansk, đóng vai trò quan trọng đối với kế hoạch củng cố quyền kiểm soát vùng Donbass. Nếu giành quyền kiểm soát Sloviansk, Nga có thể mở đường cho các hoạt động tấn công tại khu vực Dnipropetrovsk – nơi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Vùng thảo nguyên của Dnipropetrovsk có đặc điểm địa hình phù hợp với chiến dịch triển khai xe bọc thép quy mô lớn. Không gian đồng cỏ rộng lớn không có nhiều cây cao, ít rào cản, giúp các xạ thủ có thể quan sát những mục tiêu ở xa và thuận lợi cho tác chiến xe tăng. Những điều kiện này hầu như không xuất hiện kể từ đầu cuộc xung đột đến nay, mặc dù cả Nga và Ukraine đều sở hữu một số lượng lớn xe tăng có từ thời Liên Xô.

Quyết định của Nga thay tướng chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt có thể là dấu hiệu cho thấy sự chuẩn bị cho một cuộc chiến vũ trang tổng hợp cường độ cao, trong đó sức mạnh không quân sẽ được dùng để hỗ trợ lực lượng mặt đất.

Nếu như cuộc xung đột tại Ukraine nói chung trở thành nơi thử nghiệm những học thuyết, chiến thuật và công nghệ quân sự của cả Nga lẫn phương Tây thì trận chiến xe tăng ở Dnipropetrovsk có thể trở thành cơ sở chứng minh hiệu quả của những mẫu xe tăng mới nhất mà hai bên sản xuất.

Xe tăng Challenger 2 sẽ đối đầu với T-90M

Quân đội Anh cho biết, xe tăng Challenger 2 được thiết kế để phá hủy những loại xe tăng khác của đối phương và đã rất thành công khi cho đến nay không một chiếc Challenger 2 chiếc nào bị phá hủy trong chiến đấu.

Challenger 2 được trang bị súng trường L30 có khả năng sử dụng đạn sabot và đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH) cho mục đích phá hủy và chống tăng. Đối với vũ khí phụ, xe tăng này được trang bị súng máy đồng trục L94A17.62mm bên trái tháp pháo với tốc độ bắn 520-550 viên/phút. Bên trên tháp pháo còn được tích hợp hệ thống vũ khí điều khiển tự động với một súng máy L37A2 7.62mm có thể điều khiển từ bên trong xe, hoặc trang bị súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm. Challenger 2 có lớp giáp Chobham thế hệ thứ hai có thể chịu được các đòn tấn công trực tiếp từ pháo chính 125 mm của xe tăng T-72.

Challenger 2 sử dụng động cơ diesel Perkins 12 xi-lanh, có công suất 1.200 mã lực. Kíp lái xe trang bị một số thiết bị ngắm quan sát mục tiêu gồm: kính ngắm SAGEM VS 580-10 với thiết bị đo xa (của trưởng xe); kính ngắm TOGS II (dành cho pháo thủ) cho phép hiển thị hình ảnh nhiệt để có thể ngắm bắn một cách chính xác và tác chiến trong mọi điều kiện.

Theo Global Security, đối thủ của Challenger 2 sẽ là xe tăng T-90M Proryv-3. T-90M được cho là vẫn đảm nhận vai trò thiết yếu trong lực lượng xe tăng của Nga cho đến khi quân đội nước này tiếp nhận đủ số lượng xe tăng T-14 Armata.

T-90M Proryv-3 được lắp đặt pháo 2A82-1M 125 mm tương tự như xe tăng T-14 Armata, có nòng dài và hệ thống điều khiển hỏa lực mới. Loại pháo này có khả năng bắn đạn sabot, đạn nổ phá mảnh Telnik, tên lửa chống tăng Sprinter để tấn công những mục tiêu ngoài tầm bắn của pháo chính và bắn hạ trực thăng. vũ khí phụ của xe tăng là súng máy hạng nặng Kord 12,7 mm được điều khiển từ xa và súng máy đồng trục 7,62 mm.

T-90M Proryv-3 được trang bị giáp phản ứng nổ thế hệ mới Relikt, lớp giáp chuồng ở phần dưới của tháp pháo và phía sau, giúp gia tăng khả năng phòng thủ. T-90M Proryv-3 được trang bị kính ngắm PNM-T, thay thế cho kính ngắm Sosna-U cũ hơn sử dụng các bộ phận do Pháp sản xuất. Điều này nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Nga vào công nghệ phương Tây.

(Nguồn: VTC)

CHÂU PHI TRONG CHÍNH SÁCH CỦA CÁC NƯỚC LỚN NĂM 2023

(Ảnh minh hoạ).

Cuộc cạnh ảnh hưởng của các cường quốc ở châu Phi cũng là cơ hội quan trọng để các nước ở lục địa này xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và cân bằng với các nước lớn mà không đứng về một bên hoặc thay thế quan hệ đối tác với một cường quốc bằng các cường quốc khác.

Châu Phi nhận được những gì?

Châu Phi đã trở thành một sân khấu lớn của thế giới. Các cường quốc đang cố gắng thiết lập vai trò và ảnh hưởng ở châu lục này. Nhưng các quy tắc của trò chơi dường như đã thay đổi đáng kể trong thời gian qua. Nếu như Nga chú trọng an ninh và kinh tế, thì Trung Quốc lại mở rộng ảnh hường với các chính sách mềm mỏng thông qua đầu tư kinh tế còn Mỹ gần đây chuyển bước quan trọng trong chính sách với châu Phi từ sự thờ ơ, khác biệt và vắng mặt sang hiện diện và khôi phục quan hệ với các nước châu Phi.

Trung Quốc và Nga từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế của châu Phi và cả hai tiếp tục nắm bắt cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp lục địa. Sự xâm nhập của ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng an ninh của Nga vào lục địa châu Phi đã trở thành mối lo ngại ngày càng tăng đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tại Bắc Kinh 3 năm một lần kể từ năm 2000, đây được coi là một cách quan trọng để thúc đẩy các lợi ích ngoại giao và thương mại của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và là nhà đầu tư nổi bật trong các dự án khai thác và cơ sở hạ tầng. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt hơn 254 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35,3% so với năm trước. Trong khi khối lượng thương mại giữa Mỹ và châu Phi chỉ đạt hơn 64 tỷ đô la trong năm 2021. Trung Quốc cũng đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp viện trợ phát triển khổng lồ cho lục địa châu Phi, đồng thời cho vay đến lớn, điều này làm dấy lên một số lo ngại về việc tạo cho Trung Quốc một lợi thế quan trọng trong đàm phán các thỏa thuận lớn. Trung Quốc ưu tiên giành được những dự án khổng lồ như mỏ sắt và vật liệu chính khác.

Ngoại trưởng Trung Quốc vừa có chuyến thăm khu vực châu Phi đầu năm 2023 này thì vài ngày sau đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng có chuyến thăm tới khu vực. Cả hai chuyến thăm cho thấy một sự khởi đầu mới và hành động của cả Mỹ và Trung Quốc sau các cam kết và lời hứa trước đó. Nếu chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc là nhằm đánh giá lại chính sách và quan hệ của mình với các đồng minh trước sự cạnh tranh của Nga và Mỹ thì chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ là sự khởi đầu của các cam kết, hành động sau hội nghị thượng đỉnh hồi cuối năm 2022 vừa qua. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ châu Phi hồi cuối năm 2022 đánh dấu sự trở lại khu vực đen của Mỹ với các chính sách mới, cùng các cam kết, trong đó nổi bật là Mỹ cam kết cung cấp 55 tỷ USD viện trợ cho các nước châu Phi trong 3 năm tới, cũng như phân bổ 2,5 tỷ đô la để tăng cường an ninh lương thực và giúp đỡ các quốc gia ở châu Phi khắc phục hạn hán, khan hiếm mưa và nguy cơ nạn đói, phân bổ nửa tỷ đô la cho các nước châu Phi để đối mặt với biến đổi khí hậu và chuyển sang năng lượng sạch. Tổng thống Biden nói rằng Mỹ sẽ trở thành đồng minh lớn của các nước châu Phi trong những năm tới và coi thành công của châu Phi là một phần thành công của Mỹ và thế giới. Ông hứa sẽ ký một biên bản ghi nhớ lịch sử về thương mại tự do với châu Phi.

Nếu như trước đây Mỹ chỉ chú trọng vào an ninh, khủng bố và mua bán vũ khí với một số quốc gia châu Phi thì Trung Quốc đã mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư với tất cả 53 quốc gia ở châu lục này. Năm 2018, Trung Quốc cũng đã tổ chức hội nghị Trung Quốc Châu Phi, và đã tuyên bố sẽ cung cấp khoản tài chính với tổng trị giá 60 tỷ đô la cho các quốc gia châu phi .Tài chính sẽ được cung cấp dưới hình thức viện trợ của chính phủ, đầu tư và tài trợ bởi các tổ chức tài chính và công ty. Trung Quốc theo đuổi chính sách xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Châu Phi với một tương lai chung có trách nhiệm, hợp tác cùng có lợi, tận hưởng sự thịnh vượng về văn hóa và đảm bảo an ninh.

Nga cũng hợp tác với khu vực này khi 3 năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh một lần và ra tuyên bố chung hợp tác về an ninh, kinh tế, môi trường. Nga tiếp cận càng nhiều quốc gia châu Phi càng tốt và xây dựng dựa trên khẩu hiệu “Vì Hòa bình, An ninh và Phát triển”, đồng thời dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi lần thứ hai vào giữa năm sau 2023. Nga đã mở rộng sự hiện diện của mình ở châu Phi, tập trung chung vào việc bán vũ khí và huấn luyện quân sự thông qua các công ty bán quân sự của Nga, bên cạnh việc chia sẻ thông tin tình báo và tiếp cận khoáng sản, đặc biệt là uranium và bạch kim. Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của châu Phi và hướng tới xây dựng ảnh hưởng rộng rãi thông qua quan hệ đối tác an ninh.

Chính sách của các nước lớn

Châu Phi vẫn luôn là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đó có những thay đổi do chính sách của các nước lớn và những tác động về địa chính trị toàn cầu. Mối quan hệ hợp tác và cởi mở của Mỹ đối với châu Phi được áp đặt bởi những cân nhắc về chính trị và kinh tế, khi Mỹ tìm cách đạt được sự phục hồi kinh tế sau các cuộc khủng hoảng toàn cầu và đại dịch bằng cách thiết lập quan hệ đối tác kinh tế với châu Phi, lục địa giàu tài nguyên, nguồn nhân lực lớn và có tốc độ phát triển nhanh. Sự hiện diện và lan rộng của Trung Quốc ở châu Phi ở cấp độ kinh tế và thương mại cũng kích thích và thúc đẩy Mỹ thay đổi chính sách thờ ơ mà họ đã theo đuổi trong những năm qua, đặc biệt là sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 mà Mỹ chỉ tập trung vào về các khía cạnh an ninh và quân sự và cuộc chiến chống khủng bố.

Về chính trị, Trung Quốc tìm cách lấp đầy và đã thành công bằng cách thiết lập các dự án khổng lồ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cảng, sân bay, bệnh viện, đường xá, v.v., là những dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân châu Phi. Trái ngược với lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực y tế, dịch bệnh và giáo dục, được đặc trưng bởi lợi ích gián tiếp của họ trong thời gian dài là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Châu Phi. Tuy nhiên, có thể nói Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cân bằng sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại lục địa đen. Các khoản viện trợ và sáng kiến của Mỹ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh chỉ giới hạn ở 54 quốc gia châu Phi. Nước Mỹ cũng chủ yếu dựa vào khu vực tư nhân trong đầu tư nước ngoài, điều này đòi hỏi chính quyền Mỹ phải rất nỗ lực thuyết phục các công ty khổng lồ và các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đầu tư vào châu Phi tương tự như những gì đã xảy ra ở châu Á, điều này có vẻ khó khăn với những mâu thuẫn, xung đột vẫn tiếp diễn ở các nước châu Phi, đặc biệt là châu Phi cận Sahara, không giống như Trung Quốc, nơi nước này trực tiếp hướng các khoản đầu tư khổng lồ của mình ra nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vốn cũng là những dự án mà các công ty Mỹ khó tham gia.

Ngoài ra, châu Phi không cần sự phân bổ viện trợ của Mỹ nhiều như châu Phi cần sự hỗ trợ của Mỹ trong việc đạt được sự trao quyền và phát triển kinh tế cũng như việc sử dụng các nguồn lực của châu Phi. Ngoài ra còn có thách thức liên quan đến việc Mỹ áp đặt điều kiện chính trị đối với viện trợ kinh tế cho các nước châu Phi và gắn nó với các vấn đề nhân quyền, cải cách chính trị và dân chủ như một quân bài gây sức ép, bề ngoài nhân từ, bên trong can thiệp vào công việc các quốc gia dẫn đến sự leo thang của mối đe dọa khủng bố và sự lan rộng của các cuộc nội chiến đã cản trở Châu Phi đạt được sự phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc không áp đặt bất kỳ điều kiện nào đối với viện trợ hoặc đầu tư vào châu Phi, cũng như không can thiệp trong công việc của các nước châu Phi.

Quan điểm của các quốc gia châu Phi

Cuộc cạnh ảnh hưởng của các cường quốc ở châu Phi là cơ hội quan trọng để các nước ở lục địa này xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và cân bằng với các nước lớn mà không đứng về một bên hoặc thay thế quan hệ đối tác với một cường quốc bằng các cường quốc khác. Các quốc gia châu Phi luôn ưu tiên hợp tác đầu từ và phát triển, cũng hợp tác để giải quyết những thách thức về an ninh, khủng bố, an ninh lương thực và khí hậu. Do đó, châu Phi luôn sẵn sàng hợp tác đa phương cùng có lợi và tránh bị phụ thuộc vào một cường quốc hoặc một trục.

Các quốc gia châu Phi sẽ tiếp tục theo đuổi các sáng kiến đổi mới và cải cách kinh tế để giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội. Thông qua các chính sách kinh tế mới và cải cách chính phủ, châu Phi có thể xây dựng lại nền tảng của mối quan hệ giữa quyền lực cầm quyền, cộng đồng bộ lạc và các nhà lãnh đạo địa phương để giảm bớt xung đột và bạo lực. Khu vực này sẽ hợp tác và hợp nhất tất cả các quốc gia của lục địa thành một thị trường duy nhất bao gồm 1,2 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội trị giá 3.400 tỷ USD.

Tất cả các quốc gia ngoại trừ Eritrea đã ký các văn bản pháp lý của thỏa thuận. Khi hiệp định có hiệu lực, châu Phi sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới được thành lập vào năm 1995. Với tầm nhìn địa chính trị toàn diện hơn, điều này có thể mang lại những thay đổi đáng kể trong cấu trúc của hệ thống quốc tế. Điều này có thể đẩy Mỹ và Liên minh châu Âu rút lui để ủng hộ các cường quốc mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Khủng hoảng ở Haiti; Venezuela dừng XK dầu; Thủ tướng New Zealand từ chức; Domino hỗ trợ vũ khí; Nhật & cuộc đua Mỹ-TQ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang