Sầu riêng lên cửa khẩu; Ngân hàng rao bán nợ 'khủng'; Kinh doanh văn phòng cho thuê thời khó; Hậu sốt đất, NĐT thành 'con nợ'

Xe chở sầu riêng ùn ùn lên cửa khẩu, Lạng Sơn lo ách tắc

(Ảnh minh họa).

Xe chở hàng lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến do sầu riêng nước ta đang vào vụ thu hoạch, với sản lượng quý II và III ước khoảng 650.000 tấn.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vừa có công văn gửi các địa phương, các doanh nghiệp và thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh này về tình hình ùn tắc hàng hoá chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và các khuyến nghị.

Công văn nêu rõ, từ ngày 23/5, lượng phương tiện chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến do sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch. Song, mặt hàng này chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế.

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, lực lượng CSGT thực hiện việc điều tiết phương tiện từ nội địa lên cửa khẩu để đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa được thông suốt.

Đồng thời, trao đổi với Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) thống nhất kéo dài thời gian thông quan trong ngày tới 20h (giờ Hà Nội) và tiếp tục đề nghị phía bạn phối hợp cùng thực hiện điều tiết mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) để giảm tải áp lực cho cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Tuy nhiên, tại thời điểm 20h ngày 26/5, tổng số phương tiện chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 605 xe, trong đó 185 xe chờ tại cửa khẩu. Tại thời điểm 7h30' ngày 27/5, có 430 xe dừng đỗ trên tuyến đường quốc lộ 1A, lượng phương tiện dừng đỗ ngoài khu vực cửa khẩu đã kéo dài qua địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Sở Công Thương dự báo, thời gian tới, các phương tiện chở mặt hàng sầu riêng từ các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tiếp tục dồn lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để xuất khẩu. Đặc biệt, các mặt hàng hoa quả khác như: vải, xoài, thanh long, mít,... cũng đang vào mùa vụ thu hoạch, được đưa lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, sẽ gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Điều này tiềm ẩn nguy rất lớn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Bởi, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, trái cây nhanh chín và dễ suy giảm phẩm chất, nhiều xe hàng không đảm bảo chất lượng nên không thể xuất khẩu và phải quay đầu.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ, bắt đầu từ 15h ngày 27/5, tất cả các phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện điều tiết vào Khu phi thuế quan để dừng đỗ.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đề nghị các địa phương thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, thương nhân về tình trạng ùn ứ xe hàng chờ xuất khẩu hiện nay.

Khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa cân nhắc, chủ động điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị một cách hợp lý, tránh phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi. Hướng dẫn các doanh nghiệp, thương nhân chuyển phương thức vận tải xuất khẩu sang đường sắt hoặc xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng để giảm thiểu tình trạng chờ đỗ dài ngày, giảm thiểu rủi ro hàng bị hư hỏng.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị tăng cường triển khai công tác kết nối thị trường, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây như: sầu miêng, thanh long, mít, xoài, dưa hấu... Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu khác.

Yêu cầu các doanh nghiệp, thương nhân, người vận tải phương tiện xuất khẩu nghiêm chỉnh chấp hành công tác điều tiết của các lực chức năng tỉnh Lạng Sơn để giải quyết tình trạng ùn tắc; kê khai đúng, đủ các thủ tục thông quan theo quy định; đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tận dụng hiệu quả thời gian thông quan trong ngày để tăng hiệu suất thông quan.

Các bên chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, kịp thời cập nhật những chính sách thay đổi bên phía Trung Quốc để điều phối hoạt động xuất nhập khẩu một cách chủ động.

(Nguồn: Vietnamnet)

Ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ “khủng” của doanh nghiệp

Trong thời gian gần đây, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank đã thông báo bán nhiều khoản nợ hàng trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ của doanh nghiệp.

Mới đây, BIDV thông báo đấu giá khoản nợ của hai công ty, gồm CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi, giá khởi điểm là hơn 1.016 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ bao gồm nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại khu công nghiệp Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cùng 14 bất động sản khác tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Ngoài ra, khoản nợ này còn được bảo đảm bởi hơn 70 hệ thống, máy móc thiết bị, xe chuyên dùng, xe ô tô, xe tải các loại. Khoản nợ cũng được đảm bảo bằng quyền đòi nợ đối với CTCP Thủy điện Nước Chè số tiền 250,4 tỷ đồng và tài sản còn là 17,86 triệu cổ phiếu CTCP thủy điện Đức Nhân – Đăk Psi (chưa niêm yết) và 24,541 triệu cổ phiếu CTCP thủy điện Nước Chè (chưa niêm yết).

BIDV cũng thông báo bán toàn bộ khoản nợ của CTCP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên, với tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 11/5/2023 là 120,9 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc 85,5 tỷ đồng, dư nợ lãi trong hạn và lãi phạt quá hạn: 33,4 tỷ đồng.

Khoản nợ này được đảm bảo bởi 3 tài sản gồm: quyền sử dụng 4.086 m2 đất tại phường An Lạc, quận Bình Tân, Tp.HCM; quyền đòi nợ khối lượng xây lắp hợp đồng thi công xây dựng thuộc khách sạn Mỹ Khê Đà Nẵng thuộc hợp đồng với Công ty TNHH Đức Long Dung Quất; và 400.000 cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai (nay là CTCP Tập đoàn Alpha Seven - DL1) thuộc số dư tài khoản của ông Nguyễn Tuấn Vũ.

BIDV cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Điền với giá khới điểm hơn 236 tỷ đồng.

Agribank thông báo bán toàn bộ khoản nợ xấu của khách hàng Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú với giá khởi điểm hơn 137 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đăng bán khoản nợ hơn 124 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Phương Thành Công, với tài sản bảo đảm là một loạt bất động sản của Bình Dương.

VietinBank - Chi nhánh Ngô Quyền đang lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 183 tỷ đồng của Công ty Sản xuất thép Úc SSE và khoản nợ gần 306 tỷ đồng Công ty Cổ phần Thép Nam Thuận. VietinBank không bán riêng từng khoản nợ mà chỉ chấp thuận bán đồng thời cả 2 khoản nợ với tổng giá bán khởi điểm là gần 399 tỷ đồng

Ngân hàng này cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH SP BIO Energy, tính đến ngày 10/5 tổng dư nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng là hơn 56,1 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là hơn 35.000 m2 nhà xưởng, văn phòng phục vụ sản xuất gỗ tại KCN Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tài sản đảm bảo cũng bao gồm hệ thống máy móc, xe ô tô, hàng tồn kho, quyền đòi nợ Công ty TNHH SP Bio Energy,... Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 39,1 tỷ đồng, tương đương với số dư nợ gốc.

Cuối tháng 4, Sacombank tiếp tục thông báo bán một loạt khoản nợ xấu giá trị hàng trăm, nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp.

Cụ thể, ngân hàng này chào bán đấu giá khoản nợ hơn 121 tỷ đồng của Công ty cổ phần Ngọc Sương, khoản nợ hơn 596 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát; khoản nợ gần 474 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Kim Kim Hoàn Mỹ; khoản nợ gần 195 tỷ đồng của Doanh nghiệp tư nhân Thương Mại Vận Tải Lan Anh; khoản nợ hơn 670 tỷ của Công ty Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 và Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc Anpha; khoản nợ 596 tỷ của Công ty CP đầu tư Địa ốc Vạn Phát.

Ngoài ra, Sacombank cũng tiếp tục chào bán tài sản bán đấu giá là toàn bộ 18 khoản nợ được bán không tách rời, được đảm bảo bằng quyền tài sản tại Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM) theo nguyên trạng khoản nợ, bao gồm chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ liên quan đến các khoản nợ và toàn bộ quyền, nghĩa vụ của bên nhận đảm bảo đối với các tài sản đảm bảo khoản nợ này.

Đây là khoản nợ phát sinh tại Sacombank và được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.

Tổng dư nợ của các khoản nợ này tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng.

Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán cho thấy, tổng số dư nợ xấu nội bảng của tại thời điểm 31/3/2022 ở mức hơn 170.000 tỷ đồng, tăng 24% so với hồi đầu năm. Trong đó, 24/27 ngân hàng số dư nợ xấu nội bảng gia tăng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).

Tại Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các TCTD” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17/5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.

Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, như mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.

Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng;

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…

Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói.

Do vậy theo ông Hùng, Quốc hội trước khi thông qua các dự thảo Luật nên lắng nghe ý kiến từ các cử tri bộ ngành các tổ chức chính trị xã hội ngành nghề và chính các doanh nghiệp, rà soát các liên quan để ban hành luật sửa đổi phù hợp với thực tiễn.

(Nguồn: Soha)

Kinh doanh văn phòng cho thuê thời khó

(Ảnh minh họa).

Kinh tế khó khăn buộc nhiều khách thuê phải co cụm, thu hẹp hoạt động… và điều này khiến các chủ văn phòng cho thuê bị “vạ lây”.

“Ngay từ đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã phải đóng cửa, trả lại mặt bằng thuê trước hạn, số lượng doanh nghiệp mới cũng giảm nên tác động lớn đến nhu cầu thuê văn phòng tại đây”, chị Vũ Thị Phụng, giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh văn phòng cho thuê tại TP.HCM nói.

Theo chị Phụng, làn sóng trả mặt bằng, thu hẹp diện tích văn phòng từng diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn Covid-19, vài tháng nay lại bùng phát mạnh. Lúc đó, nhiều văn phòng nằm trên “đất vàng” bị thu hẹp ồ ạt khi các khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống hạng B, thậm chí là tìm tòa nhà ở xa trung tâm để giảm chi phí thuê. Hiện tại, làn sóng này có dấu hiệu quay trở lại khi các chỉ số kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp kém lạc quan.

Tương tự, ông Bùi Minh Thức, đại diện TSA Land - đơn vị chuyên cho thuê văn phòng ở các quận trung tâm TP.HCM chia sẻ, thị trường cho thuê văn phòng đang chững lại, hệ thống văn phòng của doanh nghiệp ông ghi nhận 50-60% diện tích sàn trống.

Theo ông Thức, khách thuê đang có xu hướng giảm diện tích văn phòng, đồng thời ưu tiên chuyển ra ngoài trung tâm Thành phố nhằm tiết kiệm chi phí vận hành. Đặc biệt, các công ty tài chính, bất động sản giải thể rất nhiều, nên tỷ lệ trả mặt bằng cũng dần tăng.

Trong báo cáo về thị trường văn phòng mới đây, CBRE Việt Nam ghi nhận sự trở lại của các giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn, đặc biệt là từ nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính.

CBRE Việt Nam cho hay, nhiều giao dịch thuê văn phòng đang trong quá trình thương thảo cũng bị trì hoãn tạm thời do khách thuê cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh. Trong lúc này, một số chủ nhà cũng đưa thêm ra thị trường các mặt bằng đã giữ lại từ giai đoạn trước.

“Những yếu tố trên cùng khó khăn kinh tế đã gây sức ép lớn lên thị trường văn phòng cho thuê khi lần đầu tiên sau dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế, trong khi diện tích khách trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhanh, dẫn đến diện tích trống của văn phòng hạng A tăng 3.500 m2, diện tích cho thuê mới của văn phòng hạng B chỉ tăng hơn 2.200 m2 (đã bao gồm gần 3.800 m2 của dự án mới đi vào hoạt động)”, bà Thanh Phạm, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam thông tin.

CBRE Việt Nam thống kê, từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ có thêm 6 tòa nhà văn phòng mới với khoảng 170.000 m2 sàn, trong đó văn phòng hạng A vẫn chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 80% tổng nguồn cung.

Bà Thanh Phạm cho rằng nguồn cung mới dồi dào cùng ngân sách thắt chặt của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn sẽ tạo nhiều áp lực lên thị trường. Do đó, các chủ đầu tư cần thận trọng khi đưa ra các chính sách chào thuê, nhất là những dự án mới phải thực sự linh hoạt trong điều khoản thuê để đạt tỷ lệ lấp đầy như kỳ vọng.

Ở góc độ tích cực hơn, bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Việt Nam cho rằng, văn phòng hạng A vẫn luôn là phân khúc hấp dẫn các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án bởi luôn thể hiện được sự ổn định trong bất kỳ bối cảnh nào.

“Thời gian qua, chúng tôi chưa nhận thấy sự biến động quá lớn nào về giá thuê. Ngược lại, các nhà chủ tư, nhà phát triển dự án còn tập trung hơn vào việc nâng cấp các sản phẩm của mình nhằm bắt kịp nhu cầu ngày càng cao của khách thuê”, bà An nói và cho biết thêm, để tăng tính cạnh tranh và giữ chân khách hàng trong thời điểm hiện nay, các tòa nhà đã hoàn thiện trước đó cũng như đang đang vận hành sẽ phải cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, hoặc linh hoạt hơn trong đáp ứng nhu cầu khách hàng để họ hài lòng và ở lại. Với các tòa nhà mới, áp lực tỷ lệ lấp đầy sẽ lớn hơn nên cần đưa ra mức giá thuê phù hợp, song cũng cần lưu ý tới yếu tố cạnh tranh giá thuê để đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong dài hạn.

“Không ai muốn bán rẻ sản phẩm của mình cả. Cách chủ đầu tư, nhà phát triển dự án làm bây giờ là cung cấp tất cả những tiêu chí cao cấp mà các tòa nhà hiện hữu không có hoặc chưa thể đạt được, đó chính là lợi thế của các tòa nhà mới”, bà An nói và cho biết thêm, mọi người sẽ thấy hầu hết các tòa nhà mới đều có những tiêu chí gần giống nhau và rất cao.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Hậu cơn sốt đất, nhà đầu tư thành “con nợ”

Nhiều người đầu tư vào bất động sản bằng cách dùng đòn bẩy tài chính từ các tổ chức tín dụng, nhưng khi nhà đất không thanh khoản được thì các "con nợ" lao đao.

Sau đầu tư “mát tay” là gánh nặng tài chính tăng cao

Giai đoạn nửa đầu năm 2022 trở về trước, các cơn "sốt" đất đã đẩy giá bất động sản liên tục leo thang. Từ thành thị đến nông thôn, giá đất cứ tăng vù vù và thị trường ghi nhận có nơi tăng với tỷ lệ gần 200 - 300%. Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư đổ xô đi săn lùng đất ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Có những khu vực đã trở thành điểm nóng khiến nhà đầu tư, môi giới bất động sản đứng ngồi không yên.

Trên thị trường bất động sản, không ít người thắng đậm với những thương vụ giao dịch thành công một cách chóng vánh. Thế nhưng, sau thời gian vàng son ấy, cho dù là các nhà đầu tư chuyên nghiệp hay nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường, thì cũng không tránh khỏi chịu tác động bởi “cú sốc” từ thị trường bất động sản. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã rơi vào tình cảnh lao đao và phải tìm cách bán cắt lỗ nhà đất.

Vậy, nguyên do vì sao lại xảy ra tình trạng trên? Thực tế cho thấy, phần lớn nhà đầu tư vào bất động sản chủ yếu là dùng đòn bẩy tài chính từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Cho nên, khi ngân hàng siết chặt các khoản vay đầu tư bất động sản thì người đầu tư lâm vào tình thế khó khăn. Đất không thanh khoản được, trong khi đó lãi suất tín dụng, ngân hàng lại cao khiến nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận bán tháo, bán lỗ để thu hồi vốn và trả nợ.

Chị Nguyễn Hồng Vân (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) – một nhà đầu tư phân khúc đất nền chia sẻ, thời điểm trước quý 2/2022, nắm bắt làn sóng đầu tư bất động sản, chị và một vài người bạn đã hùn vốn vào đầu tư đất nền. Địa điểm chị nhắm đến là những nơi đã có quy hoạch rõ ràng, nhiều dự án đô thị lớn và hoạt động giao dịch bất động sản đang sôi động.

Có thời điểm, hầu như ngày nào nhóm của chị cũng đi “săn” đất. Nhóm của chị đi từ Hòa Bình , rồi Phú Thọ cho đến Bắc Ninh, Bắc Giang. Thậm chí, nhóm đầu tư này còn vào tận Ninh Thuận, Can Lâm ( Khánh Hòa ) và Phú Quốc (Kiên Giang), để mua bán đất nền. Bất kể khi nào nghe được thông tin nóng hổi từ “đội lái” và tính toán có khả năng sinh lời, nhóm của chị lại bảo nhau lên đường. Nhiều giao dịch, chị lãi được từ 400-500 triệu đồng/lô, ít thì cũng phải 50-100 triệu đồng/lô.

Chưa khi nào, chị thấy làn sóng đầu tư bất động sản lại mạnh và có sức hút đến như vậy, nên chị lao vào như con thiêu thân. Cứ có lãi, chị lại dồn thêm tiền vào để tái đầu tư. Do đầu tư đất trải dài từ Bắc vào Nam, chị đã phải huy động thêm dòng tiền từ ngân hàng để giao dịch. Ngôi nhà liền kề của vợ chồng chị đang ở cũng được thế chấp và vay hơn chục tỷ đồng để rót vào đất.

Khi chị và những người bạn đang say trong guồng quay “sốt đất” ấy, thì thị trường bất động sản bất ngờ nhận những “cú sốc” lớn. Đất không bán được, trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao khiến chị đang phải căng đầu để xoay sở trả cả gốc và lãi.

Nghịch cảnh của chị Vân có lẽ cũng giống như các nhà đầu tư khác, khi nắm giữ nhiều mảnh đất trong tay nhưng đồng thời cũng là “con nợ” lớn của ngân hàng. Những nhà đầu tư ấy sẽ phải đối mặt với viễn cảnh khi không có khả năng trả gốc lãi, thì ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất đã dùng để thế chấp.

Nhà đầu tư “khóc ròng” vì liên tục rao bán nhưng vẫn “ế”

Để giải bài toán gánh nặng tài chính và xử lý các khoản nợ với các tổ chức tín dụng, nhiều nhà đầu tư đã tìm cách thanh khoản sản phẩm bất động sản đã đầu tư. Thế nhưng, đó là điều không hề dễ dàng vào thời điểm này.

Bởi vì, kể từ thời điểm quý 2/2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng. Số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trong quý 1 năm 2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh như vậy, không ít nhà đầu tư đã phải rao bán đất hạ giá sâu để thanh khoản nhanh, thu hồi vốn. Thậm chí, nhiều người còn chấp nhận rao bán cắt lỗ 10%-30%, thậm chí lên đến 30%-50% giá trị đầu tư, song nhiều tháng trôi qua vẫn không có khách mua. Nếu nhìn vào con số trên, hầu hết các nhà đầu tư có thể mường tượng được bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản ở giai đoạn hiện tại.

“Tâm lý của nhà đầu tư bây giờ nói chung là họ đã thận trọng hơn. Với những người đã bán được bất động sản, thì họ ưu tiên gửi tiết kiệm hơn là đầu cơ vào nhà đất. Do cần tiền trả ngân hàng, tôi vẫn tích cực đăng tin rao bán đất cắt lỗ trên các website bất động sản, thế nhưng hiệu quả rất thấp vì hầu như không có người liên hệ một cách thiện chí. Không biết tới đây thị trường sắp tới có sáng sủa hơn không”, chị Vân lắc đầu ngao ngán nói.

Theo khảo sát, giá bất động sản đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Đơn cử, tại Bắc Giang, khu vực thị trường bất động sản sôi động nhất vào thời điểm cuối 2021 - nửa đầu năm 2022 có thể kể đến huyện Việt Yên, với những dự án “làm mưa làm gió” thời điểm đó nhưng giờ chung cảnh vắng bóng.

Thời điểm dự án Khu đô thị Đông Bắc thị trấn Bích Động (huyện Việt Yên) triển khai, nhiều giao dịch mua bán đất nền ghi nhận mức giá trong khoảng 33-38 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư rao bán “cắt lỗ” dưới 30 triệu đồng/m2, nhưng giao dịch rất èo uột.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, câu chuyện khó khăn của thị trường bất động sản đặc biệt là bất động sản dự án, chủ yếu xoay quanh vấn đề của các doanh nghiệp và giá bán sản phẩm. Ông Thanh cho rằng, trong 2 năm vừa qua, không có nhiều dự án mới mở bán, trong khi nhu cầu trên thị trường rất cao. Cùng với đó, mặt bằng giá đang bị đẩy lên quá cao, chủ yếu từ phía chủ đầu tư và các sàn môi giới.

“Tuy nhiên hiện nay, khi có một khoảng trầm quá lớn đối với các nhà môi giới, hầu như họ đều phải dừng lại vì “cuộc chơi” trên thị trường đã bộc lộ ra nhiều khía cạnh hơn. Trong “nốt trầm” của thị trường, với những loại hình bất động sản vốn phục vụ mục đích đầu tư, mua đi bán lại và dễ bị thổi giá, làm giá… sẽ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thanh khoản thực”, ông Thanh phân tích.

Với diễn biến không mấy khả quan của thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi có những “làn gió mới”. Bởi nếu bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản không có bước chuyển biến mạnh mẽ, chắc hẳn sẽ có nhiều nhà đầu tư lâm vào tình cảnh vỡ nợ, mất hết cả vốn lẫn lãi và thậm chí còn vướng vào những tranh chấp pháp lý nảy sinh sau những giao dịch ở giai đoạn “sốt” đất.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang