.jpg)
SẬP MÁI HỘP ĐÊM TẠI CH DOMINICANA: 226 NGƯỜI TỬ VONG
Theo các nhà chức trách, tính đến ngày 12/4, số người bị tử vong trong vụ sập mái hộp đêm Jet Set ở thủ đô Santo Domingo, Cộng hòa (CH) Dominicana đã tăng lên 226 người. Đây được xem là thảm họa tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tại quốc gia Caribe này.
Bộ trưởng Y tế Victor Atallah cho biết vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng 8/4 (giờ địa phương), khiến 221 người thiệt mạng tại hiện trường. 4 nạn nhân khác đã không qua khỏi tại bệnh viện và đến ngày 12/4, thêm 1 trường hợp tử vong được ghi nhận. Theo ông, nhiều người bị bỏng nặng vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Thảm họa xảy ra khi hàng trăm người tập trung tại hộp đêm Jet Set để thưởng thức buổi biểu diễn của ca sĩ nổi tiếng Rubby Perez - người cũng đã thiệt mạng tại hiện trường. Trong số những người tham dự sự kiện có cả một số chính trị gia, vận động viên và nhiều nhân vật nổi tiếng khác.
Theo Văn phòng Tổng thống, lực lượng cứu hộ đã đưa được 189 người ra khỏi đống đổ nát. Cộng đồng địa phương đã tổ chức các buổi cầu nguyện tưởng niệm, nhiều người mang theo hoa, nến và thông điệp chia buồn. Một bàn thờ tạm thời cũng được dựng lên tại khu vực gần hiện trường với dòng chữ: “Một bông hoa cho mỗi thiên thần trên cao”.
Chính phủ Dominica đã kéo dài thời gian quốc tang từ 3 ngày lên 6 ngày, đến hết ngày 13/4. Một ủy ban điều tra gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế đã được thành lập để xác minh nguyên nhân vụ việc.
Quá trình nhận dạng thi thể vẫn đang được tiến hành, với sự hỗ trợ của 12 bác sĩ pháp y tăng cường. Giới chức cho biết toàn bộ thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho thân nhân, tuy nhiên một số gia đình phản ánh đã xảy ra nhầm lẫn trong khâu trao trả.
CHIẾN THUẬT CẮT ĐƯỜNG, ĐÓNG MÓNG NGỰA CỦA NGA
Nga đang áp dụng chiến thuật đánh vòng qua các thành phố lớn, cắt đứt đường tiếp viện hậu cần từ hậu phương, cô lập nhóm quân phòng thủ Ukraine.
Vào ngày 12 tháng 4, giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn suốt cả ngày ở khu vực biên giới vùng Kursk của Nga và vùng Sumy của Ukraine.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, tại khu vực Kursk, các đơn vị của Lực lượng Vũ trang Nga đã tiến hành các hoạt động tấn công tích cực để tái chiếm lại khu định cư Gornal và lãnh thổ của Tu viện St. Nicholas Belogorsky tại ngôi làng này, nơi đã được quân đội Ukraine biến thành một khu vực kiên cố thực sự.
Tu viện tọa lạc trên một ngọn đồi cao, bên bờ sông Psel và việc Quân đội Ukraine chọn tu viện làm cứ điểm phòng thủ là vô cùng quan trọng để phát triển thành công theo hướng này, bởi các tòa nhà tu viện là nơi trú ẩn đáng tin cậy và là điểm bắn thuận tiện.
Ngược lại, khu định cư Gornal nằm ở vùng đất thấp và được giải phóng khá nhanh chóng.
Cùng lúc đó, một nhóm khác của Lực lượng Vũ trang Nga, cách đó khoảng 15 km theo đường chim bay về phía tây bắc, đã đột phá qua tuyến phòng thủ của Ukraine và tiến vào làng Loknya (Loknia) ở vùng Sumy.
Quân đội Nga tiến về phía nam từ phía khu định cư Basivka (Basovka) của cùng khu vực và thiết lập chỗ đứng ở phía bắc Loknia, sau đó bắt đầu tấn công vào khu vực trung tâm của ngôi làng.
Dự kiến, sau khi thành công chiếm được Loknia, Lực lượng vũ trang Nga sẽ có thể tiến tới Yunakovka và cắt đứt tuyến đường hậu cần chính của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong khu vực này là tuyến đường cao tốc N-07, chạy từ Sumy tới biên giới quốc gia Nga tới tận Sudzha ở vùng Kursk.
Nếu quân Nga thành công cắt đứt tuyến đường này, tàn quân Ukraine ở khu vực Kursk sẽ bị bao vây như cá nằm trong rọ và nếu họ không rút lui kịp thời, quân đội Nga sẽ loại khỏi vòng chiến nhóm quân này, đồng thời binh lực lớn của Nga sẽ sử dụng tuyến đường cao tốc để nhanh chóng tiến tới Sumy.
BÌnh luận về cục diện chiến trường trong mấy ngày qua, nhà báo Đức Julian Röpke của tờ Bild nhận định, quân Nga đang sử dụng một chiến thuật tấn công theo kiểu “đóng móng ngựa”.
Ông Röpke cho biết, thay vì tấn công trực diện, họ thích bỏ qua vị trí phòng thủ của Lực lượng Vũ trang Ukraine, chỉ tấn công vòng từ hai bên sườn và phía sau cứ điểm phòng thủ, buộc Quân đội Ukraine phải rút lui để tránh bị bao vây.
Đây là một ví dụ hoàn hảo về “chiến thuật đóng móng ngựa” của Nga mà Vladimir Zelensky đã nói đến là trận chiến ở hướng Bogatyrsky (phía tây Kurakhovo).
Không muốn bị tổn thất nặng nề để đánh bại quân đội Ukraine trong giao tranh trực tiếp ở các cứ điểm phòng thủ kiên cố, các tướng lĩnh Nga đã sáng suốt bỏ qua các thành phố và làng mạc để đánh vòng ra phía sau nhằm cắt đứt hậu cần, buộc Quân đội Ukraine phải rút lui để tránh bị bao vây.
VŨ KHÍ CHIẾN ĐẤU TẦM GẦN 'ĐỔ XÔ' TỚI UKRAINE
.jpg)
Viện trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine đang được đẩy nhanh và tập trung vào các loại vũ khí công nghệ thấp, nhưng chứng minh hiệu quả trong chiến đấu tầm gần với quân đội Nga.
Theo Kyiv Post, hôm 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healy cho hay hoạt động viện trợ giúp các lữ đoàn chiến đấu, và các đội hình hoạt động trên tiền tuyến của Ukraine ngày càng trở nên nguy hiểm hơn trong quá trình "chiến đấu tầm gần".
"Gói hỗ trợ lớn này sẽ tăng cường hỗ trợ cho cuộc chiến trên tiền tuyến của Ukraine. Nhiệm vụ của chúng tôi là trao cho các binh sĩ Ukraine những gì họ cần", ông Healy nói.
Cũng theo ông, Anh cùng với Na Uy sẽ chi 580 triệu USD để gửi cho Ukraine "hàng trăm nghìn" máy bay không người lái (UAV), mìn chống tăng, và tài trợ cho các phương tiện chiến đấu bên trong Ukraine.
Kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, quân đội Ukraine đã biến UAV trinh sát và tấn công giá rẻ từng bị giới chuyên gia quân sự coi chỉ là “đồ chơi” thành vũ khí thống trị trong các cuộc giao tranh với Nga.
Các đơn vị tiền tuyến của Ukraine chủ yếu dùng chiến thuật chờ đoàn xe bọc thép tấn công của Nga bị sa vào bãi mìn, sau đó dùng dàn UAV để chặn xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của đối phương. Những lính bộ binh Nga còn sống sót tiếp tục bị các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV), hoặc súng cối của Ukraine tấn công.
Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố kế hoạch trong năm 2025 sẽ bao gồm chuyển giao 4,5 triệu UAV cho các đơn vị chiến đấu của nước này với nguồn tài chính đến từ ngân sách nhà nước, quỹ viện trợ quốc tế, và đóng góp của người dân.
Còn vào ngày 31/3, Hà Lan đã thông báo cấp thêm 568 triệu USD để hỗ trợ "mua UAV quy mô lớn" cho Ukraine nhằm giúp “Kiev có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga ở tiền tuyến, và tạo ra sự khác biệt trong vùng xung đột". Theo thông báo chính thức, tổng số tiền hỗ trợ quân sự của Hà Lan cho Ukraine trong năm nay là 2,27 tỷ USD.
Hôm 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay ngoài việc tài trợ hàng trăm nghìn UAV cho Ukraine trong năm 2025, Berlin sẽ chuyển giao cho quân đội Ukraine thêm 4 hệ thống phòng không Iris-T cùng 300 tên lửa. Đây là một trong những hệ thống phòng không chiến đấu hiệu quả nhất mà quân đội Ukraine đang vận hành.
Bên cạnh đó, ông Pistorius cũng cho biết Đức sẽ chuyển 30 tên lửa Patriot từ trong kho của quân đội nước này cho Ukraine. Được biết, Đức, Hà Lan, Romania, và Mỹ đã gửi tổng cộng 6 hệ thống tên lửa Patriot cho Kiev. Hồi tháng 3, giới chức Ukraine cho hay kho dự trữ tên lửa Patriot đã gần cạn kiệt.
Còn trong tuần này, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố việc Mỹ không gửi thêm tên lửa Patriot sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống phòng không Ukraine. Bởi ngoài hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, Ukraine hiện không có phương tiện nào để đối phó với đòn tấn công từ tên lửa đạn đạo của Nga.
Những thiết bị khác được Đức sản xuất và đang trong danh sách vũ khí cấp cho Ukraine còn có 300 UAV trinh sát, 120 bệ phóng tên lửa phòng không di động cầm tay, 14 hệ thống pháo cùng khoảng 100.000 quả đạn pháo 155mm, 100 radar giám sát mặt đất, 25 xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3, và 15 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5. Quân đội Đức dự kiến sẽ ký hợp đồng cung cấp cho Ukraine thêm 1.100 radar giám sát trong tương lai gần.
Dù xe chiến đấu Marder và xe tăng Leopard 1A5 của Đức bị xem là lỗi thời theo tiêu chuẩn của NATO, nhưng chúng lại được quân đội Ukraine ca ngợi về khả năng cơ động.
Hồi đầu tháng 4, Đan Mạch cũng đã phê duyệt gói viện trợ trị giá 970 triệu USD cho Ukraine để tài trợ cho hoạt động phòng không, sản xuất UAV, phát triển công nghệ thông tin quân sự, tiêm kích F-16, và phụ tùng thay thế.
Còn vào cuối tháng 3, Thụy Điển đã công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử nước này cho Ukraine với 950 triệu USD để mua vũ khí, và 550 triệu USD hỗ trợ tài chính trực tiếp cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Trên thực tế, Thụy Điển là nguồn cung chính các vũ khí chiến đấu công nghệ cao cho quân đội Ukraine. Những vũ khí nổi bật nhất phải kể tới là xe chiến đấu bộ binh CV90, xe tăng Leopard 2 được nâng cấp, hơn 1.000 tên lửa chống tăng AT4, và lựu pháo Archer đẳng cấp thế giới. Tổng giá trị hỗ trợ quân sự mà Thụy Điển đã gửi cho Ukraine cho tới nay là 8,2 tỷ USD.
Hơn 30 quốc gia đã quyên góp gần 130 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong đó, Mỹ đứng đầu với con số 61 tỷ USD, và Đức đứng thứ 2 với 30 tỷ USD hỗ trợ Kiev.
CUỘC ĐUA GIÀNH ĐẤT HIẾM TẠI TRUNG Á
Quốc gia Trung Á Kazakhstan vừa phát hiện ra trữ lượng đất hiếm được cho là lớn thứ ba thế giới.
Mới đây, một mỏ nguyên tố đất hiếm đáng kể đã được tìm thấy ở Karagandy, Kazakhstan, với trữ lượng tiềm năng là 20 triệu tấn. Vào đêm trước Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á lần thứ 20 diễn ra vào ngày 27/3 tại Uzbekistan, Kazakhstan đã công bố phát hiện ra một mỏ nguyên tố đất hiếm lớn.
Lấy tên gọi là "New Kazakhstan", các chuyên gia ước tính mỏ đất hiếm này có gần 1 triệu tấn xeri, lanthanum, neodymium và yttrium…, là các nguyên tố được sử dụng làm thành phần trong các thiết bị như điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số và ổ cứng máy tính.
"Bốn khu vực triển vọng đã được xác định trong địa điểm này với tổng trữ lượng đất hiếm ước tính đạt 935.400 tấn", người phát ngôn của Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan cho biết.
Các ước tính sơ bộ cho thấy tổng trữ lượng tại "New Kazakhstan" có thể lên tới 20 triệu tấn ở độ sâu 300 mét, với hàm lượng đất hiếm trung bình là 700 gam trên một tấn.
Nếu được xác nhận, phát hiện mới này sẽ đưa Kazakhstan vào top ba quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã kêu gọi tiếp tục tiến hành thăm dò mỏ đất hiếm này. Ông Georgiy Freiman, chủ tịch ủy ban điều hành của Hiệp hội các chuyên gia khai khoáng độc lập chuyên nghiệp (PONEN), cho biết mọi thứ vẫn còn ở giai đoạn đầu.
Theo Chủ tịch Cơ quan Địa chất Quốc gia - ông Yerlan Galiyev, Kazakhstan hiện có 15 mỏ đất hiếm lớn, là thành phần quan trọng về mặt chiến lược của công nghệ điện tử và năng lượng sạch. Lãnh đạo Kazakhstan mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác quốc tế để khám phá những cơ hội to lớn mà các mỏ đất hiếm này mang lại.
Thông báo chiến lược
Việc thăm dò địa điểm này bắt đầu vào năm 2022, với các phát hiện được báo cáo cho chính phủ Kazakhstan vào tháng 10/2024.
Các nhà phân tích cho biết thời điểm công bố công khai mỏ đất hiếm ngay trước Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á - là thời điểm mang tính chiến lược.
Trong hội nghị thượng đỉnh, EU đã công bố ý định tăng cường hợp tác với Kazakhstan, thông qua Lộ trình mới cho giai đoạn 2025 - 2026, trong đó tập trung vào "tăng cường hợp tác về thăm dò, nghiên cứu và đổi mới địa chất".
"Thông báo được đưa ra đúng thời điểm vì nó làm tăng tầm quan trọng của Kazakhstan trong toàn bộ cuộc thảo luận về các nguyên liệu thô quan trọng", bà Aleška Simkić - Đại sứ EU tại Kazakhstan cho biết.
"Tôi nghĩ rằng nó đã thành công trong việc đưa Kazakhstan lên bản đồ đất hiếm của EU", bà nói thêm, trước khi nói rằng "vẫn còn một số thách thức" đối với hoạt động khai thác khoáng sản đất hiếm ở quốc gia Trung Á này.
Bước đi tiếp theo
Theo công ty thăm dò đã thực hiện khám phá ban đầu, việc phát triển mỏ đất hiếm này có thể mất tới 6 năm và cần khoảng 10 triệu USD để đầu tư.
Kazakhstan hiện vẫn còn thiếu các công nghệ cần thiết để chế biến sâu các nguyên tố đất hiếm và sẽ cần sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài.
Theo giới phân tích, Trung Quốc có khả năng tham gia vào quá trình này vì họ là nước tiêu thụ kim loại đất hiếm lớn nhất và là nước sản xuất hàng hóa bằng kim loại đất hiếm lớn nhất, bao gồm pin và tấm pin mặt trời.
"Thị trường thứ hai có thể sẽ là Liên minh châu Âu EU, bởi những chương trình nghị sự xanh, công nghệ xanh, mọi thứ liên quan đến phát triển bền vững các nguồn năng lượng bền vững đều là ưu tiên ở đó", mộ chuyên gia trong lĩnh vực đất hiếm cho biết. "Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý giữa EU và Kazakhstan xa nhau, đó là lý do tại sao họ cần phát triển Hành lang giữa", vị chuyên gia này nói thêm.
Thay đổi cục diện cuộc đua giành nguồn cung đất hiếm
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc dường như đã tìm ra một vũ khí mới đầy tiềm năng để đáp trả lại các đòn áp thuế từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, thay vì những biện pháp trả đũa thuế quan thông thường, Bắc Kinh đã quyết định khai thác sức mạnh từ nguồn tài nguyên thiên nhiên then chốt mà họ đang nắm giữ, đó là khoáng sản đất hiếm.
Chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc xuất khẩu 7 loại kim loại đất hiếm - động thái được xem là trực tiếp đáp trả lại các lệnh áp thuế trả đũa của Mỹ lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này được thể hiện rõ ràng qua việc Trung Quốc mở rộng việc sử dụng các khoáng sản quan trọng như một công cụ thương mại.
Hiện tại, Trung Quốc sở hữu gần 70% tổng sản lượng kim loại đất hiếm của toàn thế giới - loại tài nguyên quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao. Dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất không phải là lệnh cấm hoàn toàn, nhưng điều này có nghĩa là bất kỳ lô hàng nào xuất khẩu cũng sẽ phải trải qua quá trình giám sát chặt chẽ hơn. Điều này có thể dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào đất hiếm.
Khoáng sản đất hiếm là thành phần không thể thiếu trong sản xuất ô tô điện, điện thoại thông minh, máy tính, năng lượng tái tạo (như turbine gió), và thậm chí cả các hệ thống vũ khí hiện đại. Sự phụ thuộc của Mỹ và nhiều quốc gia khác vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc từ lâu đã được coi là một lợi thế địa chính trị tiềm năng mà Bắc Kinh có thể sử dụng khi cần thiết.
Với việc Liên minh châu Âu cân nhắc chuyển tâm điểm tìm nguồn cung đất hiếm từ quốc gia Trung Á Kazakhstan, cuộc đua giành nguồn cung đất hiếm có thể bị định hình lại trong bối cảnh leo thang thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nguồn: Báo Tin Tức; Soha; Vietnamnet; CafeF
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá