Sản xuất sữa giả quy mô lớn; Tràn lan quảng cáo bán pháo; Asanzo bị 'sờ gáy'; BĐS lo 'chết chìm'; Mặt bằng cho thuê khởi sắc

Cách vận hành của đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn

(Ảnh minh họa).

Vũ Thành Công thuê 6 nhân công và phân công công việc cụ thể cho từng người với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng để sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu Ensure, Alpha Lipid, Glucerna. Khi có sữa thành phẩm, Công đăng tin chào bán các sản phẩm trên các trang thương mại điện tử và giao hàng qua hệ thống giao hàng nhanh.

Khám xét 4 địa điểm

Qua công tác nắm địa bàn, Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM phát hiện mạng lưới tổ chức, buôn bán thực phẩm giả là sữa bột giả nhãn hiệu Ensure, Glucerna do đối tượng Vũ Thành Công (36 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) chủ trì, tổ chức sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa phương tại tỉnh Bình Dương và TPHCM.

Do đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra, triệt phá đồng loạt tại 4 địa điểm sản xuất, buôn bán sữa giả.

Cụ thể, kiểm tra nhà xưởng tại địa chỉ 53B/7, đường Lồ Ồ, khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương; cửa hàng tại đường L, khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương; kho hàng tại đường 29, Khu dân cư Vĩnh Phú 2, khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương; trụ sở Công ty Đu Đủ Xanh tại đường HT35, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM.

Kết quả, Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM đã phát hiện, tạm giữ hình sự 8 đối tượng cùng toàn bộ tang vật vi phạm là 7.525 lon sữa bột các loại. Trong đó, 6.309 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu Ensure loại 850 gam, 204 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu Ensure loại 400 gam, 28 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu Glucerna loại 850 gam, 984 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu Alpha Lipid loại 450 gam.

Ngoài ra, Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM còn có số lượng lớn vỏ lon sữa bột, bao bì, tem nhãn, máy móc, thiết bị sản xuất và 1 xe ô tô màu trắng nhãn hiệu Mercedes biển kiểm soát 51L-436.29, 1 ô tô tải thùng kín màu trắng nhãn hiệu Hyundai biển kiểm soát 51D-630.47. Tổng trị giá tang vật, phương tiện, máy móc, thiết bị… thu giữ tại 4 địa điểm ước tính lên tới 14,5 tỷ đồng.

Bước đầu, Vũ Thành Công khai nhận là người đứng ra thuê nhà xưởng và trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công công việc cho các cá nhân sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu Ensure, Alpha Lipid, Glucerna tại nhà xưởng đặt tại đường Lồ Ồ, khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Lợi nhuận khủng, trả lương công nhân 20 triệu đồng/tháng

Theo đó, Vũ Thành Công thuê 6 nhân công và phân công công việc cụ thể cho từng người với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Võ Văn Tiến (25 tuổi, quê Bình Định) được phân công cắt và đổ sữa bột nhãn hiệu Base Milk do Công ty CP Xuất nhập khẩu Sacofood (ở ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM sản xuất) vào máy cân, san chiết sữa bột.

Còn Đặng Trần Triệu Vỹ (25 tuổi, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM) vận hành máy cân, san chiết sữa bột vào các lon sữa nhãn hiệu Ensure, Alpha Lipid, Glucerna trên lon sữa in dòng chữ Made in Spain, Made in New Zealand.

Sau đó, Lê Quốc Khánh (25 tuổi, ngụ phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vận hành máy dập nắp lon sữa nhãn hiệu Ensure. Lưu Văn Hòa(39 tuổi, ngụ phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) sẽ in hạn sử dụng lên nắp lon sữa.

Các đối tượng khác, gồm Trương Nhật Duy (20 tuổi, ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) và Nguyễn Văn Hạnh (25 tuổi, ngụ khu dân cư Vĩnh Phú 2, khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) dán tem giấy nhãn hiệu Ensure, Alpha Lipid, Glucerna lên nắp nhựa và đóng nắp nhựa vào các hộp sữa Ensure, Alpha Lipid, Glucerna.

Cuối cùng, Duy và Hạnh đóng các hộp sữa Ensure, Alpha Lipid, Glucerna vào thùng giấy màu vàng nâu, trên thùng có chữ Ensure, Alpha Lipid, Glucerna và dán keo nắp thùng thành phẩm, mỗi thùng chứa 6 lon.

Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM cho biết, 6 cá nhân trên biết rõ việc Vũ Thành Công hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa bột nhãn hiệu Ensure, Alpha Lipid, Glucerna nhưng vẫn đồng ý giúp sức với vai trò đồng phạm.

Khi làm thành sữa thành phẩm, Vũ Thành Công đăng tin chào bán các sản phẩm trên các trang thương mại điện tử và giao hàng qua hệ thống giao hàng nhanh.

Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM khẳng định, Vũ Thành Công sản xuất và buôn bán sữa giả từ tháng 11/2023 đến nay, thu lợi bất chính khoảng 3 tỷ đồng. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, cứ khoảng 1 tháng, Vũ Thành Công thay đổi địa điểm hoạt động sản xuất một lần.

Hiện tại, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra , làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.

Tràn lan quảng cáo bán pháo trên mạng dịp cận Tết: Bài 1: Rao bán đủ các loại pháo trái phép

Chỉ cần truy cập vào một số trang, hội nhóm trên mạng xã hội là có thể thấy tràn lan các loại pháo không rõ nguồn gốc.

Quảng cáo bán pháo công khai

Cứ vào dịp cận Tết Nguyên đán, những thông tin như mua bán pháo, vận chuyển pháo, bán pháo hoa Tết lại xuất hiện nhan nhản trên mạng. Mặc dù đây là hàng hoá bị cấm và không được vận chuyển, tàng trữ sử dụng theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, hiện nay hầu như chỉ cần vài cú nhấp chuột, chốt giá là người dân có thể tìm mua được sản phẩm pháo hoa lậu trên mạng xã hội. Các hoạt động mua bán rất công khai tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Để tìm hiểu về quy trình trên, PV Người Đưa Tin đã đóng vai người mua, liên hệ với nhiều tài khoản trên mạng xã hội, các nhóm mua bán pháo để tìm hiểu phương thức mua bán, giao dịch của các nhóm đối tượng.

Trên trang mạng xã hội Facebook có tên “Tổng kho T.H” đăng tải một số hình ảnh, thông tin video quảng cáo về các loại pháo bánh, pháo mâm và pháo cù. Chủ trang này còn để số điện thoại lại trên chính những dòng trại thái để cho người dân, người có nhu cầu mua pháo nổ trong dịp Tết tiện liên lạc.

Liên hệ với tài khoản trên, PV được giới thiệu rằng tài khoản này bán các loại pháo với giá từ 400 - 1,2 triệu đồng/ sản phẩm. Người này còn cam kết giao hàng kỹ lưỡng, cho địa điểm giao sẽ gửi hàng đến.

PV đặt vấn đề về việc an toàn và giao dịch thanh toán, người này cho biết đặt hằng và cho địa điểm sau đó trong quá trình nhận hàng sẽ thanh toán trực tiếp. Người bán hàng cũng không đề cập đến vấn đề an ninh trật tự dù PV đã cố hỏi nhiều lần.

Sẵn sàng giao pháo lậu tận nơi

Ngoài những nhóm bán pháo của nước ngoài, thì chỉ cần lên mạng tìm kiếm cụm từ pháo Tết, mua pháo Tết… là nhan nhản các hội nhóm xuất hiện, thậm chí là có những group chát chỉ dành cho người mua bán pháo.

Điều đáng nói, một số trang mạng xã hội đăng tải những hình ảnh pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhưng khi được hỏi mua hàng thì các tài khoản nói chỉ bán các loại pháo của nước ngoài.

Liên lạc với một tài khoản mạng xã hội “PHT...., tài khoản này cũng cho biết, có các mối bán hàng pháo hoa Thái, Trung… nhưng giao dịch cẩn thận và chỉ bán khi đặt mua từ 2 thùng trở lên và chuyển trước từ 20% số tiền để làm tin.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tìm mua pháo hoa của người dân ngày càng cao, thì trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều tài khoản đăng công khai bán các loại pháo hoa lậu, vi phạm quy định pháp luật.

Trong khi quy định hiện nay chỉ cho người dân sử dụng pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất. Cơ quan chức năng cũng đang tích cực và kiểm soát nhiều hình thức vận chuyển buôn bán pháo lậu để đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Asanzo bị ‘sờ gáy’

(Ảnh minh họa).

Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TPHCM vừa có quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo do nợ hơn 48 tỷ đồng tiền thuế.

Theo Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TPHCM, lý do Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo (182 Lê Đại Hành, Quận 11, TPHCM) bị cưỡng chế do có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với số tiền bị cưỡng chế trên 48,1 tỷ đồng.

Quyết định này nhằm thi hành nội dung công văn đề nghị của Cục Thuế TPHCM và có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 24/1/2024.

Ông Lê Tuấn Bình - Chi cục trưởng Hải quan quản lý hàng đầu tư - cho biết, quyết định chỉ chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ được Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn 1 năm Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo bị Cục Hải quan TPHCM áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan. Vào tháng 12/2022, Cục Hải quan TP.HCM đã dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp này do nợ hơn 47 tỷ đồng tiền thuế.

Bất động sản lo ‘chết chìm’ vì quy định mới của ngân hàng

Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2024 quy định người dân không được vay tiền ngân hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai và thế chấp bằng chính căn nhà đó khiến giới kinh doanh bất động sản lo lắng.

Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 1/7, trong đó có quy định người dân không được vay tiền ngân hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai và thế chấp bằng chính căn nhà đó.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, bên cạnh các quy định tích cực, nổi bật của Thông tư 22 thì bản thân ông và các doanh nghiệp bất động sản rất quan ngại về quy định tại điểm a khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 22).

Theo quy định này, khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản đối với cá nhân để mua nhà, bao gồm nhà ở thương mại thì ngân hàng chỉ được cho cá nhân vay để mua nhà đã được hoàn thành để bàn giao, tức là nhà ở có sẵn.

Như vậy, Thông tư số 22 không cho phép ngân hàng cho cá nhân vay để mua nhà ở thương mại chưa được hoàn thành để bàn giao (tức là nhà ở thương mại hình thành trong tương lai) được bảo đảm (thế chấp) bằng chính căn nhà đó. Nên cá nhân muốn được vay tín dụng để mua nhà ở thương mại hình thành trong tương lai sẽ phải thực hiện các biện pháp bảo đảm khác hoặc bảo đảm bằng tài sản khác.

“Nếu không sửa đổi ngay quy định này thì có thể dẫn đến hệ quả xấu, gây khó khăn, cản trở hoạt động bình thường của thị trường bất động sản, sẽ tác động tiêu cực đến tiến trình phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản cả trước mắt và về lâu dài”, ông Châu nói.

Theo Chủ tịch HoREA, việc cá nhân mua nhà ở thương mại hình thành trong tương lai và thế chấp tài sản là nhà ở thương mại hình thành trong tương lai đó là giao dịch dân sự hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Nên nhà ở thương mại hình thành trong tương lai hoàn toàn có thể dùng làm tài sản bảo đảm. Do vậy quy định trên không phù hợp, không đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

“Quy định trên của Ngân hàng Nhà nước là không phù hợp, không đồng bộ, thống nhất với các quy định của luật Nhà ở 2014, luật Nhà ở 2023 và cả luật Kinh doanh bất động sản 2014, luật Kinh doanh bất động sản 2023, luật Đầu tư 2020, luật Các tổ chức tín dụng 2024”, ông Châu khẳng định.

Từ các nghiên cứu, đối chiếu các quy phạm pháp luật có liên quan và tình hình thực tiễn, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 22) theo hướng bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng cho cá nhân vay tín dụng để mua nhà ở thương mại hình thành trong tương lai được bảo đảm (thế chấp) bằng chính căn nhà đó, áp dụng cho cả trường hợp mua nhà ở thương mại hoặc mua nhà ở xã hội đã được hoàn thành để bàn giao theo hợp đồng mua bán nhà (nhà ở có sẵn) hoặc mua nhà ở thương mại hoặc mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai được bảo đảm (thế chấp) bằng chính căn nhà đó.

Mặt bằng cho thuê bắt đầu khởi sắc

(Ảnh minh họa).

Sau 2-3 năm im lìm, ế ẩm, vài tháng gần đây, mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm TP HCM đã nhộn nhịp trở lại

Dạo quanh khu trung tâm quận 1 những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi thật sự bất ngờ khi thấy các tuyến đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn… vài tháng trước còn chi chít bảng dán "cho thuê nhà", "cho thuê mặt bằng" thì nay gần như đã lấp đầy trở lại.

Thay đổi bất ngờ

Nhiều cửa hàng đã khai trương và mở cửa kinh doanh từ 1-2 tháng trước, khách ra vào khá nhộn nhịp. Một số khác đã hoàn thành, đang chờ ngày mở cửa chính thức và cũng có không ít cửa tiệm đang được gấp rút hoàn thiện để kịp khai trương trước Tết Nguyên đán. Một nhân công tên Tuấn, đang thi công cửa hàng bán thời trang, trang sức từ Hàn Quốc ngay mặt tiền đường Lý Tự Trọng (quận 1), cho biết phần nội thất cơ bản đã hoàn chỉnh, chỉ còn mặt tiền đang chỉnh lại màu sơn để kịp khai trương vài ngày tới.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các cửa hiệu mới và sắp sửa hoạt động ở khu trung tâm quận 1 chủ yếu kinh doanh thời trang, phụ kiện, nhà hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi và một số dịch vụ, giải trí. Những người bán hàng dọc các tuyến đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu cho biết mặt bằng cho thuê khu vực này bắt đầu khởi sắc khoảng 2-3 tháng nay. Đặc biệt, những tuần đầu tháng 1, có nhiều cửa hàng khai trương, khách tới lui tấp nập.

Anh Trần Anh Thái, một người môi giới bất động sản ở khu vực trung tâm quận 1, cho biết sau hơn 2 năm ế ẩm, nhiều chủ mặt bằng "gồng" hết nổi nên chấp nhận hạ giá để có khách thuê. Giá thuê hiện đã giảm khoảng 15%-20% so với trước đại dịch. Ví dụ, mặt bằng khu Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu trước đây giá thuê tới 230-250 triệu đồng/tháng thì nay chỉ tầm 180-200 triệu đồng/tháng. Nhiều chủ nhà cũng đồng ý nhận cọc một tháng chứ không yêu cầu đặt cọc 2-3 tháng như trước đây.

Trao đổi với chúng tôi, chủ một thương hiệu ăn uống (F&B) vừa khai trương nhà hàng trên đường Hồ Tùng Mậu cho rằng thời điểm này, chỉ có các start-up (khởi nghiệp) hay những đơn vị kinh doanh nhỏ còn chưa mạnh dạn trở lại thị trường vì bài toán chi phí nhưng với các nhãn hàng, hệ thống lớn thì thời điểm hiện tại đã là đáy của thị trường, là cơ hội tốt nhất để lựa chọn mặt bằng ưng ý và giá thuê tốt để mở rộng kinh doanh. Bởi, nếu không chờ thị trường khởi sắc, ai cũng tranh nhau thuê sẽ mất cơ hội.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT VNO Group, doanh nghiệp chuyên đầu tư, quản lý và vận hành văn phòng cho thuê tại TP HCM, tín hiệu khởi sắc của mặt bằng bán lẻ đã bắt đầu từ quý III/2023, khi một số cửa hàng, thương hiệu lớn trong và ngoài nước bắt đầu "khởi động lại" sau thời gian nằm chờ khá dài. Tuy nhiên, theo ông Hải, chỉ những mặt bằng có môi giới chuyên nghiệp, tư vấn nhiệt tình và chủ nhà có thiện chí mới tìm được khách thuê, còn những chủ nhà cứ khư khư giữ giá rất khó tìm được khách thuê.

Mặt bằng thương mại tăng giá

Ngoài các mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường, mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại thời gian qua cũng có sự khởi sắc rõ rệt. Một thống kê cho biết năm 2023 vừa qua có tới hơn 30 thương hiệu mở mới và mở thêm tại Việt Nam. Trong đó có nhiều thương hiệu lớn của thế giới như UNIQLO, H&M, Hublot, MiniSo, Cotti Coffee, Runway, Shuyi...

Theo Cushman & Wakefield, mặc dù trong bối cảnh mua sắm đa kênh phát triển mạnh mẽ, các nhà bán lẻ cũng như các chủ đầu tư ngày càng chú trọng đến việc kiến tạo không gian mua sắm nhằm mang đến những trải nghiệm thoải mái, đa dạng cho khách hàng cảm nhận sản phẩm, song song với việc phát triển những kênh mua sắm trực tuyến nhằm tối đa hóa doanh thu.

Báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield về mặt bằng bán lẻ cho thấy quý cuối cùng của năm 2023, tỉ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại đạt gần 90%, tăng 0,2 điểm phần trăm so quý trước và tăng 1,9 điểm phần trăm so cùng kỳ. Đặc biệt, giá thuê mặt bằng không giảm mà còn tăng 2,1% theo quý và tăng đến 7,6% theo năm, đạt trung bình 53,1 USD/m2/tháng. Giá thuê tăng chủ yếu đến từ 2 dự án mới khai trương ở TP HCM là Hùng Vương Plaza (quận 5) và Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nhận định thị trường bán lẻ tại TP HCM nói riêng và nền kinh tế nội địa nói chung đang phát triển tốt, đặc biệt là lĩnh vực F&B và giải trí. "Theo ghi nhận của Savills, thị trường bán lẻ hiện đại như các cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm và nền tảng bán lẻ đang giao dịch rất tốt. Giá thuê và tỉ lệ lấp đầy đều mạnh mẽ" - ông Troy Griffiths thông tin.

Tuy vậy, đang có sự thay đổi ở các cửa hàng truyền thống hoặc chợ truyền thống theo hướng khó khăn hơn do ngày càng nhiều mô hình bán lẻ mới nổi lên. Do đó, trong tương lai, những cửa hàng mua sắm truyền thống sẽ tiếp tục được thay thế bằng những mô hình hiện đại hơn để thu hút người tiêu dùng. Điều này buộc các chủ mặt bằng phải tham gia vào quá trình phát triển tài sản của mình hoặc định vị lại để hấp dẫn khách thuê và người tiêu dùng.

Nguồn: Kenh14; Người Đưa Tin; Soha; Tiền Phong; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang