Sân bay Long Thành; Kỷ lục đường sắt Việt Nam; Cuộc đua vào trường chuyên; Đất vàng tổng cục đường sắt; Bốn tuyến đường Thủ Thiêm; Truyền thuốc hết hạn

Dự kiến khởi công Sân bay Long Thành vào quý II-2021

Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, ACV sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thành vào quý II/2021, hoàn thành vào năm 2025.

Theo Vnexpress, ngày 4/7, ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Hội đồng thẩm định nhà nước đã chủ trì họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) sân bay Long Thành vào tháng 5.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thẩm định đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) - đơn vị lập FS, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ để trình lại. Sau khi Bộ Giao thông Vận tải trình lại, tổ thẩm định đang xem xét để báo cáo lại Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.

Nếu Thủ tướng phê duyệt dự án vào đầu tháng 7 này, ACV sẽ hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để khởi công dự án vào quý II năm sau và hoàn thành vào năm 2025.

Để xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi khoảng 5.000 ha đất. Trong đó, giai đoạn 1 rộng 1.800 ha, trong đó khoảng 630 ha của hơn 1.000 hộ gia đình; phần diện tích còn lại là của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

Đến nay Chính phủ đã bố trí hơn 17.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành. Đến 30/5, tỉnh Đồng Nai đã giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng. Tỉnh này cũng cam kết hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào tháng 10 hoặc trong năm nay.

https://media.moitruongvadothi.vn/2020/07/05/9804/1593914941-san-bay-long-thanh.jpg

Cuối năm 2019, Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 4,779 tỷ USD.

Quốc hội nhất trí việc đầu tư xây dựng 1 đường cất/hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, GPMB và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ dự án không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015 về chủ trương đầu tư Dự án CHK Long Thành.

Quốc hội cũng giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.

Về phương án huy động vốn, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; Bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch.

Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050ha thành 570ha dành riêng cho quốc phòng và 480ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng song Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, ACV dự kiến sẽ phải vay 2,6 tỉ USD trong giai đoạn 1, chưa kể đến khoảng 11 tỉ USD khác để thực hiện giai đoạn 2 và 3.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, tại tờ trình mới nhất lần này, Chính phủ dự toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4,779 tỉ USD, chưa bao gồm chi phí bồi thường, tái định cư (gần 1 tỉ USD).

Do đó, so với cơ cấu vốn giai đoạn 1 tại Nghị quyết 94 (114.450 tỉ đồng, tương đương gần 4,8 tỉ USD, đã bao gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng) thì mức đầu tư hiện nay đã vượt gần 1 tỉ USD.

Kỷ lục buồn của Đường sắt Việt Nam

“Oằn mình” cạnh tranh

Chị Mai Phương Anh (Đống Đa, Hà Nội) đang loay hoay cân nhắc cách đặt vé cho cả nhà đi du lịch hè này, cố gắng tìm các combo du lịch giá rẻ, phù hợp chi phí của gia đình. Hàng loạt combo ưu đãi (bao gồm vé máy bay, phòng khách sạn) được nhiều người tư vấn với mức giá “hạt dẻ”, chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/người cho chuyến đi Hà Nội – Nha Trang trong 3 ngày 2 đêm, thậm chí là 4 ngày 3 đêm. Tính ra, trừ đi phòng khách sạn, chị Phương Anh chỉ cần chi khoảng 2 - 2,5 triệu đồng cho một vé máy bay khứ hồi.

Gần đây, nhiều người lựa chọn máy bay là phương tiện di chuyển tất yếu mỗi khi có nhu cầu đi xa khi các hãng hàng không liên tục tung chiêu khuyến mại, giảm giá vé, tăng chất lượng dịch vụ để cạnh tranh. Nếu di chuyển quãng đường ngắn từ 200 - 300km thì lựa chọn khả dĩ hơn sẽ là xe khách với các tuyến cố định, xe giường nằm chất lượng dịch vụ cao, thậm chí là có phòng riêng cho loại xe limousine.

Nói cách khác, từ lâu, khái niệm đi du lịch bằng tàu hỏa trở nên lỗi thời, lạc hậu và thường chỉ dành cho các bạn trẻ muốn khám phá, hay những du khách nước ngoài đi để trải nghiệm với quỹ thời gian linh động, thoải mái. Điều này dễ hiểu khi so sánh về cả hai tiêu chí: giá cả và độ thuận tiện giữa tàu hỏa và hàng không. Với cùng quãng đường từ Hà Nội – Nha Trang, đi máy bay chỉ mất chưa đầy 2 tiếng trong khi du khách phải ngồi im trên tàu trong vòng 24 giờ đồng hồ, mà giá cả không hề cạnh tranh, tốn khoảng 3 triệu đồng/2 chiều cho vé loại giường nằm, có điều hòa.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Đường sắt từng có nguy cơ dừng chạy tàu trên toàn quốc vì nợ lương hơn 11.000 nhân viên).

Điều cơ bản này đã được lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nhìn nhận rất rõ, và không ít lần chia sẻ với truyền thông cũng như các cuộc họp của ngành.

Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh từng nhận định: "Ngành đường sắt đang gặp áp lực cạnh tranh khá gay gắt từ các loại hình vận tải khác, trong khi còn vướng nhiều cơ chế, chính sách để làm lực đẩy phát triển. Đặc biệt, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới và cự ly ngắn, trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Đó là chưa kể áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa... Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế".

Cạnh tranh, vướng cơ chế... là những lý do mà Chủ tịch Đường sắt Việt Nam đưa ra. Đó là trước khi có dịch bệnh Covid-19 xảy ra, gây tác động tiêu cực đến tất cả các ngành kinh tế, xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Covid-19 chỉ là giọt nước tràn ly

Mới đây nhất, HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phê duyệt báo cáo kế hoạch kinh doanh năm 2020 với những con số và nhận định khá u ám. Năm 2020, VNR dự kiến sản lượng và doanh thu hợp cộng toàn tổng công ty giảm tới 23% so với năm 2019. Đáng chú ý, VNR dự kiến lỗ sau thuế hơn 1.394 tỷ đồng trong năm 2020. Đây là con số lỗ kỷ lục của ngành từ trước đến nay.

Nên biết, giai đoạn 2016 - 2019, dù gặp nhiều khó khăn và có sự trồi sụt nhất định, lợi nhuận trước thuế được VNR ghi nhận hàng năm cũng dao động ở mức 145 - 180 tỷ đồng (trừ năm 2017 sau sự cố sập cầu Ghềnh nên lợi nhuận sụt giảm còn 117 tỷ đồng).

Trong kế hoạch lỗ 1.400 tỷ đồng năm 2020, VNR cho biết hoạt động sản xuất - kinh doanh dự kiến lỗ 711,88 tỷ đồng. Trong đó, 2 công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn dự kiến lỗ 618,29 tỷ đồng, công ty mẹ - VNR dự kiến lỗ 168,4 tỷ đồng. Còn lại, 20 công ty cổ phần đường sắt dự kiến lãi tổng cộng gần 70 tỷ đồng; 3 công ty cổ phần khối công nghiệp, cơ khí dự kiến lãi gần 5 tỷ đồng. Những con số trên đều chưa được tính đến tác động của dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, VNR cũng dự kiến ghi nhận các khoản lỗ khác như xử lý tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang của công ty mẹ, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 là 682,4 tỷ đồng. Cùng với đó là chi phí khấu hao, hao mòn tài sản theo quy định phải hạch toán vào chi phí nhưng chưa có nguồn thu bù đắp tổng cộng gần 59 tỷ đồng.

Do đó, nếu tính đúng, tính đủ đến tác động của dịch Covid-19, kết quả kinh doanh năm 2020 của VNR có thể còn bi đát hơn mức lỗ dự kiến gần 1.400 tỷ đồng mà HĐTV VNR đưa ra.

Nhận định về những khó khăn chủ yếu ảnh hưởng đến SXKD của Tổng công ty, HĐQT VNR nêu ra hàng loạt lý do: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt rất khó khăn, 4 năm qua không có dự án mới nào được triển khai thực hiện, chưa giải quyết triệt để các nút thắt về vận tải.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường về giá cước và chất lượng dịch vụ mà vận tải hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc vẫn là thách thức lớn... Hiện ngành đường sắt chỉ chiếm thị phần gần 0,2% sản lượng vận chuyển hành khách và 1,2% sản lượng vận tải hàng hóa.

Trong khi đó, bộ máy cồng kềnh với hơn 11.000 lao động, nên chỉ trả lương cho cán bộ nhân viên cũng khiến ngành đường sắt đủ… mệt!

Hồi cuối tháng 2/2020, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch VNR - thậm chí đã từng đưa ra lời cảnh báo có thể phải dừng chạy tàu trên toàn quốc khi phải nợ lương hơn 11.000 nhân viên do những bất cập trong vấn đề giao dự toán ngân sách cho ngành sau khi chuyển giao đại diện vốn Nhà nước từ bộ Giao thông vận tải sang ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ Giao thông Vận tải, bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Khởi động “cuộc đua” áp lực nhất Hà Nội

Những năm gần đây, “cuộc đua” vào trường công tại Hà Nội được đánh giá là vô cùng áp lực. Mới đây, trường THPT chuyên Ngoại ngữ là ngôi trường THPT đầu tiên tại Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Hàng nghìn thí sinh đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sớm nhất Hà Nội nhưng vẫn lo lắng khi “cuộc chiến” chỉ mới bắt đầu.

Đề thi khó, thí sinh nhăn nhó

https://media1.nguoiduatin.vn/media/vu-thi-thuy-tien/2020/07/05/anh-5.jpg

Ngày 4/7, ngôi trường THPT đầu tiên tại Hà Nội đã chính thức “mở cửa sàn đấu” cho các thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong cả hai buổi thi, hàng nghìn thí sinh đều có mặt tại điểm thi trường THPT chuyên Ngoại ngữ (trường đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội) từ rất sớm, làm thủ tục dự thi và củng cố lại những phần kiến thức một lần trước khi chính thức làm bài thi.

Trong buổi sáng, sau khi làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế, thí sinh làm bài thi môn Đánh giá năng lực ngoại ngữ. Buổi chiều, các thí sinh tiếp tục với hai bài thi môn Đánh giá năng lực Toán và Khoa học tự nhiên cùng môn Đánh giá năng lực Văn và Khoa học xã hội.

Tuy nhiên, sau hàng giờ “chiến đấu”, không ít thí sinh bước ra với vẻ mặt lo lắng vì đề thi quá khó. Nhiều thí sinh không ngần ngại giãi bày, đã chuẩn bị tâm lý với các nguyện vọng ở các trường khác, vì nguyện vọng vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ khá “mong manh” do đề thi “ở một tầm cao mới”.

Thí sinh Trần Ngọc Khải (trường THCS Yên Hòa) cũng chia sẻ: “Bài thi hôm nay đối với em là khó. Đề thi môn chuyên tiếng Đức thì em cảm thấy tương đối dễ, còn đề thi môn Toán và Ngữ văn thì khó ơi là khó; đặc biệt, môn Toán em thấy “khoai” nhất ở phần hình học. Tỉ lệ “chọi” năm nay khá cao, tuy nhiên em cũng không quá áp lực cho bản thân vì đã chuẩn bị tâm lý và có một số nguyện vọng ở các trường khác.

Rời khỏi phòng thi với tâm trạng khá căng thẳng, em Nguyễn Hà My (học sinh trường THCS Thực Nghiệm) cũng bày tỏ: “Em thấy đề ngoại ngữ dễ hơn so với đề thi thử. Còn đề Toán và Ngữ văn thì khó hơn nhiều. Em ấn tượng nhất với câu tự luận đầu tiên của đề thi Ngữ văn.

Trong đợt vừa rồi, em cảm thấy áp lực lớn nhất khi vừa phải ôn thi theo đề thi của trường THPT chuyên Ngoại ngữ vừa phải ôn thi đề của sở GD&ĐT. Phần ngoại ngữ thì phải học ở một “tầm cao mới” so với đề thi bình thường và phải ôn cả các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đó cũng là một gánh nặng và “ngốn” khá nhiều thời gian của em”.

Thí sinh Lê Thu An (trường THCS Thực Nghiệm) cho biết: “Đề thi hôm nay khó hơn so với đề thi thử. Em hơi áp lực nên làm bài kém hơn bình thường. Phần thi chuyên tiếng Đức, em làm tạm ổn nhưng phần nói thì do bị run quá nên nói không tốt. Đề khoa học xã hội theo em đánh giá là khá mới lạ, có những bài vận dụng kiến thức xã hội, đơn cử như về bài về dịch Covid-19, có một câu hỏi là “Một bạn không đeo khẩu trang thì sẽ bị xử phạt hành chính hay xử phạt hình sự”, câu đó em hơi hoang mang. Em nghĩ tỉ lệ đỗ của em là khoảng 50%”.

“Cuộc chiến” mới chỉ bắt đầu

Trong khi các thí sinh đang “chiến đấu” trong phòng thi, hàng nghìn phụ huynh ngồi bên ngoài cũng nơm nớp nghĩ đến áp lực trên bài thi. Nhiều phụ huynh chia sẻ, ngồi ở ngoài chờ đợi, cảm giác cũng như “nín thở” theo con.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Chị Nga (Cầu Giấy), phụ huynh có hai con cùng thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Ngoại ngữ cho biết, chị không dám đặt kỳ vọng nhiều ở cuộc thi hôm nay, gia đình và con cũng đã xác định đây chỉ là một cuộc tập duyệt cho “trận chiến” thực sự trước mắt.

Chị nói: “Nhà tôi hôm nay có hai con đi thi, bản thân tôi không cảm thấy áp lực nhiều nên cũng cố gắng tạo không gian để các con có tâm lý thoải mái trước kỳ thi. Ngoài trường này, các con cũng đăng ký nguyện vọng ở ba trường chuyên khác. Hai con rất tự tin vì lực học tốt và đã chuẩn bị rất cẩn thận, học hết những gì có trong chương trình học. Vì vậy, các con cũng xem kỳ thi này giống như một sự trải nghiệm”.

Ông Công Văn Chất (72 tuổi, Tây Hồ) cũng bộc bạch: “Thực sự tôi mong con đạt được kết quả tốt, còn có trúng tuyển hay không thì cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ ở điểm thi và số thí sinh… Năm nay, do dịch Covid-19 ảnh hưởng, kết quả học tập năm lớp 9 của con cũng có phần giảm sút.

Tâm lý lo thì lo rất nhiều, nhưng lo cũng không giải quyết được việc gì, vì kết quả có đỗ vào trường hay không còn phụ thuộc vào kiến thức mà con lĩnh hội được và nhu cầu của nhà trường tuyển chọn chất lượng ra sao… nên tôi cũng chỉ biết động viên con thi thật tốt. Tôi tạo điều kiện hết sức cho con ôn thi, cho con đi thi thử thường xuyên, ngoài ra, gia đình cũng không biết làm gì hơn”.

Năm nay, theo thống kê số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10, trường THPT chuyên Ngoại ngữ nhận được 3.962 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay. Như vậy, so với chỉ tiêu tuyển là 475 (vào 3 hệ gồm hệ chuyên, chuyên có học bổng và hệ không chuyên) tỉ lệ “chọi” trung bình khoảng 1/8,34.

Về tỉ lệ “chọi” cụ thể từng khối chuyên, khối chuyên tiếng Anh có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất là 2.174 trong khi số chỉ tiêu của hệ chuyên và chuyên có học bổng là 195, tỉ lệ “chọi” của khối chuyên tiếng Anh khoảng 1/11,2; khối chuyên tiếng Nga (tỉ lệ “chọi” 1/11,1); khối chuyên tiếng Pháp (tỉ lệ “chọi” xấp xỉ 1/10,2). Tỉ lệ “chọi” được ghi nhận cao nhất ở khối chuyên tiếng Hàn (với 290 hồ sơ đăng ký và tổng chỉ tiêu là 25), tỉ lệ “chọi” xấp xỉ 1/11,6.

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ sẽ công bố kết quả vào ngày 19/7.

https://media1.nguoiduatin.vn/media/vu-thi-thuy-tien/2020/07/05/ti-le-choi-chuyen-ngoai-ngu.png

Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 (2 nguyện vọng này phải trong cùng một khu vực tuyển sinh), không kể các nguyện vọng dự tuyển vào các lớp chuyên của 4 trường chuyên trực thuộc sở GD&ĐT.

Xử lý hình sự nếu không thu hồi hai khu ‘đất vàng’ của Tổng Đường sắt

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết quả xử lý sau thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Nêu tại văn bản này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực theo thông báo số 165/TB-VPCP năm 2018 liên quan đến việc góp vốn của VNR tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt - 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước.

“Nếu không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự”- văn bản nêu rõ.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(2 khu đất vàng hiện đang để hoang phế, xuống cấp mất mỹ quan đô thị).

Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cụ thể xử lý đối với kiến nghị của Tổng Công ty: Không thu hồi khoản 41,742 tỉ đồng về Quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính. Khoản chi phí khấu hao tài sản cố định khi hạch toán chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của 15 công ty quản lý đường sắt và Công ty Cổ phần công trình đường sắt với giá trị 43,104 tỉ đồng. Và khoản chi phí thay đổi phương án thi công đối với 7 trụ của cầu Đồng Nai do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt phát sinh tăng chi phí hơn 1,6 tỷ đồng.

Góp vốn trái quy định

Năm 2016, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố Kết luận số 2222 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR. Theo Thanh tra Chính phủ, VNR đã làm trái các quy định của Nhà nước khi góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Kết luận của TTCP cho biết, VNR không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH MTV Hà Thành. Đồng thời, thuê thẩm định giá, đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Hội đồng thành viên VNR đã quyết định giá trị vốn góp là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở, trong khi VNR thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,4 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, 6 tháng cuối năm 2013 doanh nghiệp lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,5 tỷ đồng.

Theo xác định của TTCP, việc thực hiện thủ tục góp vốn của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 – 2015 (chấm dứt việc đầu tư ngoài ngành).

Về nội dung này, theo TTCP, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đầu thầu.

Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ GTVT, Bộ TNMT, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng đất tại 2 địa chỉ nêu trên đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên đến nay sau 4 năm có kết luận của TTCP, 2 khu đất vàng tại 80 Lý Thường Kiệt - 22 Phan Bội Châu, vẫn chưa được thu hồi về cho Nhà nước, trong khi cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra vi phạm cũng chưa bị xử lý trách nhiệm.

Mới đây, TTCP có báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2222. Theo đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện kiểm điểm, xử lý những tập thể, cá nhân liên quan việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND TP.Hà Nội, VNR xử lý các sai phạm có liên quan, thu hồi tài sản nhà nước và lập phương án sử dụng 2 khu đất hiệu quả, đúng pháp luật.

Những cán bộ nào thẩm định 4 tuyến đường 12.000 tỷ ở Thủ Thiêm?

Liên quan đến vấn đề xử lý sai phạm trong quá trình triển khai Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 cùng với Tổ Đại biểu HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã thông tin về việc xem xét xử lý những cán bộ sai phạm.

Theo ông Phong, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, những cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị đã bị kỷ luật. Ngoài ra, có 66 cán bộ đang bị kiểm điểm và xem xét xử lý. Đây là những cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Thành uỷ, trong đó chủ yếu là cán bộ các sở ngành và Ban quản lý Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm qua các thời kỳ.

Nói đến sai phạm trong quá trình triển khai KĐTM Thủ Thiêm không thể không nhắc đến dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). 4 tuyến đường đó là: Đại lộ Vòng Cung (R1), đường ven hồ trung tâm (R2), đường ven sông Sài Gòn (R3) và đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường ven sông – khu dân cư (R4).

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(4 tuyến đường chính ở KĐTM Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng).

4 tuyến đường chính này có tổng chiều dài 11,9km, bao gồm 10 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn, tuy nhiên tổng vốn đầu tư lên đến 12.182 tỷ đồng.

Vể tổng mức đầu tư, dự án 4 tuyến đường chính tại KĐTM Thủ Thiêm có các chi phí như xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, dự phòng khối lượng phát sinh, dự phòng trượt giá… khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu là 1.082 tỷ đồng, vốn vay 8.900 tỷ đồng và lãi phát sinh 2.111 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án lên đến 12.182 tỷ đồng.

17 cán bộ thẩm định dự án là ai?

Quá trình lập thủ tục đầu tư dự án 4 tuyến đường chính tại KĐTM Thủ Thiêm, trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Sở GT-VT Thành phố, ông Tất Thành Cang được xác định có những vi phạm nhất định.

Tuy nhiên, để có tổng mức đầu tư 12.182 tỷ đồng cho dự án 4 tuyến đường chính này, trước đó, ngày 2/10/2011 UBND TP.HCM đã có quyết định thành lập hội đồng gồm 17 cán bộ đại diện các sở ngành để thẩm định dự án. Trong đó, ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GT-VT (nay giữ chức Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM) làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

16 thành viên còn lại của Hội đồng thẩm định gồm:

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Sau quá trình thẩm định, ngày 28/10/2013 hội đồng nói trên đã báo cáo UBND TP.HCM kết quả thẩm định dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính tại KĐTM Thủ Thiêm. Trong đó thống nhất tổng mức đầu tư dự án là 12.182 tỷ đồng, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2013 đến năm 2016.

Báo cáo với Đoàn Giám sát HĐND TP.HCM về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trên địa bàn vào 26/6 vừa qua, UBND Thành phố cho biết, dự án 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm nằm trong những dự án trễ tiến độ so với dự kiến. Nguyên nhân do thủ tục đầu tư kéo dài, năng lực thi công, tài chính… của một số chủ đầu tư còn hạn chế, thời gian đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, chậm giao các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Vụ truyền thuốc hết hạn tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học: Ai là thủ phạm?

Nghi ngờ đánh tráo thuốc

Sở Y tế TP HCM vừa có văn bản báo cáo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) liên quan đến việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng xảy ra tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học (BV TM- HH) TP HCM.

Trước đó, theo báo cáo của BV TM-HH, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 24-6, bệnh viện nhận được phản ánh của người nhà bệnh nhi L.T.K.C. (chẩn đoán suy tủy) về việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đã hết hạn sử dụng. Phía bệnh viện lập tức tạm đình chỉ công tác những người liên quan, báo cáo Sở Y tế TP HCM về vụ việc.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(2 lọ Thymogam bị người nhà bệnh nhi phản ánh thuốc hết hạn).

Tổ công tác BV vào cuộc kiểm tra phát hiện hai lọ thuốc Antithumocyte Globuline (Thymogam 250mg) được cấp phát cho bệnh nhi L.T.K.C. có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1-2020 (trong đó một lọ đã sử dụng, còn một lọ đã sử dụng 1/3). Trong khi đó, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện thì hai lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là tháng 11-2021.

Qua xác minh và xem lại camera an ninh, tổ công tác BV TM-HH nghi ngờ có cá nhân đánh tráo thuốc khi cấp phát cho bệnh nhân. Lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, tìm phương án điều trị cho bệnh nhân và đề nghị Công an TP HCM vào cuộc điều tra.

Có dấu hiệu tiêu cực

Sở Y tế TP HCM cho biết ngày 26-6, đoàn công tác của sở tiến hành kiểm tra, xác minh tại 3 đơn vị gồm: Đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối và đơn vị sử dụng, có sự tham gia của Công an TP HCM.

Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận BV TM-HH mua thuốc từ Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco, địa chỉ trên đường Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4). Tổng số lượng mua thuốc Thymogam 250mg số lô A05418002, hạn sử dụng 31-1-2020 là 642 lọ, hết hạn vào tháng 4 - 2019, không tồn kho.

Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an TP HCM, Công an quận 1 đến BV TM-HH khám nghiệm hiện trường, trích xuất hình ảnh camera thì tình nghi 1 số đối tượng liên quan đến cấp thuốc Thymogam 250mg/5ml hết hạn sử dụng cho bệnh nhân.

Theo Sở Y tế TP HCM, kết quả kiểm tra thực tế tại ghi nhận có dấu hiệu tiêu cực tại Khoa Dược - BV TM-HH. Hiện Sở Y tế TP HCM đã cung cấp thông tin cho Công an TP HCM điều tra theo thẩm quyền.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị, Người Đưa Tin, Vietnamnet, Kenh14)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Cuộc sống thường nhật

Cảnh báo: Kiểm tra ô tô nước ngoài trên cao tốc, phát hiện hàng trộm cắp; Câu lạc bộ ở Berlin bị cảnh sát khám xét trong lúc đang hoạt động

24/04/2024

Dự kiến khởi công Sân bay Long Thành vào quý II-2021 Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, ACV sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thàn

Cảnh báo những tai nạn giao thông nghiêm trọng: Đâm trực diện; Cháy toa xe di động; Máy kéo lộn vòng; Xe đang chạy bùng cháy

24/04/2024

Dự kiến khởi công Sân bay Long Thành vào quý II-2021 Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, ACV sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thàn

Điểm nóng hình sự Berlin: Bị đâm bất tỉnh trước siêu thị ở Wedding; Kiểm tra túi thể thao hành khách tại ga tầu, phát hiện đồ ngờ vực

22/04/2024

Dự kiến khởi công Sân bay Long Thành vào quý II-2021 Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, ACV sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thàn

An sinh - Thuế

Người hưởng trợ cấp, thu nhập thấp cần biết: Đệ đơn xin trợ cấp phụ phí chữa, trồng răng 

17/04/2024

Dự kiến khởi công Sân bay Long Thành vào quý II-2021 Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, ACV sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thàn

Tổng hợp tiền con Kindergeld 2024 - Cha mẹ cần biết (PHẦN I)

16/04/2024

Dự kiến khởi công Sân bay Long Thành vào quý II-2021 Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, ACV sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thàn

Người cao tuổi cần biết:  Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer

05/04/2024

Dự kiến khởi công Sân bay Long Thành vào quý II-2021 Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, ACV sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thàn

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang