Quyền của học sinh học nghề ở Đức

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Một cuộc khảo sát của Liên hiệp công đoàn Đức (Deutscher Gewerkschaftsbund-DGB) với hơn 7.000 học sinh học nghề (HSHN) đã cho kết quả như sau: Trong số 10 HSHN trên toàn liên bang thì có một học sinh thường xuyên phải thực hiện những công việc hoàn toàn không dính dáng gì đến việc học tập của mình. Ngoài ra, có tới 13,6% HSHN phải làm việc lâu hơn thời gian luật pháp quy định. Câu hỏi được đặt ra là, thật ra HSHN có những quyền hạn gì? Theo Phòng công thương (Industrie- und Handelskammer-IHK) Leipzig, HSHN được quyền:

- Từ chối thi hành những công việc khác lạ với ngành học của mình mà không sợ vi phạm trách nhiệm và quy định trong hợp đồng học nghề.

- HSHN được phép thực hiện chỉ những công việc phục vụ ngành học và phù hợp với tình trạng sức khỏe, ví dụ như giữ vệ sinh nơi mình học và bảo quản đồ dùng học tập.

- Ngược lại, những việc làm khoán hoặc sản xuất băng chuyền đều bị cấm. Trên nguyên tắc, nơi dạy nghề đôi lúc có thể yêu cầu học sinh pha cà phê hoặc cọ rửa bồn vệ sinh, nhưng đây không phải là công việc họ thường xuyên phải làm, đặc biệt lại càng không, khi tất cả những nhân viên khác không chịu làm mà chỉ bắt HSHN nhận việc đó.

- Quy định tiếp theo cũng như vậy, học nghề nghĩa là vẫn đang trong thời kỳ học tập, chỉ trong trường hợp ngoại lệ, HSHN mới phải tạm thời thay thế nhân viên chính quy và thực hiện những công việc đơn giản của người này.

- Trong trường hợp HSHN cảm thấy mình bị quấy rối tình dục, họ không nên im lặng chấp nhận, mà phải ngay lập tức nói chuyện với một người mình tin cậy, thông báo với cấp trên, với đại diện nhóm HSHN hoặc hội đồng quản trị, bên công đoàn hoặc giáo viên dạy nghề.

- Theo thỏa thuận trong hợp đồng, thì HSHN không cần thiết phải làm hoặc học thêm giờ, vì họ vào công xưởng hoặc doanh nghiệp chỉ là để học. Luật đào tạo nghề quy định, nếu học hoặc làm thêm giờ, họ sẽ được nhận phụ cấp hoặc khấu trừ thời gian đó vào giờ nghỉ. Tuy nhiên, nơi dạy nghề cần lưu ý Luật bảo vệ lao động tuổi vị thành niên (Jugendarbeitsschutzgesetz) và Luật điều chỉnh thời gian làm việc (Arbeitszeitgesetz), quy định: ‘Chừng nào HSHN chưa tròn 18 tuổi, họ không được phép làm thêm giờ’.

- HSHN không bắt buộc phải sử dụng xe riêng cho công việc, nhưng họ cũng có thể thỏa thuận với cấp trên để có thể nhận lại những phí tổn (ví dụ phí xăng dầu) nếu sử dụng nó.

- Thông thường, tiền thù lao cho học sinh học nghề được quy định theo biểu lương và được tăng theo từng năm học. Nếu công ty hoặc doanh nghiệp dạy nghề không trả thù lao theo biểu lương quy định chung, thì tiền thù lao đó chỉ được phép thấp hơn mức lương học nghề trong vùng tối đa 20%. Thời kỳ thử việc kéo dài từ 1-4 tháng. Lúc này, kể cả công ty dạy nghề lẫn HSHN bất cứ lúc nào cũng được quyền hủy bỏ quan hệ học tập giữa họ mà không cần nêu lý do. Sau đó, nếu HSHN muốn chấm dứt hợp đồng học nghề không theo kỳ hạn, họ cần một lý do nặng nề và chính đáng - ví dụ khi chủ lao động vi phạm trách nhiệm của mình. Hủy bỏ hợp đồng học nghề theo đúng quy định trong một kỳ hạn 4 tuần chỉ được thực hiện khi HSHN không muốn tiếp tục theo học nghề này, ví dụ để đi học đại học hoặc học một nghề khác.

- Ngoài ra, chủ lao động và HSHN cũng có thể thỏa thuận mọi điều khoản trong một biên bản hủy bỏ hợp đồng. Theo Luật bảo vệ lao động tuổi vị thành niên, những HSHN dưới 18 tuổi không phải quay lại nơi làm việc sau một ngày học tối thiểu 5 tiết tại trường dạy nghề, nhưng nếu trong một tuần có tới 2 ngày học như vậy, chủ lao động có thể yêu cầu học sinh về công ty làm việc. HSHN từ 18 tuổi trở lên ngày nào học ở trường dạy nghề xong cũng phải trở về làm trong doanh nghiệp, nếu có yêu cầu.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang