QH lại họp bất thường; Chưa thể đấu thầu dự án điện tái tạo giá rẻ; Vẫn vất vả đăng kiểm; Bỏ quy định bảo lãnh dự án nhà ở

QUỐC HỘI TRIỆU TẬP KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 3 XEM XÉT CÔNG TÁC NHÂN SỰ CHIỀU 18-1

(Ảnh minh hoạ).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Kỳ họp sẽ diễn ra chiều 18-1.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông cáo báo chí về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, căn cứ vào Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong buổi chiều 18-1 tại Nhà Quốc hội.

Trước đó, trong chiều 17-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc - ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

VÌ SAO CHƯA THỂ ĐẤU THẦU DỰ ÁN ĐIỆN TÁI TẠO VỚI TIÊU CHÍ GIÁ RẺ?

Thời gian qua, quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện (trừ các dự án BOT) chưa xem xét đến tiêu chí giá bán điện. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư mới tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả thực hiện thông báo kết quả kiểm toán.

Trước đó, tại thông báo về kết quả kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ/ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng cơ chế đấu thầu và ban hành các thủ tục liên quan đến công tác đấu thầu, đảm bảo khách quan và thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trả lời vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án điện.

Qua trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương nhận thấy còn một số vướng mắc lớn để thực hiện chủ trương này.

Trước hết, pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực điện hiện không quy định bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện. Do đó, việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các quy định hiện hành để lựa chọn nhà đầu tư (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu).

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tiêu chí lựa chọn là giá bán điện không phù hợp với quy định hiện hành.

Bên mua điện không phải là cơ quan quyết định chọn nhà đầu tư

Bộ Công Thương lý giải, quy định tại Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực về chủ thể lựa chọn nhà đầu tư khác với chủ thể xác định giá điện.

Theo quy định, bên mua điện (EVN) có quyền quyết định/thoả thuận giá mua điện với bên bán. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đầu tư, cơ quan có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư không phải là EVN.

Vì vậy, thời gian qua, nhìn chung quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện (ngoại trừ các dự án BOT) chưa xem xét đến tiêu chí giá bán điện. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ triển khai công tác chuẩn bị, tiến hành đàm phán Hợp đồng mua bán điện, thực hiện thu xếp vốn cho dự án, thực hiện đầu tư dự án.

“Như vậy, căn cứ các quy định hiện hành về Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực thì không thể thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tiêu chí giá bán điện cạnh tranh (giá cuối cùng) là tiêu chí giá trúng thầu”, Bộ Công Thương đánh giá.

Bộ này cũng khẳng định không có thẩm quyền ban hành quy định của pháp luật về đấu thầu.

Bộ Công Thương thấy rằng: Đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí giá bán điện cạnh tranh (giá cuối cùng) là tiêu chí giá trúng thầu chưa có căn cứ để triển khai do còn quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực.

Tuy nhiên, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (không có tiêu chí giá bán điện cạnh tranh) vẫn đang được các tỉnh thực hiện theo pháp luật đầu tư và không có vướng mắc gì.

(Nguồn: Vietnamnet)

CUỐI NĂM VẪN VẤT VẢ ĐĂNG KIỂM

(Ảnh minh hoạ).

4 trung tâm đăng kiểm thuộc quản lý của Cục Đăng kiểm VN vừa được hoạt động trở lại, ngay lập tức nhiều người đã xếp hàng chờ đợi.

Điệp khúc xếp hàng, chờ đợi

Chiều 16.1, PV Thanh Niên đã ghi nhận thực tế tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) vừa mới mở cửa lại ở TP.HCM.

Tại TTĐK 50-05V (trên đường QL1, P.An Phú Đông, Q.12), ngày đầu tiên tái hoạt động sau khi bị tạm ngưng để điều tra sai phạm, một hàng dài xe đã xếp hàng chờ đăng kiểm. Tuy nhiên, trước địa điểm này vẫn để tấm bảng ngừng tiếp nhận hồ sơ.

Nhân viên trực chốt tại đây cho biết: “Hôm nay là ngày đầu tiên trung tâm hoạt động lại, chuyên viên mới và chuyên viên cũ còn đang làm quen công việc, vẫn còn một số trục trặc, hiện mới chỉ có 1 dây chuyền hoạt động nên công suất chỉ khoảng vài chục chiếc xe/ngày. Có khá nhiều xe đến đăng kiểm nhưng chúng tôi đều hẹn lại hôm sau. Vấn đề có làm xuyên tết hay không chúng tôi cũng chưa biết, chắc tối nay mới có thông báo”.

Anh B.Q.H, chủ xe biển số 30Z-622.xx, kể: “Xe tôi đúng ngày hết hạn kiểm định nhưng tôi quên mất, hôm nay mới đi đăng kiểm. Ở chỗ này gần nhà, tôi đến kiểm định cho tiện, nhưng lại được hẹn hôm sau. Chắc là tôi phải đi sang Bình Dương để đăng kiểm cho kịp, nếu không sợ bị phạt khi đang lưu thông”.

Tại TTĐK 50-03V (P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM), tình hình kẹt xe kéo dài không diễn ra trong ngày đầu hoạt động trở lại. Bên trong, hàng xe chờ kiểm định lên đến 40 - 50 chiếc. Nhân viên bảo vệ tại đây thông báo: “Chúng tôi chỉ tiếp nhận xe đã có số đăng ký, nên ai chưa có số thì xin mời sáng hôm sau quay lại”.

Anh Tiến, tài xế xe ben, kể: “Tôi đã có mặt từ 3 giờ sáng để chờ trung tâm này hoạt động trở lại. Chưa có năm nào đi đăng kiểm vất vả như năm nay. Những ngày qua, tôi chạy đến trung tâm nào cũng từ chối nhận vì đã cấp hết số thứ tự đến tết. Hôm qua, đọc báo thấy hôm nay có 4 TTĐK hoạt động lại, tôi sắp xếp công việc đến xếp hàng, chờ làm thủ tục ngay”.

Anh T.A.T, chủ xe biển số 51G-064.xx, cho biết: “Tôi xếp hàng ở đây từ sáng sớm. Sáng nay, không còn cảnh kẹt xe kéo dài ra đến ngoài đường lớn như nửa tháng trước, có thể là do TTKĐ mới hoạt động lại chưa có nhiều người biết. Ở đây cũng chủ động phát phiếu thứ tự nên hạn chế được các xe xếp hàng dài ra bên ngoài. Tại các TTĐK do Sở GTVT TP.HCM quản lý gồm 50-01S, 50-02S, 50-03S, các xe vào đăng kiểm theo số thứ tự được cấp trực tuyến, do đó những người chậm tay hơn sẽ không đăng ký được. Việc mở lại 4 TTĐK này là kịp thời và đáp ứng phần nào nhu cầu kiểm định của người dân”.

Theo ghi nhận của PV, tại TTKĐ 50-03V có 3 dây chuyền nhưng hiện tại chỉ có 2 dây chuyền hoạt động, vì vậy khả năng tiếp nhận thêm xe cũng còn hạn chế.

Cuối năm vẫn lo rớt

Trong những ngày cuối cùng trước khi nghỉ tết Nguyên đán, nhiều tài xế vẫn lo lắng vì sợ xe mình sẽ rớt kiểm định. Ngồi trông chừng xe trong quá trình kiểm định với nét mặt lo âu, anh Bình, một tài xế xe tải nhẹ biển số 50TD-026.xx, bộc bạch: “Xe của tôi cũng đã sử dụng lâu năm rồi, nhiều chỗ cũng hỏng hóc, chưa kịp sửa chữa thay thế, còn mấy ngày nữa là nghỉ tết rồi, đó là thời điểm tôi “cày” kiếm tiền, nếu xe bị từ chối kiểm định trong những ngày cuối cùng làm việc thì không biết xoay xở thế nào. Tôi tốn thời gian xếp hàng chờ đợi từ sáng đến chiều cũng không ngán bằng bị đánh rớt. Quy trình kiểm định hiện nay vẫn rất khó nên khả năng bị từ chối hay rớt vẫn rất cao”.

Tại TTĐK 50-07V (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM), giữa trưa 16.1, cả trăm xe xếp hàng dài từ mép đường QL1 vào tận cổng. Từng nhóm tài xế, tụm năm tụm ba dưới những nơi có bóng râm nói chuyện nhưng nét mặt ai cũng đầy căng thẳng.

Nơi tụ tập đông nhất là quán cơm trước cổng trung tâm. Khoảng 14 giờ, một tài xế xe tải tên Thắng mới gọi một đĩa cơm để lót dạ. Anh kể: “Xe em hết hạn đăng kiểm hơn 3 tuần nay. Bữa giờ cứ thuê xe cẩu tới cẩu lui đi đăng kiểm rồi sửa chữa cũng hết hơn 3 triệu đồng, trong khi mỗi lần cẩu xe vậy chỉ hết 700.000 đồng. Cứ hết “rớt” cái này đến “rớt” cái khác, nhưng lỗi nặng nhất là khí thải. Thợ cũng sửa tới sửa lui mấy lần rồi, giờ em cũng không biết sao. TTĐK nào cũng đông cũng quá tải. Em phải chạy khắp nơi để xem chỗ nào vắng vắng thì đưa xe tới. Không ngờ trung tâm này mới mở lại sáng nay mà cũng đông quá”.

“Bữa giờ đang mùa cao điểm kiếm tiền mà không dám ra đường vì sợ giam bằng 2 tháng thêm tiền phạt mười mấy triệu, chỉ lo đi sửa xe với đăng kiểm. Coi như năm nay mất tết, nhưng mà không tranh thủ trước tết để sang năm sẽ còn khổ hơn”, anh Thắng tâm sự.

Nuốt vội cho xong đĩa cơm, anh quay sang hỏi chủ quán: “Chị ơi, ở đây mình có cho tắm nhờ không? Chắc phải ngủ qua đêm ở đây luôn vì khả năng là sáng mai mới tới lượt”. “Ở trong trung tâm có đó. Cứ vô đó tắm. Ở đây máy bơm nước hư rồi”, chị chủ quán trả lời.

Theo chị chủ quán, từ 4 - 5 giờ chiều hôm qua, xe đã đến đây xếp hàng đậu tài chờ rất đông. Sáng nay theo giờ làm việc của nhà nước, lực lượng chức năng đến làm việc, bàn giao hồ sơ giấy tờ. Đến hơn 9 giờ trung tâm mới mở cửa làm việc trở lại. Bây giờ mấy anh chị phải chịu khó chờ qua đêm thôi.

Không khí bên trong trung tâm càng căng thẳng hơn. Một tài xế cầm mớ giấy tờ săm soi. Anh chia sẻ: “Rớt rồi. Giờ coi xem bị lỗi gì như thế nào để đi khắc phục. Một tài xế xe tải khác biển số 54X-542.xx chăm chú theo dõi chiếc xe đang kiểm tra những khâu cuối cùng. Khoảng 15 phút sau, việc kiểm định cũng hoàn thành. Anh buồn bã nói: “Rớt rồi, lỗi tùm lum hết. Mình chỉ là tài xế chạy thuê thôi, không phải chủ xe. Nhưng xe không lăn bánh được cũng sẽ mất thu nhập”.

Bên ngoài TTĐK này, hàng dài xe vẫn nằm bất động chờ đến lượt. Anh Hùng, một tài xế xe khách, cho biết hôm trước liên hệ mấy TTĐK còn hoạt động họ hẹn thứ hai (16.1) qua bốc số, nhưng đến ngày qua bốc số thì lại được hẹn qua tết, nên anh phải qua đây “cầu may”.

Khởi tố vụ án hình sự tại 2 TTĐK tỉnh Sơn La

Ngày 16.1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “nhận hối lộ” quy định tại điều 354 bộ luật Hình sự xảy ra tại TTĐK 26-01D, 26-03D tỉnh Sơn La.

Theo điều tra, từ năm 2020 đến nay một số cán bộ của 2 TTĐK này đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện trong việc hoán cải xe ô tô, sau đó chuyển một phần tiền phi pháp cho một số cá nhân tại Cục Đăng kiểm VN. Công an tỉnh Sơn La đã khám xét khẩn cấp 2 TTĐK 26-01D, 26-03D, thu giữ nhiều tài liệu liên quan. Công an tỉnh Sơn La đang điều tra mở rộng vụ án.

Sai phạm đăng kiểm rất đau xót, phải xử lý

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Cục Đăng kiểm VN chiều 16.1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhiều lần nhấn mạnh sự cố “rất nghiêm trọng”, “đau xót”.

“Đây là vết thương rất sâu của chúng ta. Tôi đã làm việc với Bộ Công an khi công an các địa phương tổ chức các chuyên án, báo chí cũng nêu rất nhiều. Theo đánh giá của Bộ Công an, đây là lỗi rất lớn, đã xảy ra từ rất lâu, giống như ung thư di căn nhiều năm”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu và cho biết: “Trước khi bị bắt, nguyên Cục trưởng Đặng Việt Hà cũng lên gặp tôi trình bày bảo anh em rất hoang mang, công việc đăng kiểm các nơi bị đình trệ. Lúc đầu tôi cũng rất thương, nhưng khi làm việc sâu hơn với cơ quan điều tra thì thấy không phải thế. Tất cả đều có chủ ý. Cục trưởng còn nhận tiền theo tháng thì chịu luôn. Đây chính là bảo kê tội phạm, không thể tha được, thực sự rất đau”.

Bộ trưởng GTVT yêu cầu ngành đăng kiểm tập trung sửa đổi ở cả 4 yếu tố: thể chế, con người, cơ sở vật chất và tổ chức thực hiện; trong đó quan trọng nhất là đạo đức công vụ. Ông đề nghị ngay lập tức Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu, trình sửa đổi Nghị định 139; trao đổi với các địa phương, bộ, ngành để điều chỉnh lại những nội dung không còn phù hợp thực tiễn, để điều chỉnh cho chặt chẽ. Tránh việc “trước đây mở quá, nay sợ quá lại siết quá, một hồi lại vướng”. Đặc biệt, xử lý nghiêm các TTĐK sai phạm, không đủ nhân lực, máy móc thì rút giấy phép, những nơi sai phạm hơn thì chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu cần rà soát, sửa đổi theo hướng không đăng kiểm với xe nhập khẩu mới, xe sản xuất mới để tránh “tiêu cực”. Những xe này chỉ nên đưa vào hồ sơ lưu, làm rất nhanh rồi cho xe về, người dân không phải “mất một xu, một hào nào”.

(Nguồn: Thanh Niên)

ĐỀ XUẤT BỎ QUY ĐỊNH BẢO LÃNH DỰ ÁN NHÀ Ở

Để bán được sản phẩm, chủ đầu tư phải hoàn thành rất nhiều thủ tục, trong đó có ngân hàng bảo lãnh.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp góp ý một số quy định của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong đó có đề xuất bỏ quy định "bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" vì có một số bất cập, hạn chế gây bất lợi cho thị trường bất động sản.

Phát sinh bất cập, hạn chế

Theo HoREA, điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và điều 27 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đều quy định "bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai". Theo đó, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại (NHTM) có đủ năng lực, cam kết thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng sau 7 năm thực hiện, quy định này đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Trước hết, quy định này làm tăng giá thành và giá bán nhà mà người mua nhà phải gánh chịu. Bởi, chủ đầu tư phải trả phí bảo lãnh ngân hàng thường bằng khoảng 2% tổng giá trị tài sản bảo lãnh là dự án nhà ở thương mại có giá trị rất lớn nên phí bảo lãnh cũng rất cao; phí bảo lãnh được chủ đầu tư trả trước cho ngân hàng nhưng được chủ đầu tư tính vào giá thành làm tăng giá bán nhà ở. Cuối cùng, người mua nhà phải gánh chịu phí bảo lãnh ngân hàng này. "Chúng tôi nhận thấy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để kéo giảm giá nhà ở. Do vậy, rất cần thiết xem xét bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để góp phần kéo giảm giá bán nhà ở, có lợi cho người mua nhà" - ông Châu đề nghị.

Cũng theo HoREA, thực tiễn cho thấy quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai hầu như chỉ làm lợi cho các NHTM. Bởi phần lớn các NHTM thực hiện bảo lãnh cũng chính là ngân hàng đã cho chủ đầu tư vay để đầu tư, xây dựng dự án đó và đã nhận thế chấp chính dự án đó để bảo đảm khoản vay. "Họ vừa được chủ đầu tư trả lãi vay ngân hàng vừa được lấy phí bảo lãnh mà rất ít bị rủi ro" - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp (DN) bất động sản tại TP HCM cũng thừa nhận quy định về bảo lãnh tín dụng lâu nay chỉ là hình thức, gia tăng thủ tục, làm khó cho DN và làm lợi cho ngân hàng. Vì để bán được sản phẩm, chủ đầu tư phải hoàn thành rất nhiều thủ tục, trong đó có ngân hàng bảo lãnh. Nhưng không chỉ có phí bảo lãnh, các NHTM còn đặt ra rất nhiều điều kiện khó, buộc DN phải có quan hệ tốt, lâu năm với ngân hàng mới được cho vay, đi kèm bảo lãnh tín dụng.

Ai bảo vệ khách hàng?

Theo khảo sát của người viết, một vài khách hàng khi tham gia mua nhà ở hình thành trong tương lai có bảo lãnh từ ngân hàng đều cho biết các ngân hàng không có cam kết gì về việc chịu trách nhiệm khi giao dịch giữa họ và chủ đầu tư có vấn đề. Và chính bản thân khách hàng cũng nghĩ ngân hàng không chịu trách nhiệm gì nên lâu nay chỉ biết bám vào chủ đầu tư. "Chúng tôi không có khái niệm gì về việc ngân hàng phải có trách nhiệm khi chủ đầu tư giao nhà không đúng tiến độ hoặc trục trặc giữa hai bên. Bản thân tôi có ký hợp đồng mua một căn hộ tại dự án ở TP Thủ Đức, được ngân hàng bảo lãnh cho vay song chủ đầu tư chậm tiến độ vẫn không thấy ngân hàng nói gì. Nhưng khi lãi suất tăng thì họ phát thông báo rất nhanh, tiền lãi cũng thu không thiếu đồng nào" - bà Hoàng Hà (quận Bình Thạnh) tỏ ra bức xúc với quy định bảo lãnh của ngân hàng.

Một chuyên gia tài chính cho rằng chính quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai làm giảm năng lực cho vay tín dụng của NHTM và làm tăng khối tài sản bảo đảm của DN cho khoản bảo lãnh nên không được khai thác sử dụng hiệu quả khối tài sản bảo đảm này. Vì luật quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của NHTM; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có. Ví dụ, nếu DN được cấp hạn mức 2.000 tỉ đồng, thực hiện bảo lãnh ngân hàng với giá trị 500 tỉ đồng thì DN chỉ có thể vay được 1.500 tỉ đồng. Mà để được ngân hàng bảo lãnh với giá trị 500 tỉ đồng, DN phải có tài sản bảo đảm với giá trị thực tế khoảng 650 tỉ đồng vì NHTM thường chỉ đánh giá tài sản bảo đảm bằng khoảng 70% giá trị thực. Điều đó có nghĩa tài sản bảo đảm này gần như bị "phong tỏa", chủ đầu tư không thể khai thác, sử dụng hiệu quả. Trong khi phần lớn các NHTM vốn tự có không lớn, còn các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị lại thường có giá trị rất lớn. Nếu thực thi đúng quy định "bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" thì hầu như các ngân hàng không có đủ năng lực để đáp ứng, nên quy định này thiếu tính khả thi, không sát với tình hình thực tiễn và chưa thực chất.

Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo NHTM tăng cường giám sát chặt chẽ chủ đầu tư dự án nhà ở phải sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích; đồng thời Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và UBND cấp tỉnh có biện pháp giám sát chặt chẽ chủ đầu tư dự án nhà ở phải sử dụng vốn huy động của khách hàng đúng mục đích và bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết theo hợp đồng.

Ngoài ra, trong Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng đã quy định chặt chẽ về "Hệ thống kiểm soát nội bộ" và "Các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng" và để được vay vốn tín dụng hoặc được bảo lãnh, Thông tư 39/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định điều kiện vay vốn và cung cấp thông tin thì người vay vốn tín dụng, bao gồm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, phải có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ cũng như báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay. Vì vậy, nếu chủ đầu tư dự án nhà ở và NHTM cấp tín dụng đều thực hiện đúng các quy định pháp luật về tín dụng thì gần như không phát sinh rủi ro.

Thắt chặt vì người mua nhà

Ở góc độ khác, ông Trần Khánh Quang - chuyên gia tài chính, bất động sản - cho rằng không nên bỏ quy định "bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" mà cần thắt chặt hơn nữa để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà. Bởi các quy định hiện nay vẫn còn mập mờ, chủ đầu tư vẫn có thể tìm cách "lách", còn NHTM chưa thể hiện rõ vai trò bảo lãnh và chức năng bảo vệ cho người mua nhà hình thành trong tương lai. Cụ thể, cần quy định chủ đầu tư dự án phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán hàng của cơ quan chức năng và chứng thư bảo lãnh rõ ràng của NHTM thì mới được phép mở bán dự án để bảo đảm an toàn cho khách hàng. "Một dự án thường chủ đầu tư chỉ bỏ ra 15%-20% vốn, còn lại đều huy động vốn từ các nguồn bên ngoài nên cần giám sát chặt chẽ dòng tiền thông qua việc ngân hàng đứng ra bảo lãnh" - ông Quang lý giải.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Cấp CCCD cho trẻ dưới 6 tuổi; Bộ GTVT chạy đua giải ngân; Vì sao HN tắc triền miên; 71.000 tỷ vốn công TP.HCM ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang