Phụ huynh cần biết: Hệ thống giáo dục Đức từ phổ thông đến đại học

Ngay từ khi con em kết thúc tiểu học, phụ huynh đã phải giúp chúng định hướng chọn loại trường phổ thông vốn quyết định cơ hội và con đường vào đại học của chúng sau này.

Trường chuyên và không chuyên – Điều kiện và chọn lựa

Ở đa số các tiểu bang, bậc tiểu học bao gồm từ lớp 1 tới lớp 4. Vào cuối học kỳ 1 của lớp 4, dựa vào lực học của mỗi em, thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ khuyên các em nên theo học trung học loại trường nào. Dựa vào điểm trung bình của các em trong năm lớp 4, những em điểm khá giỏi sẽ được giới thiệu vào học trường chuyên (Gymnasium), còn các em điểm thấp hơn sẽ được khuyên vào học trường Hauptschule hoặc Realschule. Điểm này được quy định bởi từng tiểu bang và có thể thay đổi tùy năm. Trong trường hợp không đủ điểm, muốn vào học Gymnasium, các em vẫn còn 1 cơ hội dự 1 kỳ thi vào Gymnasium khi kết thúc lớp 4. Những học sinh Realschule, nhưng lớp 5 và 6 kết quả học tập tốt, các em vẫn có thể chuyển sang trường Gymnasium học tiếp từ lớp 7 như bình thường, và chuyển ngược lại đối với các em ở Gymnasium học lực qúa yếu. Nếu theo học trường Gymnasium, các em sẽ kết thúc học sau lớp 12 (ở một số tiểu bang sau lớp 13) với tấm bằng PTTH (Abitur) và có thể đăng ký để theo học bất cứ trường Đại học nào.

Ngược lại, nếu theo học Hauptschule, các em sẽ học tới hết lớp 9 và hoàn thành kỳ thi cuối cùng để được bằng Hauptschule (Hauptschulabschluss) - theo luật định được coi là hết nghĩa vụ học phổ thông. Sau đó, các em có thể nghỉ học hoặc chuyển sang học nghề hoặc theo học tiếp Realschule. Nếu theo học Realschule, các em học hết lớp 10, hoàn thành kỳ thi và được cấp bằng Realschule (Realschulabschluss). Với tấm bằng này, các em có nhiều con đường chọn đi tiếp. Ngoài việc nghỉ học hoặc chuyển sang học nghề, các em có thể chuyển sang trường thực nghiệm (Fachoberschule) hoặc trường chuyên ngành (Fachgymnasium). Nếu theo học trường Fachoberschule 2 năm, các em sẽ có bằng Fachabitur và sẽ chỉ được đăng ký học đại học tại các trường đại học khoa học ứng dụng (Fachhochschule). Nếu theo học trường Fachoberschule 3 năm hoặc Fachgymnasium cũng học 3 năm, các em sẽ được nhận bằng Abitur bình thường và có thể đăng ký học ở bất cứ trường Đại học nào.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Hệ thống các trường Đại học (ĐH)

Muốn được học ĐH, các em nhất định phải có bằng Abitur hoặc Fachabitur. Hệ thống giáo dục ĐH ở Đức được chia ra thành 2 loại hình đào tạo chính: ĐH tổng hợp (Uni, TU) và ĐH khoa học ứng dụng (Fachhochschule FH). Ngoài ra còn có trường học viện âm nhạc hoặc học viện mỹ thuật (Musik- oder Kunstakademie). Với bằng Abitur, các em có thể đăng ký học tại cả Uni và FH. Trong khi đó, bằng Fachabitur chỉ cho phép các em học ở FH chứ không ở Uni. Vậy Uni và FH khác nhau ở chỗ nào? Bằng của hai trường này có liên quan tới quá trình xin việc sau này hay không?

Các trường Uni và FH Đức đã bỏ hệ đại học cấp bằng cử nhân, kỹ sư gần chục năm trước đây (Diplom), chuyển sang phát triển các chương trình học theo định hướng quốc tế: Cử nhân mới (Bachelor 3 năm) và tiếp lên Thạc sĩ (Master 2 năm). Học ở Uni thiên về lý thuyết và nghiên cứu nhiều hơn. Trong thời gian học, các em không bắt buộc phải đi nghe giảng, nên quá trình học sẽ thoải mái và tự do hơn. Ngược lại, học ở FH chủ yếu tập trung vào ứng dụng thực tiễn. Chương trình học được tổ chức và sắp xếp chặt chẽ hơn ở Uni, nên phần lớn các em bắt buộc phải đi nghe giảng. Mỗi nhóm học ở FH (mấy chục sinh viên) thường nhỏ hơn ở Uni (mấy trăm sinh viên), giúp các em có điều kiện thực tập tốt hơn. Ngoài ra, trong quá trình học ở FH, các em bắt buộc phải đi thực tập (Praktikum) ít nhất là một lần nên thời gian hoàn thành bằng cử nhân thường dài hơn học ở Uni. Ngược lại, ở đa số các trường Uni, thực tập không bắt buộc, tùy cá nhân tự quyết định. Nếu đi thực tập thì thời gian học sẽ là 3 năm cộng thêm thời gian đi thực tập, còn nếu không các em sẽ có bằng cử nhân sau 3 năm.

Bằng cử nhân và thạc sĩ của FH được xét ngang bằng với bằng của Uni. Các em nên lựa chọn học Uni hay FH dựa theo chuyên ngành mình muốn học. Các ngành về cơ khí hoặc kỹ sư thì thích hợp với FH hơn vì học ở đấy các em sẽ có nhiều cơ hội ứng dụng các kiến thức mình học hơn, sẽ được thực hành nhiều hơn. Còn các ngành về kinh tế, nhất là kinh tế đầu tư (Investment Banking) hoặc những ngành có tính chất nghiên cứu thì nên học ở Uni hơn. Các em cũng có thể học bằng cử nhân ở FH rồi chuyển sang học thạc sĩ ở Uni hoặc ngược lại.

Ngoài học theo 2 hệ thống ĐH chính kể trên, có nhiều trường ĐH liên kết với các công ty cho các em vừa học vừa làm (Duales Studium). Với hình thức đào tạo này, các em có thể đi học mấy tháng rồi đi làm mấy tháng, rồi lại học, cứ thế luân phiên. Trong thời gian học lẫn thời gian làm, các em được công ty trả lương, tùy theo hợp đồng ký kết giữa hai bên. Điều kiện học theo hình thức này tương đối khó. Trước tiên các em phải tìm hiểu xem trường mình định học có hình thức đào tạo này không. Nếu có thì ở những ngành học nào và liên kết với những công ty nào. Sau đó các em phải tự mình đăng ký tham gia thi tuyển trực tiếp với công ty đó. Học như thế, các em lợi nhiều mặt, vừa được học vừa được làm, vừa có thu nhập vừa có cơ hội học xong được nhận làm luôn tại công ty. Nhưng học như vậy cũng rất vất vả, vì các em có rất ít thời gian nghỉ (Semesterferien).

Thời gian giữa Abitur và ĐH

Những em đã học xong bằng PTTH Abitur hoặc Fachabitur vẫn chưa muốn học ĐH ngay hoặc chưa biết quyết định nên chọn ngành nào mình thích, có thể đi thực tập (Praktikum), đi làm tự nguyện 1 năm cho xã hội (Freiwilliges Soziales Jahr FSJ) hoặc ra nước ngoài trông trẻ (Au Pair). Những việc làm này không gây bất lợi gì khi vào ĐH sau này. Ngược lại, quyết định đi thực tập trước có thể giúp các em tìm hiểu kỹ hơn về ngành mình định học và chọn được ngành chính xác hơn. Khó khăn ở đây là với bằng Abitur và chưa có kinh nghiệm làm việc, các em sẽ không dễ tìm được công ty nhận mình thực tập. Ngoài ra, phần lớn các ngành học ở Uni và FH bắt đầu vào tháng 10 hàng năm, nên nếu đi thực tập, dù chỉ 3 hoặc 6 tháng, nhưng các em vẫn phải đợi tới tháng 10 năm sau mới có thể vào ĐH. Ngược lại, đi làm tự nguyện hoặc đi trông trẻ thường kéo dài 1 năm nên các em sẽ về đúng lúc ĐH năm sau bắt đầu. Đối với những em chọn ĐH chuyên ngành văn hóa xã hội, quyết định đi làm tự nguyện 1 năm sẽ rất thuận lợi cho sơ yếu lý lịch dùng xin việc sau này.

Sơ đồ mô hình đào tạo giaó dục ở Đức

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang