Phụ huynh cần biết: Cybermobbing - trẻ  tấn công nhau qua Internet

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Hiện tượng Cybermobbing không chỉ diễn ra trong phạm vi trường học mà ngay cả ở nhà, nạn nhân vẫn bị tấn công thông qua điện thoại di động hay mạng Internet. Theo các nhà tâm lý học trẻ em, thủ phạm thường là những đứa trẻ hướng ngoại, quan hệ rộng. Phản ứng của các nạn nhân khi bị xúc phạm khác nhau. Đa số buồn và bị tổn thương trong thời gian ngắn, đôi khi bị mất ngủ. Cũng có những trường hợp hậu quả lớn hơn, khiến nhiều trẻ bị ảnh hưởng tâm lý trầm trọng. Thông thường, trẻ không biết chúng có thể nhanh chóng mất kiểm soát nội dung tung lên mạng. Nạn nhân thường là những trẻ nhẹ dạ cả tin, dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân và bị kẻ xấu lợi dụng tung lên mạng. Đôi khi có những thủ phạm tung tin lên mạng chỉ với mục đích trêu đùa bình thường, không có chủ đích xấu. Có những người vừa là nạn nhâu vừa là thủ phạm Cybermopping. Chúng thường là những học sinh được nhiều người biết đến trong trường. Xét về tính cách, những đứa trẻ này giống thủ phạm nhiều hơn nạn nhân. Nhưng cũng chính cách hành xử hung hăng làm cho chúng dễ bị tấn công và có thể trở thành nạn nhân. Chủ những trang mạng có chứa nội dung bắt nạt có thể xóa nội dung này khi chúng vi phạm nội quy. Mặc dù một số trang mạng xã hội tạo điều kiện xóa những nội dung này, nhưng nạn nhân nên biết về nội dung đó và nên can đảm tố giác thủ phạm.

Hiện nay, trẻ lớn lên cùng mạng Internet và sử dụng nó hàng ngày. Do đó, những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng thường bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, cấm dùng mạng không phải giải pháp chống lại Cypermobbing. Thay vì cấm, hãy giúp trẻ học cách sử dụng mạng một cách sáng suốt, khoa học. Đó là công việc của nhà trường và phụ huynh. Theo một nghiên cứu tại Stuttgart, lớp học có thành phần học sinh nam cao thường xảy ra hiện tượng Cybermobbing nhiều. Hơn nữa, việc kéo bè kết phái trong lớp cũng là một vấn đề dễ dẫn tới mâu thuẫn. Do đó, số lượng nam và nữ trong lớp nên hài hòa. Nếu chẳng may là nạn nhân của Cypermobbing, có thể chọn cách không trả lời những nội dung xúc phạm. Trong trường hợp hành động này lặp đi lặp lại, hãy đổi địa chì Email hay số điện thoại di động. Đôi khi sẽ rất hữu dụng nếu lưu lại bằng chứng bằng cách chụp lại để làm chứng trước tòa. Hành động công bố hình ảnh, video không được chủ nhân cho phép bị xem là vi phạm quyền cá nhân. Cả việc tung tin sai sự thật hay những lời lăng mạ lên mạng xã hội, Blog cũng vi phạm luật và có thể bị kiện vì tội bôi nhọ danh dự hay vu khống người khác. Thủ phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải vào tù nếu hành vi bắt nạt có hậu quả nghiêm trọng. Mới đây trong một vụ án tại Mỹ, một thanh niên đã dùng webcam quay cảnh người thanh niên đồng tính ở cùng nhà trọ hôn bạn trai và đăng tải video này lên mạng. Nạn nhân bị quay phim đã không chịu đựng nổi việc này và nhảy cầu tự tử. Thủ phạm có thể bị lãnh án tù 10 năm.

Các hình thức bắt nạt qua mạng

- Gửi những hình ảnh làm mất mặt người khác. Tại nhiều trường học, học sinh nam không dám cởi hết quần áo khi tắm rửa vì sợ ai đó sẽ rút điện thoại ra và chụp hình khỏa thân tung lên mạng cho hàng triệu người nhìn thấy.

- Tung tin đồn thất thiệt trên các trang mạng xã hội để quấy rối người khác, động cơ có thể là hành vi trả thù người yêu cũ, do đã chấm dứt mối quan hệ.

- Một hình thức bắt nạt tương đối hèn hạ là tiết lộ bí mật người khác. Những Cyberbullly (người bắt nạt) này tìm cách moi bí mật riêng tư của ai đó, chẳng hạn trong một lần trò chuyện trên phòng chat và sau đó ngay lập tức lan truyền bí mật này trên mạng.

- Giả mạo danh tính bằng cách tạo trang Facebook giả để tung tin làm ảnh hưởng đến uy tín người đó. Khi đó, nạn nhân thường phải chịu đựng trong thời gian dài, do lúc thông tin đã được tung lên mạng rất khó có thể xóa đi.

Không nên xem nhẹ hậu quả của Cypermobbing. Nạn nhân thường xấu hổ không kể với ai về vụ việc kể cả bố mẹ hay giáo viên. Trong trường hợp đó, nạn nhân có thể đến những địa điểm tư vấn; họ được đào tạo chuyên nghiệp có thể giúp đỡ hiệu qủa. Có thể gọi đến các số sau từ điện thoại bàn hay điện thoại di động: 0800 1110333 hay 0800 116111 (thứ Hai đến thứ

Bảy, từ 14 giờ đến 20 giờ). Cha mẹ cũng có thể gọi điện thoại để được tư vấn, số điện thoại 0800 1110550 hoặc tư vấn trên mạng: www.nummergegenkummer.de. Ngoài ra, nạn nhân cũng có thể tham gia những diễn đàn tự giúp đỡ (Selbstschutz-Plattform).

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang