Phớt lờ nguy hiểm, họp chợ ngay sát QL05; Bé vặn tay ga, 3 người chết; Phim tìm đường xuất ngoại; Khi sao quảng cáo tràn lan

Phớt lờ nguy hiểm, người dân họp chợ ngay sát đường Quốc lộ 5

(Ảnh minh họa).

Họp chợ ven đường, lấn chiếm hành lang đường bộ để bán hàng, dừng đỗ xe sai quy định… luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chính quyền, người dân vẫn thờ ơ.

Trong cuộc họp diễn ra ngày 25/5 do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, đại diện Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - đơn vị quản lý, bảo trì tuyến Quốc lộ 5) cho biết tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn tái diễn và ngày càng phức tạp.

Theo đó tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, dựng rạp phục vụ hiếu hỉ; tập kết vật liệu dưới lòng đường, xây dựng lều quán, tường rào, công trình kiến trúc trong đất đường bộ và hành lang an toàn đường bộ làm cản trở, che khuất tầm nhìn gây mất an toàn giao thông.

Trước đó vào tháng 3, đơn vị này đã có văn bản gửi Ban an toàn giao thông, Sở GTVT tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải toả vi phạm hành lang an toàn đường bộ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tái lấn chiếm.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên ngày 27/5, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn ngang nhiên tồn tại.

Cụ thể, tại Km16+970 (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm), Km28+753 (phường Bạch San, thị xã Mỹ Hào) tỉnh Hưng Yên, người dân lấn chiếm gầm cầu kinh doanh, buôn bán.

Đáng lưu ý, tại Km12+810 (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) toàn bộ lòng đường gom của tuyến Quốc lộ 5 dài hơn 200m đã biến thành chợ tạm tồn tại nhiều năm.

Mặc kệ xe ô tô lao vun vút trên Quốc lộ 5, chỉ cách đúng hàng rào hộ lan có người bán, người mua nườm nượp sát bên. Hai bên đường hàng chục gian hàng được bày bán đủ loại thực phẩm: thịt, cá, hải sản, rau, hoa quả…

Thậm chí, ở đây còn có cả hàng bán cây cảnh. Một tiểu thương bán cây cảnh cho biết đã bán mặt hàng này ở đây hơn 4 năm. Để được bày bán chị cũng phải nộp tiền cho ban quản lý chợ. Hàng tháng, bảo vệ chợ Như Quỳnh đi thu “tiền tươi” nhưng không có phiếu thu. Mức tiền thu được tính theo diện tích bày hàng.

“Nhiều lúc thấy xe chạy ầm ầm ngay bên cạnh cũng sợ lắm. Cũng biết nguy hiểm nhưng vì cả dãy bao người cùng bán như thế nên thấy đỡ hơn”, tiểu thương này cho hay.

Không chỉ chiếm lòng đường gom họp chợ, bên trong cống dân sinh nối thông hai bên đường đoạn này cũng bị người dân bày bán các loại đồ dùng dễ cháy (chổi, rổ, rá, mũ, nón lá…).

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trương Tất Hùng - Đội trưởng Đội quản lý quốc lộ 5 (Xí nghiệp Xây dựng và bảo trì đường bộ, VIDIFI) cho biết, trên địa phận tỉnh Hưng Yên có 2 khu vực chợ Như Quỳnh (km 13), khu vực chợ Đường Cái tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Bởi việc họp chợ chiếm toàn bộ lòng đường gom khu vực cống dân sinh làm các phương tiện xe máy, xe thô sơ phải đi vào làn cơ giới. Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông sẽ rất nghiêm trọng do khu vực này họp chợ, tập trung đông người.

“Năm 2021, 2022 tại các khu vực chợ này đã từng xảy ra tai nạn giao thông”, ông Hùng thông tin.

Ông Hùng cho hay, dù đã phối hợp với địa phương tổ chức giải toả, nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ vẫn tái diễn.

“Để giải quyết triệt để vấn đề này, không chỉ riêng đội quản lý đường bộ mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương”, ông Hùng nói.

Mong muốn của đơn vị quản lý đường bộ là vậy nhưng khi phóng viên liên lạc với UBND thị trấn Như Quỳnh, lãnh đạo thị trấn "cáo họp" đồng thời giới thiệu tới Ban quản lý chợ.

Thế nhưng, trao đổi qua điện thoại, ông Ngô Văn Trãi, Ban quản lý chợ Như Quỳnh lại cho rằng việc lấn chiếm lòng lề đường ở ngoài chợ, khu vực đường Quốc lộ 5, “không thể giải quyết được vì ngoài phạm vi quản lý”.

(Nguồn: Vietnamnet)

Bé vặn tay ga xe máy, 3 người chết: Tai nạn thương tâm gióng hồi chuông cảnh báo

Sự việc 3 người chết ở Bình Định sau khi bé 4 tuổi vặn tay ga xe máy tông vào tường chỉ là một trong số các vụ tai nạn tương tự xảy ra nhiều năm qua.

Năm 2017, tại Bình Dương xảy ra vụ mẹ dừng xe không tắt máy, con nhỏ vặn tay ga tông trúng ô tô.

Khoảng 9h30 ngày 8/11/2017, người phụ nữ đỗ xe máy chờ đèn đỏ tại khu vực đường Lái Thiêu 17 giao với Quốc lộ 13, đoạn qua phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An. Lúc xe đang nổ máy, con trai nhỏ tuổi ngồi phía trước vặn tay ga làm xe phóng về trước. Đúng thời điểm này, ô tô bán tải mang biển số Bình Dương chạy trên tuyến ưu tiên đi đến, tông vào xe máy. Va chạm khiến người phụ nữ và con nhỏ bị hất văng về phía trước khoảng 10 m, bị thương nặng.

Cuối năm 2019, người phụ nữ đi xe máy Honda Lead chở theo cháu bé đi từ cửa hàng và đang chờ sang bên kia làn đường Lê Lợi (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Bất ngờ, cháu bé vặn tay ga khiến xe máy lao lên vỉa hè, tông đổ hai xe máy khác. Vụ tai nạn làm cháu bé bị thương.

Đầu năm 2022, tại Đà Nẵng cũng xảy ra vụ hai mẹ con gặp nạn vì cháu bé vô tình vặn tay ga.

Theo đó, tình huống tai nạn giao thông trên xảy ra trên đường Triệu Nữ Vương, thuộc quận Hải Châu. Toàn bộ diễn biến của vụ tai nạn này được camera của nhà dân bên đường quay lại. Qua hình ảnh trong clip, người phụ nữ điều khiển xe máy, chở theo con nhỏ ở phía trước, đang dừng trên đường.

Bất ngờ, cháu bé với tay vặn ga khiến chiếc xe máy phóng loạng choạng sang làn đường ngược chiều, tông vào chiếc ô tô đang đỗ. Lúc này, cháu bé vẫn bám chặt vào tay lái của chiếc xe máy. Cú va chạm mạnh khiến cả hai mẹ con ngã ra đường và bị thương.

Cuối tháng 8/2022, người phụ nữ ở Hà Nội trên đường chở con gái bằng xe máy tay ga ở trường mầm non về nhà thì gặp nạn. Khi dừng xe mua đồ, do nghĩ xe máy có tính năng ngắt động cơ tạm thời nên người mẹ sơ ý không tắt máy. Vô tình bé gái nắm vào tay ga và vặn mạnh khiến xe máy vọt lên làm cả hai mẹ con cùng ngã văng ra đường. Sau tai nạn, cháu bé ngất lịm và được đưa vào Bệnh viện 198 sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Mới đây nhất, ngày 27/5, thông tin từ UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, Công an huyện này đang điều tra, làm rõ vụ xe máy tông vào tường rào làm 3 người chết, 1 người bị thương nặng ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ).

Khoảng 8h ngày 26/5, chị Nguyễn Thị Ngọc Thơm (26 tuổi, trú thôn 9, xã Mỹ Thắng) cầm lái xe mô tô tay ga hiệu Air blade, chở phía sau bà Huỳnh Thị Ráng (53 tuổi, mẹ chồng chị Thơm) và hai con: Trần Nguyễn Hoàng Yến (4 tuổi), Trần Nguyễn Tuấn Kiệt (1 tuổi) để đi khám bệnh.

Đến trước nhà ông Nguyễn Sum (cha ruột của chị Thơm) ở thôn 8 Tây, xã Mỹ Thắng, chị Thơm dừng xe để gửi cháu Yến. Trong lúc xuống xe, cháu Yến vô tình vặn tay ga làm xe máy lao vào hàng rào xi măng của một nhà dân gần đó.

Cú tông mạnh khiến bà Ráng, cháu Kiệt, cháu Yến thiệt mạng, chị Thơm bị thương nặng và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

(Nguồn: Kenh14)

Phim Việt tìm đường xuất ngoại, ‘điểm danh’ trên ứng dụng quốc tế

(Ảnh minh họa).

Đem phim đi công chiếu tại nước ngoài, phát sóng lại trên các ứng dụng truyền hình trả phí theo yêu cầu (VOD) của quốc gia khác hay lên ứng dụng phim Netflix… không còn là điều “vô tiền khoáng hậu” ở thị trường điện ảnh Việt Nam. Nhiều nhà làm phim đã tìm được các mảnh đất dụng võ khác sau khi công chiếu tại hệ thống rạp trong nước, nỗ lực tiếp cận với khán giả quốc tế.

Một loạt phim Việt lên nền tảng Netflix

Netflix được biết đến là hệ thống xem phim trả phí có mặt tại hơn 190 quốc gia trên khắp thế giới. Mỗi đất nước có một danh mục các chương trình truyền hình và phim khác nhau. Việc đưa phim nhà lên sóng ứng dụng này từng là mong muốn của biết bao nhiêu nhà làm phim, trong đó có Việt Nam.

Năm 2022, Kẻ độc hành là series phim Việt Nam đầu tiên được Netflix phát hành độc quyền ở toàn châu Á, mini series Trại hoa đỏ cũng là phim dài tập đầu tiên của đạo diễn Victor Vũ được khán giả nước ngoài tiếp cận qua nền tảng Netflix. Điện ảnh Việt liên tiếp có cơ hội đến gần hơn với thế giới như Hai Phượng của đạo diễn Ngô Thanh Vân, đồng đạo diễn với Thanh Sói, Siêu lừa gặp siêu lầy của đạo diễn Võ Thanh bán được giá trên ứng dụng Netflix sau khi bán vé tại rạp. Các đơn vị làm phim khác cũng góp thêm tên tuổi làm đầy kho phim Việt tại Netflix.

Theo đại diện người chuyên tham gia hậu kỳ phim lên các ứng dụng xem phim trả tiền (VOD), anh Võ Huy Giáp, cho biết không chỉ ở Việt Nam mà các nước trong khu vực Châu Á có phim lên Netflix rất nhiều. Chất lượng phim lên đây thường có tiêu chuẩn như bản điện ảnh dù nhiều hay ít tập, vậy nên giới làm phim có thể tự hào vì sản phẩm mình đáp ứng được một khung chuẩn kỹ thuật khắc nghiệt hơn từ trước đến nay.

Tuy vậy, việc phim Việt xuất hiện ở Netflix chỉ là sự khẳng định nhất thời, còn bước tiến phát triển phải có những “bom tấn” ngang ngửa Hollywood. Nhìn chung, với góc nhìn của người làm hậu kỳ, chỉ cần có chi phí làm tiền kỳ tốt, hậu kỳ có đội ngũ giỏi, hiểu rõ tiêu chí yêu cầu, vấn đề bảo mật là có thể đáp ứng ngay về yêu cầu kỹ thuật của Netflix hay bất kỳ ông lớn khó tính nào.

Hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh nhiều năm nay, biên kịch Hồng Nhung (Nhung Khìn) nhận định giờ đây ai cũng có thể chào bán phim của mình với đại diện Netflix tại quốc gia đó. Thậm chí, nếu Netflix muốn chiếm thị phần lớn ở thị trường Việt Nam thì việc bỏ tiền đầu tư vào kho phim Việt là quyết định không sớm thì muộn. Cụ thể, người Việt vẫn có thói quen xem phim Việt dù rất nhiều sự lựa chọn Âu Á trên ứng dụng. “Tôi nghĩ việc đem yếu tố địa phương, văn hóa bản địa vào từng quốc gia là rất quan trọng. Nhưng những sản phẩm đó vẫn phải phù hợp với thị trường khán giả thế giới thì Netflix mới đầu tư kèm theo một số tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của mình”, chị nhấn mạnh.

Phát hành ra quốc tế: con đường đầy tiềm năng

Được biết, nguồn thu từ các nền tảng VOD, OTT thường chiếm khoảng 10-20% kinh phí sản xuất phim, đến từ hợp đồng mua bán phim, tỷ lệ người dùng xem phim. Đây cũng là nguồn hỗ trợ cho chi phí sản xuất phim sau khi phát hành ở rạp. Bởi lẽ không chỉ dừng lại ở việc thương mại, kiếm thêm tiền từ phim, chủ sở hữu có cơ hội quảng bá mình ra thị trường quốc tế, làm thương hiệu cho sản phẩm nội địa về lâu dài. Điều này cũng phản ánh được sự chuyển biến tích cực trong tư duy của khán giả, sẵn sàng bỏ tiền cho sản phẩm nghệ thuật để giải trí thay vì xem miễn phí, tạo động lực sản xuất cho đơn vị thực hiện về sau.

Đem phim chào hàng quốc tế được giới làm phim đánh giá là sân sau đầy tiềm năng và là con đường mỗi nhà làm phim đều mong muốn chạm đến. Ở mỗi thị trường khác nhau đều có những tệp khán giả riêng phù hợp với tiêu chí dự án của mình, theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, trước khi xuất khẩu phim, đơn vị cần chuẩn bị ngay công đoạn tiền kỳ chứ không phải chiếu rạp, rồi đem đi tận thu từ những nguồn phát hành khác. “Việc nghiên cứu dự án kĩ lưỡng trước khi bấm máy sẽ giúp một người nước ngoài tuy có thể không hiểu hết tiếng Việt nhưng vẫn cảm nhận được tình huống và cảm xúc phim đem lại, từ đó phim bán được giá cao nhất với một thỏa thuận phù hợp nhất ngoài Việt Nam”, anh Hòa nhấn mạnh.

Mỗi đất nước sẽ có một gu xem phim khác nhau, không nhất thiết phải chiếu rạp mới gọi là phát hành phim. Đơn vị sở hữu có thể chiếu phim trên VOD của quốc gia đó hoặc các ứng dụng xem phim người Việt Kiều ưa chuộng, được xem là thị phần chính khi công chiếu phim ra nước ngoài.

Ngoài ra, câu chuyện đem phim ra biển lớn cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu truyền thông cho khán giả khu vực đó. Cụ thể, người làm phim cần biết mình biết ta để chọn thị trường phù hợp tiến vào. Theo nhà sản xuất phim Siêu lừa gặp siêu lầy, chị Mai Bảo Ngọc cho biết ở một đất nước rộng lớn như Mỹ, những diễn viên Hollywood nổi tiếng đôi khi người dân Mỹ còn chưa biết đến thì khó có thể marketing cho phim đến từ một đất nước xa xôi như Việt Nam.

Chính vì thế, tại một điểm đến, đội ngũ chị chọn một dạng phát hành khác nhau, như ở Úc hay New Zealand, tuần lễ chiếu phim Việt rất phổ biến nên người Việt có thể theo dõi thường xuyên và hứng thú với những dự án của Việt Nam, phim sẽ tham gia vào hệ thống rạp tại đây.

Chị nhìn nhận nếu đem ra phát hành hệ thống rạp ở Mỹ, chi phí quảng bá lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận có thể thu được. Hơn nữa, khán giả Mỹ không thiếu bom tấn hàng tuần để xem và luôn có sự tìm hiểu, đặt vé trước thành thói quen khi ra rạp, nên sẽ cân nhắc phát VOD, tránh tình trạng lỗ chi phí quảng cáo, giảm suất chiếu hoặc rời rạp nếu không bán được vé. Ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc, New Zealand, chị Ngọc cho biết sẽ truyền thông bán vé, ở Trung Quốc cũng sẽ chiếu trên website.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng nói thêm để đi ra nước ngoài, chúng ta cần xác định rõ hai câu hỏi phim đi bằng đường nào và chiếu trên nền tảng nào. Ngoài cộng đồng người Việt ở mỗi quốc gia, những đơn vị truyền thông trung gian có thể giúp mình chào hàng sản phẩm ở chợ phim quốc tế, hoặc chính người làm phim tự khai phá thị trường mới tiềm năng, đi hội chợ phim khắp nơi trên thế giới, làm việc với những người có kinh nghiệm xuất khẩu phim rồi mới trả lời câu hỏi chiếu bằng hình thức nào. Hiện nay, phim ảnh có nhiều nền tảng để thử sức, nếu sản phẩm không đủ sức chiếu tại rạp, ta có thể hợp tác bán cho app xem phim trả tiền, kênh truyền hình các quốc gia, hoặc kênh phát lại trên máy bay, du thuyền…

“Tôi nghĩ chuyện khai thác phim sau chiếu rạp là việc làm phổ thông mà bất kì nhà làm phim chuyên nghiệp nào cũng nghĩ tới. Tuy nhiên làm sao phim bán cho đúng định vị khách hàng, bán với giá tốt nhất thì mất nhiều thời gian tìm kiếm. Nhưng khó không phải không làm, đây là cơ hội tốt để ta xuất khẩu văn hóa mình ra nước bạn, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề lĩnh vực khác”, ông Hòa nhấn mạnh.

Chọn con đường phim xuất ngoại, giới làm phim nhìn nhận sẽ thu về được nhiều thứ hơn doanh thu. Cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam, chạm đến đa dạng tầng lớp khán giả ở những vùng đất xa lạ, thêm động lực cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam hướng đến công nghiệp điện ảnh thế giới vẫn là những giá trị lâu dài mà người làm phim mong chờ, và thực tế chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội hơn để hiện diện trước khán giả thế giới.

(Nguồn: The Saigon Times)

Hệ lụy khi sao Việt quảng cáo tràn lan

Nhiều nghệ sĩ Việt quảng cáo đủ loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Hệ lụy là hình ảnh của họ có thể bị lợi dụng và mạo danh.

Hiện nay thực trạng các cá nhân, tổ chức cắt ghép hình ảnh của nghệ sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội diễn ra rất phổ biến. Phần lớn là quảng cáo thực phẩm chức năng, hỗ trợ về dạ dày, tiêu hóa, bệnh gút, huyết áp, tiểu đường… hay lớp học làm giàu như trường hợp của Ninh Dương Lan Ngọc gần đây. Cách quảng cáo này nhằm đánh vào lòng tin của người tiêu dùng để đánh lừa họ mua sản phẩm nhằm trục lợi.

Cái giá phải trả cho việc mạo danh nghệ sĩ

Cách đây ít ngày, công ty quản lý của Ninh Dương Lan Ngọc lên tiếng cảnh báo công chúng khi hình ảnh của cô trong một buổi phỏng vấn cho nhãn hàng ngành chứng khoán trực thuộc ngân hàng quốc tế bị kẻ xấu lợi dụng. Chúng bị cắt ghép vào các bài quảng cáo kêu gọi tham gia khóa học, lớp học đầu tư sinh lời. Quản lý Ninh Dương Lan Ngọc khẳng định nữ diễn viên chỉ nhận lời hợp tác cho những tập đoàn uy tín, hoàn toàn nói không với những lớp học tài chính cá nhân, đầu tư sinh lời trong thời gian ngắn, tiết kiệm.

Cuối năm 2022, thông tin Ninh Dương Lan Ngọc ký hợp đồng livestream với một công ty chuyên đưa người sang các nước như Malaysia và Philippines xuất khẩu lao động cũng gây xôn xao dư luận. Quản lý của Ninh Dương Lan Ngọc nhanh chóng lên tiếng và khẳng định nữ diễn viên đã bị cá nhân hoặc tổ chức nào đó mạo danh.

Tình trạng nghệ sĩ bị mạo danh vào những quảng cáo họ không hề ký kết hợp đồng diễn ra tràn lan tại showbiz Việt, đặc biệt trên không gian mạng xã hội. Việc này xảy ra với rất nhiều người nổi tiếng như Trấn Thành, Thúy Diễm, Quyền Linh, Mai Phương Thúy, Midu… Trong khi đó, các ca sĩ như Trúc Nhân, Hòa Minzy, Erik, Tuấn Hưng… gần đây bị sử dụng tên tuổi để bán vé cho các chương trình âm nhạc họ không tham gia.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS, (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định với Tri thức trực tuyến, việc cắt ghép hình ảnh, mạo danh người nổi tiếng để quảng cáo khi chưa được sự cho phép của những người này là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.

Căn cứ khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của người khác nói chung và nghệ sĩ nói riêng để quảng cáo khi chưa có sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật và phải đối diện mức xử phạt hành chính, hình sự.

Trong trường hợp nghệ sĩ có đầy đủ chứng cứ chứng minh việc không minh bạch ảnh hưởng tới danh dự và uy tín của bản thân, họ có quyền yêu cầu nhãn hàng phải bồi thường theo Điều 584 (căn cứ phát sinh và bồi thường thiệt hại), Điều 592 (thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm) theo Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra theo quy định tại Khoản 8 Điều 8 Luật quảng cáo: “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”, các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số: 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo và Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.

Theo đó, mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định và buộc xin lỗi tổ chức cá nhân bằng văn bản.

Mặt trái của việc quảng cáo tràn lan

Ngày 17/2, Quyền Linh chia sẻ với Tri thức trực tuyến việc hình ảnh của anh bị sử dụng tràn lan để quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm chức năng… Theo MC, các cá nhân, tổ chức có thể ghép hình ảnh, tiếng nói của anh từ các chương trình sức khỏe của đài truyền hình hoặc khi quảng cáo một sản phẩm có xác nhận uy tín đàng hoàng và thay thế bằng loại thuốc của họ. Quyền Linh cho biết tình trạng này xảy ra từ nhiều năm trước và đã nhờ tới bộ phận IT, luật sư để hỗ trợ gỡ các hình ảnh nhưng cứ xóa được bài này, bài khác lại xuất hiện.

Có lẽ một trong những lý do Quyền Linh nói riêng và nghệ sĩ nói chung bị mạo danh là chính họ cũng quảng cáo những sản phẩm được cho là không rõ nguồn gốc, chất lượng không đúng những gì thông báo. Quyền Linh hay Diệu Nhi, NSND Hồng Vân, Phương Mỹ Chi từng lên tiếng xin lỗi khán giả khi quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.

Nhiều nghệ sĩ khác cũng thông qua trang cá nhân để giới thiệu những mặt hàng mỹ phẩm khác nhau, chẳng hạn Thúy Diễm (cao viêm da cơ địa), Phương Oanh (Ahohaw), Hồng Diễm (Dr.Belter)… Đức Phúc, Kỳ Duyên, Hồ Quang Hiếu, Quân A.P, Noo Phước Thịnh… từng giới thiệu mỹ phẩm Laser.

Tương tự Thanh Hương cũng từng lên tiếng việc bị hàng trăm trang sử dụng hình ảnh để bán hàng, kinh doanh. Nữ diễn viên tâm sự cô đã tìm cách báo cáo nhưng các trang giả mạo vẫn “mọc lên như nấm”.

Tuy nhiên, Thanh Hương từng có thời gian bị khán giả phản ứng vì quảng cáo hàng loạt mỹ phẩm khác nhau như mặt nạ, serum, sản phẩm peel da... Từ đó tạo nên hệ lụy là kẻ xấu dễ dàng có được những hình ảnh, đoạn clip cô đang giới thiệu sản phẩm để mạo danh. Ngay cả khi gần đây, Thanh Hương đã tiết chế, chọn lọc hơn trong việc quảng cáo nhưng những bài đăng cũ của cô vẫn tràn lan trên mạng xã hội và có thể bị lợi dụng bất cứ lúc nào.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, nguyên nhân của thực trạng mạo danh người nổi tiếng, cắt ghép hình ảnh để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng diễn ra gần đây chủ yếu do sự suy thoái đạo đức, bất chấp tất cả để trục lợi từ một bộ phận người dùng mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, nghệ sĩ, người nổi tiếng đóng quảng cáo nhiều, thậm chí chạy theo cát xê thổi phồng sản phẩm, thương hiệu, từ thực phẩm chức năng cho đến mỹ phẩm không rõ nguồn gốc... dễ bị lợi dụng.

Để hạn chế tình trạng trên, các nghệ sĩ phải có các hành vi quyết liệt hơn về việc chống mạo danh cắt ghép hình ảnh của mình. Nghệ sĩ, người nổi tiếng là người của công chúng, chính vì vậy hình ảnh của họ là rất quan trọng. Cần báo cho các cơ quan chức năng nếu bị lạm dụng hình ảnh của mình.

"Đồng thời chính bản thân nghệ sĩ cần cân nhắc lựa chọn những quảng cáo phù hợp, bảo vệ thương hiệu của chính mình. Nếu cứ quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, thương hiệu và hình ảnh của họ cũng giảm sút. Đó là cái giá rất đắt cho những người có tên tuổi", luật sư nhận định.

Dưới góc độ pháp lý, hành lang pháp luật quy định về vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc bổ sung các quy định về quảng cáo đối với người nổi tiếng cũng như chế tài xử lý khi có vi phạm là cần thiết. Điều này không chỉ góp phần minh bạch hoạt động quảng cáo, mà còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang