Phong trào 'không mua gì'; Nga-TQ tăng hiện diện ở Bắc Cực; Nga bắt đầu trả đũa; Zelensky-Tập điện đàm; Chạy loạn ở Sudan

Phong trào ‘không mua gì’ càn quét thế giới

(Ảnh minh họa).

Phong trào “không mua gì” đã càn quét thế giới, giúp tăng cường kết nối cộng đồng và thậm chí mang đến sợi dây cứu sinh trong đại dịch Covid-19.

Đến 21h ngày 5/4, nhà chức trách Ottawa (Canada) nhận được báo cáo về 600 cây xanh bị đổ và hàng triệu người chìm trong bóng tối khi một cơn bão băng dữ dội đổ bộ vào khu vực này. Hai người chết do bị cây hoặc cành cây đè trúng.

Chính trong bóng tối lạnh giá này, một nhóm “buy nothing” (Tạm dịch: Không mua gì) ở địa phương đã giúp đỡ các thành viên của nhóm.

“Những người vẫn có điện đã cho bảo quản nhờ thực phẩm trong tủ đông. Nhiều người đã cung cấp nơi sạc điện thoại di động, bữa ăn nóng hoặc nơi để tắm. Và họ đã đăng tải thông tin về những cái cây bị đổ”, Jodi Ettenberg, nhà văn 43 tuổi sống ở Ottawa và là thành viên của nhóm “buy nothing” địa phương, chia sẻ.

Trên các nhóm “buy nothing”, các thành viên đăng lên mạng xã hội bất cứ thứ gì họ muốn cho đi, cho mượn hoặc chia sẻ với những người hàng xóm hay yêu cầu bất cứ thứ gì họ cần. Hành vi mua bán bằng tiền không xuất hiện trong các nhóm như vậy.

Trao đổi cả vật chất lẫn kiến thức chuyên môn

Phong trào “buy nothing” sao chép mô hình một mạng lưới quan hệ kiểu cũ tại những khu phố. Dự án này có hơn 6 triệu thành viên trên 44 quốc gia, trong đó nhóm mà bà Ettenberg tham gia có khoảng 2.100 thành viên.

Phong trào được bắt đầu từ một nhóm trên Facebook - Buy Nothing Bainbridge, do Rebecca Rockefeller và Liesl Clark sáng lập năm 2013. Họ đến từ đảo Bainbridge, phía Đông Seattle (Mỹ), đồng thời đều hướng tới lối sống bền vững và tiết kiệm.

Sứ mệnh của phong trào này là “cho, nhận, cho vay, chia sẻ và thể hiện lòng biết ơn trong nền kinh tế quà tặng địa phương, nơi của cải thực sự là mối quan hệ giữa những người hàng xóm”.

Theo bà Clark, họ có thể tạo ra tác động về kinh tế, môi trường và xã hội lớn hơn nếu chia sẻ, cho vay và vay một cách có ý thức trong nền kinh tế tuần hoàn ở mỗi cộng đồng.

Chẳng hạn, nếu muốn thanh lý một thiết bị cũ nhưng vẫn còn sử dụng được, một người nào đó có thể đăng bài trên nhóm “buy nothing” tại địa phương của họ. Một hộ gia đình khác cần món đồ đó có thể nhận nó miễn phí.

Trong các nhóm “buy nothing”, các thành viên cung cấp mọi thứ từ đồ dùng trẻ em đến đồ nội thất, nhưng không phải lúc nào cũng là "đồ đạc". Katie Emery, một cư dân Los Angeles, cho biết đôi khi mọi người cho hoặc nhận kiến thức chuyên môn.

Chẳng hạn, cô cho biết một thành viên trong nhóm đã đề nghị tặng một giờ để tư vấn cho ai đó về việc làm vườn.

Các thuật ngữ như first come first serve (Tạm dịch: Đến trước thì phục vụ trước) sẽ không được khuyến khích. Bạn không đặt đồ đạc của mình trên đường với hy vọng ai đó sẽ lấy nó trước khi xe rác đến, New York Times nhận định.

Thay vào đó, bạn đang có ý định “tặng” tài sản của mình. Tại đây, tất cả mặt hàng đều có giá trị như nhau, các thành viên không được phép trao đổi hoặc đổi chác, vì mỗi mặt hàng được coi là một món quà độc lập với bất kỳ thứ gì khác. Những hạn chế như vậy có thể gây khó chịu cho một thành viên muốn trao đổi hàng hóa lấy dịch vụ chẳng hạn.

Bà Clark được truyền cảm hứng từ quãng thời gian ở những ngôi làng xa xôi tại Nepal. Bà đã nhận thấy rằng mọi người tái sử dụng đồ đạc của họ và chia sẻ thay vì mua những thứ họ cần.

Các nhóm trên khắp thế giới được điều hành bởi các quản trị viên độc lập. Ngoài ra, vào năm 2021, những người sáng lập đã ra mắt một ứng dụng cho phép các nhóm hoạt động độc lập với Facebook.

Sự phát triển của phong trào này đã mang lại nhiều kết quả khác nhau. Một báo cáo gần đây trên Wired, một ấn phẩm lớn của Mỹ, tuyên bố rằng phong trào đã thất bại, sau những bất đồng của các thành viên với những người sáng lập hoặc giữa các thành viên với nhau. Tuy nhiên, một số thành viên cho rằng đó là nói quá.

“Chúng tôi không chỉ thiết lập ngày càng nhiều nhóm ‘buy nothing’ trên Facebook, mà chúng tôi còn nhận được trung bình 1.500 lượt tải xuống ứng dụng ‘buy nothing’ mỗi ngày”, bà Clark chia sẻ.

Sợi dây cứu sinh

Trong khi đó, bà Ettenberg cho rằng vấn đề như vậy chỉ xảy ra khi nhóm có quy mô quá lớn. “Ngoài ra, điều đó còn phụ thuộc vào vị trí của cộng đồng. Khu vực Ottawa của tôi dường như không có bất kỳ vấn đề mâu thuẫn nội bộ, sự nhỏ nhen hay tranh cãi nào”, bà nói thêm.

Theo bà, phong trào càng phổ biến rộng rãi, có khả năng nhiều người sẽ tham gia với những mục đích sai trái hoặc không cởi mở trước những nét đặc trưng của tập thể. Đối với "buy nothing", nét đặc trưng đó chính là việc đây là một nền kinh tế tặng quà, vì vậy bạn không thể bán mọi thứ.

Linda True, cư dân San Francisco, cũng hài lòng với nhóm “buy nothing” tại địa phương. Nhóm này hoạt động tích cực đến mức quản trị viên phải giới hạn số lượng thành viên.

“Tôi có xu hướng cho đi rất nhiều món đồ mới lạ. Đó là một cách để truyền niềm vui”, bà True, 45 tuổi, cho biết. Đó cũng là một cách hay để tương tác tích cực với mọi người trong giai đoạn cách ly của đại dịch Covid-19, bà chia sẻ thêm.

Tương tự, bà Ettenberg nhận thấy nhóm “buy nothing” tại địa phương của mình là “sợi dây cứu sinh” trong đại dịch. “Tôi sẽ cho mọi thứ và nói chuyện với họ trong vài phút, và một số người trong số họ đã trở thành bạn bè”, bà chia sẻ.

Việc cho đi những món đồ không còn muốn sử dụng không phải là điều gì mới. Tuy nhiên, phong trào “buy nothing” biến hành động cho đi những thứ bản thân không cần thành một cách để gặp gỡ và kết bạn với những người hàng xóm.

Theo quan điểm của “buy nothing”, mọi thứ chúng ta sở hữu đều có giá trị, nếu bạn có thể tìm thấy người cần nó.

“Nếu chúng ta có thể tái sử dụng, tân trang, sửa chữa và tiếp tục tái chế những món đồ này thì không cần phải vứt bỏ bất cứ thứ gì”, New York Times dẫn lời bà Clark.

“Hy vọng rằng cuối cùng chúng ta sẽ tặng những món đồ mà bản thân không sử dụng và mọi người sẽ làm điều này trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta càng khắc sâu hành vi đó trong cộng đồng của mình, thì tất cả chúng ta sẽ càng có cuộc sống”, bà khẳng định.

(Nguồn: Zing News)

Nga bắt tay Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Bắc Cực

Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận về tăng cường thực thi pháp luật hàng hải ở Bắc Cực, một phần trong chiến dịch đẩy mạnh hiện diện quân sự ở khu vực này.

Giới chức Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận hợp tác trong việc thực thi pháp luật hàng hải ở Bắc Cực sau cuộc họp diễn ra tại thành phố Murmansk ở tây bắc nước Nga, nằm trong Vòng Bắc Cực và sát biên giới Phần Lan - quốc gia thành viên mới của NATO.

Theo đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hôm 25/4, theo truyền thông nhà nước hai bên. Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận chưa được tiết lộ.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, thỏa thuận này là kết quả bước ngoặt trong cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và FSB, vốn kết thúc hôm 25/4.

Cảnh sát trưởng Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc Yu Zhong và ông Vladimir Grigorovich Kulishov, phó Giám đốc thứ nhất của FSB và là người đứng đầu cơ quan biên giới của cơ quan này, đại diện cho hai bên thực hiện các nghi thức tại lễ ký kết.

Theo CCTV, cả hai bên cho biết sẽ "tích cực thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật trên biển, chung tay xây dựng cộng đồng hàng hải, và nỗ lực hết sức để phục vụ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga trong thời đại mới".

Hai bên cũng cho biết sẽ thực hiện tốt những vấn đề mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được tại các cuộc gặp thượng đỉnh của hai bên. Trong một tuyên bố chung được ký vào năm 2022, hai nhà lãnh đạo Nga - Trung mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia là quan hệ đối tác "không giới hạn".

Phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc họp cũng nhất trí tham gia vai trò quan sát viên các cuộc tập trận hàng hải ở Bắc Cực của Nga, CCTV cho biết.

Bắc Cực từ lâu đã chứng kiến các hoạt động tăng cường quân sự mạnh mẽ và là khu vực gây căng thẳng giữa Nga và các nước NATO. Căng thẳng leo thang hơn nữa khi Phần Lan trở thành thành viên của NATO vào đầu tháng này và Thụy Điển cũng đang chạy đua để gia nhập liên minh quân sự lớn nhất trên thế giới này.

Nga đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại Bắc Cực vào đầu tháng này với sự tham gia của 9 quốc gia châu Phi, Mỹ Latinh và các nước Âu-Á khác cùng các quan sát viên từ ít nhất 13 quốc gia.

Nga lâu nay đã khuyến khích các quốc gia ngoài Bắc Cực, bao gồm Ấn Độ, Iran và Ả Rập Xê Út mở rộng sự hiện diện thương mại trong khu vực thông qua đầu tư vào các tuyến vận tải, dự án khí đốt tự nhiên, nhà máy điện và các dự án khác.

Các lực lượng NATO triển khai tập trận tại vùng Bắc Cực kể từ lúc Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến Nga phản đối gay gắt. Thậm chí, một số ý kiến lo ngại Nga có khả năng tăng cường lực lượng vũ khí hạt nhân ở vùng Bắc Cực.

Trung Quốc, quốc gia có tư cách quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực, cũng đang tăng cường hiện diện trong khu vực.

Bắc Kinh tập trung vào chiến lược thực thi pháp luật hàng hải, bao gồm tuần tra nghề cá, kiểm tra tàu và lập chính sách, tìm kiếm cứu nạn, và các hoạt động chống buôn lậu và chống cướp biển.

Quân đội Trung Quốc và Nga tiến hành nhiều cuộc tập trận chung trong những năm gần đây, bao gồm các hoạt động hải quân chung ở Thái Bình Dương và biển Nhật Bản.

(Nguồn: Dân Trí)

Nga tịch thu tài sản phương Tây: Chiến dịch trả đũa bắt đầu

(Ảnh minh họa).

Ngay sau một sắc lệnh do Tổng thống Putin ký, Moscow bắt đầu tịch thu tài sản của các doanh nghiệp lớn châu Âu.

Ngày 26/4, Điện Kremlin cảnh báo Moscow sẽ tịch thu thêm tài sản của các doanh nghiệp phương Tây sau khi nước này tạm thời nắm quyền kiểm soát hai công ty châu Âu.

Moscow tạm thời kiểm soát tài sản của Unipro - chi nhánh công ty Uniper (Đức), và chi nhánh công ty Fortum của Phần Lan, đặt tại Nga.

Trước đó vào ngày 25/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh cho phép tạm thời tiếp quản tài sản nước ngoài được coi là quan trọng với an ninh năng lượng quốc gia.

Theo sắc lệnh trên, Cơ quan Quản lý Tài sản Liên bang Nga được lệnh thiết lập quyền kiểm soát các công ty con tại Nga của tập đoàn năng lượng Fortum (Phần Lan) và Uniper (Đức).

Đây là phản ứng mạnh mẽ của Moscow sau khi Bloomberg tiết lộ giới chức các nước G7 đang cân nhắc lệnh cấm vận đối với gần như tất cả hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Động thái của G7 nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moscow cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Năm ngoái, Nga đã đưa ra danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ không thân thiện do áp biện pháp trừng phạt chống lại Moscow. Tổng thống Putin ban hành nhiều sắc lệnh khác nhau để đáp trả những quốc gia, vùng lãnh thổ này và để bảo vệ nền kinh tế Nga.

Trước đó, người đứng đầu Điện Kremlin cũng yêu cầu những nước này phải thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble. Moscow cảnh báo, bất cứ nước nào không tuân thủ yêu cầu này đều có thể bị Nga cắt nguồn cung.

Mỹ và các đồng minh, đối tác liên tục áp biện pháp trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm cách hợp pháp hóa việc sử dụng tài sản của Nga bị đóng băng trên lãnh thổ châu Âu để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Về phần mình, Moscow chỉ trích kế hoạch đó và cảnh báo sẵn sàng kiện ra tòa án quốc tế.

Giải thích rõ hơn về sắc lệnh mới nhất của Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/4 tuyên bố, việc kiểm soát các tài sản nước ngoài chiến lược ở Nga sẽ cho phép Moscow phản ứng hiệu quả trước khả năng bị tịch thu tài sản của các công ty Nga ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo quan chức Nga, sắc lệnh không giải quyết các vấn đề về tài sản và không tước đoạt tài sản của chủ sở hữu.

Theo RT, tập đoàn năng lượng Uniper của Đức sở hữu 83,73% cổ phần của Unipro - công ty vận hành 5 nhà máy điện với tổng công suất hơn 11 gigawatt (GW) ở Nga và có khoảng 4.300 nhân viên.

Còn tập đoàn năng lượng Fortum thuộc sở hữu nhà nước của Phần Lan nắm giữ 98,2% cổ phần của công ty con địa phương Fortum PJSC.

Quyết định mới nhất của Nga diễn ra vài tháng sau khi Đức và Ba Lan có những động thái tương tự. Hồi tháng 6/2022, chính quyền Đức đã tiếp quản Gazprom Germania - chi nhánh của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom tại Đức. Vào tháng 11 cùng năm, Warsaw nắm giữ 48% cổ phần của Gazprom trong liên doanh EuRoPol GAZ - đại diện chủ sở hữu của Ba Lan trong dự án đường ống khí đốt Yamal - châu Âu.

Công ty con của tập đoàn Nga Novatek ở Ba Lan chuyên kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng và hydrocacbon cũng bị tịch thu. Tài sản của Novatek được rao bán vào đầu tháng này.

Vào tháng 9/2022, Berlin đã mua cổ phần của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft trong 3 nhà máy lọc dầu lớn, chiếm 12% tổng công suất lọc dầu của cả nước Đức. Các khiếu nại của Rosneft chống lại động thái này đã bị tòa án Đức bác bỏ. Đạo luật được Quốc hội Đức ban hành vào ngày 20/4/2022 cho phép Đức tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Tổng thống Ukraine có cuộc điện thoại đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc

Tổng thống Volodymr Zelensky cho biết ông đã có một cuộc gọi điện thoại "dài và có ý nghĩa" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong lần liên lạc đầu tiên của họ kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine.

Ông viết trên Twitter rằng ông tin rằng cuộc điện đàm, cùng với việc bổ nhiệm một đại sứ tại Bắc Kinh, sẽ "tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta".

Trung Quốc xác nhận đã có cuộc gọi, và nói thêm Bắc Kinh "luôn đứng về phía hòa bình".

Cho đến nay, Bắc Kinh đã tìm cách thể hiện quan điểm trung lập đối với cuộc xâm lược của Nga.

Nhưng họ chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược. Hồi tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Nga.

Ông Tập đã gọi Tổng thống Vladimir Putin là "người bạn thân mến", đề xuất một kế hoạch hòa bình 12 điểm mơ hồ và khẳng định rằng Trung Quốc đứng về phía lẽ phải của lịch sử. Tuy nhiên, ông không cam kết cung cấp vũ khí cho Nga.

Trong vài ngày sau chuyến thăm, Tổng thống Zelensky đã mời nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Kyiv để có các cuộc thảo luận, và lưu ý rằng họ đã có liên lạc trước khi cuộc chiến toàn diện nổ ra, hồi tháng 2/2022, nhưng kể từ đó tới nay đã không hề có liên hệ gì.

Trong nội dung cuộc điện đàm hôm thứ Tư, kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ "không đứng ngoài quan sát đám cháy, cũng không đổ thêm dầu vào lửa, chứ đừng nói đến việc lợi dụng khủng hoảng để trục lợi".

(Nguồn: BBC)

Hành trình chạy loạn giữa chảo lửa Sudan

(Ảnh minh họa).

Khi thủ đô Khartoum rơi vào giao tranh hỗn loạn, Rana Usman phải tìm cách đưa gia đình băng qua làn đạn để tới tập kết tại đại sứ quán Pakistan.

Sau gần một thập kỷ sinh sống và coi Khartoum là nhà, giám đốc kinh doanh 40 tuổi người Pakistan Rana Usman phải tìm cách vượt qua những con phố đầy rẫy nguy hiểm ở thủ đô Sudan, từ vùng ngoại ô phía bắc tới khu vực phía nam, nơi đại sứ quán Pakistan cam kết sẽ đưa anh và gia đình đến nơi an toàn.

"Mẹ, vợ và cả đại gia đình tôi đều không biết làm thế nào để tới được đại sứ quán Pakistan. Giao tranh liên tục diễn ra. Chúng tôi nghe thấy tiếng không kích và đạn nổ suốt ngày. Khói bốc lên cuồn cuộn. Đạn lạc bay vào nhà. Chúng tôi không có cách nào rời khỏi nhà", Usman kể lại hôm 25/4.

Sáng 23/4, khi giao tranh diễn ra dữ dội giữa quân đội Sudan và nhóm dân quân Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), anh họ của Usman tìm được một chiếc xe tải cùng tài xế sẵn sàng chở cả gia đình đến nơi sơ tán. Usman phải lấy hết can đảm để ngồi lên chiếc xe đó và thực hiện hành trình xuyên qua các con phố giữa cảnh "tên bay đạn lạc".

"Trách nhiệm của tôi là đưa khoảng 30-35 người tới đại sứ quán. Tôi bị căng thẳng tới mức cả người đông cứng. Nhưng anh họ tôi nói rằng không còn cách nào khác và tôi phải can đảm. Giờ tôi không còn lựa chọn nào khác. Ở lại Khartoum là điều không thể", Usman nói.

Sau khi đến đại sứ quán an toàn, gia đình Usman cùng với một đoàn bảy chiếc xe buýt và hơn 400 người Pakistan lên đường rời thủ đô Khartoum vài giờ sau đó. Họ vượt qua quãng đường dài 800 km tới thành phố Port Sudan ở đông bắc Sudan, giáp Biển Đỏ. Sau 20 tiếng trên đường, họ tới Port Sudan vào sáng 24/4.

Kể từ khi giao tranh nổ ra từ ngày 15/4, hơn 400 người đã chết và nhiều khu dân cư đã trở thành vùng chiến sự. Hàng triệu người bị mắc kẹt trong nhà ở thủ đô Khartoum trong tình cảnh thiếu lương thực và nước uống.

Quân đội Sudan và RSF đã nhất trí một số thỏa thuận ngừng bắn trong tuần qua nhưng không tuân thủ hoàn toàn.

Trước xung đột, khoảng 1.500 người Pakistan sinh sống ở Sudan. Khi giao tranh bước sang ngày thứ 11, hơn 700 người Pakistan đã được sơ tán tới Port Sudan, trong đó khoảng 200 người đến vào ngày 25/4, theo Bộ Ngoại giao Pakistan.

"Sau lệnh ngừng bắn ngày 21/4, chúng tôi đã vội vã đưa công dân rời Khartoum để đến Pakistan", Mumtaz Zahra Baloch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan, nói.

Muhammed Ahsan Sami, kỹ sư hóa học Pakistan 39 tuổi sống ở Khartoum từ năm 2017, cũng có mặt trong đoàn xe buýt tới Port Sudan ngày 24/4.

Sami cho biết đoàn xe đã bị lực lượng RSF và quân đội Sudan chặn nhiều lần tại các trạm kiểm soát dọc đường đi. Tuy nhiên, các lực lượng này đã không cản trở hoặc đe dọa hành khách.

Sami sơ tán khỏi Khartoum cùng vợ, con trai và con gái. Anh nói rằng đại sứ quán Pakistan ở Khartoum đã hỗ trợ rất tốt cho quá trình sơ tán, nhưng hành trình rất khó khăn và tất cả chỉ biết im lặng cầu nguyện cho sự an toàn của họ.

"Đại sứ quán yêu cầu chúng tôi mang theo một ít nước và hoa quả. Họ không thu đồng nào từ chúng tôi. Nhưng mọi người rất sợ hãi. Chúng tôi đã cầu nguyện trong suốt hành trình, cố gắng an ủi và hỗ trợ những người đi cùng", anh nói.

Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari ngày 25/4 cho biết nước này đã phối hợp với các quốc gia khác để đảm bảo sơ tán công dân an toàn.

"Nhóm của Đại sứ Meer Bahrose Regi ở Khartoum và Port Sudan đã làm việc suốt ngày đêm để giúp đỡ những người còn ở Sudan cho tới khi họ được sơ tán tới Pakistan. Chúng tôi cũng hợp tác với các nước thân thiện trong khu vực, đặc biệt là Arab Saudi, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này", Ngoại trưởng Zardari nói.

Sami tới giờ vẫn thấy sợ hãi khi nhớ lại hành trình từ Khartoum tới Port Sudan.

"Tôi cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình trong suốt quá trình rời đi, nhưng khi chiếc xe buýt cuối cùng lăn bánh, tôi không thể gắng gượng thêm và bắt đầu khóc. Đó là một trải nghiệm khá đau thương với chúng tôi", anh nói.

"Các con tôi lớn lên ở thành phố và giờ chúng tôi không thể mang theo món đồ chơi nào cho chúng. Chúng tôi đã gây dựng cuộc sống ở đây. Và giờ chúng tôi phải bỏ lại tất cả và không chắc liệu có thể trở lại hay không. Điều này thật đau lòng", Sami nói thêm.

Usman cho hay người dân địa phương rất hiếu khách. Nhiều người lạ đã tới giúp khi gia đình họ tới Port Sudan.

"Con gái tôi để lại lời nhắn cần tìm chỗ ở tạm thời trên Facebook. Một chàng trai trẻ đã tìm gặp con bé và sau đó nói chuyện với tôi. Cậu ấy đón chúng tôi tới căn hộ của mình và đề nghị chúng tôi ở đó miễn phí. Mọi người ở đây cũng liên tục nói rằng họ thấy vui mừng khi thấy chúng tôi an toàn", Usman cho biết.

Phải rời thủ đô Sudan, Usman mang trong mình cảm xúc lẫn lộn. "Tôi làm việc cho ông chủ người Pakistan ở đây. Tôi có rất nhiều thành viên trong đại gia đình sinh sống tại thành phố này. Với chúng tôi, Khartoum chính là nhà. Chúng tôi sẽ chỉ tới Pakistan một thời gian và sẽ cố gắng trở lại sớm nhất có thể. Bởi đây là nhà, là nơi chúng tôi cảm thấy yên bình".

Nhưng ước mơ của Usman có thể còn xa vời, khi hai phe phái đối địch trong xung đột Sudan vẫn chưa có dấu hiệu chấp nhận đàm phán. Lệnh ngừng bắn để dân thường sơ tán cũng sắp hết hạn và giao tranh được dự báo sẽ bùng phát dữ dội hơn.

Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.

Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.

Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích.

RSF, lực lượng bán quân sự được thành lập năm 2013 thuộc quyền quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan dưới thời tổng thống al-Bashir, đã ủng hộ quân đội trong cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, buộc quân đội Sudan chấp nhận chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, thông qua mô hình Hội đồng Chủ quyền với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok. Quân đội Sudan tiếp tục đảo chính phế truất Hamdok vào tháng 10/2021 và tướng Abdel-Fattah Burhan, tư lệnh quân đội, trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự.

Khi Burhan muốn sáp nhập RSF vào quân đội, chỉ huy lực lượng này là tướng Mohammed Hamdan Dagalo phản đối, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa hai người đàn ông quyền lực nhất Sudan. Mâu thuẫn bùng phát thành đụng độ vũ trang từ ngày 15/4, khi hai bên cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang