- Thời sự
- Việt Nam
(Ảnh minh họa).
Mỗi ngày đón không tới nổi 10 khách, nhiều cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) thời gian qua đua nhau trả mặt bằng.
Tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5) nối từ nút giao Hồng Bàng và Nguyễn Thị Nhỏ (giáp ranh quận 5 và quận 11) đến ngã sáu Phù Đổng (quận 1). Con đường này được mệnh danh là "phố thời trang" của TPHCM, với hàng trăm cửa hiệu nhiều năm kinh doanh các loại mặt hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, nón, mắt kính...
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, tình trạng kinh doanh ế ẩm, trả mặt bằng diễn ra liên tục. Ngày 5-11, dù là cuối tuần nhưng quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy các hoạt động kinh doanh trên tuyến đường này khá ảm đạm.
Cứ 100m đến 200m sẽ bắt gặp các mặt bằng đang dán chằng chịt bảng cho thuê, thậm chí có cửa hàng mới khai trương cách đây không lâu nhưng do ế ẩm nên đành "bỏ chạy". Ước tính có khoảng 30 đến 40 mặt bằng đang bỏ trống trên tuyến đường này.
Trao đổi với một số chủ nhà và môi giới cho thuê mặt bằng trên tuyến đường này, hiện giá cho thuê mặt bằng ở đây dao động động khoảng từ 45 triệu đến 80 triệu đồng/tháng.
Anh Hoàng, chủ một cửa hàng trên đường này, cho biết anh đang cần sang nhượng lại tiệm với giá thuê 42 triệu đồng/tháng. Tiệm có diện tích 80m2 (ngang 4m x dài 20m) gồm 1 trệt 1 lửng, ký hợp đồng thuê ít nhất 2 năm và cọc 3 tháng.
Trao đổi với anh Nhật Hào, môi giới một căn nhà diện tích 52,5m2 (ngang 3,5m dài 15m) trên đường này, chúng tôi được báo giá thuê 45 triệu đồng/tháng, ký hợp đồng thuê từ 3 năm đến 5 năm, cọc 3 tháng. Tuy nhiên, giá cả và điều kiện thuê có thể thỏa thuận nhưng không nhiều.
"Bên trong là nhà trống, khách thuê tự trang trí và trang bị các vật dùng cần thiết. Nếu khách đồng ý thuê, tôi sẽ cố gắng xin chủ nhà miễn phí thời gian lắp đặt cửa hàng" - môi giới này cho biết.
Còn theo một môi giới khác tên Tâm, mặt bằng này đang cho thuê giá 90 triệu đồng/tháng. Diện tích 80m2 (ngang 4m dài 20m) 1 trệt 2 lầu.
"Nếu khách có thiện chí và đến xem nhà thì giá cả có thể thương lượng với chủ nhà nhưng không có nhiều vì dịp cuối năm đang có nhiều người hỏi thuê. Hợp đồng thuê phải ít nhất 3 năm, cọc ít nhất 3 tháng, thời gian lắp đặt đồ đạc trong tiệm người thuê tự chịu" - môi giới lưu ý.
Chú Tám, 60 tuổi, nhân viên bảo vệ một cửa hàng thời trang, cho hay nhiều cửa hàng kinh doanh ở đây đều khá ế ẩm, "người ta trả mặt bằng rất nhiều".
Theo chú Tám, tiền thuê mặt bằng ở đây quá cao, khách thuê thì không có nhưng ít chủ nhà nào chịu giảm giá. Như một mặt tiền gần đó được khách thuê trả 55 triệu đồng/tháng nhưng chủ nhà vẫn chắc giá 65 triệu đồng/tháng, quyết không giảm.
"Hồi trước dịch đông lắm, khách ra vào nườm nượp, chú làm việc không nghỉ tay. Bây giờ ngồi từ sáng đến tối đón không tới 10 khách mua. Người ta mua hàng online hết rồi. Nhiều người ở gần đây không có việc làm nên họ cũng trả trọ về quê hết" - chú Tám chia sẻ.
Chị Hương, chủ một quán nước trên đường này, cũng cho biết các cửa hàng khu này gần đây kinh doanh rất ế ẩm. Trước đó, mỗi ngày quán chị bán nước cho hơn 300 khách, chủ yếu là nhân viên các tiệm xung quanh đây. Giờ thì bán chưa được 100 khách do nhiều cửa hàng trả mặt bằng và nhân viên nghỉ bớt.
"Thời điểm này đừng nên thuê mặt bằng, muốn làm nên để sang năm. Giá thuê mặt bằng ở đây vẫn còn khá cao do chủ biết cuối năm nhiều người cần thuê nên không giảm. Nếu vào năm trước, trên đường này đông nghịt người sắm đồ, các xe chở quần áo cho các cửa hàng đậu kín đường thì bây giờ vắng hoe. Người ta cũng mua hàng online hết rồi" - chị nói.
Không riêng trên tuyến đường đường Nguyễn Trãi, hàng loạt mặt tiền buôn bán sầm uất trước đây như đường 3 tháng 2 (quận 11), đường Hai Bà Trưng, đường Cách mạng tháng 8 (quận 3),... cũng nằm trong tình cảnh ế ẩm, trả mặt bằng nhiều và không có khách thuê mới.
Không chỉ đầu tư nghiêm túc và bài bản hơn, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công nhờ biết nắm bắt sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử để có chiến lược kinh doanh phù hợp
Thị trường thương mại điện tử không còn là "gà đẻ trứng vàng" đối với các doanh nghiệp (DN) là nhà bán hàng như giai đoạn 2017-2019. Vì vậy, để phát triển, DN buộc phải có chiến lược, cách thức riêng.
Thành công nhờ bí quyết riêng
Công ty CP Sofia (TP HCM) chuyên kinh doanh hàng thời trang với mô hình truyền thống là mở chuỗi cửa hàng. Lúc cao điểm, Sofia có 25 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành nhưng đã đóng cửa toàn bộ, chuyển đổi sang bán hàng online do COVID-19.
Bà Võ Thị Bích Thùy, Giám đốc Sofia, cho biết DN chọn phương thức bán hàng livestream (phát trực tiếp) qua Facebook. Từ 2 đơn hàng trong lần livestream đầu tiên cho đến khi đạt cột mốc ngàn đơn/ngày, toàn bộ nhân viên công ty đều có thể tham gia livestream. DN đang phấn đấu đạt mục tiêu 20.000 đơn/ngày khi các dịch vụ hỗ trợ bán hàng online ngày càng hoàn thiện.
"Nhiều người cho rằng bán hàng online sẽ ảnh hưởng thương hiệu thời trang cao cấp phong cách châu Âu mà Sofia xây dựng ngày đầu. Nhưng thực tế, với việc bán hàng số lượng lớn và "hàng chất - giá mềm" thì thương hiệu mạnh lên chứ không yếu đi" - bà Thùy nhận xét.
Xuất phát từ hàng thời trang, chủ yếu là giày và túi xách, đến nay, Sofia đã mở rộng danh mục hàng hóa ra ngoài ngành hàng này với 3 ca livestream đều đặn mỗi ngày, mỗi ca thu hút khoảng 8.000-9.000 tài khoản theo dõi cùng lúc.
Bà Thùy nêu bí quyết: "Chúng tôi thường xuyên tặng quà cho người xem. Quà tặng thường là sản phẩm còn số lượng ít, không đủ size (kích cỡ) - vừa làm người xem vui vừa giúp DN giải phóng hàng tồn kho".
Công ty TNHH Ba Thức Food là một trong những DN "from zero to hero" (từ số 0 thành anh hùng) trong khởi nghiệp online được dẫn chứng tại hội nghị TikTok toàn cầu diễn ra ở Indonesia mới đây.
Anh Phan Minh Thức, đồng sáng lập Ba Thức Food, cho biết khởi điểm, công ty kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé nhưng thất bại. Đến khi TikTok Shop mở ngành hàng thực phẩm, công ty bán khô hải sản, mật ong, cà phê…
"Gia đình có nghề làm bò khô nhưng tôi không nghĩ đến bán mặt hàng này vì thấy giá sản phẩm cao, sợ không phù hợp với người dùng TikTok. Thế nhưng, bất ngờ là sau khi bán thử bò khô lại "hot", các video nội dung của kênh được lên xu hướng" - anh Thức nhớ lại.
Thời điểm tháng 7-2022, đơn hàng bình thường từ 50-100 tăng vọt lên 700-1.000 đơn/ngày. Do bị động, DN quá tải đơn hàng nên phải ngừng kinh doanh 1 tháng để nâng cấp hệ thống.
Đến mùa Tết 2023, Ba Thức Food cũng một phen "cháy" hàng khi các video được nền tảng đề xuất, từ chỗ 300-400 đơn hàng/ngày vọt lên 2.000-3.000 đơn hàng/ngày. Do có sự chuẩn bị nên DN nên vận hành trơn tru, tiếc là phải nghỉ Tết sớm vì không còn hàng.
"Mùa Tết năm nay, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tăng lượng hàng lên gấp 4 lần ngày thường" - anh Thức dự tính.
Phải thích ứng nhanh
Anh Trần Lâm có 7 năm kinh nghiệm kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, hiện sở hữu 5 thương hiệu trên các nền tảng này gồm: Julyhouse, Macaland, Loli&theWolf, HevieFood và BuB&MuM. Với hơn 150 mã hàng hóa, tổng doanh thu từ 5 thương hiệu này lên đến 70 tỉ đồng/năm.
Từ kinh nghiệm "thực chiến" nhiều năm trên sàn thương mại điện tử, anh Lâm cho biết những năm 2017-2019, các sàn bắt đầu đầu tư nền tảng online, chạy quảng cáo và tài trợ phí vận chuyển, tặng voucher ưu đãi rất nhiều cho các nhà bán hàng nên DN dễ kiếm lợi nhuận. Từ năm 2020, sàn cắt giảm dần các ưu đãi cho nhà bán hàng. Thay vì phụ thuộc vào số lượng truy cập của sàn, anh cân đối giữa việc tham gia các chương trình của sàn thương mại điện tử ở mức vừa phải và đầu tư thêm các kênh truy cập ngoài sàn như Facebook, TikTok…
"Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, các sàn thương mại điện tử tăng nhiều loại phí khiến nhà bán hàng rất dễ rơi vào tình trạng bán không có lời. Ngoài ra, sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu lớn trên sàn thương mại điện tử cũng gây sức ép cho các DN nhỏ. DN phải phân tích được lợi thế của mình, cập nhật xu hướng và điều chỉnh liên tục, đáp ứng mọi thay đổi để không bị thụt lùi" - anh Lâm nêu kinh nghiệm.
Theo anh Lâm, giai đoạn hiện tại, DN vẫn có thể phát triển được bởi các sàn thương mại điện tử đã vào giai đoạn ổn định, có hệ thống chính sách rõ ràng. Nếu làm tốt, nhà bán hàng có thể dễ điều chỉnh các hoạt động của DN mình để đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), cho rằng khởi nghiệp kinh doanh online ngày càng dễ bắt đầu khi có sẵn nền tảng, người tiêu dùng đã quen mua online, phương thức vận chuyển và thanh toán ngày càng thuận lợi với chi phí thấp. Tuy nhiên, do ai cũng có thể kinh doanh online nên cạnh tranh về giá rất lớn, biên độ lợi nhuận mỏng.
"Muốn thành công trong kinh doanh online, cần có sự khác biệt để thu hút khách. Phải có kế hoạch dài hơi, từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành…" - ông Tấn gợi ý.
Lưu ý với nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Tại buổi ra mắt sách "Cất cánh trên sàn thương mại điện tử" ngày 4-11 ở TP HCM, tác giả Trần Lâm đã đưa ra một số lời khuyên dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo anh Lâm, muốn phát triển thành công trên sàn thương mại điện tử, DN/nhà bán hàng nên bắt đầu từ nhu cầu thật sự của khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp, đúng mong đợi của họ. Cần tìm hiểu kỹ quy mô thị trường và đối thủ nhằm đưa ra các dự đoán đúng cho sự phát triển doanh số của DN mình. DN cần phát triển bán hàng đa kênh và tập trung hơn vào kênh hiệu quả nhất; chủ động truyền thông trên Facebook, TikTok...
"Thương mại điện tử thay đổi rất nhanh. DN không chỉ cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả mà còn phải đầu tư nhiều hơn để kể câu chuyện của sản phẩm bằng hình ảnh, clip, dẫn dắt khách hàng đến quyết định mua hàng. Những DN chậm thay đổi, phụ thuộc vào công cụ giảm giá để thu hút khách sẽ gặp nhiều rủi ro, thậm chí có thể kéo cả một ngành hàng đi xuống" - anh Lâm lưu ý.
(Ảnh minh họa).
Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, Bộ Công an đã công bố khởi tố 45 bị can, trong đó có 7 bị can đang bị truy nã. Doanh nhân Trương Mỹ Lan bị bắt tạm giam từ cuối năm 2022.
VKSND Tối cao ngày 4-11 đã phê chuẩn khởi tố 4 bị can, thay đổi tội danh 1 bị can bị khởi tố trước đó trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (viết tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ) và các tổ chức, đơn vị liên quan.
Truy nã 7 bị can bỏ trốn
Cụ thể, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Dương Tấn Trước từ tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" sang tội "Tham ô tài sản".
Ngoài ra, VKSND Tối cao cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 4 bị can: Nguyễn Thanh Tùng; Lê Văn Chánh; Đào Chí Kiên và Lê Thị Kiều Trang cùng về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Cũng liên quan vụ án này, gần đây nhất, vào cuối tháng 10-2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 7 bị can, gồm:
Nguyễn Thị Thu Sương, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB);
Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB;
Chiêm Minh Dũng, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB;
Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT SCB;
Sun Henry Ka Ziang (quốc tịch Trung Quốc), thành viên HĐQT SCB;
Lam Lee George, cựu thành viên HĐQT SCB.
Do 7 bị can nêu trên đều đã bỏ trốn nên Bộ Công an đã ra quyết định truy nã.
Cựu Cục trưởng ngân hàng Nhà nước bị khởi tố
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Cùng với đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã khởi tố, thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
C03 cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can: Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...
Tính đến cuối tháng 12-2022, đại diện Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã khởi tố 2 vụ án và 27 bị can để điều tra sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cơ quan chức năng cũng tiến hành các nghiệp vụ điều tra, kê biên tài sản, thu hồi triệt để nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà nước và các nhà đầu tư.
C03 đã khởi tố 5 bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành do Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chủ trì.
Trong đó, Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ". Bà Nhàn là trưởng đoàn thanh tra Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã cùng các thành viên trong đoàn báo cáo không đúng sự thật, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước không giám sát, kiểm soát SCB kịp thời. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Bước đầu điều tra, C03 xác định từ năm 2018 - 2020, các bị can có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Quang Thuận, Công ty CP Dịch vụ thương mại TP HCM, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World cùng các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định.
Cụ thể, tạo lập 25 gói trái phiếu mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỉ đồng để bán cho người mua, huy động tiền và chiếm đoạt.
46 hộ dân ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) nộp các khoản phí theo quy định, có sổ đỏ nhưng không có đất, phải đi ở nhờ. Câu chuyện kỳ lạ này kéo dài suốt 15 năm nay ở huyện Phù Cát.
15 năm mòn mỏi “đòi” đất
Năm 2007, gia đình chị Nguyễn Thị Tình (thôn Bình Đức, xã Cát Tân) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa (sổ đỏ) có diện tích 220m2 ở xã Cát Tân để giải quyết nhu cầu nhà ở. Gia đình chị Tình đã nộp đủ tiền sử dụng đất và các khoản phí theo quy định.
Tuy nhiên, 15 năm trôi qua, gia đình chị Tình vẫn phải ôm sổ đỏ mòn mỏi đi “đòi” đất. Bởi thửa đất gia đình chị được cấp cũng chỉ ở trên giấy tờ mà không được cấp đất thực địa.
Chừng đó năm chờ đợi, gia đình chị Tình phải chấp nhận ở nhờ trên thửa đất của cha mẹ. “Họ cấp sổ đỏ nhưng đất thì không có. Bao nhiêu năm nay chúng tôi ở nhờ đất cha mẹ, chứ đi thuê mất thêm khoản chi phí rất tốn kém. Trong khi đó các khoản chi phí tiền đất thì mình đã đóng đủ”, chị Tình cho hay.
Không chỉ gia đình chị Tình mà 45 hộ dân ở các thôn Hòa Dõng, Bình Đức (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) đều gặp phải tình trạng tương tự.
Trong thời gian các năm 2005, 2007, 2008 và năm 2013, xã Cát Tân đã quy hoạch đất ở dân cư, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt ở 2 vị trí: trại Ba An (thôn Bình Đức, xã Cát Tân) và núi ông Đậu (thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân).
Tại vị trí trại Ba An, thôn Bình Đức giao 19 lô cho hộ gia đình với tổng diện tích 3.980 m2; tại núi ông Đậu, thôn Hòa Dõng, giao 27 lô cho hộ gia đình, với tổng diện tích 3.141m2.
Các trường hợp người dân được giao đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (đã nộp đủ tiền sử dụng đất và các khoản phí theo qui định). Nhà nước đã ra quyết định giao đất ở cho từng hộ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, các trường hợp này đều chưa cắm mốc giao tại thực địa.
Lý do chưa cắm mốc giao đất cho các trường hợp này được chính quyền địa phương đưa ra là do vướng giải phóng mặt bằng nên chưa có đất “sạch” để giao. Vụ việc này kéo dài hơn chục năm nay gây bức xúc cho người dân.
Thu lại sổ cũ, cấp đất mới cho dân
Ông Trần Công Tòng, Chủ tịch UBND xã Cát Tân cho rằng thời điểm xảy ra vụ việc này chính sách chưa rõ ràng. Thời điểm đó chỉ có chủ trương hỗ trợ khai khoáng trên đất chứ không có bồi thường đất. Công tác giải phóng mặt bằng vướng nên không thể giao đất cho người dân.
“Thời điểm đó chưa có đất nhưng bà con nộp tiền cấp sổ. Cũng có giai đoạn cấp sổ trước rồi mới làm sau, khi bà con nộp tiền, có sổ nhưng không có đất để giao. Chúng tôi đã nhiều lần quy hoạch ở những vị trí khác nhau nhưng không được”, ông Tòng lý giải.
Để giải quyết tồn tại trên, UBND xã Cát Tân đã xin chủ trương hoán đổi đất qua một khu đất mới. UBND huyện Phù Cát thống nhất trên cơ sở thu các sổ cũ cấp lại sổ mới cho dân.
Địa điểm được chính quyền huyện này chọn để hoán đổi là khu quy hoạch dân cư Vườn Bồ (thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân). Hồ sơ quy hoạch dân cư Vườn Bồ được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại quyết định số 4260/QĐ-UBND, ngày 22/10/2021. UBND xã Cát Tân đã lập quy hoạch chi tiết khu dân cư, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Ngày 27/10, UBND huyện Phù Cát đã ban hành quyết định thu hồi 46 lô đất đã giao trước đây; gồm 19 lô đất tại khu trại Ba An, thôn Bình Đức, xã Cát Tân; và 27 lô đất tại khu núi ông Đậu, thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân.
Ngày 31/10, Phòng TN&MT huyện Phù Cát phối hợp với UBND xã Cát Tân trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc giao đất tại thực địa cho 46 trường hợp được hoán đổi đất.
Khi được giao đất tại thực địa, các hộ dân rất vui mừng. Tuy nhiên, người dân cũng cho biết, khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới và cắm mốc giao đất tại thực địa thì không đủ diện tích đất theo như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ đã được giao.
Sau hơn chục năm chờ đợi được cấp đất, người dân phải nhận lại mảnh đất không bằng với diện tích đã cấp ban đầu. Nhưng vì không muốn phải kéo dài sự chờ đợi mòn mỏi việc có sổ nhưng không có đất để ở, người dân phải chấp nhận.
“Hồi sổ tôi được cấp diện tích 220m2 mà giờ cấp lại tổng diện tích có 160m2, mất nhiều. Nhiều người chứ không phải riêng tôi bị vậy. Chính quyền nói thông cảm do vướng, chờ đủ diện tích đó thì lâu nữa. Vì đã kéo dài mười mấy năm rồi mà chờ nữa biết bao giờ, mình phải chấp nhận thôi”, một người dân nói.
Lý giải về việc hoán đổi đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có diện tích thấp hơn so với diện tích cũ đã giao cho người dân, Chủ tịch UBND xã Cát Tân cho rằng do khu đất mới này là khu quy hoạch có đường xá rộng hơn. Chính quyền không tính giá trị mười mấy năm, chỉ tính giá trị đất ở nơi cũ so với với vị trí mới.
Theo ông Tòng, “ban đầu dự kiến làm cho bằng diện tích nhưng khi làm không đủ diện tích, để mở rộng ra cho bằng diện tích thì lâu. Bà con đồng tình thiếu ít nhiều cũng tốt, người dân đồng ý hết”.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho rằng, trong sự việc này không có việc đùn đẩy né tránh mà do năng lực. “Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không bao giờ đơn giản, năng lực của cán bộ chỉ đến đó và để như vậy, không quyết liệt để sự việc kéo dài”, ông Hưng nhìn nhận.
Theo ông, thời gian tới, UBND huyện Phù Cát sẽ rà soát lại cán bộ địa chính theo từng giai đoạn, trách nhiệm, vai trò. Không chỉ rà soát ở địa bàn xã Cát Tân mà rà lại tất cả các địa phương trong địa bàn huyện, đồng thời, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan để xử lý.
“Trách nhiệm chính đầu tiên là cấp xã, thứ hai nữa là các cơ quan có liên quan, ít nhất là cấp huyện cũng có một phần trách nhiệm vì giấy chứng nhận sử dụng đất là huyện cấp. Phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để rút kinh nghiệm cho toàn địa bàn. Tuỳ theo mức độ đến đâu có hình thức xử lý tương xứng”, ông Hưng nói.
Nguồn: Kenh14; Người Lao Động; CafeF; Vietnamnet
NSƯT Đỗ Kỷ kêu cứu; Trào lưu ca sĩ kiêm nhạc sĩ; Hố 'tử thần' nuốt nhà dân; Vụ đưa con đi chữa bệnh nhận về hũ tro cốt
Nhát dao đoạn tuyệt tình anh em; Lãnh án vì dọa 'tự thiêu' cùng con; Trả thù cho em gái bị đánh; Đồng tiền chia lìa 'khúc ruột'
'Cuồng' hàng xách tay; Cảnh báo thị trường tổ yến; Sở hữu chéo, doanh nghiệp 'ma'; Người mua nhà 'kiệt sức' đòi quyền lợi
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt; Xóa tư cách chức vụ 2 cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh; Gia đình kiệt quệ vì sốt xuất huyết
DN gặp khó về vốn; Hàng quán thi nhau đóng cửa; Cho vay kinh doanh BĐS tăng vọt; Tết này có thiếu tàu, xe?
Lê Dương Bảo Lâm bị đồn ngoại tình; Phim Việt đang thừa 'cảnh nóng'; Vụ 17 học sinh ngộ độc; Vụ cô gái lây truyền HIV
Lùm xùm giải thưởng Bùi Lan Hương; Nhiều nghệ sĩ rơi vào trầm cảm; Cháy hàng nghìn m2 rừng; Sai phạm chuyển cấp cứu tư nhân
Không có 'bão' mua sắm Black Friday; Vạch trần 'chiêu' gian lận thuế; Đất nền 'nóng' trở lại; Chặn lừa đảo từ xa trong BĐS
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá