Phá, trộm tiền cây ATM; Đột nhập nhà dân trộm cắp; Lừa đảo tư vấn du học; Ghép mặt, giọng nói người thân để lừa đảo

Clip: Bắt nghi phạm phá trụ ATM, trộm 175 triệu đồng tại Đà Nẵng

(Ảnh minh họa).

Sau khi đập phá trụ ATM tại đường Lê Duẩn, Nhựt bắt xe khách trốn vào phía nam, đến Phú Yên thì bị cảnh sát bắt giữ.

Tối 25/3, Cục CSGT cho biết, một tổ tuần tra của Phòng CSGT tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự truy chặn, bắt giữ Nguyễn Quốc Nhật, (SN 1978, ở Đà Nẵng), đối tượng đập trụ ATM trộm tiền, đang lẩn trốn trên xe khách theo Quốc lộ 1A.

Theo Cục CSGT, tối 24/3, khi nhận được đề nghị từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Yên, Thượng tá Võ Hùng Tường – Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên chỉ đạo Đại úy Nguyễn Cao Sang – Phó trưởng Trạm CSGT Tuy An trực tiếp điều hành tổ tuần tra gồm 4 cán bộ – chiến sĩ, triển khai phương án phối hợp truy bắt tội phạm.

Sau gần 2 giờ rà soát các chuyến xe khách vận hành trên Quốc lộ 1A từ hướng Bắc vào Nam, đến 18h50 tối 24/3, cảnh sát phát tín hiệu yêu cầu xe khách biển số Quảng Nam dừng lại tại địa phận thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An.

Qua kiểm tra xe khách, cảnh sát đã bắt giữ nghi can Nguyễn Quốc Nhựt. Qua đấu tranh, đối tượng này khai nhận đã gây ra vụ trộm cắp tiền tại một trụ ATM ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Đến ngày 25/3, Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam Nguyễn Quốc Nhựt về tội "Trộm cắp tài sản".

Trước đó, khuya 23/3, Nhựt mang xà beng, găng tay, cắt nguồn điện rồi chui vào trụ ATM ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng để cạy két. Nhựt dùng máy cắt để phá két, lấy được hơn 175 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này Nhựt lại tiếp tục nạp vào tiền ảo và thua sạch.

Chiều 23/3, Nhựt quay lại hiện trường thấy lực lượng công an đang khám nghiệm. Nghĩ mình sẽ bị bắt nên Nhựt quyết định tự tử nhưng không thực hiện được. Sau đó, Nhựt tạo hiện trường giả vụ nhảy cầu rồi đón xe khách vào Nam lẩn trốn nhưng bị bắt ở Phú Yên.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Bắt giữ đối tượng đột nhập vào nhà dân trộm cắp nhiều tài sản

Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Linh (SN: 1993, trú tại: Nhuận Trạch, Lương Sơn, Hoà Bình) về tội Trộm cắp tài sản.

Trước đó, khoảng 9h ngày 26/02/2023, CAP Trung Liệt tiếp nhận đơn trình báo của anh M. (trú tại: Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) về việc bị mất trộm 3 chiếc máy tính, 3 máy ảnh, 5 ống kính máy ảnh.

Tổng trị giá khoảng 80 triệu đồng. Ngay khi nhận được tin báo, Công an quận Đống Đa đã khẩn trương điều tra và bắt giữ đối tượng trộm cắp là Nguyễn Văn Linh.

Tại cơ quan Công an, Linh khai nhận khoảng 2h30’ ngày 26/2 Nguyễn Văn Linh đi lang thang trên địa bàn quận Đống Đa tìm nhà dân sơ hở để trộm cắp tài sản.

Khi đến ngõ 133 Thái Hà, Linh phát hiện tầng 2 một ngôi nhà không đóng cửa nên trèo vào lấy trộm 3 chiếc máy tính, 3 máy ảnh, 5 ống kính máy ảnh.

Ngoài ra đối tượng còn khai nhận trước đó còn trộm cắp 1 chiếc máy tính và 1 điện thoại trên địa bàn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

Hiện, Công an quận Đống Đa đang tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định.

(Nguồn: Kenh14)

Chiêu trò lừa đảo tư vấn du học

(Ảnh minh họa).

Lợi dụng tâm lý muốn đi du học ở nước ngoài của một số học sinh, nhiều đối tượng đã có các thủ đoạn tinh vi để lừa đảo thông qua hình thức tư vấn du học. Không ít phụ huynh, học sinh vì thiếu tìm hiểu thông tin đã “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học trong nước, gia đình anh Nguyễn Văn Tứ, tỉnh Hà Nam có mong muốn cho con được đi du học tại Úc. Sau khi tìm hiểu về các chương trình học tại đất nước này, Anh đã tìm đến công ty tư vấn du học có tên Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Nguyễn…

Với yêu cầu của công ty, anh đã nộp 179.500 đồng để đặt cọc lệ phí…thế nhưng đến nay sau 3 năm chờ đợi, đến nay con anh Tứ vẫn chưa được đi du học.

Một nạn nhân chia sẻ: Tôi đã nộp cọc lệ phí hơn 179 triệu đồng, giám đốc công ty cũng đưa tôi vào TP HCM làm visa nhưng sau đó thì không nhận được visa. Tôi có yêu cầu trả lại cọc nhưng công ty lại nói chuyển hướng cho tôi đi xuất khẩu lao động. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa được đi từ năm 2019 đến nay... Công ty cũng chưa trả lại cọc cho tôi.

Còn có nhiều trường hợp khác cũng là nạn nhân của Công ty cổ phần tập đoàn Việt Nguyễn. Trong số này, có người bị lừa đến gần 1 tỷ đồng. Lợi dụng tâm lý muốn được đi du học nước ngoài của nhiều phụ huynh, học sinh, các đối tượng đã có những thủ đoạn lừa đảo một cách tinh vi để chiếm đoạt tài sản với nhưng chiêu trò khác nhau như: Các đối tượng thường thành lập các công ty, trung tâm đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, sau đó thu tiền dịch vụ nhưng không dùng số tiền đó đúng mục đích mà tiêu xài cá nhân hoặc bán lại hồ sơ cho các trung tâm khác.

Luật sư Phùng Thanh Loan, Công ty Luật TNHH My Way đưa ra lời khuyên rằng: Nếu có dự định du học qua các công ty, trung tâm tư vấn dịch vụ này thì khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ giấy phép, độ uy tín của các cơ sở này. Không nên nghe vào những lời quảng cáo rồi ký hợp đồng, chuyển tiền một cách nhanh chóng mà cần xem xét kỹ, nhất là các điều khoản trong hợp đồng.

Theo Cục Hợp tác giáo dục quốc tế, Bộ Giáo dục Đào tạo, Việt Nam hiện có hơn 2.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học. Nhu cầu du học tăng như mảnh đất màu mỡ để các công ty tư vấn du học đua nhau mọc lên. Thế nhưng, không phải đơn vị nào cũng thực sự có đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dịch vụ du học.

Nếu có dự định du học qua các công ty, trung tâm tư vấn dịch vụ này thì khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ giấy phép, độ uy tín của các cơ sở này. Không nên nghe vào những lời quảng cáo rồi ký hợp đồng, chuyển tiền một cách nhanh chóng mà cần xem xét kỹ, nhất là các điều khoản trong hợp đồng. Không ít trường hợp các trung tâm kém chất lượng đã đưa vào hợp đồng các điều khoản bất lợi, thậm chí miễn trừ trách nhiệm của họ khi xảy ra sự cố đối với khách hàng.

(Nguồn: ANTV)

Xuất hiện hành vi ghép mặt, giọng nói giống hệt người thân để lừa đảo

Các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake AI, tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video với độ chính xác rất cao để lừa đảo.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Th. (ngụ phường Linh Tây, TP. Thủ Đức, TP.HCM) bị lừa mất 20 triệu đồng với hình thức gọi video qua Facebook.

Theo đó, chị Th. đang làm việc thì nhận được tin nhắn của bạn thân qua Facebook hỏi mượn 20 triệu đồng để đủ tiền đáo hạn ngân hàng. Nghi ngờ Facebook người bạn bị chiếm tài khoản, lừa đảo nên chị Th. đã gọi video để kiểm chứng.

Phía bên kia bắt máy, mở video cho chị Th. thấy mặt bạn nhưng hình ảnh mờ, chập chờn và nói đang cần tiền gấp. Khi chị Th. hỏi sao hình ảnh mờ thì bên kia trả lời "đang vùng sóng yếu". Chị Th. tin tưởng, chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản theo yêu cầu.

Sau khi chuyển tiền được 30 phút, chị Th. dùng điện thoại gọi cho cô bạn hỏi thăm thì mới biết mình đã bị lừa.

Chiều 25/3, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên không gian mạng đã xuất hiện phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất tinh vi, bằng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Cụ thể, chúng sử dụng công nghệ Deepfake AI, tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả người ngoài đời thực với độ chính xác rất cao.

Khi chúng thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay có thể tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu…

Để thực hiện được hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… rồi sử dụng công nghệ Deepfake để tạo sẵn những video rất khó phân biệt thật - giả, có hình ảnh, giọng nói của cá nhân đó để phục vụ cho kịch bản lừa đảo.

Đặc điểm chung của những cuộc gọi video như vậy thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi video trong khu vực phủ sóng di động hoặc wifi yếu để nạn nhân khó phân biệt thật, giả.

Nếu nạn nhân cẩn thận gọi video để kiểm tra thì chúng sẽ không nhận cuộc gọi hoặc sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh, video để đánh lừa.

Từ những căn cứ nêu trên, Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo và đề nghị mọi người nâng cao cảnh giác, khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội.

Cần bình tĩnh, sau đó gọi điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh (không gọi qua các ứng dụng như Zalo, Messenger, Viber, Telegram…).

Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang