Ôtô lao xuống hồ, 2 người chết; Nghi vấn lao vào tàu hỏa tự vẫn; Vụ ngộ độc Botulinum; Thủy Tiên lại bị chỉ trích vụ từ thiện

Ô tô chở 6 người lao xuống hồ, 2 nạn nhân tử vong tại chỗ

(Ảnh minh họa).

Ô tô chở 6 người, bất ngờ mất lái lao xuống hồ nước bên đường ở Hà Tĩnh, làm 2 nạn nhân tử vong tại chỗ.

Lãnh đạo UBND xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, vụ tai nạn nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn làm 2 người tử vong tại chỗ.

Khoảng 2h sáng nay (26/5), anh Hoàng Đ. (SN 1987, trú huyện Lộc Hà) điều khiển xe ô tô BKS 38A-45713, trên xe chở theo 5 người gồm Đặng Minh H. (SN 1990), Lê Tử X. (SN 1977), Trần Đình H. (SN 1981), Phan Văn D. (SN 1987) và Trần Đình T. (SN 1989), cùng trú huyện Lộc Hà.

Khi đi đến Km 9+600 ĐT 548 đoạn qua xã xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), xe mất lái, lao xuống hồ nước bên đường. Hậu quả khiến tài xế là anh Hoàng Đ. và anh Trần Đình H. tử vong tại chỗ.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để làm công tác cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng CSGT đã tiến hành đo nồng độ cồn những người có mặt trên xe để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Kết quả xác định, có ít nhất 3 người ngồi trên xe có nồng độ cồn. Nguyên nhân vụ tai nạn đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

(Nguồn: Vietnamnet)

Nghi vấn người đàn ông tông vào tàu hỏa tự vẫn

Lực lượng chức năng đang tiến hành làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt khiến một người tử vong xảy ra tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).

Tối ngày 25/5, ông Lương Văn Thích, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên - Huế xác nhận, lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra trên tuyến đường sắt do đơn vị này quản lý.

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 18h41’ cùng ngày. Tàu liên quan đến vụ tai nạn giao thông mang số hiệu H8 và đang di chuyển theo hướng Nam - Bắc. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn nói trên thuộc địa phận thôn Xuân Lâm (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).

Một nguồn tin cho biết, nạn nhân là P.T.T. (35 tuổi; trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). Trước khi xảy ra tai nạn, nạn nhân đi bộ gần đường ray và sau đó chủ động lao vào khi tàu di chuyển tới.

Hiện, vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

(Nguồn: Đại Đoàn Kết)

Từ vụ ngộ độc Botulinum ở TP.HCM: Cần dự trữ thuốc hiếm dù rất đắt tiền

(Ảnh minh họa).

''Phải dự trữ quốc gia thuốc hiếm, nếu không có bệnh nhân nào dùng đến thì mừng quá, hủy cũng không tiếc tiền''.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM chia sẻ điều nà với báo chí khi đề cập đến nhiều trường hợp ở TP Thủ Đức ngộ độc Botulinum vừa qua.

PV: Từ vụ ngộ độc xảy ra ở TPHCM vừa qua, bà góp ý thế nào về cơ chế dự trữ thuốc hiếm?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Vụ ngộ độc xảy ra lần này không phải như những trường hợp ngộ độc tập thể từ các bếp ăn cho nhiều người. Trường hợp ngộ độc từ bếp ăn chúng ta sẽ có quy trình lấy mẫu lưu. Vụ ở TPHCM có điểm chung là các nạn nhân trước đó đều ăn chả lụa. Đã lấy mẫu, cả tại nơi sản xuất, nhưng nói thật lấy mẫu này chỉ có tính tương đối. Còn kết quả là âm tính với độc tố Botulinum. Nhưng chúng ta cũng không dám loại trừ chả lụa không liên quan gì, mà nếu dương tính tôi cũng không dám 100% khẳng định tại chả lụa.

Đặc thù của chả lụa là khi làm phải luộc rất lâu mới chín, nên tới giai đoạn thành phẩm thì chắc chắn các bào tử botulinum không thể sống sót được, đã bị triệt tiêu bởi nhiệt. Nhưng sau đó lại nghi ngờ do hàng trôi nổi, hàng quá date, lúc đó các nạn nhân cũng miêu tả chả lụa bị chảy nước, thậm chí cảm thấy có mùi ôi thiu nhưng vẫn ăn. Có thể trong quá trình đó tiếp xúc với nguồn gây ngộ độc vì Botulinum hiện diện ngay trong môi trường chúng ta sống. Với tất cả dữ liệu thì tôi chưa dám khẳng định nguyên nhân vụ ngộ độc này.

Ta cần phải khuyến cáo người dân tăng cường ăn chín, uống sôi, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, tránh mua về gói kín rồi để lâu hàng tuần, vì đó cũng là nguy cơ có vi khuẩn.

Rủi ro có thể xảy ra nên phải có thuốc để cấp cứu kịp thời. Rất tiếc là thuốc chúng ta không có. Lúc đó phải nói hoan nghênh BV Chợ Rẫy chủ động nhớ ra mình còn 2 lọ thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam nên lấy về. Thuốc đó phải được trữ và bảo quản ở -20 độ C, có thùng chuyên biệt nhưng thùng ở Quảng Nam đã hỏng nên BV Chợ Rẫy lại hết sức cấp cứu bệnh nhân, rồi gửi một thùng khác ra Quảng Nam để chuyển đường hàng không, chờ ở sân bay để lấy thuốc về cho 3 bệnh nhi.

Hai lọ thuốc đó thực ra chia cho cả 3 bệnh nhi, một em được truyền một lọ, hai em còn lại mỗi em được truyền nửa lọ. Diễn biến của các bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện giờ nói chung là cũng khả quan hơn, nhưng các trường hợp kia thì không được may mắn như vậy.

Bộ Y tế, các viện cũng vào cuộc. Mặc dù lúc đó chưa đủ dữ liệu nhưng Ban quản lý an toàn thực phẩm chúng tôi phối hợp với TP Thủ Đức để kết luận ngay đây là vụ ngộ độc Botulinum, để đề nghị WHO khẩn cấp viện trợ thuốc, nhưng mà rõ ràng đã qua thời gian vàng. Nếu chúng ta có sẵn thuốc này dự trữ thì đã cứu được bệnh nhân.

Đây không phải lần đầu thiếu, không chỉ riêng thuốc này. Từ trước đến nay các bệnh viện thường hay đón nhận cấp cứu thì dự trù hàng năm về các loại thuốc, nhưng mua về thì đối diện nguy cơ chậm có do thủ tục rất phức tạp.

Các doanh nghiệp đứng ra nhập thuốc này cũng không phải vì lợi nhuận, do nhập có bao nhiêu đâu, chủ yếu là quan hệ với bệnh viện thôi.

Khi mua về rồi, may mắn không có bệnh nhân nào dùng thì thuốc có hạn phải hủy, nhưng những loại này rất đắt tiền. Nên giải pháp là phải dự trữ quốc gia về thuốc phòng ngừa ngộ độc Botulinum và một số sản phẩm khác.

Theo tôi, Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng cho cả nước là bao nhiêu trường hợp, dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt, có thể ở Hà Nội và TP HCM rồi khi có vụ việc sẽ điều chuyển thật gấp.

Phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu một năm không có ai bị thì mừng quá, hủy cũng không tiếc tiền. Chứ đơn vị sự nghiệp, bệnh viện tiền đâu mà dự trữ khi mấy nghìn USD một liều. Ở góc độ quốc gia khi đàm phán giá với công ty sản xuất, phân phối với thời gian biết trước và số lượng theo từng năm, người ta sẽ cân đối được kế hoạch để có số lượng lớn mà giá thành rẻ hơn.

Thuốc đắt vì hiếm, sản xuất số lượng hạn chế mà không phải lúc nào cũng sử dụng, việc ta tự sản xuất cũng không khả thi.

Phải có chính sách, chỉ đạo rõ ràng, tránh trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, như dự trù xong sau đó lại kết luận lãng phí vì không sử dụng phải hủy bỏ.

PV: Về việc thành lập kho dự trữ thuốc hiếm ở 3 miền thì sao?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Vấn đề là tiền đâu, hàng năm phải có bộ phận đôn đốc, điều chuyển thuốc như thế nào, gần hết hạn thì phương hướng xử lý ra sao. Các thuốc sẽ có thời hạn khác nhau thì phải sử dụng thuốc sắp hết hạn trước, điều phối cái này rất đơn giản, thậm chí có thể giao cho một bệnh viện làm đầu mối, đừng sa đà vào những quy trình tổ chức.

Theo tôi tổ chức hai nơi là Hà Nội và TP HCM thôi, lấy kho ở Bệnh viện Chợ Rẫy để lưu trữ, còn ở Hà Nội sử dụng bệnh viện nào lớn thuộc bộ. Đây là chương trình quốc gia, sở y tế các tỉnh thành phải biết được về việc dự trữ đó, nếu lỡ có bệnh nhân thì điều chuyển về.

Dự trữ quốc gia phải có và không phải dùng đến là tốt.

PV: Bộ Y tế phải tính toán dự phòng, thưa bà?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Bộ Y tế là cơ quan quản lý thì phải nhìn tổng thể hơn nhu cầu cả nước thế nào, nhưng phải có chủ trương, pháp lý để anh em yên tâm làm.

Cứ nhìn những trường hợp vừa rồi, cấp cứu mà biết chắc không cứu được, không có thuốc giải thì cứ từ từ tê liệt các cơ rồi không qua khỏi, tiền chạy máy thở còn lớn hơn so với 1 liều thuốc.

Đứng trước sinh mạng của người dân thì tiền bạc là vô nghĩa.

(Nguồn: Kenh14)

Lại bị chỉ trích chuyện từ thiện, Thủy Tiên đáp trả gay gắt

Bị chỉ trích chuyện từ thiện cách đây 3 năm, ca sĩ Thủy Tiên đáp trả gay gắt: Nếu mình sai thì Trời, Phật không để yên cho mình đâu.

Mới đây, ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ: "Cái nón lá kỷ niệm của tui đi miền Tây hạn mặn, miền Trung cứu trợ. Nhờ có nó che chở cho tui lúc nắng bạt mặt, mưa bạt nhiều năm rồi vẫn giữ như báu vật, nhờ bà làm tóc cầm giùm để vô chụp ảnh mà nghĩ sao mà bà làm tóc bả nói: 'Ủa em tưởng chị lụm nón của mấy cô cắt cây trong resort nên em quăng dưới cỏ ai lấy mất tiêu rồi'".

Chia sẻ của Thủy Tiên ngay lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Ngoài những ý kiến chia sẻ cũng không ít ý kiến mỉa mai, thậm chí chỉ trích Thủy Tiên về việc từ thiện của 3 năm trước. Trong đó, có ý kiến rằng: "Đi nắng, đọc hết bộ kinh Địa tạng là hết nắng cô Tiên".

Ngay lập tức, Thủy Tiên đã bình luận đáp trả: "Việc của mình nếu mình sai thì Trời Phật không để yên cho mình đâu. Còn các bạn và mình không quen biết nhau, bạn tin mình hay không mình không quan trọng, nhưng không nên dùng tên kinh điển đi mỉa mai đùa cợt cho tổn phước rước họa như thế".

Trước đó, nữ ca sĩ Thủy Tiên vướng phải loạt ồn ào khi đi cứu trợ, từ thiện. Dù đã sao kê chi tiết và rõ ràng nhưng đến tận thời điểm hiện tại, cộng đồng mạng vẫn còn tranh cãi về việc làm từ thiện của nữ ca sĩ.

Cách đây không lâu, chủ nhân ca khúc Giấc mơ tuyết trắng đã lên tiếng giải thích việc đếm ''6 tờ 500.000 đồng thành 5 triệu đồng''. Cô khẳng định bản thân bị oan do những đoạn clip được chỉnh sửa khiến người khác cho rằng cô ăn chặn từ thiện.

Thủy Tiên cũng bức xúc khi cho rằng dù đã livestream rõ ràng, tuy nhiên nhiều người cố tình cắt ghép và bỏ đi đoạn sau để lan truyền sai sự thật. Điều này khiến cô bị chỉ trích ăn chặn tiền. "Tiên biết là giờ có nói ra thì cũng chẳng thay đổi được gì, ai không tin thì họ cứ không tin, nhưng Tiên nghĩ rằng những người đang theo dõi Tiên họ sẽ nhẹ lòng hơn khi nghe được sự thật câu chuyện được chia sẻ từ phía Tiên" - nữ ca sĩ phân trần.

Sau thời gian im ắng vì ồn ào từ thiện, Thủy Tiên đang dần trở lại hoạt động nghệ thuật và tham gia các sự kiện giải trí.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang