Nỗi ám ảnh ở Làng Nủ; Vụ bệnh nhân vỡ ruột thừa mới được mổ; ‘Học sinh ăn cơm với gừng chấm muối’; Sạt lở trên quốc lộ 14

NỖI ÁM ẢNH TỪ LÀNG NỦ CÒN ĐÓ!

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.

Mơ bạn

Ma Trường Quyền, học sinh lớp 9 Trường THPT&THCS số 1 Phúc Khánh ngồi cạnh anh trai và mắt không rời chiếc xe xúc đang lê lết trên vũng bùn ở bờ suối thôn Làng Nủ . Đã hơn nửa tháng trôi qua, công việc tìm kiếm vẫn tiếp tục, dù nỗi tuyệt vọng mỗi ngày lớn dần. Chiều 26/9, có thêm 1 thi thể được tìm thấy. Cậu bé nổi da gà khi nghe người lớn nói rằng, không thể tìm được nữa, vì chôn sâu tới 30 mét.

Quyền vừa ở trường nội trú và trở về nhà vào ngày cuối tuần. Nỗi ám ảnh lớn tới mức, ngày đầu tiên đi học sau trận lũ quét , người mẹ phải chở cậu đi 5 km ra trường học vì cậu vốn sợ ma. Quyền nói một câu khiến tôi cũng giật cả mình: “Hai người bạn thân của em là Ánh Nam và Quỳnh Mai chết, nhưng có một người bạn thân nhất là Ánh Nam về gọi em, rủ đi tắm, em mừng quá vì thấy bạn còn sống, nhưng mở mắt biết là ngủ mơ”.

Ma Trường Quyền nhìn ra bờ suối, cũng chỗ đó vào ngày 10/9 lúc sáng tinh mơ, tiếng người la hét vang cả xóm và cậu nhìn ra thì thấy người bạn thân nhất của mình là Hoàng Anh Trường đang chới với giữa bùn đất. Con suối chảy qua làng rất hiền hòa nhưng sau tiếng nổ của núi thì giống như một phép màu và còn hơn cả ác mộng, núi đất cao khoảng 30 mét tuôn xuống và cuốn theo rất nhiều người. Khi thấy một người kéo được Ánh Nam vào gần bờ, Quyền không ngại nguy hiểm nên nhào ra đỡ và gọi tên. “Bạn ấy chắc không kịp nhìn thấy mình, chỉ ngáp mấy cái rồi nhắm mắt lại luôn” - Quyền khóc và kể.

Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT&THCS số 1 Phúc Khánh, chia sẻ: “Có 13 em học sinh đã vĩnh viễn không còn quay lại trường học. Nhà trường vừa tiếp nhận và sắp xếp học nội trú cho 107 em học sinh ở thôn Làng Nủ. Khoảng cách từ nhà trường đến Làng Nủ chỉ có khoảng 5 km, theo quy định các em học sinh này không được ở nội trú, vì vậy nhà trường mong muốn các cấp chính quyền xem xét tạo cho nhà trường cơ chế đặc biệt để giúp các em”.

Từ ngày chuyển sang chế độ học nội trú và cuối tuần mới về nhà, Quyền và người anh trai là Ma Trường Huy cùng nhau rời thôn Làng Nủ, nhưng hình ảnh núi rừng và người bạn khép dần đôi mắt, thở hắt hơi và qua đời khiến cậu bàng hoàng và mong trở về nhà vào ngày cuối tuần.

Chờ bạn

Sáng ngày 24/9, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã rút quân sau 15 ngày tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong trận sạt lở tại thôn Làng Nủ, nhưng tại hiện trường vẫn còn một số ít anh em bộ đội hỗ trợ bà con thêm vài ngày nữa. Cậu bé Hoàng Trần Bảo Sơn, Hoàng Thị Chi và Hoàng Thị Ánh Hồng từ Trường THPT&THCS số 1 Phúc Khánh trở về nhà, bà con thôn Làng Nủ lao xao kể chuyện từng bắt con trăn trên núi Con Voi bò xuống, có khi bị quở phạt.

Dọc bờ sông, những chiếc xe múc vẫn ầm ầm đào đất, mỗi khi chiếc gàu sục xuống bùn, nhiều người lớn dán mắt nhìn theo vì sợ sẽ chạm và làm đau ai đó đang nằm dưới bùn đất. Những ngày học ở trường, các bạn luôn nhắc tới những cô, cậu bé học cùng trường may mắn sống sót và đang nằm điều trị tại bệnh viện, đó là em Sầm Văn Nhuận, Nguyễn Thị Tuynh, Hoàng Ngọc Lan.

Khi trở về trên con đường với những đồi cọ lô xô hiện ra bên cạnh dòng suối, Bảo Sơn lại rơi nước mắt. Cậu nói: “Chỗ đó chứ đâu, cháu với bạn Trường hay chạy dưới rừng cọ, rồi rủ nhau lên tắm suối ở chân núi Con Voi”. Bóng dáng tin hin của 3 em học sinh đứng bên bờ suối trong âm thanh ầm ầm của máy xúc, bóng người lao xao đi lại và nét mặt hiện nỗi u uẩn, bà Hoàng Thị Cảnh gọi: “Thôi về lo học đi, đừng ra đây chờ nữa, tối về ngủ lại chiêm bao”.

Tại ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Hoàng Thị Bài và Bàn Văn Tiếp nằm gần điểm trường mẫu giáo thôn Làng Nủ, cháu bé Bàn Thị Khánh Vy vừa đi học về nhà đã hỏi mẹ về bạn Minh Khôi. Dù còn bé và ý thức chưa hiểu hết chuyện buồn của người lớn, nhưng cô bé học lớp mẫu giáo vẫn đăm chiêu trên khuôn mặt và thỉnh thoảng lại nhắc “Khánh Vy khi nào lại đến trường”.

Với Hoàng Thị Thảo My, hiện đang học lớp 7, mỗi khi đi qua khóm cọ nằm ở triền đồi lại nhắc tới người bạn thân là Hoàng Thị Quỳnh Linh. Thảo My cho biết, hiện nay vừa chuyển sang học nội trú, nhưng các bạn trong lớp và cô giáo Ngô Thị Bích Phượng vẫn nhắc tên các bạn đã mất. Thỉnh thoảng gặp người bạn cùng lớp và cùng thôn là Hoàng Trần Bảo Sơn, hai đứa lại nói câu nhớ bạn Quỳnh Linh.

Tuổi thơ

Tuổi thơ của những đứa trẻ ở vùng sơn cước này tràn ngập ký ức, giống như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường mô tả. Cái ngọn núi Con Voi gây tang tóc cho dân làng khiến 57 người chết trong vụ lũ quét sạt lở đất vào sáng sớm ngày 10/9 lại chính là nơi các bạn nhỏ vui đùa. Ngày trước, mỗi khi đi học về, nhóm bạn của Ma Trường Quyền lại chạy hơn 1 km, tới chân núi Con Voi, sau đó đi dần lên hướng vách núi, nơi có con suối trong vắt, dòng chảy như trong cõi mơ.

Quyền thường nhảy xuống nước trước, các bạn nhảy sau. Cả buổi trưa, thậm chí kéo dài tới chiều, cuộc vui chơi của những đứa trẻ cứ miên man bất tận. Nếu ở miền xuôi, cha mẹ thấy con vắng nhà lâu thì sẽ đi tìm kiếm cùng với lời răn đe “cấm ra sông, xuống suối”. Còn ở vùng cao này, sông suối giống như sân chơi, lũ trẻ lớn lên và hòa mình vào núi rừng. Trường và các bạn không cần phải tới hồ bơi và mời thầy dạy như ở các thành phố, cả đám cứ tự học bơi rồi dần dần đứa nào cũng bơi giỏi, bắt cá lẹ tay.

Thỉnh thoảng cụ bà Hoàng Thị Len, Hoàng Thị Sên nheo mắt nhìn lũ trẻ, nở nụ cười vì nhớ đến tuổi thơ của mình. Bà Len vuốt đầu cậu và đám nhóc rồi nói: “Sau này lớn thì lên tới đỉnh núi, trên đó có rừng lá giang”. Nghe rừng trên đỉnh núi, đám nhóc chơi cùng Quyền có vẻ mê mẩn. Nhiều đứa tắm dưới suối nhưng ngửa mặt lên trời nói rằng, chừng nào học tới lớp 10 thì leo lên đỉnh để ngắm dòng suối.

Cái dòng suối róc rách chảy qua làng tạo thêm cảnh sắc yên bình ở vùng quê Tây Bắc. Nhiều cháu nhỏ không ngờ rằng, sau siêu bão Yagi, dòng suối thành thác dữ. Và 32 trẻ nhỏ bị vùi lấp, nỗi đau thấu tận trời xanh.

 

 

BỆNH NHÂN VỠ RUỘT THỪA MỚI ĐƯỢC MỔ, BỆNH VIỆN LÊN TIẾNG

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho rằng phần ruột thừa của bệnh nhân không nằm ở vị trí thông thường nên các biện pháp chẩn đoán ban đầu không phát hiện được.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai vừa ra thông cáo báo chí thông tin về vụ việc liên quan một bệnh nhân vỡ ruột thừa nguy kịch, người nhà tố bệnh viện tắc trách.

Theo Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai, ngày 23-9, bệnh nhân N.V.H. (53 tuổi, ngụ huyện Mang Yang) nhập viện trong tình trạng đau bụng chưa rõ nguyên nhân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột cấp - nhiễm trùng đường tiêu hóa và cho nhập viện theo dõi sát.

Đến trưa 24-9, bệnh nhân lên cơn đau bụng nhiều ở hạ sườn phải, lan dọc xuống hố chậu. Bác sĩ chỉ định chụp CT ổ bụng có thuốc cản quang thì phát hiện bệnh nhân bị vỡ ruột thừa nên tiến hành mổ cấp cứu.

Đến nay, sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt, các chỉ số sinh tồn ổn định, có thể ăn uống và tập vận động nhẹ.

Liên quan thông tin cho rằng bác sĩ không phát hiện bệnh nhân viêm ruột thừa dẫn đến vỡ, phải phẫu thuật cấp cứu, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho rằng ông N.V.H. có cấu trúc giải phẫu đặc biệt, không giống các ca bệnh thông thường.

Theo đó, phần ruột thừa của ông không nằm ở vùng hố chậu phải mà nằm quặt ngược sau manh tràng dưới gan. Do đó, các biện pháp chẩn đoán ban đầu không phát hiện được. Trong quá trình theo dõi, khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng tăng dần, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT bụng và phát hiện vỡ ruột thừa.

Ban Giám đốc bệnh viện đã huy động kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật mở, tìm điểm ruột thừa vỡ, vệ sinh làm sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu.

Theo ông Bùi Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai, y văn ghi nhận một vài người có cấu trúc cơ thể không đúng ở vị trí giải phẫu thông thường. Vì vậy, các triệu chứng đau của người bệnh không điển hình. Kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng cũng cho kết quả không chính xác.

Từ đó, nhiều trường hợp khi phát hiện được tình trạng viêm thì ruột thừa đã vỡ. Rất may, ngay thời điểm ruột thừa vỡ, ông H. đã được chẩn đoán chính xác, cuộc mổ diễn ra thuận lợi. Trong quá trình hậu phẫu, bệnh nhân đáp ứng tốt.

Tập thể y - bác sĩ đã họp hội đồng chuyên môn và rút kinh nghiệm về ca bệnh này. Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cũng quyết định miễn toàn bộ viện phí cho bệnh nhân.

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, sau khi ông H. phải mổ cấp cứu do vỡ ruột thừa, người nhà đã tố Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai tắc trách.

Theo người nhà bệnh nhân, khi ông H. được đưa tới Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai, tại Khoa Cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán ông viêm ruột. Ông H. được chuyển đến Khoa Nội Tổng hợp tiếp tục điều trị.

Trưa 24-9, thấy tình hình ông H. nặng hơn, người nhà tìm gặp bác sĩ trực thông báo tình hình, đề nghị kiểm tra ruột thừa.

Sau khi chụp CT, các bác sĩ thông báo ruột thừa ông H. đã bị vỡ, yêu cầu người nhà khẩn trương làm các thủ tục để bệnh nhân mổ cấp cứu.

 

 

VỤ "HỌC SINH MẦM NON ĂN CƠM VỚI GỪNG CHẤM MUỐI": KIỂM ĐIỂM HÀNG LOẠT CÁ NHÂN

UBND huyện Mù Cang Chải đề nghị giáo viên điểm trường Mồ Dề kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc phát ngôn về các nội dung tuyên truyền.

Sáng ngày 27/9/2024, đoàn công tác của huyện do bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế về việc thực hiện các chế độ chính sách tại điểm lẻ Trường Mầm non bản Màng Mủ, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải.

Đi cùng có các đồng chí lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo; Ban Chỉ huy Quân sự huyện; Phòng Dân tộc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện; lãnh đạo Cấp ủy chính quyền xã Mồ Dề.

Theo báo cáo, điểm lẻ Trường Mầm non bản Màng Mủ, xã Mồ Dề hiện có 5 lớp với tổng số 115 trẻ. Thực hiện theo chế độ chính sách của Nhà nước mỗi trẻ được hỗ trợ tiền ăn là 160 nghìn đồng/tháng.

Theo đó, bước vào vào năm học mới, tại điểm trường chính Trường Mầm non xã Mồ Dề đã tổ chức nấu ăn 5 bữa chính/ tuần cho trẻ. Tại các điểm lẻ các cô giáo phối hợp với các bậc phụ huynh tổ chức nấu 2 bữa/tuần vào các ngày thứ 3 và thứ 5, còn 3 buổi 2,4,6 là ăn cơm cặp lồng do gia đình nấu đều đảm bảo đủ khẩu phần ăn và chất dinh dưỡng cho trẻ.

Tại buổi kiểm tra, huyện Mù Cang Chải đã rõ về việc thực hiện các chế độ chính sách đối với điểm lẻ Trường Mầm non bản Màng Mủ, xã Mồ Dề.

Đoàn công tác của huyện đã tiến hành kiểm tra chế độ về các khẩu phần ăn của từng trẻ ở mỗi nhóm lớp và chế độ chi trả hàng tháng cho mỗi một học sinh theo quy định để các bậc phụ huynh có con đang theo học tại trường có nguồn kinh phí mua bổ sung thêm thức ăn cho con trong các ngày phải ăn cơm cặp lồng đến lớp học.

Cũng tại buổi kiểm tra, đoàn công tác của huyện đã đi kiểm tra các phòng học của các nhóm lớp và công trình đang khởi công xây dựng 02 phòng học mới để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học tại điểm lẻ bản Màng Mủ, xã Mồ Dề.

Ngay sau buổi kiểm tra. huyện Mù Cang Chải đề nghị cán bộ, giáo viên Trường Mầm non xã Mồ Dề cần công khai minh bạch về các chế độ chính sách hỗ trợ của nhà nước đến các bậc phụ huynh học sinh nắm rõ và hiểu đúng các quy định của nhà nước; nghiêm túc, kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong việc tổ chức và phát ngôn về các nội dung tuyên truyền chưa chính xác trên các hệ thống thông tin truyền thông mạng xã hội.

Yêu cầu cán bộ, giáo viên tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; tổ chức các hoạt động phải đi vào thực chất, tránh hình thức; Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Đề nghị Cấp ủy, chính quyền xã Mồ Dề cần chỉ đạo và sát sao hơn nữa trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là về các chế độ chính sách đối với học sinh và Nhân dân trên địa bàn. Góp phần chung đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển và nâng cao chất lượng hơn.

 

 

CẢNH GIÁC VỚI HIỆN TƯỢNG SẠT LỞ TRÊN QUỐC LỘ 14

Do ảnh hưởng của mưa bão, đất trên mái taluy dương quốc lộ (QL) 14 bị sạt lở, đã đẩy 2 đốt tường chắn với chiều dài khoảng 18 m nghiêng ra mặt đường, gây mất an toàn giao thông.

Thời gian qua, người dân qua lại trên QL14 đoạn qua xã Đăk Kroong, H.Đăk Glei (Kon Tum) liên tục phản ánh về điểm sạt lở taluy dương đe dọa tính mạng con người.

Theo đó, năm 2023, do ảnh hưởng của mưa bão, đoạn tường chắn ta luy dương từ Km 1448+715 đến Km 1448+733 trên QL14 bị sạt lở nghiêm trọng. Trên tường chắn taluy xuất hiện nhiều vết nứt với chiều dài hàng chục mét, nhiều đoạn tường chắn đã đổ sập chỉ còn trơ vách đất lở lói.

Hệ thống tường chắn bằng bê tông bị khối lượng lớn đất đá đè xuống làm xô lệch khỏi vị trí ban đầu từ 20 đến 40 cm. Trên đỉnh tường chắn là mái taluy cao hàng chục mét với khối lượng đất đá rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Tại khu vực này, sau mỗi cơn mưa, lượng lớn đất đá từ trên cao theo dòng nước chảy tràn xuống mặt đường che lấp lối đi.

Đặc biệt, trên đỉnh mái taluy khu vực sạt lở có 1 trụ điện thuộc hệ thống lưới điện 500 kV mạch 1 Thạnh Mỹ - Pleiku 2. Hiện tại mép sạt lở mái taluy dương chỉ còn cách chân cột điện 19 m. Dù nguy hiểm là vậy nhưng 2 năm qua, điểm sạt lở taluy dương này vẫn chưa được khắc phục.

Chị Trịnh Huyền Nga (trú TP.Kon Tum) cho biết, chị thường xuyên qua lại trên QL14. Mỗi lần đi qua đoạn đường này chị đều lo việc đất đá từ trên cao có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

"Vừa rồi tôi xem trên truyền hình thấy ở miền Bắc nhiều quả đồi đổ ập xuống trong vài giây, vùi lấp nhà cửa, đường đi. H.Đăk Glei lại là nơi thường xuyên xảy ra sạt lở, nhất là trong mùa mưa bão, nên mỗi lần đi qua đoạn đường này tôi đều mang trong mình cảm giác lo âu, sợ hãi", chị Nga nói.

Trước thực trạng trên, UBND H.Đăk Glei và Phòng CSGT, Công an tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương khắc phục vị trí tường chắn hư hỏng, nguy cơ mất an toàn giao thông. Tiếp nhận đề nghị này, Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum đã cắm biển cảnh báo đoạn đường nguy hiểm tại 2 đầu vị trí sạt lở.

Theo Khu quản lý đường bộ III, đoạn đường trên được hoàn thành và bàn giao cho Khu quản lý đường bộ III quản lý từ năm 2003. Năm 2023, do ảnh hưởng của mưa bão, đất trên mái taluy dương sạt lở đã đẩy 2 đốt tường chắn với chiều dài khoảng 18 m nghiêng ra mặt đường, xô lệch khỏi vị trí ban đầu khoảng 80 cm. Đến nay, tường chắn tiếp tục chuyển vị và ngã đổ ra mặt đường, gây mất an toàn giao thông.

Để đảm bảo an toàn cho đường dây 500 kV, Khu quản lý đường bộ III đã có các văn bản gửi đơn vị truyền tải điện Kon Tum về việc kiểm tra, xử lý mức độ ảnh hưởng do sạt lở taluy. Từ đó, có giải pháp phòng ngừa tránh sạt lở móng cột điện 500 kV mạch 1 Thạnh Mỹ - Pleiku 2.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 27.9, đại diện Khu quản lý đường bộ III cho biết đã báo cáo tình hình trên cho Cục Đường bộ Việt Nam và sẽ tiến hành khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.

 

Nguồn: Kenh14; Người Lao Động; Soha; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang