Nhường đất làm KĐT, 10 năm chưa được an cư; Quy hoạch tuần qua; 9 cầu vượt kết nối metro ra sao; HN lại lo ngập

Nhường đất làm khu đô thị, hơn 10 năm người dân chưa được an cư

(Ảnh minh họa).

Gần 100 hộ dân khu tái định cư Đằng Lâm 2 (Hải Phòng) chưa được cấp sổ đỏ, ổn định cuộc sống sau hơn 10 năm nhường đất để làm khu đô thị.

Nhiều ngày nay, các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị ICC (quận Lê Chân, Hải Phòng) đi đòi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho mảnh đất họ được phân hơn 10 năm nay ở khu tái định cư.

Dân mòn mỏi chờ sổ đỏ sau hơn 10 năm giao đất

Ông Nguyễn Hoàng Long (SN 1978, người dân được đền bù đất tại khu tái định cư Đằng Lâm 2, phường Thành Tô, quận Hải An) phản ánh với VietNamNet: Từ năm 2010, nhà ông đã giao đất, công trình nhà ở cho Nhà nước để giao cho Công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp thương mại ICC làm dự án thương mại - Khu đô thị ICC.

Sau đó, gia đình được phân 1 suất đền bù tại Khu tái định cư Đằng Lâm 2, cách nơi ở cũ khoảng 8km.

“Ủng hộ chính sách của Nhà nước, người dân chúng tôi nghiêm túc chấp hành. Nhưng hơn 10 năm nay, ngoài tờ giấy tạm giao đất ở khu tái định cư, chúng tôi không được thừa nhận thêm thủ tục pháp lý nào. Tôi cũng làm đơn tới phường, quận, lên công ty rồi nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Long bức xúc.

Ông Trần Văn Phương (SN 1976), một hộ dân kiến nghị: “Nhiều ngày nay, hàng trăm người đã căng băng rôn, kéo lên trụ sở Công ty ICC để "làm căng", hỏi cho ra việc bao giờ thì giao sổ đỏ cho người dân. Giám đốc công ty đã trực tiếp đối thoại nhưng chưa có hướng giải quyết”.

Ghi nhận của PV tại khu Tái định cư Đằng Lâm 2, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, hàng trăm ngôi nhà từ 3 đến 4 tầng đã mọc lên san sát. Trong khu vực này, những hộ dân về ở trước năm 2010 đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những hộ về sau 2010 đều chịu cảnh chung có đất, có nhà nhưng không có quyền giao dịch.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Tổ trưởng Tổ dân phố tự quản phường Thành Tô (Hải An) cho biết: “Năm 2011, người dân đã nộp gần 35 tỷ cho công ty để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nhưng hơn 10 năm nay chưa được nhận sổ đỏ. Các hộ dân gặp khó khăn trong việc mua bán, thực hiện các thủ tục hành chính như: Xin cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà; đăng ký hộ khẩu thường trú. Các cháu nhỏ đều không được đi học đúng tuyến”.

“Nhiều chủ hộ đã cao tuổi, sức yếu. Họ lo ngại khi qua đời không thể cho tặng, thừa kế cho các thành viên khác”, ông Hiếu cho hay.

Chưa có khung giá đất tái định cư

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải An Lê Long Hưng cho biết: Quá trình giao đất cho người dân ở khu tái định cư Đằng Lâm 2 được thực hiện theo nhiều đợt vào nhiều năm khác nhau. Theo đó, các hộ được giao đất trong các năm có khung giá đất tái định đã được quận Hải An cấp sổ đỏ.

Hiện nay, vẫn còn nhiều hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì Thành phố chưa có khung giá đất tái định cư. Chưa được duyệt giá đất nên quận không có căn cứ để hoàn thiện hồ sơ cấp sổ cho người dân”.

Ông Hưng nhấn mạnh, quận mong muốn các cấp sớm có giá đất để người dân khu tái định cư Đằng Lâm 2 được cấp sổ đỏ, ổn định cuộc sống.

Đại diện Công ty ICC lý giải việc thu hàng chục tỷ đồng của người dân mất đất: Dự án trên phục vụ di dân nên không được ngân sách cấp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, doanh nghiệp phải huy động vốn từ nhiều nguồn và được cho phép khấu trừ chi phí đầu tư hạ tầng trong giá giao đất tái định cư. Số tiền này, công ty vẫn đang quản lý.

“Ngày 26/4, cả trăm người dân đã tới tập trung tại công ty để đòi giải thích. Lãnh đạo cũng đã mời họ vào phòng họp và trả lời tất cả các kiến nghị. Chúng tôi mong mỏi các ngành, UBND TP Hải Phòng sớm phê duyệt giá đất để người dân bớt thiệt thòi. Nhiều năm qua, công ty liên tục gửi tờ trình nhưng đến nay vẫn chưa có mức giá cụ thể”, đại diện Công ty ICC cho hay.

(Nguồn: Vietnamnet)

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (22/5 - 28/5): Ninh Bình muốn làm sân bay ở Yên Khánh; sắp khởi công cầu nối quận 7 - huyện Nhà Bè ở TP HCM

Ninh Bình muốn làm sân bay ở Yên Khánh; sắp khởi công cầu Rạch Đỉa nối quận 7 - huyện Nhà Bè ở TP HCM; Cần Thơ dự kiến hoàn thành mặt bằng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào tháng 12... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Ninh Bình muốn làm sân bay ở Yên Khánh

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình vừa qua đã có buổi làm việc nghe báo cáo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Khánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huyện Yên Khánh được xác định sẽ phát triển không gian theo 3 đô thị trung tâm và 4 trục hành lang phát triển. Về tổ chức không gian đô thị, có 3 đô thị chính gồm: Đô thị Yên Ninh, đô thị Khánh Thiện, đô thị Khánh Thành.

Về kết cấu hạ tầng giao thông, định hướng tuyến đường sắt tốc độ cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng huyện, đồng thời khoanh vùng quy hoạch sân bay.

Đặc biệt là quy hoạch quy mô các tuyến đường bộ liên vùng, liên huyện, ở các khu vực có tiềm năng phát triển phải đủ lớn đảm bảo phát triển lâu dài của huyện.

Dự kiến khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trước 2/9

Theo báo cáo của TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Đạ Huoai, các địa phương cơ bản đã xác định được diện tích đất phải giải tỏa để triển khai phục vụ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Cụ thể, đối với TP Bảo Lộc, địa phương đã xác định tổng diện tích thu hồi đất toàn tuyến phục vụ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là 106 ha (chưa tính diện tích đường giao thông và suối do UBND các xã, phường quản lý). Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 608 hộ (146 hộ có nhà ở cấp 4 và nhà tạm bị thu hồi).

Đối với huyện Bảo Lâm, có 77 ha phải thu hồi để thực hiện dự án. Tương tự, tại huyện Đạ Tẻh, để phục vụ dự án cao tốc, địa phương sẽ phải thu hồi khoảng 112 ha đi qua các xã Đạ Kho, Đạ Pal và Triệu Hải.

Trong khi đó, huyện Đạ Huoai có chiều dài toàn tuyến cao tốc đi qua là khoảng 14,5 km, diện tích thu hồi khoảng 104 ha.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan cùng các địa phương phải phối hợp ngay việc triển khai cắm mốc phân định ranh giới diện tích thu hồi phục vụ cao tốc và hoàn thành trong tháng 5. Từ đó, cùng phối hợp tiến hành song song các bước để đảm bảo tiến độ, khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trước ngày 2/9 tới đây như UBND tỉnh đã ký thông báo.

Cần Thơ dự kiến hoàn thành mặt bằng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào tháng 12

Đại diện Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ cho biết, với dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ban đã trình Bộ GTVT thẩm định thiết kế kỹ thuật của công trình và làm cơ sở để phê duyệt. Sau khi thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, Ban sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công.

Ngoài ra, Ban đang phối với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. UBND thành phố vừa phê duyệt giá đất bồi thường tại 3 huyện có dự án đi qua, Ban đang chờ các huyện áp giá và phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ để tiến hành chi trả cho dân. Dự kiến đến tháng 6 mặt bằng đạt 70%, trước tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án…

Hà Nội sẽ hoàn thành hai dự án giao thông trong năm nay

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, hiện ban quản lý chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai nhằm sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung theo quy hoạch và góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.

Trong đó, hai dự án sẽ được hoàn thành trong năm nay là dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và dự án xây dựng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội còn tích cực chuẩn bị đầu tư theo tiến độ các dự án lớn của thành phố; trong đó, dự án trọng điểm quốc gia đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ bảo đảm khởi công trong tháng 6.

TP HCM dự kiến khởi công cầu Rạch Đỉa vào tháng 6

Ngày 23/5, lãnh đạo thành phố cùng đoàn công tác đã có buổi giám sát về công tác giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cầu Rạch Đỉa, nằm trên địa phận quận 7 và huyện Nhà Bè.

Cầu Rạch Đỉa nằm tại phường Tân Phong, kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè. Hiện nay, Ban Giao thông đã chuyển 100% chi phí bồi thường theo dự toán được duyệt cho Quận 7 và huyện Nhà Bè. Đến nay, có 41/50 trường hợp phía quận 7 và 28/45 trường hợp phía huyện Nhà Bè đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Về tiến độ thực hiện dự án, dự kiến đến tháng 6 sẽ khởi công công trình (sau khi được bàn giao mặt bằng) và hoàn thành vào 31/12/2024.

Hơn 1.900 tỷ đồng làm đường kết nối Khánh Hoà - Lâm Đồng - Ninh Thuận

Ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Quyết định chủ trương đầu tư đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng. Diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án là 75,6 ha.

Dự kiến khởi công nhà ga hành khách T2, sân bay Cát Bi vào quý IV

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 192/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra về tình hình triển khai một số dự án tại TP Hải Phòng.

Tại thông báo này, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hải Phòng chủ động nghiên cứu đầu tư một số công trình trong sân bay như đường lăn, các công trình cần thiết khác…

Cùng với đó, phải khởi công nhà ga hành khách T2 vào quý IV năm nay; triển khai Dự án bảo đảm an toàn, chất lượng, hoàn thành xây dựng công trình sau một năm.

(Nguồn: Vietnammoi)

9 cầu vượt kết nối metro ra sao?

(Ảnh minh họa).

Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp hoàn thành. TP.HCM xây 9 cây cầu vượt để kết nối trực tiếp đến các nhà ga trên cao. Cầu vượt sẽ kết nối giao thông ra sao?

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - chủ đầu tư, đơn vị này đang đôn đốc việc xây dựng 9 cầu vượt bộ hành bắc qua đường xa lộ Hà Nội và kết nối vào tuyến metro số 1.

Hoàn thành vào cuối năm 2023

Những cầu vượt này sẽ được xây dựng kết nối các ga Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Công nghệ cao và ga Đại học Quốc gia. Phần lớn các cầu nằm dọc xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức.

Mỗi cầu dài khoảng 78m, rộng 3,5m, kết nối từ tầng trung chuyển khách của nhà ga với khu dân cư, trạm buýt dọc bên.

Trong đó, một phần cầu sẽ băng qua đường song hành bên trái xa lộ Hà Nội (hướng từ cầu Sài Gòn đi Suối Tiên), nối vào khu dân cư và trước trung tâm thương mại.

Ở phía còn lại, cầu vượt qua tuyến xa lộ Hà Nội và đường song hành phải. Tại các cầu đều có cầu thang, mái che, cây xanh, chiếu sáng đầy đủ.

Như vậy, khách ra vào nhà ga mà không phải đi xuống lòng đường nguy hiểm. Cứ theo lối đi bộ, hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga metro nằm ở trên cao (khoảng 5m) từ 2 trục đường là xa lộ Hà Nội và đường song hành.

Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự kiến toàn bộ 9 cầu hoàn thành vào cuối năm 2023, cùng thời điểm khai thác tuyến metro số 1.

Ngoài 9 vị trí nêu trên, 2 nhà ga trên cao còn lại của dự án gồm Suối Tiên và Văn Thánh đã có cầu.

Trong tương lai, khi toàn bộ hệ thống cầu vượt, bến xe buýt, đường đi bộ... đồng bộ, hành khách thuận tiện đi lại giữa các khu dân cư, trung tâm thương mại, điểm đón xe buýt... đến metro (và ngược lại).

Các chuyên gia giao thông nhận định, việc xây dựng các cây cầu vượt ở khu vực đông người, cầu vượt kết nối vào metro trên cao là rất cần thiết.

Tuy nhiên, người dân vẫn còn mang nặng tâm lý "đi ngang về tắt", miễn sao nhanh và đỡ tốn sức nên dẫn đến tình trạng cầu bộ hành bị "bỏ hoang" lãng phí.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm hình thức khuyến khích người dân sử dụng, có biển báo yêu cầu người dân đi lên cầu bộ hành. Song song đó là biện pháp chế tài mạnh cho hành vi băng ngang qua đường tại khu vực có cầu vượt.

Cần đồng bộ để tạo thói quen

TS.KTS Nguyễn Bảo Thành - chuyên gia về xây dựng ĐH Mở TP.HCM - nhận định việc xây dựng thêm 9 cầu vượt kết nối vào các ga trên cao của tuyến metro số 1 sẽ giúp hành khách ra vào nhà ga thuận tiện hơn từ hai bên đường xa lộ Hà Nội.

Khách đi xe buýt đến bến nằm trên trục đường xa lộ Hà Nội rồi đi lên cầu vượt để vào ga metro di chuyển xa hơn, mà không phải băng ngang qua đường rất nguy hiểm.

"Dù vậy, ở TP.HCM người dân còn ít đi cầu vượt. Một số cầu vượt bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng dù rất đẹp nhưng ít khi thấy người qua lại. Trong khi đó, bên dưới đường xe đông nườm nượp, họ vẫn bất chấp nguy hiểm băng ngang qua", ông Thành nói.

TS Thành cho biết có thời gian sống tại Nhật Bản và thường xuyên sử dụng xe buýt, tàu điện làm phương tiện chính để đi lại khá an toàn, thuận tiện. Số đông người dân Nhật chuộng đi bộ, đi phương tiện công cộng bởi giao thông công cộng được kết nối tốt.

Có những người đi bộ đến ga, lên tàu và sẽ dừng ở ga mong muốn. Các nhà ga liên kết vào trung tâm thương mại, tiện ích đầy đủ nên tăng tính hấp dẫn đối với hành khách.

Theo ông Thành, rất nhiều người kỳ vọng vào tuyến metro số 1 nhưng muốn khai thác tốt nhất hiệu quả tuyến thì TP.HCM nhất định phải đồng bộ kết nối giao thông, tạo được thói quen đi bộ và sử dụng giao thông công cộng cho người dân.

Theo đó, khi tuyến metro số 1 hoàn thành thì phải đồng bộ được mạng lưới xe buýt, cầu vượt... kết nối vào. Dọc theo tuyến, các trạm xe buýt được bố trí dày hơn, cầu vượt thì phải có mái che.

Về lâu dài, TP.HCM phải hình thành mạng lưới metro, xe buýt phủ khắp đảm bảo thuận tiện cho dân đi được về nhiều hướng, nhiều quận, huyện. Đồng thời có chính sách khuyến khích, tạo thói quen cho dân đi xe công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Hà Nội - đến mùa mưa lại lo ngập úng

Những năm qua, TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước. Song, những bất cập của hạ tầng thoát nước, diễn biến phức tạp của thời tiết… đã khiến công tác thoát nước, chống ngập năm 2023 tiếp tục rơi vào cảnh đến hẹn lại lo.

Những điểm ngập úng “quen mặt”

Theo tính toán của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2023, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/giờ, Hà Nội sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Song, đối với các trận mưa có lượng mưa từ 50 - 70mm/giờ, Hà Nội dự kiến sẽ có 11 điểm/khu vực úng ngập gồm phố: Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp. Ngoài ra, 1 điểm Nguyễn Chính đã được đầu tư cải tạo thoát nước năm 2022, cần theo dõi đánh giá trong mùa mưa năm nay.

Đặc biệt, với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến trên địa bàn TP xuất hiện thêm 19 điểm/khu vực úng ngập cục bộ, gồm: phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng, phố Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Ecohome3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh).

Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại các khu vực trên là do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật và các công trình thoát nước đầu mối theo quy hoạch chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống thoát nước vẫn chủ yếu bằng phương pháp tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây…

Ngoài ra, một số dự án thi công kéo dài như: dự án xây dựng nhà ga S12 – dự án Đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); dự án nạo vét sông Cầu Bây; dự án thi công tuyến kênh La Khê thuộc dự án Cải tạo hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây TP Hà Nội; dự án cống hóa mương Thụy Khuê… và một số dự án thoát nước đã hoàn thành nhưng chậm bàn giao đưa vào sử dụng như hệ thống thoát nước thuộc gói thầu CP3, CP4 dự án Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiêu thoát nước tại Thủ đô.

Cùng với đó, Sở Xây dựng cho rằng, hiện nay, một số thiết bị, nhà trạm đã đưa vào vận hành nhiều năm, tiềm ẩn nhiều sự cố đột xuất, bất thường xảy ra trong quá trình vận hành.

Tại các trạm bơm đầu mối, một số thiết bị đặc thù không có sẵn trên thị trường nên khi xảy ra sự cố phải nhập khẩu hoặc đặt hàng nhà sản xuất với thời gian dài.

Hệ thống thoát nước một số khu vực, đặc biệt là khu vực phố cổ, tuyến đường tỉnh lộ vận hành nhiều năm nay đã bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các sự cố trên hệ thống ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước, cần được sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí để triển khai còn hạn hẹp nên cần sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện.

Quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý vận hành

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước, thực hiện Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 của UBND TP Hà Nội về việc phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị TP giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP đã có Quyết định số 1477/QĐ-UBND ngày 4/5/2022 và Quyết định số 3638/QĐ-UBND ngày 4/10/2022 giao Sở Xây dựng chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nâng cao năng lực tiêu thoát nước của Thủ đô.

Đến nay, Sở Xây dựng đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP phối hợp với Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP tổ chức triển khai lập đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá tác động môi trường 8 dự án thoát nước.

Các dự án gồm: dự án Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 740 tỷ đồng; dự án Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, thị xã Sơn Tây với tổng mức đầu tư là 501 tỷ đồng; dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy nước xử lý nước thải Yên Sở với tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Các dự án khác: dự án Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ, giai đoạn 1 với kinh phí 1.300 tỷ đồng (tổng mức đầu tư là 7.169 tỷ đồng); xây dựng dự án trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và xây dựng tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên, tổng mức đầu tư là 789,982 tỷ đồng; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ, tổng mức đầu tư là 2.950 tỷ đồng; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ, tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng và dự án cải thiện thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm với tổng mức đầu tư là 4.740 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước, việc TP Hà Nội triển khai xây dựng các hệ thống thoát nước nhằm nâng cao năng lực thoát nước của Thủ đô là hết sức cần thiết, đáng hoan nghênh. Song, về lâu về dài, Hà Nội nên xem xét lại trách nhiệm của các đơn vị được giao quản lý vận hành hệ thống thoát nước của từng khu vực.

Cụ thể, theo Thạc sĩ Vũ Hoàng Điệp - giảng viên chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, để các đơn vị vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết tình trạng ngập úng, TP Hà Nội nên xem xét triển khai mô hình khoán trách nhiệm cho từng đơn vị được giao vận hành hệ thống thoát nước trong từng khu vực. Khi đó, khu vực nào để xảy ra ngập, úng sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không thể quy trách nhiệm rất chung chung như hiện nay.

Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước cho rằng, cũng giống như lĩnh vực vệ sinh môi trường, việc vận hành hệ thống thoát nước được TP giao cho các đơn vị thực hiện theo hình thức đấu thầu. Đối với ngành vệ sinh môi trường, những đơn vị không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bài thầu thì giai đoạn sau chắc chắn sẽ không có cơ hội tiếp tục trúng thầu.

Do đó, các đơn vị chức năng cần giám sát, xem xét rõ trách nhiệm của những đơn vị tham gia đấu thầu vận hành hệ thống thoát nước, tránh tình trạng “công thì nhận, lỗi thì đẩy” cho thời tiết như hiện nay.

Hà Nội có 9 gói thầu duy trì hệ thống thoát nước

Công tác duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện theo hình thức đấu thầu với 9 gói thầu (8 gói giai đoạn 2021 – 2024, 1 gói giai đoạn 2019 - 2023) gồm:

- Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn TP khu vực Hữu sông Hồng do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện (Công ty Thoát nước Hà Nội - PV).

- Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn TP khu vực Tả sông Hồng do liên danh Công ty Thoát nước Hà Nội và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hà Thành (Công ty Hà Thành) thực hiện.

- Quản lý, duy trì nạo vét hệ thống thoát nước ngõ, xóm trên địa bàn quận Long Biên do Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện.

- Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước tại các thị trấn thuộc các huyện, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc do liên danh Công ty Thoát nước Hà Nội và Công ty CP Xây dựng và thương mại 68 (Công ty 68) thực hiện.

- Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước ngõ, xóm quận Hoàng Mai do liên danh Công ty Thoát nước Hà Nội và Công ty 68 thực hiện.

- Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước ngõ, xóm quận Cầu Giấy do liên danh Công ty Thoát nước Hà Nội, Công ty Hà Thành, Công ty CP Thoát nước và dịch vụ đô thị thực hiện.

- Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước một số khu vực đô thị trên địa bàn TP do Công ty Hà Thành thực hiện.

- Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước tại các phường, thị xã Sơn Tây do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây thực hiện.

- Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước các tuyến phố trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm thuộc lưu vực Hữu sông Nhuệ và toàn bộ hệ thống thoát nước ngõ, xóm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm giai đoạn 2019 - 2023 do liên danh Công ty Hà Thành và Công ty 68 thực hiện.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang