.png)
16- Lần đầu gặp nhân viên cưỡng chế
Là người kinh doanh đàng hoàng, ít va chạm với pháp luật, nên khi bị áp đặt một mức thuế trên trời anh đã choáng váng, tưởng ngã qụy, giờ lại đến lượt phải gặp nhân viên thực hiện lệnh cưỡng chế, mà từ ngữ trong nước thường dùng gọi là thi hành án (chỉ khác lệnh này không phải của toà), càng làm anh thêm xây xẩm, u đầu, mịt mùng, không còn biết phải làm gì, mặc dù đã được luật sư trấn an. Tuy khi vụ việc vỡ lở anh coi như chuyện đã rồi, tình ngay, lý gian; kiểu gì cũng chết oan thì cứ chống đến cùng, nhưng anh vẫn không thể tự trấn an nổi, để bình tâm. Anh hệt người máy, ngày nào cũng cố công, ngược xuôi, nghe ngóng, tìm kiếm luật sư, tư vấn thuế mới. Đến hạn chót ngày 10.7, đúng giờ, anh trực tiếp đi thẳng tới phòng làm việc của nhân viên cưỡng chế, chỉ để khỏi trễ lịch, mà không một chút gì chuẩn bị trong đầu. Viên thừa hành niềm nở tiếp anh với bộ mặt cảm thông thật sự, đã giúp anh lấy lại được bình tâm, có gì nói nấy, được họ ghi vào bản ghi chép trình báo, coi như một văn bản thoả thuận. Nội dung:
1- Kết qủa kiểm tra thuế giá trị gia tăng đã dẫn đến ấn định thêm doanh thu. Đương sự đã đệ đơn chống đúng thời hạn, nhưng đã bị bác bỏ.
2- Theo công văn ngày 19.6.03, Sở tài chính đã thoả thuận thời hạn đến hết ngày 10.07, cho phép đương sự trao đổi lại, xem đương sự muốn giữ nguyên đơn chống hay tự rút đơn. Hiện tại những người đó đang nghỉ phép vắng mặt.
3- Lịch cưỡng chế mới sẽ được nhân viên cưỡng chế báo lại vào ngày mai 11.7.03.
4-Trước mắt, trong tháng 7, và tháng 8 tới, đương sự sẽ trả tiền thuế của các tháng đã khai báo trong năm này.
Nỗi lo phấp phỏm căng thẳng trong lòng anh chùng xuống, ít ra cũng được một khoảng thời gian đến ngày mai!
17- Quyết định khám nhà!
Bốn điểm thoả thuận với anh, được nhân viên cưỡng chế Vollziehungsbeamte lập thành văn bản trên 1 mẫu in sẵn mang tít: Ghi chép cuộc nói chuyện (Besuchsnotiz), đề chính xác ngày lập 10.7.03 có chữ ký 2 bên, trong đó cho phép anh Nguyễn V. được chọn ngày xiết nợ, và phải thống nhất lịch dó với nhân viên cưỡng chế vào hôm sau 11.7.03. Tuy nhiên, khi rời khỏi trụ sở Tài chính, thì anh cũng quên luôn, phần do người nhân viên xiết nợ trông hiền khô, tươi tắn không tỏ uy lực của người cầm cán cân công lý ghê sợ như anh hình dung ban đầu, phần do đầu óc anh hiện chỉ còn chỗ cho việc chạy tìm người cứu giúp vụ thuế, có nguy cơ bắt vạ anh tới gần nửa triệu tiền thuế thu nhập sắp bị họ ra quyết định nay mai, chứ không dừng lại mỗi 46.208,85 Euro tiền thuế giá trị gia tăng cộng tiền công xiết nợ 238,50 Euro ghi trong lệnh xiết nợ hiện tại. Từ phòng làm việc của nhân viên cưỡng chế, anh phóng ô tô đến thẳng văn phòng tư vấn thuế mới, đã nhận lời giải quyết cho anh qua một người Việt chuyên lĩnh vực tư vấn. Tại đây, lần thứ ba, anh lại phải trình bày từ đầu vụ việc của mình, kèm hàng đống chứng từ kinh doanh cả mấy năm chồng lên mặt bàn, cùng tất cả mọi loại giấy tờ qua lại giữa Sở Tài chính với anh, với 2 tư vấn thuế đã chịu chào thua. Anh giải bày mà người cứ căng lên, uất ức lẫn ngao ngán. Liên tiếp hơn 1 tuần, cả anh, cả tư vấn người Việt, tư vấn thuế, cùng đào bới lại đống hồ sơ chứng từ, xem lại kết quả khai thuế của 2 tư vấn thuế trước. Rốt cuộc viên tư vấn thuế quyết định làm lại toàn bộ cả phần kế toán (Buchführung), theo phương pháp cân đối (Bilanz) cho cả hai năm 2001-2002. Bị mất hơn cả tuần vướng vào đó, anh quên bẵng trách nhiệm làm lịch xiết nợ với nhân viên cưỡng chế như đã thoả thuận trong bản Besuchnotiz ngày 10.7.03. Đến ngày 18.7 anh mới chợt tỉnh, khi nhận được quyết định lịch khám nhà (Terminsetzung zur Durchsuchung der Wohnung) do Sở Tài chính gửi tới, ngắn gọn, nặng chắc như lệnh cảnh sát:
Thưa ngài Nguyễn V.,
Ngài đang nợ Sở Tài chính ... 47.976,12 Euro. Nhân viên cưỡng chế đã nhiều lần tìm gặp ngài tại nhà ở nhưng không kết qủa. Ngài cũng im lặng luôn trước món nợ ngài phải trả. Tôi yêu cầu ngài, thứ 4, ngày 6.8.03, từ 11 giờ đến 13 giờ phải có mặt tại nhà ở để chúng tôi khám nhà xiết nợ. Nếu tại thời điểm trên, hoặc ngài vắng mặt, hoặc cản trợ việc lục soát, chúng tôi sẽ lấy lệnh toà án thực hiện, ngay cả trong trường hợp ngài không có mặt. (Ký tên).
Lệnh khám nhà cưỡng bức, anh đọc cảm giác như mình bị coi là kẻ tội phạm. Vậy là việc mình chống cứ chống, còn việc Sở Tài chính hành xử họ cứ tuần tự theo luật làm, không phụ thuộc mình kêu cứu. Mặc dù đã được luật sư giải thích nội dung khám nhà hôm 10.7, nhưng anh vẫn lo lắng tột độ, kiểu này hết nhà rồi sẽ đến người, anh đâu có tiền! Tài khoản chỉ còn vài trăm cũng đã bị họ phong toả trước cả lệnh khám nhà. Lịch khám xét còn hơn 2 tuần, nhà cửa có tài sản gì đáng kể đâu, mà „chủi cùn giẻ rách“ trong nhà, cái gì anh cũng phải ghé mắt kiểm tra, tính xem liệu có bị kê biên hay không ?
Đúng lịch, nhân viên cưỡng chế anh gặp hôm trước mang lệnh cưỡng chế Vollstreckung đến nhà, vui vẻ chào hỏi như lần gặp đầu. Anh thầm cảm ơn trời phật, may cho anh gặp được tay xiết nợ dễ dãi, tốt tính. Ông tỏ ra thông cảm, nhẹ nhàng hỏi han anh đã chuẩn bị những tài sản để kê biên chưa? Anh bảo, ngài thấy lấy được gì cứ lấy. Rồi như trút bực tức, anh thêm: có được nửa triệu bạc lậu thuế đã không đến nỗi nhà không vườn trống thế này! Sau này khi tai qua nạn khỏi, bình tâm nghĩ lại, anh mới tự lý giải được tại sao người xiết nợ không thể không vui vẻ, bởi đơn giản đó là một nghề như mọi nghề. Nếu không, nghề đào huyệt, hay đao phủ chắc buồn khóc hoặc thét bắn giết suốt ngày mà chết!
Cả hai kiểm tra tất cả các phòng, ti vi tủ lạnh máy hút bụi nồi niêu bát đũa, toàn đồ rẻ tiền đang dùng, trong tủ trưng bày chỉ cốc chén mua đồ cũ. Có lẽ do không thể về tay không, viên xiết nợ lập biên bản thu giữ 4 bức tranh sơn mài Xuân Hạ Thu Đông, treo trên tường, bị khí hậu khô hanh, uốn vỏ đỗ, chỗ vênh chỗ nứt, chỉ tỏ ra còn giá trị ở chỗ óng ánh như ngọc bích. Viên xiết nợ hỏi trị giá, anh chịu cứng, bởi đó là qùa tặng. Xong phần đồ đạc chuyển sang phần xiết nợ loại giấy tờ có giá trị như tiền. Viên xiết nợ giở sổ hỏi đến séc, tiền mặt trong két ở nhà, két cất ở ngân hàng, sổ tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, cổ phần chứng khoán. Anh lắc đầu. Đến câu hỏi bảo hiểm nhân thọ làm anh giật mình. Năm bắt đầu ăn nên làm ra, cũng là năm phong trào người Việt mua bảo hiểm nhân thọ kiểu bán hàng đa cấp rộ lên, anh ký luôn 2 hợp đồng, cho mình, cho vợ, nay đang rơi vào bế tắc, tiền đóng tiếp thì không có, mà cắt bỏ thì lỗ nặng. Anh phân vân, ngập ngừng. Viên xiết nợ như đọc được điều đó, nói ý, thực ra những giấy tờ này cũng dễ dàng kiểm tra qua ngân hàng thôi. Anh chột dạ, đành lục nộp hai chứng từ bảo hiểm nhân thọ Versicherungsschein số: xxx, lấy biên nhận.
CÒN TIẾP
Unternehmensberater Dr. Nguyễn Sỹ Phương
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá