Những trái tim lạnh vụ Hằng Du Mục; Giới hạn đạo đức nội dung của KOC; Hiện tượng lạ ở Phú Yên; 4 xe đâm nhau, hóa chất tràn mặt đường

NHỮNG TRÁI TIM LẠNH TRONG VỤ ÁN HẰNG DU MỤC

Họ là những người trẻ có tài năng, từng mang trong mình trái tim nồng nhiệt, giờ bị vùi dập bởi chính lòng tham và trái tim lạnh

Những ngày qua, thông tin Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog cùng ba đồng phạm bị bắt vì liên quan đến vụ việc bán kẹo giả đã làm “dậy sóng” mạng xã hội. Không chỉ cộng đồng mạng trong nước, dư luận Thái Lan cũng bàn tán xôn xao. Nóng nhất là việc thương hiệu Dior âm thầm gỡ hình ảnh, xóa tên hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên khỏi Fanpage chính thức.

Sự "biến mất" khó hiểu

Hiện tại, Fanpage hơn 2,7 triệu lượt theo dõi và tài khoản TikTok 5,5 triệu lượt theo dõi của hoa hậu Thùy Tiên đã “bay màu”. Hơn 1.000 bài đăng trên Instagram với 2,8 triệu người theo dõi của cô cũng biến mất không dấu vết. Đến nay, phía Thùy Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào về việc biến mất khó hiểu trên mạng xã hội.

Là người nổi tiếng, Thùy Tiên lẽ ra phải tận dụng danh hiệu và sự ủng hộ từ cộng đồng để tạo ra các giá trị tích cực, tham gia vào những sáng kiến nhân đạo và nâng cao nhận thức xã hội. Với vương miện mình có được, cô không chỉ là nhân vật đại diện trong các sự kiện mà còn là hình mẫu truyền cảm hứng, cổ vũ cho những hành động nhân văn và tiến bộ.

Bằng cách sử dụng nền tảng của mình một cách hiệu quả, Thùy Tiên có thể truyền cảm hứng cho các hành động, huy động cộng đồng và thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa.

Với vương miện mình có được, Thùy Tiên không chỉ là một nhân vật được tôn vinh tại các sự kiện đặc biệt mà còn là hình mẫu, một người ủng hộ lợi ích xã hội.

Tiếc là, đăng quang ở độ tuổi còn rất trẻ, sự nổi tiếng và thành công đến quá sớm có thể đã khiến Thùy Tiên rơi vào guồng quay kiếm tiền một cách vội vã. Cô tích cực tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm kẹo Kera – từ việc xuất hiện tại nông trường, nhà máy, tham gia livestream bán hàng cho đến đăng tải bài viết trên fanpage cá nhân. Những hình ảnh này dễ khiến công chúng hiểu rằng cô có vai trò nhất định trong chiến dịch truyền thông sản phẩm.

Chỉ trong 3 tháng, sản phẩm kẹo Kera đã tiêu thụ 135.000 hộp, thu về hơn 20 tỉ đồng, trong đó sự xuất hiện và đồng hành của Thùy Tiên được cho là có đóng góp không nhỏ vào mức tiêu thụ đáng kể này. Tuy nhiên, khi thông tin sản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật bị phát giác, phản ứng của dư luận trở nên gay gắt, đặc biệt khi phía hoa hậu Thùy Tiên mới chỉ đưa ra lời xin lỗi chính thức mà chưa có thêm động thái cụ thể nào để làm rõ hoặc giải thích trách nhiệm của mình

Khi thành công đến quá sớm

Đi cùng các hoạt động quảng bá, PR, livestream bán kẹo giả Kera của Thùy Tiên là Quang Linh Vlog – một nhân vật cũng nổi đình nổi đám trên mạng xã hội. Năm 2016, khi mới 19 tuổi, Quang Linh sang Angola làm việc và lập kênh YouTube ghi lại cuộc sống nơi đất khách. Những video mang màu sắc thiện nguyện, phản ánh cuộc sống nông thôn Angola, đã giúp anh nhanh chóng xây dựng hình ảnh tích cực, gần gũi, và tăng vọt lượt xem.

Từ thành công này, Quang Linh bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh như mở shop quần áo, bán nước hoa và các sản phẩm khác. Trong bối cảnh mạng xã hội ngập tràn nội dung rác, Quang Linh Vlog được xem như một luồng gió mới – ghi lại hình ảnh đời thường, con người hiền hòa ở châu Phi, góp phần xây dựng một thương hiệu cá nhân đáng mơ ước.

Tuy nhiên, thành công đến sớm cũng khiến Quang Linh "say men chiến thắng". Trở về nước, anh nhanh chóng lao vào các phiên livestream bạc tỉ, mở công ty kinh doanh nhiều sản phẩm. Dù hiểu rõ chất lượng thật sự của kẹo Kera, anh vẫn không ngần ngại quảng cáo “ăn một viên bằng cả đĩa rau”, cùng với đội ngũ livestream hùng hậu như Hằng Du Mục, Thùy Tiên chốt đơn khủng loại kẹo giả này.

Đến nay, cộng đồng mạng vẫn xì xào về doanh thu “khủng” mà Hằng Du Mục đạt được sau khi trở về nước. Nếu trước kia cô từng nhận được sự đồng cảm vì hoàn cảnh, thì sau bê bối kẹo rau giả, dư luận đã “quay xe” hoàn toàn.

Trở về từ nước ngoài với trái tim từng bị tổn thương, Hằng Du Mục được cộng đồng đón nhận, ủng hộ hết mình. Thế nhưng, sự tin tưởng ấy đã bị phản bội khi cô tham gia bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho chính những người từng thương yêu mình.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều bài “phốt” trên mạng xã hội đã chỉ ra nghi vấn liên quan đến chất lượng của các sản phẩm khác như yến sào, mì tôm, bột củ sen…

Những cái tên từng là hình mẫu lý tưởng như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog hay hoa hậu Thùy Tiên – những người trẻ có tài năng, từng mang trong mình trái tim nồng nhiệt và lý tưởng sống – giờ đây lại bị vùi dập bởi chính lòng tham và sự mờ mắt trước lợi nhuận dễ dàng.

Họ đã bị pháp luật chế tài, bị người hâm mộ quay lưng. Nhưng điều còn sót lại – và đau đớn nhất – chính là vết xước trong lòng công chúng về niềm tin vào người nổi tiếng.

Một bài học chưa bao giờ cũ

Câu chuyện của những người trẻ có danh tiếng, sở hữu lượng người hâm mộ lớn nhưng vướng vào lùm xùm liên quan đến sản phẩm kém chất lượng không phải là lần đầu xuất hiện. Và mỗi lần như thế, dư luận lại đặt ra câu hỏi: điều gì khiến họ – những người từng truyền cảm hứng, từng được kỳ vọng – đi đến quyết định mạo hiểm lòng tin của công chúng?

Câu trả lời có lẽ nằm ở chính sức hút của sự nổi tiếng và lợi nhuận. Khi thành công đến quá nhanh, quá dễ, người ta dễ bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền, quảng bá sản phẩm mà thiếu đi sự thận trọng cần thiết. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ là ánh hào quang trên mạng xã hội mà còn là trách nhiệm trong từng hành động, lời nói, đặc biệt khi gắn với niềm tin của hàng triệu người theo dõi.

Bài học ở đây không chỉ dành cho người trong cuộc, mà còn là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực có sức ảnh hưởng đến cộng đồng. Uy tín là thứ xây dựng qua năm tháng nhưng có thể đánh mất chỉ sau một sai lầm. Trong thời đại số, nơi mọi thông tin đều được lan truyền với tốc độ chóng mặt, sự tỉnh táo, minh bạch và tôn trọng công chúng chính là những giá trị bền vững nhất.

Câu chuyện lần này nên được nhìn nhận như một cơ hội để soi chiếu lại hành trình của những người nổi tiếng, đồng thời nhấn mạnh rằng sự trung thực, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng vẫn luôn là những nguyên tắc không bao giờ lỗi thời.

GIỚI HẠN ĐẠO ĐỨC TRONG NỘI DUNG CỦA KOC

Môi trường tiếp thị số đang dễ bị "làm mờ" bởi danh tiếng và lượt tương tác, đâu là giới hạn đạo đức trong nội dung cần có của KOC? Và ranh giới giữa cảm nhận cá nhân - trách nhiệm xã hội trong quảng cáo đang là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm.

Trong vài năm trở lại đây, KOC (Key Opinion Consumer - những người tiêu dùng có ảnh hưởng) đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược tiếp thị của nhiều doanh nghiệp. Không còn là những gương mặt nổi tiếng như KOL truyền thống, các KOC chinh phục công chúng bằng hình ảnh đời thường, lời nói giản dị và những chia sẻ mang tính “trải nghiệm thật”. Chính vì thế, họ dễ dàng tạo được niềm tin với người theo dõi và từ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng.

Tuy nhiên, niềm tin ấy cũng đang đứng trước nguy cơ bị lợi dụng. Không ít KOC hiện nay nhận tài trợ để quảng bá sản phẩm mà không công khai rõ ràng, thậm chí chưa từng sử dụng sản phẩm hoặc đưa ra thông tin không chính xác. Các sự vụ vừa qua như lùm xùm liên quan đến kẹo rau củ Kera… đã khiến dư luận hoang mang và đặt ra câu hỏi về đạo đức nội dung trong thời đại truyền thông số.

Cú ngã của một niềm tin tập thể

Trao đổi với PV Báo Tiền Phong, chị Nguyễn Hồng Nhung - Giám đốc sáng tạo, Nhà sáng lập của Cready Creative nhìn nhận, con người vốn bị hấp dẫn bởi những gì họ chưa có, và càng dễ tin khi thông tin đến từ những người giống mình - không phải thương hiệu, mà là những “người thật việc thật”. KOC không bán hàng theo kiểu “ép mua”, mà bằng việc kể chuyện.

Họ kể một cuộc sống đáng ao ước, một giải pháp hữu ích, một cảm xúc mà người tiêu dùng có thể hình dung bản thân ở trong đó. Những gì “thật”, hoặc ít nhất được cảm nhận là thật luôn dễ gây tin hơn bất kỳ quảng cáo nào. Tuy nhiên, niềm tin ấy rất mong manh.

"Khi người tiêu dùng phát hiện ra trải nghiệm cá nhân chỉ là lớp vỏ cho một hợp đồng quảng cáo trá hình, và sự quảng cáo ấy còn sai sự thật đáng sợ, thì sự vỡ vụn không chỉ rơi vào một cá nhân, mà đổ lên cả nhóm ngành. Đặc biệt trong bối cảnh KOC ngày càng gắn với thương hiệu nội địa, thì một lần mất niềm tin có thể là một lần thương hiệu bị đánh bật khỏi sự lựa chọn của người tiêu dùng", chị Nhung nói.

Thực trạng KOC quảng bá sai sự thật là hệ quả của hai điều. Đó là sự thiếu quy chuẩn chung về đạo đức nội dung trong ngành và cảm giác “bất khả xâm phạm” khi cá nhân có quá nhiều sự ủng hộ.

Theo CEO Nguyễn Hồng Nhung, trong thời đại influencer (người có ảnh hưởng) lên ngôi, đôi khi một lời nói của KOC còn có sức nặng hơn cả thương hiệu. Nhưng cũng chính vì thế, nếu không có cơ chế tự kiểm soát hoặc khuôn khổ đạo đức được đặt ra đủ rõ, người làm nội dung dễ đánh mất ranh giới giữa trách nhiệm và sự liều lĩnh.

"Vấn đề lớn hơn là hậu quả không dừng lại ở cá nhân. Một vụ việc như kẹo rau củ Kera, sản phẩm chưa đạt chuẩn lại được gắn mác “hàng Việt chất lượng cao” và được KOC đồng loạt quảng bá như “giải pháp ăn rau cho trẻ” đã khiến cộng đồng phẫn nộ, thị trường bất an, và niềm tin thêm tổn hại. Đây không chỉ là cú ngã của một thương hiệu, mà là cú ngã của một niềm tin tập thể. Và niềm tin, một khi mất đi, rất khó khôi phục", chị Nhung nói.

Có quyền "nghi ngờ" các thông điệp quá trơn tru

Với góc nhìn kinh tế, TS. Phan Tấn Lực - Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Kinh tế tài chính (tỉnh Bình Dương) cho rằng, người tiêu dùng ngày càng cảnh giác với nội dung PR trá hình và không còn dễ bị thuyết phục bởi những thông tin thiếu minh bạch.

Sau sự việc kẹo rau củ Kera vừa qua, về lâu dài, hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi theo xu hướng kiểm tra nhiều nguồn, so sánh đánh giá thực tế và chọn lọc kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định mua hàng.

Vì vậy, khi hợp tác với KOC, doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là bên thuê dịch vụ truyền thông, mà còn phải đóng vai trò là đối tác có trách nhiệm. Trước hết, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và minh bạch về sản phẩm hoặc dịch vụ để KOC có cơ sở truyền tải nội dung đúng sự thật. Việc gợi ý nội dung không được biến thành ép buộc KOC nói sai sự thật hoặc thổi phồng quá mức công dụng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần lựa chọn KOC phù hợp với hình ảnh thương hiệu và tệp khách hàng mục tiêu, thay vì chỉ nhìn vào lượng tương tác.

"Họ phải đảm bảo quá trình hợp tác không vi phạm quy định pháp luật, tránh việc lách luật quảng cáo thông qua hình thức cá nhân hóa nội dung. Doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm kiểm soát rủi ro đạo đức, không tiếp tay cho các nội dung gây hiểu lầm, thiếu minh bạch", TS. Lực nói.

Theo chuyên gia kinh tế, thị trường tiêu dùng đang vận hành theo một quy luật mới: Niềm tin được xây dựng từ sự gần gũi, cá nhân hóa và tính chân thực. Đây là một sự chuyển dịch rõ rệt từ truyền thông một chiều sang tương tác hai chiều, các trải nghiệm cá nhân có sức nặng hơn cả thông điệp thương hiệu.

Xây dựng hệ sinh thái KOC tiếp thị trung thực

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần một hệ giá trị rõ ràng hơn cho ngành tiếp thị bằng sự ảnh hưởng đến từ nội dung quảng cáo có đạo đức. TS. Phan Tấn Lực cho rằng, để xây dựng một hệ sinh thái tiếp thị lành mạnh, cần bắt đầu từ minh bạch, trách nhiệm.

Doanh nghiệp và KOC phải tuân thủ quy tắc đạo đức chung, công khai hợp tác và tránh đánh lừa người tiêu dùng. Cần có cơ chế giám sát, xử phạt rõ ràng với nội dung sai lệch. Đồng thời, nên khuyến khích và tôn vinh những KOC trung thực, góp phần định hình chuẩn mực mới cho ngành khi giá trị thật được đề cao.

Với chị Nguyễn Hồng Nhung - Giám đốc sáng tạo, nhà sáng lập của Cready Creative, “review thật” hay có đạo đức cần xuất phát từ trải nghiệm tự nhiên, không bị chi phối bởi quyền lợi.

"Một nội dung tài trợ là khi có sự tham gia của nhãn hàng, quyền lợi tài chính, hoặc sản phẩm gửi tặng. Vấn đề không phải ở việc có tài trợ hay không, mà là KOC có công bố điều đó rõ ràng hay không, và mức độ trung thực trong nhận xét đến đâu. KOC nên làm rõ đâu là hợp tác thương mại, đâu là chia sẻ cá nhân", CEO Hồng Nhung bày tỏ.

Theo chị Nhung, nếu đã nhận tiền, hãy làm rõ: “Đây là sản phẩm được tài trợ, nhưng cảm nhận là của riêng tôi”. Điều này không làm giảm uy tín mà ngược lại, nó chứng minh rằng KOC tôn trọng khán giả và không lợi dụng niềm tin.

Mặt khác, niềm tin không mua được bằng quảng cáo. Đó là tài sản tích lũy qua thời gian, bằng sự đồng nhất giữa sản phẩm – truyền thông – trải nghiệm.

Và đáng tiếc hơn cả, cái giá không chỉ là một thương hiệu sụp đổ, mà là sự chậm bước của hàng loạt thương hiệu tử tế khác, vốn đang gắng gượng giữa một rừng nghi ngại. Đã đến lúc cần một hệ giá trị rõ ràng hơn cho ngành tiếp thị bằng ảnh hưởng. Không chỉ để bảo vệ người tiêu dùng, mà để tạo nền tảng phát triển bền vững cho cả hệ sinh thái KOC - thương hiệu - truyền thông - và niềm tin vào sản phẩm.

HIỆN TƯỢNG LẠ Ở PHÚ YÊN: NỨT ĐẤT, BÙN TRÀO LÊN

Nhiều người dân sống xung quanh đã tỏ ra lo lắng khi những ngày qua, tại khu rẫy của người hàng xóm, đất bỗng nứt ra, rồi bùn trào lên.

Chiều nay (8-4), ông Đặng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), cho biết sáng cùng ngày, ông đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo cho lực lượng chức năng địa phương rào chắn hiện trường vụ bùn trào lên từ các kẽ nứt trên rẫy sắn.

"Huyện đang hoàn tất báo cáo v ề hiện tượng này để gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh để cử lực lượng tìm hiểu đây là hiện tượng gì để ổn định tư tưởng người dân" - ông Trọng nói.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) Huỳnh Ngọc Lâm cũng đã có báo cáo gửi lãnh đạo huyện Đồng Xuân về hiện tượng nêu trên.

Theo đó, trong khoảng 2 ngày qua, tại đám rẫy của ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1953) ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam xuất hiện hiện tượng trào bùn có màu vàng nhạt từ lòng đất lên rồi chảy trà xuống dưới. Vị trí trào bùn rộng khoảng 5m, xung quanh vị trí bùn trào có nhiều vết nứt trên mặt đất. Hiện chưa xác định được độ sâu bùn trào trong lòng đất.

Hiện có nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến xem hiện tượng lạ này nên để đảm bảo an toàn, xã đã cho rào bằng dây phản quang và gắn biển cấm vào khu vực nguy hiểm này.

Ông Phùng Nhĩ Nghĩa, một người dân sống cách hiện trường khoảng 500m, cho biết nhiều người dân địa phương tỏ ra lo lắng không biết hiện tượng này xuất phát từ đâu, trong bối cảnh thông tin về trận động đất ở Myanmar chưa lắng. Vì vậy, người dân rất cần lời giải thích rõ ràng từ nhà khoa học và chính quyền về hiện tượng này.

Trong khi đó, theo UBND xã Xuân Sơn Nam, cách đây 46 năm, cũng tại vị trí này cũng đã xuất hiện 1 lần trào bùn tương tự, sau đó có đoàn tới khảo sát nhưng không biết kết quả.

4 Ô TÔ ĐÂM NHAU, HÓA CHẤT TRÀN MẶT ĐƯỜNG

Va chạm liên hoàn giữa xe bồn, xe cứu thương và hai ô tô tải trên đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), khiến giao thông ùn tắc, hóa chất tràn khắp mặt đường.

Chiều 8/4, một xe bồn chở hóa chất đang lưu thông trên Quốc lộ 20, theo hướng từ Lâm Đồng về TPHCM, khi đổ đèo Bảo Lộc (đoạn qua huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), bất ngờ va chạm với hai xe tải và một xe cứu thương đi theo chiều ngược lại.

Tai nạn liên hoàn khiến xe bồn lật ngang giữa đường, hóa chất bên trong tràn ra mặt đường. Ba phương tiện còn lại bị hư hỏng nặng, nằm chắn ngang quốc lộ khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng. May mắn, sự cố không có thương vong về người.

Nhận tin báo, CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đã có mặt để xử lý hiện trường và điều tiết giao thông. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cũng được huy động để xử lý hóa chất tràn.

Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10km, có 2 làn xe, nằm trên Quốc lộ 20 - một trong những tuyến chính từ TPHCM, Đồng Nai đi TP Đà Lạt. Tuyến đèo có nhiều đoạn cua gấp, dốc cao, được xem là một cung đường nguy hiểm với tài xế, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn.

Gần nhất, chiều 30/3, ô tô khách chở 36 người đã rơi xuống vực đèo Bảo Lộc. Tai nạn làm 1 người tử vong và nhiều người bị thương.

Nguồn: Kenh14; Tiền Phong; Soha; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang