- Thời sự
- Việt Nam
(Ảnh minh họa).
Với mức thu nhập giảm khoảng 50% so với giai đoạn đầu, nhiều tài xế xe ôm công nghệ buộc phải chuyển nghề, sinh viên mới ra trường cũng không còn bị thu hút.
Lái xe công nghệ từng là một nghề rất hot và hái ra tiền vì lượng khách bùng nổ do tính tiện dụng. Có thời điểm nhà nhà, người người đều tham gia làm nghề này. Ngay cả sinh viên hay những người đang có việc làm ổn định cũng tranh thủ lái xe ôm hay taxi công nghệ những lúc rảnh rỗi để tăng thu nhập.
Vào khoảng cuối năm 2022, anh Trịnh Thành (24 tuổi, quê Thanh Hóa) liên tục bị giảm giờ làm khi đang làm công nhân tại một khu công nghiệp. Trước đó, thu nhập của anh có tháng cả chục triệu đồng nhưng khi dịch COVID-19 ập đến, công nhân phải giảm giờ làm khiến thu nhập giảm mạnh, thậm chí có tháng không có việc.
Ban đầu, anh chỉ định chạy xe ôm công nghệ để tạm thời ứng phó với những lúc không có việc làm. Nhưng thấy thu nhập từ công việc này cũng ổn, anh quyết định nghỉ hẳn tại công ty giữa lúc bị cho nghỉ dài hạn không hưởng lương.
Nhờ dịch vụ xe ôm công nghệ, anh Thành có công việc tạm thời ổn định, đem lại thu nhập hàng tháng khoảng 10-15 triệu đồng, thậm chí hơn nếu khách tăng đột biến. Tuy nhiên, đến giữa năm 2023, anh Bình đối mặt với thách thức khi ngày càng nhiều người tham gia vào nghề này khiến "miếng bánh" bị chia sẻ quá nhiều. Ngoài ra, lượng khách giảm đột ngột, thu nhập ngày càng bị thu hẹp khiến anh Thành nản lòng.
“Các ứng dụng gọi xe thu chiết khấu của người lao động ngày càng cao, hiện tại đã lên tới gần 40%. Nếu tính cả chi phí xăng xe, ăn uống thì tôi chỉ nhận được khoảng 50% số tiền thu được", anh nói.
Không chỉ riêng anh Thành, nhiều tài xế xe ôm công nghệ khác cũng cho biết thu nhập của họ đến nay đã giảm khoảng 50% so với lúc mới vào nghề. Một phần là do chiết khấu của các ứng dụng tăng cao, một phần là đông tài xế, ít cuốc.
Ông Trần Văn Lộc (55 tuổi, quê Vĩnh Phúc) vẫn đang chạy xe ôm công nghệ hàng ngày để mưu sinh. Nhưng hiện tại, ông thấy rõ sự khó khăn của công việc này. "Thời gian đầu ngày nào cũng trên dưới 30 cuốc xe. Nhưng bây giờ có hôm cả ngày chỉ được 3, 4 cuốc. Tính ra chạy cả tháng cũng chỉ kiếm được 5 - 6 triệu đồng bỏ túi là may rồi", ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, mức thu nhập này giảm đi ít nhất 50% so với lúc ông mới chạy xe ôm công nghệ. Để có thể gửi về quê lo cho gia đình, ông đã phải sống rất tằn tiện. Nguyên nhân chính gây thất thu, theo ông Lộc là do phải “cắt phế" quá cao cho app.
"Dù công việc vất vả, phơi mặt ra đường cả ngày nắng, ngày mưa, lúc nóng, lúc rét nhưng vì con cái có thu nhập thấp nên tôi vẫn cố gắng làm thêm để đỡ đần", ông Lộc chia sẻ.
Trong khi đó, anh Hoàng Văn Chung (37 tuổi, quê Nam Định) đã chuẩn bị sẵn vài bộ hồ sơ để đi xin làm bảo vệ tại các công ty dịch vụ bảo an. Anh Chung than: "Lương tài xế xe ôm công nghệ bây giờ không đủ nuôi sống vợ con, buộc phải chuyển nghề dù không biết có được nhận hay không".
Anh Chung đã làm tài xế xe ôm công nghệ được 8 năm. Anh chia sẻ, số tiền anh kiếm được hiện tại chỉ bằng khoảng 50% so với lúc ban đầu.
Hàng ngày, anh Chung phải làm việc từ 6h đến 23h tối để thu về mức thu nhập khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ các chi phí như xăng xe và ăn uống, anh chỉ có thể giữ lại khoảng 250.000 đồng mỗi ngày.
Có những hôm, làm việc từ sáng sớm đến khoảng 15h, anh chỉ thu được 150.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ để duy trì cuộc sống cá nhân của anh mà không thể tiết kiệm được cho gia đình.
Các địa phương miền Bắc đang tích cực chuẩn bị cho mùa thu hoạch bưởi cuối năm. Ngay từ đầu vụ thu hoạch, nhà vườn, doanh nghiệp đã đón tin vui khi bưởi xuất khẩu có thêm những đơn hàng, thị trường mới.
Sản lượng xuất khẩu tăng vọt
Khảo sát tại tỉnh Hòa Bình, vườn bưởi đỏ Tân Lạc tại xóm Tân Hương (xã Thanh Hối, H.Tân Lạc) của gia đình ông Dương Tất Tính rộng 2 ha, sản lượng ước tính khoảng 40.000 quả đã được một doanh nghiệp tại Hà Nội chọn làm vùng nguyên liệu xuất khẩu.
Theo ông Tính, sau nhiều ngày thương thảo, hai bên đã ký xong hợp đồng thu mua với giá bán tại vườn là 19.000 đồng/kg. Dự kiến từ ngày 30.11, nhà vườn bắt đầu cắt bưởi bán cho doanh nghiệp xử lý bảo quản, đóng container xuất khẩu.
"Giá bưởi bán cho doanh nghiệp xuất khẩu thường ổn định, không quá cao nhưng nhà vườn đã có lãi. Năm nay, tôi chỉ bán cho doanh nghiệp một phần sản lượng, còn lại sẽ bán cho khách quen hoặc bán tự do", ông Tính nói.
Tại Bắc Giang, thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng bưởi tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế đang tập trung chăm sóc, chuẩn bị cho vụ thu hoạch cuối năm. Trong đó, bưởi thu hoạch hiện nay là bưởi da xanh, giá bán dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng bưởi này chưa nhiều, chưa có hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, các nhà vườn bắt đầu thu hoạch bưởi đào đường, đây là giống bưởi từng được xuất khẩu rất nhiều sang Nga. Theo các nhà vườn, nhiều doanh nghiệp bắt đầu rục rịch khảo sát, lấy mẫu đánh giá chất lượng chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty RYN, cho biết năm 2022, doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công lô bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên sang Anh. Qua đánh giá thấy người tiêu dùng khá ưa chuộng loại bưởi này, năm nay, doanh nghiệp và đối tác sẽ tăng sản lượng xuất khẩu. Cũng theo bà Hương, ngoài thị trường Anh, doanh nghiệp có thêm đơn hàng xuất khẩu bưởi sang các nước EU và Mỹ.
Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, chỉ sau 1 năm xuất khẩu, bưởi Diễn Yên Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc đã mở rộng được thị trường ở nước ngoài. Năm nay, sản lượng xuất khẩu dự kiến tăng vọt so với năm 2022. "Mùa vụ năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi chủ yếu để chào hàng, thử nghiệm thị trường, sản lượng chỉ được hơn 10 tấn. Năm nay, hiện tại, đơn hàng xuất khẩu đã đăng ký lên tới 70 - 80 tấn", ông Yến nói.
Sản xuất phải hướng đến tiêu chuẩn xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Hồng Yến, sau hơn 1 năm bưởi Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ, đây thực sự là cú hích khiến loại trái cây này được quan tâm nhiều hơn. Tại Hòa Bình, nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến các nhà vườn để liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, cuối năm 2022, Hòa Bình chính thức xuất khẩu thành công bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy. Năm nay, để mở rộng vùng nguyên liệu xuất khẩu, Hòa Bình đã cấp thêm các mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu tại H.Lương Sơn.
"Hòa Bình hiện có 3 huyện trồng bưởi tập trung để phục vụ các thị trường xuất khẩu, đặt kỳ vọng bưởi là loại trái cây mang lại nguồn thu lớn cho nông dân những năm tới đây. Cùng với các doanh nghiệp, chúng tôi đang tập trung hỗ trợ, tư vấn các nhà vườn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng các điều kiện xuất khẩu", ông Yến nói.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, chia sẻ từ năm 2020, một doanh nghiệp tại H.Lục Ngạn đã thành công khi xuất khẩu quả bưởi đào đường sang Nga, nhưng số lượng chưa nhiều. Để giải quyết câu chuyện đầu ra cho 5.669 ha trồng bưởi, sản lượng hơn 45.000 tấn/năm, ngoài thị trường trong nước, Bắc Giang định hướng xuất khẩu bưởi đến các thị trường lớn, thậm chí là "khó tính".
Theo đó, trong nhiều năm nay, Bắc Giang tập trung hỗ trợ nông dân hoàn thiện quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, rà soát, cấp mã số vùng trồng. Trong năm nay, Bắc Giang đã cấp thêm 2 mã số vùng trồng bưởi tại H.Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Đoan Hùng… trồng tại các tỉnh phía bắc đều là những loại bưởi đặc sản, chất lượng rất ngon. Khác với bưởi da xanh - sản lượng xuất khẩu nhiều nhất hiện nay, những loại bưởi này chủ yếu bán tại chuỗi siêu thị, hệ thống cửa hàng phục vụ người châu Á, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nên số lượng chưa nhiều. Nếu đứng vững được ở phân khúc này, nhiều loại bưởi trồng ở miền Bắc sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong những năm tới khi tiếp cận, chinh phục được người tiêu dùng bản địa.
Ông Đặng Phúc Nguyên lưu ý, từ kinh nghiệm xuất khẩu quả bưởi da xanh, điều kiện tiên quyết để các loại bưởi đặc sản ở miền Bắc có thể xuất khẩu được là các nhà vườn phải thay đổi quy trình canh tác, sản xuất hướng đến các tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường xuất khẩu.
"Đặc biệt, các nhà vườn không được sử dụng các loại thuốc, hóa chất ngoài danh mục hoặc đã bị cấm sử dụng; ứng dụng giải pháp kỹ thuật để giữ trái bưởi có mẫu mã đẹp hơn; thiết kế bao bì, đóng gói quả bưởi cho đẹp mắt, tiện lợi hơn thì tương lai thị phần xuất khẩu của nhiều loại bưởi đặc sản sẽ còn tăng mạnh", ông Nguyên nhận định.
(Ảnh minh họa).
Hợp đồng mua bán mập mờ, lờ đi sở hữu hầm gửi xe, người mua căn hộ rơi vào thế yếu trong tranh chấp. Nếu chủ đầu tư không chứng minh được thì không thể nói đó là sở hữu riêng.
Căng thẳng tranh chấp diện tích hầm để xe
Vấn đề về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng như tầng hầm, chỗ để xe, các diện tích kinh doanh...là tranh chấp tại không ít các chung cư.
Việc lùm xùm giá gửi xe tăng ‘sốc’, loạt ô tô bị khoá bánh ở chung cư Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn,Thanh Xuân, Hà Nội) như VietNamNet phản ánh cũng liên quan đến diện tích sở hữu chung – riêng tại tầng hầm, chỗ để xe của dự án.
Theo đó, tại thông báo về bảng giá trông giữ xe tại toà nhà ngày 27/10 vừa qua, chủ đầu tư cho rằng, hầm gửi xe là tài sản của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, cư dân lại cho rằng, chủ đầu tư khẳng định như vậy là không đúng.
Trước đó, tháng 10/2020, Bộ Xây dựng có văn bản gửi chủ đầu tư CTCP ACC Thăng Long (hiện đã đổi tên là CTCP Đầu tư MHL) hướng dẫn xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung.
Nêu tại văn bản này, Bộ Xây dựng dẫn quy định tại Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở năm 2014 cùng báo cáo của công ty và hồ sơ gửi kèm thì toàn bộ phần diện tích tại tầng hầm B1 dùng làm trung tâm thương mại, văn phòng và siêu thị có tổng diện tích gần 5947m2 trong đó có phần diện tích đỗ xe là gần 249m2 phục vụ cho việc trung chuyển hàng hoá của khu trung tâm thương mại đều được bố trí theo đúng thiết kế và thuộc quyền sở hữu riêng của công ty. Công ty cũng đã nộp tiền thuê đất 1 lần (50 năm) đối với toàn bộ phần diện tích này.
Do đó, Bộ Xây dựng cho biết, phần diện tích trung tâm thương mại, văn phòng và siêu thị tại tầng B1 của dự án Artemis thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, cư dân đặt vấn đề, văn bản của Bộ Xây dựng không xác định hầm B2, B3 là sở hữu riêng của chủ đầu tư và cho rằng chủ đầu tư cần làm rõ việc quyết toán, kiểm toán chứng minh số tiền đầu tư riêng hạch toán vào diện tích chỗ đỗ xe ô tô không tính vào giá bán căn hộ.
Không chỉ ở chung cư Artemis, diện tích hầm để xe ô tô tại khu Ruby thuộc dự án chung cư Goldmark City (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã “bùng” lên tranh chấp.
Trước đó, vào tháng 7/2023, một số xe ô tô chưa đóng phí trông giữ xe tại đây bị cắt dịch vụ, gây ra ùn tắc ở lối vào hầm xe khu Ruby trong nhiều giờ.
Nguyên nhân của tình trạng này là các ban quản trị khu Ruby (BQT Ruby) cho rằng, phần để xe ô tô trong hầm là diện tích chung trong nhà chung cư, không phải sở hữu riêng của chủ đầu tư là CTCP Thương mại - Quảng cáo – Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân).
Về quyền quản lý diện tích đỗ xe ô tô tại các tầng hầm, BQT dẫn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Luật Nhà ở 2014, Công ty Việt Hân chỉ có quyền quản lý chỗ đỗ xe ô tô khi người mua, thuê mua căn hộ không mua hoặc không thuê.
Về phía chủ đầu tư lại cho rằng, diện tích để xe ô tô trong các tầng hầm là phần đất thuê của TP Hà Nội có trả tiền hàng năm, có hóa đơn. Đồng thời, các chi phí thiết kế, xây dựng đều do chủ đầu tư bỏ ra, đã được cơ quan chức năng nghiệm thu đưa vào sử dụng, chưa phân bổ giá vào giá bán căn hộ.
Cũng theo chủ đầu tư, trong hợp đồng mua bán ký với mỗi chủ sở hữu căn hộ cũng đã nêu hầm xe thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Công ty không bán diện tích để xe ô tô cho cư dân, không phân bổ chi phí đầu tư phần diện tích này vào giá bán căn hộ.
Kẽ hở pháp lý
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết, Luật Nhà ở hiện hành quy định, chỗ để xe đạp, xe máy thuộc quyền sở hữu chung. Tuy nhiên, đối với chỗ để ôtô, người mua căn hộ phải thuê hoặc mua. Trường hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư, chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này không được tính vào giá bán căn hộ.
Luật sư Toại đánh giá, luật quy định như vậy nhưng trên thực tế khi thực thi nhiều chung cư không thể phân định được rõ ràng.
“Khi làm dự án chủ đầu tư có thể không hạch toán độc lập liên quan đến khoản đầu tư đó mà hạch toán chung của toàn bộ dự án thì rất khó để phân định. Hơn nữa, chỗ để ô tô gắn liền diện tích mặt sàn công trình chung cư là một bộ phận không thể thiếu đối với công trình. Do vậy, việc bóc tách chi phí xây dựng chỗ để ôtô với giá thành bán căn hộ khó khả thi", luật sư Toại nói.
Phân tích về chỗ để xe ô tô ở chung cư, theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đã là nhà ở thì tối thiểu phải có chỗ để xe.
“Xây chung cư để bán cho cư dân thì phải đảm bảo có tối thiểu bao nhiêu m2/xe ô tô cho mỗi hộ gia đình bởi ô tô hiện nay là phương tiện khá phổ biển. Nếu hộ nào có từ 2 ô tô trở lên thì lúc đó mới thoả thuận. Phải thấy rằng, bản chất chỗ để xe của chung cư thuộc phần sở hữu chung và được cấu thành vào giá bán để từ đó đưa ra quy định hợp lý” - luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo ông Đức, Luật Nhà ở hiện hành và dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi chưa có sự điều chỉnh để phân định cụ thể vấn đề này.
Nhìn nhận từ thực tế, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho rằng, trường hợp người dân và chủ đầu tư không thống nhất được thì nên khởi kiện ra toà án dân sự để toà án phán quyết về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo luật sư, người dân rất khó khăn tiếp cận đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án để chứng minh nên dễ trở thành bên thế yếu trong tranh chấp này bởi rõ ràng các hợp đồng theo mẫu, am hiểu về pháp luật thì chủ đầu tư có lợi thế hơn. Nhiều hợp đồng mua bán do chủ đầu tư soạn thảo không chi tiết, thậm chí thiếu phần sở hữu chung theo chiều hướng có lợi cho chủ đầu tư.
"Vì vậy pháp luật phải rõ ràng minh bạch buộc chủ thể, cụ thể ở đây là chủ đầu tư phải có nghĩa vụ chứng minh điều đó. Nếu chủ đầu tư không chứng minh được thì không thể nói đó là sở hữu riêng. Quy định phải có giá trị trên thực tế để bảo vệ người dân và chủ đầu tư đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu quy định không có giá trị trên thực tiễn thì quy định chỉ thêm khó khăn, gây tranh chấp” – ông Toại nhận định.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phải tạm dừng hoạt động vì nguồn tài chính vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Việc tạm ngừng là thời gian để xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng để công ty có tài chính hoạt động trở lại.
Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC - có trụ sở tại phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) vừa có thông báo về việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhân sự. Theo đó, HDTC sẽ tạm dừng hoạt động vì nguồn tài chính đang vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để trả lương cho cán bộ, nhân viên.
Để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, Hội đồng quản trị HDTC thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Đinh Chí Minh thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11 cho đến khi công ty có thông báo mới.
Hồi tháng 10, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư thuộc Cục Hải quan TPHCM đã ngưng làm thủ tục thông quan hàng hóa trong thời hạn 1 năm đối với HDTC do nợ thuế nội địa hơn 100 tỷ đồng, quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Quyết định cưỡng chế được thực hiện theo đề nghị của Cục Thuế TPHCM, có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 10/10 và chỉ chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
Đến cuối tháng 10, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đang điều tra làm rõ các sai phạm tại Tổng công ty Vinafood 2 và một số đơn vị liên quan. Công an xác định, ông Huỳnh Thế Năng (64 tuổi, cựu Tổng giám đốc Tổng công Vinafood 2) và Đinh Trường Chinh (49 tuổi, cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân) đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất khu đất số 33 Nguyễn Du và 34 - 36 - 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1) gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 2 cá nhân trên về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
HDTC là tiền thân công ty nhà nước, đã được cổ phần hóa năm 2016 với vốn điều lệ 2.241 tỷ đồng, là công ty thành viên trực thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (sở hữu 30% vốn điều lệ). Trong đó, ông Đinh Trường Chinh hiện là một trong những cổ đông cá nhân của HDTC.
Tuy nhiên, đại diện HDTC khẳng định, sự việc trên sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ định hướng phát triển dài hạn và hoạt động bình thường của HDTC trong thời gian sắp tới.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (mã chứng khoán: PVR) cũng tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 15/11 đến ngày 14/11/2024. PVR đã nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cấp về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 1 năm. Lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.
Hôm 31/10, Hội đồng quản trị PVR đã ra quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trong đó nêu ra việc bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động. Việc tạm ngừng là thời gian để công ty xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng để công ty có tài chính hoạt động trở lại.
Tại báo cáo tài chính quý III của PVR, mục doanh thu để trắng nhưng vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp. Kết quả PVR lỗ 77 triệu đồng quý III. Lỗ lũy kế tại 30/9 gần 79 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính 2022 của PVR, đơn vị kiểm toán lưu ý về một số khoản đầu tư của PVR vào Công ty CP Xây lắp dầu khí (21,35 tỷ đồng) và Công ty CP Khách sạn dầu khí Lam Kinh (5 tỷ đồng). Ngoài ra, PVR còn chịu rủi ro khi dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên bị thu hồi.
Trước đó, Hội đồng quản trị Công ty CP Licogi 166 (mã chứng khoán: LCS) công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, từ 15/3 đến ngày 14/3/2024 do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Hội đồng quản trị Licogi 166 cho biết, tạm ngừng để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Việc tạm ngừng kinh doanh đã nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Licogi 166. Đồng thời, theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023, cổ đông đã thông qua việc tạm dừng hoạt động của công ty, cũng như thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.
Năm 2022, Licogi 166 ghi nhận doanh thu gần 3,4 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 4% kế hoạch và lỗ trước thuế hơn 98 tỷ đồng, trong khi năm 2021 con số này là 67 tỷ đồng. Cổ phiếu LCS của Licogi 166 cũng đã bị HNX đình chỉ giao dịch từ tháng 8/2022.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện nhưng chưa hoàn toàn và diện rộng. Mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Nhiều nơi đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, “sống bằng niềm tin” thị trường sẽ khôi phục cuối năm nay.
9 tháng đầu năm, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ và bằng khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất . VARS chỉ ra, do thị trường vẫn thiếu vắng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, giá cả tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại.
Nguồn: Kenh14; Thanh Niên; Vietnamnet; CafeF
NSƯT Đỗ Kỷ kêu cứu; Trào lưu ca sĩ kiêm nhạc sĩ; Hố 'tử thần' nuốt nhà dân; Vụ đưa con đi chữa bệnh nhận về hũ tro cốt
Nhát dao đoạn tuyệt tình anh em; Lãnh án vì dọa 'tự thiêu' cùng con; Trả thù cho em gái bị đánh; Đồng tiền chia lìa 'khúc ruột'
'Cuồng' hàng xách tay; Cảnh báo thị trường tổ yến; Sở hữu chéo, doanh nghiệp 'ma'; Người mua nhà 'kiệt sức' đòi quyền lợi
DN gặp khó về vốn; Hàng quán thi nhau đóng cửa; Cho vay kinh doanh BĐS tăng vọt; Tết này có thiếu tàu, xe?
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt; Xóa tư cách chức vụ 2 cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh; Gia đình kiệt quệ vì sốt xuất huyết
Lê Dương Bảo Lâm bị đồn ngoại tình; Phim Việt đang thừa 'cảnh nóng'; Vụ 17 học sinh ngộ độc; Vụ cô gái lây truyền HIV
Lùm xùm giải thưởng Bùi Lan Hương; Nhiều nghệ sĩ rơi vào trầm cảm; Cháy hàng nghìn m2 rừng; Sai phạm chuyển cấp cứu tư nhân
Không có 'bão' mua sắm Black Friday; Vạch trần 'chiêu' gian lận thuế; Đất nền 'nóng' trở lại; Chặn lừa đảo từ xa trong BĐS
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá