Nhiều chính sách mới; BĐS tuần qua; Đầu tàu TP.HCM chậm nhịp; Mạng lưới cao tốc kích hoạt vùng kinh tế lớn

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2023

(Ảnh minh họa).

Từ tháng 5/2023, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Thu hồi sim không chuẩn hóa thông tin; Thay đổi quy định về sổ đỏ; Sử dụng mã QR trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; Quy định mới về vật dụng được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT…

Trường hợp nào không bị tính tiền chậm nộp phạt giao thông

Thông tư 18/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 5/5, miễn việc tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp: Trong thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại; Trong thời gian cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

Thông tư cũng hướng dẫn về xác định thời điểm người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt tương ứng với 2 hình thức nộp tiền mặt và chuyển khoản.

Từ 15/5 sim không chính chủ sẽ bị thu hồi

Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác về họ và tên, CMND/CCCD, ngày cấp và nơi cấp… với các nhà mạng.

Vừa qua, các nhà mạng đã rà soát thông tin và thực hiện thông báo đến từng số thuê bao để nhắc nhở người dân cập nhật thông tin chính xác đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với các sim số không khớp sẽ bị khóa 1 chiều từ ngày 31/3 và kéo dài đến 15 ngày sau sẽ bị khóa chiều còn lại. Ngày 15/4, các nhà mạng đã thực hiện khóa liên lạc hai chiều đối với khoảng 1,2 triệu thuê bao.

Sau ngày 15/5, các thuê bao có thông tin không trùng khớp đã bị khóa 2 chiều sẽ bị thu hồi.

Quy định mới về vật dụng được mang đi thi tốt nghiệp THPT

Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông có hiệu lực từ ngày 9/5, sẽ được áp dụng từ kỳ thi năm 2023.

Cụ thể, theo thông tư trên, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.

Cũng từ kỳ thi tốt nghiệp năm 2023, thí sinh sẽ không được mang theo các máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi dù không có chức năng truyền, nhận thông tin, tín hiệu.

Thay đổi quy định về sổ đỏ

Cũng trong tháng 5/2023, Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được áp dụng từ ngày 20/5.

Nghị định có những thay đổi liên quan đến việc cấp sổ đỏ và nhiều quy định khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: cho phép cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đáp ứng đủ điều kiện...

Khi đăng ký biến động đất đai hoặc cấp đổi, cấp lại sổ đỏ tại địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì cho phép văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp sổ đỏ.

Bên cạnh đó, bổ sung điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân.

Áp dụng mã QR trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính

Từ ngày 25/5, Thông tư 01/2023/TT-VPCP hướng dẫn việc áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm thực hiện số hóa hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Việc áp dụng mã QR đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006).

Mã QR được in ở góc trên bên trái của các giấy tờ được xuất bản từ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp các dữ liệu tối thiểu sau:

Mã số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; Mã thủ tục hành chính; Mã định danh của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; Tên giấy tờ được xuất bản; Tên hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu; Thời điểm xuất bản; Mã QR trên Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả phải cung cấp thêm ngày hẹn trả kết quả; Mã QR trên Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp thêm dữ liệu về thời hạn, phạm vi có hiệu lực (nếu có).

(Nguồn: Tiền Phong)

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Giảm lãi suất để thúc đẩy khách hàng tham gia thị trường

Gần 2.400 thửa đất liên quan ở Cam Lâm được giao dịch trở lại; TP HCM có 7.600 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận; Đà Nẵng xử lý việc “xẻ” nhà ở riêng lẻ thành 35 căn hộ mini bán trái phép; Xử phạt 12 chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì chung cư hơn 13 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua.

Giảm lãi suất để thúc đẩy khách hàng tham gia thị trường bất động sản

Mới đây, ông Phạm Lâm, Chủ tịch Tập đoàn DKRA Việt Nam nhìn nhận, nguồn cung và số lượng giao dịch rất hạn chế dù các doanh nghiệp BĐS đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm. Thậm chí có dự án chiết khấu, giảm giá đến 40% nhưng cũng khó bán hàng.

Hiện nay, thị trường BĐS cần quan tâm nhất là việc củng cố niềm tin cho người mua. Trước đây, có gói 30.000 tỷ đồng có độ lan tỏa giúp thị trường BĐS hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay gói 120.000 tỷ đồng tuy đã có nhưng khó tiếp cận vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân.

Vì vậy, vị Chủ tịch của DKRA cho rằng, cần giảm lãi suất về mức 5-6% cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại để thúc đẩy khách hàng tham gia thị trường.

"Hiện nay hàng tồn kho rất nhiều, nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Do đó, cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động thì mới khơi thông được", ông Lam cho hay.

Số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tổng lượng tồn kho BĐS trong quý I/2023 vào khoảng 18.808 căn, nền (bao gồm chung cư, riêng lẻ, đất nền). Trong đó, chung cư có 2.572 căn; nhà ở riêng lẻ 9.123 căn và đất nền có 7.113 nền. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở loại bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch nhận định, chưa bao giờ Chính phủ và các địa phương thể hiện nỗ lực phục hồi, củng cố thị trường BĐS như hiện nay. Tuy nhiên, không thể sửa luật theo kiểu từng luật mà phải sửa toàn bộ hệ thống pháp luật, để điều chỉnh thị trường.

"Luật tài chính, tín dụng, trái phiếu, kinh doanh BĐS, nhà ở... đang chồng chéo, phải đặt trên tổng thể sửa trên hệ thống. Nếu làm từng cái thì gỡ được cái này lại vướng cái khác", ông Lịch nêu quan điểm và cho rằng, đây cũng là cơ hội để củng cố, phát triển bền vững thị trường BĐS, tránh tình trạng đầu năm phục hồi rồi cuối năm lại lo phục hồi tiếp.

Khánh Hòa: Gần 2.400 thửa đất liên quan ở Cam Lâm được giao dịch trở lại

UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, vừa quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký biến động đối với 114 khu đất có sai phạm liên quan kết luận của cơ quan thanh tra trước đó.

Theo đó, UBND huyện Cam Lâm đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Cam Lâm tiếp tục giải quyết các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với các thửa đất thuộc 114 khu đất nói trên theo quy định.

UBND huyện Cam Lâm giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã: Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát, Suối Tân, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy sau hơn 5 tháng tạm dừng biến động, 2.385 thửa đất thuộc 114 khu vực (rộng 57 ha) đã được mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp...

Tuy nhiên, tại các thửa đất này chính quyền địa sẽ tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Theo thông tin báo Khánh Hòa đăng tải, trước đó, chiều 26/4, ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đã chủ trì họp giải quyết vướng mắc việc tạm dừng thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 114 khu đất hiến đất làm đường trên địa bàn huyện.

Kết luận cuộc họp, ông Ngô Văn Bảo đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu văn bản hủy bỏ nội dung tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai tại đối với 114 khu đất; tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản về việc khắc phục hậu quả các sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Được biết, trong năm 2022, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành công văn liên quan về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến 114 khu đất có sai phạm theo kết luận của UBND tỉnh. UBND huyện yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 2.385 thửa đất trên địa bàn thuộc 114 khu đất đã có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc khắc phục hậu quả.

TP HCM có 7.600 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM tháng 4, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin, từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT cũng đã cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở với khoảng 7.600 căn hộ.

"Hiện còn hơn 81.000 căn chưa được cấp giấy chứng nhận. Dự kiến trong tháng 5 sẽ giải quyết được hơn 8.100 căn (chiếm 19%) trong tổng số nêu trên", ông Thắng cho biết và thông tin thêm, trong tháng 4, số hồ sơ mua bán đất đai trên địa bàn thành phố là 7.400 hồ sơ (tăng 26% so với tháng 3), thu thuế 1.200 tỷ đồng (bằng 44% so với chỉ tiêu năm 2023).

"Điều này cho thấy tín hiệu khả quan, tháng 5 và các tháng còn lại với đà tăng như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng chung của thành phố", ông Thắng đánh giá.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh cho hay tổng ngân sách thu sau bốn tháng là 170.000 tỉ đồng (đạt 36%), có thể đảm bảo các mục tiêu đề ra.

"Thành phố cần giải bài toán để làm sôi động lại thị trường bất động sản, khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Minh kiến nghị và cho rằng, thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe doanh nghiệp, nếu khôi phục để đảm bảo niềm tin thì thị trường sẽ dần ấm lại.

Nhận định về thị trường bất động sản TP HCM thời gian qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, tín dụng từ tháng 3, 4 và bất động sản đã có cải thiện. Với những nỗ lực tập trung tháo gỡ từ Trung ương, thành phố đã tập hợp đầy đủ dự án vướng mắc, phân nhóm, tập trung triển khai.

"Trong 4 tháng đầu năm, thành phố đã tháo gỡ các vướng mắc, chỉ tính riêng mở bán các dự án bất động sản lên đến 9.000 căn, đây là sự nỗ lực rất lớn, cho thấy sự tập trung chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả từ Thủ tướng Chính phủ và thành phố cũng chấp hành nghiêm túc, tổ chức có hiệu quả, cần phải tập trung hơn nữa", ông Mãi khẳng định.

Đà Nẵng: Xử lý việc “xẻ” nhà ở riêng lẻ thành 35 căn hộ mini bán trái phép

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Việt ký Công văn số 1269 về việc xử lý tình trạng mua bán trái phép hơn 30 căn hộ tại công trình K38/25 đường Lê Hữu Trác thuộc phường An Hải Đông.

Theo đó, công trình K38/25 đường Lê Hữu Trác được UBND quận cấp Giấy phép xây dựng số 361/GPXD ngày 12/3/2020 cho ông Trần Nhật Minh (hiện đã ủy quyền cho ông Trần Viết Khái).

Theo Giấy phép, chủ công trình chỉ được xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ, không được phép kinh doanh, mua bán căn hộ.

Tuy nhiên qua kiểm tra, đến nay, chủ công trình đã bán 31/35 phòng, diện tích mỗi phòng từ 25-35m2, còn 4 phòng chưa bán.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh gây ảnh hưởng đến trật tự xây dựng, trật tự đô thị nói chung trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho các hộ dân sử dụng căn hộ, UBND quận Sơn Trà thông tin rộng rãi cho người dân, khuyến cáo tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch, kinh doanh bất động sản phải tìm hiểu kỹ thông tin, hồ sơ pháp lý của công trình và các quy định liên quan.

UBND quận Sơn Trà cũng giao cơ quan chức năng phường An Hải Đông giám sát vấn đề đăng ký tạm trú của người dân đã ký kết hợp đồng mua căn hộ tại đây; lưu ý có biện pháp ngăn chặn, xử lý và không cấp giấy tạm trú cho người dân đăng ký tạm trú tại công trình.

Giao Đội Kiểm tra quy tắc đô thị tham mưu UBND quận kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp mua bán căn hộ trái quy định và vi phạm trật tự xây dựng tại công trình K38/25 đường Lê Hữu Trác.

Liên quan tới công trình trên, ngày 20/4, UBND phường An Hải Đông đã có công văn báo cáo UBND quận Sơn Trà về tình trạng mua bán căn hộ trái phép tại công trình này.

Cụ thể, công trình được cấp phép xây dựng 4 tầng nhà, 1 tầng hầm, 1 tầng lửng, 1 tum thang với tổng diện tích hơn 1.182m2 (diện tích tầng 1 là 200 m2), công trình đã đưa vào sử dụng năm 2022.

Tại thời điểm kiểm tra, công trình đã bán 31/35 căn hộ, còn 4 căn hộ chưa bán với giá trị như sau: căn hộ diện tích 25m2 có giá 530 triệu đồng; căn hộ diện tích 35m2 với một phòng ngủ có giá 650 triệu đồng; căn hộ diện tích 35m2 với 2 phòng ngủ có giá 750 triệu đồng.

Khi kiểm tra, chủ hộ không cung cấp thông tin về thủ tục mua bán các căn hộ trên.

Xử phạt 12 chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì chung cư hơn 13 tỷ đồng

Vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đến thời điểm này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã hoàn thành và ban hành kết luận thanh tra đối với 5 địa phương, trong đó có nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư (2%).

Căn cứ của kết luận trên là quyết định thanh tra năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt. Nội dung thanh tra là việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập nhiều biên bản xử lý vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Qua thanh tra đối với 19 chủ đầu tư, nhà đầu tư và ban quản trị nhà chung cư. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12/19 chủ đầu tư số tiền 13,3 tỷ đồng, trung bình 1,1 tỷ đồng/chủ đầu tư.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng, sau khi tiến hành lập biên bản xử phạt đối với những sai phạm, Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện một số công việc: Khi đủ điều kiện theo quy định thì phải tổ chức hoặc đề nghị UBND cấp xã tổ chứchội nghị nhà chung cư lần đầu; Thống nhất với Ban quản trị về phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở để bàn giao quỹ bảo trì chung cư; Bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị...

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu 10/12 chủ đầu tư phải mở và gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì số tiền 254,1 tỷ đồng (trung bình 25,4 tỷ đồng/chủ đầu tư);

Buộc 6 chủ đầu tư quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị số tiền 513,8 tỷ đồng, trung bình đã chuyển 85,6 tỷ đồng/ ban quản trị (bao gồm cả % phần diện tích chủ đầu tư giữ lại). Đồng thời kiến nghị kiểm điểm đối với 19 tập thể 14 cá nhân để xảy ra vi phạm, tồn tại.

(Nguồn: Kinh tế & Xây dựng)

Khi đầu tàu TP.HCM chậm nhịp

(Ảnh minh họa).

LỜI TÒA SOẠN: Nói đến TP.HCM là nói đến biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới. Những năm gần đây, đầu tàu kinh tế của cả nước có dấu hiệu chững lại. Các nhân tố ‘dám nghĩ, dám làm, dám đột phá’ vốn là đặc tính của TP năng động nhất cả nước giờ đang có biểu hiện mờ nhạt.

Loạt bài của VietNamNet góp phần tìm câu trả lời về xung lực mới giúp TP.HCM tìm lại vị thế vốn có.

Chững lại sau đại dịch

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị ngày 16/1/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (khi còn là Thường trực Ban Bí thư) đã cảnh báo về sự sụt giảm vai trò đầu tàu của TP.HCM.

Theo ông Võ Văn Thưởng, dù TP.HCM vẫn đang là đầu tàu kinh tế nhưng quy mô đầu tàu bắt đầu giảm. Ông dẫn chứng, theo các mốc phát triển, từ năm 2011-2015, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM luôn đạt trên 9%/năm trở lên, cá biệt năm 2011 mức tăng trưởng đạt 10,3%.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, kinh tế TP.HCM có dấu hiệu chững lại và bắt đầu giảm sâu. Tính từ năm 2017-2021, kinh tế địa phương này chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình trên 8%/năm.

Trong đó, năm 2020, đạt 7,83%/năm và giảm sâu trong năm 2021 (tăng trưởng âm 6,78% - P.V).

Bước vào quý I/2023, kinh tế Thành phố lại rơi vào nhóm "cầm đèn đỏ", khi tăng trưởng chỉ đạt 0,7% (cả nước đạt mức 3,32%), đứng thứ 56/63 địa phương và thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo TS.Trần Du Lịch, đây là lần đầu tiên từ năm 1982, mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố thuộc diện “cầm đèn đỏ”.

Trong hai năm 2020-2021, kinh tế Thành phố sụt giảm do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. TP.HCM là tâm điểm của dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế-xã hội gần như tạm ngưng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch; kinh tế chững lại, giảm sâu là điều tất yếu.

Tuy nhiên, bước vào quý I/2023 (dù năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng 9,03%), kinh tế TP.HCM lại phát triển chậm nhịp so với nhiều tỉnh/thành trên cả nước.

Theo phân tích của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), kinh tế Thành phố rơi vào nhóm “cầm đèn đỏ” có từ các yếu tố khách quan và chủ quan.

Về khách quan: thời điểm quý I là giai đoạn sau Tết, các hoạt động sản xuất tạm dừng; mức chi tiêu thấp, người dân thắt lưng buộc bụng.

Tình hình quốc tế diễn biến phức tạp (chiến sự, lạm phát toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng hệ thống ngân hàng…) khiến lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và thương mại…

Trung ương chấn chỉnh ngành tài chính-ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng mạnh đến nhiều ngành nghề thương mại-dịch vụ khác nhau của thành phố, đặc biệt là bất động sản.

Về chủ quan, có 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, tiến độ giải ngân đầu tư công quý I/2023 chậm (chỉ đạt 4%).

Thứ hai, hiệu quả thực thi công vụ của bộ máy thành phố không cao, ách tắc về hồ sơ, giấy tờ khiến các dự án không thể triển khai được, việc kém hiệu quả này chủ yếu do con người và tâm lý.

Thứ ba, tăng trưởng của Thành phố trong các ngành chủ lực đã đến giới hạn. Đặc biệt, sự giới hạn lớn về nguồn lực tài chính (tỷ lệ điều tiết, ngân sách đầu tư, cách thức huy động nguồn lực) và cơ sở hạ tầng (cơ sở hạ tầng công nghiệp như đường xá, bến bãi, logistic, đất công nghiệp hay hạ tầng dịch vụ như trung tâm triển lãm, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa…)

Cuối cùng là các vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền của TP.HCM trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, tài nguyên môi trường, tài chính, bộ máy, con người.

Sự e ngại của một bộ phận cán bộ

Theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, vai trò đầu tàu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của Thành phố đối với vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, chậm được khắc phục, có mặt ngày càng gay gắt hơn.

Ngoài các yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng, một phần sự suy giảm kinh tế đến từ lý do nội tại, đó là tâm lý cán bộ e ngại, lo sợ nên hiệu quả thực thi công vụ không cao, thậm chí không dám làm gì.

Nói về điều này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thừa nhận: "TP.HCM vốn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhưng gần đây, điều này hầu như không có bao nhiêu".

Nỗi lo sợ này đến từ việc xử lý mạnh tay các đại án và những cá nhân sai phạm, trong đó có một số cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt của TP.HCM do vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước đã phải chịu xử lý kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.

Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, việc một bộ phận cán bộ e ngại, lo sợ… dẫn đến hiệu quả thực thi công vụ chưa cao, quá trình giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn chậm. Đây cũng là nguyên nhân làm trì trệ nền kinh tế.

Đánh giá sâu hơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho rằng, đây không chỉ là sự e ngại mà là tình trạng co cụm, cầu an và thận trọng quá mức của cán bộ. Đi sâu phân tích, Trung tướng khẳng định, không thể đổ lỗi cho việc xử lý mạnh tay rồi cán bộ e ngại. Những việc xử lý mạnh tay vừa qua là bài thuốc chữa các căn bệnh di căn.

“Khi tôi hỏi chuyện một số cán bộ đang ở cấp lãnh đạo cơ quan Nhà nước, họ nói luôn, thà chịu kỷ luật còn hơn ở tù. Mấu chốt vấn đề nằm ở đó, một số cơ quan đang rất thờ ơ, lãnh đạm”, ông Lê Mạnh, thành viên Hội Doanh nghiệp quận 10 chia sẻ.

Trao đổi về tâm lý e ngại của đội ngũ cán bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho biết, xử lý các vụ án là đúng, xử lý cán bộ tham nhũng là đúng. Tuy nhiên, việc này chắc chắn làm nhiều cán bộ xem xét lại mình và kéo theo sự ảnh hưởng tâm lý. “Phá băng” tâm lý này cũng cần có thời gian, có độ trễ.

Theo TS.Trần Nam Quốc, Trưởng khoa Kinh doanh, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT), ngoài yếu tố lao động và vốn, yếu tố năng suất tổng hợp, trong đó, năng lực sáng tạo đổi mới (innovation) có vai trò quan trọng.

Năng lực tư duy đổi mới sáng tạo đến từ tinh thần xung phong dám nghĩ, dám làm, tư duy đột phá của những người làm chính sách và các cấp lãnh đạo quản lý. Tuy nhiên, năng lực này có thể bị sụt giảm và tụt hậu nếu có xuất hiện tâm lý ngại trách nhiệm khi tư vấn cũng như phê duyệt chính sách.

(Nguồn: Vietnamnet)

Mạng lưới cao tốc kích hoạt các vùng kinh tế lớn

Thông xe 2 tuyến Mai Sơn - QL45 (Thanh Hóa) và Dầu Giây - Phan Thiết (Bình Thuận) đã nâng tổng số ki lô mét cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác lên 784 km.

Nỗ lực vượt khó khăn

Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay, các cửa ngõ ra khỏi Hà Nội và TP.HCM ùn tắc nghiêm trọng khi lưu lượng lớn ô tô đồng loạt rời thành phố. Nhiều người dân hy vọng, cảnh ùn tắc nhích từng mét sẽ giảm bớt phần nào với hàng loạt đoạn tuyến cao tốc đang và sắp được khánh thành trong thời gian sắp tới.

Nếu trước năm 2020 chỉ mới có 458 km cao tốc trục Bắc - Nam được khai thác, thì tới nay, tổng số ki lô mét cao tốc trên trục giao thông huyết mạch này đã là 784 km. Tính chung toàn hệ thống đường bộ cao tốc hiện đã hoàn thành 1.580 km. Riêng giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1.163 km, trong 3 năm gần đây đưa vào khai thác 416 km.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, dự kiến đến ngày 19.5 sẽ khánh thành thêm 2 đoạn cao tốc Bắc - Nam là Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km.

Trước dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, đã có 2 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15 km) và Cam Lộ - La Sơn (98 km) đã đưa vào khai thác. Với 2 dự án vừa được khánh thành dài 160 km, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam đạt gần 800 km và dự kiến sẽ đạt khoảng 950 km khi các đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang hoàn thành trong tháng 5 tới.

Dự kiến cuối năm 2023, Bộ GTVT sẽ khánh thành thêm 4 đoạn (gồm QL45 - Nghi Sơn dài 43 km, Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, cầu Mỹ Thuận 2 dài 7 km và Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km) với tổng chiều dài 123 km. Đến năm 2024 sẽ hoàn thành 2 đoạn (Diễn Châu - Bãi Vọt dài 50 km và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 79 km) với tổng chiều dài 129 km. Năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Để đến được các kết quả trên, có những giai đoạn các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam lao đao, nhiều đoạn tuyến không thể về đích đúng tiến độ dự kiến. Thứ trưởng Thọ cho biết, dự án phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt trải qua giai đoạn Covid-19 năm 2020 - 2021 phải giãn cách xã hội, đặc thù trải qua nhiều khu vực có địa hình, địa chất phức tạp nền đất yếu. Có những thời điểm đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu, giá nhiên vật liệu "leo thang", khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), nguồn tài chính…

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, cũng thừa nhận việc thi công gặp nhiều bất lợi về thời tiết do mưa nhiều bất thường so với nhiều năm, biến động bất thường của giá nhiên vật liệu, vướng mắc trong công tác GPMB. Đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường do vướng mắc các thủ tục hành chính trong việc cấp phép mỏ, thời gian cấp phép kéo dài, thậm chí có mỏ đất đến tận tháng 5.2022 mới được cấp phép. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Thúc đẩy cơ hội "lột xác" mạng lưới giao thông liên vùng

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Để hoàn thành mục tiêu này, hàng loạt dự án cao tốc đang được khởi động. Mới đây, Ban Quản lý dự án 2 đã trình Bộ GTVT dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn với chiều dài 28,7 km theo quy mô cao tốc 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 5.750 tỉ đồng, thời gian khởi công dự kiến tháng 2.2024 hoàn thành năm 2026. Tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình cũng đang được đề xuất đầu tư với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 7.860 tỉ đồng.

Để kết nối trọng tâm là thủ đô Hà Nội đã có hàng loạt tuyến cao tốc hình thành theo trục nan, gồm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Thanh Hóa, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Quảng Ninh)… Hà Nội cũng đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ Vành đai 4 - Vùng thủ đô, dự án kết nối Hà Nội với Hưng Yên và Bắc Ninh, tạo thành một trục khu vực phía bắc nối thông cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long.

Với TP.HCM, dù sát lễ 30.4 - 1.5, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành ngập trong những cuộc họp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác đền bù, GPMB dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết đây là công tác rất quan trọng và phải đẩy nhanh tiến độ để bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng vào tháng 6.2023, phục vụ khởi công dự án.

Theo ông Trực, tổng kinh phí GPMB dự án Vành đai 3 ước tính hơn 18.900 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 (từ nay đến trước ngày 30.6) phải giải ngân khoảng 8.800 tỉ đồng. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 8.2023, bồi thường cho các trường hợp đất ở và đất nông nghiệp chưa đồng thuận, phấn đấu giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 15.11. Địa phương gấp rút GPMB, phía chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cũng đang chìm trong "núi" việc bởi đầu tháng 5 theo dự kiến cũng là thời điểm tuyến giao thông trọng điểm nhất năm 2023 của vùng Đông Nam bộ này hoàn thành duyệt các thiết kế xây lắp và dự toán.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP, thông tin đến nay dự án Vành đai 3 TP.HCM được bố trí 13.500 tỉ đồng để phục vụ công tác bồi thường và khởi công gói thầu xây lắp, trong đó phải giải ngân khoảng 10.000 tỉ đồng trước ngày 30.6. Vành đai 3 là giấc mơ 13 năm của TP.HCM. Không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, tuyến đường còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm.

Đặc biệt, dự án chiếm tới 80% tỷ lệ giải ngân nhóm hạ tầng giao thông triển khai bằng ngân sách TP trong năm 2023. "Bởi vậy, TP.HCM đang dồn toàn lực cho mục tiêu Vành đai 3 khởi công đúng hẹn. Do khối lượng công việc rất lớn nên dịp 30.4 - 1.5 này, chúng tôi sẽ không nghỉ lễ để đẩy nhanh tiến độ công việc", ông Lương Minh Phúc nói.

Metro số 1 TP.HCM chạy nước rút về đích

Tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, tuyến metro số 1 TP.HCM đã hoàn thiện công tác chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ ga Bến xe Suối Tiên (Dĩ An) đến ga An Phú (Thảo Điền, TP.Thủ Đức). Những buổi chạy thử nghiệm kết hợp đưa người dân cùng các đoàn khách du lịch trải nghiệm tàu metro. Đây cũng là đoạn chạy thử dài nhất kể từ khi tuyến metro đầu tiên của TP.HCM triển khai quy trình thử nghiệm từng phần, trên đoạn đường dài gần 20 km từ trung tâm TP.HCM tới TP.Thủ Đức.

Theo kế hoạch, đến 2.9, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy thử toàn tuyến, chuyển sang giai đoạn khai thác thử vào tháng 12 năm nay. Cùng thời điểm, 8.000 m2 mặt bằng khu vực công viên 23 Tháng 9, ngay trước chợ Bến Thành (Q.1) đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM hoàn thành công tác tái lập mặt bằng. Tháng 10 tới, toàn bộ phần rào chắn cuối cùng của dự án tại trung tâm TP cũng sẽ được tháo dỡ. Hạng mục giếng trời lấy sáng (toplight) của ga Bến Thành cũng đã hoàn thiện và được bàn giao. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM đang ở giai đoạn thi công những hạng mục cuối cùng, quyết không tiếp tục lỡ hẹn với người dân TP.

Từ điểm đầu Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước) cũng đang được các địa phương dốc lực triển khai. Song song với việc "chạy nước rút" mạng lưới cao tốc, vành đai, TP.HCM đang quyết liệt đẩy nhanh các công trình nối từ "nhà" ra "ngõ" để kết nối cùng nhịp với các dự án liên vùng. Hai dự án "đinh" hiện phải kể tới là mở rộng QL50 và nút giao An Phú, mới khởi công vào ngày cuối cùng của năm 2022.

Trong đó, QL50 sau khi hoàn thành sẽ tạo thành một trục nối kết cửa ngõ TP với Long An và các tỉnh miền Tây; kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến Vành đai 3 TP.HCM trong tương lai. Như vậy, từ cửa ngõ phía nam TP, người dân còn có thể qua QL50 đi về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), về các tỉnh miền Đông và miền Tây trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tương tự, nút giao An Phú trong tương lai sẽ kết nối đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang, đường sắt nhẹ từ TP.HCM đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến metro số 2 từ Bến Thành qua Thủ Thiêm...

Không chỉ TP.HCM dồn lực cho hạ tầng, Đồng Nai, Bình Dương cùng các tỉnh miền Tây cũng đang chớp cơ hội "lột xác" mạng lưới giao thông. Đơn cử, sau khi hoàn thiện tuyến cao tốc với Bình Thuận, tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến thêm rất nhiều công trình hạ tầng giao thông với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất vùng Đông Nam bộ. Bên cạnh cầu Cát Lái đã được quy hoạch chờ xây dựng, UBND Đồng Nai mới đây đã thống nhất phương án quy hoạch xây thêm 2 cây cầu vượt sông kết nối với TP.HCM từ cả hướng đông (TP Thủ Đức) và hướng nam (Q.7).

Bình Dương cũng khởi công dự án nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn giáp ranh TP.HCM đến TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - con đường được coi là "xương sống" nối tỉnh Bình Dương với TP.HCM. Cùng với đoạn phía TP.HCM đang được xếp vào danh sách dự án trọng điểm ưu tiên năm 2023, QL13 sau khi mở rộng sẽ trở thành tuyến đường trọng điểm kết nối TP.HCM với các tỉnh phía đông và Tây nguyên.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang