Nhát dao đoạn tuyệt tình anh em; Lãnh án vì dọa 'tự thiêu' cùng con; Trả thù cho em gái bị đánh; Đồng tiền chia lìa 'khúc ruột'

Nhát dao đoạn tuyệt tình anh em, người ngồi xe lăn, kẻ đi tù

(Ảnh minh họa).

Đến tòa trên chiếc xe lăn sau khi bị em trai đâm nhiều nhát dao, ông Nguyễn Hữu T. ngồi trầm ngâm, gương mặt buồn bã nghe em trai khai tội.

Ngày 15/11, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Vinh (SN 1976, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mức án 15 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là anh trai ông Vinh, ông Nguyễn Hữu T. (SN 1959, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Đến tòa trên chiếc xe lăn sau khi bị em trai đâm nhiều nhát dao, ông Nguyễn Hữu T. ngồi trầm ngâm, gương mặt buồn bã nghe em trai khai tội.

Trước đó, vào khoảng 12h ngày 24/5, ông Vinh điều khiển xe máy đến quán bún cá nhà ông T. ở khu Linh Đàm để nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn xuất phát từ việc ông Vinh cho rằng anh trai đã bán đất của bố mẹ để lại vào năm 2022 nhưng không chia tiền cho mình.

Trên đường đi, ông Vinh mua 2 con dao bầu, cho vào túi nilon treo bên cạnh xe máy rồi phóng xe đến nhà anh trai với mục đích ban đầu chỉ là đe dọa, dằn mặt để ông T. phải chia tiền bán đất.

Khi đến khu Linh Đàm, ông Vinh dựng xe máy trước cửa quán bún cá nhà ông T. Tại đây, ông Vinh gặp anh trai và hỏi ông T. về việc tiền bán đất, bán nhà của bố mẹ, nhưng ông T. không nói chuyện.

Lúc này, ông Vinh quay ra xe máy lấy 2 con dao. Thấy em trai cầm dao nhọn bước vào, ông T. bỏ chạy. Ông Vinh đuổi kịp và đâm nhiều nhát khiến anh trai ngã gục tại chỗ.

Gây án xong, bị cáo cầm dao, quay lại quán cá, để dao lên bàn, chờ công an đến giải quyết. Về phía nạn nhân, người này được đưa đi cấp cứu trong tình trạng vết thương thấu ngực, bụng, gãy xương sườn, tổn thương màng phổi… CQĐT xác định nạn nhân bị tổn hại 78% sức khỏe.

Trước khi diễn ra phiên tòa, ông T. đề nghị bị cáo bồi thường 400 triệu đồng, gồm tiền viện phí và tổn thất tinh thần cũng như bị mất thu nhập thực tế. HĐXX ghi nhận, bị cáo đã tự nguyện bồi thường theo yêu cầu của phía bị hại.

HĐXX cho rằng, có đủ căn cứ xác định ông Vinh phạm tội giết người, việc nạn nhân không tử vong là do được cấp cứu kịp thời.

Lãnh án vì dọa “tự thiêu” cùng con

Do chồng cũ ngừng cấp dưỡng nuôi con, Nguyễn Thị Thanh Thảo (SN 1990, ngụ TP.Hồ Chí Minh) đã mang xăng tới nhà chồng cũ, đổ lên người và con để đe dọa “tự thiêu”. Với hành vi trên, Thảo bị tuyên phạt tù về tội “Đe dọa giết người”.

Theo nội dung vụ án, năm 2018, Thảo và anh Nguyễn Quốc D. có quan hệ tình cảm, sống chung như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn và có một con chung là bé T. (SN 2022). Khoảng tháng 2-2022, do thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên anh D. không sống cùng với Thảo nhưng vẫn chu cấp tiền hàng tháng để Thảo nuôi con. Anh D. duy trì chu cấp tiền được một thời gian thì không có khả năng cấp dưỡng.

Sau khi phát sinh mâu thuẫn, Thảo thường xuyên đến nhà của anh D. ở phường Dĩ An, TP.Dĩ An để yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Khoảng 11 giờ ngày 29-8-2022, Thảo mua xăng, rồi bế theo con đến nhà anh D. Tại đây, Thảo gặp anh D. và mẹ chồng, lúc này Thảo tiếp tục yêu cầu anh D. cấp dưỡng nuôi con. Do anh D. không đồng ý nên hai bên xảy ra mâu thuẫn. Do bức xúc, Thảo nói “tao giết con mày”, rồi lấy chai xăng đã mua từ trước đổ lên người và bé T. Trong lúc Thảo cầm bật lửa đe dọa “tự thiêu” thì bị mẹ chồng ngăn cản, còn anh D. bế bé T. đi chỗ khác. Sau đó, anh D. đã trình báo vụ việc cho cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định.

Qua giám định, cơ quan chức năng xác định bé T. có quan hệ huyết thống với Thảo và anh D.

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP.Dĩ An đã tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thảo về tội “Đe dọa giết người”. Căn cứ vào nội dung vụ án và các tình tiết tăng, giảm trách nhiệm hình sự, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thảo 2 năm tù.

Trả thù vì em gái bị đánh, anh trai và cháu phạm tội Giết người

(Ảnh minh họa).

Nghe em gái nói bị đánh, Khanh và Hải mang theo hung khí để trả thù. Gặp đối thủ, Khánh và Hải "nói chuyện" bằng dao khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Ngày 14/11, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên toà xét xử sơ thẩm hình sự đối với Lô Thanh Hải, SN 1994, trú tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong và Phạm Tùng Khánh, SN 1990, trú tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An về tội Giết người.

Trong vụ án này, Phạm Thục Khanh, em gái Khánh bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích và Hồ Viết Quyền, SN 1996, trú tại TX.Thái Hoà, tỉnh Nghệ An bị truy tố về tội Che dấu tội phạm.

Tại phiên toà, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, khoảng 20h, ngày 25/7/2019, tại quán thịt chó ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong xảy ra mâu thuẫn giữa Phạm Thục Khanh với anh Lô Minh H., SN 1989, trú xã Tiền Phong. Lúc này, anh H. túm tóc và tát vào mặt Khanh nhưng được mọi người can ngăn. Sau đó, Khanh cùng nhóm bạn đi hát karaoke.

Một lúc sau, khi gặp anh trai Phạm Tùng Khánh và cháu là Lô Thanh Hải thì người phụ nữ này có kể lại việc bị anh H. đánh ở quán thịt chó. Nghe Khanh nói vậy, Hải và Khánh liền đi tìm anh H., gọi điện hẹn gặp để nói chuyện. Trước khi đi, Hải lấy 1 con dao lưỡi liềm, 1 thanh kiếm, 1 dao phớ.

Khoảng 22h30 phút cùng ngày, tại điểm hẹn là ngã ba Phú Hương (thuộc xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) anh H. một mình đi xe máy đến, tay cầm theo con dao. Hải cầm dao lưỡi liềm chém vào tay của anh H.

Lúc này, Khanh thấy anh H. cầm dao chạy về phía mình nên nhặt một viên gạch ném về phía đối thủ nhưng không trúng. Thấy vậy, Phạm Tùng Khánh cầm kiếm chạy đến chém anh H. nhưng người này tránh được. Cùng lúc này, Hải lao đến chém nhiều nhát trúng vào người anh H.

Bị chém người đàn ông bỏ chạy khoảng 30m thì gục xuống ở mép đường và tử vong tại chỗ. Thấy anh H. chảy nhiều máu, Hải nói với Khanh: “Dì lấy xe đưa hắn đi viện”, rồi bảo Khánh: “cháu với cậu trốn đi”.

Sau khi gây án, Hải và Khánh nhờ Quyền dùng xe máy chở đến thị trấn Quỳ Châu. Hải nói với Quyền không liên quan thì xuống xe. Đồng thời, Hải mượn xe máy của của Quyền rồi bỏ trốn.

Trên đường bỏ trốn, Hải và Khánh đã ném các hung khí vào bụi cây ven đường. Sau gần 4 năm bỏ trốn, ngày 6/6/2023, Phạm Tùng Khánh và Lô Thanh Hải bị công an bắt theo quyết định truy nã.

Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lô Thanh Hải tù chung thân, Phạm Tùng Khánh 20 năm tù về tội Giết người, Phạm Thục Khanh 24 tháng tù giam về tội Gây rối trật tự, Hồ Viết Quyền 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Che dấu tội phạm.

Đừng để đồng tiền chia lìa 'khúc ruột'

Tình trạng người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không rõ ràng đã khiến cho nhiều gia đình tan nát; mẹ con, cha con trở mặt; anh em tranh giành nhau...

Các vụ tranh chấp này thường kéo dài, ảnh hưởng đến tình thân.

Nỗi đau mang tên “di sản thừa kế”

Nhiều gia đình đã có cuộc sống đoàn kết, yêu thương nhau cho đến khi cha mẹ chết đi, để lại di sản thừa kế không rõ ràng khiến cho các con tranh giành, mâu thuẫn trong suốt nhiều năm liền.

Đơn cử như vụ kiện đòi chia tài sản thừa kế giữa bà N. (45 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch) và ông T. (68 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch) đã kéo dài đến hơn 4 năm. Theo nội dung khởi kiện, vợ chồng ông V. (đã chết năm 2019) và bà X. (đã chết năm 2021) có 8 người con. Vào năm 2018, vợ chồng ông V. bán thửa đất tại H.Nhơn Trạch được 19 tỷ đồng và chia cho mỗi người con một số tiền, còn lại hơn 10 tỷ đồng thì giao cho ông T. (con của ông V. và bà X.) gửi ngân hàng để lo liệu việc gia đình.

Sau đó, vợ chồng ông V. chết không để lại di chúc nên những người con khác làm đơn khởi kiện buộc ông T. phải chia lại số tiền thừa kế. Tuy nhiên, ông T. cho rằng, số tiền 10 tỷ đồng gửi ngân hàng cha mẹ đã cho ông trước đó nên ông không muốn chia cho các anh chị em khác.

Vào năm 2022, TAND H.Nhơn Trạch đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên buộc ông T. phải giao cho mỗi anh chị em còn lại số tiền từ gần 680 triệu đồng đến gần 900 triệu đồng/người. Không chấp nhận bản án sơ thẩm, ông T. đã làm đơn kháng cáo. Đến cuối tháng 9-2023, TAND tỉnh đã tuyên y án sơ thẩm, riêng ông T. được hưởng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

Không chỉ anh em tranh chấp tài sản, nhiều gia đình mẹ và con cũng đưa nhau ra tòa chỉ vì tranh chấp phần di sản thừa kế. Mới đây, TAND tỉnh đã tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà V.T. (75 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đối với con trai là ông Đ.T. (49 tuổi, ngụ H.Long Thành). Theo trình bày của bà V.T., vào năm 1967, bà kết hôn với ông H. và sinh ra ông Đ.T. cùng một số người con khác. Vào năm 1993, ông H. và bà mua thửa đất tại H.Long Thành với diện tích hơn 1,3 ngàn m2. Năm 2007, ông H. chết không để lại di chúc, đất lại do ông Đ.T. đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, bà V.T. đã già yếu nên yêu cầu chia tài sản thừa kế là diện tích đất hơn 908m2 ông Đ.T. đang quản lý.

Tuy nhiên, theo trình bày của ông Đ.T., vào năm 2007, sau khi cha chết, ông đã chia toàn bộ tài sản thừa kế cho mẹ và các anh chị em khác, có lập cam kết rõ ràng. Nhận được đất, bà V.T. đã bán cho người khác. Sau khi dùng hết tiền thì bà V.T. lại về đòi đất. Riêng diện tích ông Đ.T. đang sở hữu là tài sản của ông sau khi đã được phân chia. Từ năm 2019-2023, sau khi khởi kiện, tòa án từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm đều không chấp nhận khởi kiện của bà V.T. và xác định số tài sản tranh chấp là của ông Đ.T.

Đừng để đồng tiền chia cắt tình thân

Theo đại diện TAND tỉnh, tình trạng tranh chấp tài sản thừa kế tại Đồng Nai hiện diễn ra rất nhiều và phức tạp. Việc phân chia di sản tưởng chừng là điều đơn giản khi chỉ cần xác định rõ di sản thừa kế, hàng thừa kế, công sức tôn tạo là có thể phân chia một cách rõ ràng. Thế nhưng, trong số đó có nhiều vụ phân chia tài sản thừa kế khó giải quyết, tranh chấp kéo dài, thậm chí có thể vì tài sản thừa kế mà dẫn đến những hành vi liên quan đến phạm pháp hình sự như: cố ý gây thương tích, giết người...

Việc phân chia tài sản thừa kế cũng được xếp là một trong những vụ việc khó giải quyết, bởi lẽ phải đảm bảo bản án thấu tình đạt lý, vừa công bằng nhưng cũng giữ được hòa khí giữa những người thân với nhau. Việc phân chia tài sản thừa kế phải nhìn nhận và suy xét ở nhiều góc độ khác nhau như: hoàn cảnh gia đình, yếu tố nam nữ, công sức phụng dưỡng người để lại di sản, trách nhiệm thờ cúng và công sức tôn tạo, quản lý tài sản...

Luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho rằng, trong xã hội ngày càng phát triển, giá trị tài sản thừa kế thường là đất đai, nhà cửa, tiền, vàng... và giá trị của nó thường tăng theo thời gian. Trong khi đó, các chuẩn mực về đạo đức với nhiều người đang có xu hướng thay đổi theo chiều hướng chú trọng nhiều hơn về mặt vật chất. Chỉ vì lòng tham, sự ích kỷ của bản thân, không ít người thân có thể trở mặt nhau, tìm mọi cách để tranh giành phần nhiều tài sản về mình.

Đối với những vụ việc tranh chấp di sản thừa kế trước khi đem khởi kiện ra tòa thường đã mâu thuẫn kéo dài, không giải quyết được. Cho đến khi tranh chấp lên đến đỉnh điểm thì mới đưa nhau ra tòa phân xử, tình cảm đôi bên đã sứt mẻ nên để hóa giải là điều rất khó khăn.

Theo luật sư Tùng, với thực trạng tranh chấp di sản thừa kế hiện nay, nhằm có thể giải quyết vừa đảm bảo tính công bằng nhưng vẫn giữ gìn, hàn gắn được tình cảm gia đình đôi bên thì các bên nên hướng tới việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải. Điều này vừa giải quyết triệt để mâu thuẫn, không để kéo dài vụ án và cũng ít tốn công sức, tiền bạc của các bên đương sự. Đặc biệt hơn, nhằm tránh diễn ra tình trạng tranh chấp di sản thừa kế thì người có tài sản cần lập di chúc một cách rõ ràng, cụ thể. Thông qua việc lập di chúc vừa thể hiện được ý nguyện của người để lại tài sản, vừa góp phần ngăn chặn có hiệu quả được tình trạng tranh di sản thừa kế giữa những người thân với nhau.

Nguồn: Vietnamnet; Báo Bình Dương; Người Đưa Tin; Báo Đồng Nai

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang