.jpg)
NHẬT BẢN CHẬT VẬT VÌ GẠO: NGƯỜI DÂN 'THAN TRỜI' VÌ CÓ TIỀN CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC
Giá gạo ở Nhật Bản tiếp tục tăng vọt kể từ “cuộc khủng hoảng gạo thời kỳ Lệnh Hoà” vào mùa hè năm ngoái. Dù chính phủ đã có kế hoạch giải phóng 210.000 tấn gạo dự trữ, người tiêu dùng vẫn không chắc động thái này có thể xoa dịu tình hình hay không.
Tại một quầy gạo trong siêu thị ở thành phố Saitamai, phía bắc Tokyo, một người nội trợ đang thở dài: “Đắt quá, nhưng tôi cũng không còn lựa chọn nào khác”.
Trong khi đó, chính phủ kỳ vọng rằng việc giải phóng dự trữ kho gạo sẽ giúp giá cả hạ nhiệt. Song, bà nội trợ ở Saitamai cũng không mấy chắc chắn: “Năm ngoái, chúng tôi kỳ vọng giá sẽ ổn định nhờ loại gạo mới được bày bán nhưng giá cũng không giảm. Tôi không hy vọng gì.”
Siêu thị này đã treo tấm biển “hết hàng” ngay sau khi mở cửa lúc 9 giờ sáng. Siêu thị này cho biết, gạo sẽ được giao đến lúc 10 giờ sáng nhưng gần đây có lúc cũng không có hàng.
Giá gạo tại Nhật Bản tăng đột biến từ tháng 8 năm ngoái, khi chính phủ cảnh báo về khả năng xảy ra động đất ở bờ biển phía nam. Người dân sau đó đã đổ xô mua đồ tích trữ và sau khi cảnh báo được gỡ bỏ thì giá vẫn không hạ nhiệt.
Theo trang web agrijob, nông dân trồng lúa thường không kiếm được nhiều tiên, thu nhập hàng năm trung bình ở mức 2,5 triệu yên (17.000 USD) đến 3 triệu yên. Nếu giá gạo cao hơn thì họ cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, một nông dân ở tỉnh Saitama cho biết sản lượng thu hoạch đã giảm một nửa do thời tiết nóng và bọ xít phát triển tràn lan, khiến nông dân cũng không thể thu lời từ việc giá gạo tăng cao.
Người tiêu dùng Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến này. Giá của một bịch gạo tiêu chuẩn 5kg đã tăng lên mức trung bình là 3.952 yên, cao hơn 95% so với 1 năm trước. Do giá cả leo thang, cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven cũng phải tăng giá cơm nắm và cơm hộp bento vào tháng trước.
Ngoài ra, một cửa hàng tạp hoá giá rẻ ở khu Tamachi của Tokyo chứng kiến các kệ hàng gần như trống không và phải đặt tấm biển giới hạn mỗi gia đình chỉ được mua 1 bịch gạo mỗi ngày.
Diễn biến này đang tác động đến tình hình lạm phát của Nhật Bản, vốn đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm 2023. Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong vòng 1 năm và giá tăng cao liên tục có thể càng khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Nhật Bản là một trường hợp “khác lạ” so với các thị trường khác. Trên thế giới, giá gạo nhìn chung đã giảm, khi chỉ số tham chiếu giá gạo ở châu Á đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022. Do Nhật Bản thường chỉ sử dụng gạo nội địa, áp thuế cao với gạo nhập khẩu và chuỗi cung ứng phức tạp, nên quốc gia này vẫn phải đối mặt với việc giá gạo tăng nóng.
Thị trường gạo của Nhật Bản được quản lý bởi một hệ thống phức tạp, trong đó nông dân bán gạo cho đại lý thu gom, sau đó bán cho bên bán buôn, những người này sẽ lại bán cho các cửa hàng và nhà hàng. Dù sản lượng thu hoạch năm ngoái tăng 180.000 tấn, nhưng tính đến cuối tháng 1 năm nay, các đại lý thu gom lớn như Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia (JA Zen-Noh) chỉ thu gom được 2,21 triệu tấn, ít hơn 230.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi nhập gạo từ nông dân, các đại lý thu mua báo cáo với chính phủ những gì họ đã mua và họ đã bán cho ai. Tập đoàn lớn nhất và dẫn đầu thị trường Nhật Bản là JA Group, nơi mua khoảng một nửa lượng gạo trên thị trường. Hàng chục nghìn đại lý khác, hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, địa phương có mối quan hệ lâu dài với nông dân và người mua.
Theo Hidemasa Ebihara, giám đốc một công ty nông nghiệp ở tỉnh Tochigi, sự cạnh tranh đã trở nên khốc liệt hơn. Các đại lý nhỏ hơn thường phải trả giá cao hơn 300 đến 500 yên so với JA cho một bao gạo thô tiêu chuẩn 60 kg.
Với tình trạng khan hiếm nguồn cung, họ đã tăng mức phí bảo hiểm mà họ cung cấp cho nông dân lên khoảng 3.000 đến 4.000 yên. Ebihara cho biết, điều này sẽ dẫn đến việc các nhà phân phối độc lập giành ưu thế trên thị trường và cho thấy nguồn cung gạo đang khan hiếm thế nào.
Để giải quyết tình trạng này, chính phủ có kế hoạch giải phóng 210.000 tấn gạo. Tuy nhiên, theo Katsuhito Fuyuki, giáo sư tại Đại học Tohoku chuyên nghiên cứu thị trường nông sản, do nhu cầu quá cao nên việc tăng nguồn cung cũng không thể giúp giá giảm.
Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp Nhật Bản công bố, nhu cầu gạo sản xuất trong các năm 2021, 2022 và 2023 đã vượt quá sản lượng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt 600.000 tấn trong 3 năm. Trong khi đó, một cuộc khảo sát thống kê mùa vụ được công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy, sản lượng năm 2024 đạt 6,79 triệu tấn. Nhu cầu dự kiến đạt 6,73 triệu tấn và nguồn cung dự kiến là đủ. Nhưng nếu mức tiêu thụ bằng với mức 7,04 triệu tấn vào năm 2023, thì nước này vẫn sẽ thiếu hụt hơn 200.000 tấn trong năm nay.
Dù có vai trò không thể thiếu trong văn hoá và các bữa ăn của người Nhật, song nghề trồng lúa đã mai một dần trong nhiều năm. Theo Bộ Nông nghiệp, độ tuổi trung bình của một người trồng lúa là khoảng 71 và số lượng nông dân đã giảm 25% từ năm 2015 đến năm 2020.
NỞ RỘ TRÀO LƯU LẬP NHÓM ĂN XIN ĐỂ XẢ STRESS Ở TRUNG QUỐC
Lập nhóm ăn xin lê la ở thành phố du lịch, nhiều người trẻ Trung Quốc nói họ làm vậy "cho vui", để xả stress hoặc vượt ra ngoài chuẩn mực chứ không phải mưu sinh.
Gần đây, nhiều nhóm thanh niên được mệnh danh là “những người ăn xin chuyên nghiệp và vui tươi” xuất hiện trên các lề đường ở Đại Lý, địa điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc,
Anh Dương, người từng đóng giả hành khất, chia sẻ với tờ Xiaoxiang Morning Herald rằng, nhóm ăn xin đặc biệt có khoảng 80 thành viên, một số người làm việc ở Đại Lý, những người khác chỉ đến đây một thời gian.
“Đây không thực sự là ăn xin theo nghĩa truyền thống mà là cách để có một khoảng thời gian vui vẻ. Những người qua đường thường cho chúng tôi thuốc lá, bia, đồ uống và đồ ăn nhẹ, và chúng tôi hiếm khi nhận tiền", Yang giải thích. Tuy nhiên, một số thành viên cũng chia sẻ mã QR tài khoản của họ để ai có hảo tâm thì ủng hộ, số tiền thường là 5, 10 hoặc 100 nhân dân tệ (mỗi tệ bằng 3.500 đồng).
Dương mô tả hình thức ăn xin này là một cách giao lưu hiện đại : “Không chỉ chúng tôi mà còn nhiều người khác cũng tham gia. Tất cả những gì bạn cần làm là rút điện thoại ra, gõ từ 'xin', đặt xuống đất và ngồi xuống”.
“Đây là một hình thức xả stress mới và có phần nổi loạn. Những người cởi mở dễ tham gia với chúng tôi hơn. Theo truyền thống thì điều này có thể bị coi là không đúng chuẩn mực, tuy nhiên chúng tôi đang muốn thoát khỏi những tiêu chuẩn thông thường. Chúng tôi không gây hại hoặc lừa dối bất kỳ ai", anh nói thêm.
Xu hướng này phản ánh văn hóa tangping - nằm dài ở Trung Quốc, trong đó những người trẻ tuổi nỗ lực giải phóng bản thân khỏi lịch trình làm việc mệt mỏi, chẳng hạn như văn hóa làm việc 996 khét tiếng (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) và tìm cách khám phá cái tôi đích thực của mình.
"Những người ăn xin chuyên nghiệp và vui tươi" này gây ra một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc với nhiều ý kiến trái chiều. Phe ủng hộ cho rằng " đây không phải ăn xin mà là nghệ thuật trình diễn".
Một người ủng hộ bày tỏ: “Mức lương 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng) chỉ đủ trang trải tiền ăn và tiền thuê nhà, và bạn vẫn phải chịu đựng một ông chủ tồi tệ. Ít nhất thì bằng cách 'ăn xin', bạn sẽ được ăn miễn phí vào ban ngày và có thể tận hưởng vào ban đêm".
Ngược lại, nhiều người cho rằng giới trẻ nên sống có phẩm giá và lòng tự trọng, với những bình luận đầy lo ngại: “Dựa vào lòng từ thiện ư? Còn phẩm giá của bạn thì sao?”.
Trào lưu ăn xin "cho vui" chứ không phải mưu sinh thực sự làm dấy lên mối lo ngại cho chính quyền địa phương về đạo đức công cộng. Ngày 4/3, Cục Bảo vệ và Quản lý thành phố cổ Đại Lý thông báo, họ đã lập một đội công tác đặc biệt để ngăn chặn hoạt động này thông qua các biện pháp can thiệp thường xuyên.
Sở Văn hóa và Du lịch Đại Lý cũng công bố kế hoạch thúc đẩy du lịch văn minh, kêu gọi khách du lịch và người dân địa phương thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp nơi công cộng.
CĂNG THẲNG LEO THANG Ở SEOUL TRƯỚC THỜI ĐIỂM LUẬN TỘI TỔNG THỐNG
.jpg)
Khi thời điểm Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc luận tội ông Yoon Suk Yeol đang đến gần, căng thẳng gia tăng nghiêm trọng ngay trước cửa Tòa án do các cuộc biểu tình rầm rộ của phe ủng hộ và phe phản đối Tổng thống.
Ngày 13/3, tại khu vực xung quanh Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ở thủ đô Seoul lại liên tiếp xảy ra nhiều cuộc biểu tình của phe ủng hộ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol. Đến tập thời điểm cuối giờ chiều nay, hơn 400 người ủng hộ Tổng thống vẫn tụ tập ngay trước cửa trụ sở của Tòa, trong khi cách đó không xa, 700 người ủng hộ khác cũng tiến hành biểu tình rầm rộ.
Những người tham gia biểu tình giơ cao biểu ngữ yêu cầu Tòa bác bỏ Nghị quyết luận tội Tổng thống, đồng thời dùng loa phóng thanh công suất lớn hô vang tên Tổng thống và phu nhân, khiến không gian trở nên vô cùng hỗn tạp. Những người ủng hộ còn tổ chức họp báo, giơ cao biểu ngữ nêu đích danh các thẩm phán, đồng thời nhấn mạnh “đừng đẩy người dân lương thiện vào một cuộc cách mạng đẫm máu”.
Trong khi đó, phe phản đối ông Yoon Suk Yeol cũng tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn. Đại diện phe này tổ chức họp báo khẩn cấp, cáo buộc quyết định trả lại tự do cho ông Yoon Suk Yeol là “một cuộc vượt ngục nhờ vào thao túng pháp luật”, đồng thời yêu cầu Tòa án Hiến pháp “thực hiện sứ mệnh của mình trong việc diệt trừ tận gốc những kẻ có chức có quyền lạm dụng quyền lực”.
Tuy chưa xảy ra bạo lực, nhưng sự la ó và những phát ngôn quá khích của 2 phe đã khiến tình hình trở nên vô cùng căng thẳng, gây lo ngại sâu sắc cho cư dân các khu vực xảy ra biểu tình.
Cảnh sát thủ đô Seoul đã phải huy động một lực lượng mạnh để duy trì trật tự, trị an. Trong khi đó, giới quan sát dự báo, trong những ngày tới, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang tại Seoul và khả năng xảy ra xung đột bạo lực giữa hai phe là rất cao.
PUTIN RƠI VÀO THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN TRƯỚC SỨC ÉP CỦA MỸ?
Hôm 28/2, Mỹ đã công kích không thương tiếc Ukraine vì không chấp nhận đình chiến. Nhưng với việc Ukraine chấp nhận một lệnh ngừng bắn 30 ngày, “quả bóng” lại lăn sang “sân Nga”. Mỹ và Ukraine đang phối hợp gây sức ép lên Nga, đẩy Tổng thống Putin vào thế khó.
Dồn dập đòn gây sức ép với Nga từ phía Mỹ
Đội ngũ của Tổng thống Mỹ Trump hôm 12/3/2025 cùng với Phó Tổng thống Vance và Ngoại trưởng Rubio đồng loạt thúc đẩy cùng một thông điệp: Nga phải bằng lòng với một thỏa thuận do Mỹ và Ukraine đàm phán hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế.
Thông điệp trên xuất hiện sau nhiều tuần dư luận không cảm thấy chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với Ukraine, khi chính quyền Tổng thống Trump ngưng viện trợ quân sự và cung cấp thông tin tình báo cho Ukaine, công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky.
Phái đoàn Mỹ và Ukraine đã được một thỏa thuận sơ bộ về hòa bình vào hôm 11/3 tại Saudi Arabia, trong đó Mỹ đồng ý nối lại viện trợ và chia sẻ tình báo với Ukraine để đổi lại việc Ukraine chấp nhận một lệnh đình chiến trong 30 ngày nhằm chấm dứt xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm. Lệnh ngừng bắn cần sự đồng thuận của Nga thì mới được phía Ukraine triển khai.
Tổng thống Mỹ Trump nhanh chóng cổ xúy cho thỏa thuận mới này và bày tỏ hy vọng Nga sẽ đồng ý với thỏa thuận. Ông Trump nói thêm rằng trong điệu tango thì cần phải có 2 người khiêu vũ.
Hôm 12/3 ông Trump đe dọa trừng phạt kinh tế để gây sức ép với Nga tham gia thỏa thuận này.
Tổng thống Trump nói với phóng viên: “Tôi có thể làm những điều trên phương diện tài chính. Tôi không muốn thế nhưng tôi muốn có được hòa bình”. Ông nhấn mạnh rằng áp lực tài chính lần này có thể “có sức tàn phá lớn đối với Nga”.
Thư ký Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với báo giới hôm 12/3 rằng Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz đã điện đàm với người đồng cấp Nga. Bà cho biết thêm, đội ngũ của Tổng thống Trump tiếp tục nhận được tương tác nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.
Bà Leavitt cũng xác nhận rằng Đặc phái viên Steve Witkoff sẽ sang Moscow để chuẩn bị cho đàm phán với Nga về khả năng ngừng bắn .
Thư ký Nhà Trắng nói: “Chúng tôi thúc giục Nga đồng ý với kế hoạch này. Đây là lúc chúng tôi tiến gần nhất đến hòa bình trong cuộc chiến này”.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio cũng nêu bật áp lực kinh tế là đòn bẩy để tạo áp lực với Nga. Ông Rubio nói với phóng viên tại Ireland vào hôm 12/3: “Mọi lệnh trừng phạt đơn lẻ được áp lên Nga vẫn còn hiệu lực. Chưa có bước đi nào để giảm nhẹ các chế tài này”.
Trước đó, hôm 11/3, tại Saudi Arabia, Ngoại trưởng Rubio đã đặt lên vai Nga trách nhiệm hoàn tất thỏa thuận đình chiến. Khi ấy, sau khi các bên Mỹ và Ukraine đạt được một thỏa thuận, ông nói rằng “quả bóng đang nằm bên phần sân” của Nga.
Bản thân Phó Tổng thống Vance, người từng nặng lời chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky vào hôm 28/2, cũng gia tăng sức ép lên Nga.
Ông Vance tuyên bố: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang ở vào vị thế rất tốt, khi người Ukraine đã đồng ý với một lệnh ngừng bắn. Chúng tôi sẽ xem xem liệu có thể làm cho người Nga đồng ý với thỏa thuận đó không”.
Trong khi đó, tính đến tháng 1/2025, Tổng thống Nga Putin vẫn nhấn mạnh ông bác bỏ ý tưởng về một lệnh ngừng bắn tạm thời tại Ukraine .
Nhưng sau một tháng Tổng thống Trump xoay ngược chính sách đối ngoại của Mỹ, còn lực lượng Nga giành được thêm nhiều bước tiến quan trọng trên chiến trường, điện Kremlin hiện có dấu hiệu xem xét đến đề xuất đình chiến trong 30 ngày do Mỹ và Ukraine đưa ra vào hôm 11/3.
Người phát ngôn của Kremlin, Dmitri Peskov nói với phóng viên vào ngày 12/3 rằng Nga đang “nghiên cứu cẩn thận” kết quả đàm phán Mỹ - Ukraine vào ngày 11/3 cũng như lời kêu gọi của họ về một lệnh ngừng bắn kéo dài một tháng.
Ông Peskov cho biết, ông dự kiến phía Mỹ thông báo cho Nga trong những ngày tới về “các chi tiết của những cuộc đàm phán đã diễn ra và những điều hai bên đạt được”. Ông nêu khả năng về một cuộc điện đàm nữa giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump. Điều này cho thấy Kremlin xem đề xuất đình chiến như một phần trong tổng thể ngoại giao rộng lớn hơn.
Kế sách đối phó của ông Putin
Sự xuất hiện một đề xuất ngừng bắn chung từ phía Mỹ và Ukraine lại gây phức tạp thêm cho các tính toán của Tổng thống Nga Putin. Cụ thể, nó làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa một bên là khát vọng của ông Putin về một chiến thắng lớn lao, sâu rộng và một bên là mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Trump.
Trong lúc ông Trump nói rằng ông muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt, ông Putin lại bắn tín hiệu rằng Nga sẽ không ngừng chiến đấu đến khi nào họ giành được những nhượng bộ lớn từ phương Tây và từ Ukraine, bao gồm cam kết Ukraine sẽ không gia nhập khối quân sự NATO và rằng khối này phải giảm hiện diện tại Trung Âu và Đông Âu.
Ngày 20/1, khi chúc mừng ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga Putin đã nói rõ rằng mục tiêu của bất cứ cuộc đàm phán nào về Ukraine cũng không thể dừng lại ở chỗ đạt một lệnh đình chiến ngắn, một sự tạm ngưng. Ông tuyên bố, Nga tìm kiếm “một nền hòa bình dài lâu dựa trên việc tôn trọng các lợi ích chính đáng của tất cả người dân, tất cả các dân tộc sống trong khu vực này”.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng việc ông Putin phản đối một lệnh đình chiến tạm thời là xuất phát từ một tính toán đơn giản của ông - quân Nga đang giành lợi thế trên chiến trường.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán Trump - Putin vào ngày 12/2 có thể đã điều chỉnh được một chút quan điểm của điện Kremlin.
Trong bối cảnh đó, Ilya Grashchenkov - nhà phân tích chính trị tại Moscow, nói rằng điện Kremlin có xu hướng sẽ chấp nhận một lệnh đình chiến “không có lợi cho họ ở cấp chiến thuật nhưng vẫn có lợi cho họ ở cấp chiến lược”. Theo ông Grashchenkov, động cơ của Nga khi làm vậy là nhằm chứng tỏ họ cũng nỗ lực kiến tạo hòa bình.
Mặc dù không dự đàm phán Mỹ - Ukraine tại Saudi Arabia, phía Nga đã được chính quyền Mỹ cập nhật thông tin. Cơ quan tình báo đối ngoại Nga hôm 12/3 cho hay, Giám đốc CIA John Ratcliffe đã trao đổi với người đồng cấp Nga Sergei Naryshkin vào ngày trước đó.
Có lẽ để thoát khỏi sức ép từ Mỹ và Ukraine, Tổng thống Nga Putin trong trang phục quân sự đã đích thân có mặt tại Kursk (thuộc Nga) hôm 12/3 để động viên binh sĩ Nga tại đây mau chóng đánh bật hoàn toàn quân Ukraine ra khỏi khu vực này.
Hiện Nga đã giành lại phần lớn lãnh thổ mà quân đội Ukraine chiếm được sau cuộc đột kích vào tỉnh Kursk của Nga. Nếu Nga giành lại toàn bộ lãnh thổ Kursk, Tổng thống Putin sẽ không còn đứng trước nguy cơ chịu sức ép từ nội bộ Nga trong tình huống ông chấp nhận lệnh ngừng bắn do Ukraine và Mỹ đề xuất trong lúc quân Ukraine vẫn kiểm soát một bộ phận lãnh thổ của Nga.
CỰU TỔNG THỐNG PHILIPPINES DUTERTE BỊ GIAM Ở HÀ LAN SAU KHI BỊ ICC BẮT GIỮ
.jpg)
Chiếc máy bay chở cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 12/3 đã đáp xuống Hà Lan, nơi ông sẽ phải đối mặt với các cáo buộc về tội ác chống lại loài người tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì "cuộc chiến chống ma túy" đẫm máu của mình.
Ông Duterte đã bị bắt tại sân bay Manila hôm 11/3, và chỉ vài giờ sau đã lên một chiếc máy bay được thuê để đưa ông đến The Hague, trụ sở của ICC.
Cựu tổng thống 79 tuổi này có thể trở thành cựu nguyên thủ quốc gia châu Á đầu tiên bị đưa ra xét xử tại ICC.
Ông Duterte, người đã phản đối việc dẫn độ, đã lãnh đạo Philippines từ năm 2016 đến năm 2022 và chỉ đạo một "cuộc chiến chống ma túy" bạo lực khiến hàng ngàn người buôn bán ma túy nhỏ lẻ, người sử dụng và những người khác bị giết mà không cần xét xử.
Chiếc Gulfstream G550 đã hạ cánh tại Dubai để dừng chân vào sáng 12/3 và việc khởi hành đã bị hoãn vài giờ trong khi ông Duterte được kiểm tra y tế, hãng thông tấn Reuters đưa tin.
Sau khi máy bay hạ cánh tại Rotterdam, ICC xác nhận rằng ông Duterte đã bị giam giữ để đối mặt với các cáo buộc "giết người như một tội ác chống lại nhân loại".
"Một phiên điều trần sẽ được lên lịch vào thời điểm thích hợp để ông Duterte ra hầu tòa lần đầu tiên".
Trong khi đó, những người ủng hộ vị cựu lãnh đạo này đã tụ tập bên ngoài Nhà tù The Hague để phản đối vụ bắt giữ ông. Nhiều người trong số họ vẫy cờ Philippines, trong khi những người khác bắt chước động tác giơ nắm đấm đặc trưng của ông Duterte.
"Chúng tôi ủng hộ Duterte", một biểu ngữ do những người ủng hộ giơ cao viết.
Đối thủ chính trị chính của ông Duterte, Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr., đã đóng vai trò quan trọng trong việc giao nộp ông. Vài phút sau khi ông Duterte rời khỏi không phận Philippines, ông Marcos đã có bài phát biểu trên truyền hình nói rằng Manila đang thực hiện nghĩa vụ pháp lý của họ.
"Đây là điều mà cộng đồng quốc tế mong đợi ở chúng ta", ông Marcos nói.
Hai gia đình Duterte và Marcos là những gia tộc chính trị quyền lực nhất ở Philippines. Họ đã hợp tác để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia gần đây nhất vào năm 2022, nhưng đã bất hòa trong những tháng gần đây khi theo đuổi các chương trình nghị sự riêng biệt.
Việc ông Duterte bị đưa đến ICC là diễn biến mới nhất trong một cuộc đấu đá chính trị diễn biến ngoạn mục trong mắt công chúng.
Hai gia tộc này đã hình thành một liên minh đáng gờm trong cuộc bầu cử năm 2022. Trái với mong muốn của ông Duterte, con gái ông là bà Sara đã ra tranh cử với tư cách là phó Tổng thống của ông Marcos Jr. thay vì tranh cử vị trí của cha mình.
Ban đầu, Tổng thống Marcos từ chối hợp tác với cuộc điều tra của ICC, nhưng khi mối quan hệ với gia đình Duterte xấu đi, ông đã thay đổi lập trường.
Phó Tổng thống Sara Duterte cho biết vụ bắt giữ cha bà là "bắt cóc", tuyên bố rằng hành động này vi phạm chủ quyền của Philippines. Bà đã rời Manila đến Hà Lan hôm 12/3, theo thông báo từ văn phòng phó tổng thống.
Một 'biệt đội tử thần' thợ săn tiền thưởng
Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte trước đây đã khẳng định rằng ICC không có thẩm quyền đối với Philippines, vì ông đã ra chỉ thị rút Manila khỏi ICC vào năm 2019, ba năm sau khi tòa này ghi nhận số người chết ngày càng tăng trong cuộc chiến chống ma túy của ông.
Nhưng theo Quy chế Rome là cơ sở của ICC, tòa án này vẫn duy trì thẩm quyền đối với các tội ác bị cáo buộc xảy ra trước khi một quốc gia rút khỏi tòa án.
Cuộc điều tra của ICC bao gồm giai đoạn 2011-2019, gồm cả thời gian ông Duterte làm thị trưởng Davao, một thành phố rộng lớn ở phía nam đất nước, nơi gia đình ông đã nắm giữ quyền lực trong nhiều thập niên.
Các khiếu nại về ông Duterte được đệ trình lên ICC cáo buộc rằng ông đã duy trì một "biệt đội tử thần" gồm những thợ săn tiền thưởng để truy đuổi những nghi phạm ma túy ở Davao, và sau đó đã nhân rộng mô hình này trên quy mô toàn quốc khi ông được bầu làm tổng thống.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gọi vụ bắt giữ ông Duterte là "bước quan trọng để giải trình trách nhiệm ở Philippines".
Cựu Tổng thống Duterte đã xây dựng danh tiếng cho Davao như một trong những thành phố an toàn nhất của Philippines và xây dựng hình ảnh một người đàn ông cứng rắn, chống lại hệ thống, và là một người của quần chúng, để giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Các cuộc thăm dò cho thấy ông là tổng thống Philippines được yêu thích nhất kể từ khi nước này khôi phục nền dân chủ vào năm 1986.
Những người ủng hộ ông đã đe dọa sẽ tổ chức các cuộc biểu tình lớn để phản đối vụ bắt giữ ông. Họ đã yêu cầu Tòa án Tối cao ban hành lệnh cấm đối với lệnh bắt giữ của ICC - nhưng tòa án đã không hành động trước khi cựu tổng thống được đưa ra nước ngoài hôm 11/3.
Trên mạng xã hội, gia đình Duterte vẫn có lượng người theo dõi đông đảo, có nhiều phản ứng khá trái chiều.
Nhiều người ca ngợi ICC vì đã thực thi công lý cho những người đã chết trong cuộc chiến chống ma túy, trong khi những người khác bảo vệ di sản của ông Duterte, với một số người kêu gọi các cuộc biểu tình rộng rãi.
"Công lý đã được thực thi", một bình luận được nhiều lượt thích nhất trên TikTok viết.
"Philippines đã an toàn trong thời gian Duterte nắm quyền", một người dùng TikTok khác viết, cho biết cựu lãnh đạo này đã xây dựng cầu, đường và các cơ sở hạ tầng khác. "Ông ấy là vị tổng thống tuyệt vời nhất."
Nguồn: Kenh14; CafeF; VOV; Soha; BBC
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá