Nhà triết gia đại thụ Đức Immanuel Kant với NGÀY LỄ CỦA MẸ  MUTTERTAG 

 

 

Triết gia Immanuel Kant - Cây đại thụ ngành triết học thời cận đại Đức 

Nhân ngày "Lễ của Mẹ - Muttertag", xin giới thiệu bài thơ Sa Huỳnh phóng tác và dịch từ bức thư nói về mẹ của triết gia người Đức Immanuell Kant, gửi cho một người bạn.

Triết gia Immanuel Kant là cây đại thụ trong ngành triết học thời cận đại của nước Đức. Ông sinh ngày 22.04.1724 và mất ngày 12.02.1804 tại Königsberg.

Ngoài tên tuổi là một triết gia quan trọng và danh tiếng, từ năm 1755 ông còn là một giáo sư dạy nhiều môn học như luân lý, triết học, đạo đức, thần học, toán, vật lý, địa lý...

Triết gia Kant, những tư tưởng vĩ đại của ông về con người, về lí tính và qui luật tự nhiên của vũ trụ đã tạo nguồn cơn cho những tranh cãi kịch liệt trong giới trí thức, giữa giới khoa học và thần học, từ những năm thế kỷ thứ 18 cho mãi đến bây giờ, và đồng thời tạo ra những nền tảng cho khoa triết học hiện đại ngày nay.

Theo ông, con người nhận biết được sự vật chung quanh, đầu tiên được thể hiện cụ thể thông qua cảm tính, và chỉ được hoàn tất sau khi có sự tham gia của lí tính.

Trong khi cảm tính là những gì hiện hữu nhờ các giác quan, dễ dàng nhận biết được qua không gian và thời gian, thì lí tính là phần nằm sâu trong trí não, không thể nhìn thấy được, mà chỉ có con người mới có. Chính thế mà ông cho rằng, những gì không biết được bằng cảm tính và lí tính thì không có thật, điều này đã gây ra tranh cãi giữa ông và những nhà thần học tin Chúa, sách của ông một thời bị cấm giảng dạy và lưu hành, cho đến khi ông cho ra đời cuốn sách về lí tính trong đời sống, thực tế mới thôi.

Triết học của ông xoay quanh các câu hỏi, như ”Tôi có thể biết gì?“, “Tôi nên làm gì?“ và “Tôi được phép hy vọng gì?“, để cuối cùng đi tìm câu trả lời cho “Con người là gì? – Was ist der Mensch?“.

Triết gia Kant cũng có những tưởng sâu thẳm và bất ngờ, chưa kể là rất mâu thuẫn với nhau. Một mặt ông rất căm ghét chiến tranh, cho rằng chiến tranh là những gì rất tệ hại, dã man. Chiến tranh nhằm tiêu diệt kẻ ác, nhưng theo ông, chính chiến tranh lại là nguyên nhân tạo thêm ra nhiều kẻ ác mới. Và ông cũng nghĩ rằng, chiến tranh là một thời kỳ tiến hóa tự nhiên của xã hội con người, khi nó đi vào giai đoạn phát triển mới. Từ đó ông nhận định rằng, chiến tranh là không tránh được, mà chừng mực nào nó cũng giúp cho xã hội tiến hóa.

Triết học Kant tạo nền tảng tư duy hiện đại về cuộc sống con người, những kết quả ngày nay chúng ta có được, như hình thành Liên Hiệp Quốc sau chiến tranh, hay thành lập Khối Liên minh Âu Châu, hay các khối làm việc chung khác, bắt nguồn từ những tư tưởng của ông.

Nhờ mẹMột triết gia vĩ đại như ông, luôn cho rằng, chính ông đã nhờ mẹ, chứ không ai khác, mà có được những tư duy siêu phàm.

Bài viết về mẹ

“Ich werde meine Mutter nie vergessen,

denn sie pflanzte und nährte den ersten Keim des Guten in mir,

sie öffnete mein Herz den Eindrücken der Natur;

sie weckte und erweiterte meine Begriffe,

und ihre Lehren haben 

einen immerwährenden heilsamen Einfluss auf mein Leben gehabt”.

“Tôi không bao giờ quên mẹ tôi

Bởi chính mẹ đã tạo dựng và nuôi dưỡng mầm sống tốt đầu tiên trong tôi,

Mẹ đã mở trái tim tôi hướng đến nét đẹp của thiên nhiên; 

Mẹ đã khơi dậy và làm phong phú thêm những hiểu biết của tôi

và những lời khuyên bảo của mẹ luôn tác động tốt đẹp đến cuộc sống của tôi“.

Chuyển thể sang thơ Việt, nhân ngày của Mẹ - Muttertag

Làm sao quên được Mẹ ơi

Mẹ là người đã tạo đời cho con

Lòng con mở với nước non

Bao lời mẹ dạy mãi còn bên tai

Công lao dưỡng dục sớm mai

Giúp con vững bước tương lai vào đời

 

Tác giả Sa Huỳnh (Berlin, ngày 12.05.2024)

 

 

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang