Nhà hàng Việt ở Mỹ vạ lây; Lao động Việt ở tâm dịch Hàn; Người Việt đi chuà ở Pháp

Dịch Covid-19: Nhà hàng Việt ở Mỹ bị vạ lây

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Một nhà hàng lẩu của người Hoa ở hạt Fairfax, bang Virginia, trong thời gian diễn ra dịch bệnh ở Trung Quốc).

Dù cách Trung Quốc hàng ngàn cây số nhưng các nhà hàng Việt tại Mỹ cũng bị tác động bởi dịch Covid-19 với lượng khách hàng sụt giảm trong bối cảnh tâm lý tránh né các nhà hàng châu Á đang trỗi dậy trong một bộ phận người dân Mỹ.

Dịch viêm phổi cấp Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra được cho là phát xuất từ thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, trước khi lan rộng ra khắp Trung Quốc khiến cho hàng chục ngàn người nhiễm bệnh và hơn 2.000 người thiệt mạng cho đến nay. Dịch bệnh cũng đã lan đến gần 30 quốc gia trên thế giới.

Né phố Tàu? Ông Cai Hữu Sáu, chủ nhà hàng Phở Pasteur ở Boston, bang Massachussett, nói với VOA rằng doanh số ở nhà hàng ông đã ‘giảm 20%’ trong tuần đầu tiên từ lúc bắt đầu dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông cho biết các nhà hàng của người Hoa xung quanh chỗ ông còn ‘bị ảnh hưởng nặng nề hơn’. Nhà hàng Phở Pasteur của ông Sáu tọa lạc trong khu Phố Tàu của Boston.

Trong khi đó, tại một nhà hàng phở khác cũng của ông Sáu ở Quincy, cách Boston khoảng 10 dặm, tình hình kinh doanh ‘vẫn bình thường’, cũng theo lời ông Sáu.

Nguyên nhân khiến nhà hàng ở Phố Tàu của ông bị mất khách, ông lý giải, là do ‘thời tiết mùa đông lạnh lẽo’ và ‘dịch bệnh’.

Ông nói nhà hàng ông bây giờ không còn khách vãng lai ghé đến nữa mà chủ yếu là khách hàng quen tại chỗ.

Khi được hỏi có hay không tình trạng người da trắng kỳ thị người châu Á và né tránh nhà hàng châu Á vì dịch bệnh ở Trung Quốc, ông Sáu nói rằng ‘ông không nghe nói đến’ nhưng ông nhận thấy số khách người da trắng đến nhà hàng của ông ‘giảm nhiều’.

Ông cho biết từ khi dịch bệnh xảy ra, ở Boston ‘có rất ít du khách từ Trung Quốc đại lục qua’ nên ‘ông không lo lắng vì về việc lây lan dịch bệnh đến Boston’.

Tuy nhiên, ông nói ông lo ngại cho tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vì ‘chính quyền cộng sản trong nước mở cửa cho thông thương với Trung Quốc nên có nguy cơ nhiều’, theo lời ông.

‘Sợ đám đông’: Một ông chủ người Việt khác cũng chứng kiến sự sụt giảm khách hàng giữa mùa dịch Covid-19 là ông Vinh Trần, chủ tiệm bánh Kim Phụng tại Eden, khu thương mại lớn nhất của người Việt ở ngoại ô thủ đô Washington.

“Lượng khách hàng đến tiệm giảm đi thấy rõ,” ông Vinh nói với VOA, “Rất nhiều người không dám tới đám đông vì sợ đông người tụ tập sẽ bị truyền nhiễm.”

Ông cho biết bắt đầu từ đầu tháng 2 thì lượng khách hàng của ông đã giảm mạnh ‘đến 30-40%’.

“Bây giờ chỉ vào cuối tuần mới có khách chứ ngày thường rất ít khách đến mua,” ông nói thêm và cho biết ông ‘cố gắng cầm cự cho đến khi hết dịch bệnh chứ không sa thải nhân viên’.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sự lo ngại dịch bệnh như thế là ‘quá mức’ vì dịch bệnh ở Mỹ không đến mức nghiêm trọng như vậy (đến nay Mỹ chỉ xác nhận 15 ca nhiễm) và khi nào tình hình trở nên nghiêm trọng thì chính phủ Mỹ ‘sẽ cảnh báo để người dân đề phòng’.

Khi được hỏi về các biện pháp phòng tránh dịch, ông cho biết vì kinh doanh các mặt hàng ăn uống nên các nhân viên của ông ‘phải rửa tay thường xuyên’ nhưng ‘chưa đến nỗi phải đeo khẩu trang’.

‘Khách du lịch giảm’: Còn tại thành phố du lịch Orlando ở tiểu bang Florida, vốn đón hàng chục triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm, ông Nguyễn Thanh Thụy, chủ một chuỗi cửa hàng Việt Nam tại đây, nói rằng lượng du khách đến Orlando trong thời gian dịch bệnh ‘đã giảm 10-20%’.

Lý do, theo ông, là do ‘tâm lý sợ đám đông’. Ông dẫn chứng là nhiều bạn bè của ông đã hủy chuyến bay hay vé du thuyền đến Orlando.

Theo lời ông thì lúc bình thường khách du lịch từ Trung Quốc đến Orlando rất đông nhưng ‘bây giờ ít đi’ và trên đường phố Orlando đã ‘thấy xuất hiện nhiều người đeo khẩu trang hơn trước’.

“Đường sá vắng vẻ, xe cộ chạy ngoài đường giảm đi thấy rõ,” ông nói và cho biết lượng khách da trắng đến nhà hàng của ông giờ ‘chỉ lai rai’.

Tuy nhiên, do chuỗi nhà hàng của ông ‘có tên tuổi’ nên ‘vẫn còn giữ được lượng khách hàng ở địa phương’, ông nói.

Khi được hỏi về nỗi sợ dịch bệnh Covid-19, ông Thụy nói ông ‘tin vào khả năng của chính quyền Mỹ bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân’.

‘Phố Tàu-phố ma’: Còn tại Houston, bang Texas, tờ Houston Chronicle mô tả Phố Tàu ở đây đã trở thành ‘Phố Ma’ (Chinatown a ghost town) mặc dù chưa có ca nhiễm virus corona được xác nhận ở thành phố lớn nhất tiểu bang này.

Tờ báo này dẫn lời ông Bin Yu, chủ tịch Phòng Thương mại châu Á ở Houston, cho biết việc kinh doanh của các nhà hàng và siêu thị của người Hoa ở Phố Tàu Houston đã giảm đến 80%. Cá biệt, siêu thị Jusgo ở đây đã thiệt hại mỗi ngày từ 20.000 đến 30.000 đô la sau khi xuất hiện tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội rằng chính quyền Houston đã đóng cửa siêu thị này do lo ngại virus corona, tờ báo này cho biết. Chủ siêu thị đã thuê luật sư để kiện những người tung tin đồn ra tòa.

Hãng giao đồ ăn UUeat vốn giao hàng cho 60 nhà hàng châu Á ở Phố Tàu Houston cho biết họ đã mất đến 50% đơn hàng. Hãng này đã phải bỏ phí giao hàng (3-5 đô la) để kích cầu thị trường, cũng theo Houston Chronicle.

“Giống như là không có ai đi ra ngoài đường vậy và mọi người thậm chí còn không gọi đồ ăn qua mạng,” ông Charles Chen, giám đốc điều hành của UUeat, được dẫn lời nói. “Mọi người như biến mất’.

So với cùng thời điểm này năm ngoái, Mala Sichuan Bistro, một nhà hàng ẩm thực Tứ Xuyên rất đông khách ở Phố Tàu, chỉ có chưa đầy 200 khách hàng vào ngày thứ 7 trong khi năm ngoái họ có tới 500 thực khách, tờ báo này dẫn lời bà Cori Xiong, chủ nhà hàng, cho biết.

Hơn 1.000 lao động Việt Nam đang ở tâm dịch Covid-19 của Hàn Quốc

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Đường phố Daegu vắng bóng người. Đồng Thị Hồng).

Đi khám Covid-19, lao động bất hợp pháp không bị truy cứu: Trước thông tin về số ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc tăng đột biến trong những ngày gần đây, trao đổi với Thanh Niên chiều 22.2, ông Phạm Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết Cục này đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình lao động tại đây, đặc biệt là lao động tại TP.Daegu – nơi bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc.

Theo báo cáo nhanh của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có hơn 4.000 lao động Việt Nam ở 2 vùng dịch lớn là TP.Daegu và tỉnh Gyeongbuk. Trong đó, Daegu có hơn 1.000 lao động, Gyeongbuk có 3.007 lao động.

Tính đến thời điểm này, chưa có lao động Việt Nam nào ở Hàn Quốc bị nhiễm virus Covid-19. Để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và doanh nghiệp phái cử theo dõi tình hình dịch bệnh liên quan đến lao động Việt Nam.

Ngoài ra, EPS và đại diện doanh cũng đang triển khai cung cấp thông tin phòng dịch cho người lao động. Hệ thống các tư vấn viên người Việt tại các trung tâm hỗ trợ lao động cũng thường xuyên cập nhật thông tin cho người lao động Việt Nam, đồng thời khuyến cáo người lao động không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch; tuân thủ các hướng dẫn về phòng tránh dịch bệnh của cơ quan chức năng Hàn Quốc.

Để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết, người lao động có thể liên lạc với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo số điện thoại: 010-3248-6886; 010-4356-2505 hoặc số điện thoại của EPS: 010-9892-1712

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho hay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) có thông báo chính thức: công dân nước ngoài đang cư trú trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch Covid-19 khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất. Hàn Quốc cũng khuyến khích người này đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị nếu tiếp xúc với người nhiễm virus Covid-19 hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm.

Lao động Việt Nam vẫn làm việc bình thường: Liên tục lên mạng cập nhật thông tin dịch bệnh, chuẩn bị lương thực phẩm và hạn chế ra ngoài đường… là những việc ưu tiên hàng ngày của lao động Việt Nam tại Daegu – nơi được xem là tâm dịch Covid-19 của Hàn Quốc.

Sáng nay 22.2, như thường lệ, việc đầu tiên sau khi ngủ dậy chị Phạm Thị Minh Huệ, quê Hải Phòng, đang làm việc tại Daegu là dùng điện thoại cập nhật thông tin dịch bệnh Covid-19. “Mấy hôm nay số ca nhiễm bệnh tăng lên khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ. Thực phẩm online thì nghẽn mạng không mua được, khẩu trang cũng hết hàng. Ngoài đường vắng tanh vắng ngắt. Thậm chí, nhiều bạn bè tôi còn nhắn tin tính chuyện về Việt Nam. Hôm nay tình hình có vẻ đỡ hơn, hàng hóa đã bán trở lại. Hy vọng Chính phủ Hàn Quốc sẽ có các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh”, Huệ bày tỏ.

Anh Nguyễn Danh Trường, quê Hà Nội, đang làm việc tại một công ty cơ khí, chia sẻ: “Mình sống ở đây 8 năm, dịch bệnh mấy ngày qua bùng phát khiến sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên anh chị em công nhân ban ngày vẫn đi làm bình thường. Các công ty lớn đều trang bị máy đo thân nhiệt, yêu cầu mọi người tuyệt đối tuân thủ đeo khẩu trang. Mình không chủ quan nhưng tình hình chưa đến mức phải quá lo lắng. Bọn mình luôn xác định phải tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng trước khi nhờ đến người khác”.

Theo anh Trường, trước đây, vào dịp cuối tuần, các lao động Việt Nam hay tranh thủ gặp gỡ, tụ tập ăn uống, giờ thì mọi người đi làm rồi về nhà, hầu như không ra đường. Các phố đi bộ, khu vui chơi đều vắng vẻ. “Khẩu trang và nước rửa tay bây giờ đều khan hiếm. Người Hàn cũng bắt đầu tích trữ mặt hàng này nên mình đi mấy cửa hàng gần nhà đều không có, muốn mua phải đi 5 - 7 km và mỗi người chỉ được mua số lượng hạn chế”, anh Trường nói.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, quê ở Yên Bái cho biết: “Mẹ mình ở quê lo lắng ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm, còn bảo nếu căng quá thì về nước. Nếu về bây giờ còn ảnh hưởng nhiều hơn đến mọi người ở nhà. Hơn bên này, công ty vẫn đi làm bình thường, kiểm soát dịch bệnh tại nhà máy cũng rất tốt.

Là một trong những thành viên tích cực chia sẻ thông tin trên Facebook về dịch bệnh Covid-19 cho cộng đồng người lao động Việt Nam tại Daegu, chị Đồng Thị Hồng, thông dịch viên đang làm việc tại một bệnh viện, cho hay: “Rất nhiều bạn lo lắng nhắn tin hỏi tôi về tình dịch bệnh. Hiện nay Daegu chưa có lệnh phong tỏa thành phố, mình cố gắng chia sẻ thông tin hữu ích, nhanh nhất về dịch bệnh để mọi người không hoang mang. Nếu ai đã đi qua những nơi này thì nên chú ý phòng tránh, có triệu chứng cần liên lạc với số đường dây nóng. Quan trọng nhất là cách phòng bệnh và không nên quá hoảng sợ. Tuy nhiên, các bạn người Việt Nam ở các khu vực khác cũng nên cẩn thận, đừng chủ quan”.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện có khoảng gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Chỉ tính riêng năm 2019, số lượng người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc hơn 7.000 người. Trong số đó, có khoảng 12.009 người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Chốn bình yên

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Người Việt đến lễ chùa Quan Âm).

Chị Thúy Hằng sống tại ngoại ô Paris 13 năm nay, vào các dịp lễ tết hay ngày rằm đều đi chùa cùng gia đình. Thông thường, chị hay đi chùa ở gần nhà là chùa Quan Âm ở Champigny sur Marne.

Còn vào những dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, Trung thu, Phật đản, chị Hằng cùng người thân đi một số chùa khác xa nhà hơn. “Vào những dịp như tết cổ truyền, tôi cùng gia đình đi lễ chùa vào trước nửa đêm để hái lộc. Đây là một phong tục rất hay, giúp tạo được không khí thân thuộc của tết quê nhà, bởi bên này họ chỉ tổ chức Noel và tết Tây thôi”, chị Hằng chia sẻ.

Chị Đinh Thị Hồng Thêu, một nghiên cứu sinh tại Pháp, cũng thường đến chùa khi có thời gian. 3 năm qua ở Pháp, chị Thêu đi khá nhiều chùa. Theo chị, các chùa ở Paris mà chị đã đi không được rộng như ở Việt Nam nhưng rất đẹp, yên bình. Chị nhận được nhiều sự chia sẻ từ sư thầy, sư cô.

“Ở Paris, chùa mà tôi hay đi nhất là chùa Hoa Nghiêm ở Villeneuve Le Roi. Trước đây, tôi hay đi vào cuối tuần, nhưng sau này công việc bận rộn, lại có con nhỏ, nên đi ít hơn. Chùa có 2 sư cô khá lớn tuổi nên khi đến chùa, tôi thường giúp đỡ các sư cô những việc công quả như dọn dẹp, nấu nướng hoặc làm lễ”, chị Thêu kể.

Chùa không chỉ là nơi vãn cảnh hay cầu nguyện riêng tư, mỗi khi đến dịp rằm hay lễ tết, các chùa làm những món ăn chay để bán cho người đi lễ chùa. Số tiền thu được sẽ giúp các chùa có thêm kinh phí tu bổ hoặc làm các chương trình từ thiện. Đây là việc làm nhân văn mà chị Hằng rất thích và cũng là động lực khiến chị năng tới chùa hơn.

Chùa Hoa Nghiêm, Quan Âm… đã trở thành những cái tên thân quen với người Việt ở Paris và vùng phụ cận. Nhưng không chỉ những người con xa quê mới đến lễ chùa, cả người Pháp, nhất là những người lập gia đình với người Việt, có tình cảm sâu nặng với Việt Nam, cũng rất thích chùa Việt.

Anh Benjamin Couéraud, sống ở ngoại ô Paris, là một người như vậy. Nói tiếng Việt khá tốt, anh cho biết anh thường đi chùa vào những dịp lễ như Tết Nguyên đán, Trung thu, Phật đản và Vu Lan. Khi còn ở Việt Nam, anh đã có cơ hội đến một số chùa ở tỉnh Hưng Yên và chùa Ốc (Từ Vân) ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ở Pháp, anh Couéraud thường đi chùa Hoa Nghiêm. Khi đến chùa, anh cảm thấy như ở Việt Nam và rất vui khi được gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều người Việt.

“Tôi thích lên chùa và suy ngẫm. Thỉnh thoảng lại gặp được người giải thích thêm về Phật giáo, rất thú vị. Thêm nữa, tôi rất thích hương thơm của những cây nhang cắm trong chùa. Tất cả cảnh vật, bầu không khí ở chùa cho tôi một cảm giác thực sự yên bình”, anh bộc bạch.

Bình yên là cảm nhận của rất nhiều người khi đi chùa tại Pháp. Đối với họ, đến chùa không chỉ là khấn cầu mà còn để tìm được sự bình an, thanh thản sau những khoảng thời gian vất vả, căng thẳng của cuộc sống thường nhật. Và quan trọng hơn cả, được gặp gỡ đồng hương, nghe những thanh âm thân thuộc của tiếng mẹ đẻ giúp những người con tha hương nơi đất khách cảm thấy ấm áp, xoa dịu cảm giác trống trải cô đơn, nhớ nhung nơi quê nhà.

(Nguồn: VOA, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang