Nguyên liệu mắc kẹt ở Phi; Nơi mới nổi với siêu giàu; Nga mừng Ngày chiến thắng; Bakhmut bị hủy hoàn toàn; Bạo loạn ở Pakistan

Một nguyên liệu quan trọng mắc kẹt ở châu Phi: Giá cả leo thang từng ngày, các "ông lớn" không thể tồn tại nếu thiếu

(Ảnh minh họa).

Xung đột ở Sudan đã khiến các nhà sản xuất hàng tiêu dùng quốc tế chạy đua để tăng nguồn cung của gum arabic.

Xung đột ở Sudan đã khiến các nhà sản xuất hàng tiêu dùng quốc tế chạy đua để tăng nguồn cung của gum arabic. Đây là nguyên liệu được tìm thấy nhiều nhất ở quốc gia này và là thành phần chính trong mọi thứ từ đồ uống có ga đến kẹo và mỹ phẩm.

Nguồn cung gum arabic bị ảnh hưởng

Khoảng 70% nguồn cung gum arabic trên thế giới đến từ cây keo ở vùng Sahel chạy qua quốc gia lớn thứ ba châu Phi, Sudan - nơi đang bị chia cắt chiến sự. Đây là thành phần có rất ít sản phẩm thay thế.

Cảnh giác với tình trạng mất an ninh dai dẳng của Sudan, các công ty phụ thuộc vào loại nguyên liệu này như Coca Cola và PepsiCo đã dự trữ nguồn cung cấp từ trước đó. Một số nguồn có thể duy trì từ 3 đến 6 tháng để tránh tình trạng thiếu hụt, các nguồn tin nói với Reuters.

Tuy nhiên, nếu như các cuộc xung đột trước đây ở Sudan có xu hướng tập trung vào các khu vực xa xôi như Darfur thì lần này thủ đô Khartoum của nước này hiện đang gặp khó khăn khi giao tranh nổ ra hôm 15/4.

Richard Finnegan, giám đốc thu mua tại Kerry Group (KYGa.I), nhà cung cấp gum arabic cho phần lớn các khách hàng là các công ty thực phẩm và đồ uống lớn cho biết: “Tùy thuộc vào thời gian xung đột tiếp diễn, có thể có sự phân nhánh đối với hàng hóa thành phẩm."

Ông Finnegan ước tính rằng các kho dự trữ hiện tại sẽ cạn kiệt sau 5 đến 6 tháng. Quan điểm này được ủng hộ bởi Martijn Bergkamp, một đối tác tại nhà cung cấp FOGA Gum của Hà Lan. Martijn Bergkamp thậm chí còn ước tính rằng nguồn cung sẽ chỉ duy trì được hoạt động trong khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Sản xuất gum arabic trên toàn cầu là khoảng 120.000 tấn một năm, trị giá 1,1 tỷ đô la, theo ước tính được trích dẫn bởi Kerry Group. Phần lớn nguyên liệu này được tìm thấy trong ở vùng "vành đai gum" trải dài 500 dặm từ Đông sang Tây Châu Phi.

Mohamad Alnoor, người điều hành Gum Arabic USA - nơi phụ trách bán sản phẩm này tới tay người tiêu dùng dưới dạng thực phẩm chức năng cho biết, ngay bây giờ, không thể tìm thêm nguồn gum arabic từ các vùng nông thôn của Sudan do tình hình liên quan đến vấn đề vận chuyển.

Giá leo thang nhưng không thể tồn tại mà không có gum arabic

Tập đoàn Kerry và một số nhà cung cấp khác đã thừa nhận việc khó khăn trong vấn đề liên lạc với các đầu mối.

Jinesh Doshi, giám đốc điều hành của Vijay Bros, một nhà nhập khẩu có trụ sở tại Mumbai, cho biết: “Các nhà cung cấp của chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhu yếu phẩm do xung đột. Cả người mua và người bán đều không biết khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường."

Alwaleed Ali, người sở hữu AGP Innovations Co Ltd, một doanh nghiệp xuất khẩu gum arabic cho biết khách hàng của ông đang tìm kiếm các quốc gia thay thế.

PepsiCo từ chối bình luận về các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng hàng hóa. Coca-Cola cũng không trả lời bình luận.

Dani Haddad, giám đốc tiếp thị và phát triển của Agrigum, một nhà cung cấp nguyên liệu này hàng đầu thế giới, cho biết: "Đối với các công ty như Pepsi và Coke, họ không thể tồn tại nếu không có gum arabic."

Mặc dù các nhà sản xuất mỹ phẩm và in ấn có thể sử dụng chất thay thế, nhưng không có chất thay thế nào cho nguyên liệu này trong các đồ uống có ga.

Ông Haddad cũng cho hay, một số nhà cung cấp địa phương đã báo giá cao hơn 50% so với trước xung đột và giá cả dao động từng ngày: "Chúng tôi nhận được báo giá vào thứ 6 và đến thứ 2, nó đã thay đổi."

Tầm quan trọng của gum arabic

Một dấu hiệu khách cho thấy tầm quan trọng của nguyên liệu này đối với ngành hàng tiêu dùng là gum arabic đã được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Sudan kể từ những năm 1990 bởi đây là mặt hàng quan trọng và bởi họ sợ việc cho nguyên liệu vào danh sách cấm sẽ tạo ra thị trường chợ đen.

Những người du mục Sudan khai thác gum arabic từ cây keo, sau đó tinh chế, đóng gói và vận chuyển đi khắp cả nước. Nó tạo ra sinh kế cho hàng nghìn người.

Fawaz Abbaro, tổng giám đốc của Công ty Savannah Life ở Khartoum, cho biết ông đã có đơn đặt hàng và có kế hoạch xuất khẩu 60 đến 70 tấn gum arabic nhưng không chắc có thể thực hiện được do xung đột.

"Ngay cả việc mua đồ ăn thức uống cũng không ổn định nên việc kinh doanh cũng sẽ như vậy. Tất cả giao dịch sẽ bị tắc nghẽn trong thời điểm hiện tại," ông Abbaro nói.

(Nguồn: CafeF)

Quốc gia mới nổi với giới siêu giàu toàn cầu

Giới siêu giàu trên toàn cầu đang đổ xô tới Italy nhằm trải nghiệm lối sống và ưu đãi về thuế. Xu hướng đó đã thúc đẩy thị trường bất động sản và thương hiệu xa xỉ tại nước này.

Các căn phòng rộng lớn của Palazzo Raggi - công trình kiến trúc từ thế kỷ XVIII cách Spanish Steps ở Rome không xa - từng là nơi sinh sống của gia đình quý tộc, các hồng y và nhiều nhân vật lịch sử khác xuất thân từ tầng lớp quý tộc Italy.

Hiện tại, tòa nhà 6 tầng bỏ hoang nhiều năm đang được tu bổ và chuẩn bị chào đón tầng lớp dân cư mới: Những tỷ phú nước ngoài quay lưng với Thụy Sĩ, Dubai hay quần đảo Cayman và chuyển đến Italy để trải nghiệm lối sống dolce vita (sống hết mình với hiện tại, cuộc sống lạc quan, vui vẻ, hoặc xa xỉ) và tận hưởng lợi ích tài chính từ hệ thống thuế.

Năm 2017, Italy triển khai chương trình kích cầu áp dụng cho giới siêu giàu mọi quốc tịch. Để đổi lấy việc trả phí hàng năm 100.000 euro, người cư trú tại quốc gia này được miễn hoàn toàn nộp thuế thu nhập phát sinh từ nước ngoài. Ý tưởng này cũng mở rộng cho các thành viên trong gia đình, với khoản phí 25.000 euro/người.

Biện pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu lớn ở Italy đã thu hút 98 người trong năm đầu tiên, sau đó tăng lên 549 người vào năm 2020 và 1.339 vào năm 2021.

Theo Guardian, sự xuất hiện của tầng lớp này làm hồi sinh thị trường nhà ở cao cấp, thúc đẩy tái phát triển các địa danh lịch sử đã bị lãng quên từ lâu ở các trung tâm thành phố.

Thị trường bất động sản cao cấp sôi động

19 trên 29 căn hộ sang trọng trong Palazzo Raggi đã có chủ, kể từ khi rao bán cách đây chưa đầy một năm.

“Chúng tôi chưa bao giờ giao dịch nhanh tới vậy ở Rome”, Diletta Giorgolo - người đứng đầu bộ phận bất động sản nhà ở tại Italy Sotheby's International Realty - cho biết. “Mọi người muốn có một phần tòa nhà từ thế kỷ XVIII, nhưng với nội thất hoàn toàn theo phong cách hiện đại”.

Công việc của bà Giorgolo bận rộn trong vài năm trở lại đây. Dòng người siêu giàu thực sự bắt đầu đổ vào Italy từ năm 2019, một phần vì có những cá nhân tại Vương quốc Anh - nơi có hệ thống tương tự Italy - dịch chuyển do hệ quả từ Brexit. Sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến một số người xem xét lại lối sống.

Bà Giorgolo đã bán bất động sản trên đảo Capri cho cặp vợ chồng người Pháp, một biệt thự trị giá 20 triệu euro ở Venice cho khách hàng Trung Quốc, và một biệt thự giá 10 triệu euro ở Laglio cho cặp vợ chồng từ Thụy Sĩ.

Gần đây nhất, bà cũng tiếp một số khách hàng hưởng lợi từ thuế phẳng, như hai vợ chồng người Hà Lan mua căn nhà ở Rome giá hơn 10 triệu USD, và một người trả hơn 11 triệu euro cho địa điểm ở Milan.

“Một số mua những bất động sản mới tung ra thị trường, số khác mua bất động sản cần phải tu bổ. Có người lại thuê những bất động sản hàng đầu trong năm đầu tiên ở Italy trước khi quyết định mua. Thị trường bất động sản cao cấp nhất đang chứng kiến một trong những điều tốt đẹp nhất”, bà Giorgolo nói.

Marco Cerrato - luật sư về thuế và đối tác tại Maisto e Associati ở Milan - đã xử lý các vấn đề tài chính của một số cư dân tỷ phú mới ở Italy. Nhiều khách hàng của ông là công dân nước ngoài từng thuộc nhóm không cư trú cố định (non-domicile residence) tại Anh.

Đây là người sống ở Vương quốc Anh và là đối tượng cư trú chịu thuế ở đây, nhưng có nhà ở cố định bên ngoài nước này. Họ cũng không phải nộp thuế thu nhập và lãi kiếm được từ nước ngoài, trừ khi mang tiền hoặc gửi vào tài khoản ngân hàng tại Anh.

“Brexit là một phần nguyên nhân, khi Vương quốc Anh, đặc biệt London, bắt đầu đem lại cảm giác không hiếu khách nhiều như trước. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là nhiều người lo ngại đảng Lao động có thể giành chiến thắng trong đợt bầu cử tiếp theo, dẫn đến bãi bỏ những ưu đãi về thuế”, vị luật sư cho hay.

Ngoài ra, nhiều cá nhân trong nhóm siêu giàu chuyển nơi cư trú từ Thụy Sĩ - quốc gia cũng có chế độ thuế ưu đãi - đến Italy bởi họ bị thu hút bởi chi phí sinh hoạt rẻ hơn, vẻ đẹp và khí hậu ấm áp. Có những người đến từ châu Á hoặc Nam Mỹ.

Họ là chủ ngân hàng đầu tư, nhà quản lý tài sản, doanh nhân, người làm việc trong lĩnh vực công nghệ hoặc người có thu nhập từ cổ tức hoặc ủy thác.

“Lúc đầu, chế độ thuế phẳng đặc biệt nhắm tới người có thu nhập thụ động”, ông Cerrato nói. “Sau đó, hệ thống này thu hút cả những người đang tích cực làm việc và phải trả thuế cho thu nhập tạo ra ở Italy”.

Đổ đầu tư với khu siêu giàu

Năm 2021, cơ quan thuế Italy thu về 108 triệu euro từ sáng kiến này, trong khi các thương hiệu xa xỉ đang đầu tư nhiều hơn vào khu vực giới siêu giàu sinh sống, chủ yếu ở Rome, Milan, Florence và Venice, bên cạnh khu vực của Tuscany, Lombardy và Liguria.

Bà Giorgolo cho biết Noto, khu vực của Sicily nằm ở phía nam Catania, đã và đang thu hút rất nhiều người giàu có.

“Catania có đường hàng không thuận tiện, một yếu tố thúc đẩy sự quan tâm”, bà nói. “Vì vậy, trừ khi họ cần phải ở trong thành phố, nhiều người tập trung vào khu vực có cảnh đẹp như Sicily. Nhưng nhìn chung, khắp Italy đều nhận được sự quan tâm ngày càng lớn”.

Phòng trưng bày cho những tài sản đang được rao bán tại Palazzo Raggi - dự kiến hoàn thành tu bổ vào cuối năm 2024 - thu hút lượng khách hàng tiềm năng ổn định. Vincenzo Lupattelli, giám đốc bán hàng của Sotheby's, không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về khách hàng của mình.

“Palazzo Raggi mang đẳng cấp”, ông nói. “Không có gì quyến rũ bằng bể sục và phòng xông hơi. Họ (chủ bất động sản) cũng sẽ không mang theo một chiếc ôtô hào nhoáng vì không có hầm để xe.

"Họ là những cá nhân muốn cảm nhận lịch sử nhưng trong khung cảnh hiện đại và thích đi dạo quanh Rome. Họ sẽ không phải đối phó với những người hàng xóm ồn ào vì chuyên gia âm thanh đang nghiên cứu cách âm tất cả căn hộ”, ông nói thêm.

(Nguồn: Zing News)

Nga tổ chức Lễ Duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng

(Ảnh minh họa).

Ngày hôm nay, sự chú ý trên thế giới đổ dồn về Moscow, với việc Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng - ngày lễ lớn đánh dấu chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã ngày 9/5/1945.

Tổng thống Vladimir Putin có mặt tại buổi lễ.

Lễ duyệt binh chính ở Moscow là màn trình diễn khổng lồ các thiết bị quân sự, với quân đội, xe tăng và tên lửa đạn đạo diễu hành qua Quảng trường Đỏ.

Đây là lần đầu tiên kể từ 2020, tổng thống Nga thành công trong việc thuyết phục một số lãnh đạo quốc tế cùng có mặt trên khán đài với ông.

Hồi 2021, chỉ có Tổng thống Tajikistan tới, do đại dịch Covid. Nhưng năm ngoái, chỉ có mình ông Putin có mặt, do các lãnh đạo Trung Á cố giữ khoảng cách với Nga sau vụ xâm chiếm Ukraine.

Năm nay, toàn bộ các lãnh đạo Trung Á có mặt, trong đó có ông Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan, ông Alexander Lukashenko của Belarus và thủ tướng Armenia.

Tại buổi diễu binh, ông Putin bắt đầu với bài diễn văn chúc mừng quân đội Nga trong Ngày Chiến thắng, ngày dành cho "cha, ông chúng ta".

Putin nói Nga muốn một tương lai hòa bình

Ông nói một cuộc chiến đang diễn ra ngay lúc này, và nói Nga đang bảo vệ chủ quyền. Ông nói Nga muốn một "tương lai hòa bình", nhưng ông cáo buộc Phương Tây đang gieo rắc những mầm mống "thù hận và sợ hãi Nga".

"Mục tiêu của họ không có gì khác ngoài việc muốn thấy sự sụp đổ của đất nước chúng ta," ông nói.

Ông nói ông tự hào về những người lĩnh đang tham dự vào cái mà ông gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine. Ông nói đất nước Nga, tương lai Nga phụ thuộc vào những người này.

Ông nói thêm rằng mọi người đang đoàn kết ủng hộ "những anh hùng của chúng ta".

Tuy nhiên, năm nay, buổi lễ phô trương nổi tiếng thế giới đóng cửa với công chúng. Chính quyền Nga nói cần làm vậy vì những lo ngại về an ninh.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo về "các cuộc tấn công khủng bố".

Ông nói: "Tất nhiên chúng tôi biết rằng chế độ Kyiv đứng đằng sau một số vụ tấn công, hành động khủng bố như vậy, và họ có kế hoạch tiếp tục chiến dịch của mình."

"Tất cả các cơ quan đặc nhiệm của chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo an ninh."

Kyiv phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công bị cáo buộc ở Nga.

Tuy nhiên, người dân Ukraine kỷ niệm Ngày châu Âu cùng với phần còn lại của châu Âu, nhằm thúc đẩy hòa bình và thống nhất trên lục địa.

Tổng thống Zelensky đã công bố thay đổi ngày chính thức của các sự kiện đánh dấu sự kết thúc của Thế chiến thứ hai, để tạo khoảng cách xa hơn với Nga.

Ông cho biết ngày 8/5 sẽ chính thức là Ngày Chiến thắng ở Ukraine, trong khi ngày 9/5 sẽ đánh dấu Ngày Châu Âu. Sự thay đổi phải được sự chấp thuận của quốc hội.

Các quan chức Liên minh châu Âu đã hoan nghênh động thái này và người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ đến Kyiv để đàm phán với Zelensky vào cuối ngày hôm nay.

(Nguồn: BBC)

Bakhmut bị "phá hủy hoàn toàn", Ukraine dồn lực chọc thủng phòng tuyến Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết mọi thứ bị phá hủy hoàn toàn ở thành phố Bakhmut sau các cuộc giao tranh khốc liệt.

"Thật không may, thành phố này không còn tồn tại nữa. Mọi thứ đã bị phá hủy hoàn toàn", Tổng thống Zelensky nói trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch châu Âu Ursula von der Leyen trong chuyến thăm của bà tới Kiev hôm 9/5, đề cập tới thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine.

Ông Zelensky cũng cho biết, Nga không thể giành được quyền kiểm soát thành phố Bakhmut trước Ngày Chiến thắng 9/5. Trước đó, chỉ huy cấp cao của Ukraine cho biết Nga tăng cường pháo kích vào Bakhmut nhằm chiếm thành phố này trước ngày 9/5.

"Họ không thể chiếm được Bakhmut. Đây là mục tiêu quân sự quan trọng cuối cùng mà họ muốn hoàn thành trước ngày 9/5", ông Zelensky nói thêm.

Tổng thống Ukraine cũng cho biết, đạn dược mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết chuyển giao cho Ukraine là cần thiết trên chiến trường, đồng thời kêu gọi EU chuyển giao nhanh hơn.

"Ukraine hàng ngày chứng minh hiệu quả phòng thủ của chúng tôi trước cuộc tấn công của Nga. Mỗi tên lửa của đối phương bị đánh chặn, mỗi thành công của các chiến binh của chúng tôi trong việc đánh bại các cuộc tấn công của Nga đều là những bằng chứng cho thấy chúng tôi có thể chiến thắng họ", ông Zelensky tuyên bố.

"Điều quan trọng là khả năng của chúng tôi cần phải tương xứng với khả năng của đối phương. Trong bối cảnh này, tôi đã cảm ơn bà Ursula vì sự sẵn sàng của Liên minh châu Âu trong việc cung cấp cho Ukraine loại đạn dược rất cần thiết này, một tỷ quả đạn pháo. Chúng tôi cũng thảo luận về các vấn đề chính, tốc độ mua sắm và chuyển giao loại đạn này, bởi vì chúng hiện cần thiết trên chiến trường", ông Zelensky nói thêm.

Cùng ngày, Yevgeny Prigozhin, người sáng lập tổ chức quân sự tư nhân Nga Wagner, cho biết Ukraine đang nỗ lực chọc thủng phòng tuyến của Nga ở Bakhmut.

"Hôm nay, họ (quân đội Ukraine) đang chọc thủng hai bên sườn theo hướng Bakhmut, tập hợp lại lực lượng ở Zaporozhye và một cuộc phản công sẽ sớm bắt đầu", ông Prigozhin cho biết.

Ông Prigozhin xác nhận, mặc dù chỉ nhận được 10% số lượng đạn dược cần thiết, lực lượng Wagner sẽ ở lại Bakhmut trong vài ngày nữa.

Ông chủ Wagner tuần trước thông báo sẽ rút lực lượng Wagner khỏi Bakhmut vào ngày 10/5 sau nhiều tháng tham chiến cùng quân đội Nga. Lý do ông Prigozhin đưa ra là Wagner không được cung cấp đầy đủ đạn dược khiến họ chịu tổn thất lớn ở Bakhmut. Theo ông Prigozhin, con số thương vong của Wagner kể từ đầu xung đột lên tới hàng chục nghìn người.

Tuy nhiên, ông Prigozhin hôm 7/5 phát tín hiệu cho thấy ông có thể hủy kế hoạch rút lực lượng Wagner khỏi Bakhmut, sau khi giới chức Nga cam kết cung cấp đạn dược và vũ khí để lực lượng này tiếp tục chiến dịch quân sự ở chảo lửa miền Đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 9/5 tuyên bố, các nhóm xung kích của Nga tiếp tục giao tranh với quân đội Ukraine ở phía tây Bakhmut, với sự yểm trợ của các đơn vị đổ bộ đường không. Ông trùm Wagner cho biết các lực lượng này đã kiểm soát 95% diện tích Bakhmut, trong khi Ukraine kiểm soát khoảng 2,36km2.

(Nguồn: Dân Trí)

Bạo loạn nổ ra khắp Pakistan sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bắt giữ

(Ảnh minh họa).

Các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra trên khắp Pakistan, bao gồm cả tại Tổng hành dinh quân đội và dinh thự của Tư lệnh quân đội Pakistan, sau khi cựu Thủ tướng nước này Imran Khan, Chủ tịch đảng PTI đối lập đã bị bắt giữ vào chiều 9/5.

Biểu tình đã bùng phát trên khắp Pakistan trong ngày 9/5 sau vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan. Người biểu tình sử dụng bạo lực, đốt phá và thậm chí giơ các khẩu hiệu bày tỏ sự phẫn nộ đối với việc cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ lãnh đạo Đảng PTI đối lập.

Đám đông biểu tình đã ném đá vào nhà ở, văn phòng và xe cộ, đốt biểu ngữ và chặn các tuyến đường giao thông. Thậm chí một nhóm người đã tiến vào khuôn viên Tổng hành dinh quân đội ở Rawalpindi cũng như nơi ở của Tư lệnh quân đội Pakistan ở Lahore. Trong khi đó, một đám đông đã ném đá vào nhà của Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rana Sanaullah tại Faisalabad. Một số lượng lớn người dân đã dừng giao thông trên các đường cao tốc chính tại thành phố Lahore.

Năm sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong các cuộc biểu tình trong khi 43 người biểu tình đã bị bắt giữ. An ninh đã được thắt chặt trên khắp Pakistan, đặc biệt là tại thành phố Lahore, quê nhà của ông Imran Khan.

Trong bối cảnh đó, Cơ quan Viễn thông Pakistan đã đình chỉ các dịch vụ băng thông di động trên toàn quốc, cũng như hạn chế quyền truy cập vào các ứng dụng như Twitter, Facebook hay Youtube để ngăn chặn các nhóm biểu tình phát tán tin tức.

Cùng ngày, Tòa án Tối cao Islamabad đã lên tiếng bảo vệ quyết định bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan; coi đây là quyết định "hợp pháp". Trước đó, Tòa đã triệu tập Tổng giám đốc và Công tố viên của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Quốc gia sau khi ông Imran Khan bị bắt giữ.

Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã bị bắt chiều 9/5, khi ông đang có mặt tại Tòa án Tối cao Islamabad để lấy sinh trắc học phục vụ quá trình tố tụng ở một cáo buộc pháp lý khác. Ông Imran Khan bị Cục Trách nhiệm Giải trình Quốc gia bắt giữ vì cáo buộc nhận hàng tỷ rupee từ một công ty bất động sản trong vụ án Quỹ Ủy thác Al-Qadir do chính ông sáng lập.

Ông Imran Khan cùng với vợ Bushra Bibi và các lãnh đạo PTI khác, đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Cục Trách nhiệm Giải trình Quốc gia (NAB) liên quan đến thỏa thuận dàn xếp giữa PTI và một ông trùm bất động sản, được cho là đã gây thất thoát của kho bạc quốc gia khoảng 190 triệu bảng Anh./.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang