Người Việt hải ngoại: Xuân quê hương ở Hà Lan; Đi sắm Tết tại Mỹ; Tết sum vầy ở Nga; Dạy tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài

XUÂN QUÊ HƯƠNG ẤM LÒNG NGƯỜI VIỆT Ở XỨ SỞ CỐI XAY GIÓ VÀ HOA TUYLIP

(Ảnh minh hoạ).

Chương trình năm nay còn có sự tham dự của những bà con sơ tán từ Ukraine, những người bạn Hà Lan yêu mến Việt Nam và Đại sứ các nước ASEAN tại Hà Lan.

Ngày 15/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã tổ chức chương trình Xuân Quê Hương mừng Tết Quý Mão 2023, với sự tham gia của gần 500 bà con kiều bào, du học sinh.

Đặc biệt, chương trình năm nay còn có sự tham dự của những bà con sơ tán từ Ukraine, những người bạn Hà Lan yêu mến Việt Nam và Đại sứ các nước ASEAN tại Hà Lan.

Trong niềm vui gặp lại sau 2 năm đại địch, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Phạm Việt Anh đã sơ bộ điểm lại những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm 2022, nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 đạt hơn 8% là điều rất đáng tự hào nhờ nỗ lực chung của cả nước, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi và của bà con người Việt tại Hà Lan.

Điểm mới và cũng là điểm nhấn của Xuân Quê hương năm nay là sự chung tay, góp sức của bà con. Đó là những tiết mục văn nghệ, là những món ăn dân tộc. Chương trình văn nghệ rất thú vị với nhiều tiết mục đặc sắc do các diễn viên Nhà Văn hóa Việt Nam tại Pháp biểu diễn cũng như các tiết mục "ngẫu hứng" của bà con.

Đặc biệt, chị Hải Yến đã ngâm bài thơ "Phút giao thừa" do chính chị sáng tác và biểu diễn với chất giọng ngọt ngào đã đưa khán giả vào khoảnh khắc sâu lắng khi đất trời chuyển giao, từ Đông tàn sang Xuân mới.

Ẩm thực và văn nghệ tuy không chuyên nghiệp nhưng tấm lòng gửi trong từng bài thơ, điệu múa, sự công phu bài trí không gian với cây nêu, câu đối, mâm ngũ quả... khiến cho người tham dự cảm nhận sâu sắc sự ấm áp của cộng đồng khi đón Xuân xa quê.

Để thêm không khí vui tươi, đoàn kết, Đại sứ quán đã tổ chức bốc thăm trúng thưởng với những phần quà là đặc sản quê hương, như mứt dừa hay càphê.

Giải thưởng đặc biệt là bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam đã thuộc về sinh viên Quỳnh Anh (Đại học Amsterdam). Quỳnh Anh đã đấu giá bức tranh, lấy tiền làm từ thiện và một phần lập quỹ cho hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan. Người giành quyền mua tranh cũng hào hiệp góp thêm cho quỹ của Hội sinh viên.

Thay mặt Hội người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, Chủ tịch Nguyễn Văn Thìn bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với kiều bào ở nước ngoài, cảm ơn Đại sứ quán và Đại sứ Phạm Việt Anh đã dành nhiều tâm huyết xây dựng Hội và cộng đồng người Việt tại Hà Lan.

Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Việt Anh đã động viên bà con đoàn kết hơn nữa, tích cực lập ra các hội đoàn làm chỗ dựa tinh thần, làm nơi giao lưu, dẫn dắt các hoạt động của cộng đồng một cách lâu dài, bài bản.

Từ đó cùng nhau xây dựng cộng đồng vững mạnh và giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Việt cho đời sau và cùng nhau hướng về Tổ quốc.

(Nguồn: VTV4)

NGƯỜI VIỆT Ở MỸ ĐI SẮM TẾT: DÒNG NGƯỜI ĐỔ VỀ SAN JOSE BẤT CHẤP TRỜI MƯA

Bất chấp trời mưa gió lạnh, dòng người Việt đổ về Grand Century Mall ở TP.San Jose (bang California, Mỹ) đi chợ tết càng lúc càng đông vào ngày cuối tuần vừa rồi.

Gia đình chị Mai Duyên không ngại quãng đường xa, lái xe suốt 2 tiếng đồng hồ từ TP.Santa Rosa đến San Jose đi chợ tết. Chị Duyên cho biết rất bất ngờ khi thấy lượng người đi mua sắm rất đông tại Grand Century Mall dù trời mưa lớn. Theo chị, đến đây chị mới thấy rõ không khí đón tết đang rất cận kề.

Ngay từ đầu đường vào Grand Century Mall, dòng xe ra vào liên tục. Có thời điểm xảy ra tình trạng kẹt xe từ bãi đậu xe ra tận con đường lớn. Dù vậy, dòng xe vẫn kiên nhẫn nối đuôi nhau chờ đến lượt ra vào của mình, không hề có tiếng còi xe vang lên. Anh Quang Thành cho hay anh đã mất thời gian khá lâu mới tìm được chỗ đậu xe tại Grand Century Mall dù ở đây có bãi xe rộng lớn.

Có thể thấy do là ngày nghỉ cuối tuần, nhiều người Việt tranh thủ ghé đến Grand Century Mall để mua sắm tết, hoặc chỉ đơn giản được hòa mình vào không khí rộn ràng của những ngày tết đến xuân về nơi đây.

(Nguồn: Thanh Niên)

XUNG ĐỘT KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁI TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI NGA

(Ảnh minh hoạ).

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhiều người con xa xứ của Việt Nam tại Nga đã vượt đường xa về quê hương ăn Tết cùng với gia đình. Đối với họ đây là khoảng thời gian vô cùng trân quý.

Cuộc sống tại Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra

Chia sẻ về cuộc sống tại Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, GS. TS Nguyễn Huy Hoàng, hiện đang công tác tại Moscow, là một trong những người đã có nhiều đóng góp vào công tác cộng đồng người Việt tại Nga cho biết, kinh tế và đời sống của bà con Việt kiều vẫn khá ổn định. Đầu tiên là về giá cả, cách đây hơn 1 năm, đồng USD 73 ruble/USD, sau đó chỉ trong 1 tuần tăng lên 130 ruble/USD. Nhưng hiện giờ đã giảm xuống còn 66 ruble/USD. Các cửa hàng vẫn luôn sẵn có hàng hóa, thực phẩm. Điện nước và an ninh luôn được đảm bảo.

Sau khi xung đột nổ ra, dù việc làm ăn kinh doanh của nhiều bà con bị ảnh hưởng, nhưng người Việt đã học cách thích nghi và luôn có sự lạc quan. “Bà con người Việt vẫn chăm lo mọi thứ, vun vén cho gia đình, vẫn làm ăn, học tập, đi du lịch… Trong ngày Tết, nhiều người đã lên kế hoạch về thăm quê”, ông Nguyễn Huy Hoàng bộc bạch.

Còn Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ cho biết: “Hiện tại bà con vẫn có thể làm ăn buôn bán bình thường, nhất là tại các thành phố lớn như Moscow, nhìn chung cuộc sống vẫn ổn định, không có xáo trộn gì lớn. Còn trong tương lai, có thể sự ảnh hưởng sẽ rõ rệt hơn, nhưng vẫn phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể”.

Mong muốn một cái Tết đầm ấm sum vầy

GS. TS Nguyễn Huy Hoàng nói rằng, ông xa quê đã hơn 35 năm và gần như một nửa thời gian đó ông về Việt Nam. Đối với ông quãng thời gian về Việt Nam ăn tết là một cảm nhận hết sức đặc biệt.

Ông cho biết, cứ mỗi khi mùa Xuân đến, người Việt Nam tại nước ngoài luôn đau đáu về quê hương. “Ở nước ngoài, chúng tôi có bánh chưng, hoa đào, bạn bè… nhưng không có không khí Tết giống ở Việt Nam. Tết Việt Nam là sự sum vầy đầm ấm, sum họp gia đìnhn bạn bè, dòng tộc và tất cả những người thân quen. Trong một năm mới đón nhận những cái mới, cái hay, rũ bỏ những cái cũ. Đây là ý nghĩa lớn nhất”.

Ông chia sẻ, trong chuyến quay trở về Việt Nam lần này, ông cảm nhận được rằng sau gần 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn vững vàng và vượt qua mọi đau thương và mất mát. Sự kiên cường không nằm ở những ngôi nhà cao những cây cầu mới mà được thể hiện ở gương mặt con người.

“Nhà thơ Tố Hữu từng viết “Gương mặt người ai cũng sáng long lanh”. Trong thế giới hiện nay, nhiều vấn đề xảy ra thì Việt Nam vẫn đi lên, tự tin hơn, chắc chắn hơn. Tôi tin rằng mùa Xuân bao giờ cũng báo hiệu những điều tốt lành và đất nước chúng ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn”, ông nói.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ, người đã có gần 40 năm sinh sống và làm việc tại Nga chia sẻ: “Tết Việt Nam tuyệt vời hơn ở nước ngoài rất nhiều vì có không khí Tết, không khí quê hương, sự gắn bó giữa gia đình, bạn bè, anh em. Tết ở Việt Nam có ý nghĩa lớn lao. Còn ở bên nước ngoài, dù không được như vậy, nhưng cộng đồng người Việt vẫn tổ chức Tết hàng năm.

Ông cho biết, năm nay là năm đầu tiên Việt Nam quay trở lại nhịp sống bình thường sau 2 năm vừa rồi. Chính vì vậy, Tết năm nay có thể nói là đầy đủ hơn do dịch Covid-19 đã được khắc phục. Ông hy vọng kinh tế phục hồi, đất nước sẽ phát triển và ngày càng thịnh vượng hơn.

Trước những khó khăn hiện nay, cộng đồng người Việt tại Nga hy vọng xung đột Nga - Ukraine sẽ sớm chấm dứt, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn để đời sống kinh tế, xã hội sớm trở lại bình thường. Trong chuyến trở về Việt Nam lần này, kiều bào tại Nga nói riêng và kiều bào Việt Nam nói chung đều mong muốn được đóng góp một phần công sức giúp đất nước ngày càng phát triển hơn

(Nguồn: VOV)

DẠY TIẾNG VIỆT CHO TRẺ EM Ở NƯỚC NGOÀI: GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG KIỀU BÀO VỚI ĐẤT NƯỚC

Những năm qua, công tác xây dựng, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ. Qua đó hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; đồng thời, góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Líu lo tiếng Việt

Cô Phạm Phi Hải Yến (hiện đang làm nghiên cứu sinh Khoa Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, Đại học Osaka, đã có 12 năm học tập, sinh sống ở Nhật Bản), gắn bó với lớp học có tên là Líu lo tiếng Việt từ hơn 1 năm nay. Cô Yến cho biết, ý tưởng mở lớp học xuất phát từ niềm tin trẻ em dù sống ở quốc gia hay lãnh thổ nào trên thế giới cũng đều có quyền được học tập và duy trì tiếng mẹ đẻ. Trước khi mở lớp, cô Yến đã có 5 năm làm công tác hỗ trợ dạy, học tiếng Việt và tiếng Nhật cho học sinh người Việt ở một số trường tiểu học trên địa bàn Osaka, 6 năm kinh nghiệm giảng dạy văn hóa và tiếng Việt cho người lớn ở các trung tâm giao lưu văn hoá, trung tâm ngoại ngữ.

Cô Yến chia sẻ, cách đây khoảng 7 - 8 năm, số lượng trẻ em gốc Việt ở Nhật chưa tăng mạnh, việc giữ gìn tiếng Việt cho các con chưa được quan tâm nhiều. Không ít gia đình đặt tiếng Việt của con ở hàng ưu tiên thấp hơn so với tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung; thậm chí, có gia đình còn nghĩ “con em không biết tiếng Việt cũng được”. Đến nay, một số địa phương, trường học của Nhật Bản đã tổ chức các lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh nước ngoài, trong đó có Việt Nam, nhưng thời lượng học còn rất ít. Bản chất của những lớp học này chủ yếu là để học sinh làm quen với văn hóa Việt Nam, học tiếng Việt để hỗ trợ cho việc học bằng tiếng Nhật ở trường; còn việc giữ gìn, duy trì và phát huy tiếng Việt cho các em vẫn nhờ vào gia đình, bố mẹ và các giáo viên là chính. Chính vì vậy, lớp học của cô Yến ra đời, với mong muốn giữ gìn và phát huy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt tại Nhật Bản.

Lớp học của cô Yến đang triển khai dự án học tập “Việt Nam của em”, với những bài giảng được thiết kế đặc biệt, dành cho các bé gần như không sử dụng được tiếng Việt. Với việc đưa văn hóa Việt Nam vào từng tiết dạy, qua từng bài học, vốn hiểu biết của các con về văn hóa, đất nước, con người của Tổ quốc ngày càng được mở rộng, từ đó tăng thêm sợi dây gắn kết với quê hương.

Giữ gìn cầu nối giữa kiều bào với Tổ quốc

Đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, giúp bà con khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.

Việc có nhiều người Việt ở nước ngoài sử dụng tiếng Việt cũng giúp Việt Nam phổ biến và quảng bá các giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam, ý nghĩa nhân văn trong tư tưởng, tâm hồn và cốt cách của người Việt Nam ra nước ngoài, để bạn bè quốc tế hiểu hơn đất nước, con người, qua đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị, tình cảm đoàn kết, hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tiếng Việt đang đối mặt nguy cơ bị mai một. Quá trình hội nhập của NVNONN và xu thế toàn cầu hóa, sự giao thoa với văn hóa sở tại làm ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Việt. Bên cạnh đó, một bộ phận thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng cũng còn nhiều khó khăn…

Cô Yến và cô Hoa là 2 trong số 80 học viên từ 9 quốc gia đã tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức năm 2022. Được tổ chức hàng năm từ năm 2013 cho đến nay, khóa đào tạo nhằm mục đích nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang giảng dạy tiếng Việt tại các cơ sở của cộng đồng.

Trung bình, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia được tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng NVNONN tại các nước sở tại. Năm 2020 và 2021, do đại dịch COVID-19 bùng phát, khóa tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400 giáo viên kiều bào. Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp.

Cô Phạm Phi Hải Yến nhấn mạnh, các khóa tập huấn do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức đã giúp cộng đồng có nhiều giáo viên hơn và việc giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em đã trở thành một phong trào phát triển rộng khắp. Thông qua những khóa tập huấn như vậy, các giáo viên kiều bào không chỉ được nâng cao kỹ năng sư phạm, kiến thức ngôn ngữ, mà còn kết nối được với những người khác có cùng tâm nguyện giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt.

Xây dựng, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng

Về phía Bộ GD&ĐT, bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ xác định công tác dạy tiếng Việt cho NVNONN là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị đã được đặt ra trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết 36 NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN.

Để hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác về NVNONN. Năm 2016 và năm 2017, Bộ đã chỉ đạo tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Hiện nay, 2 bộ sách đã được số hóa, đưa lên mạng để khai thác sử dụng miễn phí.

Đặc biệt, bà Lê Thị Hằng cho hay, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã vận động các cấp chính quyền sở tại hỗ trợ các cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào. Tại một số nước, chính quyền còn cấp đất hoặc cho mượn địa điểm, cấp giấy phép, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hội, đoàn tổ chức trường, lớp học tiếng Việt. Tại Lào, Trường Việt kiều Nguyễn Du đã được chuyển đổi thành trường song ngữ Lào - Việt, số học bổng tại Việt Nam cho con em kiều bào tại Lào đã tăng lên… Tại Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy từ năm 2018 tại các trường phổ thông như một ngoại ngữ tự chọn.

Hiện nay, tiếng Việt được dạy một số cơ sở chính quy của Pháp, như Ban Việt học, Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông của Trường Đại học Paris VII, Viện Nghiên cứu quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông, Trường Trung học Jean de La Fontaine, quận XVI và một số cơ sở dạy tiếng Việt do các hội, đoàn của Việt Nam tại Pháp tổ chức. Tại Ba Lan có Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân với tổng số học sinh hàng năm có khoảng từ 150 - 180 em, chủ yếu lứa tuổi từ 5 - 14. Trường đã hoàn thiện bộ giáo trình riêng “Em học tiếng Việt” gồm 14 quyển với các chương trình A, B, C, D, E; dạy ở trường vào các buổi chiều Thứ Bảy hàng tuần.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức bồi dưỡng giáo viên tình nguyện; cử giảng viên, chuyên gia dạy tiếng Việt trong nước sang giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên ở nước sở tại; phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình tăng cường các khóa học tiếng Việt, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt từ xa, trực tuyến. Cùng với đó, xây dựng và triển khai Cổng thông tin điện tử dạy học tiếng Việt trực tuyến; thiết kế tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và phụ huynh nhằm hỗ trợ khả năng dẫn dắt người dạy…

(Nguồn: Báo Pháp Luật)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: DHS đón Tết sớm; Thất vọng với Tết ở Úc; Lập hội tri thức ở Đan Mạch; Hành trình sơ tán tại Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang