.jpg)
XUÂN QUÊ HƯƠNG ẤM ÁP TẠI ÚC
Ngày 9/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã tổ chức chương trình Xuân Quê hương gặp mặt cộng đồng người Việt mừng Xuân Ất Tỵ 2025.
Tham dự buổi gặp mặt có Đại sứ Lào tại Australia Sinchai Manivanh cùng phu nhân, đại diện các hội đoàn, các gia đình cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, cùng đông đảo kiều bào và bạn bè quốc tế.
Chương trình Xuân Quê hương là dịp để những người con xa xứ gặp gỡ, giao lưu, động viên và thăm hỏi nhau nhân dịp “Tết đến, Xuân về”, qua đó tăng cường gắn kết trong cộng đồng người Việt Nam tại Australia cũng như mang lại không khí Xuân cho kiều bào và làm sâu sắc thêm tình yêu dành cho đất nước, quê hương.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm bày tỏ vui mừng và tự hào khi được cùng bà con kiều bào chứng kiến sự phát triển của quê hương, đất nước và của mối quan hệ Việt Nam-Australia trong năm qua. Đại sứ cho biết, năm 2024, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu hết sức quan trọng như chính trị-xã hội ổn định, an ninh- quốc phòng được đảm bảo, kinh tế tăng trưởng hơn 7%, đưa Việt Nam vào nhóm 35 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đáng chú ý, trong “Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024”, Việt Nam đứng thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023 và chính thức vào nhóm 10 quốc gia hạnh phúc nhất ở châu Á. Với hành trang đó, Việt Nam quyết tâm tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cũng theo Đại sứ Phạm Hùng Tâm, quan hệ Việt Nam-Australia trong năm 2024 đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia vào tháng 3/2024.
Cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước, Đại sứ Phạm Hùng Tâm bày tỏ vui mừng khi chứng kiến trong năm qua, cộng đồng người Việt tại Australia tiếp tục có những bước tiến tích cực. Bên cạnh những hoạt động hiệu quả, năng động và rất phong phú của nhiều hội nhóm lâu nay như Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia, Hội doanh nhân Việt Nam tại Canberra và tại nhiều thành phố lớn, Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Australia, Hội sinh viên Việt Nam tại Australia…, có nhiều hội, nhóm mới đã được thành lập hoặc chính thức hóa. Nhiều cá nhân, tổ chức được nước sở tại ghi nhận và được lãnh đạo các cơ quan trong nước tặng bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Australia có một điểm chung là đều hướng về quê hương, đất nước.
Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Hùng Tâm gửi lời cảm ơn các hội, nhóm cùng các thành viên trong cộng đồng đã đóng góp giúp đồng bào trong nước khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (tên gọi quốc tế là bão Yagi), cũng như đã phối hợp, hỗ trợ Đại sứ quán trong nhiều hoạt động, góp phần không ngừng thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Australia. Đại sứ bày tỏ mong muốn những tình cảm và tâm huyết đó sẽ tiếp tục được lan tỏa để cộng đồng người Việt tại Australia không ngừng phát triển tích cực, ngày càng đoàn kết, gắn bó, luôn hướng về quê hương, đất nước.
Tới dự Tết cộng đồng mừng Xuân Ất Tỵ của người Việt Nam tại Australia, ông Christopher Anthony, vị khách người Australia, tỏ ra hết sức hào hứng khi được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Ông Christopher cho biết ông từng đến Việt Nam khá nhiều lần với người vợ mang dòng máu Việt Nam và được trải nghiệm không khí Tết rất thú vị ở “dải đất hình chữ S”, một nét văn hóa rất khác so với văn hóa truyền thống của Australia. Điều ông cảm nhận được là vào dịp Tết, người dân Việt Nam tràn đầy hy vọng và niềm tin vào một năm mới, và chính điều này đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.
Tại buổi gặp mặt, ông Christopher rất hào hứng và thích thú khi được thưởng thức các giai điệu âm nhạc mang đậm nét truyền thống của dân tộc Việt Nam, được hòa mình vào nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam trong một không gian đậm chất Việt.
Khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống, chị Jane Trần – Phó Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA) và cũng là một Việt kiều đã sinh sống tại Australia tròn 30 năm – không giấu nổi xúc động và vui mừng khi được đắm mình trong bầu không khí Tết cổ truyền của dân tộc ngay tại “xứ Chuột túi”. Chị Jane Trần cho biết đã không quản ngại đường sá xa xôi bay từ thành phố Melbourne đến thủ đô Canberra để tham dự buổi gặp mặt “cho thỏa nỗi nhớ nhung” khi không được về Việt Nam đón Tết.
BUỔI GẶP MẶT ĐẦU NĂM HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG TẠI MACAU
Ngày 9/2, Hiệp hội người Việt Nam tại Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) đã tổ chức buổi gặp mặt đầu năm với sự tham dự của đông đảo các tầng lớp người Việt đang sinh sống và làm việc tại đặc khu.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Macau, phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Macau Dương Trung Đức nhấn mạnh, sau gần 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, hiệp hội đã trở thành diễn đàn quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối, tăng cường đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau và hướng về quê hương, đất nước cho bà con người Việt đang sinh sống và làm việc xa tổ quốc, đặc biệt vào các dịp lễ tết hoặc ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước.
Ông Dương Trung Đức cho biết, cùng với sự phát triển của quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung và Việt Nam với Macau nói riêng, số lượng người Việt sang sinh sống và làm việc tại Macau liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Do vậy, Ban Chấp hành hiệp hội tới đây sẽ tập trung ưu tiên cho công tác tuyên truyền, hỗ trợ và tư vấn về hệ thống pháp luật cùng các quy định của sở tại để giúp bà con thuận lợi hơn trong đời sống sinh hoạt và làm việc, tránh được những vụ việc không đáng có xảy ra. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành hiệp hội cũng sẽ thường xuyên nghiên cứu, đổi mới hình thức hoạt động, nâng cao khả năng quy tụ và thực hiện tốt hơn nữa vai trò mái nhà chung ấm áp của bà con cộng đồng đang sinh sống và làm việc tại đặc khu Macau.
Thay mặt Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau, Lãnh sự Nguyễn Tuấn Anh cho rằng hoạt động gặp mặt đầu xuân của Cộng đồng người Việt Nam tại Macau được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 95 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), chào Xuân mới Ất Tỵ năm 2025 và kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025) nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giúp bà con hiểu và tự hào hơn về những sự kiện quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.
Lãnh sự Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, trong năm vừa qua, Hiệp hội người Việt Nam tại các đặc khu hành chính Hong Kong và Macau của Trung Quốc đã luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn và thách thức trong cuộc sống để có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của sở tại, cũng như hướng về quê hương, đất nước, đặc biệt là việc quyên góp ủng hộ bà con bị thiên tai và lũ lụt trong nước với tinh thần tương thân tương ái. Theo đó, cả hai hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong và Macau đã vinh dự dược Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen, đồng thời một số cá nhân tiêu biểu đã được lựa chọn về tham dự chương trình Xuân quê hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Ông Nguyễn Tuấn Anh tin tưởng và chúc Hiệp hội người Việt Nam tại Macau sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò kết nối, thúc đẩy xây dựng cộng đồng người Việt tại sở tại đoàn kết, thống nhất, tương trợ lẫn nhau và cùng chung tay đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại sự kiện, Chủ tịch Tổ chức từ thiện Caritas của Macao Phan Chí Minh, người có mối quan hệ gắn bó và thường xuyên được mời tham dự các hoạt động lớn của Hiệp hội người Việt Nam tại Macau cho biết, ông rất cảm kích trước những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Macau với sự phát triển của sở tại trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, đời sống, văn hóa và xã hội. Mỗi lần được mời tham dự sự kiện, ông Phan Chí Minh lại được tận mắt chứng kiến và rất cảm động trước sự đoàn kết, gắn bó và thân thiện của những người Việt Nam tại Macau.
Ông Phan Chí Minh nhấn mạnh đây sẽ là những hoạt động vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, thông qua đó góp phần thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ tốt đẹp và sự hiểu biết giữa người dân Việt Nam với Macau nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Trên phương diện khác, ông Lương Quốc Đông, người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực truyền thông tại Macau cho biết việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể như buổi gặp mặt đầu xuân lần này của Hiệp hội người Việt Nam tại Macau là rất quan trọng và cần thiết. Những hoạt động này không chỉ tăng cường sự gắn kết giữa những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Macau, mà còn góp phần quảng bá văn hóa, thúc đẩy hợp tác, giao lưu và du lịch giữa Việt Nam với Macau.
Macau là một trong những nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc, với khoảng hơn 9.000 người.
KỲ THI TIẾNG VIỆT TẠI NHẬT THU HÚT ĐÔNG ĐẢO THÍ SINH
.jpg)
Kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 8 đã diễn ra tại Đại học Osaka (Nhật Bản) do Hiệp hội tổ chức kỳ thi năng lực Việt ngữ (VTS) tổ chức với sự phối hợp của Trường Đại học Osaka, Trung tâm Việt Nam học, Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJECPA) và Học viện ngoại ngữ Kanda Tokyo.
Kỳ thi năm nay nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các thí sinh từ nhiều địa phương trên khắp Nhật Bản, với 20 địa phương có thí sinh tham dự.
Năm nay có 100 lượt thí sinh đăng ký thi cấp A, 58 lượt thí sinh đăng ký thi cấp B và 7 lượt thí sinh đăng ký thi cấp C.
Thí sinh nhiều tuổi nhất là 70 tuổi, đăng ký thi cấp A và B, trong khi thí sinh nhỏ tuổi nhất là 8 tuổi, đăng ký thi cấp A.
Lệ phí thi cấp A là 5.000 Yen, cấp B là 9.000 Yen và cấp C là 11.000 Yen. Một thí sinh có thể dự thi cả hai cấp cùng lúc.
Phần lớn thí sinh là những người có mong muốn làm việc liên quan đến tiếng Việt hoặc có bố mẹ là người gốc Việt.
Bên cạnh đó, nhiều người cho biết, họ học tiếng Việt vì có bạn bè Việt Nam hoặc đã từng đến Việt Nam và yêu quý đất nước, con người, đặc biệt là những món ăn hấp dẫn của Việt Nam.
Em Kagawa Naho, 18 tuổi, có mẹ là người Việt Nam bày tỏ mong muốn học tiếng Việt để có thể nói chuyện với mẹ và ông bà ngoại, cũng như có thể làm công việc liên quan đến tiếng Việt trong tương lai.
Còn em Nakamura Yuki là lần thứ 2 tham gia kỳ thi năng lực tiếng Việt tại Osaka với mong muốn được đến Việt Nam làm việc và sẽ học thật tốt tiếng Việt.
Thi sinh cao tuổi nhất là ông Yanagichi Taiyo, 70 tuổi, cho biết ông thường xuyên sang Việt Nam vì có nhiều bạn bè Việt Nam. Ông rất thích cuộc sống ở Việt Nam và mục đích học tiếng Việt là để hòa nhập với đất nước mà ông mong muốn được sinh sống lâu dài.
Kỳ thi năng lực tiếng Việt được coi là cầu nối ngôn ngữ giữa hai nước trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, cùng với việc cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng tăng, nhu cầu về giao tiếp ngôn ngữ mẹ đẻ trở nên quan trọng và cấp thiết trong các gia đình Việt.
Theo Giáo sư Shimizu Masaki - Trưởng Bộ môn tiếng Việt tại Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka, Chủ tịch Hội đồng thi, kỳ thi năng lực tiếng Việt được tổ chức từ năm 2020 với mục đích lan tỏa, dạy và học tiếng Việt tại Nhật Bản. Dự kiến năm 2026, kỳ thi tiếng Việt này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.
Bà Lê Thương - Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Cây Tre, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học, đơn vị đồng tổ chức kỳ thi, cho biết với mong muốn lan tỏa và nâng tầm ngôn ngữ Việt tại Nhật Bản, Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến tiếng Việt tại vùng Kansai, trong đó có kỳ thi năng lực tiếng Việt.
Đây là kỳ thi được tổ chức định kỳ vào tháng 2 và tháng 8 hằng năm, thu hút đông đảo thí sinh từ các địa phương gần Osaka tham dự.
Chủ tịch Hiệp hội VTS Kenji Tomita - nguyên Trưởng Bộ môn tiếng Việt tại Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka, là người có tình yêu với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Sau khi nghỉ hưu, ông đã nỗ lực đóng góp cho sự phát triển mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản bằng việc tổ chức các kỳ thi năng lực tiếng Việt với mong muốn thúc đẩy việc học tiếng Việt cho trẻ em thế hệ thứ hai và thứ ba của các gia đình tại Nhật có bố, mẹ là người Việt cũng như những người bạn Nhật yêu tiếng Việt.
Giáo sư Tomita cho biết Hiệp hội VTS Japan ra đời với sứ mệnh thúc đẩy và phát triển nhiều hoạt động trao đổi giữa hai nước thông qua thực hiện các hoạt động nâng cao trình độ giáo dục và nghiên cứu tiếng Việt, qua đó đóng góp vào sự phát triển giáo dục và học thuật của Nhật Bản cũng như vào sự hiểu biết và tình hữu nghị quốc tế.
Theo kế hoạch, kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 9 sẽ diễn ra vào tháng 8/2025 tại Osaka và Tokyo.
VẪN CÒN THUYỀN VIÊN MẤT TÍCH TẠI HÀN
Hàn Quốc cho biết, 4 người đã thiệt mạng và 5 người khác vẫn đang mất tích, bao gồm cả thuyền viên người Việt Nam khi một tàu cá bị chìm ở vùng biển phía nam nước này.
Hãng tin Yonhap trích dẫn lời Cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết, họ đã xác định được vị trí của tàu đánh cá mang tên "Seogyeongho 22", trọng tải 139 tấn ở độ sâu khoảng 80 mét dưới mặt biển, vài giờ sau khi con tàu được báo cáo mất tích lúc 1h41 giờ địa phương sáng 9/2 tại vùng biển cách đảo Habaek khoảng 17km về phía đông và cách thủ đô Seoul khoảng 315km về phía nam.
Theo điều tra ban đầu, tàu Seogyeongho 22 xuất phát từ cảng Busan và đang trên đường đến khu vực đánh bắt cá gần huyện Heuksan, tỉnh Jeonnam. Vào thời điểm gặp nạn, trên tàu có tổng cộng 14 thuyền viên, gồm 8 người Hàn Quốc, 3 người Việt Nam và 3 người Indonesia. Điều kiện thời tiết trên biển lúc đó khá khắc nghiệt với gió mạnh từ 12-14m/s, sóng cao từ 2-2,5m và nhiệt độ nước biển chỉ khoảng 10,7 độ C. Vì vậy, những thuyền viên sống sót phải vật lộn với cái lạnh cắt da suốt hơn 2 giờ trước khi được phát hiện.
Cảnh sát biển Hàn Quốc thông tin thêm, ban đầu, lực lượng chức năng đã cứu được 8 thuyền viên, với 5 người trong số họ được tìm thấy trên một chiếc bè cứu sinh và những người còn lại trôi dạt trong vùng nước đóng băng. Tuy nhiên, nhà chức trách sau đó thông báo, 4 người trong số họ đã tử vong.
2 thuyền viên người Việt và các thuyền viên Indonesia đã sống sót. Sau khi được giải cứu, các thuyền viên người Indonesia được chuyển đến văn phòng Cảnh sát biển tại Yeosu để thẩm vấn về vụ tai nạn, trong khi những người Việt được đưa tới điều trị tại một bệnh viện gần đó sau khi có dấu hiệu hạ thân nhiệt.
Căn cứ vào lời khai của các thuyền viên người Việt, cảnh sát biển nhận định con tàu dường như đã bị lật sau khi nghiêng mạnh sang bên trái. "Ngoài 3 người bên trong tàu, tất cả 11 thuyền viên khác đều nhảy xuống biển", nhà chức trách cho hay tại một cuộc họp báo cuối ngày 9/2.
Mặc dù điều kiện thời tiết xấu, Cảnh sát biển coi việc một con tàu có trọng tải hơn 100 tấn bị lật dưới những con sóng cao 2,5m vào thời điểm đó là điều bất thường và đang điều tra nguyên nhân chính xác của vụ việc.
Vì tàu Seogyeongho 22 thuộc một nhóm gồm cả 4 tàu đánh cá khác nhưng không phát tín hiệu cấp cứu khi gặp nạn nên Cảnh sát biển nghi ngờ vụ chìm tàu xảy ra bất ngờ.
Tổng cộng 24 tàu tuần tra, 4 tàu hải quân, 13 máy bay, các tàu dân sự và các lực lượng cứu hộ khác đã tham gia nỗ lực tìm kiếm các thành viên thủy thủ đoàn mất tích. Trong quá trình tìm kiếm vào buổi sáng, một tàu cao tốc của Cảnh sát biển Hàn Quốc đã bị lật do sóng lớn, nhưng cả 6 người trên tàu đều được một tàu Cảnh sát biển khác cứu.
Nguồn: VTV4; Báo Tin Tức; Báo Quốc Tế; Vietnamnet
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá