Người Việt hải ngoại: Xa quê nhớ Tết nhà; Tết hoài niệm; 3 nạn nhân buôn người ở Anh; Giáo viên được vinh danh ở Mỹ

XA QUÊ CÀNG NHỚ TẾT NHÀ

(Ảnh minh hoạ).

Qua chia sẻ của các tổ chức, hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài, năm nay các bạn tiếp tục có nhiều hoạt động tập thể ý nghĩa nhằm lan toả những giá trị Tết Việt trong cộng đồng cũng như đến bạn bè quốc tế.

Xa nhà mới thực sự "hiểu" Tết

Du học sinh Nguyễn Quang Hải - tại thành phố Tyumen, LB Nga - đã có 7 năm đón Tết cổ truyền ở nước bạn. Hải bộc bạch: “Ở nhà, Tết chủ yếu là bố mẹ lo. Xa nhà, muốn có không khí Tết, du học sinh phải tự tay trang trí ký túc xá, chuẩn bị mâm cỗ…”

Đón Tết xa nhà, du học sinh có thể tự làm những món ăn truyền thống của Việt Nam như: bánh chưng, giò chả, nem rán, dưa muối... Tuy mâm cơm không thể đầy đủ tất cả các món ăn truyền thống giống với mâm cơm tất niên ở quê nhà nhưng đó cũng là khoảnh khắc mà họ cảm thấy thực sự gắn bó với nhau và nỗi nhớ nhà cũng đã bớt đi nhiều.

Bên cạnh đó, các bạn còn sáng tạo để mang không khí Tết về ký túc xá. Họ vào rừng chặt những cành cây khô, làm những bông hoa đào, hoa mai bằng giấy, làm những quả cầu màu cam rồi gắn lên cây thông, tượng trưng cho cây quất.

Nhớ lại năm đầu tiên đón Tết xa nhà, Quang Hải chia sẻ: “Đó cũng là lần đầu tiên em biết đến cảm giác phải đón Tết ở xa gia đình, nhớ không khí mọi người tất bật chuẩn bị đón Tết, nhớ mâm cơm tất niên, nhớ khoảnh khắc mọi người trong cả đại gia đình cùng sum họp. Trước đây khi còn ở Việt Nam, em không hiểu hết được những giá trị tinh thần mà Tết đã mang lại. Nhưng giờ đây cảm giác đón Tết xa nhà đã cho em thấy được giá trị của gia đình và Tết Việt ấm áp đến nhường nào".

Sau 7 năm ở Nga, Quang Hải cùng hội lưu học sinh tại Tyumen không chỉ tổ chức Tết cho sinh viên Việt Nam mà còn cùng hội sinh viên của trường còn tổ chức chương trình đón Tết cho sinh viên Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chương trình nhằm giới thiệu và quảng bá những nét văn hoá đặc sắc trong việc chào đón năm mới của một số đất nước châu Á. “Tết năm nay diễn ra trùng với lịch thi nên ban ngày chúng em tới lớp dự các môn thi. Buổi tối, chúng em lại cùng nhau tụ họp tập văn nghệ. Tuy bận nhưng không ai muốn bỏ”, Quang Hải cho biết.

Nhiều chương trình tôn vinh văn hoá Tết cổ truyền

Những dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên đán cũng là dịp để các bạn thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức vì tập thể, tích luỹ nhiều trải nghiệm thú vị và ý nghĩa trong sinh hoạt cộng đồng.

Năm nay ở chi hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Sunmoon (Cheonan), một món ăn tinh thần được chuẩn bị công phu đã được tạo ra nhân dịp Tết. Hưởng ứng chương trình viết bài, video “Rộn ràng ngày Tết" của Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK), chi hội Sunmoon đã gửi đến một thông điệp Tết bằng clip với sự tham gia của nhiều thành viên.

Ngay từ những cảnh đầu tiên, sự xuất hiện của nhân vật gọi điện cho bố mẹ do không thể về quê ăn Tết đã nói lên tâm trạng của nhiều du học sinh không được đoàn tụ với gia đình sau nhiều ngày tháng xa cách. Tuy nhiên, ngay sau đó, chi hội cùng với nhiều tư liệu về hoạt động trong năm vừa qua như giao lưu văn nghệ, gian hàng đồ ăn Việt Nam truyền thống tại hội chợ, liên hoan tập thể nhân dịp Tất niên... Qua đó, chi hội Sunmoon đã gửi đến một thông điệp tích cực đến với tất cả các du học sinh:

"Ngày Tết mà xa quê hương thì buồn thật đấy. Nhưng ở đây còn có bạn bè, anh em du học sinh Sunmoon nối riêng và toàn Hàn Quốc nói chung luôn san sẻ yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau...".

Thông qua clip, chi hội cũng đã lan toả không khí đoàn tụ, sum vầy đến các bạn du học sinh Việt Nam tại Hàn cũng như giới thiệu Tết cổ truyền đến bạn bè quốc tế.

Hưởng ứng tinh thần trên, nhiều chi hội khác cũng gửi đến chương trình những hình ảnh liên hoan hay du xuân dịp Tết, những lời nhắn, chia sẻ về ý nghĩa của Tết đối với du học sinh. Những "sáng tạo" này là nỗ lực tôn vinh nét đẹp của Tết cổ truyền, nét đẹp của nghĩa tình đồng bào ở nước bạn.

Theo chia sẻ của Ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, hoạt động khuyến khích các chi hội cũng như cá nhân gửi những lời chúc, lời chào dịp Tết được đẩy mạnh trong những năm vừa qua. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tập trung đông người bị hạn chế, vì vậy việc tổ chức những hoạt động gắn kết cộng đồng bằng hình thức trực tuyến có ý nghĩa đặc biệt hơn cả.

"Chương trình là một dịp tuyệt vời để các Chi hội giao lưu, tìm hiểu, đoàn kết sâu rộng, mạnh mẽ hơn cũng như quảng bá hình ảnh ngôi trường mình đang theo học, cũng như nâng tầm hình ảnh các trường đại học tại Hàn Quốc đến toàn thể du học sinh trong và ngoài nước", Trưởng ban Đối ngoại truyền thông, Ban Chấp hành VSAK Phan Huệ Anh chia sẻ.

(Nguồn: Thời Đại)

TẾT HOÀI NIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI XA QUÊ: 'KHÔNG THỂ QUÊN MÓN THỊT MỠ, DƯA HÀNH'

Ra nước ngoài làm ăn, bôn ba mấy chục năm nhưng nhiều người Việt vẫn luôn hoài niệm về tết. Tết đoàn viên luôn là ký ức ấm áp, đầy tình thương giúp họ có động lực nơi xứ người.

“Nghèo đến mấy cũng có bộ quần áo mới!”

Bà Nguyễn Phương Thảo (58 tuổi) là người gốc Huế. Bà Thảo xa quê từ năm 1985. Thời xưa, ba của bà mất sớm, một mình mẹ nuôi 5 đứa con vô cùng vất vả. Một nhà máy dệt ở Hungary tuyển lao động đi học nghề, bà quyết định đi làm ăn xa để giúp đỡ gia đình. Hiện bà đang sống và làm việc tại Budapest, Hungary.

Rời Huế từ khi còn trẻ nhưng ký ức về tết luôn ở trong tiềm thức của bà Thảo. Bà cho hay, mỗi dịp tết đến, dù nhà có nghèo đến mấy mẹ cũng sắm cho các con mỗi đứa một bộ quần áo mới.

“Tôi vẫn nhớ bộ quần áo vải hoa màu xanh được mẹ sắm cho. Tết nào mẹ tôi cũng nấu bánh chưng, chị em tôi ngồi quanh bếp lửa để canh bánh. Dù gia đình khó khăn nhưng tôi luôn tự hào vì có đầy đủ sự ấm áp, tình yêu thương. Đó cũng là hành trang giúp tôi vững tin bước vào đời”, bà chia sẻ.

Bà Thảo luôn nhớ không khí trước tết rất rộn ràng, náo nức. Ở Huế, mọi người thường chơi hoa mai vào mỗi dịp tết nhưng nhà bà nghèo, không có tiền mua nên mẹ chỉ sắm ít cành hoa tươi về cắm.

“Mâm cơm tất niên không thể thiếu món dưa góp. Mẹ tôi cắt nhỏ đu đủ, cà rốt, củ cải trắng,… đem đi phơi để làm món này. Tôi luôn nhớ không khí tết ở Việt Nam nên những năm ăn tết ở Hungary gia đình cũng tổ chức để vơi đi nỗi nhớ. Mẹ tôi vẫn ở quê nên năm nào sắp xếp được tôi sẽ về ăn tết với mẹ, mùng 1 mừng tuổi để mẹ sống khỏe, bình an”, bà bộc bạch.

Nhớ gia đình quây quần bên nhau

Từ năm 1989 ông Hồ Sỹ Trúc rời quê nhà Quỳnh Lưu (Nghệ An) sang Ukarine làm việc. Hơn 30 năm bôn ba, dù có nhiều vất vả, khó khăn nhưng ông luôn hài lòng khi sinh sống ở thủ đô Kiev. Từ giữa tháng 3, Ukarine và Nga xảy ra xung đột, gia đình ông buộc phải di tản đến Đức. Gia đình ông đang ở nhờ nhà ở xã hội và đi tìm việc làm mới.

Ông Trúc tâm sự, vì gặp nhiều trở ngại nên ông đi biệt, 16 năm liên tiếp không đón tết ở quê nhà. Ông luôn xem tết là ngày đoàn viên, ngày của gia đình nên năm 2004, ông cố gắng sắp xếp thời gian quay về Việt Nam ăn tết với gia đình. Dù ở đâu, làm gì, ông vẫn nhớ mãi những ký ức về tết xưa.

“Tôi luôn hoài niệm về những ngày tết. Không phải thời gian làm phai nhạt đi tinh thần ngày tết mà có lẽ cuộc sống nhiều thay đổi, thế hệ trẻ sẽ có cách cảm nhận khác về tết. Còn tôi, tết vẫn luôn có sự thiêng liêng vì đó là dịp cả gia đình quây quần, đoàn tụ với nhau”, ông chia sẻ.

Với ông, được gặp cha mẹ, người thân trong những ngày tết sẽ lan tỏa ấm áp tình gia đình, quê hương. Bởi vậy, những năm không về đón tết ở quê, ông cũng tự tay chuẩn bị bánh chưng, trang trí ở Ukraine cho có không khí. Các gia đình người Việt cũng ngồi lại với nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà.

“Ngày xưa tiếng pháo giao thừa ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Nghe đến tiếng pháo là biết giây phút giao thừa đến gần. Trước đó, khoảng 28 - 29 tết, mọi người chuẩn bị lá dong để gói bánh chưng. Con cháu ngồi quanh nồi bánh chưng và có câu chuyện được kể với nhau”, ông bày tỏ.

Theo ông Trúc, đối với mỗi gia đình người Việt, “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” là điều không thể thiếu trong ngày tết. Thời đói khổ, ở quê ai cũng ngóng đến tết để được ăn thịt, ăn món bắp bò,…. Với ông, món thịt đông ngon nhất phải có nhiều mỡ, gia đình khá giả thường có thêm món giò chả trong mâm cơm ngày Tết.

“Cuộc sống thời xưa vô tư nên tôi luôn mong đến tết, tất cả thành viên trong gia đình yêu thương nhau. Hồi mới sang Ukraine, dù cuộc sống chưa ổn định nhưng tôi và 5 – 7 anh em khác vẫn cố gắng làm các món ngày tết. Nghèo khó nhưng không khi nào quên tết. Sau này, gia đình thường đón tết theo múi giờ của Ukraine, xong giao thừa sẽ lái xe đi chúc tết đến tận sáng để vơi đi nỗi nhớ”, ông kể lại.

Năm nay, vì hoàn cảnh phải di tản sang Đức, ông Trúc không khỏi xúc động khi nhắc về tết. Ông biết rằng, khoảnh khắc các gia đình người Việt ở Ukraine cùng tụ tập với nhau đón tết sẽ không thể thực hiện được vì giờ mỗi nhà đã di tản một nơi. Ông cũng không biết bao giờ mới có thể gặp lại họ…

(Nguồn: Thanh Niên)

ANH ĐỘT KÍCH ĐƯỜNG DÂY BUÔN NGƯỜI Ở LONDON, PHÁT HIỆN 3 NẠN NHÂN NGƯỜI VIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia (NCA) của Anh vừa thực hiện một loạt các cuộc đột kích trên khắp London và phát hiện 3 người Việt có thể là nạn nhân buôn người, còn gọi là nô lệ thời hiện đại.

Đây là một phần của cuộc điều tra về một nhóm tội phạm có tổ chức bị nghi ngờ sử dụng nạn nhân buôn người để vận hành các trang trại cần sa.

Ba người đàn ông đã bị bắt vào sáng 25/1 vì tình nghi phạm tội buôn người và sản xuất cần sa.

Các vụ đột kích diễn ra sau một chiến dịch vào tháng 4/2022 khi NCA phát hiện ra một trang trại cần sa khổng lồ hoạt động bên ngoài một nhà máy ở Stroud, Gloucestershire.

Cảnh sát tìm thấy 3 nạn nhân có thể là nô lệ thời hiện đại. Tất cả đều là công dân Việt Nam và đang làm việc tại cơ sở trên.

Cảnh sát đã thu giữ và tiêu huỷ khoảng 500 cây cần sa, có giá trị hơn 400.000 bảng Anh.

Một giới chức điều tra cấp cao của NCA, Neil Gardner, cho biết: “Ba cá nhân đã được bảo vệ an toàn, nhưng có khả năng còn nhiều nạn nhân khác mà chúng tôi chưa biết”.

Một báo cáo mới đây cho biết số lượng tội phạm nô lệ thời hiện đại ở Anh vào năm 2022 đã tăng gấp 11 lần so với năm 2015. Tính trung bình, các báo cáo về tội phạm nô lệ hiện đại đã tăng khoảng 56% mỗi năm kể từ năm 2015.

Những “nô lệ thời hiện đại” thường bị bóc lột, cưỡng bức lao động, làm những công việc bất hợp pháp hoặc bị lấy nội tạng.

Ước tính trên toàn cầu vào năm 2022 có khoảng 49,6 triệu người đang sống trong chế độ nô lệ hiện đại, tương đương với tỷ lệ 1/150 người. Con số này đánh dấu mức tăng thêm 9,3 triệu kể từ lần ước tính toàn cầu gần đây nhất vào năm 2017.

(Nguồn: VOA)

GIÁO VIÊN STEM GỐC VIỆT ĐƯỢC VINH DANH TẠI MỸ

Gắn bó với trường trung học có thành tích thấp nhất ở bang Nevada, Mỹ, Ben Hoàng Nguyễn là một giáo viên truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các học sinh nghèo với giáo dục STEM.

Ben Hoàng Nguyễn, 30 tuổi, sinh ra ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện là giáo viên môn Tự động hóa, Công nghệ sản xuất và Robotics tại trường Trung học Sunrise Mountain ở thành phố Las Vegas. Hôm 19/12, Ben được vinh danh tại cuộc thi "Thử thách ý tưởng lớn: Đổi mới sáng tạo giáo dục" do Quỹ Giáo dục Andre Agassi và Quỹ Engelstad ở bang Nevada tổ chức.

Ben nhận giải thưởng trị giá 200.000 USD (khoảng 5 tỷ đồng) để phát triển sáng kiến xây dựng nền tảng online giúp kết nối người dùng, trong đó chú trọng người trẻ, với các nhà tuyển dụng tại địa phương. Ben nảy ra ý tưởng này vào năm 2017 khi nhận thấy nhiều sinh viên phải vật lộn để tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, mục tiêu của Ben còn là kết nối việc đào tạo và cố vấn việc làm cho người dân Nevada.

Đây là giải thưởng thứ hai về giáo dục mà Ben Hoàng Nguyễn nhận được trong chưa đầy 10 năm là giáo viên ở Sunrise Mountain. Tháng 10/2019, anh được trao giải thưởng Milken Educator Awards kèm số tiền 25.000 USD (hơn 600 triệu đồng). Giải thưởng giáo dục uy tín này trao cho 40 giáo viên trên toàn nước Mỹ, ghi nhận sự tận tụy, xuất sắc và cảm hứng khoa học họ đã truyền cho học sinh. "Sự xuất sắc của Ben là ở khả năng vươn ra ngoài trường học, nhận ra rằng sự thay đổi giáo dục bắt nguồn từ sự thay đổi của một chiến lược toàn diện", ông Sisolak, thống đốc bang Nevada, thời điểm đó, nói.

Ben ban đầu tính theo đuổi ngành Y khoa theo mong muốn của gia đình. "Để vào được ngành Y khoa ở Mỹ, trước đó bạn phải tham gia rất nhiều khóa học khác nhau. Tôi đã học khoảng 8 lớp, làm rất nhiều dự án ở trong và ngoài nước", Ben nhớ lại. Ben lấy bằng cử nhân Nhân chủng học, Giáo dục và Phát triển con người tại Dartmouth College - ngôi trường thuộc nhóm Ivy League gồm 8 đại học danh giá nhất nước Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, Ben làm việc cho tổ chức Teach For America (TFA - tổ chức phi lợi nhuận, chiêu mộ những sinh viên tốt nghiệp từ đại học hàng đầu đến dạy ở những trường học khó khăn của nước Mỹ). Thời điểm đó, TFA hợp tác cùng Đại học Nevada Las Vegas cung cấp khóa học Thạc sĩ về Khoa học và Giảng dạy với học phí rẻ, khoảng 1.000 USD (25 triệu đồng). Chớp lấy cơ hội, Ben ứng tuyển, vừa học vừa làm việc tại một công ty công nghệ ở địa phương. "Mặc dù tôi học về con người nhưng tôi cũng rất thích khoa học. Với tôi, việc học không bao giờ dừng lại và TFA đã khiến tôi hiểu về việc học tập suốt đời", Ben nói.

Cũng thông qua TFA, năm 2014, Ben ứng tuyển vào Sunrise Mountain tại Las Vegas để dạy STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) cho học sinh từ lớp 9 tới lớp 12. Theo tờ Thenevadaindependent, đây là trường trung học có thành tích thấp nhất ở Nevada. "Ở Mỹ rất thiếu giáo viên. Bạn có bằng cử nhân và vượt qua các bài kiểm tra là có thể trở thành giáo viên. Thêm vào đó, giáo viên STEM giảng dạy tất cả những gì liên quan đến khoa học, không chỉ Toán, Lý, Hóa", chàng trai gốc Huế chia sẻ.

Ban đầu, Ben dạy môn Vật lý ở ba cấp độ khác nhau, từ Regular (thường), Honor (chất lượng cao) và Advanced (nâng cao). Nhận thấy việc truyền đạt lý thuyết suông khiến học sinh không có cách nào áp dụng những khái niệm mà họ đang học, Ben bắt tay vào việc đưa công nghệ vào các tiết học trên lớp như giảng giải về cánh tay robot và máy CNC (máy cắt được điều khiển bằng máy tính), đồng thời mở một câu lạc bộ Robotics. "99% học sinh của tôi đến từ gia đình nghèo, chủ yếu là người da màu, da đen. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để truyền đạt cho học sinh tri thức về công nghệ cao, sản xuất, kỹ thuật ở trên đại học. Các em có thể trở thành kỹ sư, thợ máy hay làm bất kỳ công việc gì mà các em yêu thích", Ben nói, cho rằng bằng cách này, học sinh sẽ áp dụng Vật lý chứ không còn là học Vật lý, từ đó giúp giải quyết vấn đề thực tế thay vì giải bài tập trên giấy.

Với môn Toán, theo Ben, để giúp học sinh có trình độ đồng đều là một thử thách lớn. Nam giáo viên đã dành thời gian để bổ túc thêm và dạy học sinh cách ứng dụng Toán học vào các dự án. Sau 3 tháng, học sinh đã bầu chọn anh là giáo viên của tháng. Ben ấn tượng với một nam sinh có điểm trung bình 2.5/4, thích công nghệ nhưng gặp khó khăn trong môn Toán và không thấy con đường sáng sủa sau khi tốt nghiệp. Với sự hỗ trợ của Ben, nam sinh này ra trường với điểm trung bình 3.1/4 và năm ngoái đã tốt nghiệp Kỹ sư máy móc tại Đại học Nevada ở Las Vegas. "Nếu bạn thực sự có một lớp học tuyệt vời hoặc một trải nghiệm tuyệt vời sau giờ học, nếu bạn dẫn dắt học sinh của mình đi đúng hướng, nếu bạn tin tưởng họ, thì họ sẽ chứng minh rằng bạn không chỉ không sai mà còn thực sự gây ấn tượng", Ben chia sẻ. Với Ben, điều quan trọng với một giáo viên là giúp được gì cho người khác, chứ không nằm ở bằng cấp từ một đại học nổi tiếng.

Ngoài giảng dạy tại trường, Ben và học sinh tham gia LVL UP Expo - một sự kiện về trò chơi điện tử và phim hoạt hình, hay InterDrone và Commercial UAV Expo - nơi trưng bày công nghệ máy bay không người lái. Ben hướng dẫn học sinh tham gia nhiều cuộc thi về Robotics như VEX Robotics (loại robot được sử dụng phổ biến nhất trong trường học Mỹ), First Robotics Competition (FRC) - thử thách máy bay không người lái, để các em tiếp xúc nhiều với công nghệ.

Vì học sinh đa phần đến từ gia đình nghèo, việc có đủ kinh phí chế tạo robot đem đi thi, theo Ben là cực kỳ khó khăn. "Tôi đã cùng học sinh xây dựng ý tưởng và làm hồ sơ xin tài trợ từ các công ty công nghệ lớn như Tesla, Samsung. May mắn, dự án đã được thông qua và có đủ kinh phí để chế tạo robot hoàn chỉnh", Ben nói, cho biết thành tích tốt nhất của đội Robotics của trường là vào đến vòng Bán kết cuộc thi FRC năm 2016. Khi đó, đề bài yêu cầu học sinh chế tạo robot khoảng 60 kg để thi một môn thể thao có tên First Stronghold, học sinh của Ben có cơ hội thi đấu với một trong những đội robotics mạnh nhất nước Mỹ. Theo Ben, khi tham gia một cuộc thi, học sinh sẽ có mục tiêu cụ thể, từ đó có động lực học tập và phát triển bản thân tốt hơn.

Nam giáo viên gốc Việt cũng hỗ trợ học sinh làm hồ sơ ứng tuyển vào đại học hoặc những công việc mong muốn. Nhiều học sinh của Ben sau khi ra trường đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất, tự động hóa và khoa học máy tính, một số ít hiện là lao động lành nghề tại Tesla. Ben nói trong 5 năm giảng dạy ở trường, anh được ghi nhận vì góp phần giúp tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh tăng từ 34% lên 93%.

Ben từng nhiều lần quay lại Việt Nam, tham gia dạy cho các trẻ em mồ côi ở Huế, lần gần nhất cách đây 7 năm. "Chỉ khoảng hai tháng, tôi dạy các em về Toán học, Vật lý và nhận thấy học sinh Việt Nam xem trọng việc học, tập trung vào bài giảng và tiếp thu tốt", Ben chia sẻ. Thầy giáo gốc Việt tin rằng giáo dục STEM sẽ mở ra nhiều cơ hội cho học sinh trong tương lai.

(Nguồn: Tầm Nhìn)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Hồn Việt trên đất Mỹ; YouTuber 'vàng' ở Đức; Dạy tiếng Việt ở Đài; Làm nông ở Úc; Bị dò xét ở Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang