Người Việt hải ngoại: Văn hóa Việt ở Pháp; Làm việc cho 2 cơ quan đầu não của Anh; Tân HH thế giới người Việt; Nữ giáo sư ở Ba Lan

KHÁM PHÁ VĂN HÓA VIỆT TẠI PHÁP

Cuối tháng 6 vừa qua, người dân thành phố Languidic, vùng Morbihan, Pháp có cơ hội tìm hiểu và khám phá văn hóa Việt Nam tại Festival Vietnam lần thứ 2 được tổ chức tại đây.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án cộng đồng và giao thoa văn hóa quốc tế Toucher Arts do Hiệp hội ART SPACE sáng lập, có sự tham gia của 33 thành viên là các học sinh người Việt và gốc Việt từ 13-17 tuổi đến từ Việt Nam, Canada, Australia, Nhật, Pháp…

Với mong muốn truyền tải vẻ đẹp của tiếng Việt cùng các truyền thống văn hóa của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, các thành viên dự án Toucher Arts đã chọn câu chuyện quen thuộc về ngày tết là "Sự tích bánh chưng bánh dày", kết hợp với hình thức kịch rối, khiến cho các khán giả nhỏ tuổi vô cùng thích thú. Các em nhỏ người Pháp cùng gia đình còn hào hứng trả lời câu hỏi về văn hóa Việt để nhận quà tặng và để hiểu thêm về các phong tục truyền thống của Việt Nam.

Toàn bộ phần kịch bản, chuyển ngữ, dựng và vẽ sân khấu kịch rối, điều khiển nhân vật, dẫn chuyện, hướng dẫn workshop… đều do các bạn trẻ thanh thiếu niên gốc Việt của dự án Toucher Arts từ khắp nơi trên thế giới cùng thực hiện. Các phần trình diễn múa dân gian, múa đương đại của các học sinh người Việt và trẻ em Pháp đã giúp giới thiệu âm nhạc Việt Nam tới bạn bè quốc tế một cách trẻ trung, độc đáo.

Là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết của các bạn trẻ, Festival Vietnam không chỉ là cơ hội để giới thiệu về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam mà còn được xem là sự kiện quan trọng kết nối cộng đồng Việt sinh sống khắp năm châu.

Chị Hoàng Thu Trang, Chủ tịch Hiệp hội ART SPACE, Trưởng Ban tổ chức, cho biết, để tổ chức được Festival Vietnam, ban tổ chức đã phải chuẩn bị trong nhiều tháng và huy động rất nhiều tình nguyện viên, cộng tác viên tới từ khắp thế giới. Bên cạnh đội ngũ 33 thành viên trẻ của Toucher Arts là sự nhiệt tình của hàng chục tình nguyện viên người Pháp ở vùng Morbihan, các nghệ sĩ đến từ Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Paris và đội ngũ võ sư đến từ câu lạc bộ Minh Long, thành phố Mordelles.

Đặc biệt, ở mỗi nơi sự kiện diễn ra đều có sự ủng hộ của đông đảo người dân Pháp. Các thành viên dự án Toucher Arts đã vinh dự nhận được Chứng nhận do Thị trưởng thành phố Languidic tặng, ghi nhận sự đóng góp của các thành viên trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp, mang lại những giá trị lớn cho cộng đồng Pháp.

Festival Vietnam là điểm cuối của hành trình quảng bá văn hóa của dự án 2024. Trước khi tới Languidic, ART SPACE đã tổ chức thành công tuần lễ Vietnam ở Nantes, Saint Herblain và cả Paris, hợp tác với rất nhiều đối tác lớn như Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, Hiệp hội Tisse Metisse, Bộ phận Quan hệ quốc tế của thành phố Saint Herblain… Riêng trong chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa Việt tại Pháp trong năm 2024, ước tính các sự kiện do ART SPACE tổ chức đã tiếp cận gần 10.000 người Pháp.

Nhắc đến sự kiện, Thị trưởng thành phố Languidic Laurent Duval hào hứng chia sẻ, ông đã có một buổi tối tuyệt vời tận hưởng âm nhạc, võ thuật, các điệu múa và cả ẩm thực Việt Nam.

Ông Laurent Duval khẳng định: “Tôi nhận thấy đây là một sự kiện cực kỳ thú vị và đặc sắc vì các bạn đã quy tụ được các bạn trẻ Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đến đây, cùng tham gia tổ chức sự kiện. Các bạn học sinh Languidic vùng Bretagne rất vui khi được đón tiếp các bạn trẻ Việt Nam. Trên hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các bạn vì sự tận tâm trong dự án”.

CHÀNG THẠC SỸ NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN TỪNG LÀM VIỆC CHO 2 CƠ QUAN ĐẦU NÃO CỦA CHÍNH PHỦ ANH

Vũ Đỗ Khanh (1992) hiện là Giám đốc điều hành một đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách quốc tế. Trước đó, anh là sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào chương trình thạc sĩ Chính sách công của Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, Đại học Oxford. Khanh cũng là người Việt đầu tiên làm việc cho hai cơ quan đầu não của Chính phủ Anh.

Mong muốn được du học từ lâu, năm cấp 3, Khanh được nhận vào 3 ngôi trường đại học thuộc nhóm Ivy League. Nhưng vì một biến cố, ước mơ này phải tạm gác lại. Thay vào đó, anh lựa chọn thi vào ngành Đông Phương học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Năm 2013, anh giành giải Nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương Quốc Anh do Đại sứ quán Anh tổ chức. Thành tích này đã giúp Khanh nhận được bức thư giới thiệu của Đại sứ Vương Quốc Anh khi nộp đơn vào các đại học hàng đầu Anh Quốc.

Thành công vào vòng phỏng vấn, Khanh có cơ hội trò chuyện trực tiếp với hội đồng gồm 5 giáo sư, điều này đã góp phần giúp anh nhận được suất học bổng toàn phần của Đại học Oxford và Harvard. Sau cùng, anh quyết định gắn bó với Đại học Oxford. Sau hơn 1,5 năm, Khanh là một trong 10 sinh viên của khóa tốt nghiệp hạng Xuất sắc tại Đại học Oxford.

Hơn 5 năm kể từ khi tốt nghiệp thạc sĩ, Khanh từng làm một vài vị trí tại Liên Hợp quốc và Quỹ tiền tệ quốc tế. Cuối năm 2022, khi sự nghiệp đang thuận lợi, anh lại quyết định về nước với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

VẺ ĐẸP CỦA TÂN HOA HẬU THẾ GIỚI NGƯỜI VIỆT TIFFANY NGUYỄN

Sở hữu vẻ đẹp khả ái, cùng cách ứng xử thông minh, doanh nhân Tiffany Nguyễn đăng quang Hoa hậu thế giới người Việt kỳ thứ 22 tại Mỹ.

Trong đêm Chung kết Hoa hậu thế giới người Việt tại Mỹ, người đẹp Tiffany Nguyễn chọn 2 bộ trang phục do NTK Đỗ Long thiết kế. Nếu chiếc áo dài sắc trắng tinh khôi lấy ý tưởng từ đôi cánh thiên thần, thì bộ dạ hội ánh kim mang biểu tượng của sắc màu hoàng gia. Bộ dạ hội được kết cườm, pha lê óng ánh giúp người đẹp nổi bật trên sân khấu. Vượt qua 19 thí sinh đến từ khắp nơi trên thế giới, nữ doanh nhân giành vương miện kỳ thứ 22 của cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt.

Trước khi đến với cuộc thi, nữ doanh nhân Tiffany Nguyễn từng đăng quang nhiều cuộc thi như Hoa hậu thành phố Atlantic City, thắng giải Mrs. Globe Vietnam USA 2013 và hai giải phụ gồm Mrs. Globe Vietnam Inter - Fashion 2013 và Mrs. Globe Vietnam Photogenic 2013.

Hoa hậu Tiffany Nguyễn có niềm đam mê và thích thú với nghề làm đẹp nên đã quyết định học ở Westmore Academy tại thành phố Hollywood. Với kinh nghiệm nhiều năm, hiện Tiffany đang điều hành 1 trung tâm thẩm mỹ ở thành phố San Jose. Cô cũng trở thành gương mặt đại diện độc quyền cho Beauty Image.

Chia sẻ về cuộc sống riêng, Tiffany cho biết cô có cuộc hôn nhân hạnh phúc với chồng Nick Nguyễn và con trai 1 tuổi (Richard Nguyễn) ở thành phố Fountain Valley. Chồng là người tâm lý, biết thông cảm và luôn ủng hộ cô trong mọi công việc. Là tuýp phụ nữ mạnh mẽ, hoa hậu thế giới người Việt Tiffany Nguyễn mạnh mẽ và sẵn sàng đối mặt với mọi vấn đề khi trở thành nữ lãnh đạo ở độ tuổi còn trẻ. "Người phụ nữ vừa lo thiên chức làm mẹ, làm vợ, lo việc sinh con, dạy dỗ và chăm sóc con ăn học. Bởi vậy tài lãnh đạo đã có sẵn trong người phụ nữ. Đăng quang Hoa hậu thế giới người Việt tại Mỹ năm 2024 là cơ hội để lan tỏa giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt trên thế giới thông qua các hoạt động từ thiện, nhân rộng tấm lòng nhân ái để giúp đỡ, hỗ trợ được nhiều người hơn nữa".

NỮ GIÁO SƯ VẬT LÝ NGƯỜI VIỆT TẠI BA LAN

Trở thành nhà khoa học nữ gốc Việt đầu tiên được Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trao quyết định phong học hàm Giáo sư quốc gia, bà Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân cho biết bà rất tự hào là người Việt Nam.

Từ đàn tranh đến Vật lý

Vừa được Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trao quyết định phong học hàm Giáo sư quốc gia, cảm xúc của bà lúc này thế nào?

Lập nghiệp tại nước ngoài không chỉ phải vượt qua những khó khăn chủ quan mà còn có rất nhiều khó khăn khách quan, khó hơn nhiều so với những người sống tại nước sở tại.

Bởi vậy, bất cứ thành công nào của người Việt nói chung, đặc biệt là của những nhà khoa học người Việt nói riêng, đều là minh chứng cho sự chăm chỉ, cần cù và rất cầu tiến.

Tôi tự hào được đứng trong hàng ngũ các nhà khoa học gốc Việt lập nghiệp thành công ở nước ngoài.

Nẻo đường đến với Vật lý của Giáo sư diễn ra như thế nào?

Tôi thiên về Toán, Lý, Hóa và thường xuyên đứng đầu lớp ở trường phổ thông. Tuy nhiên, tôi lại học nhạc và chơi piano, đặc biệt chơi chuyên nghiệp đàn tranh. Thời niên thiếu, tôi thường xuyên đi biểu diễn trong các buổi hòa nhạc của trường nhạc.

Tuy nhiên, để chọn một nghề thì tôi chọn Vật lý.

Toán đối với tôi thì khô khan vì chỉ làm việc với những phương trình. Hóa nhiều khi cũng nguy hiểm nếu không cẩn thận để xảy ra các phản ứng hóa học...

Trong khi đó, Vật lý là cả thế giới xung quanh. Tôi thích nghiên cứu thực nghiệm, thích tự mình có ý tưởng, thực hiện nó rồi thu được kết quả...

Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình tại phòng thí nghiệm vật lý nhiệt độ thấp tại khoa Vật lý của trường. Sau đó, tôi tham gia nghiên cứu tại Viện Natuurkundig Laboratorium, trường Đại học Amsterdam, Hà Lan.

Học tập và nghiên cứu tại Việt Nam rồi Hà Lan, vậy còn cơ duyên của bà với Ba Lan?

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Vật lý và Thiên văn tại trường Đại học Amsterdam năm 1993, tôi cộng tác khoa học quốc tế rộng rãi và có nhiều bài báo khoa học đăng chung.

Hợp tác quốc tế rất hiệu quả này được duy trì trong suốt sự nghiệp khoa học của tôi. Hợp tác hiệu quả nhất trong thời gian làm nghiên cứu sinh là tôi đã xây dựng được một hệ đo thực nghiệm cho phòng thí nghiệm tại Amsterdam, hệ đo được khởi động, thu thập và phân tích số liệu hoàn toàn tự động bằng máy tính. Trong các đồng nghiệp mà tôi cộng tác lúc đó, có một đồng nghiệp từ Krakow (Ba Lan) là TS. Zbigniew Tarnawski, người sau này trở thành chồng tôi. Thật sự là khi đó tôi chưa biết gì về Ba Lan, mà chỉ đến đây “theo tiếng gọi tình yêu”.

Chồng tôi làm việc tại trường AGH-Krakow và tiếp tục làm việc ở đó, trong khi tôi bắt đầu sự nghiệp từ số không và hai bàn tay trắng, vì điều kiện nghiên cứu khoa học thời đó ở Ba Lan còn nghèo nàn.

AGH-Krakow là trường rất lớn và quan trọng nhất là có điều kiện nghiên cứu khoa học nên chồng tôi tiếp tục được đề tài nghiên cứu đã làm ở Amsterdam.

Tôi làm việc ở Trường Sư phạm Krakow. Không có điều kiện tiếp tục đề tài như tôi làm ở Amsterdam, tôi phải chuyển sang đề tài vật lý bề mặt, đến nay là vật lý nano. Tôi xây dựng phòng thí nghiệm cấu trúc nano từ nguồn tiền tài trợ của Hội đồng châu Âu trong chương trình phát triển và đổi mới Trường Sư phạm Krakow, dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh làm quen với chuyên ngành này.

“Quê hương là chùm khế ngọt”

Dù sống và làm việc ở Ba Lan nhưng bà có rất nhiều hoạt động gắn bó nơi quê nhà?

Như bất cứ người Việt xa xứ nào, tôi luôn hướng về quê hương, vì “quê hương là chùm khế ngọt”.

Như phần lớn các nhà khoa học Việt, khi đã đạt thành công và có vị trí nhất định, việc đầu tiên là tôi rất muốn giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam trong khoa học.

Bước đầu, tôi hợp tác khoa học với đồng nghiệp tại Việt Nam, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Thứ hai, để mở rộng mạng lưới cộng tác, tôi mời các nhà khoa học Việt Nam tham quan các viện, trường tại Ba Lan, đặc biệt là các hoạt động trên cơ sở các hiệp định ký kết hai bên về hợp tác.

Thứ ba, cũng là bước quan trọng nhất là hợp tác trong đào tạo nghiên cứu sinh người Việt. Việc giúp đỡ có hiệu quả phải cần có vị trí vững trong khoa học để có thể tìm nguồn tài chính, tìm được nơi làm việc thích hợp cho nghiên cứu sinh tại trường, cũng như làm cầu nối đến các viện, trường khác.

Là Chủ nhiệm chương trình đào tạo nghiên cứu sinh về vật lý, sau đó là thành viên Ban điều hành đào tạo nghiên cứu sinh của trường, tôi đã giúp đỡ các nghiên cứu sinh người Việt, kể cả việc tìm giáo sư hướng dẫn đề tài nghiên cứu thích hợp.

Hiện tại, tôi là thành viên Ban chấp hành của Hội Khoa học công nghệ Việt Nam tại Ba Lan. Một trong mục tiêu chính của Hội là tổ chức hội thảo thường niên cho sinh viên Việt Nam tại Ba Lan.

Nói chung, tất cả các nhà khoa học Việt mà tôi biết đều có chung mục đích là giúp đỡ thế hệ khoa học trẻ Việt. Nó gần như là một phản ứng tự nhiên, là lẽ đương nhiên. Vì khi chúng tôi bắt đầu sự nghiệp cũng được các thế hệ trước giúp rất nhiều và nay đến lượt chúng tôi giúp đỡ thế hệ trẻ hơn. Không ai suy nghĩ gì nhiều, cứ thấy có cơ hội nào đó là tìm cách giúp.

Vậy Việt Nam trong lòng bà như thế nào?

Tôi rất nhớ Việt Nam, thường về quê tham gia các hội nghị quốc tế và du lịch. Trước dịch Covid-19, cứ mỗi hai năm cả nhà tôi lại về Việt Nam, có những năm vợ chồng tôi về hai lần.

Tôi đưa chồng đi rất nhiều nơi, từ Bắc chí Nam, vì tôi muốn giới thiệu đất nước, con người Việt Nam và chồng tôi cũng rất thích thiên nhiên, quan tâm đến lịch sử Việt Nam.

Chúng tôi đến đất mũi Cà Mau, Hà Tiên, U Minh Thượng, Phú Quốc, Đồng Tháp Mười, chợ nổi Cái Răng, Hội An, Đà Nẵng, cố đô Huế, động Thiên Đường, Tràng An, Hạ Long… trèo lên núi Bài Thơ, chạm đỉnh Fansipan, lội suối Lenin, thăm và ngồi trong hang Cốc Bó…

Tôi không chỉ là nhà khoa học, mà vẫn là phụ nữ Việt truyền thống, thích nấu nướng, làm bánh, may vá, đan, móc. Bà và mẹ tôi là phụ nữ Hà Thành gốc nên từ nhỏ tôi đã nấu thạo các món Việt truyền thống, gói bánh chưng không cần khuôn.

Tôi cũng nấu rất thạo các món truyền thống Ba Lan và nhiều món Âu, vì đây luôn là cách giải tỏa tinh thần hữu hiệu khỏi công việc khoa học khá nặng đầu, đồng thời là phương thức chăm lo gia đình. Khi mời các bạn Âu đến nhà, không thể thiếu món nem rán và món cuốn Việt.

Tôi còn tự làm giò lụa, chả quế... Khi trời nóng, tôi nấu chè đỗ đen, thạch đen với hạt chân châu, chè đỗ xanh với hạt sen, hay chè hạt sen long nhãn...

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6 triệu kiều bào, trong đó có nhiều trí thức hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Theo bà, Việt Nam cần làm gì để khơi thông nguồn lực này nhằm phát triển đất nước?

Theo tôi, cần tạo điều kiện để trí thức kiều bào có thể tiến hành công việc ở Việt Nam. Chúng tôi rất hiểu những khó khăn ở Việt Nam về nghiên cứu khoa học nên không đặt nặng vấn đề tài chính khi giúp đỡ Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được một đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả, chắc chắn cần nguồn tài trợ.

Ở châu Âu nói chung, các đề tài hợp tác đều dựa trên cơ sở hai bên cùng đóng góp và cùng thực hiện. Cho nên, sự đóng góp tài chính cụ thể từ phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt cho chúng tôi tìm được nguồn tài chính từ nước sở tại.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng; Nguồn Lực; Thanh Niên; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

YOUTUBE: Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-CHLB Đức

Trong hai ngày 17 và 18/5, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Leipzig đã phối hợp với Sở thú Leipzig tổ chức “Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig ” kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức (1975 – 2025).

Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ đa văn hóa do chính quyền thành phố Leipzig tổ chức nhằm tạo không gian để các cộng đồng sinh sống trên địa bàn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, ẩm thực... của đất nước mình.

Nguồn: TTX VIỆT NAM

Đức Việt Online

YOUTUBE: Lễ Trao tặng Huy hiệu Danh dự, tôn vinh ông Bùi Quang Huy & 8 nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất

Lễ vinh danh chín nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất Leipzig trong những năm qua, được tổ chức trang trọng tại Hội trường, Tòa Thị chính Thành phố Leipzig.

Trước sự chứng kiến ​​của các nhân vật trọng yếu, các phó thị trưởng, hội đồng thành phố, ban đối ngoại, sở văn hóa, đặc trách ngoại kiều, các ban nghành thành phố, Thị trưởng Burkhard Jung, cổ đeo vòng dây chuyền vàng Goldketten uy nghi, trịnh trọng trao tặng huy hiệu, bảng vàng danh dự, bằng khen của Thành phố Leipzig cho 9 nhà hoạt động cộng đồng  xuất sắc nhất trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị.

Tác giả Đức Thúy

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Lên đầu trang