Người Việt hải ngoại: Ươm mầm tiếng Việt ở HQ; Đoạt giải ở Nhật; Gia đình ở Qatar; Kết nối start-up; Bánh mì ở Đài Bắc

ƯƠM MẦM TIẾNG VIỆT CHO CON EM GIA ĐÌNH VIỆT-HÀN

(Ảnh minh hoạ).

Mong muốn góp phần lưu giữ và ươm mầm tiếng Việt trong thế hệ con em thuộc gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc, nhiều người tình nguyện tham gia các lớp dạy học tiếng Việt với niềm tự hào về công việc ý nghĩa của mình.

Tổ chức lớp học tiếng Việt là hoạt động thường niên đầy ý nghĩa của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc với mục đích giúp con em các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn học tiếng mẹ đẻ và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước.

Không chỉ ở thủ đô Seoul, mô hình lớp học này được nhân rộng thành công ở nhiều thành phố như Daejeon, Gwangju-Chonnam... Việc mở lớp học là mong mỏi của rất nhiều bà mẹ người Việt muốn con cái biết tiếng Việt để gắn chặt hơn tình mẫu tử, cũng như giúp con cái hiểu được văn hóa, đất nước Việt Nam.

Phụ trách lớp học thường là những sinh viên đang học tập tại các trường đại học Hàn Quốc ở các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và những người Việt có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt lâu năm tại đây...

Sinh viên làm giáo viên

Đang học thạc sĩ ngành giáo dục tại Hàn Quốc, cô sinh viên năng động Phương Anh làm thêm một số các công việc về giảng dạy tiếng Hàn, dạy tiếng Việt và biên phiên dịch tự do.

Việc giảng dạy tiếng Việt đến với cô như một duyên lành. Ban đầu, bản thân cô không chủ ý hướng theo con đường dạy tiếng Việt nhưng nhờ sự tín nhiệm của những anh chị trong Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến khích, cô được giới thiệu vào dạy tiếng Việt cho các em nhỏ trong gia đình đa văn hóa.

Phương Anh chia sẻ: “Đây là công việc rất có ý nghĩa. Khi được đảm nhận nhận lớp học tiếng Việt này, tôi thấy các em rất ngoan, học rất chăm chỉ. Nhìn thấy các em như vậy, tôi càng có động lực tìm tòi để soạn ra những cái bài giảng thú vị hơn.

Bây giờ thì cứ hàng tuần, tôi lại có thêm niềm vui mới là gặp gỡ và dạy tiếng Việt cho các bạn”.

Với cô gái Việt Nam này, công việc giảng dạy không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào, giúp cho các bạn nhỏ giao tiếp được bằng tiếng Việt trong gia đình và xã hội. Xa hơn nữa là cô có thể góp phần cho sự phát triển và gắn kết quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, theo Phương Anh, đa số các em nhỏ trong gia đình đa văn hóa ở độ tuổi còn quá nhỏ để có thể nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ và giữ gìn tiếng Việt. Đây là trọng trách và vai trò của người lớn, cần phải giúp các em có định hướng rõ về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Từ những kinh nghiệm thực tế trong việc giảng dạy tại xứ sở kim chi, cô bộc bạch: “Dù ở Hàn Quốc đã có những lớp học tiếng Việt dành cho các em nhỏ, nhưng điều quan trọng là phụ huynh phải cùng đồng hành, hỗ trợ. Ví dụ, đốc thúc các bạn làm bài tập về nhà, khơi gợi để các bạn nói chuyện bằng tiếng Việt nhiều hơn...

Chúng ta cũng nên mở nhiều chương trình giao lưu tiếng Việt để các em có nhiều hứng khởi hơn trong việc học ngôn ngữ.

Cuối cùng, học đi đôi với thực hành, học mà chơi, chơi mà học, luôn tạo không khí thoải mái để các em nhỏ cảm thấy yêu tiếng Việt một cách chủ động chứ không phải là miễn cưỡng”.

Phương Anh cho rằng ngôn ngữ mẹ đẻ chính là cội nguồn, là tình yêu thương gắn kết của gia đình, dân tộc Việt Nam. Cô giáo trẻ gửi gắm niềm tin tiếng Việt có thể trở thành công cụ hữu ích cho con đường phát triển tương lai sự nghiệp của các em nhỏ trong các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn sau này.

Cô dâu Việt bén duyên với nghề

Playvolume00:00/00:31PERFUMTruvid

Theo chồng sang Hàn Quốc từ năm 20 tuổi, đến nay Kim Thoa đã gắn bó với xứ sở kim chi được 19 năm.

Khoảng thời gian 10 năm đầu, cô quẩn quanh với công việc của người phụ nữ trong gia đình: sinh con, nuôi dạy con và làm việc nhà. Sau đó, khi bé lớn bắt đầu đi học mẫu giáo, cô mới có thời gian đi học tiếng Hàn và dần dần bén duyên với nghề dạy.

Đến nay, Kim Thoa dạy tiếng Việt cho sinh viên Đại học quốc gia Chungnam và học sinh các trường tiểu học ngoài giờ học chính thức được tám năm. Gần đây, cô tham gia giảng dạy ở lớp học tiếng Việt cho trẻ em gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.

Thời gian đầu mới đến với nghề dạy học, cô dâu Việt gặp nhiều khó khăn như quên chữ Việt, viết sai chính tả vì sang Hàn Quốc ít dùng... nên mỗi lần lên lớp phải chuẩn bị thật kỹ, xem đi xem lại. Tuy nhiên, sự chăm chỉ của các trò đã trở thành động lực và niềm vui của cô mỗi ngày.

Mặt khác, bộ môn tiếng Việt ngày càng được coi trọng và được giảng dạy trong nhiều trường học tại Hàn Quốc. Các giáo viên như cô Thoa khi làm việc tại đây được nhà nước Hàn Quốc đầu tư trang thiết bị, trả lương nên họ có thể yên tâm công tác và tâm huyết với nghề.

Niềm tin về cơ hội của tiếng mẹ đẻ

Với sự thành công của các lớp học tiếng Việt và sự nhiệt tình của các giáo viên như Phương Anh, Kim Thoa… thế hệ kiều bào thứ hai sẽ trở thành cầu nối, góp phần vào thúc đẩy quan hệ hai nước Việt - Hàn trong tương lai.

Tại Hàn Quốc, việc học và sử dụng thành thạo tiếng Anh là yếu tố thiết yếu để kiếm việc làm lương cao và cơ hội thăng tiến, nhưng vẫn có nhiều người đang theo học một ngôn ngữ ít phổ biến hơn như tiếng Việt.

Với kinh nghiệm hơn tám năm giảng dạy tại các công ty, trung tâm ngoại ngữ cho người nước ngoài và thế hệ con em gia đình Việt-Hàn, cô giáo Vũ Thị Thái Linh vui mừng nhận thấy nhu cầu học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt và người Hàn ngày càng cao.

Cô cho biết, đối tượng học được mở rộng từ lãnh đạo, nhân viên các công ty đến đầu tư ở Việt Nam đến sinh viên Hàn Quốc, con em gia đình đa văn hóa Việt-Hàn, trẻ em Hàn, phụ nữ kết hôn lưu trú...

Tại thành phố Daejeon, hiện có rất nhiều con em gia đình đa văn hóa không biết, biết ít hoặc không quan tâm đến văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là tiếng Việt. Nguyên nhân một phần là các bậc làm cha, làm mẹ sinh sống và dùng ngôn ngữ Hàn như người bản địa, phần khác là vì công việc quá bận rộn nên họ không có thời gian dạy con.

Tuy nhiên, nếu tất cả con em gia đình đa văn hóa có thể sử dụng song song cả ngôn ngữ mẹ đẻ và sở tại thì các em sẽ dễ dàng hòa nhập hơn, cộng đồng người Việt sẽ vượt trội hơn hẳn so với các cộng đồng đa văn hóa khác.

Là một người mẹ có con mang hai dòng máu Việt-Hàn, chị Châu Thị Ngọc Mai đang sinh sống tại Daejeon thấu hiểu nỗi lòng của những người mẹ mong muốn con mình có thể nói được hai ngôn ngữ của cả ba và mẹ.

Chị tâm sự: “Dù sống tại Hàn Quốc, các con vẫn không quên ông bà ngoại và những người thân đang sống ở Việt Nam. Đó là quê hương của mẹ, là một phần dòng máu đang chảy trong người các con. Tôi chỉ mong được nghe các cháu có thể hỏi thăm, nói chuyện với ông bà ngoại, với những người bạn đồng hương bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Thời gian tới, theo kế hoạch, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ mở thêm các lớp học tiếng Việt trên toàn quốc.

Dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và nguồn tài trợ từ các trung tâm gia đình đa văn hóa, các công ty ở Hàn Quốc, Hội tiếp tục phối hợp với Quỹ Phát triển châu Á để hỗ trợ các học sinh sau khi tốt nghiệp cấp ba, đào tạo tiếng Việt và cấp học bổng cho học sinh đi du học tại các trường đại học ở Việt Nam.

Hơn ai hết cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc mong muốn mô hình lớp học như vậy được nhân rộng để tất cả con em các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt có cơ hội học ngôn ngữ mẹ đẻ.

(Nguồn: Việt Báo)

THỰC TẬP SINH VIỆT NAM ĐOẠT NHIỀU GIẢI CAO TRONG CUỘC THI HÙNG BIỆN TIẾNG NHẬT

Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 50 thực tập sinh nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng trên khắp Nhật Bản.

Tại vòng chung khảo cuộc thi hùng biện tiếng Nhật lần thứ 3 dành cho các thực tập sinh nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng, được tổ chức ở Tokyo ngày 1/12, 4 thí sinh Việt Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ từ các nước khác để đoạt giải. Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 50 thực tập sinh nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng trên khắp Nhật Bản.

Cuộc thi hùng biện tiếng Nhật dành cho các thực tập sinh nước ngoài do tập đoàn Toda Mirai tổ chức thường niên từ năm 2020. Đây là sân chơi rất bổ ích nhằm giúp các thực tập sinh nước ngoài giao lưu và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản, đồng thời nâng cao trình độ tiếng Nhật. Việc Việt Nam thường xuyên đóng góp số lượng lớn thí sinh tham dự và giành kết quả cao đã khẳng định tinh thần ham học hỏi và năng lực của các thực tập sinh kỹ năng của Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.

(Nguồn: VTV4)

GIA ĐÌNH VIỆT Ở QATAR VUI WORLD CUP 2022

(Ảnh minh hoạ).

Trong thời gian World Cup 2022 diễn ra tại Qatar, gia đình anh chị Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị Hương cùng các con say mê với các trận đấu qua truyền hình cũng như hòa mình vào không khí tại sân vận động.

Là những người Việt thuộc nhóm định cư lâu năm nhất tại Qatar thời điểm hiện tại, gia đình anh chị Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị Hương (quê Bắc Giang và Hải Dương) có gần 20 năm sống, làm việc và nên duyên nơi xứ người.

Anh chị đã có hai cháu trai Nguyễn Ngọc Gia Bảo (10 tuổi), Nguyễn Gia Hoàng (8 tuổi) đều sinh tại Qatar và hiện là học sinh trường Philippines School Doha.

Trong căn hộ chung cư hai phòng ngủ ngăn nắp, sạch sẽ ở đường Ibn Huthail, vùng Madinat Khalifa South, thủ đô Doha, chị Hương "giao kèo" với hai cậu con trai phải ‘dành thời gian đọc sách hằng ngày thì mẹ mới cho đi xem bóng đá".

Chị Hương hướng dẫn các con học và khi hai cháu được trường cho nghỉ học trong suốt thời gian World Cup 2022, chị tranh thủ lên Thư viện quốc gia Qatar để mượn nhiều sách về cho con đọc như một hình thức thay thế tạm cho việc đến trường.

Vào mỗi buổi chiều tối, Gia Bảo và Gia Hoàng say mê xem các trận đấu World Cup 2022 qua truyền hình cùng ông bố yêu bóng đá. Anh Nguyễn Văn Long làm nghề xây dựng công trình, từng cổ vũ đội tuyển Việt Nam do HLV Park Hang Seo đá mọi trận đấu ở Qatar trong suốt Asian Cup 2019.

Cả gia đình người Việt dành thời gian đi đến siêu thị Landmark ở đường Al Shamal gần nhà để mua sắm quần áo thể thao, khăn choàng cổ vũ các đội, hòa mình vào không khí World Cup. Anh Long cho biết mua được 25 vé xem các trận World Cup 2022 tại Qatar cho anh và gia đình, đồng thời chia sẻ vé cho một số công nhân Việt Nam yêu bóng đá ở Qatar.

Kỷ niệm vui nhất là cả gia đình mặc đồng phục màu cam của tuyển Hà Lan hay đỏ của tuyển Bồ Đào Nha để ra sân vận động Al Bayt xem bóng đá.

"Cả gia đình ngồi trên khán đài, vẫy cờ Việt Nam chung vui cùng hàng chục ngàn CĐV các nước trong sân vận động World Cup 2022 là kỷ niệm tuyệt vời đối với chúng tôi", anh Long nói.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

KẾT NỐI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CHO CÁC START-UP GỐC VIỆT TẠI SÀN CHỨNG KHOÁN NASDAQ

Vòng chung kết VietChallenge 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại tại sàn chứng khoán NASDAQ (New York) nhằm kết nối các nhà đầu tư cho các start-up gốc Việt trên toàn thế giới…

Ngày 3/12 (theo giờ Việt Nam), tại New York, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức chương trình VietChallenge 2022 nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho các startup gốc Việt trên toàn thế giới.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á, dự kiến đạt khoảng 8% trong năm 2022 nhờ thực hiện các chính sách mở cửa phù hợp sau dịch Covid-19. Do đó, thu hút FDI vẫn đạt kết quả tích cực.

Dù tiếp tục là điểm đến đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới nhưng Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bên ngoài và đứng trước yêu cầu phải tận dụng tốt hơn các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Chính vì vậy, Chương trình VietChallenge 2022 ra đời nhằm tìm kiếm các startup nhiều tiềm năng, có tính tác động lan tỏa tích cực của người Việt trên phạm vi toàn cầu hướng đến phát triển thành các nhóm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiên phong và có các đóng góp quan trọng trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam, với kỷ nguyên của phát triển nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Trải qua nhiều vòng tranh tài, 6 startups xuất sắc nhất, bao gồm bHub (Phenikaa MaaS), Cargoha, CyberPurify, FoodMap, GeneStory, Wareflex Vietnam đã có mặt trong vòng chung kết VietChallenge 2022.

Trong khuôn khổ vòng chung kết, các doanh nghiệp được tập huấn chuyên sâu kỹ năng phát triển kinh doanh, gọi vốn, và tạo lập mối quan hệ với mạng lưới quốc tế trong quá trình khởi nghiệp. Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt lên tới 50.000 USD, các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ cam kết sẽ đầu tư vào 6 doanh nghiệp lọt vào chung kết.

VietChallenge 2022 không chỉ là một sân chơi mà còn giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được học hỏi, tiếp cận nền kinh tế toàn cầu, mở rộng mối quan hệ với các nhà đầu tư, giúp hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh, hướng tới việc giải quyết những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sau đại dịch.

Bà Mai Phan Zymaris, Chủ tịch VietChallenge cho biết, với sự cộng hưởng từ nguồn vốn của các nhà đầu tư, sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam, chất lượng của các đội thi ngày càng cao qua từng năm, và Việt Nam sẽ có những Google, Alibaba, Facebook … trong tương lai gần.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng gặp gỡ và làm việc với một số tổ chức tài chính và quỹ đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ như Bank of America, Tập đoàn Quản lý đầu tư toàn cầu Blackrock và một số chuyên gia, doanh nhân trong lĩnh vực đầu tư, tài chính để thúc đẩy kết nối các nhà đầu tư và doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, về quan điểm thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay sẽ là hợp tác cùng phát triển, ưu tiên các hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao như công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường… thay vì thu hút đầu tư diện rộng như trước đây, và nhấn mạnh vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia chính là đầu mối trực tiếp trong việc hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp hai nước để hiện thực hóa mục tiêu trên.

(Nguồn: VnEconomy)

HƯƠNG BÁNH MÌ VIỆT THƠM GIỮA ĐÀI BẮC

24.11, Đài Bắc mưa tầm tã từ sáng sớm. Từ bến bus Bưu Điện Trung tâm Đài Bắc, tôi lướt thướt quay lại đến đúng bến tàu điện ngầm quận Sỹ Lâm - tính quay lại vườn hoa tuyệt đẹp cạnh Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan hít thở - thở hít. Mà mưa quá, đành trú mưa dưới hiên một tòa nhà. Đài Loan (Trung Quốc) không chỉ là nơi một năm có hàng trăm trận động đất lớn nhỏ, còn là xứ mưa nhiều, lại gió lắm, nên các tòa nhà ở Đài Bắc, như tôi thấy, có một nét rất hay là hiên rộng, có mái che, chắc để người đi bộ trong trời mưa đỡ ướt...

Ngó ngang nhìn dọc ngắm mưa xứ người cuối thu, ngẩng lên thì thấy cờ Tổ quốc thắm tươi và rõ nhất hai chữ thân thương hết mực “Bánh mì”. Nhìn kỹ nữa trên tấm biển hoành tráng cao dễ gần 2 mét, hàng chữ Việt: Lò bánh mì Tàu Ngầm. Hình ảnh hai phụ nữ áo vàng áo đỏ tươi xinh sau những chiếc bánh mì vàng ruộm.

Tự dưng thấy vui rộn ràng. Bánh mì Việt là món ngon khoái khẩu của mình, lại thấy mời chào trân trọng giữa Đài Bắc. Sao lại không nếm thử một phen?

Quên cả ý định đi vườn hoa hít thở khí tươi lành, tôi chôn chân trong mưa chờ một tiếng, đúng 10 giờ rưỡi cửa tiệm mới mở. Bánh gì, loại nào, giá cả trên biển hiệu ghi rõ. Chọn một thập cẩm thử xem. 100 Đài tệ, tầm 80 ngàn đồng. “Bánh chị có bỏ ớt không?”, giọng miền Nam cất lên. “Nhiều ớt nhé em ơi. Người Sài Gòn?”. “Dạ người miền Tây chị! Chị qua chơi hay đi lao động?”, người phụ nữ váy đen, đầu chít khăn đỏ, đeo khẩu trang xanh trả lời, mắt đen lấp lánh ánh vui.

“Chị đi xem cổ vật Trung Hoa ở Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan”, tôi cười.

Bánh mì bỏ bao giấy trao tay tôi. Vỏ giòn, ổ bánh thơm nức, đã to, lại dài phải hết một đoạn cẳng tay tôi, đầy đặn các loại thịt, giò, chả quế, rau thơm, đồ chua, dưa chuột... Một ổ đủ no càng cho hai bữa sáng trưa. Trên bao giấy ghi hàng chữ tiếng Hoa, đại ý “Bánh mì nướng tay tươi mới mỗi ngày” - hàng chữ cho tôi thấy bắt đầu cảm mến cái tình của người bán với ổ bánh mì Việt.

“Ăn được không chị?”, người phụ nữ thứ hai, váy hoa đen trắng, đeo khẩu trang trắng hỏi tôi. “Ngon lắm, vị hơi lạ, có lẽ do nước xốt?”. “Dạ đúng. Nước xốt tụi em nêm chút đỉnh theo vị ở đây”.

Khi Kim Hương và Kim Quyên (là lúc sau hỏi tên, tôi được biết), đồng ý bỏ khẩu trang để chụp tấm hình kỷ niệm, tôi... choáng nhẹ. Họ đẹp, đằm thắm hơn so với ảnh chụp trên biển quảng cáo. Tự dưng nhớ chuyện Hoa hậu H'Hen Niê độc đáo trong bộ cánh bánh mì ở cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ năm 2018, nghĩ, “hai cô Hương, Quyên này đẹp kém gì Hoa hậu đâu. Nếu có thi cuộc thi Hoa hậu bánh mì Việt, thể nào cũng đoạt giải”.

Kim Hương là chủ tiệm. Nghe cô kể: Em người Đồng Tháp nè. Ngày 23.11 là đúng 22 năm em qua Đài Loan. Lấy chồng nè. Vì dịch, 4 năm chưa về, nhưng ngày nào cũng nói chuyện với nhà. Tiệm bánh mới mở. Tụi em tự tay làm hết. Đến tiệm từ 7 giờ sáng. Có em trai đây người Thủ Đức mới qua, phụ việc. Có chị người Hải Dương phụ việc nữa.

Một tiếng qua đi, trời vẫn cứ mưa. Khách loáng thoáng, nhưng chắc toàn khách quen. Người bán không cần hỏi vị, chỉ hỏi số lượng; hoặc hôm nay ăn vị gì thêm. Có bà mua một lúc 3-4 ổ bánh mì thịt. Nhận bánh, ra đến cửa còn ngoái lại cười nói với Kim Hương, Kim Quyên, “Hảo, hảo” (chắc bả khen “Bánh mì Việt ngon quá lắm!” Là tôi cứ thích phiên ra tiếng Việt mình thế!).

Rồi cũng đến lúc tôi chào tạm biệt Hương và Quyên. “Chèng ơi, chị em mình mới chuyện được có chút xíu”, giọng Hương nghe thân thương lạ. “Bánh mì Việt mình ngon héng, chị”.

Quá ngon! Chúc hai em phát tài - như người Hoa nói là “Hồng phát” với bánh mì Việt mình nghen.

(Nguồn: Lao Động)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Cuộc đời trên Biển Hồ; Thùng từ thiện ở Đức; Nhân sự ở Big Tech Singapore; Bẫy cua nâu ở Na Uy ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang