Người Việt hải ngoại: Tưởng niệm vụ Gạc Ma; Tìm ba mẹ cho con gốc Việt; Đối thoại văn hóa ở Pháp; Bị cướp ở Mỹ

Người Việt tại Lào và Thái Lan tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma

(Ảnh minh họa).

Ngày 14/3, cộng đồng người Việt tại Lào và Thái Lan đã cùng tổ chức đại lễ cầu siêu cho 64 chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma vào năm 1988.

Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn Lào-Việt Nam và 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma-Trường Sa đã được tổ chức tại chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane, Lào.

Tham dự buổi lễ có bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; đại diện các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và các chư tăng, phật tử, cộng đồng người Việt Nam cùng đông đảo các em học sinh, sinh viên đang sinh sống, học tập tại Lào.

Phát biểu tại đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa xúc động chia sẻ, chúng ta có được tự do như ngày hôm nay phải nhớ đến công ơn của những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một nền độc lập cho nước nhà.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn các thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh, những người được thừa hưởng những tài sản quý giá của nền độc lập tự do mang lại cần khắc cốt ghi sâu công ơn của những người đã ngã xuống, từ đó rèn luyện tu dưỡng bản thân để trở thành những học sinh giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Bà Nguyễn Kim Hoa, một người Việt Nam đã sinh sống tại thủ đô Vientiane hơn 30 năm, cũng không khỏi xúc động khi chia sẻ cảm nhận về buổi lễ cầu siêu.

Bà cho biết: “Trước khi đến buổi lễ, tôi rất hồi hộp, dù sinh sống ở đất nước Lào nhưng tôi vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc, về những gương anh dũng hy sinh ở tất cả mọi thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, cũng như là trong trận chiến đấu ở đảo Gạc Ma”.

Qua sự kiện này, bà Hoa bày tỏ rất tự hào vì đã giúp cho con cháu hiểu rõ hơn về lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Buổi lễ cũng là dịp để nhắc nhở các thế hệ hôm nay về truyền thống anh dũng, bất khuất của cha ông, tự hào, biết ơn và trân trọng những người đã sẵn sàng xả thân, anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Em Trần Quốc Toàn, sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia Lào, chia sẻ: “Là thế hệ trẻ, em cảm thấy hoạt động này mang ý nghĩa rất lớn, để chúng em tưởng nhớ, tri ân các anh hùng và nâng cao thêm lòng yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào, trụ trì chùa Phật Tích kêu gọi thế hệ trẻ phát huy truyền thống của cha anh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa thiêng liêng, để dân tộc Việt Nam mãi trường tồn.

Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh, đây cũng là dịp để các tăng ni, phật tử và cộng đồng người Việt tại Lào bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc cha mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc những người con trung kiên, bất khuất, trọn đời vì nước, vì dân.

Trong không khí thiêng liêng của buổi lễ, các phật tử thành kính thắp những ngọn nến và thực hiện các nghi lễ cầu siêu để tưởng niệm, cầu nguyện cho anh linh các anh hùng liệt sĩ siêu thoát.

Cùng ngày, Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan, đã tổ chức đại lễ cầu siêu tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma năm 1988 và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, đồng bào tử nạn trong chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.

Buổi lễ diễn ra tại chùa Khánh An, một ngôi chùa Việt tại tỉnh Udon Thani, có sự tham dự của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” cùng một số thành viên câu lạc bộ đang có chuyến công tác tại đây và đại diện cộng đồng kiều bào tại tỉnh Udon Thani.

Đây là lần đầu tiên, các thành viên Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” được tham dự đại lễ cầu siêu do cộng đồng người Việt ở Thái Lan tổ chức để tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma cách đây 35 năm.

Tất cả đều xúc động và khâm phục sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, chia sẻ: “Chúng tôi bồi hồi xúc động vì đây là một nghĩa cử rất cao đẹp nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ đi sau, đồng thời tri ân những người đã ngã xuống cho độc lập tự do của đất nước".

Bắt đầu từ năm 2016, cộng đồng người Việt tại Udon Thani đã tổ chức đại lễ cầu siêu tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng bào tử nạn qua các thời kỳ.

Hoạt động thường niên này cũng là dịp để bà con đoàn kết, hướng về quê hương, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền, biển đảo của nước nhà.

Lễ cầu siêu tưởng nhớ 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma cũng là lời nhắc nhở thế hệ trẻ người Việt tại Udon Thani nói riêng và tại Thái Lan nói chung về truyền thống ơn nghĩa với những người có công với non sông đất nước, trong đó có những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Người mẹ Ireland mong tìm ba mẹ ruột cho con gái gốc Việt 6 tuổi

Ròng rã 4 năm qua, bà Karen, người phụ nữ Ireland với mái tóc bạch kim óng ả, vẫn miệt mài trên hành trình tìm lại gia đình ruột cho cô con gái nuôi 6 tuổi Kahlia.

Sẽ không biết trả lời con thế nào

Ở tuổi 47, thời gian như bỏ quên bà Karen Farrell khi vẻ ngoài xinh đẹp như "búp bê" còn bên trong là trái tim nhân hậu và quảng đại. Bà nhớ như in ngày 6.7.2018, khi chính thức nhận nuôi bé Phạm Thùy Lan Nhi. Cô bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trước đó vào 15.7.2016 bị bỏ lại và được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Gò Vấp. "Tôi đã luôn muốn nhận nuôi một đứa con", bà nhớ lại.

Lần đầu tiên thấy Lan Nhi, Karen chắc chắn rằng cô bé ấy sẽ là con gái của mình vì cảm nhận được một mối liên kết đặc biệt. Cuộc đời của Lan Nhi chính thức sang một trang mới tươi sáng hơn ở thủ đô Dublin của Ireland, với cái tên Kahlia mà mẹ nuôi đặt cho. "Kahlia, một từ xuất xứ từ tiếng Hawaii có nghĩa là "mong ước từ lâu của tôi". Chính phủ VN thật tuyệt vời và tất cả những người trong trại trẻ mồ côi cũng vậy, tôi không biết dùng từ nào để cảm ơn họ cho hết!", người mẹ xúc động.

5 tháng sau khi nhận nuôi con, bà Karen nói rằng bản thân cảm thấy sẽ tốt hơn nếu Kahlia biết gia đình ruột thịt của mình. Nhận thấy con là một cô bé thông minh và nhạy cảm nên người mẹ sợ rằng một thời điểm nào đó khi lớn, Kahlia sẽ đặt nhiều câu hỏi về cội nguồn của mình và bà không thể trả lời. Đó là điều làm trái tim người mẹ đau đớn. "Kahlia rất tự hào là người VN và tôi khuyến khích con tìm hiểu về văn hóa cội nguồn. Chúng tôi có nhiều người bạn VN ở Ireland bởi có một cộng đồng người Việt rất lớn sống ở đây, họ tốt bụng và thân thiện. Kahlia xứng đáng được biết con đến từ đâu và cha mẹ con là ai, mọi đứa trẻ đều như vậy. Gia đình chúng tôi ở Ireland - ông bà, chị gái, cháu gái và cháu trai của tôi rất biết ơn mẹ ruột của Kahlia vì giờ đây chúng tôi có Kahlia như một phần của gia đình và con bé rất được yêu thương. Chúng tôi là gia đình may mắn nhất trên thế giới vì có con bé", bà Karen trải lòng.

Chờ một phép màu

Ròng rã nhiều năm, Karen vẫn không thôi hy vọng trên hành trình tìm kiếm ấy, từ việc tra thông tin trên "ngân hàng DNA" đến việc nhờ sự hỗ trợ của mạng xã hội nhưng vẫn chưa có kết quả.

Biết được kiến trúc sư Đỗ Hồng Phúc (27 tuổi, ngụ TP.HCM), người hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài tìm kiếm nhân thân, bà Karen đã chủ động liên lạc và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình.

Anh Phúc cho biết theo giấy tờ nhận nuôi được người mẹ gìn giữ cẩn thận, mẹ ruột Kahlia khi đó khai tên Phạm Thị Thùy Dương, địa chỉ ở Phú Thọ Hòa (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú). Theo đó, bà Dương sinh năm 1986, làm nghề uốn tóc. Dù anh đã đến địa chỉ này để xác minh, nhưng không có kết quả. "Tôi sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình để giúp đỡ 2 mẹ con. Hy vọng với những manh mối ít ỏi, phép màu sẽ xảy ra. Tôi tin là chỉ cần không bỏ cuộc, thì chắc chắn sẽ có kỳ tích. Mong rằng ai có thông tin về gia đình Kahlia, hãy liên hệ tôi qua số điện thoại 0569305323. Vô cùng biết ơn!", vị kiến trúc sư bày tỏ.

Cùng mẹ đến VN trong lần nhận nuôi Kahlia, bà Karen cho biết mẹ con bà đều thích mọi thứ ở đất nước này. Họ nói rằng ở VN, mọi người rất thân thiện và nó thực sự giống như một ngôi nhà thứ hai. Theo kế hoạch, họ sẽ sang đây vào năm tới vì bà Karen nghĩ điều này thực sự quan trọng đối với Kahlia, khi con đã đủ nhận thức. Thời gian tới, người mẹ cho biết sẽ cho Kahlia sớm bắt đầu các lớp học tiếng Việt để không quên đi nguồn cội.

Bà Karen sống độc thân, nhận con nuôi. Người phụ nữ cười nói điều này là bình thường ở Ireland. Với công việc kế toán và dạy lớp lego cho trẻ em từ 3 - 12 tuổi, bà hạnh phúc với cuộc sống cùng con gái nhỏ và luôn đau đáu tìm cha mẹ ruột cho con gái mình.

(Nguồn: Thanh Niên)

Nghệ sĩ gốc Việt đối thoại với khán giả về phát huy bản sắc văn hóa trên đất Pháp

(Ảnh minh họa).

Chiều 14/3 (giờ địa phương) tại Bảo tàng Quai Branly - Jacques Chirac (thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp), đã diễn ra cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa một số nghệ sĩ Pháp gốc Việt với khán giả về những nỗ lực gìn giữ và phát huy tinh thần, bản sắc Việt trong các tác phẩm và công trình nghiên cứu.

Nhân dịp này, khán giả và những người đam mê văn hóa Việt đã có dịp lắng nghe câu chuyện cuộc đời, tâm tư và cả trải nghiệm chuyên môn của các diễn giả như bà Eva Nguyen Binh, Đại sứ và Chủ tịch Viện Pháp; ông Clément Baloup, tác giả truyện tranh; họa sĩ Hom Nguyen, gửi gắm trong từng công trình.

Tới dự và phát biểu tại cuộc đối thoại có sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng.

Cuộc trao đổi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam. Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện như một sân chơi để gặp gỡ, giao lưu giữa các diễn giả và công chúng, tuy đến từ nhiều ngành nghề, công việc khác nhau nhưng cùng nhau chia sẻ tình yêu đối với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

“Tôi trân trọng khi thấy tình cảm gắn bó với Việt Nam là nguồn cảm hứng trong công việc cũng như cuộc sống của các tác giả. Trên thực tế, những nét tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Pháp là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Hai đất nước, hai dân tộc có chung các nguyên tắc giá trị, trong đó có việc bảo vệ sự đa dạng văn hóa và gắn bó với bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.

Theo họa sĩ Hom Nguyen, văn hóa đóng vai trò như một sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Mỗi gia đình cần phải ý thực được tầm quan trọng của sợi dây văn hóa này trong việc duy trì sự gắn bó giữa các thế hệ tiếp theo với cội nguồn gốc rễ.

Chủ trì buổi gặp gỡ, ông Philippe Charlier, Giám đốc Nghiên cứu và Giảng dạy thuộc Bảo tàng Quai Branly - Jacques Chirac nhấn mạnh, đây là một dịp tốt để các tác giả có thể nhìn nhận những khó khăn trong quá trình sáng tác và nghiên cứu các công trình, tác phẩm có lồng ghép yếu tố văn hóa, để từ đó cải thiện hơn về mặt chuyên môn và có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Cùng ngày, tại Nhà hát thành phố Fontainebleau (cách thủ đô Paris khoảng 70km về phía đông nam), đã diễn ra chuỗi hoạt động giới thiệu về Việt Nam mang tên “Việt Nam trên sân khấu” do Ủy ban Kết nghĩa - hiệp hội được chính quyền thành phố Fontainebleau bảo trợ - phối hợp Studio Thi Koan (văn phòng sản xuất của nhà làm phim trẻ François Bibonne - tác giả của phim tài liệu âm nhạc “Once upon a bridge in Vietnam” (Ngày xưa có một nhịp cầu ở Việt Nam) tổ chức.

Chuỗi hoạt động đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng thành phố Fontainebleau, không chỉ những người bạn Pháp lớn tuổi yêu mến và quan tâm đến Việt Nam, mà còn cả học sinh và thanh niên địa phương đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Mở đầu cho chuỗi hoạt động là Hội thảo chuyên đề về “Quan hệ Pháp-Việt Nam, từ Hội nghị Fontainebleau năm 1946 đến chuyến thăm lịch sử vào năm 2018 của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tới Việt Nam”. Với những kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam, Tiến sĩ Pierre Journoud, giảng viên tại Đại học Paul Valéry Montpellier 3, đã điểm qua những dấu mốc đặc biệt trong mối quan hệ hai nước.

Trong khi đó, Tiến sĩ Amandine Dabat, nhà sử học về nghệ thuật, cháu gái đời thứ năm của vua Hàm Nghi, đã có bài diễn giảng với tiêu đề “Hàm Nghi, vị vua lưu vong, nghệ sĩ tại Alger”, mang tới cho công chúng Pháp một cái nhìn rõ nét hơn về khía cạnh khác đậm chất nghệ sĩ của vua Hàm Nghi vốn ít được nhắc đến từ trước tới nay.

Cũng trong chuỗi hoạt động tìm hiểu về lịch sử, các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc và âm nhạc cổ truyền của Việt Nam đưa công chúng Pháp tới gần hơn với văn hóa dân gian Việt Nam. Đặc biệt, bộ phim tài liệu “Once upon a bridge in Vietnam” (Ngày xưa có một nhịp cầu ở Việt Nam), phản ánh tương đối rõ nét về sự phát triển của thế giới âm nhạc cổ điển phương Tây tại Việt Nam, cũng được trình chiếu tới công chúng trong dịp này.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực tổ chức chuỗi hoạt động của thành phố Fontainebleau, đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam này càng mang ý nghĩa đặc biệt hơn cả khi được tổ chức tại thành phố Fontainebleau - địa danh gắn liền với Hội nghị đàm phán Pháp-Việt Nam tại Fontainebleau và chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946.

(Nguồn: Thời Đại)

Người phụ nữ gốc Việt ở Mỹ bị cướp sau khi rút tiền từ ATM

Nhung Truong, 44 tuổi, người phụ nữ gốc Việt bị tên cướp quật ngã làm tổn thương cột sống, có nguy cơ mất khả năng đi lại. Tên cướp đã theo dõi nạn nhân suốt 37km sau khi rút tiền ở cây ATM tại Houston, Mỹ.

Người phụ nữ gốc Việt Nhung Truong bị tấn công ngày 13.2 ở Houston, Mỹ.

Khoảnh khắc kinh hoàng về vụ tấn công được ghi trong video giám sát cho thấy kẻ tấn công giành giật và đẩy mạnh nạn nhân xuống đất. Ban đầu, nghi phạm bỏ đi nhưng sau đó quay lại và đẩy Nhung Truong xuống đất.

Trong video, có thể thấy tên trộm giật một phong bì có tiền mặt của Nhung Truong từ những món đồ mà người phụ nữ gốc Việt bị rơi ra.

Cảnh sát Houston cho hay, Nhung Truong đã rút tiền từ ATM của ngân hàng Bank of America trên đại lộ Blackhawk ở Houston.

Người phụ nữ gốc Việt bị nghi phạm theo dõi suốt 37km đến một trung tâm mua sắm tại Bellaire vào khoảng 11h30 ngày 13.2.

Gia đình Nhung Truong cho hay, số tiền mà Nhung Truong bị cướp là khoảng 4.300 USD. Bà tiết kiệm số tiền này để về thăm gia đình ở Việt Nam.

Vụ cướp khiến Nhung Truong bị liệt và phải ngồi xe lăn.

"Số tiền đó không phải mất mát lớn mà lớn nhất là chân của bà" - Linh Duong, con gái của nạn nhân chia sẻ.

Nhung Truong là mẹ đơn thân, có 3 con, 13, 15 và 20 tuổi.

"Tôi cảm thấy vừa kinh khủng và buồn. Không biết khi nào chân tôi có thể đi lại được" - bà nói.

Gần một tháng đã trôi qua kể từ vụ tấn công, Nhung Truong vẫn ở trong trung tâm phục hồi chức năng.

Cảnh sát Houston tin rằng, trong vụ này, tên cướp đã nhằm vào nạn nhân từ ATM sau đó theo dõi và rình cơ hội tấn công.

Van Duong, con gái khác của nạn nhân, cho biết, các bác sĩ nói rằng mẹ cô chỉ có 50% cơ hội bình phục hoàn toàn.

Một trang GoFundMe đã được gia đình Nhung Truong lập ra để giúp nạn nhân chi trả phí y tế. Chiến dịch gây quỹ đặt mục tiêu đạt 50.000 USD, và đã được 20.000 USD tới tối 13.3.

Theo cảnh sát Houston, nghi phạm được mô tả là một người đàn ông da màu ở độ tuổi ngoài 20, cao khoảng 1,72m, nặng khoảng 63kg.

Cảnh sát đang kêu gọi sự giúp đỡ của công chúng để xác định nghi phạm.

(Nguồn: Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang